Mở đầu
Năm 2025 như một mốc dấu quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại, tròn 50 năm Việt Nam thống nhất, 50 năm cả đất nước bắt tay vào thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nhà ở như một nhu cầu dân sinh hàng đầu cũng là trọng tâm của công cuộc tái thiết đất nước nhằm tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho mọi công dân của một nước Việt Nam độc lập, vốn đã trải qua những điều kiện sống vô cùng khó khăn của những năm tháng chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ. Mặt khác, kiến trúc nhà ở được coi là bức tranh phản ánh sự phát triển của đời sống đô thị thông qua quy hoạch các khu ở cũng như những tiến bộ về khoa học công nghệ xây dựng. Vì vậy 50 năm thống nhất đã chứng kiến sự thay đổi vượt bậc cả về lượng và về chất trong xây dựng nhà ở trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là khu vực đô thị.
Tổng kết Kiến trúc nhà ở Việt Nam giai đoạn 1975 – 2025 là một cấu phần quan trọng trong khuôn khổ Chương trình cấp Nhà nước “Tổng kết 50 năm kiến trúc Việt Nam 1975 – 2025” do Hội KTS Việt Nam tiến hành nhằm tổng kết và đánh giá toàn diện quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam giai đoạn Việt Nam hoàn toàn thống nhất, ngõ hầu xác lập định hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam hiện đại, có bản sắc với tầm nhìn đến 2045 – 100 năm thành lập nước.
Để hướng tới Chương trình tổng kết và đánh giá toàn diện nửa thế kỷ kiến trúc cách mạng Việt Nam thống nhất đất nước nói trên, bài viết này sẽ trình bày những đánh giá khái quát về kiến trúc nhà ở Việt Nam giai đoạn 1975 – 2020 cũng như những vấn đề cơ bản sẽ được tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đánh giá trong Tổng kết Kiến trúc nhà ở Việt Nam giai đoạn 1975 – 2025, được thực hiện bởi Nhóm đề tài Kiến trúc nhà ở.
Khái quát về kiến trúc nhà ở Việt Nam trước năm 1975
Trước năm 1954, nhà ở tại các đô thị Việt Nam chủ yếu phát triển dạng thấp tầng biệt thự, nhà phố với kiến trúc đa phần theo 2 phong cách thuần Pháp và Đông Dương. Trong đó, phong cách kiến trúc Đông Dương được đánh giá cao bởi tính bản địa và sáng tạo. Các dạng nhà ống ở các khu phố cổ cũng đặc biệt đem lại những giá trị về tổ chức không gian ở đặc thù. Bên cạnh nhà ở tư nhân đa phần nói trên, cũng xuất hiện những dãy căn phố cho thuê giống nhau đồng loạt về cấu trúc cũng như kiến trúc mặt ngoài điển hình như ở Kỳ Đồng, Yết Kiêu (Hà Nội), Lê Thánh Tôn (Sài Gòn)… Hoặc những dãy biệt thự song lập thương mại đầu tiên.
Giai đoạn 1954 – 1975, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau và cũng là thời kỳ đầy biến động lịch sử bởi chiến tranh mà cao trào diễn ra từ năm 1964 với chiến tranh chống phá hoại ở miền Bắc và chiến tranh thống nhất đất nước ở miền Nam.
Ở miền Bắc, mười năm đầu được dành cho việc khắc phục những hậu quả chiến tranh và đặt nền móng cho công cuộc xây dựng CNXH. Bên cạnh những công trình công nghiệp, phúc lợi xã hội và công cộng khác, nhà ở tại các đô thị là một trọng tâm được hướng tới nhằm đảm bảo quyền được ở, an sinh xã hội của công dân và cũng là nhu cầu cấp bách trong xây dựng và phát triển đô thị. Những khu nhà ở tập thể 1 – 2 tầng đầu tiên với những mẫu nhà thiết kế theo mô hình ký túc xá (những dãy phòng ở gia đình chung khu phụ) được xây dựng như các khu nhà cho công nhân và gia đình ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…hay khu tập thể An Dương, Hà Nội (KTS Trần Hữu Tiềm). Điển hình có thể kể đến như khu nhà ở 4 tầng như khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ hay thấp tầng (kiểu chuôi vồ) xen kẽ cao tầng như khu Văn Chương, được xây dựng trong những năm 1960 – 1963. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn, nhà ở được phân phối theo bao cấp căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức thấp nên đa phần không sử dụng được theo mô hình căn hộ gia đình khép kín, mà có tới 3 đến 4 gia đình chung một khu phụ (mô hình công xã communalka). Sau chiến tranh phá hoại, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các khu nhà ở trước đó, Hà Nội là nơi đẩy mạnh xây dựng các khu ở mới, chủ yếu với nhà 5 tầng, căn hộ 2 phòng phổ biến theo dạng thiết kế điển hình, xây dựng bằng phương pháp lắp ghép tấm lớn được thí điểm thực nghiệm từ năm 1971 (Khu 2 tầng Trương Định và Yên Lãng). Khu nhà ở Giảng Võ (KTS Trương Tùng và TS Phạm Sỹ Liêm) là ví dụ điển hình thành công cho mô hình này, tiền đề cho việc xây dựng hàng loạt (có cải tiến, hoàn chỉnh hơn) các khu ở sau này như Trung Tự, Khương Thượng, Vĩnh Hồ…
Bên cạnh đó, xuất hiện những công trình nhà ở đặc thù, tiêu chuẩn cao dành cho các đối tượng đặc biệt (chuyên gia, ngoại giao đoàn) được chú trọng nhiều hơn về tổ chức căn hộ cũng như hình thức kiến trúc như trường hợp Khu nhà ở Ngoại giao đoàn Vạn Phúc (KTS Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Oanh…).
Nhìn chung, đây là thời kỳ kiến trúc nhà ở được thiết kế xây dựng phục vụ cho số đông theo phương châm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Các bước chuyển biến tập trung vào giải quyết tiêu chuẩn ở trong tổ chức mặt bằng, các khía cạnh về kiến trúc ít được chú ý, nghèo nàn về ngôn ngữ.
“Từ sau năm 1960, cùng với việc áp dụng các mô hình tiểu khu ở trong quy hoạch, Hà Nội đã tiến hành xây dựng các khu nhà ở mới, tiếp nhận những tiến bộ khoa học trong xây dựng, lắp ghép tấm nhỏ đồng thời tạo ra những bước chuyển với quan niệm về cách ở mới”.
Ở miền Nam, trong những năm đầu thập niên 60, để thực hiện công tác giải tỏa phục vụ cho quy hoạch phát triển Sài Gòn, nhiều khu nhà trệt liên kế được xây dựng ở Vườn Lài, Vĩnh Hội, Lý Nhân, Cầu Muối. Đồng thời, nhiều dạng cư xá bình dân cũng được các nhà thầu xây dựng để bán cho những người thu nhập thấp. Sau này mô hình nhà thấp tầng liên kế và chung cư cao tầng nhiều căn hộ được phát triển mạnh do nhà nước bảo trợ, hình thành các khu ở Khánh Hội, Trần Quốc Toản, Nguyễn Tri Phương, Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Thoại… hay các cư xá Đô Thành, Nguyễn Du…Nhiều vạn căn hộ dạng này đã được xây dựng ở Sài Gòn và các tỉnh thành khác trong thời gian từ 1964 – 1974. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều cao ốc và cư xá do tư nhân xây dựng để phục vụ cho binh lính sĩ quan Mỹ, quan chức chính quyền. Đặc biệt từ sau năm 1968, Viện trợ nước ngoài đã thúc đẩy việc tái thiết các khu ở Bàn Cờ, Ấn Quang, Minh Mạng, Nguyễn Kim… Tuy nhiên, những chung cư này có tiện nghi rất thấp nên nhanh chóng trở thành những căn nhà ổ chuột nhiều tầng. Đáng chú ý hơn cả là Khu cư xá Thanh Đa (được xây dựng năm 1972) tại bán đảo Thanh Đa bên sông Sài Gòn tương đối hoàn chỉnh, cả về mặt tổ chức không gian quy hoạch môi trường ở lẫn cấu trúc không gian ở trong căn hộ. Khu cư xá rộng 36 ha bao gồm 22 lô chung cư 5 tầng (theo quy hoạch là 32 nhà) với khoảng 4.000 căn hộ khép kín (diện tích 53,5 – 80m2 mỗi căn) và các tiện ích, hạ tầng xã hội đi kèm. Ngoài ra, những khu ở cao cấp như Làng Đại học Thủ Đức, Cư xá Phú Lâm, Cư xá Kiến Thiết bao gồm các biệt thự đơn lập và song lập, nhà liên kế… cùng nhiều tiện ích chung. Các căn nhà có thiết kế mới khác biệt với phong cách biệt thự cổ điển cũ, đa dạng, phong phú về ngôn ngữ kiến trúc và tổ chức không gian, hiện đại và thích nghi với điều kiện khí hậu bản địa.
Có thể nói, kiến trúc nhà ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 khá đa dạng về thể loại, nhắm tới nhiều phân khúc thị trường khác nhau, có những thể nghiệm nhất định về hình thành nhà chung cư và các khu cư xá tập trung, từ đó xuất hiện những mô hình cư xá hoàn chỉnh và những khu cư xá thấp tầng cao cấp với những phong cách kiến trúc khác nhau, phản ảnh trào lưu kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa. Tuy nhiên, cũng chính trong kiến trúc nhà ở đã thể hiện rõ nét khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, tạo ra sự khác biệt trong tổ chức không gian ở cũng như môi trường sống nói chung, giữa những khu cao cấp với những khu ổ chuột.
Các yếu tố tác động chính đến sự phát triển của kiến trúc nhà ở Việt Nam giai đoạn 1975-2020
Bối cảnh kinh tế xã hội đóng vai trò quyết định tác động đến sự phát triển của kiến trúc nhà ở. 45 năm đất nước hoàn toàn thống nhất và cũng trải qua những giai đoạn với muôn vàn khó khăn. Với những chiến lược đúng đắn của Đảng và sự nỗ lực của toàn dân đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia đói nghèo đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã chuyển sang tập trung tái thiết và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do sự tàn phá khốc liệt của nhiều năm chiến tranh cùng với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, do những yếu kém về chính sách và môi trường quốc tế không thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài suốt trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Để vượt qua những khó khăn đó, công cuộc Đổi mới được khởi xướng năm 1986, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên sở hữu Nhà nước sang một nền kinh tế nhiều thành phần dựa trên thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội, thông qua việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác trên thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhờ thực hiện những cải cách nêu trên, Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ước đạt 5,7% và liên tục tăng lên. ADB đánh giá Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990 và đạt thu nhập trung bình vào năm 2010. LHQ cho rằng các Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong hai giai đoạn 1991-2000 và 2001-2010 đã giúp Việt Nam vươn mình từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một nền kinh tế dựa trên thị trường và phát triển nhanh chóng, ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 hướng tới thiết lập một nền tảng cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020. Những tiến bộ đạt được của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong bối cảnh đó, cùng với sự chuyển mình của cả nền kinh tế, những chủ trương chính sách về nhà ở đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt từ quan điểm đến cơ chế. Nhà ở từ quan niệm bao cấp, phân phối trong những năm 70, 80 đến đầu những năm 90 đã chuyển sang “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “trợ giá” và cuối cùng đoạn tuyệt hẳn với chế độ bao cấp trong nhà ở. Luật Nhà ở 2005 ra đời và được điều chỉnh bằng Luật Nhà ở 2014, đã luật hóa toàn bộ các vấn đề liên quan đến nhà ở tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho kiến trúc nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt ngày 30/11/2011 đã khẳng định: “Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội; Nhà nước ban hành chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.” và đặt ra yêu cầu “Phát triển nhà ở phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường; đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, sử dụng tiết kiệm năng lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành”. Chiến lược đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người; đến năm 2030 phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người. Trong giải pháp về quy hoạch – kiến trúc, Chiến lược cũng định rõ “Kiến trúc nhà ở đô thị và nông thôn phải đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, có bản sắc, coi trọng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống; ban hành các thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện sản xuất và truyền thống văn hóa của các vùng, miền, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu để người dân tham khảo, áp dụng trong xây dựng nhà ở”.
Cũng từ đầu những năm 1990, Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã tạo những cú hích quan trọng đối với phát triển kiến trúc nói chung và kiến trúc nhà ở nói riêng. Thập kỷ 80, bao vây, cấm vận cùng sự sụp đổ của hệ thống XHCN Đông Âu đi liền với khủng hoảng kinh tế đã bỏ lại kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc nhà ở Việt Nam nói riêng một khoảng cách rất xa với thế giới. Từ mục tiêu, xu hướng, môi trường hành nghề… đến lý luận, tiêu chuẩn, giải pháp …Hội nhập quốc tế, một cách tổng quát, tích cực thu hẹp khoảng cách đó, đưa kiến trúc nhà ở Việt Nam hòa cùng nhịp đập với kiến trúc nhà ở thế giới, thừa hưởng thành quả, chịu tác động và đối diện với những thách thức chung như khoảng cách xã hội, chu kỳ suy thóai kinh tế và biến đổi khí hậu. Trước hết, hội nhập thời kỳ đầu mở cửa là sự du nhập ồ ạt các mô hình kiến trúc ngoại ở mọi quy mô, bên cạnh những mô hình tiếp thu có chọn lọc cũng còn nhiều hệ lụy đến từ sự du nhập này, từ hình thức đến cấu trúc ở. Cùng với chính sách mở cửa, sự hiện diện của lực lượng tư vấn nước ngoài ngày một tăng cũng tác động đáng kể đến chất lượng và môi trường hành nghề trong lĩnh vực nhà ở, cả đối với các chủ đầu tư tư nhân, cả với chủ đầu tư nhà nước, từ những biệt thự đơn lập đến những chung cư cao cấp. Nhưng trên tất cả, hội nhập đã đem lại không chỉ luật chơi trong môi trường hành nghề mà quan trong hơn cả là những bài học về nhận thức, lý luận, xu hướng trong kiến trúc nhà ở đương đại và dự báo tương lai. Trong đó, nổi bật là xu hướng thiết kế nhà ở bền vững với những lý thuyết và thực tiễn thế giới và khu vực như kiến trúc sinh thái, kiến trúc môi trường, kiến trúc có hiệu quả năng lượng và kiến trúc thích ứng… hay kiến trúc xanh nói chung, phù hợp với yêu cầu của Chiến lược phát triển nhà ở bền vững của Việt Nam. Lợi ích của hội nhập cũng còn được khẳng định ở việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở, đặc biệt là các chung cư cao tầng, từ thiết kế đến thi công xây lắp, từ vật liệu xây dựng đến giải pháp hạ tầng kỹ thuật.
Khái quát về tình hình Kiến trúc nhà ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam trước năm 1975 cũng như nhìn nhận những tác động trên đây giúp chúng ta có cách tiếp cận khách quan đến sự nhận diện, đánh giá quá trình phát triển kiến trúc nhà ở Việt Nam giai đoạn 1975 – 2020 qua từng thời kỳ.
Giai đoạn 1975-1986
Như phần trên đã trình bày, đây là thời kỳ Việt Nam lâm vào khủng hoảng toàn diện, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ kiến trúc nhà ở, tiêu biểu ở Hà Nội, có những bước đi đột phá về mô hình, cấu trúc ở. Có thể nói đây là thời kỳ đỉnh cao của kiến trúc nhà ở bao cấp, với phương châm “điển hình hóa thiết kế, công xưởng hóa cấu kiện, cơ giới hóa thi công”. Phát triển chủ yếu trong giai đoạn này là các mô hình nhà lắp ghép 5 tầng, một số khu nhà 2 tầng và một công trình 11 tầng mang tính thể nghiệm ở Giảng Võ (Sau chuyển đổi công năng thành khách sạn Hà Nội)
Về quy hoạch, từ mô hình các khu tập thể thời kỳ trước, mô hình tiểu khu Kim Liên, Giảng Võ từng bước được hoàn chỉnh và phát triển ra các khu Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Bách Khoa, Bắc Thanh Xuân với các tiện ích công cộng và hạ tầng xã hội đi kèm tạo bước chuyển lớn về môi trường ở. Khu nhà ở Quang Trung, thành phố Vinh theo thiết kế của các KTS đến từ Cộng hòa Dân chủ Đức được hình thành từ những đơn vị ở cũng được thiết kế và xây dựng trong giai đoạn này. Quy mô khu ở cũng được mở rộng hơn, từ 3 – 25ha những năm 70 lên 25 – 50 ha những năm 80. Cùng với những công trình tiện ích công cộng và môi trường cây xanh mặt nước được chú trọng đã góp phần làm sinh động hơn trong tổ chức không gian ở toàn tiểu khu bên cạnh những dãy nhà ở điển hình đơn điệu. Thậm chí, khu ở còn góp phần tạo ra cảnh quan kiến trúc cho tuyến phố như trường hợp khu nhà ở Quang Trung (TP. Vinh) Và ngược lại, chính không gian quy hoạch cũng thúc đẩy việc đa dạng hóa các mẫu nhà điển hình. So sánh Khu tập thể Kim Liên (năm 1963) với khu Bắc Thanh Xuân (đầu những năm 80) cho thấy một ví dụ minh chứng khá rõ về vấn đề này.
Cấu trúc căn hộ là một trong những thay đổi căn bản so với thời kỳ trước trong kiến trúc nhà ở, xuất phát từ nhu cầu nâng cao về chất lượng ở và quan niệm về chỗ ở cho gia đình. Nếu như trong giai đoạn trước chứng kiến sự chuyển đổi từ mô hình nhà tập thể kiểu ký túc xá sang mô hình công xã (communalka) thì trong giai đoạn này chính là sự khẳng định tuyệt đối của căn hộ khép kín. Mặc dù mô hình này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội, chế độ bao cấp và phân phối trong nhà ở, tiêu chuẩn ngặt nghèo, điều kiện thi công và vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, khái niệm tối thiểu hóa các diện tích phụ bếp, xí, tắm và lô gia được áp dụng triệt để, nhỏ nhưng riêng. Số lượng phòng ở trong căn hộ cũng rất hạn chế cũng như diện tích căn hộ. Phổ biến là loại căn hộ 2 phòng diện tích 24 – 28m2, phù hợp với tiêu chuẩn phân phối, ít hơn đáng kể là loại căn hộ 3 phòng, 1 phòng.
Tổ chức mặt bằng được coi như một quá trình chuyển hóa từ mô hình nhà tập thể mới với nhiều căn hộ điển hình giống nhau sang mô hình đơn nguyên, hạn chế hóa số căn hộ trên một tầng, từng bước đa dạng hóa các loại căn hộ. Các mô hình phổ biến loại hành lang bên đại trà (12 căn hộ /1 tầng), đơn nguyên hành lang bên (4 – 8 căn/tầng), nhà song song lệch tầng và nhà kiểu giếng trời, tổ chức theo đơn nguyên (3 – 4 căn hộ/tầng). Cầu thang có độ dốc thấp, chiếu tới rộng, bố trí đường dắt xe ở giữa, phù hợp với điều kiện ở của cư dân khi di chuyển. Một số nhà nằm ở mặt đường đã bố trí toàn bộ tầng 1 (trệt) làm cửa hàng, tiện ích công cộng, hoặc làm chỗ trông giữ xe đối với những nhà song song lệch tầng và nhà kiểu giếng trời. Các phòng trong căn hộ cũng được nghiên cứu cải tiến để có thể bố trí thêm nhiều hướng hơn.
Hình thức kiến trúc tương đối dung dị, hình khối và các chi tiết bên ngoài (cửa sổ, nhà vệ sinh, cầu thang…) phản ánh trung thực nội dung chức năng sử dụng bên trong. Các mẫu nhà điển hình khá đơn điệu thời kỳ đầu, áp dụng cho nhiều khu, sau có cải tiến bằng những tường hoa gió bằng nan hoặc viên bê tông hay gạch gốm trang trí ở hành lang, cầu thang. Với dáng vẻ công nghiệp và hiện đại, các khu nhà thời kỳ bấy giờ cũng góp phần làm đẹp thêm những khu vực mới mở rộng của Hà Nội. Với những khu ở có quy hoạch đa dạng hơn (Khu Bắc Thanh Xuân, Hà Nội và khu nhà ở Quang Trung, Vinh) các nhà ở điển hình được bố cục sinh động (xoay trục, giật cấp…) các đầu hồi nhà được chú ý xử lý tốt hơn để cải thiện hiệu ứng điểm nhìn trong toàn khu.
Những mẫu nhà phổ biến nổi bật (theo kết cấu chịu lực, hình thức thi công và cấu trúc mặt bằng) gồm:
Nhà lắp ghép tấm lớn (đúc tại hiện trường):
- Mẫu T – L – 71 (KTS Trương Tùng, KS Phạm Sĩ Liêm): Được xây dựng đại trà tại các khu Giảng Võ, Trung Tự, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Thành Công. Nhà cao 5 tầng, hành lang bên, mỗi tầng 12 căn hộ chia làm 2 bên cầu thang. Mỗi căn 2 phòng (10,43m2 + 13,37m2); căn cuối đơn nguyên 2 phòng diện tích lớn hơn (10,43m2 + 17,3m2); các căn có khu phụ đi kèm (tiền phòng, bếp, xí, tắm, lô gia).
- Mẫu T – L – 73 (Viện Thiết kế Nhà ở Hà Nội): Về cơ bản, giống mẫu trên nhưng thêm loại căn hộ 3 phòng, được xây dựng ở nhóm C Giảng Võ và K2 Hào Nam (Riêng các nhà nhóm C mặt đường Giảng Võ có sử dụng toàn bộ tầng trệt làm cửa hàng)
- Mẫu T – L – 76 (Viện Thiết kế Nhà ở Hà Nội) Tương tự hai mẫu trên nhưng có số căn hộ đa dạng hơn (1 phòng, 2 phòng, 3 phòng và 4 phòng), được xây dựng tiếp tục ở các khu Thành Công và Trung Tự.
Nhà khung chịu lực:
Mẫu LG 1V (KTS Nguyễn Đức Thiềm, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội): Được xây dựng ở Tiểu khu Bách Khoa. Nhà cao 5 tầng, hành lang bên có 2 loại căn hộ 1 phòng (16,8m2) và 2 phòng rưỡi (24,8m2), không có tiền phòng.
Nhà lắp ghép khung cột 5 tầng:
Mẫu KC – 2 – 75 (KTS Huỳnh Thanh Xuân, Viện Khoa học Kỹ thuật Bộ Xây dựng): Xây dựng ở khu K Bách Khoa và các tỉnh khác. Nhà cao 5 tầng, hành lang bên, cầu thang xoay ngang. Mỗi đơn nguyên có 4 căn hộ 2 phòng (24m2) và 1 phòng (14,6m2)
Nhà Giếng trời kiểu đơn nguyên: (KTS Ngô Quang Sơn, KTS Huỳnh Lẫm- Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng Bộ Xây Dựng) được xây dựng ở một số khu tại Hà Nội. Nhà cao 5 tầng, có các phòng ở của căn hộ hướng ra hai phía, khối cầu thang đặt ở giữa gắn với 2 giếng trời. Loại căn hộ đa dạng (từ loại 1 phòng đến 4 phòng. Tiêu chuẩn diện tích khá cao: Căn 3 phòng có diện tích 35,8m2 (15m2 + 10,8m2 + 10m2); Căn 2 phòng có diện tích 25,8m2 (15m2 + 10,8m2); có lô gia sinh hoạt và lô gia phơi phóng riêng.
Nhà lắp ghép tấm lớn Thanh Xuân Bắc (KTS Ngô Quang Sơn, Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng Bộ Xây dựng) – Nhà cao 5 tầng, lắp ghép bằng tấm lớn sản xuất tại nhà máy, được bố cục theo hình thức tiểu khu ở Bắc Thanh Xuân. Có 3 loại đơn nguyên với 5 loại căn hộ có số phòng và diện tích khác nhau (16m2, 27m2, 32m2, 35m2 và 40m2) độc lập khép kín. Các nhóm nhà ở được tổ hợp phối hợp với mạng lưới tiện ích hạ tầng xã hội tương đối hợp lý và ít đơn điệu.
Nhà 11 tầng (KTS Huỳnh Thanh Xuân, Viện Khoa học Kỹ thuật Bộ Xây dựng) theo dạng nhà tháp, có lõi kỹ thuật và thang máy, mỗi tầng có 4 căn hộ được xây dựng thí điểm ở Giảng Võ. Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị cũng như thang máy không khả thi để áp dụng mô hình nhà ở này đại trà, bản thân công trình cũng phải sửa chữa để chuyển đổi thành khách sạn.
Nhà ở cao cấp, Khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc (KTS Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Kim, Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng Bộ Xây Dựng) khu nhà ở 5 tầng, thiết kế theo tiêu chuẩn Đông Âu dành cho nhân viên ngoại giao đoàn và gia đình, bao gồm các đơn nguyên hình băng dài và một số nhà tháp hình chữ Y. Có các loại căn hộ 2,3 và 4 phòng diện tích lớn, khu phụ rộng rãi. Công trình có nhiều khác biệt với những mẫu nhà ở cùng thời bởi những sự tìm tòi trong ngôn ngữ kiến trúc.
Các mẫu nhà thấp tầng lắp ghép (Nhà nước đầu tư)
Tiếp theo những khu ở lắp ghép điển hình 1 đến 2 tầng đã triển khai từ đầu những năm 70, từ 1976 Hà Nội đã triển khai thêm những khu ở 2 tầng mới như Trại Găng, Mai Động, Kim Giang, Mai Dịch, Lương Quy, Thượng Thanh, Sài Đồng.
- Mẫu HN 203B và 203C: Được xây ghép các đơn vị 2 căn hộ thành dãy hoặc riêng biệt từng nhà 2 căn hộ. Mỗi căn hộ 2 phòng (17,5m2x 2) ở tầng 1 và tầng 2, bố trí cầu thang, khu phụ và lối vào riêng.
- Mẫu HN 206 và HN 208: Nhà biệt lập 2 tầng, 4 căn hộ khép kín (2 trên, 2 dưới). Mỗi căn hộ 2 phòng (16,3m2 + 8,3m2 hay 14,7m2+ 7,6m2), riêng Mẫu HN 208, các căn hộ tầng 2 có thêm phòng áp mái. Cầu thang chung.
- Mẫu HN 207: Gồm các đơn nguyên được ghép thành dãy, mỗi đơn nguyên có 4 căn hộ khép kín (2 trên, 2 dưới) với 2 loại căn hộ 2 phòng (14,8m2+ 11,5m2) và 3 phòng (14,8m2+ 11,5m2 + 7,3m2). Cầu thang chung.
Nhìn chung đây là thời kỳ phát triển mạnh các mẫu thiết kế điển hình theo phương thức thi công lắp ghép tại chỗ hoặc đúc sẵn tại nhà máy, được cải tiến cho từng bước phù hợp với thực tiễn sử dụng và phân phối, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cư dân đô thị, phổ biến ở Hà Nội và phát triển ở các thành phố lớn khác, chủ yếu là ở phía Bắc.
KTS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/uaWpE8N
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét