Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

KTS Mai Hưng Trung: Từ lý thuyết đến thực hành kiến trúc

Thực hành kiến trúc trong bối cảnh thế nhân sinh Anthropocen) – một giai đoạn địa chất do chính con người tạo ra.

Hanoi adhoc 1.0: Architecture, Factories, and retracing the recent dream of modern past © Hanoi ad hoca

Việc thiết kế kiến trúc, đô thị không còn bó buộc trong một khuôn mẫu, định dạng kiểu tam giác Vitrusvius : Firmitas – Utilitas – Venustas (Đẹp – Bền vững – Thích dụng). Thực hành kiến trúc trong thời điểm hiện tại có nhiều ràng buộc hơn về kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị và các luồng tư tưởng khiến việc làm kiến trúc đơn thuần dường như là không đủ. Trong quá trình thực hành kiến trúc của mình, Mai Hưng Trung luôn hướng mối quan tâm của mình đến những phạm trù khác, nằm trong mảng tiếp giáp, giao thoa kiến trúc. Đó có thể là cảnh quan, nhân học, địa lý học hay nông nghiệp. Anh cho rằng: Chúng ta đang sống trong một cảnh thế nhân sinh, một giai đoạn địa chất do chính con người tạo ra. Nếu ta có thể nhìn thấy lát cắt của vỏ trái đất như một lát bánh gateau thì kiến trúc chỉ là bề mặt trên cùng của chiếc bánh gateau nhiều tầng đó. Việc hiểu về cấu trúc và những tầng lớp khác sẽ góp một phần không nhỏ vào việc định hình kiến trúc của mình, gắn kết nó vào phần còn lại của vỏ trái đất.

Dự án Cải tạo khu công nghiệp tại Stuttgart nằm trong khuôn khổ IBA 27 của KTS Mai Hưng Trung là một thử nghiệm về việc chuyển dịch mối quan tâm từ môi trường xây dựng (built environment) đến cảnh quan (landscape) – Nói một cách khác, cảnh quan và môi sinh sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc cấu thành hình thái kiến trúc và đô thị (form follow environment) – Một công viên công nghiệp (industrial park) đã được anh đề xuất như nền tảng đầu tiên để tìm ra hình khối cũng như luật lệ (order) cho kiến trúc của dự án. Việc nghiên cứu cấu tạo địa chất, đất, nước và cây cỏ dần đang trở thành yếu tố tiên quyết và tác động trực tiếp đến kiến trúc. Những thành phần cấu thành nên khái niệm (context) lại đang có xu hướng đóng vai trò then chốt trong việc giúp kiến trúc hậu hiện đại hay Chủ nghĩa phê bình khu vực (Critical regionalism) thoát khỏi sự ám ảnh về những tàn dư của chủ nghĩa hiện đại hay xu hướng toàn cầu hóa (international style). Vai trò của bối cảnh trở nên quan trọng và mật thiết hơn hơn bao giờ hết, và có thể trở thành một phần của triết lý sáng tác.

Quy hoạch Nông thôn, thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp

Hướng đi nói trên dẫn ta đến những suy nghĩ về nông thôn, đô thị. Những vùng ngoại ô, nơi chứng kiến rõ nhất sự đứt gãy giữa không gian sản xuất nông nghiệp và sự xây cất thương mại. Rem Koolhaas có đề cập đến điều này trong nghiên cứu về nông thôn của mình mới xuất bản gần đây -“Countryside, a report”. Ông cũng đã chỉ ra sự thay đổi của nông thôn thực ra còn nhanh và cơ bản hơn so với đô thị hay đại đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế diễn biến này lại không mấy khi được nhắc đến. Mai Hưng Trung bắt đầu nghiên cứu của mình về quy hoạch nông thôn và Chủ nghĩa phê bình khu vực từ năm 2017 với đồ án “⟪”. Tới năm 2019, với dự án A(gri)puncture, anh đã giành chiến thắng tại Europan 15: Productive city – Giải thưởng giành cho KTS dưới 40 tuổi tại Châu Âu. Và ngay sau đó, anh được mời vào Ban tư vấn quy hoạch Trảng Bàng, Tây Ninh với nhiệm vụ thiết lập một quy hoạch chi tiết cho đô thị công – nông nghiệp.

Dự án A(gri)puncture là một quan điểm mới về tích hợp sản xuất nông nghiệp vào những cơ sở công nghiệp tại cụm làng Dreux, phía Tây Paris. Những cơ sở hạ tầng công nghiệp, bến bãi và kho xưởng, những thành phần ngoại vi này là nhân tố không thể chối cãi trong tiến trình đô thị hóa nông thôn. Hoạt động nông nghiệp được Mai Hưng Trung đưa vào đồ án của mình như một mạng lưới nhằm tái sử dụng những khoảng không gian bị lãng quên, gắn vào hệ thống sản xuất và chuyển đổi công năng sang hình thái đô thị mới phù hợp với điều kiện xã hội, mô hình kinh tế tuần hoàn, rút ngắn khoảng cách giữa dây chuyền sản xuất và tiêu thụ. Với đồ án này, tác giả đề xuất tái sử dụng những hạ tầng công nghiệp và đưa nông nghiệp vào như một giải pháp “châm cứu” đô thị – Đô thị hóa nông thôn sẽ dần dần được tái định hình từ chính những khoảng trống này khi nó không còn bị lãng quên. Thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp qua đó mà hình thành.

Entdeckt! © Mai Hung Trung/ atelier M32

Kiến trúc như một ngành khảo cổ

Tầm vóc của một dự án dường như đang bị định hình bởi tầm vóc của nơi chốn mà nó sẽ được hình thành. Hiển nhiên rằng, những dự án tại trung tâm của các đại đô thị sẽ thỏa mãn được cái tôi của người làm kiến trúc hơn là những ngôi làng hoang sơ hẻo lánh. Sự thờ ơ của giới kiến trúc đối với nông thôn cộng với sự ám ảnh về đại đô thị khiến cho kiến trúc bản địa dễ dàng rơi vào sự ảnh hưởng kinh tế thị trường và dần bị thay thế bởi của sản phẩm xây dựng thương mại. Trong khi đó, tại những đô thị lớn, kiến trúc bản địa tại những khu phố cổ lại có được sự hậu thuẫn và can thiệp của chính quyền cho việc bảo tồn. Một điều tưởng chừng như nghịch lý đó là nông thôn từ lâu được mặc định như muồn nguồn trữ gen của kiến trúc bản địa lại có phần tha hóa, lai căng dễ dàng hơn những đại đô thị đang giãn nở. Và điều này đã là nhận định đầu tiên của Mai Hưng Trung khi bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào các dự án tại Bồ Đào Nha. Anh đã giành thời gian để điền dã, khảo cứu hiện tượng này tại Bồ Đào Nha khi tham gia cải tạo một khu chung cư cũ tại trung tâm Lisbon. Dự án được bắt đầu với việc rà soát bởi những chuyện gia khảo cổ học để đưa ra quyết định bảo tồn cho tất cả những cấu kiện hình thành nên công trình, đến từng viên gạch tráng men (azulejo) vốn được coi là linh hồn của kiến trúc ở đây từ thế kỷ 15. Mai Hưng Trung quan niệm kiến trúc nên bắt đầu từ những gì đang tồn tại. Khi giá trị của nó đã ở đó, nhiệm vụ của KTS lúc này chỉ là đào bới, khai quật và sắp xếp vào đúng trật tự là đủ. Những can thiệp thô bạo vào lịch sử là điều hoàn toàn không cần thiết.

Thể trạng nhị nguyên giữa công nghiệp và nông nghiệp A(gri)puncture © Mai Hung Trung

Nghiên cứu và thực hành kiến trúc

Một dự án, một đề bài mới luôn cần được bắt đầu với việc đào bới vào cốt lõi (fundametal) của bối cảnh, phân loại (typology) thậm chí là định nghĩa (terminology) của cả những điều tưởng chừng như là hiển nhiên. Mai Hưng Trung không thỏa mãn với việc đi từng bước đến câu trả lời, mà còn chú trọng những bước trung gian: Phân tích không là chưa đủ, tổng quát hóa những thông tin đó, đặt nó trong bối cảnh lớn hơn, lùi lại và có một cái nhìn rộng hơn. Đó cũng là ly‎ do giải thích cho việc anh sử dụng phần lớn thời gian của mình cho việc khảo cứu chứ không phải là sản xuất bản vẽ. Hà nội Ad hoc được ra đời không đơn thuần là một bộ dữ liệu về các thành phần đô thị (urban elements) mà hơn hết, đó là một bộ nghiên cứu tổng quan, một dạng hành vi định sẵn mà anh muốn định hình cho những dự án trong tương lai ở Hà Nội.

Madalena renovation project © Mai Hung Trung / atelier M32

Tìm kiếm sự trùng khớp ngẫu nhiên

Kiến trúc được hình thành không chỉ từ những điều kiện ngoại cảnh mà còn từ triết lý nội tại của mỗi KTS. Một kiến trúc tốt sẽ nằm giữa vùng giao thoa của hai điều kiện trên và làm cho triết lý đó tồn tại một cách hồn nhiên như đã thuộc về nơi chốn đó nơi bị ràng buộc bởi các yếu tố về thổ nhưỡng, vật lý, và luật lệ. Đó cũng có thể được coi là một sự thỏa hiệp khôn khéo giữa cái tôi cá nhân, những luồng tư tưởng không chính thống và những điều kiện cố hữu được định sẵn.

Mai Hưng Trung
Kiến trúc sư trưởng , đồng sáng lập Atelier M32, Paris, Pháp.

https://ift.tt/3jPOrLB
Khởi xướng Hà nội Ad hoc
https://ift.tt/3pODE86

Tốt nghiệp tại ENSA Paris Malaquais và Leibniz Universitat Hanover, sau một thời gian làm việc tại các văn phòng lớn tại Pháp như Dominique Perrault, AREP, Architecturestudio, Mai Hưng Trung đã cùng cộng sự thành lập atelier M32 tại Paris. Song song với thực hành kiến trúc, anh cũng dành phần nhiều thời gian vào các hoạt động nghiên cứu. Lần gặp gỡ của anh với Rem Koolhaas và nhận được sự ủng hộ của ông tại World Architecture Festival 2018 đã tạo tiền đề cho việc thai nghén Hà nội Ad hoc, một dự án nghiên cứu sáng tạo mà anh cùng với các cộng sự thành lập vào cuối năm 2020 với sự đồng hành của Tổ chức Canada nghiên cứu về đô thị hóa bền vững phía Nam bán cầu (Canada research chair in sustainable urbanization in the global south), ĐH RMIT Vietnam, Viện Goeth (Goethe Institut), Viện Pháp tại Việt Nam (Institut Français) và UNESCO.

TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

The post KTS Mai Hưng Trung: Từ lý thuyết đến thực hành kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2XYXpyl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét