Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Sông Hồng tháng 5

Hà Nội khẩn trương hoàn thành báo cáo Quy hoạch Thủ đô vào tháng 5/224, trong đó không gian sông Hồng chiếm nội dung quan trọng. Ngày 10/5/2024, các cấp quản lý phối hợp với Hội KTS Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc thi ý tưởng quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng. Nước sông Hồng không nhiều nhưng sóng thông tin về sông Hồng đang dâng cao.

Sông Hồng có vai trò trọng yếu trong Quy hoạch Hà Nội

Năm 2024, Hà Nội trình duyệt các văn bản quan trọng liên quan đến tương lai phát triển Thủ đô đến mấy chục năm sau: Quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung…tầm nhìn đến 2065 và Luật Thủ Đô. Đây là những công tác quan trọng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 6/2/2023 Thủ tướng ký Quyết định 50/QĐ-TTg, phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún mặt đất Từng bước phục hồi mực nước sông Hồng, nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội; phục hồi mực nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức.”

Ngày 4/5/2024 Thủ tướng ký Quyết định 368/QĐ-TTg, phê duyệt “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục tiêu “Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất“. Trong đó xác định các khu vực hạn chế phát triển: “Hành lang bảo vệ nguồn nước”; Chú trọng bảo vệ tài nguyên nước bao gồm toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hồng – Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam; khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, gắn với yêu cầu hệ thống xử lý các vấn đề về môi trường. Hành lang bảo vệ an toàn đê điều: Ưu tiên thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê. Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Bảo vệ không gian thoát lũ; cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều. Xây dựng công trình chỉnh trị để bảo đảm yêu cầu thoát lũ thuận lợi, bảo đảm tỷ lệ lưu lượng tại các phân lưu, hợp lưu.

Trong 82.453 chữ của 2 bản Quy hoạch trên, cụm từ “an tinh nguồn nước”, “giữ nước”, “bảo vệ môi trường đa dạng sinh học” được nhắc lại nhiều lần và không có một chữ nào liên quan đến xây dựng đô thị ven sông, trong đê.

Bãi nổi Sông Hồng trong các đề xuất Quy hoạch Hà Nội

Trước 1998, các bản quy hoạch Hà Nội chỉ quanh quẩn bờ Nam sông Hồng. Cho tới khi mở cửa, các nhà quy hoạch quốc tế tới Hà Nội, mạnh dạn vẽ Hanoi New Town: dẫn nước sông Hồng vào Nam huyện Đông Anh, Bắc huyện Gia Lâm, nhân thể vẽ thêm 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống. Do suy thoái tài chính châu Á, nhà đầu tư lớn phá sản, dự án 40 tỷ USD dừng lại thì lại có nhà đầu tư BĐS nhỏ tới thế chân vẽ đô thị 7 tỷ USD ra mép sông Hồng, nhân đà ấy các nhà quy hoạch nội địa còn vẽ thêm thêm nhiều thứ ra bờ sông, đắp đất vào hành lang thoát lũ, còn nhà dân thì không chờ quy hoạch mà xây dày đặc, cao tầng cũng lan dần ra bờ bãi.

Đô thị lan ra bờ sông trong bản vẽ quy hoạch 1259 công bố 2011 còn rụt rè, thì quy hoạch phân khu 2022 cụ thể hơn và tiếp tục tô vẽ đô thị rõ hơn vào những khu đất mới nổi lên sau nhiều năm nước sông Hồng cạn dần. Đề xuất thành phố đôi bờ sông Hồng tiếp tục được bàn thảo và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng có ý kiến rõ ràng: “Việc lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để có giải pháp cải tạo, chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư hiện có ở bãi sông, kết hợp khai thác quỹ đất bãi sông hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, vừa đảm bảo không gian thoát lũ, an toàn đê điều, vừa phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Như vậy là quy hoạch gì thì cũng cần tuân thủ pháp luật đê điều. Phát triển đô thị tới đâu thì cũng cần đảm bảo an ninh nguồn nước, Điều đó lại được ghi nhận trong dự thảo Luật Quy hoạch Thủ đô: Chương III, Điều 19, mục 1 “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô”, phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước …

Quận Hoàn Kiếm có 2 phường bên sông Hồng (Chương Dương và Phức Tân) có dân số 42 nghìn người, trong khi tổng dân số của 9 phường khu phố cổ là 62 nghìn người. Có thể thấy mật độ dân cư ven sông Hồng trong phạm vi quận Hoàn Kiếm cao nhất trên suốt chiều dài sông Hồng. Trong nhiều năm, quận Hoàn Kiếm luôn đặt nhiệm vụ khai thác bờ vở, bãi giữa sông Hồng vào mục đích công cộng cao nhất: vừa giữ được đất công vừa đảm bảo hành lang thoát lũ.

Trong 10 năm trở lại đây quận Hoàn Kiếm đã phát triển hàng chục điểm sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, vườn cây công cộng, không gian nghệ thuật cộng đồng. Khu vực bờ vở, bãi giữa sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm hiện nay đang kiên định thực hiện từng bước cải thiện chất lượng môi trường, không lấn chiếm và phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Cuộc thi ý tưởng quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng sẽ là một bước tiến mới trong công tác bảo vệ hành lang thoát lũ, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cư dân Hoàn Kiêms nói riêng và Thủ đô nói chung. Có được kết quả này nhờ cách tiếp cận linh hoạt nhưng rất khoa học ,trong từng hoạt động thực tiễn kết hợp với nghiên cứu khoa học bài bản, đề ra những giải pháp sáng tạo trọng điều hành bộ máy hành chính, huy động tài chính – quản lý kinh tế sáng tạo nhưng đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ.

Bảo vệ an ninh nguồn nước, tài nguyên đất công, cảnh quan sinh thái Sông Hồng một cách sáng tạo

Với công nghệ đồ họa hiện đại, vẽ lên cảnh quan bắt mắt sông Hồng giờ đây quá dễ dàng. Trong một phút có cả ngàn viễn cảnh hào nhoáng, được tô vẽ bởi những lý lẽ hoa mỹ hay ho nhưng bảo toàn môi trường sống bền vững cho hàng chục triệu cư dân châu thổ sông Hồng cần một tầm nhìn sáng suốt, những công cụ quản trị sắc bén để nhận biết rõ ràng, loại bỏ những đề xuất tai hại vì lợi ích ngắn hạn mà hủy hoại tương lai lâu dài. Do vậy Cuộc thi ý tưởng quy hoạch hôm nay không phải là cuộc thi tranh vẽ mà trông đợi một lộ trình khả thi tạo dựng tương lai. Tương lai sông Hồng sống thân thiện với con người, với cư dân Thủ đô hôm nay và mai sau, với thiên nhiên sông nước Hà Nội trong những hoàn cảnh mưa thuận gió hòa và cả trong những thách thức khắc nghiệt của mưa lũ khô hạn. Cuộc thi hôm nay trông đợi những sáng kiến mới và cũng là lúc để học lại những bài học thành công hay thất bại đã trải qua, đặc biệt là những hoạt động thực tiễn quận Hoàn Kiếm đã làm trong 10 năm trở lại đây.

Bãi Giữa sông Hồng 2018. Sông Hồng khô hạn năm 2015. Sân chơi bờ vở Phúc Tân và Phương án dự kiến thao trường rèn luyện cứu hộ cứu nạn khi mùa lũ.
Bãi Giữa sông Hồng 2018. Sông Hồng khô hạn năm 2015. Sân chơi bờ vở Phúc Tân và Phương án dự kiến thao trường rèn luyện cứu hộ cứu nạn khi mùa lũ.
Cán bộ quản lý UBND quận Hoàn Kiếm và phường Phúc Tân cùng đoàn khảo sát quốc tế tại Bãi Giữa Sông Hồng 2016. Dự án Nghệ thuật Phùng Hưng 2017, Dự án Nghệ thuật Phúc Tân và cầu dẫn từ Phố Cổ ra bờ vở 2024; Sông Hồng hiện diện trong các tác phẩm gợi nhớ trách nhiệm của con người với dòng sông.
Cán bộ quản lý UBND quận Hoàn Kiếm và phường Phúc Tân cùng đoàn khảo sát quốc tế tại Bãi Giữa Sông Hồng 2016. Dự án Nghệ thuật Phùng Hưng 2017, Dự án Nghệ thuật Phúc Tân và cầu dẫn từ Phố Cổ ra bờ vở 2024; Sông Hồng hiện diện trong các tác phẩm gợi nhớ trách nhiệm của con người với dòng sông.
Sân chơi công cộng bờ vở Phúc Tân Vườn rừng Chương Dương là những công trình được UBND quận Hoàn Kiếm cùng cộng đồng nhân dân, các KTS tình nguyện và các nhà tài trợ thực hiện trên nền bãi rác năm 2022-2024 Đoàn học sinh trường Quốc Tế đang đi tham quan vườn cây nguyên sinh Bãi giữa sông Hồng 2024.
Sân chơi công cộng bờ vở Phúc Tân Vườn rừng Chương Dương là những công trình được UBND quận Hoàn Kiếm cùng cộng đồng nhân dân, các KTS tình nguyện và các nhà tài trợ thực hiện trên nền bãi rác năm 2022-2024 Đoàn học sinh trường Quốc Tế đang đi tham quan vườn cây nguyên sinh Bãi giữa sông Hồng 2024.

Nhân đây cũng chia sẻ những hoạt động tương tự tại sông Hàn (chảy qua Thủ đô Seoul – Hàn Quốc) trong tài liệu quy hoạch phát triển toàn diện thành phố giai đoạn 2024-2040 (công bố năm 2023).

Kế hoạch “Phục hưng sông Hàn 2.0” được lập ra nhằm hiện thực hóa 2 trong 7 mục tiêu được đặt ra trong quy hoạch Tổng thể Seoul 2040, đó là “Tạo ra khu vực sinh hoạt đa dạng hàng ngày với sự thuận tiện của đi bộ” và “Tái tổ chức không gian bờ sông làm trung tâm”. Trong 32 năm (1990-2022), Seoul trải qua 5 giai đoạn lập quy hoạch hướng tới các mục tiêu khác nhau, rõ nhất là chuyển đổi từ mô hình thành phố có nhiều vệ tinh trở thành một thành phố đa hạt nhân (1990) tới mô hình một thành phố có nhiều trung tâm nhằm tăng tính độc lập, vừa cạnh tranh lại vừa kết nối với nhau.

Các giai đoạn Quy hoạch Seoul, hướng tới các mục tiêu khác nhau trong 32 năm (1990-2022)
Các giai đoạn Quy hoạch Seoul, hướng tới các mục tiêu khác nhau trong 32 năm (1990-2022)
Quy hoạch tổng thể Seoul 2024 nhận diện mô hình đô thị hiện tại và tương lai để xác định vai trò của sông Hàn là kết nối các trung tâm đô thị đa chức năng trong tương lai.
Quy hoạch tổng thể Seoul 2024 nhận diện mô hình đô thị hiện tại và tương lai để xác định vai trò của sông Hàn là kết nối các trung tâm đô thị đa chức năng trong tương lai.
Thành phố có nhiều trung tâm độc lập (cư trú/việc làm/hoạt động công cộng) được kết nối nhanh và tiện nghi (bằng đường sắt và đường sông) với không gian công cộng phân bổ đều các khu vực.
Thành phố có nhiều trung tâm độc lập (cư trú/việc làm/hoạt động công cộng) được kết nối nhanh và tiện nghi (bằng đường sắt và đường sông) với không gian công cộng phân bổ đều các khu vực.
Phục hưng sông Hàn là một chuỗi hoạt động kiên định nhằm phục hồi cảnh quan môi trường tự nhiên, giảm tác động “bê tông hóa” loại bỏ dần nhà cao tầng ven sông.
Phục hưng sông Hàn là một chuỗi hoạt động kiên định nhằm phục hồi cảnh quan môi trường tự nhiên, giảm tác động “bê tông hóa” loại bỏ dần nhà cao tầng ven sông.

“Phục hưng sông Hàn 2.0” không phải là khẩu hiệu mà là một tiến trình hành động cụ thể được giám sát đánh giá bằng các công cụ tin cậy với 14 chỉ tiêu, có các chỉ số đo lường chi tiết, thống kê hàng năm để điều chỉnh phù hợp. Sau 40 năm, sông Hàn đã trở thành biểu tượng của Seoul và không ngừng tiến hóa.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/5df0JGe
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét