Cầu Long Biên, kể từ khi hình thành ý tưởng, triển khai xây dựng, đã cùng Thăng Long – Hà Nội “kết giao” mặn nồng gần 1,5 thế kỷ. Trong dòng chảy lịch sử hơn bốn ngàn năm của non nước Việt Nam, về mặt thời gian, quãng đó không phải là dài. Tuy nhiên về mặt ý nghĩa phát triển xã hội, văn hóa lịch sử, cây cầu đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng và đặc sắc.
Có thể nhận thấy, sự thống trị của đế quốc Pháp gần 100 năm ở nước ta, bên cạnh những khía cạnh tiêu cực đã được rất nhiều phân tích, lý luận nêu đầy đủ và chính xác; đã có những khía cạnh đóng góp rất tích cực cho xã hội phát triển, kinh tế đổi thay, văn hóa tiến bộ. Cầu Long Biên chính là một dấu ấn đậm nét đại diện cho khía cạnh tích cực. Có thể tìm thấy những đóng góp tiến bộ này từ chiếc cầu lịch sử ở nhiều khía cạnh, trong đó nổi bật hơn có thể là từ đặc tính nguyên thể và đóng góp về mặt lịch sử, văn hóa xã hội.
Những đặc tính nguyên thể
- Thể loại đường sắt, ở cuối thế kỷ 19 là một phương thức vận chuyển, lưu thông hàng hóa, con người mang tính cách mạng, với hiệu suất vượt trội. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên được xây dựng hệ thống đường sắt vào năm 1881 (tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong xã hội và địa lý. Cầu Long Biên được xây dựng với mục tiêu chính để tạo dựng giao thông hiện đại ở Bắc Kỳ trong giai đoạn đầu này. Thực tế nhờ có cầu được xây dựng, tuyến đường sắt đã lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, được nối từ thủ phủ quan trọng nhất của xứ Đông Dương – TP Hà Nội đến nơi nhập và xuất hàng hóa thương mại quan trọng nhất cũng của xứ này – Cảng Hải Phòng. Đường sắt cũng tạo thành mạch giao thông thiết yếu, được nối từ đây đến biên giới đất liền quan trọng nhất – Trung Quốc.
- Cầu Long Biên được hình thành cũng là điểm chốt kết thúc đơn độc hình thức giao thương thô sơ, phụ thuộc thời tiết, kém an toàn, đã phổ cập từ ngàn đời của người Việt chúng ta trước mỗi dòng sông, đã thành câu cảm thán: “Qua sông thì phải lụy đò”. Với quy mô lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, chiếc cầu đã giải phóng phương thức giao thương truyền thống một cách rất căn bản, hiệu quả, kết nối 2 bờ thành thị và ngoại ô gần lại, để cùng thúc đẩy cả hai vùng phát triển. Chưa nói là hiệu quả phát triển này còn đóng góp không nhỏ đến toàn xứ.
- Là chiếc cầu bằng thép đầu tiên ở miền đất còn yên vị chế độ phong kiến, nơi mà sắt thép chủ yếu chỉ hữu ích cho việc rèn gươm đao để phục vụ chiến trận. Với khẩu độ bắc qua sông dài đến 2290m, có 19 nhịp dầm thép tổ hợp không gian, đặt trên 20 trụ cao hơn 40m bằng bê tông, cầu Long Biên trở thành một cuộc cách mạng về công nghệ nơi chốn, cũng là biểu tượng phát triển kỹ thuật bậc nhất của thế giới thời bấy giờ, trong việc sử dụng vật liệu và công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, có một minh chứng thuyết phục là cầu được kế thừa phần dàn thép chế tạo để xây dựng tháp Eiffel, một biểu tượng “chơi trội” về “phát triển đi trước văn minh loài người” của nước Pháp thời bấy giờ. Tháp Eiffel khi đó đã đánh động, làm bàng hoàng cả những nền đại công nghiệp tiến bộ nhất thế giới là Anh, Mỹ… Cho đến ngày nay, tháp Eiffel vẫn là một trong những niềm tự hào lớn nhất của nước Pháp trước toàn thế giới.
- Bản thân cầu Long Biên, khi xây dựng xong đã đạt kỷ lục thời bấy giờ là cầu dài thứ hai thế giới (sau cầu Brooklyn bắc qua sông East, New York được xây 1883). Đồng thời cây cầu cũng được xây dựng với kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới thời đó. Thời gian xây dựng ở khoảng ngắn như vậy so với quy mô công trình, cũng là một kỷ lục, mang thông điệp giáo dục, tìm hướng đổi thay cho nơi còn đè nặng cổ hủ, lạc hậu, bảo thủ, chủ quan. Cây cầu còn đóng vai trò như một biểu tượng nối giữa hai thế kỷ 18 và 19, tạo điều kiện cho xứ Đông Dương từ chế độ phong kiến toàn cục, chuyển sang hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, hình thành động lực quan trọng nhất đưa loài người phát triển vào giai đoạn hiện đại.
Về mặt văn hóa, có mấy điều cần làm luận thêm
- Tại sao người Pháp lại chọn không gian, thời gian và địa điểm này để “đầu tư” một sản phẩm có tầm vóc và chất lượng hiện đại bậc nhất thời bấy giờ, mà điều đó lại kế tục ngay sau việc đầu tư khai sáng ở cố quốc? – Ngoài lợi ích về kinh tế trong khai thác thuộc địa như nhiều học giả đã đề cập, chúng ta có thể thấy ở đây một sự đánh giá “Kính trọng” của người Pháp với xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. Họ đã tìm thấy những khả năng tiềm ẩn của vùng bản địa này, mà ngay chính chúng ta cũng không tự nhìn ra. Thực tế phát triển đến ngày nay càng chứng minh điều đó.
- Hình thái của công trình được lựa chọn cũng vậy, chắc không phải là vô tình gắn với hình tượng “Rồng”, một biểu tượng đúc kết đỉnh cao, đại diện cho tâm thức vượt khó, vươn bay đầy chí khí, hào hùng, tiềm tàng sức mạnh của người Việt. Phải chăng đó là sự tôn trọng tinh tế nền văn hóa bản địa – Điều mà chúng ta tìm thấy khá rõ ở kiến trúc ở Việt Nam giai đoạn này, được người Pháp thiết kế thành công với phong cách “xứ Đông Dương”.
- Khác với thể loại công trình xây dựng ở nước Pháp, thường là dạng ổn định, không đặt ra phương tính toán bổ sung, điều chỉnh về sau; Công trình cầu Long Biên được người Pháp chọn dạng thiết kế “mở”, tức là có khả năng nâng cấp, mở rộng ở một giới hạn kỹ thuật tùy thời điểm. Phải chăng đó cũng là một thâm ý của người Pháp khi nghiên cứu đặc trưng nền văn hóa Việt Nam: Cởi mở, tiếp biến và giàu khả năng linh hoạt, thích ứng trên tinh thần căn cơ.
- Một điều rất thú vị nữa là, Cầu Long Biên có hình dáng “kỹ thuật” tối ưu, vì ở đó áp dụng tạo hình đơn giản từ biểu đồ mô men chịu lực theo tính toán, nên hình ảnh kiến trúc cầu được phiên nguyên thể từ bản vẽ kết cấu của các nhà kỹ thuật. Nhưng cách áp dụng này lại tạo được hiệu ứng thị giác vô cùng sinh động. Chưa nói là điều đó còn tạo ra những hiệu ứng cảm nhận hình ảnh biến đổi theo cảm quan thị giác khi di chuyển dọc cầu. Đồng thời, còn tăng tính hấp dẫn bằng chính khuôn dạng được biến ảo bằng hệ dầm đan ngang, dọc, chéo. Tất cả góp phần tạo được hình ảnh Long Biên luôn mới, nếu ta đi dọc cầu thưởng ngoạn và check in từng vị trí bất kỳ. Về mặt Mỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận tổng thể cầu gắn với khung cảnh kề cận là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt không có giới hạn.
- Về mặt quy hoạch và tạo lập không gian đô thị: Cây cầu nằm ở một vị trí không thể hợp lý hơn trong quy hoạch đô thị Hà Nội giai đoạn đó. Đến hôm nay, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng theo chức năng cầu đóng vai trò kết nối giao thông hay chuyển chức năng, thì tuyến, hướng và vị trí của cầu vẫn hợp lý tuyệt đối, đó là điều rõ ràng. Cách tiếp cận thiết kế quy hoạch luôn gắn với cảm thụ không gian cảnh quan hài hòa của người Pháp, đã được vận dụng rất thành công trong trường hợp này. Do vậy hạng mục cầu, tuy là một công trình có chức năng giao thông, không đòi hỏi nhiều về thẩm mỹ, nhưng cách tạo phom dáng và kết nối hữu cơ của nó đã góp phần hình thành một không gian tuyệt đẹp, mọi góc cảm nhận đều mang lại ấn tượng hấp dẫn.
Giá trị gắn với phát triển lịch sử Hà Nội và dân tộc
Cầu Long Biên là nơi chứng kiến, với hình ảnh ấn tượng và ý nghĩa việc quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược, đô hộ nước ta trong gần 100 năm. Hình ảnh này đồng thời cũng mang tính biểu tượng cao chiến thắng vĩ đại của dân tộc trước chủ nghĩa thực dân.
Cầu đã là nơi chứng kiến bao cuộc “rời xa” Hà Nội theo chiến lược an toàn, bảo toàn lực lượng của các lực lượng vũ trang cách mạng, hẹn ngày “… kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” để dành chiến thắng khải hoàn.
Cầu không chỉ có nhiệm vụ quan trọng giúp nhân dân qua sông dễ dàng kịp thời thuận lợi mọi nơi, mọi lúc, mọi thời tiết. Cầu còn là chỗ dựa, huyết mạch vững chắc để những đoàn tàu, xe vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ hậu phương và chiến trường thời chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ mà cầu đóng vai trò là phương tiện qua sông bằng đường bộ duy nhất ở TP bên sông.
Cầu là nơi chứng kiến thăng trầm lịch sử của một giai đoạn hào hùng nhất của dân tộc, giai đoạn kháng chiến chống xâm lược của hai đế quốc, giai đoạn đầu dựng xây đất nước nhiều khó khăn. Cầu là một vật chứng thủy chung và son sắt với thủ đô văn hiến, trái tim của cả nước. Gắn chặt với ký ức hào hùng của con người và vùng đất địa linh nơi đây.
Cầu cũng là nơi minh chứng bằng cụ thể cho lòng dũng cảm vô song và quyết tâm sắt đá của người Việt Nam trong mọi cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dù bị bom đạn phá hỏng hơn 10 lần những trụ cầu, nhịp cầu, nhưng cầu những sự cố đều được khắc phục thần tốc, để đáp ứng yêu cầu liên tục phục vụ hoạt động cho con người và phương tiện, góp phần ổn định hậu phương và đồng ứng kịp thời, hiệu quả với tiền phương.
Cầu đã, đang và sẽ là nơi hò hẹn đôi lứa của biết bao thế hệ người Việt. Đó là những cuộc chia ly màu đỏ giữa người ở lại hậu phương và người ra tiền tuyến, người bám đất và người đi xa, để mỗi người đi xa luôn có đau đáu trở về. Cùng những hò hẹn của cả những đoàn thể, tổ chức, hội nhóm cùng chí hướng, trang lứa…
Về mặt kết nối, cầu đã luôn đóng một vai trò “nhịp cầu nối những bờ vui”, một “mạch máu chủ” trong “cơ thể” đời sống Hà Nội. Hơi thở và nhịp phách giao thoa ngày đêm ở đây là nguồn lực mạnh mẽ, lan tỏa năng lượng cho mỗi con người khi được qua đó, nhìn thấy, tưởng tượng về nó khi mỗi ngày sang.
Với nhiều người, từ xưa đến giờ, cầu đã trở thành người bạn tâm giao để thổ lộ thầm kín những tâm tình vui buồn, trong mọi thời điểm, góp phần để mỗi ngày mới sang tràn đầy năng lượng, mỗi khi chiều, tối về tan bớt mệt mỏi. Thậm chí, có “bão tố” trong lòng đến với cầu sẽ được nhiều xoa dịu an ủi.
Về mặt hình thái kiến trúc, cầu đã luôn gắn với niềm tự hào Thăng Long của người Hà Nội và cả Việt Nam. Hình ảnh những nhịp cầu mềm mại uyển chuyển gắn với cảnh quan sông nước Hồng Hà tạo nên một giá trị đặc sắc, quyến rũ, mà không nơi nào trên thế giới có được. Vẻ thanh lịch của cầu cũng là một điểm nhấn sáng trong bức tranh văn hiến đậm đà của Thủ đô.
Về mặt giá trị di sản, cầu Long Biên gánh trên mình những giá trị trầm sâu, lắng đọng, dày dặn và riêng biệt không thể có một di sản thứ hai nào thay thế. Mọi sự so sánh đều khập khiễng – Nhưng nếu như Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho ngàn năm văn hiến rực rỡ của dân tộc, thì cầu Long Biên cũng là một trong những chứng tích lịch sử xứng đáng đại diện cho thăng trầm lịch sử 100 năm của Hà Nội và Việt Nam. Giờ đây, chính những thanh sắt vô tri, dáng hình cũ kỹ… mà nhuốm đượm màu thời gian là thứ in dấu bâng khuâng, xao xuyến trong lòng người đương đại, tạo nên sức quyến rũ vi diệu cho du khách muôn phương khi được chạm tới và chiêm ngưỡng.
Giải pháp cho khu vực và cầu Long Biên trong Hà Nội phát triển mới
Bước đầu tiên cần nói là về mặt quy hoạch tổng thể: Chúng ta phải tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng (trước đây gọi là TP sông Hồng) kỹ càng, trong đó xác định Cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào.
Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực: Cần tôn trọng tối đa quy họach chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa. Tốt nhất ở đây nên lựa chọn là dạng không gian thiên về công viên xanh bao quanh, kết hợp tổ chức các không gian TP sáng tạo phù hợp theo hướng kết hoạt sôi động. Bản thân cầu cũng sẽ là một không gian sáng tạo của khu vực và TP, gắn kết hữu cơ và hoạt động nhịp nhàng trong dây chuyền không gian sáng tạo chung của khu vực.
Không xây dựng tuyến giao thông thay thế mới bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại (< 300m). Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản, càng giảm thiểu hiện diện hình càng tốt. Không tổ chức quy hoạch xây dựng công trình cao tầng quá gần cầu (trong phạm vi 500m).
Thay đổi hẳn chức năng cầu Long Biên hiện nay – Công nhận Cầu là một di sản kỹ thuật và văn hóa đô thị (vì như đã phân tích ở trên, đây là một công trình giao thông quý hiếm, độc đáo, đại diện đổi mới của công cuộc phát triển giao thông vận tải đường sắt, đường bộ kết nối được cả thời gian đến ba thế kỷ). Đồng thời, đó là một công trình gánh trên mình sứ mệnh lịch sử văn hóa dày dặn.
Phương cách ứng xử về phục chế bản thân cầu trong Quy hoạch – Kiến trúc mới của Hà Nội: Cần lựa chọn cách phục chế cơ bản giữ được nguyên trạng như thời kỳ cầu đã được xây dựng và khai thác hết chức năng của thời Pháp thuộc (trước năm 1950). Cách làm phục chế tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trùng tu, đặc biệt là hạn chế càng nhiều càng tốt can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết cũng không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích. Các thành phần thay thế bổ sung tuy phải giữ nghiêm kiểu cách, hình hài như cũ, nhưng phải được phân biệt rõ ràng với các thành phần nguyên gốc, tránh sự nhầm lẫn của các thế hệ sau (chẳng hạn dùng màu sắc, cốt liệu… để phân biệt).
Khai thác, sử dụng cầu sau phục chế: Thay đổi chức năng cầu, bằng cách tổ chức toàn bộ tuyến, vùng hẹp và bản thân cầu thành một không gian sáng tạo có khả năng chuyển đổi linh hoạt. Mọi thay đổi về nền, sàn, tường, mái nếu có trên cầu cần phải theo nguyên tắc “trong suốt”, nghĩa là không được ảnh hưởng để hình thái và cảm nhận về cầu mọi góc độ. Không gian trên cầu cần được đặc biệt chú trọng tổ chức khéo léo để tạo tốt hướng – tuyến chuyển động tham quan tương tác bằng loại hình bộ hành. Loại bỏ mọi giao thông cơ giới.
Khai thác cầu trong vị thế mới cũng cần lưu ý đến hiệu quả toàn diện, gắn liền với bảo tồn, phát huy. Có nghĩa là việc này đáp ứng được các định hướng và tiêu chuẩn cơ bản về yêu cầu đặt ra cho chương trình phát triển công nghiệp văn hóa, theo phương châm bảo tồn gắn với phát triển.
Lời tạm kết
Là gạch nối 3 thế kỷ trong lòng Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, cầu Long Biên cần được xác định ở vị trí xứng đáng là di sản đô thị quan trọng trong lòng TP mai sau. Khi mà ngày nay, cầu Long Biên đã trở thành một phần máu thịt của Hà Nội, một biểu trưng cuốn hút năm châu của Hà Nội, nơi biểu đạt linh hồn mang đậm những giá trị Lịch sử – Văn hóa – Xã hội và cả Nhân sinh. Quy hoạch, tôn tạo cầu Long Biên xứng đáng là một nhiệm vụ quan trọng của những người yêu Hà nội và của các cấp các ngành, các nhà chuyên môn và cộng đồng người dân.
Khi Hà Nội đã được định hướng quy hoạch mới, với mục tiêu xác định trục lõi là dòng sông Hồng Hà, có khu vực phát triển theo hướng sinh thái – công viên xanh chạy dọc hai bên dòng sông kết nối với các bãi giữa, thì cơ hội cho di sản cầu Long Biên được bảo tồn tôn tạo càng hiện thực hơn bao giờ hết. Việc đầu tư cho phục dựng và cải biến chức năng của cầu có lẽ cũng không cần và không nên mỏi mòn chờ đợi từ nguồn viện trợ – Vì nếu không còn tiếp tục sử dụng cầu với chức năng chính là kết nối giao thông cơ giới, thì định mức cho việc bảo tồn phát huy cũng sẽ giảm đáng kể. Từ đó tính khả thi, kể cả hình thức xã hội hóa, cũng sẽ có thể thực hiện một cách hài hòa và dễ dàng hơn. Về mặt quy hoạch kiến trúc cũng không nên kéo dài sự bàn thảo mà nên để các nhà chuyên môn có năng lực phù hợp và chuyên sâu bắt tay vào thực hiện cụ thể để làm cơ sở nền tảng.
TS KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
The post Cầu long biên: Bảo tồn để góp phần phát triển Hà Nội mới appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/G0xpVS9
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét