Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Sáng tạo kiến trúc từ thị cảm đến tương tác

Kiến trúc và Nghệ thuật vốn được coi là những mẫu hình về cái đẹp, cái có ích và cái có ý nghĩa từ những tạo tác của các bậc thầy. Nhưng trong thời kỳ Đương đại, nhiều công trình, tác phẩm đã thu hút sự chú ý, thiện cảm của công chúng – Bởi lẽ chúng có vẻ như bị “lược giản”, nhiều hình thức biểu hiện truyền thống đã bị “tiêu biến” một cách cố ý. Điều này không làm cho ngôn ngữ nghệ thuật và kiến trúc trở nên nghèo nàn hơn. Ngược lại, đó chính là “bệ đỡ” cần thiết cho sự cảm thụ nghệ thuật của công chúng khi họ được mời gọi tiếp cận trực tiếp và tương tác với các gợi mở “không – có – sẵn”, “không – khuôn – mẫu” từ các nhà thiết kế. Sự cảm thụ mới mẻ ấy khuyến khích sự tự do và riêng tư hơn của công chúng trong các tương tác và tự mình “đối thoại” với các tác phẩm nghệ thuật Đương đại. Đó là lý do bài viết này sẽ tập trung trình bày về ba đặc tính trong sáng tạo kiến trúc: Thị cảm, ý nghĩa và tương tác.

Hình thức kiến trúc của Parthenon biểu đạt cho sự tôn thờ cái đẹp và sự hài hòa – Một giá trị phổ quát có tính Đại tự sự của người Hy Lạp cổ đại – [Nguồn: Internet]
Villa Savoye – Ngôn ngữ kiến trúc mới mẻ phản ánh lối tư duy tạo dựng hình thức khác biệt với quá khứ – [Nguồn: Internet]

Thị cảm trong sáng tạo kiến trúc

Từ lâu nay, kiến trúc vốn tất yếu được nhìn nhận là một vật thể vật lý, xã hội và nghệ thuật. Như vậy, tính biểu hiện của kiến trúc được thể hiện rõ ràng trong hai vật thể: Vật lý và nghệ thuật. Hay nói dễ hiểu hơn, khía cạnh vật lý cho thấy những chiều kích và hình hài của công trình, khía cạnh nghệ thuật đem lại vẻ đẹp, sự ưa nhìn của vật thể kiến trúc.

Người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc giàu tính trang trí với các thức cột lộng lẫy, các dải phù điêu tinh xảo… phản ánh những mong muốn chạm tới chuẩn mực thẩm mỹ mà họ cho là chân lý, đỉnh cao trong nghệ thuật, đó là tạo nên cái đẹp phổ quát. Triết lý của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đã trở thành “bài học vỡ lòng” trong sáng tác và là nguyên tắc cảm thụ đối với nghệ thuật và kiến trúc cho đến ngày nay.

Như vậy có thể nhận thấy rằng, hình thức đã là yếu tố nổi trội và được quan tâm ngay từ buổi bình minh của kiến trúc và trong tất cả các giai đoạn lịch sử, công việc của nhà thiết kế hầu như là tạo dựng những hình thức/ hình ảnh cụ thể để nhìn, ngắm và nhận diện – Hay nói cách khác là để tạo nên đặc tính thị cảm (Visual perception – Sự cảm thụ bằng thị giác) của kiến trúc.

Sáng tạo các hình thức mới luôn là tham vọng chân chính của nghệ sĩ mọi thời đại. Mặc dù KTS tiên phong của Chủ nghĩa Hiện đại như Le Corbusier có vẻ như muốn đoạn tuyệt với Chủ nghĩa Hình thức (Formalism) khi tuyên chiến một cách dứt khoát: “Nhà là cái máy để ở” – tức là: Công năng và tính hợp lý là tối thượng trong kiến trúc. Thế nhưng, trên thực tế, ông vẫn không ngừng nung nấu về việc tạo nên một diện mạo kiến trúc cho thời đại mới. Hình thức của Villa Savoye gồm: Khối lập phương, cột trụ ở tầng trệt, dãy cửa sổ hình chữ nhật kéo dài suốt mặt tiền… là những hình thức hình học trừu tượng đối lập với các motif Cổ điển và từng là mẫu mực của kiến trúc phương Tây. Hệ thống Modul’ Or được xem là một nỗ lực phi thường của chính Le Corbusier trên hành trình đi tìm hình thức. Seagram Building theo đuổi sự tối giản trong hình thức, tạo nên nguyên tắc thẩm mỹ “Ít tức là nhiều” (Less is More) có tính cực đoan trong những “hộp kính” Duy lý Chủ nghĩa.

Dù rằng phương châm thiết kế luôn đề cao giá trị công năng, tỏ thái độ chỉ trích và chán ghét tính hình thức của kiến trúc Cổ điển, nhưng thực tế đã cho thấy, hình thức vẫn luôn là mối quan tâm thường trực và ám ảnh tâm trí của các bậc thầy kiến trúc, như Novicov từng khẳng định: “Hình thức – Con chim xanh của kiến trúc Hiện đại”.

Khuynh hướng tư duy giàu tính thị cảm của các KTS Hiện đại đã mang đến ngôn ngữ tạo hình trừu tượng, cô đọng, hướng đến cái đẹp lý tính thay thế cho ngôn ngữ tạo hình cụ thể, giàu tính trang trí của kiến trúc Cổ điển. Trong thời điểm đầu thế kỷ 20 thì sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện đại là cột mốc quan trọng, đánh bật sự thống trị của hình thức Cổ điển và khơi mào cho sự thay đổi với tốc độ chóng mặt “một ngày bằng trăm năm” của Nghệ thuật – Kiến trúc ở các giai đoạn tiếp theo.

Hình thức kiến trúc như là một tập hợp của những motif lịch sử – văn hóa của Vanna Venturi House – được cố ý chồng chất, bất chấp sự mâu thuẫn và nhập nhằng – [Nguồn: Internet]
Công nghệ cao đã hỗ trợ cho những đột phá táo bạo của Guggenheim Bilbao
cho thấy hình thức kiến trúc dường như là những biểu thị vô tận về mặt thị cảm – [Nguồn: Internet]
Kể từ đây, nền kiến trúc liên tiếp xuất hiện những hình thức đặc sắc, phá cách vượt khỏi nguyên tắc, chuẩn mực tạo hình hàn lâm trong quá khứ. Các KTS Hậu – Hiện đại nỗ lực đề ra những lý luận phản bác và triết lý đổi mới… nhằm khám phá các phương cách biểu hiện mới cho hình thức kiến trúc. Họ đã mở ra những hướng tiếp cận rộng lớn hơn bằng sự khai thác các chủ đề lịch sử, văn hóa địa phương, tinh thần của cái đời sống thường ngày… [Hình 3] để tạo nên một thứ thị cảm khác nhằm phản bác lại những giáo điều khô khan của Chủ nghĩa Hiện đại.

Trong thời kỳ Đương đại, các KTS dường như một lần nữa đã từ chối lối tư duy tạo hình lý tính và ngăn nắp của Chủ nghĩa Hiện đại để sáng tạo những tác phẩm ấn tượng và đánh thức cảm xúc của công chúng. Những hình thức mang tính đột phá và vô cùng quyến rũ của Kiến trúc Đương đại minh chứng cho sức sáng tạo vô hạn của người nghệ sĩ. Luôn luôn, những công trình sống động do Frank Owen Gehry, Zaha Hadid, Rem Koolhaas… thiết kế được chào đón nồng nhiệt, tạo nên sự trầm trồ và mãn nhãn cho công chúng

Nhìn chung, công việc sáng tạo những hình thức/ hình ảnh cụ thể chứa đựng giá trị nghệ thuật là một nhiệm vụ bất di bất dịch của nhà thiết kế trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử. Bởi vì từ xưa đến nay, kiến trúc luôn được cảm thụ trước hết thông qua những yếu tố thị giác – phần hình thức của vật thể kiến trúc, trước khi xem xét đến những yếu tố còn lại như ý nghĩa, ý niệm…

Ý nghĩa trong sáng tạo kiến trúc

Vào đầu thế kỷ 20, sự phát hiện về bản chất mang tính hai mặt của ngôn ngữ trong Ngôn ngữ học cấu trúc đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà thiết kế. Bởi vì, mối quan hệ giữa cái biểu đạt (the signifier) và cái được biểu đạt (the signified) thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, đây đồng thời là mối quan tâm hàng đầu của lĩnh vực nghệ thuật và kiến trúc [7].

Công việc của KTS bắt đầu được nhìn nhận không đơn thuần chỉ là tạo dựng những hình thức/ hình ảnh cụ thể mà còn là sáng tạo cách thức tạo nghĩa – tạo dựng/ ấn định ý nghĩa đằng sau lớp vỏ kiến trúc, làm cho nó trở thành một cấu trúc có một nội dung (ý nghĩa) nhất định. Tức là hình thức không chỉ là sự thiết yếu của cái hữu ích, cái đẹp mà còn là môi trường để truyền tải những ý nghĩa nào đó.

Các KTS hiện đại đã nhìn nhận lại vai trò của công năng, điều chưa nhận được sự quan tâm đúng mức ở các thời kỳ kiến trúc trước đó kể từ Vitruvius. Họ đề cao tính thích dụng, hiệu quả nhằm đáp ứng “Tinh thần thời đại” của kỷ nguyên Công nghiệp, họ ấn định sự ưu tiên của yếu tố công năng so với hình thức kiến trúc. Lợi ích về mặt sử dụng do những “khối hộp” thuần khiết và trừu tượng tạo ra chính là ý nghĩa của kiến trúc Hiện đại – một thứ ý nghĩa “sống còn”. Walter Gropius cho rằng kiến trúc thật sự đạt đến đỉnh cao khi nó đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vì vậy mà không nên có sự phân biệt giữa hình thể và chức năng.

Hình thức của Opera Sydney không chỉ có ý nghĩa ẩn dụ mà còn trở thành biểu tượng văn hóa
[Nguồn: Internet]
Hình thức đồ sộ, thô ráp của Nhà thi đấu TDTT Kagawa được thiết kế với tinh thần “phản truyền thống”, nhưng cũng là một cách để bảo toàn ý nghĩa của các giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản [Nguồn: Internet]
Đối với Chủ nghĩa Hiện đại, kiến trúc được thừa nhận là một cấu trúc mang tính chất Nhị nguyên (Dualism) bao gồm: Hình thức – Lớp vỏ và nội dung – Công năng. Nhưng sau đó, những lý luận và thực hành của các KTS Hậu – Hiện đại và Đương đại đã dần bộc lộ bản chất Đa nguyên (Pluralism) của kiến trúc thay cho chủ thuyết Nhị nguyên trước đó.

Kisho Kurokawa cho rằng một không gian không nhất thiết chỉ mang một công năng cụ thể mà có thể cùng lúc mang nhiều chức năng, điều này làm gia tăng mặt ý nghĩa cho kiến trúc [2]. Bên cạnh đó, không đồng tình với thái độ loại trừ hầu hết các giá trị lịch sử của Chủ nghĩa Hiện đại, các KTS hướng sự quan tâm đến việc tạo dựng các tầng bậc ý nghĩa cho kiến trúc. Thời kỳ Cổ đại đến Trung đại, ý nghĩa trong kiến trúc biểu đạt chủ yếu bằng các thông điệp tâm linh, những chủ đề tôn giáo, Kinh thánh. Vào thời kỳ Đương đại, việc tạo dựng/ ấn định ý nghĩa mang tinh thần Đại Tự sự vẫn không hề suy giảm mà chỉ khác bởi sự diễn giải các chủ đề/ yếu tố văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc.

Opera Sydney với một hình thức kiến trúc không chỉ đặc sắc mà còn giàu tính ẩn dụ. Sự hòa quyện giữa hình thức và nội dung (ý nghĩa tượng trưng) đã khiến cho công trình trở thành hình ảnh/ biểu tượng văn hóa và là niềm tự hào của nước Úc. Piazza d’Italia của Charles Moore chứa các hình thức (mã) truyền thống bằng thủ pháp cách điệu Khải Hoàn Môn, trích dẫn các thức cột Tuscan, Doric, Ionic và Corinthian… nhằm gợi nhắc đến giá trị kiến trúc – lịch sử của La Mã cổ đại như là một cách biểu thị có ý nghĩa quan trọng cho cộng đồng kiều dân Italy ở New Orleans, Hoa Kỳ.

Kiến trúc Nhật Bản Đương đại nổi bật với những công trình tuy mang ngôn ngữ và hình thức của Chủ nghĩa Hiện đại, nhưng vẫn bảo toàn được ý nghĩa của các giá trị truyền thống trong văn hóa Á Đông. Hàng loạt tác phẩm của các KTS tiêu biểu như: Kenzo Tange, Kisho Kurokawa, Fumihiko Maki, Tadao Ando… đã là những minh chứng rõ ràng nhất cho những ý nghĩa có tính Đại Tự sự về một truyền thống văn hóa đặc sắc.

Như vậy, kiến trúc không chỉ phản ánh đơn thuần một tầng ý nghĩa sử dụng (công năng) mà trở thành “nguồn” phát đi các thông tin – ý nghĩa đa tầng của các lớp nghĩa văn hóa. Các khuynh hướng tư duy thiết kế nêu trên đã truyền tải những lớp ý nghĩa khác nhau, mà công chúng có khả năng hiểu được các “mã” trong ý đồ thiết kế và giải thích của người sáng tác. Tóm lại, cách thức ẩn dụ – tạo nghĩa có thể mang lại những thông điệp có ý nghĩa như các KTS/ nhà thiết kế mong muốn truyền đạt đồng thời khiến cho mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong Nghệ thuật – Kiến trúc được hài hòa.

Ở Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, người dân được khuyến khích tương tác, ghi khắc lên bề mặt tượng đài để bày tỏ sự tiếc thương và tưởng nhớ đến những nạn nhân của tội ác chiến tranh. [Nguồn: Internet]

Tương tác – tự cảm thụ trong sáng tạo kiến trúc

Tương tự Homer thời Hy Lạp cổ đại – những người chuyên hát các anh hùng ca kể về các sự tích – người thiết kế trong các giai đoạn lịch sử, luôn từng giữ vai trò là người dẫn dắt sự cảm thụ của công chúng thông qua những chuẩn mực thẩm mỹ, những hiểu biết và tri thức phổ quát. Mọi hiểu biết, kiến thức và diễn giải liên quan đến kiến trúc được thiết kế theo phương thức Đại Tự sự của các đại diện – KTS/ người kể chuyện – biểu hiện bằng ngôn ngữ tạo hình cụ thể, trực quan và những ý nghĩa phổ quát.

Nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, sự hội tụ giữa Nghệ thuật Ý niệm, Học thuyết Giải cấu trúc và Hiện tượng học trong kiến trúc đã từng bước làm thay đổi nhận thức trong tư duy sáng tác của giới nghệ sĩ và phương thức cảm thụ của công chúng.

Nghệ thuật Ý niệm gợi mở cho xu hướng khai thác những ý niệm trong kiến trúc Đương đại. Điểm cốt lõi của xu hướng nghệ thuật này là quá trình tạo nên tác phẩm quan trọng hơn chính “tác phẩm” [3]. Ở đây, đích đến của người nghệ sĩ không còn là những vật thể nghệ thuật được tạo hình đẹp đẽ theo phương thức sáng tạo truyền thống, bởi vì họ cho rằng việc “đọc – hiểu” hay thưởng thức tác phẩm không nằm ở hình thức mà là quá trình/ ý niệm hình thành nên tác phẩm: Ý quan trọng hơn Hình.

Bằng cách phát triển ý niệm Phản tưởng niệm từ quá trình hạ giải từng phần Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Esther Shalev-Gerz và Jochen Gerz đã làm suy yếu quan niệm quá khứ như là cái bền lâu và mãi mãi trường tồn. Nghệ thuật đã mang đến cho công chúng một nơi chốn không phải để nhìn ngắm mà là để tự do bày tỏ cảm xúc, đối diện và chuyển hóa những tình cảm hận thù, nỗi đau thương.

Trong học thuyết Giải cấu trúc, Jacques Derrida cho rằng người đọc có quyền giải cấu trúc để nghĩa của văn bản tách khỏi ràng buộc theo ý muốn của tác giả [4]. Trên quan điểm này thì có thể xem kiến trúc cũng là một loại hình văn bản với hệ thống ký hiệu và mã (code) đặc thù. Công chúng không còn bị áp lực khi lý giải sai ý nghĩa của tác phẩm hoặc phải cố gắng cảm thụ những nguyên tắc hàn lâm, còn người sáng tác cũng thoát khỏi vai trò diễn giải và ấn định ý nghĩa.

Chính những hình thức kiến trúc trừu tượng và “trống rỗng”, không chứa đựng thông tin của Đài tưởng niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Vườn tha hương hay Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu đã trở thành phương thức hữu hiệu nhất nhằm biểu đạt và khơi gợi nên ý niệm về sự đứt gãy trong lịch sử bi thương của dân tộc Do Thái, cho phép công chúng tự do cảm nhận, hình thành những cảm xúc riêng tư mang tính chất Tiểu Tự sự.

Như vậy, ở thời kỳ Đương đại, bên cạnh nhu cầu tạo tác hình thức hay ấn định ý nghĩa, KTS còn chú trọng đến cách thức tạo lập môi trường đối thoại, tương tác với công chúng. Kiến trúc trong khuynh hướng tư duy thiết kế này thiên về tính chất Tiểu Tự sự vì có những biểu hiện rất gần gũi với Hiện tượng học và tồn tại như một tác phẩm nghệ thuật cần được cảm thụ thay vì chỉ là một hình ảnh điển hình hoặc một ý nghĩa đại diện vốn được lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử. Theo cách thức của Hiện tượng học, công chúng có quyền tự do trong nhận thức bằng chính kinh nghiệm cá nhân mà không cần phụ thuộc vào những chuẩn mực mang giá trị phổ quát của văn hóa Đại Tự sự. Cùng một sự vật, hiện tượng, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau và sự hiểu biết khác nhau về thế giới sẽ mang đến cho họ cảm giác được hiện hữu trong đời sống.

Những thiết kế của Tadao Ando đã được giản lược cả về hình thức và công năng, ông chú trọng đến thủ pháp kiến tạo không gian, khai thác tinh thần nơi chốn, đặc tính vật liệu, ánh sáng và bóng tối… để mang đến những trải nghiệm tinh thần thông qua cảm thụ đa giác quan và sự thấu cảm của mỗi cá nhân hơn là áp đặt sẵn một cách hiểu/ cảm nhận chủ quan từ tác giả. Tadao Ando đã chủ ý tổ chức những không gian trưng bày đơn bạc và trống trải trong Bảo tàng Lee Ufan. Chính sự chiếm lĩnh của “khoảng trống” góp phần tạo nên một môi trường tương tác, trợ giúp cho “cuộc đối thoại” giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng được diễn ra một cách trọn vẹn.

Còn đối với Nhà thờ trên nước, ông đã dùng thiên nhiên như là tinh thần của địa điểm để biểu đạt cho sự linh thiêng của tôn giáo, tạo nên hiện tượng – trải nghiệm tinh thần sâu sắc cho các tín đồ. Trải qua hành trình quanh co và không bằng phẳng, ánh sáng và bóng tối đan xen, tín đồ dần trở về với tâm thức và đạt được cảm giác bình yên khi đứng trước khung cảnh tĩnh lặng của “giáo đường” thiên nhiên.

Càng ngày nền kiến trúc Đương đại càng xuất hiện những công trình vượt khỏi những chuẩn mực thông thường. Những công trình không nhất thiết cứ phải to lớn, vĩ đại, hoặc là đẹp đẽ… nhưng vẫn chiếm được trọn vẹn cảm tình và thị hiếu của công chúng bằng những cách thức “phi hình” (non – figure) nào đó. Ví dụ như Peter Eisenman đã sử dụng 2711 khối hộp bê tông để “treo lơ lửng” những nội dung và cả ý nghĩa của Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu. Khi sải bước chân trên những lối đi sâu hun hút, công chúng sẽ có sự chiêm nghiệm và nhận thức khác nhau về các sự kiện lịch sử liên quan. Khu tưởng niệm có thể là “chiếc hộp pandora” ẩn chứa quá khứ bi thương hay chỉ là “chiếc hộp lưu niệm” mà khi mở ra công chúng sẽ nghe được những giai điệu với sắc thái riêng, tất cả đều tùy thuộc vào sự từng trải và thấu cảm của mỗi người.

Với thiết kế “âm” vào lòng đất, Michael Arad và Peter Walker đã chủ ý làm cho Khu tưởng niệm sự kiện 11/9 Ground Zero gần như không hiện hữu trong môi trường đô thị. Họ phát triển ý tưởng “Phản ánh sự vắng mặt” bằng cách dịch chuyển tư duy thiết kế từ sắp đặt sự hiện diện của vật chất sang khơi gợi trí nhớ và cảm xúc bởi sự thiếu vắng trong tâm thức con người.

Bởi vì, ngoài thị giác, công chúng còn cảm thụ kiến trúc thông qua tâm trí và những giác quan. Ngoài hình thức, công chúng còn bị hấp dẫn bởi những ý nghĩa và thông điệp nhân văn của cuộc sống.

Trong tư duy của các nhà thiết kế kiến trúc Đương đại đã có những sự thay đổi đáng chú ý từ việc nỗ lực ấn định thị cảm, diễn dịch ý nghĩa mang tính áp đặt và phớt lờ cảm nhận của công chúng sang khuynh hướng sáng tác thiên về sự khơi gợi bằng cách thức tạo tương tác với mong muốn sự cảm nhận của công chúng xuất hiện thường xuyên hơn những ý niệm mới mẻ và có tính Tiểu tự sự (Petit Narrative). Như vậy, tư duy thiết kế kiến trúc có thể được nhìn nhận như là sự chuyển dịch từ khuynh hướng thị cảm sang tương tác.

Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái ở Châu Âu
Vườn tha hương trong khuôn viên Bảo tàng Do Thái Berlin

Kết luận

Sự xuất hiện và đổi mới các khuynh hướng tư duy trong Nghệ thuật – Kiến trúc là một hành trình có tính qui luật, tất yếu và hữu ích. Thực tiễn hoạt động Nghệ thuật – Kiến trúc đã chứng minh sự xuất hiện của các khuynh hướng tư duy mới không có nghĩa là dấu chấm hết cho những khuynh hướng Nghệ thuật – Kiến trúc trước đó, đồng thời không có khuynh hướng tư duy nào mang tính ưu việt tuyệt đối mà cũng có thời điểm phát triển cao trào, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sau đó sẽ phải nhường lại vũ đài cho nhân tố “mới” tiếp theo.

Ground Zero được thiết kế như một hệ thống truyền thông đa phương tiện (tên của các nạn nhân được khắc trên thành hồ, tiếng nước chảy liên tục, không gian sự kiện lịch sử nay là hai hồ nước lớn và trống rỗng…) nhằm gợi lên những cảm thụ tự do, bất định và bất toàn của công chúng – Ở đây “Ý quan trọng hơn Hình”

Trong thời kỳ Đương đại, nhà thiết kế không còn bị giới hạn tư duy trong những khuôn mẫu, nguyên tắc hay cố gắng định hình cho bản thân một phong cách thiết kế cố định. Họ có quyền tự do lựa chọn phương thức tư duy mà họ cho rằng có thể biểu đạt được hết những dụng ý trong sáng tạo nghệ thuật, thỏa mãn các tiêu chí, nhiệm vụ thiết kế của nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đại chúng.

Khung cảnh thiên nhiên trở thành phần hữu cơ của giáo đường để mang tính chất khơi gợi, mở rộng những cảm xúc tôn giáo mà không có sự áp

PGS.TS.KTS. Lê Thanh Sơn
KTS. Trần Diễm Thanh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)


Tài liệu tham khảo
1. Peter Eisenman (1970), Notes on Conceptual Architecture – Towards a Definition, Design Quarterly, Minneapolis, 78/79.
2. Kisho Kurokawa (1997), Kiến trúc của sự Cộng sinh, (Lê Thanh Sơn dịch và lưu hành nội bộ), Đại học Kiến trúc TP. HCM.
3. Sol Lewitt (1967), Paragraphs on Conceptual Art, Artforum International Magazine, New York, Summer Vol.5, No.10.
4. Bùi Văn Nam Sơn (2016), Derrida “đọc” Saussure hay sự kết hợp Thuyết Cấu trúc với Hiện tượng học trong Triết học Ngôn ngữ, Hội thảo kỷ niệm 100 năm Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure, Đại Học Sư Phạm TP. HCM.
5. Lê Thanh Sơn (2016), Những phương thức cảm thụ kiến trúc, Tạp chí Xây Dựng số 03-2016.
6. Lê Thanh Sơn (2018), Kiến trúc và các hệ qui chiếu mỹ thuật, Tạp chí Kiến trúc số 05-2018.
7. Lê Thanh Sơn (2019), Biểu tượng và không gian kiến trúc – đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng.
8. Lê Thanh Sơn (2020), Đôi điều về Phong cách và Xu hướng Nghệ thuật, Tạp chí Kiến trúc số 06 – 2020.
9. Ngô Viết Nam Sơn (2007), Ý nghĩa của Khoa Chiết Tự trong thiết kế Dinh Độc Lập, Hội thảo khoa học “Dinh Độc Lập – Những vấn đề lịch sử, văn hóa”.
10. Nguyễn Hữu Thái (2013), Kiến trúc Nhật Bản – Bài học lớn về Kiến trúc hiện đại bản địa cho Việt Nam?, Tạp chí Kiến trúc số 12 – 2013.

The post Sáng tạo kiến trúc từ thị cảm đến tương tác appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/31hjoSz
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét