Không gian công cộng phản ánh trình độ quản lý, năng lực thiết kế và đặc trưng về tự nhiên – kinh tế – văn hóa – xã hội của một khu vực. Hiện có nhiều xu hướng tổ chức không gian công cộng trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là sáu xu hướng sau: 1. Sinh thái hóa, 2. Quốc tế hóa, 3. Bản địa hóa, 4. Công nghệ hóa, 5. Đa năng hóa và 6. Linh hoạt hóa. Bài viết này luận bàn về xu hướng số hai, số ba và số bốn, đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng hãy còn tương đối mới ở Việt Nam. Trong thực tế, quốc tế hóa và bản địa hóa là sự tìm tòi và chắt lọc một số yếu tố như văn hóa và thương mại rồi thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để mang lại những sắc thái mới cho không gian công cộng, góp phần tạo nên sự hấp dẫn và mới lạ của những không gian ấy đối với cộng đồng. Trong khi đó, công nghệ hóa là sự tích hợp công nghệ vào không gian theo đà tiến bộ của công nghệ nhằm đem lại nhiều tiện ích hơn cho con người khi sử dụng không gian công cộng trong cuộc sống hàng ngày.
1. Quốc tế hóa
Quốc tế hóa đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội ngày nay như trong giáo dục với việc quốc tế hóa chương trình đào tạo và bằng cấp, trong khoa học kỹ thuật với việc quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu khi có sự tham gia của nhiều đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong luật pháp với những tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia, cần sự phân xử khách quan và công bằng của một đơn vị đóng vai trò trọng tài và có sự giám sát của thế giới, hoặc trong truyền thông với những vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay hành động của nhiều quốc gia, chẳng hạn như các biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên, phòng chống đại dịch, …
Trong thiết kế đô thị, nhất là thiết kế không gian công cộng, quốc tế hóa nảy sinh như một nhu cầu tất yếu của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Các thành phố định hướng trở thành “đô thị toàn cầu”, nếu không phải vì kinh tế hay thương mại thì cũng hướng tới văn hóa hoặc nghệ thuật. Dù đi theo lộ trình nào, các đô thị ấy đều rất chú trọng xu hướng quốc tế hóa và thường tìm mọi giải pháp để đạt được mục đích đó một cách tối đa. Các nước tiên tiến, do hội tụ đủ điều kiện và tiềm lực nên đã đi trước một bước, theo sau với khoảng cách vài thập niên là một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi (UN Habitat, 2004). Cũng theo UN Habitat, quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa là cặp song sinh. Toàn cầu hóa nếu được tiếp nhận, thậm chí được chào đón trong bối cảnh một quốc gia mở cửa với quốc tế, sẽ đa dạng hóa văn hóa đô thị và trong những trường hợp thành công còn làm giàu thêm vốn văn hóa của đô thị ấy. Còn ngược lại, nếu tình hình không khả quan, đặc biệt đối với những quốc gia chậm hội nhập và có nền tảng văn hóa không đủ vững chắc, có thể gây ra sự sợ hãi trước ảnh hưởng tích cực song lại quá mạnh mẽ khi xâm nhập, đi đôi với khả năng xáo trộn và va chạm về ý thức hệ, kèm theo thái độ “dè chừng” và “phòng thủ” về văn hóa. Tiếp cận với nhiều hình ảnh mới mẻ hơn mang tính đại diện bắt nguồn từ một hoặc một số quốc gia khác cũng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân đô thị. Khi yếu tố văn hóa ngoại nhập đủ sức hấp dẫn và thuyết phục sẽ khuyến khích cư dân trở thành những người tiêu dùng đa văn hóa, bao dung hơn với những yếu tố thoạt đầu có thể tương đối xa lạ trong cộng đồng nhưng với thời gian và sự chuyển biến nhận thức xã hội sẽ dần trở nên quen thuộc, thậm chí còn trở thành một phần hương vị của cuộc sống. Những yếu tố “ngoại” hay “quốc tế” đó góp phần định hình những giá trị mới của cuộc sống đương đại, hình thành nên một lối sống mới, thông thường được giới trẻ đón nhận trước khi được các thành phần khác trong xã hội chấp nhận. Về mặt thiết kế đô thị, các không gian công cộng cũng từng bước biến đổi, có thể đẹp hơn hoặc không, tùy thuộc vào năng lực lựa chọn và thẩm định của chính quyền, giới chuyên môn và cộng đồng từng nơi, song điều chắc chắn là sự biến đổi không gian đó trong đại đa số các trường hợp luôn theo sát sự phát triển kinh tế và nhận thức xã hội.
Quốc tế hóa hoặc toàn cầu hóa cũng dẫn đến khái niệm tiêu chuẩn hóa và phổ cập hóa, khi mọi người đều có quyền truy cập các kênh văn hóa, thưởng thức các sản phẩm văn hóa giống nhau đã trải qua sự sàng lọc một tầng hoặc nhiều tầng để bỏ bớt những gì chưa phù hợp. Sản phẩm của nền văn minh nhân loại nói chung và sản phẩm văn hóa nói riêng cần hiện diện trong không gian đô thị dưới nhiều hình thức, từ thương mại cho đến nghệ thuật, và dù hướng tới mục đích cuối cùng là gì thì cũng đều chọn cách biểu hiện chắc chắn nhất là thông qua thiết kế đô thị, để có thể lưu giữ hình ảnh thực và in dấu ấn mang tính vật thể trong không gian công cộng bên cạnh một vị trí vững chắc khác là trong tâm thức của cộng đồng. Với lợi thế sẵn có là luôn thu hút đông người, không gian rộng rãi và điểm nhìn tốt, việc đưa những yếu tố quốc tế mới lạ – kết quả của thời hội nhập – vào tổ chức không gian công cộng sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
EXPO là tên của một hội chợ thương mại quốc tế thường niên, mỗi năm có một thành phố đăng cai. Đó là cơ hội kinh doanh lớn cho quốc gia chủ nhà, cũng là dịp các quốc gia tham dự xúc tiến thương mại và quảng bá văn hóa của mình. Bản thân EXPO là một tên hiệu được quốc tế hóa từ những năm 1990. Mỗi thành phố đăng cai tổ chức thường đầu tư nhiều vào công tác chuẩn bị địa điểm. Trong số rất nhiều cách thức thể hiện, bốn chữ trong từ EXPO được cắt khổ lớn đi kèm với bốn chữ số chỉ năm tổ chức và có thể kèm theo một vài chi tiết trang trí nhấn nháy được khai thác theo hướng nghệ thuật sắp đặt khá phổ biến trên đường phố, tại các quảng trường trong thành phố, ngoài không gian xung quanh địa điểm diễn ra sự kiện. Cùng một chủ đề, nhưng mỗi thành phố có một cách làm khác nhau và phương án tạo hình chính thức để triển khai rộng rãi được phê duyệt trên cơ sở đối chiếu với các mẫu thiết kế tạo hình của những năm trước để tránh trùng lặp. Ví dụ trong Hình 1 dưới đây là vật phẩm trang trí không gian trước khu triển lãm EXPO 2020 tại Dubai – Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Màu được chọn cho chữ và số là xanh cọ – loại cây trồng đặc hữu của xứ sở sa mạc Tây Á. Ban đêm, khi được chiếu sáng nhân tạo, ánh sáng xanh của logo này rất dễ nhận biết và làm dịu mắt người quan sát.
Mã QR được sử dụng rộng rãi trong thương mại điện tử trên thế giới, cũng tương tự như mã vạch in trên hàng hóa, và có nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống hàng ngày, mới đây nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 trên phạm vi toàn cầu. Mã QR được cấp cho mỗi cá nhân là chứng nhận đã tiêm chủng vắc-xin phòng dịch và người dân khi đến chỗ công cộng buộc phải quét mã QR mới được cho phép vào. Trong thiết kế không gian công cộng, mã QR cũng là cảm hứng để các nhà thiết kế sử dụng một cách sáng tạo trên các bề mặt, chẳng hạn như mặt sân (Hình 2a), mặt đứng công trình (Hình 2b) hay một tác phẩm nghệ thuật trang trí trong công viên (Hình 2c).
2. Bản địa hóa
Bản địa hóa là chu trình ngược chiều với quốc tế hóa hay toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ngược chiều không có nghĩa là loại trừ hoặc triệt tiêu nhau, mà trái lại hoàn toàn có thể song hành và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Yếu tố mang tính bản địa hóa có thể cùng tồn tại với yếu tố mang tính toàn cầu hay quốc tế trong cùng một không gian. Trong khi yếu tố quốc tế đem đến sự mới mẻ cho không gian như đã phân tích ở trên, yếu tố bản địa hiện diện ở một góc nào đó lại hàm ý đề cao và nhắc nhớ đến những đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư sinh sống trong không gian ấy, và nếu có thể thì yếu tố bản địa cần thể hiện “tinh thần nơi chốn” và nhấn mạnh bản sắc văn hóa địa phương.
Nhiều chính quyền thành phố và các cơ quan phát triển đô thị trên toàn thế giới đang ngày càng sử dụng thường xuyên các hoạt động liên quan đến văn hóa để tái phát triển hoặc phục hồi những không gian đô thị đã xuống cấp qua nhiều thập niên thiếu sự coi sóc hoặc không còn phù hợp với bối cảnh mới. Chiến lược này đã được sử dụng để thúc đẩy bản sắc của các hoạt động dân sự trong thành phố, để tiếp thị các thành phố ra quốc tế và đặc biệt nhằm thúc đẩy vận may kinh tế của các thành phố có sản xuất công nghiệp suy giảm trong thời kỳ hậu công nghiệp. Xu hướng này đang tiếp diễn trên toàn thế giới cho thấy rằng văn hóa liên tục phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong tương lai của các đô thị. Những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt bao gồm: Tái phát triển không gian đô thị dựa trên văn hóa và xây dựng thương hiệu toàn cầu của các thành phố; chú trọng công tác bảo tồn di sản và gắn bảo tồn với phát huy giá trị và sử dụng giá trị ấy như một phương tiện quảng bá các thành phố ra thế giới; và tìm kiếm những vốn quý văn hóa cũ đã bị lãng quên hoặc đánh thức tiềm năng của văn hóa mới gắn liền với một địa điểm cùng tiến trình lịch sử phát triển, để tạo nên sức hấp dẫn (UN Habitat, 2004). Những phố nghệ thuật hay quận nghệ thuật tập trung ở mức độ đậm đặc các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại hoặc có sự pha trộn của cả hai thể loại xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây ở các quốc gia mở cửa cả về kinh tế lẫn văn hóa, thu hút đông đảo giới trẻ và trở thành địa chỉ dừng chân cho khách du lịch. Thực tế đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của trào lưu này. Giới trẻ và một số nghệ sỹ còn mạnh dạn thử nghiệm cách tân văn hóa và/hoặc tác phẩm nghệ thuật truyền thống qua quá trình tiếp xúc, trải nghiệm và chắt lọc tinh hoa của văn hóa và nghệ thuật hiện đại.
Không gian công cộng được coi như địa điểm hội tụ và ngưng tụ văn hóa của một vùng miền và cộng đồng dân cư tại đó, thông qua thủ pháp tổ chức không gian từ các thành phần cấu thành và thiết kế những thành phần cấu thành đó để đạt đươc tính thẩm mỹ cũng như tạo ra một số hiệu ứng mong muốn. Khi được thiết kế mới từ đầu hoặc tái phát triển một không gian đã có sẵn, yêu cầu đặt ra ngày nay là làm thế nào để những không gian ấy lưu lại được trong tâm khảm của người dân cũng như du khách, khiến họ luôn nhớ đến không gian ấy. Bên cạnh vẻ đẹp nói chung là một yêu cầu gần như là bắt buộc thì một yếu tố tự thân có sức sống lâu bền cần được khai thác một cách khéo léo và sáng tạo là những đặc điểm riêng biệt, khiến không gian ấy không bị nhầm lẫn với các không gian khác, trên một phạm vi rộng là giữa hai quốc gia (khác biệt nhau về văn hóa) và trên một bình diện hẹp là hai khu vực trong cùng một vùng lãnh thổ (có sự tương đồng nhất định về văn hóa). Yếu tố được khai thác và sử dụng nhiều nhất chính là các biểu tượng văn hóa. Cũng như tính quốc tế, những không gian công cộng thích hợp để các tác phẩm nghệ thuật thể hiện tính bản địa (địa phương) hiện diện là:
- Đường phố (bao gồm cả dải phân cách và các bùng binh – đảo giao thông, mặt tiền của các công trình);
- Tuyến phố đi bộ;
- Quảng trường;
- Không gian ven sông, ven hồ, ven biển;
- Khoảng lùi phía trước của công trình công cộng quy mô lớn hoặc cụm công trình công cộng;
- Sân trong của công trình công cộng quy mô lớn hoặc cụm công trình công cộng.
Hoa tuy-líp là quốc hoa của Hà Lan, song không như một số quốc gia khác lý tưởng hóa hoặc đề cao quốc hoa đến mức thiêng liêng, gần như không ai dám sử dụng hình tượng đó làm chất liệu thiết kế mà chỉ để chiêm bái, các nhà thiết kế của Hà Lan lại chọn cách đại chúng hóa hoa tuy-líp trong cuộc sống hàng ngày, mà cụ thể là các ghế ngồi nghỉ chân tại những nơi công cộng. Người Hà Lan ưa vận động, đi bộ rất nhiều, và du khách đến Hà Lan cũng thường chọn đi bộ hoặc đi xe đạp để khám phá kiến trúc, cảnh quan và văn hóa bản địa như người bản xứ. Chính vì nhu cầu đi bộ và ngồi nghỉ chân rất cao, các nhà thiết kế lấy hình tượng hoa tuy-líp đủ các màu làm ghế nghỉ, khi không sử dụng nữa thì một nửa ghế phía trước lật lên khép với nửa sau như một bông hoa hé nở dọc theo lối đi (Hình 3). Ý tưởng đơn giản này khiến du khách không khỏi cảm thấy bất ngờ và thích thú.
Tương tự như vậy, hoa Hibiscus (hoa Dâm bụt) được người Malaysia coi là quốc hoa. Mẫu hoa này có thể thấy ở các đèn chiếu sáng trên nhiều tuyến phố và quảng trường hoặc đài phun nước trong công viên tại thủ đô Kuala Lumpur như những tác phẩm nghệ thuật cố định (Hình 4a, 4b), và được sơn trên vỏ xe buýt hoặc tàu điện ngược xuôi trên đường như những bức họa di động.
3. Công nghệ hóa
Tác động của công nghệ mới đối với các thành phố ngày nay rất sâu sắc đến mức không gian thực tế và không gian kỹ thuật số trở nên hòa quyện vào nhau và không gian kỹ thuật số tiếp tục mở rộng (Saskia Sassen, 2003). Một cấu trúc xã hội cần được thiết lập dựa trên khả năng truy xuất, lưu trữ và xử lý thông tin, và tương tự như khả năng tạo ra và trao đổi kiến thức. Thông tin và tri thức là nguyên liệu để mọi quá trình xã hội, tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội thực hiện tốt các chức năng của mình. Một thành phố công nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ thành một thành phố thông tin (Manuel Castells, 1993).
Có vẻ như hầu hết mọi thứ ngày nay đều được số hóa hoặc vi tính hóa để đem lại hiệu quả và thuận tiện tối đa cho cư dân. Một đô thị thực sự đã trở thành một phòng không gian mạng khổng lồ. Công nghệ đã làm nhiều việc thay đổi đáng kể. Ngay cả một chính phủ và những cơ quan trực thuộc ngày nay hầu hết các hoạt động dựa trên công nghệ thông tin và một cổng thông tin điện tử được cập nhật hàng giờ để cung cấp thông tin chi tiết và trả lời tất cả các câu hỏi trực tiếp gửi đến cơ quan có thẩm quyền, được gọi là chính phủ điện tử và bộ – ban – ngành điện tử. Các thành phố lớn ở Việt Nam hiện có các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tương đối vững chắc và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khối ASEAN. Thêm nữa, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi sâu sắc lực lượng lao động và cấu trúc đô thị. Không gian đô thị, trong đó có không gian công cộng, cũng đang và tiếp tục chịu nhiều tác động to lớn từ công cuộc công nghệ hóa đang được khởi xướng.
Một số công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua và được tích hợp vào không gian đô thị, trong đó không gian công cộng luôn được ưu tiên lắp đặt. Ví dụ:
- Công nghệ thông minh: Ứng dụng để điều khiển giao thông thay đổi theo từng tình huống trên đường nhờ các mắt đọc cảm biến đo lưu lượng phương tiện giao thông thực tế để điều chỉnh thời gian bật đèn xanh – đèn đỏ cho phù hợp. Hai ứng dụng nổi bật khác của công nghệ này là: 1. Tự động đặt giờ bật đèn chiếu sáng không gian công cộng theo mùa và điều chỉnh cường độ sáng của đèn theo điều kiện thời tiết trong ngày, giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và 2. Thông báo số chỗ đỗ xe mà các bãi đỗ xe trong từng khu vực có thể tiếp nhận để các phương tiện có nhu cầu chủ động tìm địa điểm thích hợp gần nhất. Ngoài chế độ hiển thị trên điện thoại di động, những thông tin này cũng được chạy trên các bảng điện tử hai bên đường trong tầm quan sát của người điều khiển.
- Công nghệ môi trường: Hiển thị kết quả đo đạc các chỉ số chất lượng môi trường không khí theo từng khung giờ trong ngày và tự động hiển thị theo thang màu quy ước. Bên cạnh khả năng truy cập vào trang thông tin điện tử của cơ quan quan trắc môi trường, người dân và du khách có thể theo dõi những dữ liệu này trên các màn hình LED hoặc chuỗi đèn báo ở những không gian công cộng (Hình 5).
- Công nghệ năng lượng: Các thiết bị thu năng lượng mặt trời ngày một phổ biến và hiện diện nhiều hơn trong không gian công cộng, đáp ứng toàn bộ hoặc một phần nhu cầu sử dụng điện năng phục vụ cộng đồng như chiếu sáng nhân tạo, quảng cáo, sạc pin, nạp thẻ – quẹt thẻ (Hình 6).
- Công nghệ thực tại ảo: Đáp ứng nhu cầu trình chiếu hình ảnh động tại các không gian ngoài trời, nhân các sự kiện trọng đại hoặc hoạt động tập trung đông người. Trở lại với ví dụ mã QR trong xu thế quốc tế hóa, mã QR này còn được công nghệ hóa khi hiển thị trên không trung bằng thiết bị chiếu 3D (Hình 7a) cùng với những chủ đề khác (Hình 7b), chứng minh một đô thị hiện đại có thể vận hành hoàn toàn trên nền tảng công nghệ và đem lại những lợi ích nổi bật cho cộng đồng dân cư.
Lời kết
Quốc tế hóa nói chung và quốc tế hóa không gian công cộng nói riêng ở một mức độ nhất định là một xu thế tất yếu trên thế giới ngày nay. Điều đáng quan tâm là mỗi một cộng đồng đô thị có thể được hưởng những lợi ích hoặc cảm nhận được những giá trị gì mà quá trình ấy đem lại. Những lợi ích và giá trị đó hoàn toàn có thể được bảo đảm khi có sự chọn lọc đi kèm với sáng tạo.
Bản địa hóa cũng là nhu cầu cấp bách nhằm thực hiện chủ trương “hòa nhập nhưng không hòa tan” ngày nay. Cũng như quốc tế hóa, bản địa hóa đi vào thực tiễn cuộc sống và hiện diện trong không gian công cộng thông qua sự kết hợp giữa văn hóa và nghệ thuật tạo hình.
Công nghệ hóa đang làm biến đổi sâu sắc thế giới và cuộc sống, đem lại nhiều tiện ích vượt trội, và sẽ là công cụ mới mẻ đầy sức mạnh, để không gian công cộng trong đô thị trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)
Tài liệu tham khảo
1. UN Habitat (2004), Dialogue on Urban Culture, Globalisation and Culture in An Urbanising World, World Urban Forum, Second Session, Barcelona, tr. 7, 11
2. Saskia Sassen (2003), The impact of the new technologies and globalisation on cities, City Reader collection, Routledge, London, tr.219-220
3. Manuel Castells (1993), European cities – The informational society and the global economy, Journal of Economic and Social Geography, Vo. 84 (4), Oxford, tr. 247-252
Một số ảnh minh họa lấy nguồn từ trang thông tin điện tử:
4. Reuters: https://ift.tt/3mqpKqS
5. Scenario Journal: https://ift.tt/2ZJK1in
6. China Daily E-Newspaper: https://ift.tt/3CuIzid
7. Independent (UK): https://ift.tt/39zOV1t
8. Off Some Design: https://ift.tt/3jRrl7b
The post Xu hướng quốc tế hóa, bản địa hóa và công nghệ hóa không gian công cộng trong đô thị appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3nLDJXy
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét