Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Nhìn nhận về sáng tác kiến trúc của tư vấn quốc tế tại Việt Nam trong gần nửa thế kỷ phát triển kiến trúc

I. Bối cảnh

Từ 1975, khi đất nước thống nhất, cả nước cùng một hướng đại đồng xây dựng phát triển. Nền kiến trúc nước nhà cũng hợp nhất hoà đồng hội tụ. Từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ đi qua, kiến trúc nước nhà đã có bước phát triển vượt bậc so với những giai đoạn trước. Mặt tư vấn thiết kế sáng tạo công trình chính là biểu hiện rõ rệt và đầy đủ nhất. Trong mảng tư vấn sáng tạo đó, ngoài những công trình do Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam thiết kế, đóng góp của KTS quốc tế chiếm tỉ trọng không nhỏ. Thậm chí đối với những loại công trình phức tạp và quy mô lớn, số lượng thiết kế của KTS nước ngoài lấn át hẳn KTS trong nước. Điều này, đóng góp tích cực khai mở mạch lạc kiến trúc hiện đại trong môi trường đang nhiều trì bế là rõ ràng và rất cần thiết. Mặt trái của nó cũng dần bộc lộ và ngày càng lớn. Nếu không kịp thời nhìn nhận, đánh giá đúng để có những quyết sách phù hợp cho kiến trúc nước nhà có đầy đủ cơ hội cạnh tranh bình đẳng, vô hình trung chúng ta sẽ luôn bị lép vế – “thua trên chính sân nhà”. Điều này sẽ ngày càng tác động xấu đến nền kiến trúc vốn còn chưa chuẩn phát ở nước ta. Nguy cơ lớn nhất chính là đánh mất bản sắc của nền kiến trúc của một quốc gia có ý chí tự cường, dẫn đến tình trạng hoà tan, nhoà lẫn trong hội nhập quốc tế. Đi ngược lại thông điệp về hướng đúng của UIA gửi đến các quốc gia thành viên: “Dân tộc hoá Kiến trúc hiện đại”, “Hiện đại hoá kiến trúc dân tộc”. Về khía cạnh tôn chỉ mục đích và thể diện, chúng ta cũng sẽ bị xa rời lời tiên dẫn “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh. Hệ luỵ nữa không thể tránh khỏi đó là tự xô lệch kiến trúc khỏi đường lối của Đảng. Vậy nên, chúng ta cần kịp thời “gạn đục khơi trong” thế nào để giải quyết thoả đáng bài toán đó?

II. Các dạng hội nhập môi trường tư vấn Việt của KTS quốc tế trong thời gian qua

1. Thời kỳ bao cấp cho đến khoảng những năm 90 thế kỷ 20: Việt Nam áp hồ sơ nguyên bản

Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội do Nikken Sekkei thiết kế

Gần như 100% các chương trình viện trợ của các nước XHCN thời kỳ này đều kèm theo tư vấn trọn gói. Nghĩa là tất tần tật việc triển khai thiết kế từ khâu ý tưởng, đến kỹ thuật, chi tiết thi công đều do KTS nước bạn thực hiện. Một số công trình viện trợ ở hệ tư bản thì có khá hơn, nhưng cũng chỉ dừng ở mức KTS Việt Nam triển khai một số bản vẽ kỹ thuật và chi tiết phụ. Một số công trình ở thể loại quan trọng nhất tầm quốc gia thì tạo ra cơ hội đóng góp ảo cho KTS Việt Nam bằng các cuộc thi tuyển. Sự tâm huyết của những KTS nội đầy năng lực và khát khao lúc bấy giờ, chỉ được dừng ở mức có thể tham khảo vòng ngoài. Một số KTS được chọn đi theo để xem họ vẽ. Công trình thời kỳ này có thể nói là theo cơ chế áp đặt không tranh cãi – sản phẩm kiến trúc quốc tế “nguyên đai”. Với những công trình phụ như cổng, hàng rào, nhà trưng bày, nhà dịch vụ ăn uống… thì có thể được giao cho KTS Việt Nam. Điều đó thấy rõ ở những công trình: Lăng và Bảo tàng Hồ Chủ Tịch, Cung Văn hoá Việt Xô, ĐH Bách khoa Hà Nội, Thuỷ điện Sông Đà, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đồng Hới…

Một số dạng công trình được viện trợ hai bên cùng góp, phía bạn vẫn đóng vai trò chủ đạo và điều phối kiến trúc. Phía Việt Nam tham gia địa phương hoá vật liệu, giám sát triển khai xây dựng công trình. Vì vậy, KTS Việt Nam thời kỳ này ở các công trình quốc tế điều phối, viện trợ là số không tròn trĩnh về làm nghề, học tập được chút ít về kỹ năng hành nghề. Nền kiến trúc Việt Nam được dùng sản phẩm ngoại quốc.

Khu Liên hợp Vinhomes Metropolis Kim Mã – Hà Nội

2.Thời kỳ sau những năm 90 cho đến khoảng 2010: Việt hoá hồ sơ thụ động

Vào những năm 92 trở đi của thế kỷ 20, khi hầu như không còn các khoản viện trợ không hoàn lại, thiết kế kiến trúc ở nước ta bắt đầu có dịch vụ đa dạng hơn. Khoảng thời gian này, xuất hiện bốn loại hình tư vấn chính: Một là, công trình hoàn toàn do tư vấn Việt Nam thiết kế, chủ yếu nằm ở mảng đầu tư công quy mô nhỏ đến vừa và đầu tư tư nhân với quy mô tương tự; hai là, tư vấn nước ngoài đảm nhân thiết kế 100%, không qua thi hoặc tuyển ở Việt Nam, ở các chương trình vốn 100% nước ngoài, hoặc tư nhân Việt Nam; ba là tư vấn nước ngoài làm thầu chính, kết hợp với tư vấn phụ Việt Nam, thực hiện thông qua hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn tại Việt Nam (dạng này thể hiện nhiều hơn ở mảng đầu tư tư nhân lớn, đa phần chủ là người Việt, cũng có xuất hiện ở một số công trình nhà nước thường là loại quy mô lớn); bốn là liên danh tư vấn nước ngoài và Việt Nam cùng triển khai, cùng chịu trách nhiệm (dạng này chiếm tỷ lệ rất ít).

Ở loại hình thứ hai và ba, thời kỳ này do môi trường rộng mở, cuốn hút vì số lượng công trình cần triển khai xây dựng đồng loạt tại Việt Nam lớn, nên có hàng loạt hãng tư vấn kiến trúc lớn nhỏ của thế giới đổ vào Việt Nam: Pelli Clake Pelli Architects, Sasaki, SOM, HOK, Carlos Zapata Studio, Nikken Sekkei, Nihon Sekkei, gmp, KFP, ACDF, Sanderson, DesoArch, Fentress Architect, Heerim… cũng đã xuất hiện các KTS nổi tiếng thế giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các công trình như Tange Kenzo, Renzo Piano, Norman Foster… Hầu hết công trình hoặc tổ hợp công trình có mặt họ tham gia thi tuyển, thì các đơn vị tư vấn Việt Nam đều không thể cạnh tranh được. Vì 3 lý do: Một là thực sự trình độ của họ, nhất là về mặt ứng dụng khoa học công nghệ mới cho những công trình lớn vượt xa so với KTS Việt Nam; hai là nền tảng kinh tế tài chính mạnh cộng với thiết kế phí cao (gấp 5-10 lần so với tư vấn nội) do đó họ có nhân tài vật lực đầu tư cho các phương án chu kỹ; ba là căn bệnh “sính ngoại” của các nhà chức trách và chủ đầu tư của Việt Nam, với quan niệm “Bụt chùa nhà không thiêng”; ngoài ra đối với dạng thứ hai thì còn là do chương trình đầu tư có vốn nước ngoài 100% nên họ có quyền quyết định triển khai hoàn toàn.

Từ những lý do đó, ở dạng thứ hai và ba đưa đến kết quả kết quả rất rõ rệt. Đó là hàng loạt công trình chủ yếu là lớn và rất lớn do tư vấn nước ngoài thiết kế mọc lên đồ sộ, thường nằm ở vị trí đắc địa, khống chế, trở thành hình ảnh đặc trưng cơ bản cho bộ mặt kiến trúc đô thị Việt Nam, đặc biệt là ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Đó là: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội, Trụ sở Bộ Công an, Trung tâm Truyền hình Quốc phòng, Ocean Park City, Lote Lanmark, Marriott Hotel (Hà Nội)…, Lanmark81, Tháp Biteco, Vietcombank Tower (TP HCM)…, Toà nhà Liên cơ quan TP, Khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng)… Bảo tàng-thư viện (Quảng Ninh). Thiết kế của họ dĩ nhiên đều cố gắng hướng tới hài hoà với bản địa, theo phương châm như ông Tyler Meyr (hãng HOK) nói: “Tích hợp đầy đủ mọi suy nghĩ”, “Bằng cách bảo vệ hệ thống tự nhiên và tích hợp các dự án như trường học mới, có thể đạt được sự cân bằng, có thể làm cho mọi nơi có giá trị hơn trước”. Với các dạng công trình này, nhờ có quy định của Việt Nam, nên ngoài ý tưởng hoàn toàn của nước ngoài, tư vấn trong nước được chọn lựa làm thầu phụ. Tuỳ theo độ mở của mỗi nhà tư vấn, KTS Việt Nam có thể tham gia được thêm một tỷ lệ nhỏ nào đó giải pháp cụ thể cho công trình triển khai giai đoạn kỹ thuật, nhưng chủ yếu là vấn đề tích hợp phong thổ, còn về mặt tác giả – tác phẩm thì không đóng vai trò nào.

Với dạng thứ hai, các KTS Việt Nam không phải làm việc gì về chuyên môn. chủ yếu là lo phần thủ tục pháp lý, góp ý cho hồ sơ chuẩn theo yêu cầu Việt Nam, biên dịch. Hãn hữu lắm có công trình KTS Việt Nam cũng được tham gia vẽ triển khai một ít hồ sơ, hoặc một vài hạng mục phụ, nhưng ít khi xảy ra hơn trường hợp thứ nhất. Các nhà tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài trình càng cao thì họ yêu cầu càng khắt khe phần triển khai chi tiết này.

Ở dạng thứ ba, khi KTS và các hãng tư vấn nước ngoài đã quen thủy thổ, môi trường pháp lý, phần nhiều họ đi đến một phương cách triển khai tối ưu, vừa tận dụng được chất xám tại chỗ, vừa nâng cao được lợi nhuận tối đa. Phương cách này diễn ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Đó là, ở khâu concept, nước ngoài thực hiện 60-80%, đến các giai đoạn sau Việt Nam thực hiện khoảng 70% trở lên. Nhưng oái oăm là thiết kế phí toàn công trình họ hưởng chung là trên dưới 80%, KTS Việt Nam từ “da vàng” chuyển thành “da đen”. Vấn đề sáng tác và bản quyền vẫn hoàn toàn là của nước ngoài. KTS Việt Nam luôn bị lép vế, vừa bị giảm thiểu cơ hội thi thố bình đẳng, trở thành thợ kiến trúc một cách bất đắc dĩ, vừa giảm dần nhiệt huyết làm nghề, dần đến thui chột. Một điều lạ nữa là vẫn công trình đó, vẫn giải quyết vấn đề đó, nhưng nếu KTS Việt Nam thực hiện thì giá thiết kế còn khoảng 1/5, nhưng lại còn phải chiều chủ đầu tư chỉnh sửa bổ sung vô tội vạ. Về điều bất hợp lý và bất công này, khi còn là Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn rất dị ứng cách làm hạ thấp giá trị KTS nội này, nên ông đã kiên quyết không tham gia những hội đồng thi tuyển mà không mời KTS và các đơn vị tư vấn nội tham gia. Mặc dù ông thừa nhận: “Chúng ta đang bị “quốc tế hoá kiến trúc Việt Nam, nhưng chưa đủ sức để “Việt Nam hóá kiến trúc quốc tế”. Hay KTS Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khoá 10 thì nhìn nhận: “Nhiều đơn vị tư vấn Việt Nam liệt kê trong danh mục kinh nghiệm rất nhiều chương trình liên doanh thiết kế công trình lớn cùng tư vấn nước ngoài, nhưng thực chất là thợ vẽ thuê – “da đen” cho họ”.

Vậy, những công trình thể loại hai và ba này, mang lại cho kiến trúc Việt Nam lợi ích gì? – Trước hết đó là sự thức tỉnh nền kiến trúc bản địa đi vào con đường hiện đại thực chất; hai là, định hướng cho KTS Việt Nam cách triển khai một dự án lớn bằng cách tiếp cận khoa học tiên tiến; ba là, kết nối với các chuyên ngành liên quan để giải quyết trọn vẹn một sản phẩm tư vấn; bốn là, biết phân tách để giải quyết đơn giản những vấn đề phức tạp; năm là, tư duy mở và tiếp biến vấn đề bản sức truyền thống, hay nói cách khác là đưa yếu tố truyền thống trở thành chất xúc tác cho phản ứng hoá học “tư duy sáng tác” để tạo ra chất mới. KTS Việt Nam từ sự kết hợp đó cũng học tập được cách hiệu quả đấu tranh cho quyền lợi chính đáng.

Đối với loại hình thức bốn là liên doanh bình đẳng: Các đơn vị tư vấn và KTS Việt Nam đã cơ bản xác lập được vị trí bình đẳng trong làm nghề. Những sáng tác dạng này dường như có sức sống rõ rệt hơn trong sự kết hợp yếu tố bản sắc và hiện đại. KTS Việt Nam và nước ngoài đều có quyền chủ động thể hiện chuyên môn ráp nối hài hoà trong một thực thể công trình thống nhất. Trách nhiệm đặt chung lên vai hai phía, vì vậy sự nhập cuộc tại Việt Nam đễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, loại này thường ít sử dụng ở công trình dân dụng thuần tuý, vì khi đó sáng tác dạng thoả hiệp sẽ bào mòn hoặc bẻ gãy ý tưởng đặc sắc.

3. Thời kỳ từ 2010 trở lại đây: Xuất hiện việc liên doanh cùng làm hoặc tư vấn Việt Nam thuê chuyên gia quốc tế cùng tương tác

Hình thức ở dạng hai và ba trên vẫn còn là phổ biến trong thị trường tư vấn nước ta. Tuy nhiên, thời kỳ này, mô hình cạnh tranh công bằng hơn. Cách làm này cũng đi theo hai hướng: Một là như đã nói ở loại hình bốn ở mục 2, các chương trình triển khai song hành bình đẳng giữa hai, cùng làm từ đầu đến cuối, cùng chịu trách nhiệm, tuy chưa có nhiều KTS và tư vấn Việt Nam làm được điều này. Cách thứ hai là KTS quốc tế “làm thuê” cho tổ chức tư vấn hoặc KTS Việt Nam. Với cách làm thứ nhất, công việc thực sự được triển khai theo năng lực của KTS không phân biệt nội hay ngoại. Nhưng tại đây vẫn còn một bất bình đẳng trớ trêu là KTS Việt Nam làm thì đơn giá nội, KTS quốc tế làm thì đơn giá ngoại.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Cách thứ hai, hiện nay ở Việt Nam cũng đã có khoảng trên dưới mười công ty thực hiện được. Với cách này, mong muốn “quốc tế hoá kiến trúc Việt Nam” và “Việt Nam hoá kiến trúc quốc tế” đều có cơ hội thực thi hiệu quả. Tuy nhiên, có hai yếu tố căn bản hạn chế: hầu như các tổ chức tư vấn Việt Nam chỉ có thể hút được KTS hạng trung bình của thế giới. Sản phẩm họ tạo ra cũng thường thường bậc trung. Nếu chủ đầu tư không có nghề, sính ngoại, sẽ có những lựa chọn đáng tiếc, ảnh hưởng đến bộ mặt tiến bộ của kiến trúc nước nhà, mà lẽ ra việc đó KTS nội có năng lực sẽ làm tốt hơn; hai là, những người đứng đầu tư vấn Việt Nam thường phải là những KTS xuất sắc về nghề hoặc rất giỏi quản lý. Mỗi con người chỉ có một giới hạn tác nghiệp, liệu họ có bị ảnh hưởng đến sáng tạo cá nhân, hoặc quá đà quản lý làm tổn hại đến sự phát triển tự tin của KTS nội hay không?

Khách sạn Duyên Hà – Nha Trang

4. Thời kỳ hi vọng: Biến khát vọng thành hiện thực

Ở thì tương lai này, điều kiện tiên quyết cần có gồm năm yếu tố căn bản: Thứ nhất cơ chế được pháp lý xác lập rõ ràng, bình đẳng hợp thông lệ quốc tế – Hay nói một cách khác là “thế giới phẳng” được tạo ra trong hành nghề chuyên môn, không phân biệt nội – ngoại, cả về cơ hội và thù lao; hai là, trình độ chuyên sâu và toàn diện của KTS Việt Nam được nâng lên ngang tầm khu vực và thế giới với một tỷ lệ không thua các nước phát triển (Điều này khá hiện thực nếu có đất ươm màu mỡ trong nước và thu hút được lực lượng KTS Việt Nam đang họ tập với những thành tích ấn tượng không thua kém ai ở nước ngoài); ba là, việc bảo vệ thế năng của KTS trong nước trong suốt hành trình phải đủ độ vững chắc và thông thoáng; bốn là, chủ trương đường lối đáp ứng thực tiễn, đi đôi với truyền thông hiệu quả để cộng đồng thực sự song hành, sẻ chia, tôn trọng xứng đáng; năm là, bản thân tự người KTS phải làm việc với tâm thế nào?

Tổ hợp Inter continetal Nha Trang.

III. Những được – mất của kiến trúc Việt Nam với sự tham gia của tư vấn quốc tế

1. Phản ánh một số công trình cụ thể

Nhà Quốc hội: Đây chắc là công trình thành công nhất về mặt kiến trúc trong các công trình quốc tế tư vấn tại Việt Nam, kể cả về mặt tổ chức công năng và giải quyết các vấn đề hình thái từ tổng thể đến chi tiết. Về công năng: Bố trí mặt bằng là rất hợp lý theo tính chất công trình, có trọng tâm trọng điểm về sắp xếp hệ thống chức năng liên đới. Tuyến giao thông trọng thể và thường xuyên liên kết chặt chẽ hài hoà. Việc đặt phòng họp chính (Diên Hồng) treo ở giữa, bên dưới là không gian đại sảnh là giải pháp sáng tạo, đưa đến nhiều cảm xúc thú vị khi được tiếp cận. Các phòng tác nghiệp bao quanh nhà được bố trí hầu hết trực diện thiên nhiên ở 2-3 mặt nhờ các vườn xanh đan xen, là một sáng tạo đáng giá. Hình thái kiến trúc biểu đạt khá thành công tính đa nghĩa, từ liên tưởng đến trời đất, bánh chưng bánh dày, là những dấu ấn đậm sâu trong tâm niệm người Việt. Chỉ tiếc hai điều: Một là cách xử lý tổng thể và chi tiết vẫn thấy rõ sự khoa học lô-gic khô khan gần với toán học của người Đức, chưa phải là sự tương hợp khoan hoà của người Việt; thứ hai là khá kích cận về mặt tiếp cận và cảm thụ, do công trình chiếm mặt bằng hơi lớn so với khả năng diện tích khu đất trong liên kết tổng hoà quy hoạch.

Nhà Quốc Hội

Trung tâm Hội nghị Quốc gia: Công trình đã giải quyết được một cấu trúc mặt bằng thoá đáng, đưa đến cách tổ chức công năng thoả hiệp cao với đa dạng sự kiện, có độ dung sai mạnh mẽ nhưng không phí phạm các không gian liên kết và giải toả cộng đồng (những điều mà KTS Việt Nam chắc chưa dám mạnh dạn xử lý dù có thể nghĩ đến). Kiến trúc tổng thể tạo được sự trang trọng cần thiết, cảm nhận đạt ý theo chức năng yêu cầu. Tính hiện đại trong xử lý hài hoà tổng quan đến chi tiết là rất thành công. Tuy nhiên, hình tượng dẫn dắt vẫn bị khiên cưỡng, tinh thần Đức vẫn ngự trị.

Khách sạn JW Marriott Hà Nội do Carlos Zapata Studio – Lera (Hoa Kỳ) thiết kế

Khách sạn Marriott: Được thiết kế với mục tiêu có “Kiến trúc đẹp, sang trọng, có sức hút đối với khách du lịch quốc tế, khao khát mong đóng góp thêm một công trình mang tính biểu tượng về văn hoá tại Hà Nội”, ý tưởng “hình ảnh một bờ biển Việt Nam nên thơ cùng biểu tượng con rồng huyền thoại”. Khi hoàn thành, rõ ràng mục tiêu công trình biểu đạt rất thành công. Sự thành công ở đây thể hiện tầm nhìn, sự thấu hiểu khá sâu sắc của tác giả đối với văn hoá Việt Nam, đồng thời đã làm được việc “Việt Nam hoá kiến trúc quốc tế”. Sự thành công cần phải đánh giá cao nữa là: Nó thực sự đã làm một cuộc cách mạng riêng về kiến trúc khách sạn, một việc mà trên thế giới cũng hiếm nơi làm được. Công trình này rất tương tác về không gian đô thị với công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội trong cùng khu vực. Khác hẳn với cách thiết kế Cung quy hoạch, tuy đã chọn cùng vật liệu và ngôn ngữ kiến trúc đồng hướng với các công trình này, nhưng lại mang đến cảm nhận xung đột phá vỡ cấu trúc không gian, bản thân công trình như một toa tàu đang đâm vào Bảo tàng Hà Nội.

Tòa nhà Bitexco

Toà nhà Bitexco: Được lấy cảm hứng từ “hình dáng búp sen đang nở, tượng trưng cho sức sống và khát vọng của người Việt”, toà nhà toạ lạc tại khu trung tâm “nén” của đô thị lớn nhất cả nước. Rõ ràng ý tưởng và hình ảnh thực tiễn đã không bị lạc nhau trong cảm nhận. Việc vận dụng ý “đang nở” là sự lựa chọn không thể tốt hơn để biểu trưng về khát vọng đang vươn lên của đất nước Việt Nam, vì Sen chính là quốc hoa của dân tộc. Sự khát vọng vươn ra lan toả thế giới lại cũng chính là mục tiêu của chủ đầu tư, người đặt hàng công trình, điều đó càng ý nghĩa. Thú vị nữa là tác giả thiết kế công trình này và khách sạn Marriott Hà Nội là một. Chắc vì vậy lối tư duy tịnh tế bật lên được ý niệm của tác giả, mà người cảm nhận dẫn “người trần mắt thịt” không bị lạc lối. Tính hiện đại vào top đầu thế giới, nhưng công trình có tinh thần nơi chốn rõ ràng, không bị nhoà lẫn. Ở đây, thể hiện tầm văn hoá cao của người thiết kế mà không nhiều công trình nước ngoài làm ở Việt Nam đạt được điều này. Dường như lý luận của Kezo Tanze về cách ứng xử với tính dân tộc đã được thể hiện đúng tinh thần ở những công trình này.

Toà nhà Landmark 81

Lanmark81: Để thiết kế toà nhà siêu cao tầng làm biểu tượng cho một TP là điều không đễ dàng. Toà nhà Lanmark 81 tầng ở khu đô thị mới TP HCM đã làm được điều này chưa? – Chắc sẽ còn nhiều ý kiến tranh biện. Tuy nhiên, sự không lặp lại hình ảnh những toà nhà trên thế giới và gợi tưởng “bó tre – đoàn kết tạo thành sức mạnh” như truyền thống dân tộc Việt thì đã thành công. Kiến trúc toà nhà này cùng toàn cụm quy hoạch liên kết bên sông Sài Gòn rõ ràng đã mang đến sức đột phá hình ảnh đô thị hiện đại, sánh vai năm châu cho TP. Việc được xây dựng đúng thời điểm khi TP HCM đang khát vọng quyết tâm thành đô thị trung tâm vùng của thế giới, mà đạt được hình hài riêng mới như vậy là một thành công về kiến trúc không thể phủ nhận. Tất nhiên, nếu TP tiếp tục phát triển những toà tháp có chiều cao tương tự hoặc vượt trội thì hình ảnh biểu tượng hoàn toàn có thể đổi thay. Nhưng, kiến trúc toà nhà gắn kết tính hiện đại và “phản ứng hoá học” phù hợp về văn hoá như vậy có khả năng tồn tại bền vững với thời gian. Tòa nhà Empire State của TP New York là một ví dụ sinh động và tương tự.

Khu nghỉ dưỡng FLC tại Quy Nhơn, Bình Định: Sự cộng hưởng văn hoá bản địa với việc can thiệp tối thiểu cảnh quan tự nhiên là điều có thể nhìn thấy rõ rệt ở đây. Về sắp xếp mặt bằng và cấu trúc dây chuyền công năng cho một tổ hợp khách sạn vào loại lớn và rắc rối nhất Việt Nam trở nên mạch lạc ở đây là sự thành công không cần phải bàn. Ấn tượng nhất là vẫn tiện nghi 5 sao, nhưng khách sạn này có hơi thở nhiệt đới rất rõ rệt trong sắp xếp uyển chuyển các không gian kín và mở. Thêm một điểm duyên Việt nữa là vẫn còn đây đó chút bụi bặm chưa chỉnh chuẩn tại góc, điểm công trình. Kiến trúc kéo dài 1km với 4 khối chính nhấp nhô bên bờ sóng kết nhập hữu có với địa hình tạo nên một sự độc đáo đáng giá, còn thành công trong mục tiêu sử dụng là lôi kéo du khách tò mò khám phá. Được trao giải “Khách sạn độc đáo nhất” tại cuộc thi bất động sản danh giá nhất châu Á là một sự ghi nhận đối với công trình này, mà trong đó kiến trúc đóng vai trò quyết định.

Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh: Đây chính là một tác phẩm thành công nữa của KTS nước ngoài thiết kế tại Việt Nam. Từ nghiên cứu đặc trưng của vùng đất có một loại khoáng sản đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, tác giả đưa ra ý tưởng xuất phát “những viên than đá, nằm soi mình giữa biển trời Hạ Long – Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới phản chiếu vào đặc trưng nguồn cội”. Công trình đã khéo tổ hợp ba “viên than đá” (với ba chức năng riêng theo yêu cầu thiết kế) gắn dựa vững chãi vào nhau, nối kết bằng những hành lang kính như những tia sáng hoà đồng hội tụ. Rõ ràng, công trình với hình thái mang tính tượng trưng như vậy đã kết gắn hợp với bản địa, khó có thể mang đến đặt ở một vùng đất khác. Điều đáng ghi nhận về kiến trúc đăc sắc ở đây nữa là: Ý tưởng tuy xuất phát rất thực, tạo hình khá trung thực, nhưng khi thành tổ hợp tổng thể đã không bị khiên cưỡng. Bản thân sự hài hoà của nó với không gian khu vực, dành được sự tự nguyện đồng cảm của mọi thành phần tiếp cận, tạo nên sự “tới bến” của một tác phẩm kiến trúc. Nhược điểm ở đây có lẽ là quy mô công trình hơi lớn, tạo sự chật căng cho không gian đô thị một cách không cần thiết, những dòng chữ cao lớn ở mặt trước làm cho cảm thụ công trình hơi bị chuệch choạc.

Còn một bất cập của sáng tác KTS quốc tế tại Việt Nam là xu hướng chiết trung – nhại cổ châu Âu. Bài viết xin không đề cập sâu công trình nào về dạng này. Chỉ trình bày nhìn nhận thực tiễn: Đó chính là xu hướng của KTS dựa vào đặc thù hoài niệm, gắn hiện đại của chủ đầu tư, để đưa ra những sáng tác dễ ru hời êm ái, mà không chọn con đường chông gai đột phá, sáng tạo. Những thiết kế này về mặt thích dụng không phải là xấu cho cộng đồng. Nhưng về mặt kiến trúc thì hầu hết là những bản tình ca buồn, kéo theo sự đứng yên, hay nói gắt hơn là sự thụt lùi cho nền kiến trúc Việt Nam. Chợt nhớ câu than của một KTS tâm huyết đổi mới, khi từ miền Nam ra Hà Nội, gặp cổng khu đô thị Ciputra do KTS nước ngoài thiết kế theo hướng này: “Bầy ngựa đen trên bầu trời Thăng Long”! Nhưng thực tiễn là vậy, khu đô thị đó đã bán được hết căn hộ và biệt thự cho người Việt với giá “khủng”. Vậy là quy luật cung cầu đã thắng. Điều đáng nói ở đây là thị hiếu tự do không có chế tài định hướng của khách hàng quyết định vấn đề. Nhưng người KTS thì cũng quên mất câu nói của chính người Pháp, nơi đã tạo ra loại kiến trúc đó cách đây vài ba thế kỷ, đã bỏ lại đằng sau từ lâu: “Mỗi ngôi nhà là một ước mơ”.

Một mảng cũng hết sức quan trọng của kiến trúc là quy hoạch đô thị. Ở mảng này, tính vượt trội của KTS quốc tế là điều đã nhận thấy từ nhiều năm, đến nay cũng chưa được cải thiện. Những đồ án Quy hoạch đô thị do tư vấn quốc tế tham gia thi tuyển, hoặc được mời trực tiếp đều được thực hiện một cách hết sức chuyên nghiệp. Nhất là, việc hiểu rõ đặc thù thế mạnh của mỗi vùng định danh đô thị, phát hiện chính xác những bất cập đô thị hiện hữu; xác định chính xác vấn đề cần giải quyết theo từng thời gian của đô thị; dự báo trước được những hệ luỵ phát sinh để đón đầu; dự báo chính xác mô hình đô thị trong từng giai đoạn tương lai, lường tính được cả những vấn đề sẽ xuất hiện để dung sai, chủ động đón đầu; Yếu tố văn hoá bản địa được lồng ghép vào đầy đủ và sâu sắc… Chính vì vậy, Quy hoạch đô thị Sa Pa khi người Pháp thực hiện bước đầu đã mở hướng đưa TP trở lại bản sắc hấp dẫn như thời kỳ đầu thế kỷ 20. Chỉ tiếc là trong mấy năm vừa qua, do sốt về giá đất, kém hiểu biết về văn hoá cội nguồn của chính quyền TP trở thành một công trường xây dựng khổng lồ, rối loạn, mai một về bản sắc. Sự cứu Sa Pa trở về TP trong sương quyến rũ du khách còn ít cơ hội triển khai. Đô thị Thủ Thiêm của nhà tư vấn Nhật chiến thắng trong cuộc thi cũng suýt rơi vào tình trạng tương tự. May thay, khi thành lập và quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức mới thuộc TP HCM, trong đó bao gồm khu vực Thủ Thiêm, chính quyền TP đã sáng suốt lựa chọn chính nhà tư vấn đạt giải Thủ Thiêm làm tư vấn chính. Mọi vấn đề được hoá giải…

Trụ sở chính của Viettel

2. Những cái “được” của kiến trúc Việt Nam khi tư vấn là KTS quốc tế

a. Về nền kiến trúc:

  • Một là có được những quy hoạch đô thị, khu chức năng đô thị mẫu mực, có định dạng loại hình rõ ràng, ngang tầm quốc tế. Từ các mô hình này có thể học tập và nhân rộng trên cơ sở vận dụng cốt lõi cách giải quyết các vấn đề cần, quy mô cần; cách phối kết, tích hợp, tầm quan trọng các vấn đề nhất thiết và không nhất thiết triển khai; cách tổ chức những thể loại không gian đô thị theo chức năng, tuyến hướng trên cơ sở kỹ thuật, nghệ thuật, cảm nhận thị giác…;
  • Hai là, có được những tổ hợp và công trình kiến trúc thật sự hiện đại, ngang tầm quốc tế để dẫn dắt mạch hội nhập một cách rõ ràng. Ở đó, việc xử lý các vấn đề công năng, phối kết các vấn đề kỹ thuật, xử lý hài hoà hình khối và chi tiết mang tính khoa học và nghệ thuật ở trình độ cao;
  • Ba là, có được các tác phẩm “nói hộ” bản sắc dân tộc theo chiều quốc tế hoá dù thành công hay chưa thành công, đóng góp đa dạng cho bộ mặt kiến trúc nước nhà, làm cho bản sắc kiến trúc các vùng, tiểu vùng và toàn đô thị rõ nét hơn;
  • Bốn là, đẩy nhanh, chuẩn hướng việc cải thiện môi trường pháp lý theo hướng tiệm cận và hội nhập quốc tế, thích ứng và thúc đẩy nền kiến trúc phát triển tốt.

b. Về KTS nội địa:

  • Một là, học tập được từ lý thuyết đến thực tiễn cách triển khai thiết kế quy hoạch ở mọi cấp độ một cách bài bản. Từ tổng thể đến chi tiết từng khâu, hay tóm gọn như ý ông cha ta hay nói “học ăn, học nói, học gói, học mở” về kiến trúc quy hoạch…;
  • Hai là, hiểu sâu rõ về kiến trúc hiện đại, cách triển khai đồ án kiến trúc chuẩn mực khoa học;
  • Ba là, cách và nội dung, yêu cầu, kiểm soát kết nối kỹ thuật với vai trò chủ trì;
  • Bốn là, phương pháp giải quyết những vấn đề phức tạp bằng giải pháp phân tách đơn giản;
  • Năm là, từ hướng tiếp cận “Quốc tế hoá kiến trúc Việt Nam” để đề ra giải pháp hợp lý hiệu quả “Việt Nam hoá kiến trúc Quốc tế”;
  • Sáu là, kỹ năng làm việc theo các loại hình đa dạng, nhất là mô hình nhóm để cộng hưởng thay vì chia rẽ;
  • Bảy là, rút được nhiều bài học cho việc tham gia môi trường tư vấn quốc tế.

3. Những cái “mất”, hoặc chưa được của kiến trúc Việt Nam khi tư vấn là KTS Quốc tế

a. Về nền kiến trúc:

  • Một là, sự lấn át của kiến trúc hiện đại không mang ngôn ngữ rõ ràng dễ làm mờ bản sắc, biến các đô thị Việt Nam thành đô thị không còn tính nơi chốn;
  • Hai là, cách khai thác văn hoá bản địa để tạo lập bản sắc của KTS quốc tế theo những xu hướng khiên cưỡng mang đến cho Việt Nam những dạng kiến trúc gượng ép, áp chế, đễ dẫn đến định hướng cảm nhận sai lệch. Ví dụ như, kiến trúc nhại cổ châu Âu là một thể hiện nguy hại…;
  • Ba là, khi vấn đề pháp lý và giá cả còn chưa tạo thành sân chơi bình đẳng, thì Kiến trúc do KTS Việt Nam càng có nhiều nguy cơ bị rẻ rúng đẩy lùi;
  • Bốn là, chủ trương đường lối “Xây dựng nền kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nếu việc kiểm soát cân bằng tư vấn nội ngoại không đúng đắn và hiệu quả thì dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng.

b. Về KTS nội địa:

  • Một là, việc bị đối xử bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh trên sân nhà, dễ dẫn đến mai một độ tự tin, năng lực sáng tạo của KTS Việt Nam;
  • Hai là, việc làm nghề của KTS Việt Nam bị phụ thuộc ở những công trình lớn, từ việc đóng vai trò “da đen” vô hình chung đã hạ thấp vị thế không phải riêng KTS mà còn là cả quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến long tự trọng dân tộc;
  • Ba là, nguy cơ không được chủ trì hoặc tham gia tư vấn công trình lớn làm cho sự “lớn lên và hội nhập” thực sự của KTS nước nhà bị tác động theo chiều hướng xấu không nhỏ;
  • Bốn là, quy tắc ứng xử nghề nghiệp khó thực thi.

IV. Kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới

1. Đảm bảo môi trường pháp luật và cơ chế:

Đây chính là một trong những vấn đề mấu chốt. Việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy định pháp lý để tạo sân chơi bình đẳng về chuyên môn và thù lao không phân biệt quốc tịch KTS và vị trí địa lý đơn vị tư vấn là yếu tố quan trọng hàng đầu – Đây chính là “nút thắt” căn bản. Thứ hai là vấn đề bảo hộ quyền tác giả minh bạch, rõ ràng với chế tài mạnh. Thứ ba là bảo vệ toàn diện người làm nghề cả trong và ngoài nước. Thứ bốn, giải quyết chế tài ràng buộc nhưng thoả đáng để buộc nhà đầu tư phải thực hiện vì yếu tố tư vấn trong đó có kiến trúc… Tất cả, để trả lời các câu hỏi đến nay vẫn tồn tại nhức nhối: Tại sao lại quy định những cuộc thi chỉ có tư vấn quốc tế? Tại sao phải chọn đồ án của nước ngoài, trong khi đồ án Việt Nam đạt cùng cấp giải thưởng? Tại sao thiết kế phí tư vấn nội lại thấp hơn ngoại hàng chục lần? Tại sao đồ án KTS Việt Nam thiết kế thì chủ đầu tư có quyền ép chỉnh sửa vô tội vạ, còn KTS nước ngoài thì không? Tại sao lại để hình thức “đấu thầu phương án concept” tồn tại một cách trắng trợn không cần trả kinh phí thù lao? Tại sao thiết kế phí lại chỉ tính từ khâu thiết kế kỹ thuật trở đi, còn khâu concept thì bị bỏ qua?…

2. Với Hội KTS Việt Nam

Trước hết, hiện nay Luật Kiến trúc đã ra đời, Định hướng phát triển kiến trúc đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Hội KTS Việt Nam cần bám sát yêu cầu cụ thể để đề xuất với các cấp Bộ ban ngành hoàn chỉnh những quy định cụ thể, phù hợp với môi trường hành nghề trong nước và thông lệ quốc tế. Thực hiện kịp thời chức năng, nhiệm vụ phản biện, giám sát theo theo luật pháp về các nội dung triển khai kiến trúc trong phạm vi toàn quốc. Hội cần có tiếng nói độc lập, chủ động trong các tranh chấp khi thi tuyển hoặc đấu thầu kiến trúc, nhằm xây dựng hệ thống minh bạch, bình đẳng. Hội KTS Việt Nam là ngôi nhà chung, luôn hướng tới đồng hành, sẻ chia cùng KTS và cộng đồng.

3. Với bản thân người KTS

Trước hết cần chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và pháp lý bản thân; rèn luyện kỹ năng “tổng chủ trì điều hành” triển khai kiến trúc, ráp nối thông tỏ các bô môn kỹ thuật; rèn phương pháp tổ chức làm việc nhóm; không ngừng thường xuyên tích luỹ nâng cao trình độ làm nghề ngang tầm khu vực và thế giới; tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng về chuyên môn và thù lao; tuân thủ đúng quy tắc ứng xử nghề nghiệp; kiên quyết từ chối những công việc không triển khai đúng quy trình pháp lý, thiếu minh bạch, thiếu công bằng, thiếu tôn trọng…

Lời kết

Trên thế giới, việc tham gia của tư vấn đa quốc gia tại một quốc gia là vấn đề thực tế, từ lâu của hội nhập. Nhất là trong thời kỳ tiến tới “thế giới phẳng” về làm nghề như hiện nay. Chúng ta cần phải công tâm nhìn nhận và lựa chọn giải pháp chung sống phù hợp. có thể nhìn thấy rõ những tấm gương này ở ngay các quốc gia phát triển: Ở Đức, một nơi có nền kiến trúc phát triển, hình thành trường phái dẫn dắt kiến trúc thế giới từ đầu thế kỷ 20, hiện nay vẫn đang có nhiều KTS nổi tiếng tầm quốc tế, nhưng Nhà Quốc hội Liên bang thống nhất lại do Norman Foster thiết kế; nước Pháp một thời là kinh đô của các KTS tốp đầu thế giới, nhưng cải tạo Bảo tàng Louvre lại do Ieoh Ming Pei, KTS người Mỹ gốc Hoa thiết kế; khu vực Trung Đông thì quá rõ, tất cả những công trình nổi tiếng ở đó đều do KTS đến từ các nước khác trên thế giới thiết kế; gần chúng ta nhất là Nhật Bản, thì sân bay Kansai, một sân bay hiện đại vào bậc nhất thế giới do Renzo Piano KTS người Italy thiết kế… Vậy chỉ còn một cách, chúng ta phải chấp nhận thực tế này để yên tâm cạnh tranh cùng quốc tế trên sân nhà của chúng ta. Đồng thời vẫn cần tính đến bài toán cạnh tranh trên đất các quốc gia khác. Quan trọng nhất, chúng ta phải có tầm nhìn và làm thế nào đó cho môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng. Việc “Hiện đại hoá kiến trúc dân tộc” và “Dân tộc hoá kiến trúc hiện đại” phải được xem là bài toán đồng ứng cần giải của cả KTS Việt Nam và KTS quốc tế. Chúng ta không thể dựa trên cơ sở nào để đánh giá thấp vai trò của KTS quốc tế trong vấn đề này. Cũng đã đến lúc có lẽ nên chấm dứt quy chụp cho nền kiến trúc nước nhà đang được phân nhóm phát triển theo trường phái này nọ, việc này rõ ràng thế giới đã thôi bàn luận từ lâu. KTS Lê Hiệp, một người có nhiều tác phẩm đầy bản lĩnh và đậm đà bản sắc văn hoá đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, đã thẳng thắn bộc bạch: “Tôi không đi tìm các chủ nghĩa. Tôi hướng tới dân gian”. Hay như KTS nổi tiếng người Brazil, người đã đạt Giải thưởng Pritzker 2006, Paulo Mendes da Rocha đã bày tỏ tại một lần trả lời phỏng vấn: “Kiến trúc luôn luôn, và sẽ luôn luôn là kỹ thuật, nghệ thuật và khoa học. Anh phải biết tất cả những công cụ cơ bản. Đó gọi là chiết xuất kiến thức từ nhân loại, từ đó diễn dịch không gian”. “Kiến trúc không chỉ xoay quanh chuyện cảm hứng, nó còn là lịch sử nguyên tắc… anh phải nghĩ về những vấn đề, phân tích lịch sử và thực tế một cách lý trí”. “Sự tự tin rất quan trọng, không chỉ ở mảng kiến thức… anh phải khám phá tri thức, vấn đề là vậy”. “Làm KTS thì không giới hạn việc mình ở đâu. Kiến trúc đã toàn cầu hoá rồi”. Vậy thì, việc tham dự thiết kế tại Việt Nam của KTS quốc tế, hay sự xâm nhập thiết kế tại quốc gia khác của KTS Việt Nam đã trở thành một điều hiển nhiên bền vững. Chúng ta chỉ còn cách chủ động chấp nhận và ứng biến hợp lý trên thế bình đẳng.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

The post Nhìn nhận về sáng tác kiến trúc của tư vấn quốc tế tại Việt Nam trong gần nửa thế kỷ phát triển kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3n94qFo
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét