Sau 20 năm thành lập và phát triển (2003-2023), với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cùng với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quận Long Biên đã vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, đô thị văn minh theo hướng hiện đại, vùng đất đáng sống phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội.
Lời mở
Long Biên ra đời trên cơ sở chia tách huyện Gia Lâm. Quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Quận có diện tích 6.038ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Hiện nay: Dân số trên địa bàn Quận là 347.700 người (tăng 1,6 lần so với thời điểm thành lập); Đảng bộ Quận có 75 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 17.823 đảng viên (tăng 2,3 lần so với thời điểm thành lập).
Quận Long Biên có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây là đầu mối của các tuyến đường giao thông quan trọng gồm cả đường sắt, đường bộ, đường thủy nối liền với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc; có sân bay Gia Lâm, khu vực quân sự; nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đang phát triển sôi động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Long Biên có các khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài, nhiều công trình kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật, cơ quan, nhà máy, đơn vị sản xuất – kinh doanh của Trung ương và Thành phố (TP).
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy dân chủ, Đảng bộ Quận đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của TP; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương; đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quận Long Biên từng bước hướng tới đô thị Văn minh – Hiện đại – Đáng sống. Đảng bộ và Nhân dân quận Long Biên luôn ý thức sâu sắc về những giá trị truyền thống được các thế hệ đi trước tạo dựng, cũng như ý thức rõ về trách nhiệm phát huy những giá trị đó trong quá trình phát triển. Là một đơn vị hành chính nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, một vùng đất có lịch sử lâu đời và giàu tiềm năng phát triển, nhân dân Long Biên có truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo.
Những thành tựu nổi bật
a. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Đảng bộ Quận không ngừng lớn mạnh, số lượng đảng viên tăng trên 2,15 lần so với thời điểm thành lập Quận. Các cấp ủy từ Quận tới cơ sở luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 – CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng. Hệ thống chính trị từ Quận tới cơ sở được sắp xếp đồng bộ, cơ bản tinh gọn; đội ngũ cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm, luôn trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT được quan tâm, đẩy mạnh. Hằng năm Đảng bộ Quận luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
b. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, đạt được kết quả rõ nét như sau:
(1) Duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (từ 15-21%/năm) đảm bảo ổn định, bền vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm, dự kiến năm 2025 sẽ là 107 triệu/người/năm.
(2) Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, trong đó:
Thương mại Dịch vụ tăng nhanh, năm 2022, chiếm 73,4% tỷ trọng (mức tăng bình quân hằng năm tăng 60%); ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như: Trung tâm thương mại lớn, dịch vụ Logistic, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô.
Lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5% (mức tăng bình quân hằng năm tăng 21,8%). Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Quận.
Sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1% trong tổng cơ cấu; trong đó, Quận triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển dịch vụ – du lịch sinh thái.
(3) Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển trên địa bàn. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh với 10.152 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so năm 2004 (647 doanh nghiệp) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.
c. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại; tăng cường công tác quản lý về đất đai, môi trường và duy trì văn minh đô thị:
Đến năm 2022, Quận đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị; Quận đã triển khai 64 dự án từ quỹ đầu tư phát triển TP với tổng kinh phí 6.850 tỷ đồng; 928 dự án từ nguồn ngân sách Quận với tổng kinh phí 8.820 tỷ đồng. Ứng vốn ngân sách Quận thực hiện 27 dự án thuộc nhiệm vụ chi TP 3.829 tỷ đồng. Tạo điều kiện 157 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân luôn được coi trọng, cải thiện: Tỷ lệ cây xanh, hồ nước 8,5m2/người; 100% dân cư được sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày 100%; tỷ lệ chiếu sáng các tuyến đường, ngõ có mặt cắt trên 2m đạt 100%; tỷ lệ công trình xây dựng có giấy phép đạt trên 99%; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
d. Lĩnh vực Giáo dục, Văn hóa – Xã hội được Quận quan tâm triển khai sâu rộng, hiệu quả, gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Năm 2004 toàn Quận có 49 trường công lập, đến năm 2022 có 86 trường công lập, 40 trường ngoài công lập, 106 nhóm lớp mẫu giáo tư thục, 04 trường chất lượng cao công lập; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 86%. Tỷ lệ gia đình văn hoá hàng năm đạt trung bình 91,28%, tổ dân phố văn hóa đạt 76,9%. An sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo; đến nay không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 3,75%); hàng năm giới thiệu, giải quyết việc làm cho 5000-7000 người (năm 2022 là 9.383 lượt lao động, đạt 156,3 % KH TP giao). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được chú trọng; hệ thống các cơ sở chăm sóc y tế ngày càng phát triển, hiện đại; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid 19.
e. Công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng được quan tâm, đẩy mạnh; Quận chủ động triển khai các Đề án ứng dụng CNTT, hướng tới chuyển đổi số.
Quận luôn duy trì chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân trong nhóm các đơn vị dẫn đầu TP. Từ năm 2016, Quận đã chủ động xây dựng, triển khai các đề án ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% văn bản phục vụ công tác điều hành (trừ văn bản mật) đều được số hóa, xử lý trên phần mềm; triển khai nhiều mô hình cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tại Quận và các đơn vị (cơ quan điện tử, trường học điện tử, mô hình hoạt động bộ phận một cửa thân thiện gần dân, mô hình đổi mới nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư…) và triển khai đề án đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng. Giai đoạn 2021-2026, Quận tiếp tục xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ.
f. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo ổn định; Quốc phòng địa phương ngày càng được củng cố, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quận
Sau 20 năm xây dựng và phát triển với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, phát huy dân chủ, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Long Biên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2013, 2018). Đặc biệt tháng 10/2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân quận Long Biên lần thứ 3 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất. 07 năm được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc (các năm 2011, 2012, 2016, 2017, 2018, 2020, 2022), 10 năm được UBND TP Hà Nội tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua (liên tục từ năm 2005 đến năm 2010, năm 2013, 2015, 2019, 2021). Đảng bộ quận Long Biên được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” tiêu biểu 5 năm liền (giai đoạn 2015-2019). Trong suốt 20 năm qua, bên cạnh thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận, nhiều tập thể, cá nhân thuộc quận Long Biên đã được tặng thưởng nhiều cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, bộ ngành Trung ương và TP trong các phong trào thi đua.
Điểm hẹn an cư đáng mơ ước- vùng đất hiện đại đáng sống
“Vùng đất đáng sống”- Với định hướng phát triển bền vững, nơi người dân có điều kiện sinh sống làm việc và hưởng thụ các tiện ích thoải mái, chất lượng cao.
Như vậy, nói “Vùng đất đáng sống” là nói tới nơi có đời sống tinh thần phong phú nhân văn, người dân hạnh phúc, tôn trọng thiên nhiên, có trách nhiệm với hiện tại, quá khứ và tương lai… Trong đó, các yếu tố cần thiết để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, chủ yếu tập trung vào ba đặc trưng: Văn hóa, cảnh quan và quản trị.
Văn hóa: Long Biên là vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị qua các thời kỳ với những bản sắc riêng độc đáo. Những di tích trên địa bàn cùng với những công trình kiến trúc thể hiện sự hưng thịnh qua các thời kỳ lịch sử. Những tác phẩm điêu khắc, thể hiện khát vọng của con người trước đời sống sản xuất, tự nhiên đã phản ánh chân thực đời sống xã hội phong kiến đương thời ở di tích đình Tình Quang, Thanh Am. Trong mỗi di tích, mỗi nhân vật là biết bao câu chuyện, truyền thuyết… cùng các di vật cổ phần nào phản ánh những chặng mốc quan trọng lịch sử dân tộc: Bộ Tam thế ở chùa Hội Xá (Phúc Lợi), chùa Lệ Mật, bộ sưu tập các sắc phong, thần phả ở đình Thổ Khối, Mai Phúc. Những đồ gốm được chế tác cực kỳ tinh xảo với đôi chân đèn thời Mạc ở đình Mai Phúc, những bia đá với minh văn và họa tiết trang trí đặc biệt ở chùa Lệ Mật, quả chuông đồng thời Lê (1690) và thời Tây Sơn còn nguyên minh văn, không hề có vết tích đục đẽo… Đặc biệt, pho tượng đồng Trấn Vũ có trọng lượng lớn là kết tinh nghệ thuật đúc đồng của các nghệ nhân xưa…
Với lịch sử lâu đời, di sản văn hóa phong phú, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng bộ, Chính quyền, Nhân dân quận Long Biên. Trong giai đoạn 2003-2023, quận Long Biên đã đầu tư tu bổ, tôn tạo 83/87 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn quận bằng ngân sách của Quận cũng như huy động các nguồn xã hội hóa, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của các di tích, gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và kết hợp với những nét văn hóa đặc trưng riêng (như làng nghề truyền thống…) để tạo thành những điểm nhấn văn hóa thu hút phát triển kinh tế – du lịch của Quận cũng như của TP.
Đến với Long Biên là đến với miền đất của những con người yêu nước; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học, say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc…
Cảnh quan: Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quận Long Biên thuộc chuỗi các đô thị phía Bắc sông Hồng khu vực Long Biên – Gia Lâm, được định hướng phát triển là đô thị trung tâm dịch vụ chất lượng cao hỗ trợ công nghiệp vùng phía Đông thủ đô Hà Nội, trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng, trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Bám sát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quận Long Biên đã nỗ lực nâng cao chất lượng quy hoạch, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan trên địa bàn Quận văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử đã được cụ thể hoá bởi các Quy hoạch phân khu: Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21/11/2014; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), tỷ lệ 1/5000 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022, Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6) tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022. Quận Long Biên đã phủ kín bởi Quy hoạch phân khu đô thị. Đến nay, diện tích đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 khoảng 2645,03ha chiếm 65,87%. Đã phê duyệt 236 đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, 215 hồ sơ chỉ giới đường đỏ. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố văn minh đô thị được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; hệ thống cây xanh đô thị được tập trung đầu tư mạnh mẽ gắn với hệ thống công viên, hồ nước, tạo thành không gian xanh đô thị; các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng bước được xử lý triệt để. Đặc biệt, năm 2023, hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập, Quận phấn đấu hoàn thành 20 dự án chào mừng.
Cuối cùng, công tác quản lý đô thị luôn được chú trọng: Về giao thông, về xây dựng, về kinh tế – chính trị, về an sinh xã hội, về hành chính… Một đô thị thông minh không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó. Vì vậy, sự đánh giá này vừa cho biết mức độ vùng đất “đáng sống” hay “sống tốt” vừa phản ánh trình độ quản lý của chính quyền đô thị. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống còn là thước đo năng lực và trách nhiệm của chính quyền, của nhà quản lý. Cách thức và hiệu quả quản lý cũng là một biểu hiện của “văn minh, hiện đại” trên phương diện quản lý của chính quyền.
Một “vùng đất đáng sống” là khi cả ba yếu tố nói trên đều để lại dư âm tốt đẹp. Nó khiến người ta muốn đến, muốn lưu lại và muốn gắn bó trọn đời.
Thay cho lời kết
Thực tiễn 20 năm xây dựng và phát triển quận Long Biên đã để lại cho Đảng bộ Quận 3 bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: (1) Phát huy tiềm năng, lợi thế của Quận; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung. (2) Luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực hiệu quả; (3) Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chú trọng công tác vận động quần chúng, hướng về cơ sở. Những kết quả đạt được chính là động lực, là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ và là tiền đề quan trọng để Long Biên tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, trên một tầm cao mới, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống, địa linh nhân kiệt.
20 năm, một chặng đường không dài nhưng những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Long Biên đã đạt được thật đáng phấn khởi và tự hào. Những thành tựu đó là minh chứng sinh động cho tiềm năng và khát vọng vươn lên để Long Biên hiện thực hóa mục tiêu trở thành trở thành đô thị trung tâm phía Bắc của Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng Bền vững – Văn minh, Hiện đại, trở thành một vùng đất đáng sống.
Tạp chí kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
The post 20 năm xây dựng và phát triển quận Long Biên: Hiện đại – Đáng sống – Hướng đến tương lai appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/9u5UNWm
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét