Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Vữa đắp hoa văn trang trí theo phương pháp truyền thống trong di tích kiến trúc vùng đồng bằng Bắc Bộ

Trong di tích, các mảng hoa văn, họa tiết bằng vữa đắp truyền thống như các trang trí trên bờ nóc, bờ chảy, ô hộc, lồng đèn của nghi môn, trụ biểu… hay các con vật mang tính biểu trưng như Long, Ly, Quy, Phụng… mang đậm những giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hoá, lịch sử. Các hoa văn trang trí này được làm từ một loại vữa được chế tạo từ các thành phần nguyên liệu có trong dân gian và được gọi là vữa truyền thống. Quá trình chế tạo vữa truyền thống trải qua nhiều bước với các yêu cầu riêng về nguyên liệu, dụng cụ và kỹ thuật phối trộn. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân, mỗi làng nghề khác nhau vữa truyền thống có sự khác nhau ít nhiều trong việc lựa chọn nguyên liệu và quá trình chế tạo. Nhưng nhìn chung, vữa truyền thống thường gồm các thành phần như: Vôi tuyết, mật mía, giấy bản, phụ gia và được phối trộn theo tỷ lệ thích hợp. Việc ghi chép, tổng hợp lại thành phần, các bước chế tạo vữa truyền thống giúp lưu giữ lại tinh hoa của cha ông xưa, góp phần vào việc trùng tu các di tích đảm bảo tính nguyên gốc và khoa học.

Quy trình làm vữa đắp truyền thống tại một số vùng qua lời kể của các nghệ nhân có sự khác nhau không nhiều và đều có những đặc điểm chung về nguyên vật liệu, dụng cụ và quy trình thực hiện.

Trang trí trên bờ nóc tại chùa Tây Phương làm bằng vữa đắp truyền thống

Nguyên liệu và vai trò của từng thành phần

Nguyên liệu chính của vữa đắp truyền thống bao gồm:

  • Vôi: Đá vôi (CaCO3) đem nung ở 9000C – 10000C thu được vôi sống CaO, đem hòa tan vôi sống vào nước thu được vôi tôi, vôi tôi có thành phần chính là Ca(OH)2, khi hoà tan vôi tôi vào nước thu được nước vôi tôi, tăng lượng vôi tôi lên và khuấy kĩ sẽ được một huyền phù màu trắng trông giống như sữa gọi là sữa vôi hay vôi tuyết. Để lắng vôi tuyết một thời gian, Ca(OH)2 kết tủa xuống thành khối nhão. Qua các phản ứng xảy ra trong quá trình tôi vôi, thì vôi tuyết sử dụng trong vữa cổ truyền ngoài thành phần chính là Ca(OH)2, còn chứa các tạp chất Ca(HCO3)2, CaCO3;
  • Giấy bản/ giấy dó: Giấy làm từ cây dó, theo quy trình truyền thống. Giấy đảm bảo độ dai, nhẹ và xốp. Theo các nghệ nhân nề ngõa, giấy bản là loại giấy thường được các nhà nho dùng để viết chữ có kích thước: 20 x 30cm, màu nâu nhạt. Việc sử dụng giấy trong vữa truyền thống có vai trò tạo mạng lưới bám dính của các chất vô cơ, tăng độ xốp, độ bền cho vữa, dễ tạo hình. Loại này rất phù hợp để đắp các họa tiết trang trí do dễ thao tác và trọng lượng nhẹ;
  • Mật mía: Mật mía là sản phẩm phụ của quá trình chế biến đường từ cây mía. Mật mía truyền thống được chế biến bằng phương pháp thủ công. Tùy độ chiết đường trong đó mà phân rỉ mật làm 3 loại: Rỉ mật loại A, B, C. Loại mật được dùng trong chế tạo vữa truyền thống là loại rỉ mật loại C. Đây là loại rỉ mật có độ nhớt nhỏ hơn độ nhớt dung dịch đường tinh khiết. Do vậy khi trộn mật mía vào vữa sẽ tạo độ dẻo cho vữa. Độ nhớt trong mật tăng hay giảm phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ, độ tinh khiết, sự khuấy trộn…
Nghê trên cột trụ biểu ở đền Quán Thánh, Hà Nội

Các axit hữu cơ trong mật mía chủ yếu là axit aconitic (C6H6O6), oxalic, gluconic là các axit có thể kết hợp với canxi tạo thành các chất kết tinh bền vững làm tăng quá trình kết tinh trong vữa truyền thống, đồng thời tạo được các liên kết trong hệ cấu trúc của vữa vôi. Phản ứng xảy ra giữa vôi và mật vừa làm tăng tính dẻo cho vôi, vừa đóng vai trò chất keo ngưng tụ trong quá trình đóng rắn, vừa tạo hợp chất kết tủa có cường độ cao. Đây là điểm mấu chốt giải thích việc dùng mật mía trong vữa cổ truyền, và cũng là lý do mà vữa truyền thống có cường độ cao hơn so với vữa bata thông thường không dùng mật mía.

  • Phụ gia: Phụ gia sử dụng trong vữa truyền thống thường là muối hạt. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân chúng tôi phỏng vấn thì dùng thêm muối ăn trong vữa làm tăng khả năng chống thấm cho vữa. Đây là một kinh nghiệm quý báu của các nghệ nhân nề ngõa. Ngoài ra, muối ăn trộn vào vữa còn tác dụng chống nồm ẩm cho vật liệu.

Dụng cụ

  • Rây lọc: Dùng loại rây mắt nhỏ để lọc vôi. Quá trình rây giúp loại bỏ các tạp chất có trong vôi sau khi tôi;
  • Cối đá: Làm bằng đá xanh, dùng để giã hỗn hợp vôi tôi, giấy bản/ giấy dó, mật mía…;
  • Chổi tre: Các cật tre được vót nhọn một đầu, bó thành bó để đâm lên giấy bản/ giấy dó để đảm bảo độ thấm vôi.

Các bước làm vữa đắp truyền thống

  • Bước 1: Lọc vôi: Vôi sau khi tôi được lọc qua rây mắt nhỏ thành dạng váng. Vôi sau khi lọc mịn và không có tạp chất thì đạt yêu cầu;
  • Bước 2: Rải giấy bản/ giấy dó: Giấy bản được phủ đều lên lớp vôi, cứ một lớp vôi thì phủ một lớp giấy. Tỷ lệ giữa vôi và giấy bản khoảng 10kg vôi và 1-1,5kg giấy. Sau khi rải xong, dùng chổi tre đâm đều lên bề mặt giấy bản sao cho giấy thấm đều vôi rây. Quá trình được thực hiện nhiều lần cho đến khi hỗn hợp giấy và vôi quyện đều và có độ khô nhất định;
  • Bước 3: Trộn muối và giã hỗn hợp: Sau khi hỗn hợp khô thì trộn thêm muối, lượng muối khoảng 0,5-1% lượng vôi giấy, sau đó bắt đầu giã. Khi hỗn hợp có độ nhuyễn, dẻo thì ngừng giã sau đó đem hỗn hợp ủ từ 5 đến 7 ngày tuỳ theo thời tiết đến khi hỗn hợp khô dẻo thì trộn thêm mật mía;
  • Bước 4: Trộn mật mía: Sau khi hỗn hợp vôi giấy khô dẻo không dính tay thì trộn thêm mật mía. Mật mía có tác dụng đóng rắn hỗn hợp vôi giấy, hàm lượng vôi giấy: Mật mía khoảng 10:2 hoặc 10:1, giã đều là có thể sử dụng được.

Hỗn hợp vữa sau khi giã dùng để đắp hoạ tiết hoa văn trang trí tại các di tích

Cho hỗn hợp vào cối, thêm muối và giã
Giã hỗn hợp
Giã hỗn hợp sau khi thêm mật mía
Hỗn hợp vữa sau khi giã

Lời kết

Vữa đắp truyền thống là một vật liệu đòi hỏi sự khắt khe trong từng công đoạn chế tạo. Từ việc chọn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu đến các bước thực hiện phối trộn. Trong đó, tỷ lệ các thành phần nguyên liệu rất quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính chất của vữa và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạ tiết hoa văn trang trí tại di tích. Ngày nay, quy trình làm vữa đắp truyền thống đang ngày càng mai một. Vữa đắp sử dụng trong các di tích nhiều khi không còn là vữa cổ truyền mà thay bằng vữa xi măng do sự đơn giản của quy trình và nguồn nguyên liệu phổ biến.

Do đó, việc tìm hiểu, ghi chép và nghiên cứu vữa đắp trang trí theo phương pháp truyền thống này góp phần lưu giữ nghề truyền thống, bảo tồn tính nguyên gốc cho di tích trên cơ sở vật liệu giúp vật liệu cũ và vật liệu mới tương đồng trong quá trình trùng tu di tích.

ThS. Nguyễn Thị Hà – ThS.Vũ Thị My
ThS. Đoàn Thị Hồng Minh – ThS. Phạm Mạnh Cường
Viện Bảo tồn di tích
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Ngô Văn Ban, Võ Triều Dương – “Hợp chất vữa vôi trong việc xây dựng xưa” – Tạp chí Ninh hòa ngày nay, số 1, 2014;
2. Trương Minh Hằng – “Làng nghề truyền thống với việc bảo tồn các giá trị văn hóa nghề” – Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, năm 2006;
3. Nguyễn Trọng Oánh – “Sưu tầm, nghiên cứu và ứng dụng vữa cổ truyền vào tu bổ phục hồi di tích” – Viện Bảo tồn di tích, 2006;
4. Uông Hồng Sơn, Trần Minh Đức – “Nghiên cứu vữa cổ phục vụ trùng tu di tích (Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học 1994 – 1998)” – Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, Hà Nội, 1998;
5. Đỗ Hữu Triết – “Kết quả bước đầu thí nghiệm vữa vôi truyền thống (Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ bảo quản công trình di tích Huế (1993 – 2002)” – Tập 1, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, 2002.

The post Vữa đắp hoa văn trang trí theo phương pháp truyền thống trong di tích kiến trúc vùng đồng bằng Bắc Bộ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3BMuAvm
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét