Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Hệ thống đô thị tỉnh Phú Yên: Động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển

Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh. Đây là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh Phú Yên phát triển.

Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ trên cao Nguồn: Internet
Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ trên cao Nguồn: Internet

Đến năm 2030 Phú Yên có 18 đô thị

Theo quy hoạch mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế tỉnh Phú Yên phát triển dựa trên lợi thế biển, với các trụ cột công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng…); du lịch, dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics…

Với tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên sẽ là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ, có hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, có bản sắc. Trong đó, những đô thị ven biển có sức thu hút khách du lịch và có môi trường sống tốt của vùng và cả nước.

Về hệ thống đô thị, đến năm 2030 tỉnh Phú Yên có 18 đô thị, trong đó có: 01 đô thị loại I (thành phố Tuy Hòa); có 01 đô thị loại II (thành phố Sông Cầu); có 01 đô thị loại III (thị xã Đông Hòa); có 06 đô thị loại IV (đô thị huyện lỵ là: Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa); có 09 đô thị loại V đô thị tiểu vùng là: Tân lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông và Phong Niên.

So với hiện tại các đô thị tăng gấp 2 lần, được hình thành từ lợi thế tài nguyên thiên nhiên của vùng đất, nằm trên các trục động lực phát triển kinh tế, nhiều đô thị tiểu vùng mới được hình thành có chức năng khác nhau, cùng với các đô thị huyện lỵ; nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của vùng đất, các đô thị là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Mỗi đô thị có chức năng riêng

Không gian trục kinh tế động lực biển có 3 đô thị chủ đạo: Thành phố Tuy Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên, với tầm nhìn về quy hoạch là xây dựng đô thị du lịch biển liên châu lục thông qua sân bay Tuy Hòa, là cửa ngõ của Tây Nguyên, có mối lưu thông hàng hóa, đào tạo nhân lực, nơi trung chuyển thiết yếu cho hoạt động kinh tế và dân cư qua hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc – Nam; với khu vực công nghiệp, công nghệ cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế mang tính quốc tế. Tỉnh chủ trương xây dựng TP hiện đại, hội nhập, thông minh, có nền văn hóa và thể thao vững mạnh, hướng đến phát triển bền vững về môi trường.

TP Tuy Hòa có chức năng là đô thị tỉnh lỵ, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa thương mại dịch vụ khoa học – kỹ thuật của tỉnh; là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp của cả tỉnh; là đầu mối trung chuyển hàng hóa, công nghiệp, công nghệ cao của vùng. Ngoài ra, còn là một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm du lịch, giáo dục đào tạo của vùng Nam – Trung – Bộ và Tây Nguyên. Là đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cửa ngõ hướng biển của Tây – Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ra biển Đông.

Thị xã Sông Cầu phát triển lên thành phố, đô thị loại II, là trung tâm tiểu vùng về kinh tế, văn hóa, dịch vụ du lịch và công nghiệp, là cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng. Đối với đô thị này sở hữu hơn 80 km đường bờ biển mà ít đô thị nào có được, thiên nhiên ban tặng cho Sông Cầu những miền cát trắng trải dài, khi lại cong như vầng trăng khuyết, với vẻ đẹp thanh khiết, tươi mới của những biển đảo xanh; nơi có rừng núi xanh, những vùng đất bình dị nổi tiếng dừa xanh và đặc biệt có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông là hai công viên lớn, cảnh sắc trời ban ngay trong lòng thành phố. Sông Cầu tương lai là đô thị biển – du lịch – nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc riêng, nhằm thu hút khách du lich từ phương xa tới; nằm trong chuỗi các đô thị du lịch khu vực duyên hải Nam – Trung – Bộ.

Thị xã Đông Hòa đô thị loại III, là trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Phú Yên. Định hướng phát triển đô thị này với trọng tâm là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng, phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo như luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng… gắn với cảng biển.

Tại đây có 2 cảng nước sâu là Vũng Rô và Bãi Gốc; có quốc lộ 29 lên Tây Nguyên, có đường sắt Bắc – Nam với ga Hòa Hiệp và ga Hảo Sơn là cửa ngõ của đô thị; có quốc lộ 1 đi qua, có sân bay Tuy Hoà; một đô thị mà có đến 4 phương tiện giao thông đối ngoại đi qua là hiếm có. Đông Hoà còn là vùng kinh tế trọng điểm nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa. Tương lai là đô thị biển, với yếu tố công nghiệp là chủ đạo, là đầu mối về giao thông trung chuyển hàng hóa giữa các phương tiện giao thông sắt – thủy – bộ; trở thành một trong các trung tâm dịch vụ và du lịch cấp khu vực và quốc gia.

Không gian hành lang trục kinh tế Đông – Tây (dọc hai bên bờ sông Ba). Phía tả ngạn theo quốc lộ 25 có các đô thị: Hòa trị, Phú Hòa, Củng Sơn, Trà Kê Sơn Hội. Phía hữu ngạn dọc theo quốc lộ 29 có các đô thị: Đông Hòa, Hòa Mỹ Đông, Phú Thứ và Hai Riêng. Trên quốc lộ 19 (trục dọc miền Tây) có các đô thị Xuân Lãnh, La Hai, Xuân Phước, Sơn Long.

Nhìn chung hệ thống đô thị phân bổ khá đều từ ven biển đến đồng bằng miền núi, nằm trên các trục giao thông đối ngoại quan trọng, là vùng kinh tế phát triển có khả năng đô thị hóa cao. Mỗi đô thị có chức năng khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các vùng trong toàn tỉnh Phú Yên.

Kts Hoàng Xuân Thưởng
© Tạp chí Kiến trúc



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/FbQjIr1
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét