Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

Định hướng đổi mới công tác lý luận phê bình kiến trúc đóng góp cho sự phát triển kiến trúc và ngành xây dựng

Kể từ giai đoạn sau khi luật Kiến trúc được ban hành năm 2019 và chính thức có hiệu lực năm 2020, trên cơ sở nhiều nội dung quy định hành lang pháp lý về công tác LLPBKT được ban hành, công tác LLPBKT đã có rất nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, phương pháp luận… Bên cạnh một số các kết quả đáng ghi nhận, đánh giá công tác LLPBKT thời gian qua cũng cho thấy những vấn đề cần khắc phục, là cơ sở để đề xuất các nội dung đổi mới công tác lý luận phê bình (LLPBKT) trong thời gian tới trở thành cơ sở phát hiện, phản biện, luận giải các giải pháp khoa học đóng góp tích cực trong phát triển lĩnh vực kiến trúc nói riêng và ngành xây dựng nói chung. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, Bài viết này sẽ tập trung: 

Định hướng đổi mới công tác lý luận phê bình kiến trúc đóng góp cho sự phát triển ngành xây dựng

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Qua nghiên cứu đánh giá các kết quả đạt được, các vấn đề tồn tại chính của công tác LLPBKT cần sớm được khắc phục bao gồm trong thời gian tới bao gồm: (1) Chất lượng nội dung chuyên sâu còn nhiều hạn chế; (2) Các nội dung về phương pháp luận dành cho LLPBKT còn thiếu; (3) Nội dung phê bình còn nhiều hơn lý luận; (4) Số lượng các nội dung LLPKT đánh giá, phân tích chuyên sâu theo chuyên đề còn ít về số lượng; (5) Số lượng bài viết về các vấn đề nóng, quan trọng của Ngành như Bảo tồn di sản & công trình kiến trúc có giá trị, an toàn PCCC cho công trình… còn khá thấp, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; (6) Các nội dung nền tảng số còn chưa chuyển đổi và phát triển tương xứng với yêu cầu và xu hướng thực tiễn; (7) Việc tiếp thu các nội dung LLPB trong với sáng tác kiến trúc, quản lý kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị còn chưa thực sự hiệu quả; (9) Đội ngũ chuyên gia LLPBKT còn mỏng, chưa chuyên nghiệp trong hoạt động làm nghề.  Đây cũng là cơ sở để có thể nghiên cứu đề xuất một số các định hướng chung về công tác LLPBKT trong thời gian tới đề xuất bao gồm:

(1) Gia tăng số lượng và chất lượng các bài viết trên các báo và tạp chí chuyên ngành: Trong những năm tới, cần có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích gia tăng về cả số lượng và chất lượng các nội dung LLPBKT trên các báo, tạp chí, hội thảo chuyên ngành. Cụ thế:

  • Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và trực tiếp, đặc biệt là về tài chính cho các đơn vị viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp hiện đang triển khai thực hiện công tác LLPBKT.
  • Hỗ trợ tối đa băng nhiều hình thức khác để thu hút đông đảo giới chuyên gia đặc biệt là KTS tham gia viết các nội dung LLPBKT như hình thức điểm thưởng CPD, bằng khen…
  • Ban hành quy định cụ thể mức nhuận bút hỗ trợ cho các tác giả có bài viết LLPBKT trên Tạp chí, hội thảo chuyên ngành theo các mức cao hơn so với bài viết thông thường.
  • Chú trọng đẩy mạnh đến chất lượng khoa học chuyên sâu và liên ngành, tính phục vụ đại chúng đối với các nội dung LLPBKT trong thời gian tới như: Xây dựng các hội đồng đánh giá chất lượng ở nhiều cấp để đánh giá và khen thưởng xứng đáng các bài viết LLPBKT có chất lượng theo định kỳ hàng năm với sự tham gia trong hội đồng là các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành;
  • Tăng cường và xây dựng thêm các mục giải thưởng trao giải về LLPBKT đặc biệt trong các giải thưởng lớn của năm như: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, triển lãm EXPO kiến trúc, Tuần lễ công trình xanh Quốc gia.

(2) Gia tăng các nội dung nghiên cứu khoa học lý thuyết LLPBKT: Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các nội dung về lý thuyết LLPBKT làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện quy trình hoạt động, gia tăng chất lượng đóng góp của các nội dung này với sự phát triển kinh tế xã hội chung, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển bền vững/ có bản sắc đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước.

Các nội dung cần được đầu tư mạnh mẽ để nghiên cứu trong giai đoạn bao gồm: Phương pháp luận LLPBKT về đánh giá thực tiễn đối với các mảng lĩnh vực chuyên ngành (kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị, bất động sản, chuyển đổi số…);  Làm rõ các lý thuyết phương pháp luận về xu hướng  LLPBKT trên thế giới và kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn Việt Nam; Làm rõ các lý thuyết phương pháp luận để triển khai công tác LLPBKT trong thực tiễn gắn liền với các xu hướng phát triển chung (như phát triển kinh tế xanh, xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị và nông thôn xanh – sinh thái – bền vững – thích ứng và với biến đổi khí hậu và thiên tai…).

(3) Đẩy mạnh hội nhập về LLPBKT:  Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh việc hội nhập về LLPBKT trong đó nghiên cứu học hỏi các kinh nghiệm và xu hướng triển khai công tác LLPBKT từ các quốc gia phát triển trên thế giới, cũng như tạo sân chơi hiệu quả để các chuyên gia LLPBKT trong nước tham gia góp ý, phản biện tới các nội dung không chỉ giới hạn tại Việt Nam mà cả trong phạm vi khu vực và thế giới. Cụ thể:

  • Tăng cường tổ chức các hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong nước về LLPBKT, tăng cường hỗ trợ gửi các chuyên gia LLPBKT tham dự các kỳ hội thảo quốc tế trong và ngoài nước dưới các hình thức trực tiếp và trực  tuyến;
  • Hỗ trợ về nguồn lực kinh phí và con người cho các tạp chí chuyên ngành để tăng cường quảng bá các bài viết LLPBKT tới đông đảo bạn đọc  đặc biệt tới các chuyên gia và KTS quan tâm.

(4) Gia tăng các nội dung LLPB theo hướng đại chúng: Trong giai đoạn tới công tác LLPBKT cần tiếp tục được đẩy mạnh theo các định hướng nội dung hướng về đại chúng. Các nội dung LLPBKT cần được thực hiện có tính khoa học nhưng trình bày dưới văn phong và hình thức dễ hiểu. Tránh việc làm phức tạp hóa các nội dung, vấn đề để có thể tiếp cận và truyền tải thông tin tối đa đến rộng rãi giới KTS làm nghề, đặc biệt là các kiến trúc sư trẻ, các cơ quan quản lý và cộng đồng người dân. Cụ thể:

  • Xây dựng các diễn đàn LLPBKT đặc biệt là trên các nền tảng số, được quản trị một cách sâu sát và đồng bộ để hướng các nội dung LLPBKT vào các vấn đề chuyên môn “nóng” trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị – nông thôn, bất động sản…. được xã hội và rộng rãi quần chúng nhân dân;
  • Khuyến khích các tạp chí chuyên ngành tổ chức xây dựng quy chế viết bài LLPBKT theo hướng cụ thể, kịp thời, khoa học và đại chúng, từ đó có thông báo, tuyên truyền dưới nhiều hình thức về cách triển khai bài viết LLPBKT trên tới các chuyên gia tham gia.
  • Khuyến khích các tạp chí chuyên ngành đăng tải nhiều hình thức bài viết đa ngành về các vấn đề chuyên môn nóng, có nhiều nhận định lý giải khoa học với nhiều góc nhìn đa ngành phong phú và đa dạng về các vấn đề trên để người đọc dễ nắm bắt.
  • Tăng cường hỗ trợ đăng tải các nội dung LLPBKT trên trên nhiều nền tảng như phát thanh, truyền hình, báo và trang thông tin điện tử… cho phép tiếp cận đến đông đảo bạn đọc tiếp cận.

(5) Đẩy mạnh các nội dung LLPBKT trên các nền tảng số. Trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm triển khai trong thời gian vừa qua, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung LLPBKT trên các nền tảng số để gia tăng hiệu quả tới công tác hành nghề, sáng tác kiến trúc, cũng như nâng cao nhận thức chung cho nhà quản lý, cộng đồng người dân cùng tham gia. Cụ thể:

  • Trước mắt, thực hiện các nội dung trên trang thông tin điện tử, báo điện tử truyền thống chia sẻ trên các nền tảng số khác như facebook, zalo…
  • Đồng thời xây dựng lộ trình tiến tới thực hiện trên các nền tảng số truyền thông đa phương tiện như youtube… với các ưu thế về khả năng tiếp cận nhanh chóng, rộng rãi, không bị giới hạn bởi khoảng cách vật lý, cũng như ưu thế lớn về âm thanh và hình ảnh sống động.

(6) Đẩy mạnh hoàn thiện khung thể chế triển khai công tác LLPBKT để các kết quả có đóng góp thiết thực trong sáng tác kiến trúc, thi tuyển kiến trúc, quản lý nhà nước…

Cần sớm có lộ trình để các kết quả LLPBKT đi vào cuộc sống trên cơ sở có nhiều đóng góp thiêt thực trong các nội dung triển khai như: quản lý nhà nước, sáng tác kiến trúc, thi tuyển kiến trúc. Cụ thể:

  • Nghiên cứu bổ sung thêm các quy định hướng dẫn  về quy trình thực hiện tiếp thu/ giải trình các kết quả nội dung đóng góp của LLPBKT đối với công tác quản lý nhà nước để phát huy hiệu quả tốt hơn trong đời sống đương đại, hạn chế tình trạng các nội dung đã nêu được các vấn đề nhưng hiệu quả tiếp thu khắc phục còn chưa đúng với yêu cầu thực tiễn,
  • Tăng cường vai trò của LLPBKT đối với công tác sáng tác kiến trúc như xây dựng hệ thống các quy định chung về LLPBKT, đóng góp ý kiến của các chuyên gia đối với việc đánh giá các trào lưu/ hiện tượng kiến trúc cũ cũng như các sáng tác kiến trúc mới.

(7) Đẩy mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các nội dung có liên quan trực tiếp cũng như hỗ trợ cho hoạt động LLPBKT.  Cụ thể:

Đẩy mạnh các nghiên cứu từ hội thảo, hội nghị; các bài giảng của các trường đại học, kỷ yếu từ hội thảo khoa học; các hoạt động chuyên môn LLPB của các hội nghề nghiệp, các tạp chí khoa học chuyên ngành, các giải thưởng kiến trúc, các cuộc thi tuyển kiến trúc, các phỏng vấn, phóng sự từ các kênh phát thanh và truyền hình… theo cả 03 hình thức (gồm: Hình thức Lý thuyết và lý luận đi trước hoạt động sáng tạo, Hình thức Lý thuyết và lý luận đi sau hoạt động sáng tạo, Hình thức Lý thuyết và lý luận đi sau hoạt động sáng tạo). Trong đó:

  • Để triển khai theo hình thức Lý thuyết và lý luận đi trước hoạt động sáng tạo cần có sự chuẩn bị trước các nền tảng cơ sở về lý thuyết, lý luận, pháp lý, cơ sở dữ liệu đi trước một bước, tạo nên hệ thống khung hỗ trợ cho công tác triển khai.
  • Để triển khai theo hình thức Lý thuyết và lý luận đi sau hoạt động sáng tạo, cần có sự chuẩn bị xây đồng bộ về hệ thống cơ sở về lý thuyết, lý luận, pháp lý, cơ sở dữ liệu, trong đó đặc biệt là nhân tố nguồn nhân lực, khi cần thực hiện sớm chuẩn bị đào tạo xây dựng bài bản hệ thống các chuyên gia LLPB có khả năng nhận diện các vấn đề thực tiễn, cũng như soi chiếu và có những tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất các định hướng giải pháp LLPB có hiệu quả.
  • Để triển khai theo hình thức Lý luận song hành cùng thực tiễn, là hình thức hoạt động LLPB, bên cạnh việc xây dựng hệ thống về hệ thống cơ sở về lý thuyết, lý luận, pháp lý, cơ sở dữ liệu, xây dựng nguồn nhân lực chuyên gia LLPB có chất lượng, cần xây dựng các diễn đàn kết nối thường xuyên để giới chuyên gia có thể phát hiện, phân tích, kiểm chứng khách quan thông qua các trao đổi chuyên môn, tọa đàm, rút kinh nghiệm, ưu tiên các hình thức kết nối, trao đổi chuyển ngành và liên ngành.

Xây dựng và tiến tới ban hành khung pháp lý để quy định trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi đồng bộ và thống nhất, đồng thời tuyên truyền quảng bá tới của các chuyên gia LLPBKT khi tham giam các nội dung tham luận, bài viết trên các tạp chí, hội thảo, diễn đàn để hạn chế tình trạng tùy tiện, tự phát, không đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội chung.

Kết luận

Bất cứ một ngành nghệ thuật nào nếu thiếu lý luận phê bình chỉ là nền nghệ thuật được sáng tạo trong ru ngủ, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đi trước đã cho thấy, chỉ khi công tác LLPBKT đi vào nề nếp, đạt được sự hiệu quả và có sự liên kết hữu cơ theo sát thực tiễn thì mới tạo dựng sự phát triển vượt bậc và có hiệu quả của nền kiến trúc, ngành xây dựng cũng như kinh tế xã hội chung. Do vậy, trong thời gian tới cần sớm có những tổng kết đánh giá kinh nghiệm thực tiễn, cũng như sư đầu tư khuyến khích mạnh mẽ để có những cập nhật thay đổi hữu hiệu, hướng tới đổi mới toàn diện công tác LLPBKT đóng góp cho sự phá triển chung.

Ths. KTS Phạm Hoàng Phương – Viện Kiến trúc Quốc gia
© Tạp chí Kiến trúc


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phạm Hoàng Phương, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ công giao năm 2023: Báo cáo tổng hợp công tác Lý luận phê bình kiến trúc trong lĩnh vực ngành (về kiến trúc, quy hoạch, bất động dản, nhà ở…) theo thực tế năm. Đề xuất giải pháp phù hợp, Viện Kiến trúc quốc gia, 04/2024.

 



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/UqC4i5m
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét