Mở đầu
Tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, khai thông lại dòng chảy viện trợ kinh tế cho Việt Nam, đồng thời mở đường cho các công ty quốc tế, trong đó có dịch vụ tư vấn thiết kế, tìm kiếm cơ hội làm việc tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó, vào năm 1992, Nhật Bản đã nối lại các chương trình viện trợ ODA (Official Development Assistance – Hỗ trợ Phát triển Chính thức) không hoàn lại và theo đó, các công ty tư vấn thiết kế Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam để thực hiện các dự án này như một quy định bất thành văn. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáng chú ý là những dự án như: Xây dựng Khoa Nông nghiệp Đại học (ĐH) Cần Thơ và Nâng cấp cơ sở các trường tiểu học (Dự án chia thành 3 giai đoạn: Các trường tiểu học vùng bão; các trường tiểu học Duyên hải miền Trung và Các trường tiểu học vùng núi phía Bắc). Nếu như trong dự án Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ, tư vấn bản địa hầu như không có vai trò gì trong quá trình thiết kế, ngoại trừ những góp ý chuyên môn không chính thức theo yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam; thì ở Dự án Nâng cấp các trường tiểu học đã được cải thiện đáng kể, từ tư vấn phản biện, giám sát đến đối tác thực hiện bản vẽ thi công.
Sau này, các chương trình xây dựng trường học theo vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đều thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu thiết kế chặt chẽ và tư vấn bản địa luôn trở thành người thắng.
Ở chiều ngược lại, từ giữa những năm 2000, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty tư vấn lớn nước ngoài bắt đầu quan tâm mạnh đến các dự án lớn về ĐH ở Việt Nam, cho dù nguồn vốn đến từ đâu. Họ vào và thắng bằng nhiều đường, bằng quan hệ, được tìm hiểu, giới thiệu chỉ định, bằng các cuộc thi đóng và mở… Có thể kể đến những cuộc thi quy hoạch thiết kế thu hút nhiều đơn vị tư vấn tên tuổi trong và ngoài nước như: Dự án Trung tâm Điều hành và NCPT Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, Khu đô thị ĐH Phố Hiến, Trung tâm Học liệu – Thư viện ĐH Cần Thơ, Điều chỉnh Quy hoạch ĐH Quốc gia Hà Nội, Quy hoạch và Thiết kế Giai đoạn I ĐH FPT…
Nhìn chung, đây cũng tình trạng khá phổ biến trong bức tranh tổng thể hoạt động của tư vấn quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả muốn giới thiệu hai ví dụ đặc biệt về một cách vận hành khác, ở đó chất lượng là mục tiêu duy nhất, và tư vấn bản địa có thể học hỏi được rất nhiều để có thể tham gia sân chơi quốc tế ngay trên sân nhà của mình – Đó là hai dự án lớn và đồng bộ nhất của ĐH Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại: ĐH Việt Đức (VGU) và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, hay còn gọi là ĐH Việt Pháp).
Bối cảnh và phương thức tổ chức
Cuối những năm 2000, với mục tiêu Việt Nam có trường ĐH lọt vào top 200 của thế giới, ngành giáo dục đào tạo khởi động Đề án thành lập mới 4 trường ĐH theo mô hình mới với định hướng ĐH nghiên cứu chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, đồng thời với việc vận động các quốc gia có nền ĐH tiên tiến nhất bảo trợ và giúp đỡ trực tiếp. Đức và Pháp là hai nước đầu tiên (và duy nhất cho đến thời điểm này) hưởng ứng, cùng bắt tay với Việt Nam vào chương trình xây dựng toàn diện hai trường ĐH Việt Đức và Việt Pháp theo mô hình những trường ĐH nghiên cứu tiên tiến nhất của Đức và Pháp. Bên cạnh các nội dung chương trình, đội ngũ giáo sư, quản trị ĐH, chi phí vận hành và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thí nghiệm do Chính phủ và hệ thống ĐH của Đức và Pháp cam kết đảm nhận, cơ sở vật chất của trường được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) cho VGU và Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) cho USTH. Và ở đây, cả hai dự án (mức đầu tư 200 triệu USD cho giai đoạn I dự án) đều phải thực hiện theo quy định nghiêm ngặt về đấu thầu của WB có tính đến tính đặc thù về thi tuyển phương án kiến trúc. Theo đó, mọi hoạt động đấu thầu cũng như tổ chức thi tuyển phương án đều do một công ty tư vấn quốc tế (được chọn thông qua đấu thầu rộng rãi) điều phối. Vòng I, đấu thầu rộng rãi, các công ty tư vấn trên thế giới quan tâm gửi hồ sơ dự thầu kỹ thuật (chưa có phương án). Một Hội đồng kỹ thuật (được tuyển chọn qua đấu thầu) chấm điểm để lựa ra 6 đơn vị được đề cử vào Vòng II, thi tuyển phương án kiến trúc, theo nguyên tắc xếp thứ tự từ 1 đến 9 (6 chính thức và 3 dự phòng). Các đơn vị được đề cử có khoảng 3 tháng (bao gồm cả tham quan thực địa) thực hiện phương án (bao gồm các bản vẽ được qui định và kèm mô hình) theo một đầu bài chi tiết khoảng 200 trang. Hội đồng giám khảo gồm 5 KTS, chuyên gia cùng 2 thành viên đại diện cơ quan quản lý và nhà trường. Trong đó, các KTS bao gồm 4 KTS – Giám khảo quốc tế và 1 KTS bản địa, được tuyển chọn thông qua chấm điểm theo các tiêu chí: Kinh nghiệm hành nghề (các công trình tiêu biểu); giảng dạy; NCKH và ấn phẩm; kinh nghiệm giám khảo; giải thưởng; triển lãm (Những kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực công trình đối tượng – quy hoạch kiến trúc trường ĐH, được tính thêm điểm trong từng tiêu chí). Trong 1 ngày làm việc chính thức, một nửa thời gian được dành cho các giám khảo – KTS nghiên cứu các phương án dự thi (ẩn danh). Mỗi thành viên, theo sự phân công (ngẫu nhiên hoặc bắt thăm) của vị KTS Chủ tịch được bầu trước đó, chuẩn bị một bản nhận xét chi tiết về một hoặc hai phương án. Giúp việc cho Ban Giám khảo là các thành viên của Tiểu ban kỹ thuật, bộ phận cung cấp và giải đáp về Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các tiêu chí của đầu bài trong từng phương án. Nửa thời gian còn lại, Hội đồng họp chung nghe nhận xét và phản biện của từng phương án. Sau đó toàn Hội đồng chấm điểm công khai và công bố kết quả sau khi tổng hợp (Điều khá thú vị là chỉ các giám khảo – KTS mới được nhận thù lao giám khảo theo hợp đồng).
Dự án xây dựng có sở mới Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương
54 công ty tư vấn quốc tế được chấp nhận tham gia vòng tuyển chọn thực hiện Dự án xây dựng cơ sở mới của ĐH Việt Đức (VGU) tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trong số 9 công ty lọt vào danh sách ngắn (6 chính thức và 3 dự bị) có những tên tuổi rất lớn như Foster and Partner (Anh Quốc); Dominique Perrault Architecte (Pháp); Machado and Silvetti Associates (Hoa Kỳ), Zaha Hadid Architects (Anh Quốc)… và đặc biệt, các công ty tư vấn của Đức. Vì những lý do khác nhau, Foster, Perrau và Mecanoo (Hà Lan) rút lui khỏi danh sách chính thức, tiếp đó, rất đáng tiếc, Zaha Hadid sau khi đi thực địa và thương thảo bước đầu cũng rút lui. Như vậy còn lại 5 công ty tư vấn, quốc tế từ Đức (2) Hoa Kỳ, Nhật Bản và Áo tham gia vòng tuyển chọn phương án. Khu đất được dành cho VGU rộng 50 ha, nằm ngay mặt tiền đường vành đai số 4 và giáp quốc lộ 13, trung tâm thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Quy mô tổng thể trường là 12.000 sinh viên, tổng diện tích sàn khoảng 327.300 m2, trong đó, giai đoạn I là 5.000 SV với diện tích sàn khoảng 134.550 m2. Dự án được yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế trường ĐH của Châu Âu và của Đức, có tính đến điều kiện bản địa cũng như tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Các phương án mang mã số từ 2001 đến 2005, chỉ đến khi phương án trúng giải thương thảo và ký kết hợp đồng, các giám khảo mới được thông báo danh tính tác giả các phương án đã xếp hạng. Ý tưởng các phương án khá đa dạng, chú trọng vào khu học tập – nghiên cứu như tạo dựng các lõi xanh (PA. 2005), hành lang xanh (PA. 2002), tập trung tuyệt đối (PA. 2003) hay phân tán bên trục xanh tự do và các đường đi bộ (PA. 2004). PA. 2001 đoạt giải Nhất đã hội tụ được những ưu điểm vượt trội bởi giải pháp phân khu theo bố cục không gian chặt chẽ, vừa tạo dựng bản sắc của 4 khu chức năng chính: Học tập, Nghiên cứu, Ký túc xá sinh viên và TDTT lại vừa tạo thành một chỉnh thể thống nhất cả trong phân kỳ đầu tư. Đặc biệt, khu học tập, trung tâm của bố cục được kiến tạo xung quanh một lõi xanh hình ô voan có hành lang cầu bao quanh, kết nối các tòa nhà học giảng đường khoa, thư viện, hội trường… Hệ thống giao thông không khói một mặt tạo lập các không gian cây xanh mặt nước trong các nội khu, mặt khác, kết nối chặt chẽ với các tuyến giao thông cơ giới nhẹ thông qua các điểm đỗ. Các công trình đã chú trọng tới xu hướng thiết kế xanh, thích ứng với điều kiện khí hậu bản địa. Toàn bộ quy hoạch và các công trình giai đoạn I đã được hoàn thành thi công vào cuối năm 2020 theo các bản vẽ của Công ty tư vấn đoạt giải Nhất là Machado and Silvetti Associates (Hoa Kỳ).
Dự án xây dựng USTH tại Hòa Lạc, Hà Nội
Một năm sau VGU, Cuộc thi tuyển chọn phương án xây dựng cơ sở mới Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hay còn được gọi là ĐH Việt Pháp, được tiến hành. USTH là Trường ĐH nghiên cứu mô hình mới do Chính phủ và Hội đồng các trường ĐH của Pháp tài trợ kinh phí vận hành, giảng dạy và trang thiết bị. Cơ sở vật chất xây dựng bằng vốn vay của ADB. Có 47 công ty tư vấn quốc tế đã tham dự vòng tuyển chọn rộng rãi, 6 trong số đó đã được vào danh sách đề cử để tham gia vòng thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc là các công ty tên tuổi đến từ Pháp (2) Đức, Singapore, Nhật Bản và Italia. Đáng chú ý, theo yêu cầu của cuộc thi, các đơn vị tham dự đều có các nhà thầu phụ bản địa là các công ty tư vấn đến từ Việt Nam. Khuôn viên được dành cho USTH rộng khoảng 65 ha nằm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thuộc Phân khu Giáo dục & Đào tạo). Quy mô tổng thể trường là 15.000 SV, tổng diện tích sàn khoảng 370.000 m2, trong đó, giai đoạn I là 5.000 SV với diện tích sàn khoảng 210.000 m2.Do địa hình cây xanh mặt nước tự nhiên chiếm một tỷ trọng lớn trong khu đất nên đầu bài có yêu cầu đặc biệt về giải pháp kiến trúc cảnh quan (Trong Hội đồng Giám khảo cũng có một KTS – chuyên gia nổi tiếng về kiến trúc cảnh quan).
Nhìn chung, do nghiên cứu kỹ địa hình cảnh quan, các phương án đều chú trọng tổ chức không gian không gian tổng thể toàn trường cũng như từng khu chức năng trên cơ sở tôn trọng và tận dụng tối đa diện tích cây xanh, mặt nước. Ngoại trừ PA. 9005, đưa khu học tập – nghiên cứu bắt đầu từ sát lối vào, tất cả các phương án còn lại đều chọn hướng đẩy lùi các khu chức năng, kể cả khu điều hành, công trình công cộng, vào sâu bên trong khu đất. Hướng nhà, đường giao thông mặt chính và địa hình là những yếu tố tác động để các phương án tạo lập các trục bố cục của tổ hợp (Duy nhất, phương án 9001 có bố cục và phân khu chức năng tương đối hợp lý nhưng toàn bộ các khối nhà học lại đặt ở hướng Đông – Tây). Trong đó, phương án 9004 có giải pháp bẻ trục kết hợp thay đổi một phần không gian mặt nước khá độc đáo và phương án 9006 triển khai các khối chức năng bằng các tòa nhà kết nối liên tục và tự do, đối xứng qua trung tâm mặt nước tự nhiên. Phương án 9002 nổi trội hơn cả bởi tính khúc chiết trong tổ chức không gian học đường trên nền địa hình cây xanh mặt nước tự nhiên. Theo đó, một trục Bắc Nam dẫn từ lối vào qua không gian khánh tiết, được hình thành bởi nhà điều hành – điểm nhấn cao tầng và khối nhà Thư viện – Hội trường ấn tượng, cũng là góc đầu của một hình vuông, nơi các cạnh – khối công trình hướng vào trung tâm bố cục – lâm viên tự nhiên. Đó là một bên, hai cạnh, bố trí công trình học tập, nghiên cứu các khoa và một bên, 2 cạnh còn lại, bố trí các công trình nhà ở sinh viên và phục vụ. Đường giao thông cơ giới nhẹ tạo thành một vành đai bên lớp ngoài, kết nối với Trung tâm TDTT và các Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phục vụ khác. Ở đây, có lẽ điều khá đáng tiếc của tất cả các phương án là thiếu sự tương tác về mặt không gian với các công trình lân cận (trong đó có ĐH FPT ngay bên cạnh). Sau khi nhiều dự án hạ tầng và xây dựng được tiến hành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với Phương án đoạt giải của AS. Architecture Studio (Pháp) đã chính thức khởi công vào quý 3/2021.
Thay cho lời kết
Dự án xây dựng VGU và USTH là hai dự án quốc tế tại Việt Nam được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo đúng chuẩn quốc tế duy nhất cho đến nay. Nhìn chung có thể thấy rằng các phương án dự thi của cả 2 dự án đều ở mức cao về chất lượng chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Các công ty tư vấn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch thiết kế trường ĐH bị thu hút không những chỉ bởi quy mô và ngân sách của dự án, đầu bài chi tiết và khoa học mà còn được hấp dẫn bởi điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa Việt Nam. Đồng thời, như những trải nghiệm quen thuộc đối với những người tham gia các cuộc thi quốc tế, phương thức tổ chức ở đây hoàn toàn được tuân thủ theo luật chơi quốc tế, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, không chịu bất cứ áp lực từ phía các nhà quản lý. Từ những ví dụ này, tư vấn Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học bổ ích, bắt đầu từ những phương thức liên danh ngay trong giai đoạn tham gia tìm ý tưởng với sự am hiểu thế mạnh về điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa, chứ không đơn thuần chỉ đóng vai trò thầu phụ về kỹ thuật và triển khai. Bên cạnh đó, các nhà quản lý và chủ đầu tư cũng có thể nghiên cứu phương thức tổ chức thi tuyển để tạo ra một sân chơi công bằng cho các đơn vị tham gia, cả cho tư vấn quốc tế và Việt Nam.
KTS.TS Trần Thanh Bình
Thành viên Giám khảo quốc tế hai cuộc thi VGU (Tháng 7/2013) và USTH (Tháng 12/2014)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)
The post Sân chơi quốc tế và yếu tố bản địa appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3EcAgbf
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét