Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào?

Một trăm hai mươi sáu (126) năm của Triển lãm quốc tế Venice/ La Biennale di Venezia the Biennale đại diện cho một bản đồ địa chính trị thế giới với một tập hợp những thực tế đa dạng nhất của các quan điểm chính trị, kinh tế và xã hội. Triển lãm Kiến trúc – Biennale Architettura năm nay chắc chắn là một sự kiện được mong đợi của giới KTS toàn cầu vì khả năng khơi gợi và bộc lộ sự phức hợp của thế giới của nhiều hơn 7 tỉ người.

Biennale Architettura 2021 đối mặt với một tình trạng bất ổn và đại dịch toàn cầu, đối mặt với khả năng không thể mở cửa, nhưng đã được xử lý với tinh thần quyết tâm và sự can đảm tuyệt vời của giám tuyển Hashim Sarkis, một KTS người Li Băng, hiện là Trưởng Khoa Kiến trúc Đại học MIT – Hoa Kỳ.

Biennale Architettura 2021 bao gồm các gian triển lãm đến từ 46 quốc gia với số lượng đại diện tăng lên từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á và với sự đại diện tương đương của nam giới và phụ nữ. Triển lãm chính còn bao gồm một loạt các trạm nghiên cứu với các phân tích chuyên sâu về các chủ đề kiến trúc-đô thị liên quan, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ các trường đại học trên thế giới.

Chủ đề chính của Biennale Architettura 2021, do Hashim Sarkis chấp bút, có tựa đề là một câu hỏi: “Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào?”, xoay xung quanh việc kêu gọi cho một khế ước không gian mới, thứ có thể thay thế một cách hiệu quả các khế ước xã hội cũ kĩ. Trích nguyên văn như sau:

“Chúng ta cần một khế ước không gian mới. Trong bối cảnh sự phân cực chính trị và bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, chúng tôi kêu gọi các KTS hãy hình dung ra những không gian mà chúng ta có thể chung sống một cách hào phóng:

  • Cùng nhau là những con người, bất chấp sự gia tăng tính cá nhân đáng báo động, vẫn khao khát kết nối với nhau và với các loài khác trên không gian kỹ thuật số lẫn thực tế;
  • Cùng nhau với tư cách là những gia đình trẻ đang tìm kiếm những không gian đa dạng và đầy phẩm giá để cư trú;
  • Cùng nhau với tư cách là các cộng đồng khao khát sự công bằng, bao dung và bản sắc không gian;
  • Cùng nhau vượt qua các biên giới chính trị để hình dung ra các vùng đất mới của hội đoàn;
  • Cùng nhau là một hành tinh đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng với những nỗ lực toàn cầu để tất cả chúng ta tiếp tục sự sống.”

Giải mã câu hỏi

Chủ đề của Biennale Architettura là một câu hỏi mở.

NHƯ THẾ NÀO: Nói về các phương pháp tiếp cận thực tế và các giải pháp cụ thể, làm nổi bật tính ưu việt của việc giải quyết vấn đề trong tư duy kiến trúc.
SẼ: Tín hiệu nhìn về tương lai, tìm kiếm tầm nhìn và sự quyết tâm, rút ra từ sức mạnh của trí tưởng tượng kiến trúc.

Chúng ta: Ngôi thứ nhất số nhiều và do đó bao gồm các dân tộc khác, các loài khác, thu hút sự hiểu biết thấu cảm hơn về kiến trúc.

Sống: Không chỉ có nghĩa là tồn tại mà là phát triển, hưng thịnh, suy tôn và ca ngợi cuộc sống, khai thác sự lạc quan vốn có của kiến trúc.

Cùng nhau: Hàm ý tập thể, chung, các giá trị phổ quát, làm nổi bật kiến trúc như một hình thức tập thể và một hình thức thể hiện tập thể.

?: Cho biết đây là một câu hỏi mở, không phải câu hỏi tu từ, đang tìm kiếm (nhiều) câu trả lời, tôn vinh sự đa dạng của các giá trị trong và thông qua kiến trúc.

Khế ước không gian

Theo Harshim Sarkis, câu hỏi, “Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào?” vừa cổ xưa vừa đương đại. Người Babylon đã hỏi điều đó khi họ đang xây dựng tòa tháp của mình. Aristotle đã hỏi điều đó khi ông viết về chính trị. Trong bối cảnh hỗn loạn của những năm 1970, Timmy Thomas đã say mê cầu xin điều đó trong bài hát “Why Can’t We Live Together?”

Đó thực sự là một câu hỏi tra vấn các vấn đề xã hội, chính trị lẫn không gian. Thời đại mà chúng ta đang sống, ngay lúc này, các chuẩn mực xã hội thay đổi nhanh chóng, sự phân cực chính trị giữa cánh tả và cánh hữu, biến đổi khí hậu, và khoảng cách ngày càng tăng giữa vốn lao động và vốn tư bản đang khiến câu hỏi này trở nên cấp thiết hơn và ở các quy mô khác hẳn so với trước đây. Song song đó, điểm yếu của các mô hình chính trị đang được thực hành ngày nay buộc chúng ta phải đặt không gian lên hàng đầu và có lẽ giống như Aristotle, nhìn vào cách kiến trúc định hình nơi ở để hình dung ra các mô hình đầy tiềm năng về cách chúng ta có thể sống cùng nhau.

Mọi thế hệ đều cảm thấy bị bắt buộc phải đặt câu hỏi này và trả lời nó theo cách riêng của họ. Ngày nay, không giống như các thế hệ trước đây được định hướng bởi ý thức hệ, dường như có sự đồng thuận rằng không có nguồn duy nhất nào có thể đưa ra câu trả lời tối ưu. Sự đa dạng của các nguồn và sự đa dạng của các câu trả lời sẽ chỉ làm phong phú thêm cuộc sống chung của chúng ta, thay vì cản trở nó.

Chúng ta đang hỏi các KTS câu hỏi này bởi vì chúng ta không hài lòng với những câu trả lời được đưa ra từ chính trị ngày nay. Trong bối cảnh của Biennale Architettura, chúng ta đang hỏi các KTS câu hỏi này vì chúng ta tin rằng họ có khả năng đưa ra những câu trả lời đầy cảm hứng hơn những mô hình cũ kĩ đã được đưa ra ở hầu hết thế giới cho đến nay. Chúng ta chất vấn các KTS vì các KTS là những người đóng vai trò trung gian rất tốt giữa các tác nhân và chuyên môn khác nhau trong quá trình thiết kế và xây dựng. Chúng ta hỏi KTS bởi vì chúng ta, với tư cách là KTS, bận tâm đến việc định hình không gian mà mọi người sống cùng nhau và bởi vì chúng ta thường hình dung những bối cảnh này khác với những chuẩn mực xã hội quy định ra chúng.

Theo nghĩa đó, mọi không gian chúng ta thiết kế vừa đồng thời tuân theo khế ước xã hội có sẵn vừa đề xuất một giải pháp thay thế cho nó. Chúng ta mong muốn tạo ra một khế ước xã hội tốt nhất và đề xuất các giải pháp thay thế. Một ngôi nhà có thể tái tạo các giá trị ngoại hiện cũng như sự áp chế nội hiện của mô hình gia đình hạt nhân sau Thế chiến II, nhưng chúng ta cũng đã thấy những thử nghiệm mạnh mẽ từ các KTS, những người đã thách thức các phả hệ truyền thống của nhà ở bằng cách đề xuất các bố cục mới và sự cởi mở mới.
Chúng ta tiếp tục sống trong những ngôi nhà và thành phố được xây dựng dựa trên những ý tưởng đã lỗi thời. Khả năng bền bỉ của những không gian này có thể đã được điều chỉnh theo nhu cầu thay đổi theo thời gian, tuy nhiên, chúng đã đạt đến giới hạn về sự co giãn.

Mô hình gia đình của chúng ta đã phát triển và đa dạng, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình gia đình hạt nhân với những thành kiến về thứ bậc và quyền riêng tư. Các hội đoàn xã hội của chúng ta đã trở nên khó nắm bắt và đa dạng hơn, tuy nhiên không gian cộng đồng vẫn tập trung xung quanh các giá trị liên kết hướng nội và gò bó. Các thành phố của chúng ta từ lâu đã mở rộng ra khỏi mô hình tách rời các nhóm có thu nhập khác nhau với quyền sử dụng đất cá nhân, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục coi thành phố đáng sống là một thành phố có trung tâm, có sự phân cấp xã hội, và quay lưng lại với nông thôn và thiên nhiên. Và nguy hiểm nhất, chúng ta biết về sự thiếu bền vững của các thực hành đương đại tàn phá môi trường, nhưng chúng ta vẫn sống như thể chúng ta là một loài duy nhất trên một hành tinh có nguồn lực vô tận.
Hy vọng rằng, câu hỏi này sẽ tiếp tục thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước và cùng nhau xây dựng dựa trên sự lạc quan. Nghề của chúng ta có nhiệm vụ thiết kế những không gian tốt hơn để có cuộc sống tốt hơn. Thách thức của chúng ta không phải là có nên lạc quan hay không. Chúng ta không có sự lựa chọn. Thay vào đó, chúng ta cần phải thành công trong việc chuyển đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân thông qua ‘hình tượng ước muốn’ mà chúng ta có thể tạo ra bằng kiến trúc.

Sự cấp thiết của câu hỏi

Đại dịch toàn cầu hiện tại không nghi ngờ gì đã khiến câu hỏi mà Biennale Architettura này đang đặt ra càng phù hợp và cấp thiết hơn nữa, ngay cả khi bằng một sự thật mỉa mai, là chúng ta đang rơi vào sự cô lập và sự giãn cách. Nó thực sự có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chủ đề được đề xuất một vài tháng trước đại dịch. Tuy nhiên, các lý do ban đầu khiến giám tuyển Hashim Sarkis đặt câu hỏi này đều rộng lớn: Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, sự di cư dân số lớn, bất ổn chính trị trên khắp thế giới, và sự bất bình đẳng về chủng tộc, xã hội và kinh tế ngày càng tăng… đều góp phần dẫn chúng ta đến đại dịch này.

Các câu trả lời

Triển lãm Biennale Architecttura 2021 này khẳng định rằng chính tính đặc trưng về vật liệu, không gian và văn hóa của bộ môn kiến trúc đã truyền cảm hứng cho cách chúng ta sống cùng nhau. Trong số các đề xuất hết sức thú vị, xin điểm qua các gian triển lãm kiến trúc độc đáo nhất đã làm nổi bật những khía cạnh của chủ đề chính. Đây là những câu trả lời đến từ những góc nhìn độc lập, khách quan, và đa dạng.

Ngôi nhà Vô tận / Casa Infinite – Gian triển lãm của Argentina

Mọi không gian của Ngôi nhà Vô tận đều được kết nối với nhau. Dạo bước xung quanh ngôi nhà trở thành một cuộc hành trình miên viễn.
Du khách tìm thấy những khoảng không gian uốn lượn dọc theo các bức tường dựa trên tỉ lệ hình học đặc trưng của ngôi nhà truyền thống ở Argentina. Mỗi du khách sẽ có trải nghiệm như đang được chứng kiến nhiều ngôi nhà dọc đường đã đi, giống như cách chúng ta dạo bước xuyên qua đô thị trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Khu vườn của niềm cảm khái tư hữu/The garden of Privatised delights – Gian triển lãm của Vương quốc Anh

Dự án miêu tả một cách phóng dụ về các mô hình không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân mới tại các thành phố trên khắp Vương quốc Anh. Nó thách thức sự phân cực giữa sở hữu tư và sở hữu công, như một công cụ tạo ra sự chia rẽ trong xã hội. Thay vào đó, nó hỏi làm thế nào các KTS có thể làm việc với công chúng để tạo ra các khuôn khổ mới nhằm cải thiện việc sử dụng, tiếp cận và sở hữu không gian công cộng. Tiếp nhận tinh thần trong bức tranh The Garden of Earthly Delights của Hieronymus Bosch, gian hàng của Vương quốc Anh khám phá sự đa dạng của không gian công cộng được tư nhân hóa như một điều kiện bất nhị phân. Câu hỏi bao quát của gian hàng là: Vào thời điểm của các áp lực tài chính đang kiểm soát sự phát triển của thành phố, làm thế nào chúng ta có thể suy nghĩ lại về không gian công cộng thuộc tư nhân có thể là gì?

Hành tinh của Con người/Planet of Human – Gian triển lãm của Litva

Nằm trong nhà thờ thời Phục Hưng Santa Maria dei Derelitti, gian triển lãm Lithuanian quét hình ảnh du khách và đưa ra ngoài không gian để hình thành một hành tinh mới chỉ làm từ hình ảnh của cơ thể người. Studio thiết kế và nghiên cứu Cơ quan Vũ trụ Lithuania đã làm việc với nhà giáo dục người Hà Lan Jan Boelen để tạo ra tác phẩm sắp đặt nhằm thẩm vấn các vấn đề về chủ nghĩa thực dân trong không gian.

Chúng ta là ai? Who is We? – Gian triển lãm của Hà Lan

Viện Het Nieuwe cùng với KTS Afaina de Jong và nghệ sĩ Debra Solomon đặt câu hỏi tra vấn về phương pháp tường thuật chính thống và cấu trúc đô thị hiện hữu bằng cách đặt chúng đối lập với một cách hiểu mới về đô thị học tràn đầy nữ tính, bản địa, đa sắc tộc, đa giới tính, kỳ lạ và đa loài. Khủng hoảng về sinh thái, đô thị và xã hội ngày nay là kết quả của các hệ thống dựa trên sự bá quyền và được hiện thực hóa thông qua thiết kế. “Who is We?” ủng hộ các giá trị thiết kế thừa nhận sự đa dạng của con người và hơn-cả-con người để tạo ra một môi trường đô thị công bằng hơn.

Kết nối. Connected – Gian triển lãm của Đan Mạch

Sử dụng nước như một nguồn kết nối xã hội và con người

KTS Sơn Đặng/ Cornell University
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

The post Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào? appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3B3dIb5
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét