Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

KTS đồng nghiệp quốc tế trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam

Đã 30 năm đi vào cuộc “Đổi mới”, diện mạo và vị thế của đất nước Việt Nam trong khu vực và quốc tế ngày càng tốt đẹp. Từng ngành nghề cũng có bước hội nhập và phát triển tương xứng, cả công việc lẫn con người. Đặc biệt, ngành kiến trúc của chúng ta thể hiện rõ nhất qua hình thức và khối lượng xây dựng khổng lồ trên cả nước. Không khó để nhận thấy. Chất lượng nghệ thuật và tính hiện đại của nhiều công trình kiến trúc quy mô có bàn tay đóng góp của lực lượng KTS đồng nghiệp quốc tế và khu vực – Từ những công trình đơn lẻ, có nguồn đầu tư nước ngoài, dần đến nhiều công trình của nhiều dạng CĐT trong nước, từ hoạt động theo từng giai đoạn đầu tư của công trình, dần có hẳn nhiều công ty tư vấn và thiết kế kiến trúc của KTS nhiều quốc tịch có mặt thường trực ở Việt Nam…

Có nhiều cách nhìn nhận về sự có mặt của tác phẩm kiến trúc và tác giả KTS đồng nghiệp quốc tế qua 3 thập kỷ đổi mới và phát triển của đất nước – Đồng thuận có, khác nhau có, thậm chí cực đoan, đối kháng có, nhưng một quan điểm dung hợp tối ưu cho thực tế phát triển mới là câu trả lời tích cực cần hướng tới.

Bảo tàng Hà Nội

Những đóng góp thực tế và tích cực

Trở lại đầu những năm 90, thời kỳ đầu của chính sách Đổi mới. Khi đó, một số công trình đầu tư liên doanh bắt đầu khởi động, đặc biệt trong lĩnh vực văn phòng đại diện nước ngoài và khách sạn, dịch vụ cao cấp ở TP HCM, Hà Nội, về sau lan dần sang các tỉnh có nguồn lực về du lịch, nghỉ dưỡng khác. Thời kỳ này ghi nhận dấu ấn đóng góp chủ đạo và đáng trân trọng của KTS và tư vấn nước ngoài, từ thiết kế, thi công cho đến quản lý dự án… Các đơn vị thiết kế trong nước, dù được chính sách quy định làm KTS hợp tác bắt buộc, cũng chỉ để đứng tên trên giấy phép. Giai đoạn này, những KTS đồng nghiệp quốc tế, cùng với kỹ năng và tổ chức làm việc của họ, thực sự là những người thầy. Những hình ảnh kiến trúc họ mang đến thật sự mới mẻ, hiện đại mẫu mực cho thời kỳ đầu mở cửa, bước ra khỏi những xơ cứng, cũ kỹ của kiến trúc bao cấp một thời. Công bằng mà nói, dù có một số công trình không thực sự xuất sắc, thì cũng vẫn đủ tốt cho sự khao khát học hỏi, hội nhập của nguồn nhân lực ngành kiến trúc lúc đó. Khoảng đầu thập niên 90, “trường học” này chủ yếu dành cho lĩnh vực thi công, kỹ thuật vật liệu mới. Nửa sau của thập niên 90, mới có một vài đơn vị hiếm hoi thực hiện khai triển kỹ thuật từng phần cho các công trình đầu tư liên doanh với nước ngoài, mà phần lớn thuộc lĩnh vực thiết kế nội thất. Đó cũng là thời kỳ giới KTS trong nước dần quen với đòi hỏi chất lượng cao của thị trường và đã tự đảm đương nhiều công trình có yêu cầu chất lượng cao trong thương mại, du lịch, dịch vụ nội địa, nhưng với một mặt bằng tổ chức làm nghề chưa đủ chuyên nghiệp như các đồng nghiệp nước ngoài.

Thập kỷ kế tiếp, 2000-2010 là thời kỳ tái phát triển của kiến trúc xây dựng ở Việt Nam, sau cuộc khủng hoảng kinh tế sâu năm 1998 của thế giới và khu vực. Thời kỳ này nở rộ các cơ sở hoạt động thường xuyên của nhiều công ty tư vấn kiến trúc quốc tế, đặc biệt là các quốc gia khu vực Asean, Nhật, Đức, Pháp, Úc… Bao gồm cả nhiều công ty nước ngoài sử dụng nhân lực tại chỗ, nhưng chủ yếu làm công việc “out sourcing” xứ họ, với lợi thế giá nhân công rất rẻ. Và cùng với môi trường làm nghề còn nhiều bất cập của giới KTS trong nước, cộng với tâm lý hướng ngoại của thị trường, lực lượng KTS đồng nghiệp quốc tế này gần như xuất hiện độc quyền ở các công trình cao cấp quy mô lớn, đặc biệt ở cuộc thi mở rộng quốc tế đầu tiên toà Nhà Quốc hội năm 2007 và nhiều cuộc thi quốc tế hoặc mở rộng quốc tế về sau. Kết quả là với khối lượng lớn công trình có quy mô đầu tư lớn được xây dựng, sự đóng góp của các đồng nghiệp KTS quốc tế hiển nhiên là rất nổi trội.

…Và đồng thời với những bất cập

Kéo theo đó, thực tế va chạm suốt hai thập kỷ, từ 2000 đến nay, đã bộc lộ một số bất cập không mong muốn.

1. Chưa khai thác đúng mức vai trò của KTS bản địa

Trong tập quán làm việc lành mạnh của nghề kiến trúc, các tổ chức nghề nghiệp KTS trên thế giới đều nhất quán về giá trị bản sắc của mỗi nơi chốn. Điều này không chỉ là khẩu hiệu, càng không thể bằng kinh nghiệm, công thức đơn thuần mà có được – Chỉ có nền tảng văn hoá và trải nghiệm. Chính vì thế nên việc hợp tác chính thức cùng KTS bản địa cho mỗi đồ án là quy trình khuyến cáo (hoặc bắt buộc ) của các tổ chức hành nghề KTS trên toàn thế giới, vừa tránh rủi ro “sốc văn hoá”, vừa nội địa hoá được nhiều thế mạnh vật liệu và kỹ thuật địa phương, tiết kiệm hợp lý suất đầu tư cho công trình. Điều này, cho đến thời điểm hiện tại, các lực lượng đồng nghiệp nước ngoài vẫn còn chủ quan, chưa hợp tác và khai thác đúng mức thế mạnh của lực lượng KTS tại chỗ, vốn sở hữu nhiều kỹ năng, kiến thức và văn hoá bản địa. Kết quả là những công trình trọng điểm do nước ngoài thiết kế, bằng “thói quen nhà giàu” trong sử dụng và kỹ thuật thuận tay của họ, đã đẩy suất đầu tư lên gấp nhiều lần so với công trình cùng chất lượng ở trong nước. Chưa kể một số công trình nhân danh tiên tiến, hiện đại để thô bạo áp đặt một chuẩn văn hoá, tập quán tiêu dùng xa lạ.

2. Không góp phần tích cực vào xây dựng hệ thống nhân lực làm nghề kiến trúc tại chỗ.

Đã 30 năm đổi mới, kỹ năng và chất lượng tổ chức làm nghề của hệ thống nhân lực kiến trúc nội địa có nhiều phát triển nhưng chưa tương xứng với chừng đó thời gian và khối lượng lớn công trình được thực hiện bởi kinh nghiệm tiên tiến của các KTS đồng nghiệp nước ngoài. Đó là bởi chính sách không bắt buộc sự hợp tác thực chất và bình đẳng với lực lượng làm nghề trong nước. Thời kỳ đầu, các công ty tư vấn nước ngoài làm việc độc lập qua nguồn đầu tư nước ngoài. Khi công trình nhiều hơn, họ làm việc bằng công ty thường trực tại Việt Nam theo luật công ty, không ràng buộc nằm trong một hệ thống quản lý khắt khe từ quy trình, giấy phép, thiết kế phí… như đối với KTS trong nước. Từ đó không ràng buộc trách nhiệm chuyển giao bình đẳng kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp nhanh và thực chất. Và thực tế hiển nhiên là có sự quan hệ đồng nghiệp mờ nhạt, thậm chí cái nhìn xa cách từ hai phía KTS nội – KTS ngoại. Trong thâm sâu, còn có sự chảy máu chất xám từ các lò đào tạo nội địa (trong điều kiện rất vất vả) sang các công ty thiết kế ngoại có điều kiện tài chính tốt, lại được chính sách thiết kế phí cao hơn nhiều lần dành cho KTS ngoài nước.

Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh

Cần hành động tích cực, phù hợp và chiến lược dài hạn

Về vai trò và sự đóng góp của lực lượng KTS đồng nghiệp quốc tế trong lĩnh vực phát triển kiến trúc đương đại, chúng ta nhận thấy:

1. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, sự hiện diện của lực lượng KTS quốc tế với các công trình được thiết kế bởi kỹ năng và kinh nghiệm của họ là một tác nhân tích cực, hợp xu thế phát triển. Phải nhìn nhận vai trò cú hích, tác động dẫn dắt bậc thầy của họ ở giai đoạn từ hệ thống bao cấp (thời chiến) bước sang kinh tế thị trường (thời hội nhập) trong quá trình phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại. Phải trân trọng khai thác những cơ hội học hỏi hiệu quả từ những tri thức và kinh nghiệm tiên tiến của những đồng nghiệp quốc tế – Bằng sự chân thành và lòng tự trọng nghề nghiệp. Và, ngược lại, cũng cần yêu cầu (cùng với cơ chế hiệu quả) các đồng nghiệp quốc tế phải có trách nhiệm với lợi ích của nền kiến trúc nơi họ tác nghiệp, về chất lượng bền vững của sản phẩm lẫn chiến lược xây dựng nguồn nhân lực kiến trúc.

2. Chính sách quản lý cần tạo sự hợp tác bình đẳng trong và ngoài nước, thống nhất luật hành nghề kiến trúc tiệm cận và đồng bộ với khu vực và quốc tế. Ngoài yêu cầu cao trong chất lượng kiến trúc tiên tiến và phù hợp, còn phải vì chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiến trúc nước nhà bằng các quy định, phương thức hợp tác hiệu quả.

3. Với bản thân giới KTS, hội nhập quốc tế là con đường không thể đảo ngược. Giới KTS chúng ta hoan nghênh sự hiện diện của nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao. Nhưng, để không hoà tan, một mặt chúng ta phải thực sự trân trọng sự đóng góp tri thức của họ, xem họ là những người thầy tạo cảm hứng và động lực. Mặt khác, có khao khát tiếp thu, nâng cao kiến thức và nhanh chóng thể hiện sự bình đẳng trong nghề nghiệp, chứng tỏ với đồng nghiệp quốc tế; Mình là những chuyên gia thực sự trên chính nơi chốn của mình – Đó mới là sự hội nhập đĩnh đạc và trách nhiệm.

Khu nghỉ dưỡng FLC tại Quy Nhơn, Bình Định

Hơn 20 mươi năm vận động của Hội KTS Việt Nam cho môi trường làm nghề chuyên nghiệp bằng luật (Luật Kiến trúc) chứng tỏ chúng ta cần sự đồng bộ chiến lược của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của giới KTS Việt Nam.

KTS Nguyễn Văn Tất
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

The post KTS đồng nghiệp quốc tế trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2XwbaUX
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét