Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Diễn biến bộ khung gỗ trong kiến trúc cổ truyền của người Việt

Cho đến nay, bộ khung gỗ trong các di tích của người Việt ở Bắc bộ mới tìm thấy được các chạm khắc mang phong cách từ thời Trần, đến thời Lê Sơ bị khuyết thiếu và từ thời Mạc đến thời Nguyễn còn phổ biến hơn. Ở vùng Bắc Trung Bộ, những điêu khắc trang trí trên cấu kiện gỗ mang phong cách nghệ thuật vào cuối thế kỷ 17 ở tỉnh Thanh Hóa. Đến Nghệ An, Hà Tĩnh thì chỉ còn ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và từ Trung Trung bộ trở vào mang phong cách nghệ thuật ở thời Nguyễn.

Bộ khung gỗ thời Trần

Các cấu kiện kiến trúc trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt có niên đại sớm nhất mới tìm thấy ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê (Hà Nội) mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Bộ khung gỗ thời kỳ này được dựng trên bốn hàng cột, gồm 1 gian 2 chái. Kết cấu được làm khá thống nhất với vì nóc kiểu giá chiêng, vì nách kiểu cốn chồng rường, liên kết hiên sử dụng bẩy chéo. Cấu tạo của vì bao gồm các cấu kiện như câu đầu, trụ trốn, con rường, đấu kê, ván nong, cốn… Các cấu kiện này được liên kết với nhau bằng các mộng và truyền tải trọng xuống hệ cột.

Vì nóc được làm kiểu giá chiêng, với câu đầu gối mộng trên hai đấu kê, rồi truyền tải trọng trên đầu hai cột cái lớn. Lồng giữa hai trụ trốn là một ván lá đề (hình quầng lửa nhọn đầu hay giọt nước ngược), ván này chỉ mang tính chất trang trí. Cùng với trang trí chạm khắc ở hai trụ trốn của giá chiêng đã làm nhẹ bớt sự thô mập của các cấu kiện. Phía ngoài trụ trốn được bưng ván dày mang chức năng đỡ hoành. Muộn hơn về sau, ván bưng này được thay bằng hai con rường cụt ăn mộng vào trụ trốn. Ngoài ra, ở các công trình hiện còn chưa thấy các vì lửng như ở thời Mạc.

Vì nách nối giữa cột cái và cột quân sử dụng kiểu cốn chồng rường và các ván nong, các con rường chồng lên nhau qua các đấu, ở giữa gắn các ván nong tạo diện trang trí. Đỡ mái hiên ở thời kỳ này sử dụng các bẩy chéo, trên các bẩy thời kỳ này chưa xuất hiện các tàu mái như ở chùa Bối Khê (Hà Nội), hiện tượng xẻ tàu mái xuất hiện vào thời kỳ sau này.

Bộ khung gỗ thời Mạc

Vào thời kỳ này, các bộ vì vẫn sử dụng kết cấu bốn hàng chân cột. Những cột có niên đại sớm (từ thế kỷ 16) thì thường có đường kính thân cột khá lớn (tới 70 hoặc 72cm), nhưng cao nhất cũng chỉ hơn 4m. Niên đại càng muộn thì đường kính thân cột càng giảm, ngược lại chiều cao càng tăng. Kiểu liên kết trong các vì tương tự như thời Trần. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng lòng công trình, nên đến thời Mạc kết cấu giá chiêng phần nào thay đổi. Bộ mái bè hơn, khiến trụ trốn của giá chiêng ngắn lại. Thực chất, kết cấu này đã nới rộng không gian mặt bằng, do tăng thêm hai gian phụ. Tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng giá chiêng của vì nóc ở các di tích có niên đại sớm thường bằng khoảng 1/3. Ngoài vì chính ở gian giữa còn có các vì lửng ở gian bên, đứng lực trên hai cột trốn và cột trốn này được tì lực lên xà đùi.

Vì nách vẫn tiếp thu lối kiến trúc của thời kỳ trước, chủ yếu được làm theo kiểu chồng rường, rường trên cùng là đuôi của đầu dư bằng hình thức xẻ đầu cột để liên kết. Tất cả các cấu kiện trên đều dồn lực xuống xà nách ăn mộng vào cột cái và cột quân, mang hình thức như nửa câu đầu. Kiến trúc thời Mạc vẫn chưa chú ý vươn theo chiều cao, ở hiên vẫn sử dụng kiểu bẩy chéo, với đầu bẩy khá dài, to và thấp so với mặt nền. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bộ khung gỗ thời Mạc hầu như chưa có “tàu mái” để tạo nên hiện tượng cong góc mái của bộ khung.

A3. Vì nóc giá chiêng chùa Hương Trai (Hà Nội)
(Nguồn: VBTDT)
A4. Vì nách chồng rường đình Tây Đằng (Hà Nội)
(Nguồn: VBTDT)

Bộ khung gỗ thời Lê Trung Hưng

Nếu ở các thời kỳ trước, bộ khung gỗ chủ yếu sử dụng 4 hàng cột, thì đến thời Lê Trung Hưng được sử dụng đa dạng hơn. Ngoài kết cấu 4 hàng cột thì có 5 hoặc 6 hàng cột. Hệ vì ngoài kiểu giá chiêng, chồng rường, bẩy chéo, còn xuất hiện các dạng thức khác như cốn chồng rường, ván mê, kẻ và nhiều dạng biến thể khác, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân gian.

Ngoài những vì nóc được tạo kiểu giá chiêng như ở thời Trần, Mạc, đến thời Lê Trung Hưng kiểu vì giá chiêng được sử dụng nhiều nhất và cũng có nhiều biến thể nhất trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt, kéo dài từ vùng Bắc Bộ cho đến hết vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Kiểu vì này có những biến thể như giá chiêng – chồng rường, giá chiêng – chồng rường – con nhị… Từ giữa thế kỷ 17, vì nóc kiểu giá chiêng vẫn được sử dụng tương đối phổ biến, nhưng hầu như không còn ván bưng ở hai bên trụ trốn, mà thay bằng hai con rường để đỡ hoành. Giữa lòng giá chiêng không sử dụng ván lá đề như ở thời Mạc, mà thay vào đó là những ván hình chữ nhật, hoặc được chạm cách điệu như ở đình Văn Xá (Hà Nam), đình Hạ Hiệp (Hà Nội)… Các giá chiêng gần như vuông, tỉ lệ chiều cao và chiều rộng của giá chiêng về sau khoảng 2/3 hoặc 3/4, thậm chí chiều cao lớn hơn chiều rộng. Đến cuối thế kỷ 17, trong xu hướng mở rộng lòng công trình, mái đẩy lên cao đã xuất hiện kết cấu vì nóc theo kiểu giá chiêng – chồng rường – con nhị. Kết cấu này dần trở nên phổ biến vào thời kỳ sau, nhưng càng về sau càng đơn giản, ít trang trí hơn, tính chất to mập của cấu kiện cũng nhẹ đi. Ván lá đề/ván bưng giữa lòng giá chiêng dường như đã mất hẳn, phần không gian ấy để trống, lòng giá chiêng được đẩy lên cao hơn. Rường bụng lợn/con cung cũng không cong vồng lên như trước mà thanh gọn hơn. Câu đầu vẫn theo cách thức của thời kỳ trước nhưng bằng chất liệu gỗ mới (ngoài gỗ mít, còn sử dụng gỗ lim) nên có phần dài và thanh thoát hơn.

Bên cạnh đó, vì nóc kiểu chồng rường xuất hiện sớm nhất ở điện Thánh chùa Thầy (Hà Nội). Rường cụt này gần như thay thế cho trụ trốn, nhưng nó cũng chỉ giữ mối liên kết với các cấu kiện khác thông qua các đấu kê. Các đấu kê giữa các con rường càng về sau càng được làm dầy hơn, cao hơn. Khoảng cách giữa các con rường vì thế cũng ngày một lớn hơn. Kiểu vì chồng rường suốt/rường cánh cũng khá phổ biến ở giai đoạn này, nó có sự kết hợp các con rường được kê lên nhau theo phương nằm ngang qua các đấu kê, mỗi con rường đỡ một hoành mái ở hai đầu. Khác với các vì chồng rường suốt, thì kiểu vì cốn chồng rường cũng được sử dụng phổ biến ở giai đoạn này. Các con rường được kê lên nhau qua các chốt, áp khít vào nhau mà không qua đấu kê, tạo thành bức cốn dày đặc để trang trí chạm khắc như ở đình Hưng Lộc, đền Giao Cù, chùa Phúc Chỉ, chùa Sa Lung (Nam Định)…

Vì nóc kiểu chồng rường – cột trốn (vì nọc ngựa) là kiểu vì biến thể khá độc đáo, bởi có sự kết hợp giữa giá chiêng và chồng rường. Đây là hình thức thu nhỏ của kiểu vì ba hàng chân, xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 ở Hậu đường chùa Thổ Hà (Bắc Giang), đình Trùng Thượng (Ninh Bình), đền Vua Lê (Ninh Bình)…

Vì kèo cọc báng cũng bắt đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ 17 ở đình Tảo Dương (Hà Nội), đình Bằng Cục (Bắc Giang)… Cọc báng thời kỳ này được tạo kiểu trụ trốn có tiết diện hình chữ nhật hoặc hình tròn, hai bên cọc báng được tạo thành các ván trang trí. Cuối thế kỷ 17, từ trụ trốn người ta tạo thêm tay đòn ngang, hoặc có các trụ trốn phụ đỡ đầu các tay đòn ở hai bên trụ trốn chính để tăng cường khả năng chịu lực. Hình thức liên kết này phải đến thời Nguyễn mới được sử dụng phổ biến và thường sử dụng ở các kiến trúc phụ với bào soi vỏ măng là chính.

Vì nóc kiểu ván mê được kết hợp bởi những ván dày và liên kết bởi các chốt/mộng hèm. Thông thường các vì này được để rỗng một khoảng hình chữ nhật ở giữa và dưới cùng chiếm khoảng 1/4 câu đầu. Vì ván mê với độ dày của ván tương ứng vẫn đủ khả năng chịu được lực nén của mái thông qua các hoành với lỗ đỡ hoành được khoét hẳn vào ván (không có dép hoành). So với những vì nóc khác, vì ván mê có niên đại muộn vào khoảng cuối thế kỷ 17 ở đền vua Lê (Ninh Bình), nhưng loại hình này chưa phổ biến. Phải đến giữa thời Nguyễn kiểu vì này mới được sử dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc.

A5. Vì nóc kiểu vì kèo cọc báng ở đình Bằng Cục (Bắc Giang)
A6. Vì nóc kiểu vì kèo cọc báng ở đình Vị Hạ (Hà Nam)
(Nguồn:VBTDT)

Nếu ở thời Trần, Mạc, vì nách được sử dụng kiểu cốn chồng rường, thì sang đến thời Lê Trung Hưng các vì nách đã xuất hiện nhiều dạng liên kết khác như chồng rường, kẻ ngồi, kẻ suốt…

Vì nách kiểu chồng rường: Đầu thế kỷ 17, kết cấu kiến trúc vẫn ảnh hưởng của kiến trúc cuối thế kỷ 16, trong liên kết vì nách vẫn sử dụng các bức cốn. Ở giai đoạn này kiểu vì ba hàng chân cũng xuất hiện phổ biến như Tam quan chùa Cự Trữ, chùa Cổ Chất, chùa Đại Bi (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình)… Kiểu liên kết này là sự lắp ghép của hai bức cốn theo kiểu chồng rường được ốp sát ở hai bên cột cái duy nhất.

Vì nách ngoài sử dụng kiểu cốn, thì thời Lê Trung Hưng còn sử dụng thêm kết cấu kẻ suốt, kẻ chuyền. Kẻ suốt là dầm chính chạy qua ít nhất một hoặc hai bước lòng cột, khóa các đầu trên của các hàng cột trong khung, chịu lực uốn, lực kéo, nhận và truyền tải trọng vào các cột. Ở đây, lực trên thân kẻ là lực phân bố, còn lực ở đầu các cột là lực tập trung (có kẻ ăn mộng lên 2 hoặc 3 đầu cột). Liên kết phía trên với kẻ suốt là ván dong bằng các chốt cố định, hoặc xẻ rãnh để đặt ván dong. Trên ván dong khoét lỗ đỡ hoành mái. Sự có mặt của kẻ suốt cho phép loại bớt xà nách, khiến kiến trúc thoáng hẳn lên. Ngoài ra, kiểu kẻ ngồi bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 như ở Tam quan chùa Keo (Thái Bình), chùa Cự Trữ (Nam Định)… Một đầu ăn mộng vào thân cột cái, chạy xuống rồi ăn mộng vào thân xà nách ở vị trí sát cột quân. Trường hợp này trên lưng kẻ bao giờ cũng đội một ván nong dày khoét lỗ đỡ hoành mái. Phải đến cuối thế kỷ 19 thì hình thức liên kết này mới được sử dụng rộng rãi trong các công trình.

Ngoài sử dụng bẩy chéo ở hiên như thời kỳ trước, thì thời kỳ này xuất hiện kiểu bẩy ngang, kẻ. Do nhu cầu cần nới rộng lòng nhà, người ta đã mở rộng ra hai phía của 2 cột quân bằng cách thêm vào hàng cột hiên. Lúc này mỗi bộ vì sẽ có 6 hàng chân. Liên kết giữa cột quân, cột hiên thường dùng kẻ và hãn hữu mới có công trình dùng kiểu chồng rường kết hợp bẩy chéo ngoài hiên (đình La Cả, chùa Sổ – Hà Nội; đình Đáp Cầu – Bắc Ninh…). Ngoài sử dụng các mộng sập của thời kỳ trước, thời kỳ này còn sử dụng thêm các mộng xuyên ở các bẩy ngang, bẩy bú còn sử dụng cả mộng én.

Bộ khung gỗ trong những di tích hiện còn ở đầu thế kỷ 17 như đình Tường Phiêu, chùa Mía (Hà Nội)… biểu hiện sự ổn định của tàu mái với góc khung gỗ cong, đã giải tỏa sự nặng nề của hệ mái. Điểm đặc biệt ở thời kỳ này là việc mở rộng không gian mái hiên, nên người thợ đã nối thêm kẻ, đa phần có kích thước nhỏ như ở đình Thạch Lỗi (Hải Dương), chùa Yên Viên (Bắc Giang), đình Vĩnh Trụ (Hà Nam)…

Bộ khung gỗ thời Nguyễn

Giai đoạn đầu thế kỷ 19, nhìn chung tất cả những kiến trúc ở giai đoạn này vẫn còn theo phong cách kiến trúc của thế kỷ 18 như Đình Tam Tảo (Bắc Ninh), Đình Quảng Nguyên (Hà Nội), Đình So (Hà Nội), Đình Vĩnh Trụ (Hà Nam)… Từ ngoài nhìn vào vẫn có dáng dấp bề thế, thậm chí có xu hướng muốn làm to lớn hơn trước để thể hiện về sự phục hưng. Từ đầu thế kỷ 20 về sau, bộ khung gỗ ít khi được dựng có quy mô lớn như trước, mà phần nhiều có kết cấu đơn giản, chạm khắc ít. Người ta đã chú ý đến việc tiết kiệm gỗ, ngoài vì kiểu giá chiêng – chồng rường, còn sử dụng phổ biến các loại hình vì kèo cọc báng, vì ván mê…

A7. Vì giá chiêng – chồng rường ở đình Chu (Vĩnh Phúc) – PCNT đầu thế kỷ 19 (Nguồn: VBTDT)
A8. Vì giá chiêng chồng rường ở đình Phương Cáp (Thái Bình) – PCNT đầu thế kỷ 20
(Nguồn: VBTDT)

Vì nóc kiểu giá chiêng, hoặc chồng rường vẫn tiếp tục được sử dụng dưới thời Nguyễn. Giai đoạn đầu thế kỷ 19, kết cấu vì nóc được làm tương tự như giai đoạn thế kỷ 18, đến đầu thế kỷ 20, vì nóc đã có những thay đổi, về cơ bản các cấu kiện được tạo tác đơn giản hơn, với tiết diện hình vuông, hình chữ nhật. Các cấu kiện được chạm khắc, nhưng vẫn tập trung vào các cấu kiện ít chịu lực.

Kiểu vì kèo cọc báng bắt đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ 17, nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 thì kiểu liên kết này mới được sử dụng rộng rãi trong các công trình. Cọc báng ở thời Nguyễn thường được tạo hình chữ nhật, tiết diện mỏng, chỉ bào soi vỏ măng. Ở hai bên cọc báng còn được tăng cường thêm các tay đòn ngang. Kiểu vì ván mê cũng được sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc như ở Đình La Xuyên (Nam Định), Đình Phương Cáp (Thái Bình)…

Trong liên kết vì nách ở thời Nguyễn hầu hết được duy trì từ thời kỳ trước như kiểu kẻ ngồi, kẻ suốt, chồng rường/bán giá chiêng – chồng rường, ngoài ra thời kỳ này bổ sung thêm kiểu vì cốn mê, kẻ chuyền, vì kèo… Các cấu kiện trên vì nách thời kỳ này cũng có sự biến đổi, ngoài hình tròn, lồng đèn, còn sử dụng các hình vuông, hình chữ nhật. Trong kết cấu kẻ ngồi, kiến trúc không còn đầu dư mà đuôi kẻ trở thành nghé kẻ đội bụng câu đầu. Tiết diện các kẻ ở thời Nguyễn thường được làm nhỏ hơn thời kỳ trước như ở đình Phương Cáp (Thái Bình), Tiền tế đình Thổ Hà (Bắc Giang)… Vì nách kiểu cốn mê cũng là hình thức liên kết phổ biến ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, nhiều khi kiểu vì này là một bức ván đặc kín, tạo diện trang trí, nhưng có kiểu được trổ thủng thành hình chữ nhật một góc sát với cột cái như ở chùa Bối Khê (Hà Nội), Đình Phương Cáp (Thái Bình), chùa Dâu (Bắc Ninh)…

Đến cuối thế kỷ 19, theo xu hướng mở rộng không gian sử dụng, nhiều khi cột cái đã cắt thành cột trốn, đứng lực trên một xà/quá giang lớn trên hai cột, làm cho lòng công trình thoáng, dễ bố cục nội thất hơn. Hiên sử dụng kiểu bẩy, kẻ suốt tương tự như ở thời Lê Trung Hưng, nhưng bổ sung thêm một số hình dáng khác như kẻ chuyền, kẻ cổ ngỗng. Các bẩy không còn dáng thẳng như ở thời kỳ trước, mà hơi cong hất lên đỡ tàu mái, đầu bẩy tạo giật cấp (đình Phương Cáp, Thái Bình; đình Giẽ Hạ, đình Vạn Xuân, Hà Nội…).

Cũng trong thời kỳ này, ở vùng Trung Bộ lại có nhiều quan điểm cho rằng, kiến trúc cổ truyền của người Việt đã “Tiếp thu tối đa những kỹ thuật gỗ cơ bản của miền Bắc”. Chúng là sự chuyển hóa của kiến trúc cổ truyền vùng Bắc bộ, và càng “Nam tiến” các cấu kiện càng được đơn giản hóa để biến thành kiểu vì kèo nhà rường rất phổ biến ở miền Trung. Quan điểm này có vẻ đúng nếu chúng ta chỉ quan sát các kiến trúc cổ truyền từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Tuy nhiên, từ Quảng Bình trở vào, ngoài một số điểm tương đồng với kiến trúc ở Bắc Bộ như sự phân chia theo số gian lẻ, sự liên kết giữa bộ khung và nền nhà thông qua hệ chân tảng, một số kỹ thuật ghép mộng và việc sử dụng vật liệu. Có thể nhận thấy nhiều nét khác biệt trong cấu trúc bộ khung gỗ ở các vùng miền. Các cấu kiện trong bộ khung có tiết diện lớn ở Bắc Bộ và cả Bắc Trung Bộ có phần nặng nề, trong khi đó bộ vài/vì từ Quảng Bình trở vào thanh thoát hơn, ngay cả khi được bổ sung nhiều chi tiết trang trí. Kích thước của cột trong bộ khung nhà cũng có sự khác biệt – trong khi cột nhà rường luôn thanh mảnh (cột hàng nhất thường có đường kính 0,2m), tạo cảm giác nhẹ nhàng thì ở vùng Bắc Bộ những cột lớn chắc khỏe được ưa chuộng hơn.

Đối với kiến trúc cổ truyền của người Việt ở vùng Bắc Bộ, khi cần mở rộng không gian sử dụng người ta có xu hướng tăng số gian cho ngôi nhà để tạo thành mặt bằng lên tới 5, 7, hoặc 9 gian. Với độ sâu không quá lớn, thường chỉ khoảng 4 – 5, nhiều nhất là 6 hàng cột. Trong khi đó ở miền Trung, ngoài phát triển theo chiều dọc ngôi nhà còn có thể phát triển theo cả chiều ngang để tạo thành những ngôi nhà có độ sâu khá lớn, lên tới 7 hàng cột, nên số lượng vài, hiên tăng lên. Liên kết kiểu giá chiêng, chồng rường chỉ được sử dụng trong các di tích từ vùng Bắc bộ đến vùng Bắc Trung Bộ. Đến vùng Trung Trung Bộ, bắt đầu từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam, cấu trúc bộ khung gỗ có sự biến đổi, chủ yếu là kiểu trính chồng trụ đội, vài kèo trụ đội, kèo, nên nội thất các công trình ở đây cao và thoáng hơn. Các cấu kiện có tiết diện nhỏ, được làm giản lược và thoáng hơn. Trang trí chủ yếu tập trung ở kèo, liên ba, trỏng quả với kỹ thuật chạm nổi, chạm nét là chính.

Cấu trúc vài kèo có đặc điểm gần gũi với kẻ chuyền ở Bắc bộ, nhưng cũng có khác biệt rất lớn. Trong khi bộ vì ở miền Bắc được tổ chức theo nguyên tắc đuôi kẻ trên “đè” lên đầu kẻ dưới thì vài kèo ở miền Trung, miền Nam lại có nguyên tắc ngược lại – đầu kèo bên dưới gác lên đuôi kèo bên trên. Cách bố trí này “linh hoạt” hơn so với cấu trúc khung gỗ của người Việt ở miền Bắc, bởi có thể dễ dàng thêm bớt một hay nhiều kèo trong quá trình sử dụng. Cũng từ cấu trúc này, chúng ta có thể suy luận trình tự lắp dựng các cấu kiện trong bộ khung của nhà dân gian hai vùng chắc hẳn cũng khác nhau đáng kể.

Kiểu trính chồng con đội gồm các trính/rường ngắn dần chồng lên nhau thông qua các con đội. Kỹ thuật dùng các con đội vừa liên kết các trính từ thấp lên cao nên có thể phân loại chồng 2 hoặc chồng 3…Với kỹ thuật này người thợ có thể mở rộng lòng trính, vừa nâng cao độ dốc của mái nhờ các con đội vươn đỡ các đòn tay/hoành.

Các công trình kiến trúc có kết cấu bộ khung gỗ ở Nam Bộ tiếp thu nhiều kỹ thuật, phong cách của vùng Trung Bộ. Kết cấu bộ khung phổ biến là 4-5 hàng cột, nhiều nhất là 6 hàng cột. Kiến trúc không thiên về chiều cao và mở rộng lòng công trình, mà gồm nhiều lớp nhà nối tiếp nhau. Đặc điểm chung là cột hàng nhất/cột cái khá nhỏ, đường kính trung bình 0,38 – 0,4m, chiều cao từ 3-5m (trong khi đó cột đình lớn ở miền Bắc có thể đạt đến đường kính 0,6 – 0,65m); khoảng cách các hàng cột trung bình từ 1,55 – 3m (cá biệt có cột hàng nhất ở đình Hưng Phú – HCM có khoảng cách 4,05m). Mặt bằng hình vuông, mái dạng “bánh ít” được chống đỡ bởi hệ cột “tứ trụ” ở giữa, các cột con bao quanh. Hệ kèo được gác lên nhau bằng liên kết mộng, nối vào nhau bằng các thanh trính tạo thành khung sườn “kẻ chuyền – đâm trính – cột kê”, với 3 loại kèo đặc trong Nam bộ: Kèo cái, kèo đâm và kèo quyết mang nét đặc trưng của kiến trúc cổ Nam Bộ. Thân cao bằng 3/4 độ cao của mái, nhưng sống nóc rất ngắn.

Lời kết

Nếu ở thời Trần – Mạc, bộ khung gỗ chỉ sử dụng 4 hàng cột, với kết cấu giá chiêng, chồng rường, bẩy chéo, thì đến thời Lê Trung Hưng, Nguyễn bắt đầu sử dụng 4-6 hàng cột, với các vì chồng rường, vì nọc ngựa, vì kèo cọc báng, cốn mê, kẻ, bẩy, ở Trung bộ và Nam bộ sử dụng kiểu trính chồng trụ đội, vài kèo trụ đội, kèo… Tuy nhiên, loại hình liên kết ra đời sau, dù có những ưu điểm riêng, nhưng vẫn không loại trừ các kiểu vì có trước đó, chỉ biến đổi để phù hợp với những nhu cầu mới và văn hoá vùng miền. Một trong những đặc tính quan trọng của bộ khung gỗ trong kiến trúc cổ truyền Việt là sự linh hoạt trong cách thức tạo hình. Các cột được tạo dáng “thượng thu hạ thách”; cột trốn/trụ trốn thì có ”đầu cán cân, chân quân cờ”; các con rường, kẻ được uốn mềm thành ”hình lưng thú, hình bụng lợn, hình cổ ngỗng…”; các cấu kiện còn được tạo hình tròn, hình vuông, chữ nhật, lồng đèn, hoặc cách điệu thành cánh sen… Các kiến trúc bằng gỗ của người Việt thể hiện tính thống nhất cao về mặt kết cấu, được sử dụng trong mọi công trình kiến trúc có những công năng khác nhau từ nhà ở, lầu/gác, cung điện đến các di tích tôn giáo tín ngưỡng… đều có chung những kiểu liên kết, có chăng chỉ là những khác biệt về kích thước các cấu kiện, mức độ trang trí chạm khắc. Điều đó cho thấy, bộ khung gỗ của người Việt mang tính bảo lưu, ít thay đổi và tính hợp lý của cấu tạo, bởi trong kết cấu bộ khung gỗ, mỗi cấu kiện đều giữ một vai trò, công năng kỹ thuật.

Sơ đồ cấu trúc bộ khung gỗ ở Nam bộ

ThS. Nguyễn Thị Xuân
Viện Bảo tồn Di tích
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền (chủ biên) (2008): “Diễn biến kiến trúc cổ truyền Việt vùng châu thổ sông Hồng”, Nxb. VHTT.
2. Nguyễn Hồng Kiên (1991): “Bộ vì nóc của kết cấu nhà khung gỗ cổ truyền Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 7.
3. Khuất Tân Hưng: “Tính bản địa của Kiến trúc nhà ở dân gian Nam Trung bộ”, Tạp chí Kiến trúc, Số 238/2015.
4. Nguyễn Thị Xuân (2019): “Khảo sát, đánh giá hệ thống vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt (vùng đồng bằng Bắc Bộ)”, NVTXTCN, tư liệu Viện Bảo tồn di tích.
5. Nguyễn Thị Xuân (2020): “Khảo sát, đánh giá hệ thống vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt ở Thanh- Nghệ- Tĩnh”, NVTXTCN, tư liệu Viện Bảo tồn di tích.
6. Nguyễn Thị Xuân (2021): “Khảo sát, đánh giá hệ thống vì mái trong bộ khung gỗ cổ truyền của người Việt ở Trung Trung bộ”, NVTXTCN, tư liệu Viện Bảo tồn di tích.
7. Nguyễn Thị Xuân (2022): “Khảo sát, đánh giá một số đình làng ở vùng Đông Nam bộ”, NVTXTCN, tư liệu Viện Bảo tồn di tích.
8. Yukimasa Yamada và Trần Thị Quế Hà: “Nguồn gốc và quá trình phát triển của kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam”, đăng trên hội thảo Việt Nam học và Phát triển, ký hiệu VNH3.TB3.132.

The post Diễn biến bộ khung gỗ trong kiến trúc cổ truyền của người Việt appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/5eKS7rT
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét