Đặt vấn đề
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, tham gia ngày càng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực của các tổ chức chính trị, xã hội toàn cầu. Qua đó, các trách nhiệm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được đặt ra. Chúng ta tiếp cận với quan niệm về phát triển bền vững: “Hình thành trong sự hoà nhập, đan xen và thoả hiệp của ba hệ thống tương tác là hệ kinh tế, hệ xã hội và hệ môi trường1”. Theo đó, phát triển bền vững không cho phép con người vì sự ưu tiên phát triển của hệ này mà gây ra sự suy thoái, tàn phá đối với hệ khác.
Trong bối cảnh đó, TP Đà Nẵng có những phát triển vượt bậc, được nhận Giải thưởng TP Thông minh lần 2 (Linh Đan, 2021), là sự ghi nhận nỗ lực xây dựng một TP Đáng sống của người dân và chính quyền TP. Với 02 huyện và 06 quận, trong đó quận Sơn Trà là một trong những quận có vị trí quan trọng về kinh tế, có thay đổi mạnh mẽ trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị TP Đà Nẵng trong hơn 15 năm trở lại đây (Khánh Hòa, 2020). Phường Phước Mỹ là một trong những Phường có diện tích lớn (1,9km2) và số lượng dân cư cao (19.889 người số liệu năm 2018), có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – du lịch biển 2.
Giao tiếp ở đô thị phổ biến là giao tiếp theo nhóm sở thích, nhóm nghề nghiệp chứ không phải theo nhóm địa bàn dân cư. Điều này đang dần ảnh hưởng đến mối quan hệ hàng xóm láng giềng – một đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam (Trần Ngọc Thêm, 1998). Việc đề xuất các giải pháp cho KGSHCĐ nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị đang là mối quan tâm hàng đầu. Nghiên cứu và đánh giá vai trò của thiết chế văn hóa giải trí với tương tác xã hội nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng là mong muốn của bài báo.
Thực trạng KGSHCĐ phường Phước Mỹ
Không gian sinh hoạt cộng đồng (KGSHCĐ) tồn tại dưới nhiều dạng: (1) KGSHCĐ truyền thống, (2) Cây xanh công viên, vườn hoa, vườn dạo, (3) Trung tâm văn hóa thể thao, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và (4) Không gian hỗn hợp (Phạm Sĩ Dũng, 2015). Để khai thác hiệu quả KGSHCĐ, tăng tính kết nối điều kiện cần thiết được đặt ra là KGSHCĐ (1) phải được thiết kế thân thiện, an toàn, (2) tạo giá trị riêng, đặc trưng và (3) thu hút được người dân đến trải nghiệm, tận hưởng. Tuy nhiên, KGSHCĐ ở phường Phước Mỹ hiện có: Đình làng, chùa, công viên – cây xanh và nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ)… vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả mong muốn. Cụ thể
- Công trình tôn giáo: Đình làng Mỹ Khê, Chùa Phước Mỹ, Chùa Vạn Thiện: đang được sử dụng, đầu tư đúng mức nên không có hiện trạng xuống cấp;
- Công viên: Hồ Nghinh, Biển Đông, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân TP Đà Nẵng;
- Nhà văn hóa, nhà SHCĐ: Hiện nay trên địa bàn phường có 03 nhà SHCĐ3 phục vụ các hoạt động của người dân trên địa bàn phường;:
Qua khảo sát hiện trạng các KGSHCĐ, có thể đánh giá thực trạng như sau:
- Về số lượng: Còn tương đối ít, có bán kính phục vụ chưa phủ toàn bộ khu vực dân cư trên địa bàn phường và khách du lịch;
- Về quy mô: Diện tích công trình các Nhà SHCĐ khiêm tốn nên chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi sinh hoạt của người dân. Chưa mở cửa thường xuyên dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao;
- Loại hình và không gian chủ yếu là cơ sở vật chất, thiếu các thiết bị (trừ Công viên Biển và Công viên Hồ Nghinh) nên chưa thu hút được người dân.
Cơ sở nghiên cứu
1. Cơ sở lý luận và các khái niệm xã hội
Trong bối cảnh phát triển xã hội, các hình thức tương tác xã hội là giao tiếp (trực tiếp hoặc gián tiếp) giữa xã hội hay cá nhân với cộng đồng. Điều này góp phần xây dựng nên các tiêu chí của chất lượng cuộc sống là sự cảm giác được hài lòng (hạnh phúc) hoặc (thỏa mãn) với những nhân tố của cuộc sống, mà những nhân tố đó được coi là quan trọng nhất đối với bản thân một con người (R.C. Sharma, 1990). Theo đó, mức sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội được coi là yếu tố quan trọng để tạo ra chất lượng sống của cư dân đô thị. Ở Việt Nam, các nghiên cứu xã hội đã chỉ ra mối quan hệ tương tác xã hội là một trong những nhân tố ảnh hưởng chính đến sức khoẻ tinh thần cộng đồng (Nguyễn Quý Thanh, 2015). Nghiên cứu của các nhà xã hội học cũng chỉ ra mối quan hệ cộng đồng tồn tại trong xã hội nông thôn, nơi có nhiều người biết nhau nhiều hơn. Ngược lại, quan hệ xã hội chỉ những mối quan hệ trong xã hội trong đô thị rộng lớn, nơi con người không quen biết nhau hoặc biết nhau chỉ trong một lĩnh vực nào đó (Georg Simmel, 1903). Trong bối cảnh đô thị hiện đại, “tình làng nghĩa xóm” dần bị biến đổi, mờ nhạt, thậm chí là bị thay thế bởi các hệ quan niệm khác.
Qua khảo sát xã hội học, nghiên cứu cho rằng cấu trúc cộng đồng cư dân đòi hỏi tổ chức không gian công cộng một cách hợp lý, linh hoạt, có hiệu quả cho mô hình đơn vị ở có sẵn đang được sử dụng hiện nay (Phạm Trọng Thuật, 2002). Hay nghiên cứu tập trung vào nhóm nhà ở cao tầng với quy mô 1500-3000 dân – điều mà các đô thị phát triển như Đà Nẵng đang rất quan tâm – để phát hiện nhu cầu sử dụng KGSHCĐ của từng cư dân. Cụ thể, gồm có 06 nhóm không gian trống trong nhà ở phục vụ các chức năng như hội họp, ma chay, cưới xin, sinh hoạt theo sở thích, nơi trao đổi và cập nhật thông tin. Đây là những nhu cầu thật sự thiết yếu của cộng đồng trong đời sống đô thị (Nguyễn Văn Hải, 2005). KGSHCĐ ở đô thị là một hệ thống 3 cấp từ đơn vị ở, khu vực đô thị tới TP với tính chất đa dạng từ vỉa hè ngõ phố đến công viên TP và được sử dụng theo tiêu chí: Tầng bậc, lứa tuổi. Chính vì vậy, đòi hỏi KGSHCĐ có 05 yêu cầu là: Thu hút được hoạt động của con người; tạo cảm giác an toàn tâm lý và điều kiện an toàn vật lý; giao thông thuận tiện cho đi bộ và kết nối đường phố; sắp xếp kiến trúc, tiện nghi đô thị và mỹ thuật công cộng trong không gian cộng đồng hợp lý thành 1 thể thống nhất; đảm bảo liên hệ KGSHCĐ với kiến trúc xung quanh (Khương Văn Mười, 2014). Đối với các khu vực có lối sống còn đậm nét ảnh hưởng của văn hoá làng xã, thì tổ chức KGSHCĐ cần chú trọng mối liên hệ giữa con người (cá nhân và cộng đồng) với địa điểm cư trú hơn là những điều kiện tiện nghi và giải pháp tổ chức không gian thông thường (Phạm Hùng Cường, 2000). Và tổ chức đô thị theo cấp bậc từ nhà ở, nhóm nhà (Nguyễn Văn Hải, 2005), đơn vị ở đến khu ở đòi hỏi các KGSHCĐ có tính chất và cấu trúc khác nhau (Trần Đức Quang, 2008).
Có thể thấy, các nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra mối quan hệ của cấu trúc xã hội, quan niệm, lối sống và tổ chức đô thị có ảnh hưởng đến việc tổ chức KGSHCĐ một cách hiệu quả. Đòi hỏi các nhà quản lý, quy hoạch và xây dựng đô thị nghiên cứu và đề xuất cách thức tổ chức KGSHCĐ một cách phù hợp nhất.
2. Đô thị sống tốt và các tiêu chí đánh giá
Đến thời điểm hiện nay, chưa có một định nghĩa chính xác cho khái niệm đô thị sống tốt là gì. Nhưng cũng có thể hình dung được, đó là không gian nơi chốn mà con người được phát huy tối đa khả năng của mình để học tập, phát triển bản thân và xây dựng xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, TP sống tốt là TP hướng đến chất lượng sống của cộng đồng, đáp ứng những tiêu chí cơ bản người dân quan tâm. Cụ thể, gồm những tiêu chí: (1) đảm bảo sự phát triển của cá nhân; (2) cung cấp môi trường sống tốt; (3) phát triển đời sống văn hoá, xã hội, cộng đồng: (i) cộng đồng năng động và xã hội dân sự; (ii) quản lý đô thị có sự tham gia của cư dân; (iii) tập quán và tiện nghi văn hoá; (iv) cộng đồng, không gian công cộng và không gian chung của TP (Douglass và cộng sự, 2006).
Vì vậy trong đô thị hiện nay, việc tạo lập các không gian cộng đồng nhằm tăng tương tác của con người với nhau (tiêu chí 3) cần phải được chú trọng. Các không gian này nếu được quan tâm, đầu tư đúng nghĩa thì đời sống tinh thần của con người trong đô thị sẽ được cải thiện, đặc biệt là các mối quan hệ xóm giềng, khu dân cư. Ngoài ra, tùy mỗi địa phương có tập tục và quan niệm sống khác nhau sẽ hình thành thói quen, đặc thù riêng… biểu hiện bằng các hành động, ý thức trong các hoạt động tại KGSHCĐ, góp phần vào hình thành các giá trị đặc trưng riêng. Tại các không gian này, các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt tiếp tục được phát huy, mỗi cá nhân qua đó được giáo dục để tự điều chỉnh hành vi không bằng các khuôn mẫu ứng xử… Có thể nói, các KGSHCĐ sẽ góp phần giúp con người gắn kết lại với nhau, gia tăng mối quan hệ cộng đồng xã hội (xóm giềng), giúp khu vực sinh sống được phát triển toàn diện, từ đó góp phần phát triển đời sống tinh thần xã hội một cách bền vững.
3. KGSHCĐ trong đô thị
Theo quan điểm các nhà quy hoạch, tổ chức không gian cộng đồng là giúp cư dân có thể kiểm soát được những không gian sinh hoạt ngoài nhà của họ (Oscar Newman, 1996) trong đó có các nguyên tắc chuyển tiếp không gian từ riêng tư đến bán riêng tư, bán công cộng, công cộng; không nên tạo lập không gian cộng đồng cho một quy mô dân cư quá lớn, làm rời rạc tính cộng đồng, dẫn đến không gian dễ bị bỏ hoang, xuống cấp hoặc lấn chiếm.
Một quan điểm khác nhấn mạnh vào mối quan hệ tương tác qua lại giữa môi trường vật chất và các hoạt động bên ngoài căn hộ của con người, trong đó chú trọng về các không gian dành cho SHCĐ trong khu ở đô thị thì không gian công cộng có tỷ lệ vừa phải và nhỏ, có các nhà ở hướng vào để tập trung hoạt động, tạo ra đời sống cộng đồng sôi động sẽ phù hợp hơn (Gehl Jan, 2006). Hay quan điểm tổ chức không gian công cộng linh hoạt, bổ khuyết cho hệ thống hiện tại trong các khu ở (Phạm Trọng Thuật, 2002) và không gian bán công cộng trong nhóm ở: Không gian trống vạn năng kết hợp với không gian nghỉ ngơi giải trí khoảng 300 – 500m2 và các giải pháp bố cục không gian nhóm nhà ở cao tầng nhằm đảm bảo chất lượng các không gian trống trong nhóm.
Với các quan điểm tổ chức không gian công cộng, các đô thị phát triển bên cạnh việc phát triển các công trình quy mô lớn (bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa…) thì các không gian nhỏ vẫn luôn được chú trọng. Cụ thể như Les arches tại Paris – Pháp, đây là không gian SHCĐ với các chức năng giao lưu văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật rất ấn tượng nhờ tận dụng lại không gian dưới gầm một cây cầu cạn ở thủ đô Paris. Hay khu vực sàn – tầng trệt của các toà nhà chung cư Singapore được sử dụng để tạo không gian chung cho người dân.
Trong khi đó, một cách tiếp cận khác là cải tạo mạnh mẽ các khu đô thị cũ, như cách Cửu Long Trại Thành của Hồng Kông. Năm 1992, Cửu Long Trại Thành bị xóa sổ. Một công viên được xây dựng trên nền khu dân cư cũ, ngày nay trở thành một địa điểm du lịch của Hồng Kông.
Ở Việt Nam, thời gian qua, các KTS trẻ đã dành nhiều sự quan tâm, cùng với chính quyền và người dân xây dựng nhiều KGSHCĐ kiểu mới, góp phần nâng cao các giá trị văn hóa địa phương. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An – Quảng Nam), Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Không gian thân thiện Tre và đất (Quảng Ninh)… Một số không gian cộng đồng được tạo lập bằng các hàng rào, lối đi, tường nhà qua trang trí hình vẽ với màu sắc rực rỡ đã tạo ra hiệu quả tích cực, là nơi để người dân tiếp xúc với nghệ thuật, giao tiếp với nhau, thúc đẩy các hoạt động du lịch, khám phá của du khách…
Đề xuất các giải pháp về tổ chức KGSHCĐ
Qua nghiên cứu, hiện nay có một số mô hình tổ chức KGSHCĐ có thể ứng dụng trong quy hoạch đô thị:
- Tổ chức KGSHCĐ theo kiểu tập trung: Là hạt nhân trung tâm liên kết với các KGSHCĐ ở cấp độ nhỏ hơn bằng các tuyến đi bộ, vỉa hè và cây xanh. Hình thức này có ưu điểm: tạo không gian mang tính hướng nội, đảm bảo các điều kiện tiện nghi cao cho môi trường ở, phù hợp với những đô thị lớn, có mật độ cao. Có thể tham khảo mô hình Nhà ở Chung cư ở Singapore đã nêu ở trên, công viên tổ hợp với các khối nhà như những thành phần công trình trong công viên, tạo nhiều không gian mở cho đô thị.
- Tổ chức KGSHCĐ theo kiểu tuyến tính: Có vai trò như một hành lang liên kết nối liền các KGSHCĐ ở cấp độ nhỏ hơn với nhau. Hình thức này có ưu điểm là: Khả năng phát triển và đầu tư linh hoạt; sử dụng các yếu tố tự nhiên hình thành nên đặc trưng; xây dựng kết hợp với bảo tồn tự nhiên; đảm bảo sự thụ hưởng gần như nhau đối với mọi thành viên cộng đồng và tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho từng khu vực… vì tính linh hoạt cao nhờ kéo dài và kết nối với các tuyến khác, nên mô hình này phù hợp với quy mô đô thị Đà Nẵng có địa hình tự nhiên (sông, biển kéo dài và chia cắt TP). Như vậy, KGSHCĐ sẽ được tổ chức như một tuyến nằm bên trong khu ở hoặc đường viền khu ở.
1. Giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc
Với các công trình Nhà SHCĐ hiện có, nghiên cứu giao thông tiếp cận kết nối với bán kính phục vụ người dân trong khu vực. Dựa trên các tuyến đường kết nối, tổ chức hành lang xanh, giao thông xanh để cư dân đi bộ đến nhà SHCĐ một cách thuận tiện nhất. Cụ thể: (1) Tổ chức không gian đi bộ cảnh quan hoặc phố thương mại tạo thành một mạng lưới giao thông đi bộ thuận lợi trong phạm vi các nhóm nhà và từ nhóm nhà; (2) Chú trọng không gian đi bộ với nhiều hoạt động thương mại đặc trưng trên tuyến phố. Đầu tư xây dựng các công trình thân thiện với tầng trệt là sân chơi thiếu nhi, hạn chế các ngăn cách, hàng rào và tạo điều kiện để người dân tiếp cận. Hình thức kiến trúc mang nét đặt trưng văn hóa hoặc ấn tượng để thu hút người sử dụng, tạo điểm nhấn cho khu vực dân cư.
Đối với khu công viên, khu vui chơi: (1) Tổ chức thêm các KGSHCĐ có quy mô phù hợp gần những khu ở mật độ cao, các trung tâm hoạt động, cửa hàng, và đầu mối giao thông. (2) Duy trì các giá trị tự nhiên sẵn có (cây xanh, địa hình, di tích…) phù hợp với nhu cầu của KGSHCĐ.
2. Giải pháp tổ chức, quản lí
KGSHCĐ tại các khu đô thị là một tiện ích cộng đồng, và cộng đồng là người hiểu rõ nhất không gian này cần cho các hoạt động gì. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thiết kế là yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công. Các giải pháp khảo sát, thu thập ý kiến người dân, đặc biệt là những người sử dụng KGSHCĐ tại các khu đô thị cũ, sẽ góp phần xây dựng và quản lý KGSHCĐ hiệu quả.
Trong điều kiện đô thị tiếp tục chỉnh trang, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các giải pháp kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng các KGSHCĐ là cần thiết, tạo động lực thúc đẩy sự đầu tư của cộng đồng nhằm cải thiện môi trường ở của chính họ. Cần huy động nhân lực của cộng đồng trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng và duy trì các KGSHCĐ. Điều này một mặt làm giảm chi phí xây dựng và vận hành của dự án, mặt khác nó giúp cho việc gia tăng mối liên hệ giữa các thành viên của cộng đồng với nhau và giữa các thành viên cộng đồng với KGSHCĐ mà họ tham gia thiết kế, xây dựng và sử dụng.
3. Đề xuất giải pháp đối với phường Phước Mỹ
Nằm xen lẫn trong các khu dân cư trên địa bàn phường Phước Mỹ có các KGSHCĐ hiện hữu, như nhà sinh hoạt cộng đồng khối Mỹ Hiệp, khối Mỹ Thạnh, công viên Hồ nghinh, công viên biển Đông,… Những không gian này đều đang rất cần được cải tạo để có thể thu hút người dân tham gia.
Đối với 03 nhà SHCĐ trên địa bàn phường Phước Mỹ, với mặt bằng khu vực đã có sẵn và định hình các khu vực chức năng, đề xuất (1) cải tạo công trình và hạ tầng sân bãi hiện có, bố trí thêm các không gian xanh, tạo bóng mát bên trong công trình; (2) tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý công trình, thời gian mở cửa, tham gia của người dân đòi hỏi tổ chức nhiều hoạt động phong phú và linh hoạt hơn; (3) nghiên cứu và xác định phạm vi phục vụ của nhà SHCĐ đối với cư dân chung quanh, tổ chức giao thông kết nối thuận tiện để người dân tham gia. Đối với 02 công viên lớn, hiện trạng cây xanh và thiết bị đã được bố trí đầy đủ, được người dân, du khách sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, với gần 20 nghìn dân sinh sống, KGSHCĐ trên địa bàn phường cần được nghiên cứu, xây dựng thêm, nhất là trong các khu dân cư theo kiểu lô phố. Chính quyền nên có các biện pháp giải tỏa một số hộ dân để lấy đất làm khuôn viên, vườn dạo, không gian vui chơi cho trẻ em, người lớn tuổi, là nơi giao tiếp của dân cư trong khu vực sinh sống, giúp tăng tình cảm hàng xóm láng giềng. Cụ thể như phương án đề xuất: Dựa trên quan niệm của Christopher Alexander, tác giải cũng đề xuất cấu trúc cộng đồng gồm 3 lớp. trong đó, Lớp 1: 5-10 hộ gia đình (dưới 15 hộ); Lớp 2: khoảng 80 hộ dân (Theo tổ dân phố), tương đương với cấp độ “cộng đồng láng giềng” (neigborhood) và Lớp 3: dưới 4000 người, tương tự “cộng đồng chính trị”. Như vậy, trong không gian phường Phước Mỹ, tập trung xác định các khu vực được quy hoạch lô phố, tổ chức các KGSHCĐ cho 15 hộ gia đình: Phạm vi 16 hộ, bỏ trống 1 lô đất để làm không gian sinh hoạt chung cho nhóm.
Kết luận
Qua nghiên cứu các cơ sở lý luận và tình hình thực tiễn tại phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, KGHSCĐ đã được chính quyền TP và người dân quan tâm, tuy nhiên, nếu được đầu tư và tổ chức tốt hơn, các KGSHCĐ góp phần tăng tương tác giữa người với người trong khu vực, tăng mức độ cố kết của dân cư, từ đó có thể nâng cao chất lượng sống của người dân, vì liên kết xã hội và cố kết cộng đồng chính là sức mạnh và giá trị của xã hội. Bài báo đề xuất một số giải pháp cụ thể thông qua nghiên cứu và khảo sát xã hội học đối với việc tổ chức KGSHCĐ trên địa bàn phường Phước Mỹ để hướng đến quan điểm chung là phát triển vì con người, vì cộng đồng, văn hoá, trong đó khai thác khái niệm “tình làng nghĩa xóm” là nét đẹp trong lối sống, đời sống của cộng đồng dân cư Việt, là giá trị bền vững cần được giữ gìn.
TS.KTS. Phan Bảo An
ThS.KTS. Nguyễn Thị Khánh Vy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)
Ghi chú
1. Hội nghị về Môi trường toàn cầu RIO 92 và RIO 92+5
2. Bãi biển Mỹ Khê, Phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh năm 2005.
3. Nhà SH Mỹ Thạnh: 260 Hồ Nghinh, Nhà SH Mỹ tân: 60 Thạch Lam, Nhà SH Mỹ Hiệp: 65 Tô Hiến Thành.
Tài liệu tham khảo
1. Gehl Jan. (2006) – “Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc, LIFE BETWEEN BUILDINGS”. Hà Nội: Xây dựng và Healthbridge Canada.
2. Khánh Hòa. (2020, 12 14) – “Khẳng định vị thế địa bàn trọng điểm du lịch, dịch vụ”. Retrieved from Báo Đà Nẵng: https://ift.tt/FAMq8cm
3. Khương Văn Mười. (2014) – “Nhu cầu KGSHCĐ của người dân đô thị ở ba miền Bắc – Trung – Nam”. Tạp chí Sài Gòn Đầu tư và Xây dựng, TP HCM.
4. Linh Đan. (2021, 12 18) – “Đà Nẵng lần thứ 2 nhận Giải thưởng TP thông minh Việt Nam”. Retrieved from Báo Đầu tư: https://ift.tt/HUyBdxI
5. Nguyễn Văn Hải. (2005) – “Giải pháp Quy hoạch-Kiến trúc nhằm nâng cao chất lượng không gian ở tại các Khu đô thị mới Hà Nội”. Hà Nội: Luận Án Tiến sĩ.
6. Oscar Newman. (1996) – “Creating Defensible space”. U.S: Department of Housing and Urban Development .
7. Phạm Hùng Cường. (2000) – “Đơn vị cộng đồng và việc áp dụng mô hình cấu trúc – Đơn vị ở có ranh giới là không gian mở”. Tạp chí Kiến trúc.
8. Phạm Sĩ Dũng. (2015) – “Không gian cộng đồng, khái niệm cần được nhìn nhận”. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 34.
9. Phạm Trọng Thuật. (2002) – “Tổ chức không gian công cộng trong đơn vị ở đô thị tại Hà Nội”. Hà Nội: Đại học Kiến trúc Hà Nội.
10. R.C. Sharma. (1990) – “Dân số, tài nguyên, môi trường và chất lượng cuộc sống: Sách hướng dẫn về các lĩnh vực sư phạm và cơ sở kiến thức của giáo dục dân số”. (Đ. T. Bình, Trans.) Delhi-Ấn độ: Dhandat Rai & Sons.
11. Trần Đức Quang. (2008) – “Tổ chức KGSHCĐ tại các khu ở mới tại TP Đà Nẵng”. Hà Nội: Luận văn Thạc sĩ Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
12. Trần Ngọc Thêm. (1998) – “Cơ sở Văn hóa Việt Nam”. HCM: Tổng hợp.
13. Trương Ngọc Lân. (2018) – “Tổ chức KGSHCĐ xóm giềng cho các khu ở đô thị tại Hà Nội”. Luận án Tiến sĩ Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội.
The post Ðánh giá và đề xuất giải pháp tổ chức Không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ATZnPlq
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét