Kể từ giai đoạn sau khi luật Kiến trúc được ban hành năm 2019 và chính thức có hiệu lực năm 2020, trên cơ sở nhiều nội dung quy định hành lang pháp lý về công tác LLPBKT được ban hành, công tác LLPBKT đã có rất nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, phương pháp luận… Bên cạnh một số các kết quả đáng ghi nhận, đánh giá công tác LLPBKT thời gian qua cũng cho thấy những vấn đề cần khắc phục, là cơ sở để đề xuất các nội dung đổi mới công tác lý luận phê bình (LLPBKT) trong thời gian tới trở thành cơ sở phát hiện, phản biện, luận giải các giải pháp khoa học đóng góp tích cực trong phát triển lĩnh vực kiến trúc nói riêng và ngành xây dựng nói chung. Trên cơ sở các công tác nghiên cứu đánh giá hiện trạng công tác LLPBKT thời gian qua, bài viết này tập trung làm rõ một số những kết quả đạt được cũng như những vần đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Một số kết quả chính trong LLPBKT sau khi luật kiến trúc được ban hành
Sau khi Luật Kiến trúc được ban hành năm 2019 và chính thức có hiệu lực năm 2020, lần đầu tiên đã có các định hướng quy định cụ thể đối với các nội dung hoạt động LLPBKT theo hướng đồng bộ và khoa học, đồng hành và có nhiều đóng góp cụ thể, trực tiếp cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với sự phát triển chung của nền kiến trúc Việt Nam theo nhiều tiêu chí lớn như phát triển đồng bộ kinh tế xã hội đất nước, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến các giá trị kiến trúc xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với thiên tai – biến đổi khí hậu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chỉ trong giai đoạn ngắn từ năm 2020 đến nay, công tác LLPBKT đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.
Về loại hình lý luận phê bình
Tuy có yêu cầu tính hàn lâm và chuyên môn cao nhưng dưới hành lang pháp lý hữu hiệu của hệ thống pháp luật mà Luật Kiến trúc là nền tảng chính, nhiều loại hình LLPBKT (như: Chính thống – dân gian, Hàn lâm – thực tiễn, Quốc tế – quốc nội, Khách quan – chủ quan) [1] đã được triển khai ở một mức độ cao hơn với nhiều kết quả đóng góp tốt hơn. Dựa trên đặc điểm cách thức thực hiện, khả năng đóng góp, việc tổ chức đồng thời các loại hình trên đã mang đến các chuyển biến tích cực đáng ghi nhận về hiệu quả chung.
Về số lượng
Tuy không thể thống kê một cách chính xác, nhưng đánh giá sơ bộ chung sản phẩm nội dung LLPBKT đã được triển khai thực hiện vừa qua đã cho thấy sự tăng trường gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đây. Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2023, số lượng các bài viết LLPB đăng trên các ấn phẩm ngành xây dựng tăng từ 3 – 4 lần so với giai đoạn các năm trước đây. Cùng với đó, các đầu sách chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu như nhà ở, công trình công cộng, quản lý phát triển đô thị, phát triển kiến trúc xanh – sinh thái – bền vững, có liên quan và hỗ trợ trực tiếp tới công tác LLPBKT cũng đã được biên soạn và xuất bản tăng liên tục theo các năm.
Số lượng các hội thảo chuyên ngành, tọa đàm khoa học, trao đổi học thuật… về nhiều vấn đề nội dung chuyên ngành quan trọng của Kiến trúc và ngành Xây dựng cũng đã gia tăng đáng kể về số lượng với sự tham gia mạnh mẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, trường đại học…như Viện Kiến trúc Quốc gia, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học cũng tăng đáng kể, đặc biệt có số lượng rất lớn các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ Xây dựng được triển khai. Trong đó tập trung làm rõ nhiều nội dung vấn đề nóng trong quá trình phát triển kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn như: Phát triển công trình xanh, Tổ chức cây xanh trong công trình kiến trúc, Chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, tổ chức KGCC trong đô thị, quản lý công trình cao tầng xen cấy trong khu vực nội đô… Bên cạnh đó, số lượng các luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ ngành kiến trúc, quy hoạch đô thị cũng có sự gia tăng đáng kể về số lượng.
Về nội dung
Các nội dung LLPBKT được đã được thực hiện một cách khoa học và bài bản, không chỉ dừng lại ở việc phản ánh và phát hiện các vấn đề hiện thực phát sinh mà có sự soi chiếu trên cơ sở nhiều căn cứ khoa học chuyên ngành và liên ngành, giúp không chỉ làm rõ bản chất, nguyên nhân cúa vấn đề mà còn có những khuyến nghị về định hướng giải pháp giải quyết vấn đề, thâm nhập vào những khía cạnh, hoàn cạnh thực tiễn của kiến trúc Việt Nam đương đại (như bản sắc dân tộc trong kiến trúc thời đại toàn cầu hóa; phát triển kiến trúc và quy hoạch đô thị, kiến trúc xanh bền vững, …).
Đặc biệt nhiều vấn đề nóng xuất hiện trong thời gian qua như: phát triển công trình xanh, quy hoạch đô thị chống chịu thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý phát triển bền vững hệ thống không gian công cộng và công trình công cộng, phòng chống tai nạn cháy nổ cho công trình nhà ở và công trình công cộng… cũng đã được các bài LLPBKT tập trung phản ánh các hiện tượng, phân tích làm rõ bản chất và nguyên nhân, cũng như đề xuất các giải pháp định hướng để giải quyết vấn đề theo luận cứ khoa học. Điều này đã thu hút được sự quan tâm và nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt giúp các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều hành động, chính sách thích ứng kịp thời để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Về phương thức thể hiện
Khác với giai đoạn trước dây khi Luật Kiến trúc chưa được ban hành chỉ chủ yếu bao gồm các bài LLPBKT trên hình thức báo, sách in đơn thuần, trong giai đoạn này kể từ sau khi Luật Kiến trúc được ban hành, các nội dung LLBPKT đã phát triển mạnh đa dạng ở nhiều hình thức thể hiện như báo viết, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình,…. Trong đó, các hình thức thể hiện trên các kênh phát thanh, truyền hình do các ưu thế về hình ảnh và âm thanh sống động dưới hình thức các bài phóng sự, luận đàm trên các diễn đàn phát thanh truyền hình cũng đã được phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt sự phát triển mạnh nên các nền tảng số như ở mảng báo điện tử và trang thông tin điện tử do ưu thế khả năng phổ biến tiếp cận rộng, không bị giới hạn bởi khoảng cách vật lý, có thể thông tin nhanh chóng gần như tức thời đến đọc giả nên số lượng áp đảo các hình thức báo in truyền thống. Nhiều tờ báo điện tử trong và ngoài ngành như Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Tạp chí Xây dựng, Báo xây dựng, Tạp chí Xây dựng … sau khi xuất bản các bài LLPBKT trên báo in còn lập tức đăng tải trên các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử của mình. Sau đó, nhiều bài viết LLPBKT còn được tiếp tục chia sẻ trên các diễn đàn học thuật chuyên ngành nền tảng số trên các mạng xã hội, cũng như các báo điện tử, trang thông tin điện tử chính trị, xã hội khác như Vnexpress, Vietnamnet, Báo Hà Nội mới, Thanh niên, Lao động… tạo được sự thông tin rộng rãi đến đông đảo bạn đọc.
Với số lượng các hội thảo chuyên ngành luận đàm về nhiều lĩnh vực chuyên môn ngành được tổ chức trong thời gian qua, trên cơ sở kinh nghiệm thích ứng trong giai đoạn dịch COVID19 mới đây, các hình thức hội thảo luận đàm khoa học trên nền tảng số (Webmiar) cũng được tổ chức ngày cành phổ biến, dần chiếm số lượng khá lớn.
Về đối tượng tham gia
Khác với giai đoạn trước đây, các nội dung LLPBKT giai đoạn hiện nay đã có sự vào cuộc của đông đảo giới chuyên gia học thuật, nhà quản lý, chuyên gia làm nghề, cộng đồng và đông đảo người dân. Trước nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn…, được bạn đọc nhanh chóng phản ánh tới các cơ quan thông tấn báo chí thông qua mục ý kiến bạn đọc, thông tin đường dây nóng… đăng tải trên các báo điện tử, hoặc luôn có phần ý kiến đóng góp cho cộng đồng và người dân bên dưới các nội dung LLPBKT của chuyên gia, nhà quản lý nêu lên.
Những tồn tại cần tiếp tục khắc phục
Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, qua rà soát đánh giá thực tiễn, một số các vấn đề còn tồn tại của LLPBKT trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2023 được chỉ ra bao gồm:
(1) Chất lượng nội dung chuyên sâu còn nhiều hạn chế: Nhiều bài viết LLPBKT có nội dung còn có chất lượng chưa cao, khó hiểu, chưa hướng đến đại chúng, chủ yếu chạy theo sự kiện mà chưa có sự đánh giá phân tích, làm rõ các nguyên nhân và định hướng, đặc biệt là thiếu cách tiếp cận khoa học đa chiều, khách quan.
Các đề tài nghiên cứu khoa học (ở các Viện và cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, hoặc luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ ở các trường đại học) còn mang tính chất hàn lâm, hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Cùng với đó, số lượng các đầu sách nghiên cứu chuyên ngành kiến trúc và xây dựng được xuất bản trong nằm còn khá khiêm tốn. Trong đó, số lượng các đầu sách trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị là tương đối ít. Một số nội dung như bảo tồn di sản và công trình kiến trúc có giá trị, công trình công cộng… trong năm 2023 còn chưa có ấn phẩm lớn có tính học thuật cao được phát hành. Đây là một trong những trở ngại rất lớn để công tác LLPBKT có cơ sở và luận cứ khoa học đánh giá, đề xuất các giải pháp hiệu quả.
(2) Các nội dung về phương pháp luận dành cho LLPBKT còn thiếu: Do tính đặc thù chuyên sâu nên trong cả năm 2023 mới chỉ có khoảng 03 sản phẩm bài báo có nội dung nghiên cứu về phương pháp luận LLPBKT trong đó cũng mới chỉ nêu sơ bộ các xu hướng, phương thức, cách thức tổ chức thực hiện.
Việc còn thiếu những sản phẩm nghiên cứu tổng kết đánh giá cũng như đề xuất một khung lý thuyết hoàn chỉnh định hướng cho công tác LLPBKT trong thời gian tới chưa thực sự phát huy vai trò đóng góp, dẫn dắt sáng tác kiến trúc ở Việt Nam theo hướng xây dựng một nền kiến trúc hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
(3) Nội dung phê bình còn nhiều hơn lý luận: Số liệu đánh giá riêng của năm 2023 cũng cho thấy bức tranh chung, trong tổng số các nội dung LLPBKT, các nội dung phê bình tập trung nhận diện, phản ánh sự việc… chiếm đa số (ước tính khoảng từ 65 – 70% số lượng nội dung). Trong khi đó, số lượng các nội dung lý luận mang tính nhận diện nguyên nhân, dự báo các kết quả/ hậu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn và đặc biệt là việc đề xuất các định hướng giải pháp sát với yêu cầu thực tiễn còn nhiều hạn chế. Một số bài viết còn sa vào tình trạng nội dung hời hợt, không đánh giá toàn diện, đa chiều của ván đề. Việc sử dụng các luận cứ, lý luận để tác nghiệp trong phê bình, phản biện bị né tránh, mang tính hình thức, đa phần được trình bày như báo cáo hội nghị.
(4) Số lượng các nội dung LLPKT đánh giá, phân tích chuyên sâu theo chuyên đề còn ít về số lượng: Với số lượng khoảng 20 chuyên đề khoa học chuyên sâu được thực hiện trong năm 2023 của các tạp chí khoa học Ngành Xây dựng, đánh giá chung số lượng như vậy là thấp so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng triển khai thực hiện. Việc số lượng các chuyên đề khoa học đăng tải trên các Tạp chí khoa học ngành xây dựng còn thấp cũng cho thấy các trở ngại về nội dung, lực lượng chuyên gia khoa học… tổ chức thực hiện.
(5) Số lượng bài viết về các vấn đề nóng, quan trọng của Ngành như Bảo tồn di sản & công trình kiến trúc có giá trị, an toàn PCCC cho công trình… còn khá thấp, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Thực tế, trong năm 2023 cũng như các năm gần đây, ước tính chỉ có khoảng 139 nội dung về bảo tồn di sản và công trình kiến trúc có giá trị và 105 nội dung về an toàn PCCC cho công trình, còn khá thấp so với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp và yêu cầu cấp bách trong thực tiễn.
(6) Các nội dung nền tảng số còn chưa chuyển đổi và phát triển tương xứng với yêu cầu và xu hướng thực tiễn: Việc đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong LLPBKT thời gian qua còn chậm. Khác với các nội dung quảng cáo thương mại thuần túy, số lượng các nội dung được đăng tải trên các nền tảng số có khả năng hướng đến tiêu chí phục vụ đại chúng như Facebook, youtube…còn chưa nhiều. Việc đăng tải các nội dung LLPBKT trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng làm biến dạng sai lệch các nội dung dẫn đến hiệu quả thực tiễn không cao. Cách thức đăng tải nội dung trên các nền tảng số chuyên sâu cũng chưa có nhiều khác biệt so với các nội dung đăng tải trên các website thông tin truyền thống.
(7) Việc tiếp thu các nội dung LLPBKT trong với sáng tác kiến trúc, quản lý kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị còn chưa thực sự hiệu quả: Do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan nên nhiều nội dung LLPBKT sau khi được công bố trên nhiều phương tiện truyền thông nhưng chưa đạt được hiệu quả cần thiết đối với công tác sáng tác kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quản lý kiến trúc quy hoạch phát triển đô thị. Nhiều nội dung vấn đề nóng đặc biệt trong quy hoạch phát triển đô thị sau khi được phản ánh trong một số trường hợp vẫn còn chưa thực sự tiếp cận có hiệu quả để cơ quản lý nhà nước có thể nhanh chóng tiếp cận và tiếp thu, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả khắc phục nhanh chóng các vấn đề tồn tại trên.
(9) Đội ngũ chuyên gia LLPBKT còn mỏng, chưa chuyên nghiệp trong hoạt động làm nghề. Trong các Viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp, lực lượng chuyên gia LLPBKT hiện nay là khá mỏng. Bên cạnh đó, một số trường hợp người làm công tác LLPBKT còn thiếu tính chuyên nghiệp, bị tâm lý né tránh phê bình, thói quen dĩ hòa vi quý.
Việc đào tạo LLPBKT trong các trường đại học còn nhiều hạn chế, dẫn đến các kiến trúc sư sau khi tốt nghiệp ra trường và làm việc chủ yếu quan tâm đến hành nghề tư vấn thiết kế mà thiếu việc tự nâng tầm nhận thức về lý luận cũng như sự nhiệt tình tham gia công tác LLPBKT.
Kết luận
So với giai đoạn trước khi Luật Kiến trúc được ban hành, có thể đánh giá công tác LLPBKT đã có sự chuyển biến rất lớn cả về lượng về chất. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra đối với công tác LLPBKT là rất lớn trong bối cảnh cần phát huy nhiều hơn nữa hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của của người dân, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc nghiên cứu đánh giá, nhận diện cụ thể các kết quả đạt và những tồn tại cần sớm khắc phục sẽ là cơ sở rất tốt cho việc hoàn thiện đổi mới công tác LLPBKT trong thời gian tới, góp phần có hiệu quả cho sự phát triển chung của lĩnh vực kiến trúc và ngành Xây dựng cũng như nền kinh tế xã hội quốc gia chung.
Ths. KTS Phạm Hoàng Phương – Viện Kiến trúc Quốc gia
© Tạp chí Kiến trúc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phạm Hoàng Phương, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ công giao năm 2023: Báo cáo tổng hợp công tác Lý luận phê bình kiến trúc trong lĩnh vực ngành (về kiến trúc, quy hoạch, bất động dản, nhà ở…) theo thực tế năm. Đề xuất giải pháp phù hợp, Viện Kiến trúc quốc gia, 04/2024.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/D56ofUg
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét