Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Xu hướng quốc tế hóa, bản địa hóa và công nghệ hóa không gian công cộng trong đô thị

Không gian công cộng phản ánh trình độ quản lý, năng lực thiết kế và đặc trưng về tự nhiên – kinh tế – văn hóa – xã hội của một khu vực. Hiện có nhiều xu hướng tổ chức không gian công cộng trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là sáu xu hướng sau: 1. Sinh thái hóa, 2. Quốc tế hóa, 3. Bản địa hóa, 4. Công nghệ hóa, 5. Đa năng hóa và 6. Linh hoạt hóa. Bài viết này luận bàn về xu hướng số hai, số ba và số bốn, đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng hãy còn tương đối mới ở Việt Nam. Trong thực tế, quốc tế hóa và bản địa hóa là sự tìm tòi và chắt lọc một số yếu tố như văn hóa và thương mại rồi thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để mang lại những sắc thái mới cho không gian công cộng, góp phần tạo nên sự hấp dẫn và mới lạ của những không gian ấy đối với cộng đồng. Trong khi đó, công nghệ hóa là sự tích hợp công nghệ vào không gian theo đà tiến bộ của công nghệ nhằm đem lại nhiều tiện ích hơn cho con người khi sử dụng không gian công cộng trong cuộc sống hàng ngày.

H1. Xu hướng quốc tế hóa không gian công cộng nhờ Hội chợ thương mại quốc tế EXPO năm 2020 tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất – UAE)
(Nguồn: Reuters)

1. Quốc tế hóa

Quốc tế hóa đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội ngày nay như trong giáo dục với việc quốc tế hóa chương trình đào tạo và bằng cấp, trong khoa học kỹ thuật với việc quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu khi có sự tham gia của nhiều đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong luật pháp với những tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia, cần sự phân xử khách quan và công bằng của một đơn vị đóng vai trò trọng tài và có sự giám sát của thế giới, hoặc trong truyền thông với những vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay hành động của nhiều quốc gia, chẳng hạn như các biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên, phòng chống đại dịch, …

Trong thiết kế đô thị, nhất là thiết kế không gian công cộng, quốc tế hóa nảy sinh như một nhu cầu tất yếu của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Các thành phố định hướng trở thành “đô thị toàn cầu”, nếu không phải vì kinh tế hay thương mại thì cũng hướng tới văn hóa hoặc nghệ thuật. Dù đi theo lộ trình nào, các đô thị ấy đều rất chú trọng xu hướng quốc tế hóa và thường tìm mọi giải pháp để đạt được mục đích đó một cách tối đa. Các nước tiên tiến, do hội tụ đủ điều kiện và tiềm lực nên đã đi trước một bước, theo sau với khoảng cách vài thập niên là một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi (UN Habitat, 2004). Cũng theo UN Habitat, quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa là cặp song sinh. Toàn cầu hóa nếu được tiếp nhận, thậm chí được chào đón trong bối cảnh một quốc gia mở cửa với quốc tế, sẽ đa dạng hóa văn hóa đô thị và trong những trường hợp thành công còn làm giàu thêm vốn văn hóa của đô thị ấy. Còn ngược lại, nếu tình hình không khả quan, đặc biệt đối với những quốc gia chậm hội nhập và có nền tảng văn hóa không đủ vững chắc, có thể gây ra sự sợ hãi trước ảnh hưởng tích cực song lại quá mạnh mẽ khi xâm nhập, đi đôi với khả năng xáo trộn và va chạm về ý thức hệ, kèm theo thái độ “dè chừng” và “phòng thủ” về văn hóa. Tiếp cận với nhiều hình ảnh mới mẻ hơn mang tính đại diện bắt nguồn từ một hoặc một số quốc gia khác cũng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân đô thị. Khi yếu tố văn hóa ngoại nhập đủ sức hấp dẫn và thuyết phục sẽ khuyến khích cư dân trở thành những người tiêu dùng đa văn hóa, bao dung hơn với những yếu tố thoạt đầu có thể tương đối xa lạ trong cộng đồng nhưng với thời gian và sự chuyển biến nhận thức xã hội sẽ dần trở nên quen thuộc, thậm chí còn trở thành một phần hương vị của cuộc sống. Những yếu tố “ngoại” hay “quốc tế” đó góp phần định hình những giá trị mới của cuộc sống đương đại, hình thành nên một lối sống mới, thông thường được giới trẻ đón nhận trước khi được các thành phần khác trong xã hội chấp nhận. Về mặt thiết kế đô thị, các không gian công cộng cũng từng bước biến đổi, có thể đẹp hơn hoặc không, tùy thuộc vào năng lực lựa chọn và thẩm định của chính quyền, giới chuyên môn và cộng đồng từng nơi, song điều chắc chắn là sự biến đổi không gian đó trong đại đa số các trường hợp luôn theo sát sự phát triển kinh tế và nhận thức xã hội.

Quốc tế hóa hoặc toàn cầu hóa cũng dẫn đến khái niệm tiêu chuẩn hóa và phổ cập hóa, khi mọi người đều có quyền truy cập các kênh văn hóa, thưởng thức các sản phẩm văn hóa giống nhau đã trải qua sự sàng lọc một tầng hoặc nhiều tầng để bỏ bớt những gì chưa phù hợp. Sản phẩm của nền văn minh nhân loại nói chung và sản phẩm văn hóa nói riêng cần hiện diện trong không gian đô thị dưới nhiều hình thức, từ thương mại cho đến nghệ thuật, và dù hướng tới mục đích cuối cùng là gì thì cũng đều chọn cách biểu hiện chắc chắn nhất là thông qua thiết kế đô thị, để có thể lưu giữ hình ảnh thực và in dấu ấn mang tính vật thể trong không gian công cộng bên cạnh một vị trí vững chắc khác là trong tâm thức của cộng đồng. Với lợi thế sẵn có là luôn thu hút đông người, không gian rộng rãi và điểm nhìn tốt, việc đưa những yếu tố quốc tế mới lạ – kết quả của thời hội nhập – vào tổ chức không gian công cộng sẽ là sự lựa chọn phù hợp.

EXPO là tên của một hội chợ thương mại quốc tế thường niên, mỗi năm có một thành phố đăng cai. Đó là cơ hội kinh doanh lớn cho quốc gia chủ nhà, cũng là dịp các quốc gia tham dự xúc tiến thương mại và quảng bá văn hóa của mình. Bản thân EXPO là một tên hiệu được quốc tế hóa từ những năm 1990. Mỗi thành phố đăng cai tổ chức thường đầu tư nhiều vào công tác chuẩn bị địa điểm. Trong số rất nhiều cách thức thể hiện, bốn chữ trong từ EXPO được cắt khổ lớn đi kèm với bốn chữ số chỉ năm tổ chức và có thể kèm theo một vài chi tiết trang trí nhấn nháy được khai thác theo hướng nghệ thuật sắp đặt khá phổ biến trên đường phố, tại các quảng trường trong thành phố, ngoài không gian xung quanh địa điểm diễn ra sự kiện. Cùng một chủ đề, nhưng mỗi thành phố có một cách làm khác nhau và phương án tạo hình chính thức để triển khai rộng rãi được phê duyệt trên cơ sở đối chiếu với các mẫu thiết kế tạo hình của những năm trước để tránh trùng lặp. Ví dụ trong Hình 1 dưới đây là vật phẩm trang trí không gian trước khu triển lãm EXPO 2020 tại Dubai – Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Màu được chọn cho chữ và số là xanh cọ – loại cây trồng đặc hữu của xứ sở sa mạc Tây Á. Ban đêm, khi được chiếu sáng nhân tạo, ánh sáng xanh của logo này rất dễ nhận biết và làm dịu mắt người quan sát.

Mã QR được sử dụng rộng rãi trong thương mại điện tử trên thế giới, cũng tương tự như mã vạch in trên hàng hóa, và có nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống hàng ngày, mới đây nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 trên phạm vi toàn cầu. Mã QR được cấp cho mỗi cá nhân là chứng nhận đã tiêm chủng vắc-xin phòng dịch và người dân khi đến chỗ công cộng buộc phải quét mã QR mới được cho phép vào. Trong thiết kế không gian công cộng, mã QR cũng là cảm hứng để các nhà thiết kế sử dụng một cách sáng tạo trên các bề mặt, chẳng hạn như mặt sân (Hình 2a), mặt đứng công trình (Hình 2b) hay một tác phẩm nghệ thuật trang trí trong công viên (Hình 2c).

H2a. Tòa nhà MVRDV ở Dijon (Cộng hòa Pháp) được tổ chức mặt đứng – lấy ý tưởng từ các mã QR (Nguồn: Scenario Journal)
H2b. Sân trong của khu học xá Đại học California Bekerly (UCB) (Hoa Kỳ) – được lát gạch lấy cảm hứng từ mã QR (Nguồn: Scenario Journal)
H2c. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lấy mã QR làm chất liệu sáng tác trong công viên ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) (Nguồn: China Daily E-Newspaper)

2. Bản địa hóa

Bản địa hóa là chu trình ngược chiều với quốc tế hóa hay toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ngược chiều không có nghĩa là loại trừ hoặc triệt tiêu nhau, mà trái lại hoàn toàn có thể song hành và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Yếu tố mang tính bản địa hóa có thể cùng tồn tại với yếu tố mang tính toàn cầu hay quốc tế trong cùng một không gian. Trong khi yếu tố quốc tế đem đến sự mới mẻ cho không gian như đã phân tích ở trên, yếu tố bản địa hiện diện ở một góc nào đó lại hàm ý đề cao và nhắc nhớ đến những đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư sinh sống trong không gian ấy, và nếu có thể thì yếu tố bản địa cần thể hiện “tinh thần nơi chốn” và nhấn mạnh bản sắc văn hóa địa phương.

Nhiều chính quyền thành phố và các cơ quan phát triển đô thị trên toàn thế giới đang ngày càng sử dụng thường xuyên các hoạt động liên quan đến văn hóa để tái phát triển hoặc phục hồi những không gian đô thị đã xuống cấp qua nhiều thập niên thiếu sự coi sóc hoặc không còn phù hợp với bối cảnh mới. Chiến lược này đã được sử dụng để thúc đẩy bản sắc của các hoạt động dân sự trong thành phố, để tiếp thị các thành phố ra quốc tế và đặc biệt nhằm thúc đẩy vận may kinh tế của các thành phố có sản xuất công nghiệp suy giảm trong thời kỳ hậu công nghiệp. Xu hướng này đang tiếp diễn trên toàn thế giới cho thấy rằng văn hóa liên tục phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong tương lai của các đô thị. Những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt bao gồm: Tái phát triển không gian đô thị dựa trên văn hóa và xây dựng thương hiệu toàn cầu của các thành phố; chú trọng công tác bảo tồn di sản và gắn bảo tồn với phát huy giá trị và sử dụng giá trị ấy như một phương tiện quảng bá các thành phố ra thế giới; và tìm kiếm những vốn quý văn hóa cũ đã bị lãng quên hoặc đánh thức tiềm năng của văn hóa mới gắn liền với một địa điểm cùng tiến trình lịch sử phát triển, để tạo nên sức hấp dẫn (UN Habitat, 2004). Những phố nghệ thuật hay quận nghệ thuật tập trung ở mức độ đậm đặc các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại hoặc có sự pha trộn của cả hai thể loại xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây ở các quốc gia mở cửa cả về kinh tế lẫn văn hóa, thu hút đông đảo giới trẻ và trở thành địa chỉ dừng chân cho khách du lịch. Thực tế đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của trào lưu này. Giới trẻ và một số nghệ sỹ còn mạnh dạn thử nghiệm cách tân văn hóa và/hoặc tác phẩm nghệ thuật truyền thống qua quá trình tiếp xúc, trải nghiệm và chắt lọc tinh hoa của văn hóa và nghệ thuật hiện đại.

Không gian công cộng được coi như địa điểm hội tụ và ngưng tụ văn hóa của một vùng miền và cộng đồng dân cư tại đó, thông qua thủ pháp tổ chức không gian từ các thành phần cấu thành và thiết kế những thành phần cấu thành đó để đạt đươc tính thẩm mỹ cũng như tạo ra một số hiệu ứng mong muốn. Khi được thiết kế mới từ đầu hoặc tái phát triển một không gian đã có sẵn, yêu cầu đặt ra ngày nay là làm thế nào để những không gian ấy lưu lại được trong tâm khảm của người dân cũng như du khách, khiến họ luôn nhớ đến không gian ấy. Bên cạnh vẻ đẹp nói chung là một yêu cầu gần như là bắt buộc thì một yếu tố tự thân có sức sống lâu bền cần được khai thác một cách khéo léo và sáng tạo là những đặc điểm riêng biệt, khiến không gian ấy không bị nhầm lẫn với các không gian khác, trên một phạm vi rộng là giữa hai quốc gia (khác biệt nhau về văn hóa) và trên một bình diện hẹp là hai khu vực trong cùng một vùng lãnh thổ (có sự tương đồng nhất định về văn hóa). Yếu tố được khai thác và sử dụng nhiều nhất chính là các biểu tượng văn hóa. Cũng như tính quốc tế, những không gian công cộng thích hợp để các tác phẩm nghệ thuật thể hiện tính bản địa (địa phương) hiện diện là:

  • Đường phố (bao gồm cả dải phân cách và các bùng binh – đảo giao thông, mặt tiền của các công trình);
  • Tuyến phố đi bộ;
  • Quảng trường;
  • Không gian ven sông, ven hồ, ven biển;
  • Khoảng lùi phía trước của công trình công cộng quy mô lớn hoặc cụm công trình công cộng;
  • Sân trong của công trình công cộng quy mô lớn hoặc cụm công trình công cộng.
H3. Các ghế ngồi tại nhiều không gian công cộng trên khắp Hà Lan được thiết kế theo hình hoa tuy-líp (Nguồn: Off Some Design)

Hoa tuy-líp là quốc hoa của Hà Lan, song không như một số quốc gia khác lý tưởng hóa hoặc đề cao quốc hoa đến mức thiêng liêng, gần như không ai dám sử dụng hình tượng đó làm chất liệu thiết kế mà chỉ để chiêm bái, các nhà thiết kế của Hà Lan lại chọn cách đại chúng hóa hoa tuy-líp trong cuộc sống hàng ngày, mà cụ thể là các ghế ngồi nghỉ chân tại những nơi công cộng. Người Hà Lan ưa vận động, đi bộ rất nhiều, và du khách đến Hà Lan cũng thường chọn đi bộ hoặc đi xe đạp để khám phá kiến trúc, cảnh quan và văn hóa bản địa như người bản xứ. Chính vì nhu cầu đi bộ và ngồi nghỉ chân rất cao, các nhà thiết kế lấy hình tượng hoa tuy-líp đủ các màu làm ghế nghỉ, khi không sử dụng nữa thì một nửa ghế phía trước lật lên khép với nửa sau như một bông hoa hé nở dọc theo lối đi (Hình 3). Ý tưởng đơn giản này khiến du khách không khỏi cảm thấy bất ngờ và thích thú.

Tương tự như vậy, hoa Hibiscus (hoa Dâm bụt) được người Malaysia coi là quốc hoa. Mẫu hoa này có thể thấy ở các đèn chiếu sáng trên nhiều tuyến phố và quảng trường hoặc đài phun nước trong công viên tại thủ đô Kuala Lumpur như những tác phẩm nghệ thuật cố định (Hình 4a, 4b), và được sơn trên vỏ xe buýt hoặc tàu điện ngược xuôi trên đường như những bức họa di động.

3. Công nghệ hóa

Tác động của công nghệ mới đối với các thành phố ngày nay rất sâu sắc đến mức không gian thực tế và không gian kỹ thuật số trở nên hòa quyện vào nhau và không gian kỹ thuật số tiếp tục mở rộng (Saskia Sassen, 2003). Một cấu trúc xã hội cần được thiết lập dựa trên khả năng truy xuất, lưu trữ và xử lý thông tin, và tương tự như khả năng tạo ra và trao đổi kiến thức. Thông tin và tri thức là nguyên liệu để mọi quá trình xã hội, tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội thực hiện tốt các chức năng của mình. Một thành phố công nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ thành một thành phố thông tin (Manuel Castells, 1993).

Có vẻ như hầu hết mọi thứ ngày nay đều được số hóa hoặc vi tính hóa để đem lại hiệu quả và thuận tiện tối đa cho cư dân. Một đô thị thực sự đã trở thành một phòng không gian mạng khổng lồ. Công nghệ đã làm nhiều việc thay đổi đáng kể. Ngay cả một chính phủ và những cơ quan trực thuộc ngày nay hầu hết các hoạt động dựa trên công nghệ thông tin và một cổng thông tin điện tử được cập nhật hàng giờ để cung cấp thông tin chi tiết và trả lời tất cả các câu hỏi trực tiếp gửi đến cơ quan có thẩm quyền, được gọi là chính phủ điện tử và bộ – ban – ngành điện tử. Các thành phố lớn ở Việt Nam hiện có các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tương đối vững chắc và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khối ASEAN. Thêm nữa, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi sâu sắc lực lượng lao động và cấu trúc đô thị. Không gian đô thị, trong đó có không gian công cộng, cũng đang và tiếp tục chịu nhiều tác động to lớn từ công cuộc công nghệ hóa đang được khởi xướng.

Một số công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua và được tích hợp vào không gian đô thị, trong đó không gian công cộng luôn được ưu tiên lắp đặt. Ví dụ:

  • Công nghệ thông minh: Ứng dụng để điều khiển giao thông thay đổi theo từng tình huống trên đường nhờ các mắt đọc cảm biến đo lưu lượng phương tiện giao thông thực tế để điều chỉnh thời gian bật đèn xanh – đèn đỏ cho phù hợp. Hai ứng dụng nổi bật khác của công nghệ này là: 1. Tự động đặt giờ bật đèn chiếu sáng không gian công cộng theo mùa và điều chỉnh cường độ sáng của đèn theo điều kiện thời tiết trong ngày, giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và 2. Thông báo số chỗ đỗ xe mà các bãi đỗ xe trong từng khu vực có thể tiếp nhận để các phương tiện có nhu cầu chủ động tìm địa điểm thích hợp gần nhất. Ngoài chế độ hiển thị trên điện thoại di động, những thông tin này cũng được chạy trên các bảng điện tử hai bên đường trong tầm quan sát của người điều khiển.
  • Công nghệ môi trường: Hiển thị kết quả đo đạc các chỉ số chất lượng môi trường không khí theo từng khung giờ trong ngày và tự động hiển thị theo thang màu quy ước. Bên cạnh khả năng truy cập vào trang thông tin điện tử của cơ quan quan trắc môi trường, người dân và du khách có thể theo dõi những dữ liệu này trên các màn hình LED hoặc chuỗi đèn báo ở những không gian công cộng (Hình 5).
5. Cột hiển thị các chỉ số không khí ở Stockholm (Thụy Điển)
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2014)
  • Công nghệ năng lượng: Các thiết bị thu năng lượng mặt trời ngày một phổ biến và hiện diện nhiều hơn trong không gian công cộng, đáp ứng toàn bộ hoặc một phần nhu cầu sử dụng điện năng phục vụ cộng đồng như chiếu sáng nhân tạo, quảng cáo, sạc pin, nạp thẻ – quẹt thẻ (Hình 6).
H6. Các thiết bị thu năng lượng mặt trời giả hình cây nấm tại khu vực triển lãm EXPO 2020 tại Dubai (Nguồn: Reuter)
  • Công nghệ thực tại ảo: Đáp ứng nhu cầu trình chiếu hình ảnh động tại các không gian ngoài trời, nhân các sự kiện trọng đại hoặc hoạt động tập trung đông người. Trở lại với ví dụ mã QR trong xu thế quốc tế hóa, mã QR này còn được công nghệ hóa khi hiển thị trên không trung bằng thiết bị chiếu 3D (Hình 7a) cùng với những chủ đề khác (Hình 7b), chứng minh một đô thị hiện đại có thể vận hành hoàn toàn trên nền tảng công nghệ và đem lại những lợi ích nổi bật cho cộng đồng dân cư.

Lời kết

Quốc tế hóa nói chung và quốc tế hóa không gian công cộng nói riêng ở một mức độ nhất định là một xu thế tất yếu trên thế giới ngày nay. Điều đáng quan tâm là mỗi một cộng đồng đô thị có thể được hưởng những lợi ích hoặc cảm nhận được những giá trị gì mà quá trình ấy đem lại. Những lợi ích và giá trị đó hoàn toàn có thể được bảo đảm khi có sự chọn lọc đi kèm với sáng tạo.

Bản địa hóa cũng là nhu cầu cấp bách nhằm thực hiện chủ trương “hòa nhập nhưng không hòa tan” ngày nay. Cũng như quốc tế hóa, bản địa hóa đi vào thực tiễn cuộc sống và hiện diện trong không gian công cộng thông qua sự kết hợp giữa văn hóa và nghệ thuật tạo hình.
Công nghệ hóa đang làm biến đổi sâu sắc thế giới và cuộc sống, đem lại nhiều tiện ích vượt trội, và sẽ là công cụ mới mẻ đầy sức mạnh, để không gian công cộng trong đô thị trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)


Tài liệu tham khảo
1. UN Habitat (2004), Dialogue on Urban Culture, Globalisation and Culture in An Urbanising World, World Urban Forum, Second Session, Barcelona, tr. 7, 11
2. Saskia Sassen (2003), The impact of the new technologies and globalisation on cities, City Reader collection, Routledge, London, tr.219-220
3. Manuel Castells (1993), European cities – The informational society and the global economy, Journal of Economic and Social Geography, Vo. 84 (4), Oxford, tr. 247-252

Một số ảnh minh họa lấy nguồn từ trang thông tin điện tử:
4. Reuters: https://ift.tt/3mqpKqS
5. Scenario Journal: https://ift.tt/2ZJK1in
6. China Daily E-Newspaper: https://ift.tt/3CuIzid
7. Independent (UK): https://ift.tt/39zOV1t
8. Off Some Design: https://ift.tt/3jRrl7b

The post Xu hướng quốc tế hóa, bản địa hóa và công nghệ hóa không gian công cộng trong đô thị appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3nLDJXy
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Sáng tạo kiến trúc từ thị cảm đến tương tác

Kiến trúc và Nghệ thuật vốn được coi là những mẫu hình về cái đẹp, cái có ích và cái có ý nghĩa từ những tạo tác của các bậc thầy. Nhưng trong thời kỳ Đương đại, nhiều công trình, tác phẩm đã thu hút sự chú ý, thiện cảm của công chúng – Bởi lẽ chúng có vẻ như bị “lược giản”, nhiều hình thức biểu hiện truyền thống đã bị “tiêu biến” một cách cố ý. Điều này không làm cho ngôn ngữ nghệ thuật và kiến trúc trở nên nghèo nàn hơn. Ngược lại, đó chính là “bệ đỡ” cần thiết cho sự cảm thụ nghệ thuật của công chúng khi họ được mời gọi tiếp cận trực tiếp và tương tác với các gợi mở “không – có – sẵn”, “không – khuôn – mẫu” từ các nhà thiết kế. Sự cảm thụ mới mẻ ấy khuyến khích sự tự do và riêng tư hơn của công chúng trong các tương tác và tự mình “đối thoại” với các tác phẩm nghệ thuật Đương đại. Đó là lý do bài viết này sẽ tập trung trình bày về ba đặc tính trong sáng tạo kiến trúc: Thị cảm, ý nghĩa và tương tác.

Hình thức kiến trúc của Parthenon biểu đạt cho sự tôn thờ cái đẹp và sự hài hòa – Một giá trị phổ quát có tính Đại tự sự của người Hy Lạp cổ đại – [Nguồn: Internet]
Villa Savoye – Ngôn ngữ kiến trúc mới mẻ phản ánh lối tư duy tạo dựng hình thức khác biệt với quá khứ – [Nguồn: Internet]

Thị cảm trong sáng tạo kiến trúc

Từ lâu nay, kiến trúc vốn tất yếu được nhìn nhận là một vật thể vật lý, xã hội và nghệ thuật. Như vậy, tính biểu hiện của kiến trúc được thể hiện rõ ràng trong hai vật thể: Vật lý và nghệ thuật. Hay nói dễ hiểu hơn, khía cạnh vật lý cho thấy những chiều kích và hình hài của công trình, khía cạnh nghệ thuật đem lại vẻ đẹp, sự ưa nhìn của vật thể kiến trúc.

Người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc giàu tính trang trí với các thức cột lộng lẫy, các dải phù điêu tinh xảo… phản ánh những mong muốn chạm tới chuẩn mực thẩm mỹ mà họ cho là chân lý, đỉnh cao trong nghệ thuật, đó là tạo nên cái đẹp phổ quát. Triết lý của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đã trở thành “bài học vỡ lòng” trong sáng tác và là nguyên tắc cảm thụ đối với nghệ thuật và kiến trúc cho đến ngày nay.

Như vậy có thể nhận thấy rằng, hình thức đã là yếu tố nổi trội và được quan tâm ngay từ buổi bình minh của kiến trúc và trong tất cả các giai đoạn lịch sử, công việc của nhà thiết kế hầu như là tạo dựng những hình thức/ hình ảnh cụ thể để nhìn, ngắm và nhận diện – Hay nói cách khác là để tạo nên đặc tính thị cảm (Visual perception – Sự cảm thụ bằng thị giác) của kiến trúc.

Sáng tạo các hình thức mới luôn là tham vọng chân chính của nghệ sĩ mọi thời đại. Mặc dù KTS tiên phong của Chủ nghĩa Hiện đại như Le Corbusier có vẻ như muốn đoạn tuyệt với Chủ nghĩa Hình thức (Formalism) khi tuyên chiến một cách dứt khoát: “Nhà là cái máy để ở” – tức là: Công năng và tính hợp lý là tối thượng trong kiến trúc. Thế nhưng, trên thực tế, ông vẫn không ngừng nung nấu về việc tạo nên một diện mạo kiến trúc cho thời đại mới. Hình thức của Villa Savoye gồm: Khối lập phương, cột trụ ở tầng trệt, dãy cửa sổ hình chữ nhật kéo dài suốt mặt tiền… là những hình thức hình học trừu tượng đối lập với các motif Cổ điển và từng là mẫu mực của kiến trúc phương Tây. Hệ thống Modul’ Or được xem là một nỗ lực phi thường của chính Le Corbusier trên hành trình đi tìm hình thức. Seagram Building theo đuổi sự tối giản trong hình thức, tạo nên nguyên tắc thẩm mỹ “Ít tức là nhiều” (Less is More) có tính cực đoan trong những “hộp kính” Duy lý Chủ nghĩa.

Dù rằng phương châm thiết kế luôn đề cao giá trị công năng, tỏ thái độ chỉ trích và chán ghét tính hình thức của kiến trúc Cổ điển, nhưng thực tế đã cho thấy, hình thức vẫn luôn là mối quan tâm thường trực và ám ảnh tâm trí của các bậc thầy kiến trúc, như Novicov từng khẳng định: “Hình thức – Con chim xanh của kiến trúc Hiện đại”.

Khuynh hướng tư duy giàu tính thị cảm của các KTS Hiện đại đã mang đến ngôn ngữ tạo hình trừu tượng, cô đọng, hướng đến cái đẹp lý tính thay thế cho ngôn ngữ tạo hình cụ thể, giàu tính trang trí của kiến trúc Cổ điển. Trong thời điểm đầu thế kỷ 20 thì sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện đại là cột mốc quan trọng, đánh bật sự thống trị của hình thức Cổ điển và khơi mào cho sự thay đổi với tốc độ chóng mặt “một ngày bằng trăm năm” của Nghệ thuật – Kiến trúc ở các giai đoạn tiếp theo.

Hình thức kiến trúc như là một tập hợp của những motif lịch sử – văn hóa của Vanna Venturi House – được cố ý chồng chất, bất chấp sự mâu thuẫn và nhập nhằng – [Nguồn: Internet]
Công nghệ cao đã hỗ trợ cho những đột phá táo bạo của Guggenheim Bilbao
cho thấy hình thức kiến trúc dường như là những biểu thị vô tận về mặt thị cảm – [Nguồn: Internet]
Kể từ đây, nền kiến trúc liên tiếp xuất hiện những hình thức đặc sắc, phá cách vượt khỏi nguyên tắc, chuẩn mực tạo hình hàn lâm trong quá khứ. Các KTS Hậu – Hiện đại nỗ lực đề ra những lý luận phản bác và triết lý đổi mới… nhằm khám phá các phương cách biểu hiện mới cho hình thức kiến trúc. Họ đã mở ra những hướng tiếp cận rộng lớn hơn bằng sự khai thác các chủ đề lịch sử, văn hóa địa phương, tinh thần của cái đời sống thường ngày… [Hình 3] để tạo nên một thứ thị cảm khác nhằm phản bác lại những giáo điều khô khan của Chủ nghĩa Hiện đại.

Trong thời kỳ Đương đại, các KTS dường như một lần nữa đã từ chối lối tư duy tạo hình lý tính và ngăn nắp của Chủ nghĩa Hiện đại để sáng tạo những tác phẩm ấn tượng và đánh thức cảm xúc của công chúng. Những hình thức mang tính đột phá và vô cùng quyến rũ của Kiến trúc Đương đại minh chứng cho sức sáng tạo vô hạn của người nghệ sĩ. Luôn luôn, những công trình sống động do Frank Owen Gehry, Zaha Hadid, Rem Koolhaas… thiết kế được chào đón nồng nhiệt, tạo nên sự trầm trồ và mãn nhãn cho công chúng

Nhìn chung, công việc sáng tạo những hình thức/ hình ảnh cụ thể chứa đựng giá trị nghệ thuật là một nhiệm vụ bất di bất dịch của nhà thiết kế trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử. Bởi vì từ xưa đến nay, kiến trúc luôn được cảm thụ trước hết thông qua những yếu tố thị giác – phần hình thức của vật thể kiến trúc, trước khi xem xét đến những yếu tố còn lại như ý nghĩa, ý niệm…

Ý nghĩa trong sáng tạo kiến trúc

Vào đầu thế kỷ 20, sự phát hiện về bản chất mang tính hai mặt của ngôn ngữ trong Ngôn ngữ học cấu trúc đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà thiết kế. Bởi vì, mối quan hệ giữa cái biểu đạt (the signifier) và cái được biểu đạt (the signified) thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, đây đồng thời là mối quan tâm hàng đầu của lĩnh vực nghệ thuật và kiến trúc [7].

Công việc của KTS bắt đầu được nhìn nhận không đơn thuần chỉ là tạo dựng những hình thức/ hình ảnh cụ thể mà còn là sáng tạo cách thức tạo nghĩa – tạo dựng/ ấn định ý nghĩa đằng sau lớp vỏ kiến trúc, làm cho nó trở thành một cấu trúc có một nội dung (ý nghĩa) nhất định. Tức là hình thức không chỉ là sự thiết yếu của cái hữu ích, cái đẹp mà còn là môi trường để truyền tải những ý nghĩa nào đó.

Các KTS hiện đại đã nhìn nhận lại vai trò của công năng, điều chưa nhận được sự quan tâm đúng mức ở các thời kỳ kiến trúc trước đó kể từ Vitruvius. Họ đề cao tính thích dụng, hiệu quả nhằm đáp ứng “Tinh thần thời đại” của kỷ nguyên Công nghiệp, họ ấn định sự ưu tiên của yếu tố công năng so với hình thức kiến trúc. Lợi ích về mặt sử dụng do những “khối hộp” thuần khiết và trừu tượng tạo ra chính là ý nghĩa của kiến trúc Hiện đại – một thứ ý nghĩa “sống còn”. Walter Gropius cho rằng kiến trúc thật sự đạt đến đỉnh cao khi nó đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vì vậy mà không nên có sự phân biệt giữa hình thể và chức năng.

Hình thức của Opera Sydney không chỉ có ý nghĩa ẩn dụ mà còn trở thành biểu tượng văn hóa
[Nguồn: Internet]
Hình thức đồ sộ, thô ráp của Nhà thi đấu TDTT Kagawa được thiết kế với tinh thần “phản truyền thống”, nhưng cũng là một cách để bảo toàn ý nghĩa của các giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản [Nguồn: Internet]
Đối với Chủ nghĩa Hiện đại, kiến trúc được thừa nhận là một cấu trúc mang tính chất Nhị nguyên (Dualism) bao gồm: Hình thức – Lớp vỏ và nội dung – Công năng. Nhưng sau đó, những lý luận và thực hành của các KTS Hậu – Hiện đại và Đương đại đã dần bộc lộ bản chất Đa nguyên (Pluralism) của kiến trúc thay cho chủ thuyết Nhị nguyên trước đó.

Kisho Kurokawa cho rằng một không gian không nhất thiết chỉ mang một công năng cụ thể mà có thể cùng lúc mang nhiều chức năng, điều này làm gia tăng mặt ý nghĩa cho kiến trúc [2]. Bên cạnh đó, không đồng tình với thái độ loại trừ hầu hết các giá trị lịch sử của Chủ nghĩa Hiện đại, các KTS hướng sự quan tâm đến việc tạo dựng các tầng bậc ý nghĩa cho kiến trúc. Thời kỳ Cổ đại đến Trung đại, ý nghĩa trong kiến trúc biểu đạt chủ yếu bằng các thông điệp tâm linh, những chủ đề tôn giáo, Kinh thánh. Vào thời kỳ Đương đại, việc tạo dựng/ ấn định ý nghĩa mang tinh thần Đại Tự sự vẫn không hề suy giảm mà chỉ khác bởi sự diễn giải các chủ đề/ yếu tố văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc.

Opera Sydney với một hình thức kiến trúc không chỉ đặc sắc mà còn giàu tính ẩn dụ. Sự hòa quyện giữa hình thức và nội dung (ý nghĩa tượng trưng) đã khiến cho công trình trở thành hình ảnh/ biểu tượng văn hóa và là niềm tự hào của nước Úc. Piazza d’Italia của Charles Moore chứa các hình thức (mã) truyền thống bằng thủ pháp cách điệu Khải Hoàn Môn, trích dẫn các thức cột Tuscan, Doric, Ionic và Corinthian… nhằm gợi nhắc đến giá trị kiến trúc – lịch sử của La Mã cổ đại như là một cách biểu thị có ý nghĩa quan trọng cho cộng đồng kiều dân Italy ở New Orleans, Hoa Kỳ.

Kiến trúc Nhật Bản Đương đại nổi bật với những công trình tuy mang ngôn ngữ và hình thức của Chủ nghĩa Hiện đại, nhưng vẫn bảo toàn được ý nghĩa của các giá trị truyền thống trong văn hóa Á Đông. Hàng loạt tác phẩm của các KTS tiêu biểu như: Kenzo Tange, Kisho Kurokawa, Fumihiko Maki, Tadao Ando… đã là những minh chứng rõ ràng nhất cho những ý nghĩa có tính Đại Tự sự về một truyền thống văn hóa đặc sắc.

Như vậy, kiến trúc không chỉ phản ánh đơn thuần một tầng ý nghĩa sử dụng (công năng) mà trở thành “nguồn” phát đi các thông tin – ý nghĩa đa tầng của các lớp nghĩa văn hóa. Các khuynh hướng tư duy thiết kế nêu trên đã truyền tải những lớp ý nghĩa khác nhau, mà công chúng có khả năng hiểu được các “mã” trong ý đồ thiết kế và giải thích của người sáng tác. Tóm lại, cách thức ẩn dụ – tạo nghĩa có thể mang lại những thông điệp có ý nghĩa như các KTS/ nhà thiết kế mong muốn truyền đạt đồng thời khiến cho mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong Nghệ thuật – Kiến trúc được hài hòa.

Ở Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, người dân được khuyến khích tương tác, ghi khắc lên bề mặt tượng đài để bày tỏ sự tiếc thương và tưởng nhớ đến những nạn nhân của tội ác chiến tranh. [Nguồn: Internet]

Tương tác – tự cảm thụ trong sáng tạo kiến trúc

Tương tự Homer thời Hy Lạp cổ đại – những người chuyên hát các anh hùng ca kể về các sự tích – người thiết kế trong các giai đoạn lịch sử, luôn từng giữ vai trò là người dẫn dắt sự cảm thụ của công chúng thông qua những chuẩn mực thẩm mỹ, những hiểu biết và tri thức phổ quát. Mọi hiểu biết, kiến thức và diễn giải liên quan đến kiến trúc được thiết kế theo phương thức Đại Tự sự của các đại diện – KTS/ người kể chuyện – biểu hiện bằng ngôn ngữ tạo hình cụ thể, trực quan và những ý nghĩa phổ quát.

Nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, sự hội tụ giữa Nghệ thuật Ý niệm, Học thuyết Giải cấu trúc và Hiện tượng học trong kiến trúc đã từng bước làm thay đổi nhận thức trong tư duy sáng tác của giới nghệ sĩ và phương thức cảm thụ của công chúng.

Nghệ thuật Ý niệm gợi mở cho xu hướng khai thác những ý niệm trong kiến trúc Đương đại. Điểm cốt lõi của xu hướng nghệ thuật này là quá trình tạo nên tác phẩm quan trọng hơn chính “tác phẩm” [3]. Ở đây, đích đến của người nghệ sĩ không còn là những vật thể nghệ thuật được tạo hình đẹp đẽ theo phương thức sáng tạo truyền thống, bởi vì họ cho rằng việc “đọc – hiểu” hay thưởng thức tác phẩm không nằm ở hình thức mà là quá trình/ ý niệm hình thành nên tác phẩm: Ý quan trọng hơn Hình.

Bằng cách phát triển ý niệm Phản tưởng niệm từ quá trình hạ giải từng phần Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Esther Shalev-Gerz và Jochen Gerz đã làm suy yếu quan niệm quá khứ như là cái bền lâu và mãi mãi trường tồn. Nghệ thuật đã mang đến cho công chúng một nơi chốn không phải để nhìn ngắm mà là để tự do bày tỏ cảm xúc, đối diện và chuyển hóa những tình cảm hận thù, nỗi đau thương.

Trong học thuyết Giải cấu trúc, Jacques Derrida cho rằng người đọc có quyền giải cấu trúc để nghĩa của văn bản tách khỏi ràng buộc theo ý muốn của tác giả [4]. Trên quan điểm này thì có thể xem kiến trúc cũng là một loại hình văn bản với hệ thống ký hiệu và mã (code) đặc thù. Công chúng không còn bị áp lực khi lý giải sai ý nghĩa của tác phẩm hoặc phải cố gắng cảm thụ những nguyên tắc hàn lâm, còn người sáng tác cũng thoát khỏi vai trò diễn giải và ấn định ý nghĩa.

Chính những hình thức kiến trúc trừu tượng và “trống rỗng”, không chứa đựng thông tin của Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Vườn tha hương hay Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu đã trở thành phương thức hữu hiệu nhất nhằm biểu đạt và khơi gợi nên ý niệm về sự đứt gãy trong lịch sử bi thương của dân tộc Do Thái, cho phép công chúng tự do cảm nhận, hình thành những cảm xúc riêng tư mang tính chất Tiểu Tự sự.

Như vậy, ở thời kỳ Đương đại, bên cạnh nhu cầu tạo tác hình thức hay ấn định ý nghĩa, KTS còn chú trọng đến cách thức tạo lập môi trường đối thoại, tương tác với công chúng. Kiến trúc trong khuynh hướng tư duy thiết kế này thiên về tính chất Tiểu Tự sự vì có những biểu hiện rất gần gũi với Hiện tượng học và tồn tại như một tác phẩm nghệ thuật cần được cảm thụ thay vì chỉ là một hình ảnh điển hình hoặc một ý nghĩa đại diện vốn được lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử. Theo cách thức của Hiện tượng học, công chúng có quyền tự do trong nhận thức bằng chính kinh nghiệm cá nhân mà không cần phụ thuộc vào những chuẩn mực mang giá trị phổ quát của văn hóa Đại Tự sự. Cùng một sự vật, hiện tượng, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau và sự hiểu biết khác nhau về thế giới sẽ mang đến cho họ cảm giác được hiện hữu trong đời sống.

Những thiết kế của Tadao Ando đã được giản lược cả về hình thức và công năng, ông chú trọng đến thủ pháp kiến tạo không gian, khai thác tinh thần nơi chốn, đặc tính vật liệu, ánh sáng và bóng tối… để mang đến những trải nghiệm tinh thần thông qua cảm thụ đa giác quan và sự thấu cảm của mỗi cá nhân hơn là áp đặt sẵn một cách hiểu/ cảm nhận chủ quan từ tác giả. Tadao Ando đã chủ ý tổ chức những không gian trưng bày đơn bạc và trống trải trong Bảo tàng Lee Ufan. Chính sự chiếm lĩnh của “khoảng trống” góp phần tạo nên một môi trường tương tác, trợ giúp cho “cuộc đối thoại” giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng được diễn ra một cách trọn vẹn.

Còn đối với Nhà thờ trên nước, ông đã dùng thiên nhiên như là tinh thần của địa điểm để biểu đạt cho sự linh thiêng của tôn giáo, tạo nên hiện tượng – trải nghiệm tinh thần sâu sắc cho các tín đồ. Trải qua hành trình quanh co và không bằng phẳng, ánh sáng và bóng tối đan xen, tín đồ dần trở về với tâm thức và đạt được cảm giác bình yên khi đứng trước khung cảnh tĩnh lặng của “giáo đường” thiên nhiên.

Càng ngày nền kiến trúc Đương đại càng xuất hiện những công trình vượt khỏi những chuẩn mực thông thường. Những công trình không nhất thiết cứ phải to lớn, vĩ đại, hoặc là đẹp đẽ… nhưng vẫn chiếm được trọn vẹn cảm tình và thị hiếu của công chúng bằng những cách thức “phi hình” (non – figure) nào đó. Ví dụ như Peter Eisenman đã sử dụng 2711 khối hộp bê tông để “treo lơ lửng” những nội dung và cả ý nghĩa của Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu. Khi sải bước chân trên những lối đi sâu hun hút, công chúng sẽ có sự chiêm nghiệm và nhận thức khác nhau về các sự kiện lịch sử liên quan. Khu tưởng niệm có thể là “chiếc hộp pandora” ẩn chứa quá khứ bi thương hay chỉ là “chiếc hộp lưu niệm” mà khi mở ra công chúng sẽ nghe được những giai điệu với sắc thái riêng, tất cả đều tùy thuộc vào sự từng trải và thấu cảm của mỗi người.

Với thiết kế “âm” vào lòng đất, Michael Arad và Peter Walker đã chủ ý làm cho Khu tưởng niệm sự kiện 11/9 Ground Zero gần như không hiện hữu trong môi trường đô thị. Họ phát triển ý tưởng “Phản ánh sự vắng mặt” bằng cách dịch chuyển tư duy thiết kế từ sắp đặt sự hiện diện của vật chất sang khơi gợi trí nhớ và cảm xúc bởi sự thiếu vắng trong tâm thức con người.

Bởi vì, ngoài thị giác, công chúng còn cảm thụ kiến trúc thông qua tâm trí và những giác quan. Ngoài hình thức, công chúng còn bị hấp dẫn bởi những ý nghĩa và thông điệp nhân văn của cuộc sống.

Trong tư duy của các nhà thiết kế kiến trúc Đương đại đã có những sự thay đổi đáng chú ý từ việc nỗ lực ấn định thị cảm, diễn dịch ý nghĩa mang tính áp đặt và phớt lờ cảm nhận của công chúng sang khuynh hướng sáng tác thiên về sự khơi gợi bằng cách thức tạo tương tác với mong muốn sự cảm nhận của công chúng xuất hiện thường xuyên hơn những ý niệm mới mẻ và có tính Tiểu tự sự (Petit Narrative). Như vậy, tư duy thiết kế kiến trúc có thể được nhìn nhận như là sự chuyển dịch từ khuynh hướng thị cảm sang tương tác.

Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu
Vườn tha hương trong khuôn viên Bảo tàng Do Thái Berlin

Kết luận

Sự xuất hiện và đổi mới các khuynh hướng tư duy trong Nghệ thuật – Kiến trúc là một hành trình có tính qui luật, tất yếu và hữu ích. Thực tiễn hoạt động Nghệ thuật – Kiến trúc đã chứng minh sự xuất hiện của các khuynh hướng tư duy mới không có nghĩa là dấu chấm hết cho những khuynh hướng Nghệ thuật – Kiến trúc trước đó, đồng thời không có khuynh hướng tư duy nào mang tính ưu việt tuyệt đối mà cũng có thời điểm phát triển cao trào, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sau đó sẽ phải nhường lại vũ đài cho nhân tố “mới” tiếp theo.

Ground Zero được thiết kế như một hệ thống truyền thông đa phương tiện (tên của các nạn nhân được khắc trên thành hồ, tiếng nước chảy liên tục, không gian sự kiện lịch sử nay là hai hồ nước lớn và trống rỗng…) nhằm gợi lên những cảm thụ tự do, bất định và bất toàn của công chúng – Ở đây “Ý quan trọng hơn Hình”

Trong thời kỳ Đương đại, nhà thiết kế không còn bị giới hạn tư duy trong những khuôn mẫu, nguyên tắc hay cố gắng định hình cho bản thân một phong cách thiết kế cố định. Họ có quyền tự do lựa chọn phương thức tư duy mà họ cho rằng có thể biểu đạt được hết những dụng ý trong sáng tạo nghệ thuật, thỏa mãn các tiêu chí, nhiệm vụ thiết kế của nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đại chúng.

Khung cảnh thiên nhiên trở thành phần hữu cơ của giáo đường để mang tính chất khơi gợi, mở rộng những cảm xúc tôn giáo mà không có sự áp

PGS.TS.KTS. Lê Thanh Sơn
KTS. Trần Diễm Thanh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)


Tài liệu tham khảo
1. Peter Eisenman (1970), Notes on Conceptual Architecture – Towards a Definition, Design Quarterly, Minneapolis, 78/79.
2. Kisho Kurokawa (1997), Kiến trúc của sự Cộng sinh, (Lê Thanh Sơn dịch và lưu hành nội bộ), Đại học Kiến trúc TP. HCM.
3. Sol Lewitt (1967), Paragraphs on Conceptual Art, Artforum International Magazine, New York, Summer Vol.5, No.10.
4. Bùi Văn Nam Sơn (2016), Derrida “đọc” Saussure hay sự kết hợp Thuyết Cấu trúc với Hiện tượng học trong Triết học Ngôn ngữ, Hội thảo kỷ niệm 100 năm Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure, Đại Học Sư Phạm TP. HCM.
5. Lê Thanh Sơn (2016), Những phương thức cảm thụ kiến trúc, Tạp chí Xây Dựng số 03-2016.
6. Lê Thanh Sơn (2018), Kiến trúc và các hệ qui chiếu mỹ thuật, Tạp chí Kiến trúc số 05-2018.
7. Lê Thanh Sơn (2019), Biểu tượng và không gian kiến trúc – đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng.
8. Lê Thanh Sơn (2020), Đôi điều về Phong cách và Xu hướng Nghệ thuật, Tạp chí Kiến trúc số 06 – 2020.
9. Ngô Viết Nam Sơn (2007), Ý nghĩa của Khoa Chiết Tự trong thiết kế Dinh Độc Lập, Hội thảo khoa học “Dinh Độc Lập – Những vấn đề lịch sử, văn hóa”.
10. Nguyễn Hữu Thái (2013), Kiến trúc Nhật Bản – Bài học lớn về Kiến trúc hiện đại bản địa cho Việt Nam?, Tạp chí Kiến trúc số 12 – 2013.

The post Sáng tạo kiến trúc từ thị cảm đến tương tác appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/31hjoSz
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Ngành nhiệt lạnh Việt Nam được vinh danh tại cuộc thi tầm cỡ khu vực châu Á

Tại chung kết cuộc thi Thiết kế Hệ thống Điều hoà Không khí Khu vực Châu Á, Việt Nam đã xuất sắc thắng 2 giải cao nhất. Đây cũng chính là 2 đội đoạt giải cao nhất tại cuộc thi ở quy mô quốc gia. Chiến thắng “đậm” này đã gây tiếng vang lớn trong khu vực cho ngành nhiệt lạnh nước nhà và mang lại nhiều ý nghĩa to lớn khác.

2 chiến thắng nhiều ý nghĩa

2 đội mạnh nhất chiến thắng cuộc thi Thiết kế Hệ thống Điều hoà Không khí Khu vực Châu Á tại Việt Nam cũng giành cú đúp thắng 2 giải cao nhất tại khu vực, dẫn trước các đội mạnh khác từ Singapore, Thái Lan và Philippines. Quán quân là đội thi đến từ Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam – CDC với dự án Tổ hợp trung tâm thể thao – nghỉ dưỡng tại Hà Nội và Á quân – Phạm An Chung với dự án Phát triển công nghệ cao tại khu vực miền Trung.

Đội thi từ Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam – CDC vừa giành giải Nhất cuộc thi tại Việt Nam cũng xuất sắc đoạt giải Nhất khu vực Châu Á
Đội thi từ Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam – CDC vừa giành giải Nhất cuộc thi tại Việt Nam cũng xuất sắc đoạt giải Nhất khu vực Châu Á
Á quân của cuộc thi Thiết kế Hệ thống Điều hoà Không khí Khu vực Châu Á tại Việt Nam cũng xuất sắc giành giải Nhì của khu vực
Á quân của cuộc thi Thiết kế Hệ thống Điều hoà Không khí Khu vực Châu Á tại Việt Nam cũng xuất sắc giành giải Nhì của khu vực

Chiến thắng “đậm” không chỉ 1 mà đến 2 giải cao nhất của Việt Nam trên đấu trường khu vực chứng tỏ năng lực thiết kế hệ thống điều hoà không khí của chúng ta không hề kém cạnh so với các quốc gia trong khu vực. Điều này đã góp phần giúp ngành tư vấn và thiết kế hệ thống điều hoà không khí của Việt Nam được chú ý và công nhận xứng đáng, với tên tuổi được ghi nhận ở tầm khu vực, không còn là đội ngũ hoạt động “âm thầm” đằng sau thành công của các công trình. Ngoài ra, việc một cuộc thi về thiết kế hệ thống điều hòa không khí được tổ chức ở quy mô khu vực cũng góp phần chứng minh cho các nhà đầu tư, chủ dự án thấy trải nghiệm điều hoà không khí là trải nghiệm quan trọng cần được đầu tư trong một công trình.

Cần thêm những sân chơi chất lượng tương tự cho ngành Điều hoà không khí

Bên cạnh hai giải thưởng cao nhất, cuộc thi Thiết kế hệ thống điều hoà không khí khu vực châu Á đã thu hút hơn hàng trăm bài dự thi từ các đơn vị tư vấn – thiết kế trên khắp Việt Nam. Các giải Nhất – Nhì – Ba cũng trải đều khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Điều này chứng tỏ nhu cầu về một sân chơi uy tín và chất lượng cho ngành Điều hoà không khí tại Việt Nam là rất cao. Chia sẻ về cuộc thi, ông Ahn Sanghyun – Giám đốc ngành hàng Điều hòa thương mại – LG Electronics VN – đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết: “Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức, chất lượng và số lượng bài dự thi đều được LG đánh giá cao: số lượng bài dự thi đông cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của ngành công nghiệp nhiệt lạnh tại Việt Nam nói chung. Chất lượng bài dự thi ở mức tốt đến rất tốt, với rất nhiều ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến của thế giới được áp dụng như điều hòa Chiller, Multi V; Multi Split…

Ông Ahn Sanghyun – Giám đốc ngành hàng Điều hòa thương mại – LG Electronics VN chia sẻ niềm vinh dự, phấn khởi khi cuộc thi gặt hái được nhiều thành quả.
Ông Ahn Sanghyun – Giám đốc ngành hàng Điều hòa thương mại – LG Electronics VN chia sẻ niềm vinh dự, phấn khởi khi cuộc thi gặt hái được nhiều thành quả.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Xuân Cường – thành viên đội quán quân Công ty tư vấn thiết kế CDC 1 cũng chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội vô cùng tốt cho giới tư vấn thiết kế điều hòa được chia sẻ cùng nhau cũng như thể hiện được kiến thức, trình độ và hiểu biết không chỉ trên bình diện quốc gia mà còn là cấp độ khu vực. Cuộc thi cũng giúp chúng tôi được nâng cao hiểu biết về những công nghệ tiên tiến của LG về những giải pháp điều hòa và chăm sóc không khí. Chúng tôi mong muốn những cuộc thi như vậy được tổ chức và duy trì thường xuyên.

Cần nhiều hơn nhưng cuộc thi chất lượng như Thiết kế hệ thống điều hoà không khí khu vực châu Á.
Cần nhiều hơn những cuộc thi chất lượng như Thiết kế hệ thống điều hoà không khí khu vực châu Á.

Là sản phẩm và giải pháp điều hoà không khí chính được xuất hiện trong các bài dự thi, LG cũng đã góp phần mang về chiến thắng cho các đội thi. Ông Phạm Hồng Việt – Trưởng phòng kỹ thuật Điều hòa không khí – LG Electronics VN chia sẻ: “Bài dự thi đạt giải nhất là một thiết kế cho hệ thống điều hòa không khí cho một công trình tổ hợp lớn, với nhiều nhu cầu đa dạng: từ nghỉ dưỡng cao cấp, theo dõi thể thao đỉnh cao; dịch vụ ăn uống giải trí liên quan. Nhu cầu đa dạng đó khiến chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải cân nhắc lựa chọn các sản phẩm và ứng dụng công nghệ phù hợp, linh hoạt, giúp tối ưu hóa mức hiệu suất năng lượng, hiệu quả xử lý không khí. Công nghệ điểm nhấn là Điều hòa LG Chiller với công nghệ trữ lạnh và điều hòa thông minh theo lượng điện, thời gian thực, không gian cụ thể cho từng khu, đáp ứng những nhu cầu khắt khe nhất của chủ đầu tư.

Nhờ sở hữu đa dạng các dòng sản phẩm với những công nghệ tiên tiến nhất, LG có thể đáp ứng mọi nhu cầu của công trình hiện tại để các nhà tư vấn thiết kế có thể thoải mái sáng tạo nên các giải pháp điều hoà không khí cho công trình. Cuộc thi và những giải thưởng danh giá này là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng mang đến những cảm hứng bất tận “Hơn cả sự mong đợi” của LG cho đội ngũ tư vấn & thiết kế hệ thống điều hòa không khí tại Việt Nam và Châu Á.

Xem thêm:

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post Ngành nhiệt lạnh Việt Nam được vinh danh tại cuộc thi tầm cỡ khu vực châu Á appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3brd6kW
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

KTS Mai Hưng Trung: Từ lý thuyết đến thực hành kiến trúc

Thực hành kiến trúc trong bối cảnh thế nhân sinh Anthropocen) – một giai đoạn địa chất do chính con người tạo ra.

Hanoi adhoc 1.0: Architecture, Factories, and retracing the recent dream of modern past © Hanoi ad hoca

Việc thiết kế kiến trúc, đô thị không còn bó buộc trong một khuôn mẫu, định dạng kiểu tam giác Vitrusvius : Firmitas – Utilitas – Venustas (Đẹp – Bền vững – Thích dụng). Thực hành kiến trúc trong thời điểm hiện tại có nhiều ràng buộc hơn về kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị và các luồng tư tưởng khiến việc làm kiến trúc đơn thuần dường như là không đủ. Trong quá trình thực hành kiến trúc của mình, Mai Hưng Trung luôn hướng mối quan tâm của mình đến những phạm trù khác, nằm trong mảng tiếp giáp, giao thoa kiến trúc. Đó có thể là cảnh quan, nhân học, địa lý học hay nông nghiệp. Anh cho rằng: Chúng ta đang sống trong một cảnh thế nhân sinh, một giai đoạn địa chất do chính con người tạo ra. Nếu ta có thể nhìn thấy lát cắt của vỏ trái đất như một lát bánh gateau thì kiến trúc chỉ là bề mặt trên cùng của chiếc bánh gateau nhiều tầng đó. Việc hiểu về cấu trúc và những tầng lớp khác sẽ góp một phần không nhỏ vào việc định hình kiến trúc của mình, gắn kết nó vào phần còn lại của vỏ trái đất.

Dự án Cải tạo khu công nghiệp tại Stuttgart nằm trong khuôn khổ IBA 27 của KTS Mai Hưng Trung là một thử nghiệm về việc chuyển dịch mối quan tâm từ môi trường xây dựng (built environment) đến cảnh quan (landscape) – Nói một cách khác, cảnh quan và môi sinh sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc cấu thành hình thái kiến trúc và đô thị (form follow environment) – Một công viên công nghiệp (industrial park) đã được anh đề xuất như nền tảng đầu tiên để tìm ra hình khối cũng như luật lệ (order) cho kiến trúc của dự án. Việc nghiên cứu cấu tạo địa chất, đất, nước và cây cỏ dần đang trở thành yếu tố tiên quyết và tác động trực tiếp đến kiến trúc. Những thành phần cấu thành nên khái niệm (context) lại đang có xu hướng đóng vai trò then chốt trong việc giúp kiến trúc hậu hiện đại hay Chủ nghĩa phê bình khu vực (Critical regionalism) thoát khỏi sự ám ảnh về những tàn dư của chủ nghĩa hiện đại hay xu hướng toàn cầu hóa (international style). Vai trò của bối cảnh trở nên quan trọng và mật thiết hơn hơn bao giờ hết, và có thể trở thành một phần của triết lý sáng tác.

Quy hoạch Nông thôn, thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp

Hướng đi nói trên dẫn ta đến những suy nghĩ về nông thôn, đô thị. Những vùng ngoại ô, nơi chứng kiến rõ nhất sự đứt gãy giữa không gian sản xuất nông nghiệp và sự xây cất thương mại. Rem Koolhaas có đề cập đến điều này trong nghiên cứu về nông thôn của mình mới xuất bản gần đây -“Countryside, a report”. Ông cũng đã chỉ ra sự thay đổi của nông thôn thực ra còn nhanh và cơ bản hơn so với đô thị hay đại đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế diễn biến này lại không mấy khi được nhắc đến. Mai Hưng Trung bắt đầu nghiên cứu của mình về quy hoạch nông thôn và Chủ nghĩa phê bình khu vực từ năm 2017 với đồ án “⟪”. Tới năm 2019, với dự án A(gri)puncture, anh đã giành chiến thắng tại Europan 15: Productive city – Giải thưởng giành cho KTS dưới 40 tuổi tại Châu Âu. Và ngay sau đó, anh được mời vào Ban tư vấn quy hoạch Trảng Bàng, Tây Ninh với nhiệm vụ thiết lập một quy hoạch chi tiết cho đô thị công – nông nghiệp.

Dự án A(gri)puncture là một quan điểm mới về tích hợp sản xuất nông nghiệp vào những cơ sở công nghiệp tại cụm làng Dreux, phía Tây Paris. Những cơ sở hạ tầng công nghiệp, bến bãi và kho xưởng, những thành phần ngoại vi này là nhân tố không thể chối cãi trong tiến trình đô thị hóa nông thôn. Hoạt động nông nghiệp được Mai Hưng Trung đưa vào đồ án của mình như một mạng lưới nhằm tái sử dụng những khoảng không gian bị lãng quên, gắn vào hệ thống sản xuất và chuyển đổi công năng sang hình thái đô thị mới phù hợp với điều kiện xã hội, mô hình kinh tế tuần hoàn, rút ngắn khoảng cách giữa dây chuyền sản xuất và tiêu thụ. Với đồ án này, tác giả đề xuất tái sử dụng những hạ tầng công nghiệp và đưa nông nghiệp vào như một giải pháp “châm cứu” đô thị – Đô thị hóa nông thôn sẽ dần dần được tái định hình từ chính những khoảng trống này khi nó không còn bị lãng quên. Thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp qua đó mà hình thành.

Entdeckt! © Mai Hung Trung/ atelier M32

Kiến trúc như một ngành khảo cổ

Tầm vóc của một dự án dường như đang bị định hình bởi tầm vóc của nơi chốn mà nó sẽ được hình thành. Hiển nhiên rằng, những dự án tại trung tâm của các đại đô thị sẽ thỏa mãn được cái tôi của người làm kiến trúc hơn là những ngôi làng hoang sơ hẻo lánh. Sự thờ ơ của giới kiến trúc đối với nông thôn cộng với sự ám ảnh về đại đô thị khiến cho kiến trúc bản địa dễ dàng rơi vào sự ảnh hưởng kinh tế thị trường và dần bị thay thế bởi của sản phẩm xây dựng thương mại. Trong khi đó, tại những đô thị lớn, kiến trúc bản địa tại những khu phố cổ lại có được sự hậu thuẫn và can thiệp của chính quyền cho việc bảo tồn. Một điều tưởng chừng như nghịch lý đó là nông thôn từ lâu được mặc định như muồn nguồn trữ gen của kiến trúc bản địa lại có phần tha hóa, lai căng dễ dàng hơn những đại đô thị đang giãn nở. Và điều này đã là nhận định đầu tiên của Mai Hưng Trung khi bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào các dự án tại Bồ Đào Nha. Anh đã giành thời gian để điền dã, khảo cứu hiện tượng này tại Bồ Đào Nha khi tham gia cải tạo một khu chung cư cũ tại trung tâm Lisbon. Dự án được bắt đầu với việc rà soát bởi những chuyện gia khảo cổ học để đưa ra quyết định bảo tồn cho tất cả những cấu kiện hình thành nên công trình, đến từng viên gạch tráng men (azulejo) vốn được coi là linh hồn của kiến trúc ở đây từ thế kỷ 15. Mai Hưng Trung quan niệm kiến trúc nên bắt đầu từ những gì đang tồn tại. Khi giá trị của nó đã ở đó, nhiệm vụ của KTS lúc này chỉ là đào bới, khai quật và sắp xếp vào đúng trật tự là đủ. Những can thiệp thô bạo vào lịch sử là điều hoàn toàn không cần thiết.

Thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp A(gri)puncture © Mai Hung Trung

Nghiên cứu và thực hành kiến trúc

Một dự án, một đề bài mới luôn cần được bắt đầu với việc đào bới vào cốt lõi (fundametal) của bối cảnh, phân loại (typology) thậm chí là định nghĩa (terminology) của cả những điều tưởng chừng như là hiển nhiên. Mai Hưng Trung không thỏa mãn với việc đi từng bước đến câu trả lời, mà còn chú trọng những bước trung gian: Phân tích không là chưa đủ, tổng quát hóa những thông tin đó, đặt nó trong bối cảnh lớn hơn, lùi lại và có một cái nhìn rộng hơn. Đó cũng là ly‎ do giải thích cho việc anh sử dụng phần lớn thời gian của mình cho việc khảo cứu chứ không phải là sản xuất bản vẽ. Hà nội Ad hoc được ra đời không đơn thuần là một bộ dữ liệu về các thành phần đô thị (urban elements) mà hơn hết, đó là một bộ nghiên cứu tổng quan, một dạng hành vi định sẵn mà anh muốn định hình cho những dự án trong tương lai ở Hà Nội.

Madalena renovation project © Mai Hung Trung / atelier M32

Tìm kiếm sự trùng khớp ngẫu nhiên

Kiến trúc được hình thành không chỉ từ những điều kiện ngoại cảnh mà còn từ triết lý nội tại của mỗi KTS. Một kiến trúc tốt sẽ nằm giữa vùng giao thoa của hai điều kiện trên và làm cho triết lý đó tồn tại một cách hồn nhiên như đã thuộc về nơi chốn đó nơi bị ràng buộc bởi các yếu tố về thổ nhưỡng, vật lý, và luật lệ. Đó cũng có thể được coi là một sự thỏa hiệp khôn khéo giữa cái tôi cá nhân, những luồng tư tưởng không chính thống và những điều kiện cố hữu được định sẵn.

Mai Hưng Trung
Kiến trúc sư trưởng , đồng sáng lập Atelier M32, Paris, Pháp.

https://ift.tt/3jPOrLB
Khởi xướng Hà nội Ad hoc
https://ift.tt/3pODE86

Tốt nghiệp tại ENSA Paris Malaquais và Leibniz Universitat Hanover, sau một thời gian làm việc tại các văn phòng lớn tại Pháp như Dominique Perrault, AREP, Architecturestudio, Mai Hưng Trung đã cùng cộng sự thành lập atelier M32 tại Paris. Song song với thực hành kiến trúc, anh cũng dành phần nhiều thời gian vào các hoạt động nghiên cứu. Lần gặp gỡ của anh với Rem Koolhaas và nhận được sự ủng hộ của ông tại World Architecture Festival 2018 đã tạo tiền đề cho việc thai nghén Hà nội Ad hoc, một dự án nghiên cứu sáng tạo mà anh cùng với các cộng sự thành lập vào cuối năm 2020 với sự đồng hành của Tổ chức Canada nghiên cứu về đô thị hóa bền vững phía Nam bán cầu (Canada research chair in sustainable urbanization in the global south), ĐH RMIT Vietnam, Viện Goeth (Goethe Institut), Viện Pháp tại Việt Nam (Institut Français) và UNESCO.

TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

The post KTS Mai Hưng Trung: Từ lý thuyết đến thực hành kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2XYXpyl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Nhận diện kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng trên thế giới (phần 1)

Giới thiệu chung

Trong quá trình phát triển các tòa nhà cao tầng đã cho thấy: Không gì hấp dẫn và thu hút hơn khát vọng của con người trong việc tạo ra những công trình kiến trúc ngày càng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng giá trị đất ở các khu vực đô thị và mật độ dân số ngày càng cao đã dẫn đến sự gia tăng lớn về số lượng nhà cao tầng trên toàn thế giới. Những gì từng được coi là hiện tượng đô thị của Mỹ giờ đây có thể được nhìn thấy ở Châu Âu (nơi đã từng từ chối các tòa nhà cao tầng ở trung tâm TP lịch sử) và những nền kinh tế mới nổi đặc biệt ở Châu Á. Đường chân trời của các TP trên thế giới liên tục bị “xuyên thủng” bởi những tòa nhà cao tầng thực sự thu hút, ấn tượng như các dãy núi sừng sững và mạnh mẽ tiếp tục vươn lên như là thách thức, khát vọng và mục tiêu chinh phục.

Như vậy, khái niệm về nhà cao tầng là gì? Hiểu một cách đơn giản đó là một tòa nhà gồm nhiều tầng với chiều cao ảnh hưởng đến quy hoạch TP, được sử dụng làm nhà ở, cao ốc văn phòng hoặc các chức năng khác, bao gồm: Khách sạn, cửa hàng bán lẻ hoặc kết hợp với nhiều mục đích. Hay nói cách khác, nó có thể là một tổ hợp gồm nhiều các chức năng.

Tại hội thảo tại Hồng Kông năm 1990, nhà cao tầng được phân thành 4 loại sau:

Bảng 1.1: Phân loại nhà cao tầng theo số tầng

Hiện nay nhà cao >60 tầng được gọi là nhà siêu cao tầng – Super Skycraper

Còn với Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTBUH) tại Mỹ nhà cao tầng được phân thành 3 loại sau:

Bảng 1. 2: Phân loại nhà cao tầng theo chiều cao tầng

Thiết kế nhà cao tầng đã thực sự khả thi nhờ vào sự phát minh ra hệ thống phanh hãm trong thang máy vào năm 1852 của kỹ sư Elisha Otis, cho phép vận chuyển người và hàng hóa theo phương thẳng đứng trong các tòa nhà nhiều tầng. Phát minh này đã loại bỏ những hạn chế phổ biến về chiều cao của các tòa nhà, thay đổi đáng kể cách thức quy hoạch và xây dựng các TP hiện đại và cuộc đua về độ cao đã bắt đầu. Khi chiều cao thay đổi cùng với công nghệ, vật liệu xây dựng và các yếu tố tác động khác thì hình thức kiến trúc của các tòa nhà cao tầng cũng thay đổi theo trong từng giai đoạn phát triển.

Sự biến đổi các hình thức kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng

Từ lúc hình thành đến nay các tòa nhà cao tầng được chia làm 5 thế hệ và mỗi thế hệ hình thức kiến trúc có sự biến đổi với những đặc điểm nhận dạng riêng biệt. Trong phần 1 của bài báo sẽ đề cập đến 3 thế hệ còn 2 thế hệ sau sẽ được trình bày trong phần 2.

1. Thế hệ đầu tiên – Học phái Chicago

Học phái Chicago là thế hệ nhà cao tầng đầu tiên xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 19, có chiều cao trung bình từ 9 đến 15 tầng, tập trung xây dựng ở Mỹ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Mỹ. Đặc điểm kiến trúc theo học phái Chicago có những tiến bộ rõ rệt do chú ý đến công năng kiến trúc và loại bỏ các trang trí dư thừa đối với nhà cao tầng. Sử dụng kết cấu thép chịu lực thay vì bằng gạch đá trước đây, sử dụng tường ngăn linh hoạt, những mảng kính lớn và bọc bên ngoài công trình bằng gạch truyền thống. Hệ thống khung kết cấu được nhận diện ngay trên mặt đứng, những hệ cột theo chiều dọc và hệ dầm phân vị tầng theo chiều ngang đã tạo mặt đứng dạng lưới những ô cửa sổ đều tăm tắp như những ô cờ nổi tiếng mang tên “Chicago Grid”.

Năm 1885, kỹ sư người Mỹ – William Jenny đã trở thành người tạo ra tòa nhà chọc trời hiện đại đầu tiên khi ông nhận ra rằng một tòa nhà văn phòng có thể được xây dựng bằng các vật liệu hoàn toàn khác. Ông đã chọn kết cấu thép và tạo hệ thống khung thép mang tính cách mạng nhằm biến những tòa tháp văn phòng cao vút trở thành biểu tượng của đô thị hiện đại.

Tòa Home Insurance – KTS William Jenny (Chicago, 1885)

Là tòa nhà đầu tiên được xây dựng theo hệ thống kết cấu thép gồm 10 tầng và cao 55m. Thay vì dựa vào những bức tường xây nặng nề rất dầy thì các bức tường của Home Insurance lại rất mỏng nhờ khung thép chống đỡ. Điều này khiến nó trở nên nhẹ hơn, cao hơn trong khi trọng lượng chỉ bằng một phần ba so với các công trình đương thời. Sự xuất hiện của công trình Home Insurance không chỉ xóa tan sự nghi ngờ tính vững chãi của nó mà còn là điểm nhấn đặc biệt của học phái Chicago – Mở ra khái niệm hoàn toàn mới về việc sử dụng hệ thống khung thép làm cấu trúc chính cho công trình cao tầng. Chưa đầy 10 năm sau, TP có thêm nhiều nhà cao tầng nổi bật theo học phái Chicago, trong đó có sự đóng góp của Louis Sullivan – người chuyên thiết kế nhà cao tầng hiện đại với phong cách trang trí Beaux- Arts. Bên cạnh những đặc điểm của học phái Chicago thì những công trình của Sullivan thường phân thành 3 phần gồm phần đế, phần thân, phần mái như một thức cột cổ điển và được trang trí một cách tiết chế trên phần mái, phần đế công trình theo cấu trúc của thực vật trong thiên nhiên.

Home Insurance

Tòa Wainwright Building – KTS Sullivan (St Louis, 1890-1891)

Đây là tòa nhà văn phòng gồm 10 tầng và cao 41m được làm hoàn toàn bằng gạch nung. Tòa nhà thể hiện một cách thẩm mỹ các lý thuyết về tòa nhà cao tầng của Sullivan theo học phái Chicago, gồm 3 phần: Phần đế, phần thân và phần mái, dựa trên cấu trúc của cột cổ điển. Các cửa sổ ở mặt tiền của tòa nhà đều được đặt hơi sâu vào phía sau các cột và trụ xung quanh, giúp gờ và trụ không chỉ có tính chất trang trí mà tạo bóng đổ, tăng thêm sự cảm nhận thị giác của mặt đứng công trình. Trang trí và chạm khắc hữu cơ là đặc trưng của Sullivan, nổi bật nhất là bức phù điêu tán lá trang trí công phu được chạm khắc trên các tấm đất nung phần diềm xung quanh mái, bề mặt xung quanh cửa của lối vào chính và các nan giữa các cửa sổ trên các các tầng.

Wainwright Building

Tòa Reliance Building – KTS Sullivan và Atwood (Chicago, 1894-1895)

Tòa nhà cao 15 tầng, thể hiện sự “tinh khiết” của thế hệ nhà cao tầng đầu tiên. Với mặt tiền gồm nhiều ô cửa sổ bằng kính và cảm giác gần như tối giản. Tòa nhà Reliance đã như dự báo trước hình thức của kiến trúc hiện đại. Những khung cửa sổ rộng lớn đua ra tăng thêm tính nhịp điệu trên mặt đứng công trình của tòa nhà, chỉ bị gián đoạn bởi những dải đất nung tối thiểu, đã mang lại cho nó một vẻ ngoài nhẹ nhàng, không trọng lượng khiến nó khác biệt. Cửa sổ kính lớn cho phép lượng ánh sáng ban ngày dồi dào chiếu vào các không gian văn phòng. Kết cấu thép với tất cả sự thanh nhã về đường nét và tỷ lệ hiện diện trên toàn bộ hai mặt phố tại ngã tư. Sự phối hợp thép – kính đem lại một sự khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc và nhanh chóng chấp nhận trong một xã hội “mở” của Mỹ. Cái đẹp trong thời đại công nghiệp tồn tại trong sự tiện dụng về công năng và đơn giản về hình thức.

Reliance Building

2. Thế hệ thứ 2: Chủ nghĩa Chiết trung

Chủ nghĩa Chiết trung là một phong cách kiến trúc phát triển mạnh vào thế kỷ 19 và 20. Nó xuất hiện đầu tiên tại Pháp sau đó đã phát triển mạnh tại Mỹ trong thiết kế nhà cao tầng và được coi là thế hệ thứ 2 của nhà cao tầng. Đặc điểm của Chủ nghĩa Chiết trung là hình thức kiến trúc được trang trí cầu kỳ, có các yếu tố họa tiết, trang trí được biết đến từ nhiều nền văn hóa hoặc thời kỳ kiến trúc khác nhau. Công năng và hình thức không gò bó bởi các nguyên tắc luật lệ cứng nhắc trong kiến trúc giai đoạn trước đó, được pha trộn giữa cái cũ và cái mới trong ngôn ngữ kiến trúc.

Các nhà thiết kế áp dụng Chủ nghĩa Chiết trung thường chọn tập trung vào một phong cách cụ thể hơn là một sự kết hợp và về mặt lịch sử, điều này đã làm nảy sinh một số phong trào phục hưng như: phục hưng cổ điển, phục hưng Gothic hay Gothic mới, phục hưng của Ý…Tuy nhiên, động lực chính đằng sau chủ nghĩa Chiết trung là việc khai thác các phong cách lịch sử để tạo ra một cái gì đó độc đáo và mới mẻ, thay vì chỉ đơn giản là để hồi sinh các phong cách cũ hơn. Trong kiến trúc nhà cao tầng thì chỉ đề cập đến phong trào Gothic mới bởi nó được áp dụng vào nhà cao tầng nhiều nhất ở Mỹ trong thời gian đó.

  • Phong cách Gothic mới

Là một phong trào kiến trúc bắt đầu vào cuối những năm 1740 ở Anh. Sự thu hút và quan tâm đến phong cách này đã tăng lên vào đầu thế kỷ 19, khi những người ngưỡng mộ phong cách Gothic mới ngày càng nghiêm túc và uyên bác tìm cách hồi sinh kiến trúc Gothic thời trung cổ. Gothic mới lấy các nét đặc trưng từ phong cách Gothic truyền thống, bao gồm các hoa văn trang trí, các tấm chắn, cửa sổ hình mũi mác và tháp nhọn. Đến giữa thế kỷ 19, nó được xác lập là phong cách kiến trúc ưu việt ở thế giới phương Tây và đầu thế kỷ 20 người ta chứng kiến việc xây dựng số lượng rất lớn các công trình kiến trúc Gothic mới trên toàn thế giới, trong đó có kiến trúc nhà cao tầng. Sự nhấn mạnh theo chiều dọc của phong cách này đã sớm được coi là một biểu hiện thích hợp cho chiều cao của các kết cấu nhiều tầng.

Tòa Tribune

Tòa Woolworth tại trung tâm Manhattan do KTS Cass Gilbert thiết kế năm 1913 với chiều cao 241m gồm 60 tầng đã mang lại sự hùng vĩ uy quyền với các hệ cột dọc mỏng chạy lên đỉnh mái làm nổi bật độ thẳng đứng của tòa nhà. Lớp phủ bên ngoài bằng gạch đất nung màu kem được trang trí công phu với các điểm nhấn tráng men màu xanh và vàng. Đỉnh tháp bằng đồng phủ lớp chống gỉ màu xanh lá cây được trang trí bởi các đầu thú và cây trắc bách diệp. Sảnh đợi được trang trí công phu với nhiều tác phẩm điêu khắc, khảm và chạm kiến trúc khác nhau. Bởi là tòa nhà cao nhất thế giới vào thời điểm đó, Woolworth đã thu hút được sự chú ý điều này hoàn toàn có thể hiểu được và trong suốt thập kỷ sau khi hoàn thành, những tòa nhà chọc trời kiểu Gothic mới đã được xây dựng trên khắp cả nước.

Tòa Woolworth

Tháp Tribune là một tòa nhà chọc trời theo phong cách Gothic mới tại Chicago. Được xây dựng từ năm 1923 đến năm 1925, cuộc thi thiết kế kiến trúc quốc tế cho tòa tháp đã trở thành một sự kiện lịch sử trong kiến trúc thế kỷ 20. Phương án chiến thắng giải là một thiết kế theo phong cách Gothic mới của các KTS Howells và Raymond Hood. Tháp Tribune được hoàn thành vào năm 1925 và đạt độ cao 141 m. Mặt đứng có hệ cột nổi kéo dài lên tận đỉnh mái tạo thành những đường gân nổi bật bên cạnh những đường gân nhỏ hơn tạo nên nhịp điệu phát triển theo chiều dọc đúng phong cách của Gothic. Trên đỉnh tháp được trang trí cầu kì với hệ cột kết cấu nhô cao vươn lên ôm lấy đỉnh tháp nó giống như những chiếc cuốn bay được thiết kế trong các nhà thờ thời theo phong cách Gothic truyền thống. Phong cách Gothic mới có thể được áp dụng cho các tòa nhà cao tầng với sự nhạy cảm và khéo léo.

Vài năm sau, khi các công trình theo phong cách Gothic mới xuất hiện có một báo động về những con đường tối đến mức New York đưa ra “luật phân vùng” buộc các tòa nhà mới phải giật cấp theo kiểu ziggurat để mang lại ánh sáng ban ngày xuống phố.
Điều này có nghĩa là trong khi phần đế vẫn lấp đầy khu đất, phần còn lại của tòa tháp giật cấp dần và nó buộc lõi dịch vụ vào trung tâm của tòa nhà, dẫn đến việc mất giếng lấy sáng và buộc phải dùng thông gió và chiếu sáng nhân tạo cần thiết cho những người sử dụng trong tòa tháp. Đây là một sự thay đổi căn bản về hình dạng của các tòa nhà cao tầng thế hệ thứ hai của các tòa nhà chọc trời.

3. Thế hệ thứ 3 – Kiến trúc hiện đại

Kiến trúc Hiện đại (Modernism) là một khái niệm rất rộng được sử dụng để miêu tả các công trình có sự đơn giản trong bố cục hình khối không gian, tổ chức mặt bằng tự do phi đối xứng, mặt đứng loại bỏ việc sử dụng các họa tiết trang trí của trường phái cổ điển cũng như việc sử dụng vật liệu mới như kính, thép, bê tông. Kiến trúc hiện đại là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với kiến trúc cổ điển, thể hiện một lối tư duy mới của sự phát triển bùng nổ của các xã hội Châu âu cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một trường phái chủ đạo trên toàn thế giới đến thập niên 1970.

Kiến trúc hiện đại gồm rất nhiều phong trào, chủ nghĩa, trào lưu, học phái… Nhưng trong phạm vi nghiên cứu về hình thức kiến trúc nhà cao tầng thì chỉ nghiên cứu tới trào lưu kiến trúc Art Deco, phong trào quốc tế bởi nó ảnh hưởng nhiều hơn so với phần còn lại.

  • Trào lưu kiến trúc Art Deco

Xuất hiện từ sau triển lãm quốc tế về nghệ thuật trang trí và công nghiệp hiện đại ở Paris năm 1925. Art Deco chịu ảnh hưởng của các trào lưu lập thể, trừu tượng chủ nghĩa biểu hiện và phái phân ly. Art Deco là một phong cách hiện đại nó tập trung vào những nét độc đáo của thế kỷ XX kết hợp với các vật liệu hiện đại như thép và kính cùng các yếu tố kiến trúc truyền thống từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, khía cạnh trang trí nghệ thuật là sự tinh tế nổi bật nhất.

Đặc điểm của kiến trúc Art Deco là sử dụng các hình học cơ bản theo kiến trúc hiện đại nhưng mang thêm nhiều trang trí kiểu phù điêu, điêu khắc, cách điệu theo hình học dạng đồ họa, hình phẳng hay các trang trí bằng sắt, kim loại, có hiệu ứng tỏa nắng, hình zig zag và dùng nhiều màu sắc. Việc kết hợp giữa đặc tính hiện đại và những đặc trưng của nền văn minh cổ đại, Art Deco tôn vinh văn hóa bản địa và thành tựu đời sống xã hội lên công trình qua nhiều cách trang trí điều đó làm cho kiến trúc Art Deco có biểu hiện rất phong phú và đa dạng.

Tòa Chryler Building – KTS William Van Alen (NewYork 1930)

Văn phòng Chrysler do KTS Alen thiết kế được coi là hình ảnh biểu tượng của tòa nhà chọc trời mang phong cách kiến trúc Art Deco. Được xây dựng từ năm 1928 đến 1930 Chrysler là tòa nhà cao nhất thế giới thời điểm đó với độ cao 318,8m. Tòa nhà mang tên nhà tỷ phú ô tô Walter Percy Chrysler, được dựng lên như một tượng đài dựa vào ba yếu tố: sự thịnh vượng của công nghiệp xe hơi, sự rẻ đi của vật liệu công nghiệp xây dựng và sự khởi sắc của nghệ thuật Art Deco. Art Deco là phong cách thời thượng lúc bấy giờ và là nghệ thuật của thời đại cơ khí với sự phát triển của vật liệu crom, kính và nhôm. Mặt đứng được phát triển theo kiểu ziggurat giật bậc dần lên phía đỉnh tháp. Đỉnh của tòa nhà được làm bằng thép không gỉ với hình tượng mặt trời tỏa sáng đã làm cho công trình gần một thiên niên kỷ như là cột mốc, một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đường chân trời Manhattan, một biểu tượng của New York.

Tòa Chryler Building

Tòa Empire State – KTS Shreve, Lamp an Harmon (New York, 1931)

Empire State là tòa nhà 102 tầng cao 380m do nhóm KTS Shreve, Lamp and Harmon thiết kế. Được hoàn thành vào năm 1931, là tòa nhà cao nhất thế giới đến năm 1972 cho tới khi tòa nhà World Trade Center (WTC) hoàn thành. Empire State được xem là một biểu tượng văn hóa của Mỹ. Nó được thiết kế theo phong cách Art Deco và được mệnh danh là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại. Phần thân của tòa nhà sử dụng khung thép đầy tham vọng nhất vào thời điểm đó, một minh chứng hiện đại về sức mạnh của công nghệ công nghiệp, phần đỉnh tháp được thiết kế theo kiến trúc kiểu giật cấp dạng ziggurat, một đặc trưng của phong cách Art Deco đã tạo cho tòa nhà một dáng vẻ cao vút khỏe khoắn. Bên ngoài được bao phủ bằng đá vôi và đá granit, được tạo điểm nhấn bằng nhôm để tăng thêm độ sáng bóng. Sự kết hợp vật liệu này rất phổ biến trong Art Deco, thúc đẩy thẩm mỹ công nghiệp và hiện đại nhưng vẫn rất tinh tế.
Tuy nhiên, sự cung cấp quá mức của các tòa nhà văn phòng, sự suy thoái của những năm 1930 và Thế chiến II đã kết thúc sự bùng nổ của Art Deco. Không còn những tòa nhà chọc trời cho đến những năm 1950, khi thời hậu chiến hình thành phong cách Quốc tế.

Tòa Empire State
  • Phong cách quốc tế

Phong cách quốc tế được đưa ra vào năm 1932 bởi Johnson và Hitchcock tại triển lãm quốc tế về Kiến trúc hiện đại dựa trên các công trình đã được thiết kế ở Châu âu của các KTS như Le Corbusier, Walter Gropius, Mies van der Rohe và trở thành xu hướng thống trị trong kiến trúc Mỹ trong suốt những thập kỷ giữa của thế kỷ XX. Được đặc trưng bởi tính hình học đơn giản, các bề mặt phẳng, nhẹ, căng đã được loại bỏ hoàn toàn lớp trang trí. Phong cách quốc tế thể hiện ở những tòa chọc trời nguyên khối với hệ thống kết cấu khung thép, mái bằng, toàn bộ công trình được bao bọc bằng kính với dạng hình hộp. Phong cách Quốc tế được hình thành theo quy định rằng hình thức và diện mạo của các tòa nhà phải phát triển một cách tự nhiên và thể hiện tiềm năng của vật liệu và kỹ thuật kết cấu của chúng. Do đó, một sự hài hòa giữa biểu hiện nghệ thuật, chức năng và công nghệ sẽ được thiết lập trong một kiến trúc mới, “khắc khổ và kỷ luật”.

Tòa Lake Shore Drive Apartments – KTS Mie Van de Rohe (Chicago, 1951)

Đây là một cặp tòa tháp đôi bằng kính và thép thể hiện một giai điệu hiện đại với độ thẳng đứng của chúng, như hai chiếc hộp chữ nhật vươn lên bầu trời hoàn thành năm 1951 được KTS Mies van der Rohe thiết kế. Tòa tháp gồm 26 tầng, cao 282 m được được mệnh danh là căn hộ “Nhà kính”. Tòa nhà khi mới được xây dựng cũng không hoàn toàn được ủng hộ nhưng sau đó chúng đã trở thành nguyên mẫu cho các tòa nhà chọc trời bằng thép và kính trên toàn thế giới. Được thiết kế theo chủ nghĩa công năng rất rõ rệt khi từ chối các liên kết lịch sử để ủng hộ các hình học đơn giản và các mô-đun lặp đi lặp lại của các thành phần được sản xuất hàng loạt, hoàn toàn không có trang trí với mặt kính phẳng lì. Vì Mies là một bậc thầy về bố cục tối giản, nên nguyên tắc của ông là “less is more”-“ít hơn là nhiều” như nó được thể hiện trong kiến trúc “bằng da và bằng xương” tự xưng của ông.

Lake Shore Drive Apartments

Trụ sở Liên hợp quốc – KTS Oscar Niemeyer (New York, 1952)

Kể từ khi hoàn thành vào năm 1952, tòa Trụ sở Liên hợp quốc mảnh mai của Niemeyer đã trở thành biểu tượng của Liên Hợp Quốc. Mặc dù có cấu trúc đúng với phong cách Quốc tế được cho là “vĩnh cửu” từ bê tông, cốt thép, kính và các kim loại khác tạo thành một hình hộp chữ nhật vươn lên thẳng đứng không một chút trang trí nhưng nó vẫn xuất hiện như một thực thể luôn thay đổi liên tục thích ứng với các điều kiện khí hậu và bối cảnh xung quanh. Được thiết kế theo phong cách Quốc tế là một quyết định có chủ đích của Niemeyer và phần còn lại của các KTS hợp tác như một cách để tượng trưng cho sự thay đổi thể hiện cảm giác “mới mẻ” làm sáng tỏ tương lai lạc quan của các quốc gia trên thế giới cùng hợp tác phát triển.

Trụ sở Liên Hợp Quốc

Vào giữa những năm 1960, một sự phản ứng mạnh mẽ đối với phong cách Quốc tế nhằm nhấn mạnh sự tự do hơn trong thiết kế so với sự “khắc khổ và kỷ luật” của nó. Nói một cách hình tượng, khái niệm về “hộp thủy tinh” đã bắt đầu tan vỡ. Ngành công nghiệp xây dựng đã chứng kiến sự ra đời của các dạng cấu trúc mới và các vật liệu khác cho phép phạm vi sáng tạo và thể hiện thẩm mỹ lớn hơn.

Các tập đoàn của Mỹ đã xây dựng một thế hệ mới các tòa trụ sở rực rỡ đang làm thay đổi đường chân trời của đô thị và mang lại sức sống mới cho các TP. Đặc điểm kiến trúc khác biệt của thế hệ tòa nhà mới này là các hình khối điêu khắc ở đỉnh và các chi tiết phức tạp ở phần đế. Các tòa nhà thường có cấu trúc hiện đại với sự hồi tưởng lãng mạn của phong cách lịch sử. Đó chính là thế hệ tiếp theo của nhà cao tầng.

Như vậy, phần 1 của bài viết dừng lại ở 3 thế hệ nhà cao tầng đầu tiên. Từ thế hệ thứ nhất tới thế hệ thứ 3, kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng đã có những thay đổi khá rõ rệt từ hình thức trang trí đến kết cấu, vật liệu sử dụng… Mỗi thế hệ ra đời là sự tìm tòi nỗ lực không mệt mỏi của các KTS cùng với các kỹ sư kết hợp với những vật liệu và công nghệ mới đã giúp bức tranh nhà cao tầng trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Hoàng Hải Long – ĐH Giao thông vận tải
Lương Thị Hiền – ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)


Tài liệu tham khảo trong nước:
1. Đặng Thái Hoàng, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Trọng Chung, Trương Ngọc Lân, Nguyễn Quang Minh. Giáo trình Lịch sử Kiến trúc. Hà nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2006. Vol. 2.
2. Nguyễn Đình Thi. Kiến trúc nhà siêu cao tầng. Hà nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2018.
3. Tôn Thất Đại. Những vấn đề về kiến trúc đương đại Việt Nam. Hà Nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2021

The post Nhận diện kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng trên thế giới (phần 1) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3msYjwF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//