Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Lý thuyết giải quyết các vấn đề sáng tạo triz và kiến trúc

Lịch sử ra đời của TRIZ

Genrikn Altshuller (1926-1996). Nguồn Altshuller Institute for TRIZ industries

Năm 1946, Genrikh Altshuller (1926-1996), một nhân viên trẻ làm việc tại văn phòng đăng kí sáng chế của Hải quân Liên Xô, nhận thấy dường như có một số điểm chung trong các sáng chế mà ông đang nghiên cứu. Đó là sự xuất hiện của những mô hình giải quyết vấn đề tương tự lẫn nhau, nhưng được ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau hoặc giải pháp khác nhau. Từ đó, ông tập trung nghiên cứu về lý thuyết về mô hình sáng tạo chung của nhân loại và cho ra đời Lý thuyết giải quyết các vấn đề mang tính sáng tạo-TRIZ (теория решения изобретательских задач). Mặc dù được ra đời để dành cho các vấn đề kĩ thuật, nhưng với sức mạnh đặc và tính logic thực dụng của TRIZ, việc ứng dụng lý thuyết này đã mở rộng và phát triển ra cả vấn đề thuộc lĩnh vực phi kĩ thuật như kinh doanh, dịch vụ và quản lý doanh nghiệp. TRIZ cũng đã được nghiên cứu ứng dụng trong giảng dạy và thực hành kiến trúc trên thế giới từ cuối những năm 1990. Bài báo này muốn giới thiệu TRIZ, những ưu điểm nổi bật cũng như những hạn chế trong việc ứng dụng TRIZ lĩnh vực giảng dạy và thực hành kiến trúc.

Bảng 1: 40 nguyên tắc tiêu chuẩn chung mang tính sáng tạo của TRIZ.

Phương pháp tư duy của TRIZ

Trước đó, các giải pháp tư duy truyền thống như nỗ lực để giải quyết vấn đề thường khởi đầu với việc phóng chiếu mãnh liệt các ý tưởng liên quan như trong trường hợp phương pháp Thử sai (trial-and-error) từ cổ xưa hoặc phương pháp Vận động não (brainstorming) của Alex Osborn. Thậm chí là tư duy ngược, phi-logic như phương pháp Tư duy ngoại biên (latteral thinking) của Edward de Bono hoặc tư duy đồng bộ (Synectic) của William Gordon (Schramm, 2018). Người thiết kế “bám đuổi” một vài ý tưởng. Và rồi khoảnh khắc sáng tạo dường như đột nhiên hiện ra khi vấn đề được giải quyết (!). Altshuller muốn tối ưu hoá quy trình này. Ông muốn người sáng tạo nhìn và tìm kiếm vào chỗ mà sự sáng tạo nhiều khả năng sẽ diễn ra: đó là các mâu thuẫn hoặc xung đột trong vấn đề cần giải quyết. Giải pháp sáng tạo, trong lý thuyết TRIZ, chỉ đơn giản là khi nó giải quyết triệt để được những xung đột hoặc mâu thuẫn hiện hữu của vấn đề, nhằm để đạt được tối đa hiệu quả tích cực, và hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực (Haines-Gadd, 2016; Orloff, 2017). Lý thuyết TRIZ bắt nguồn từ một luận điểm cơ bản và vô cùng đơn giản khi cho rằng tất cả các vấn đề khó khăn đều đã từng được con người giải quyết một cách nào đó tài tình và hiệu quả. Altshuller cho rằng “Trong bất kì trường hợp nào, kể cả những tình huống vô vọng, luôn luôn có thể tìm ra một giải pháp mới. Luôn có cái gì đó được sáng tạo ra, cực kỳ đơn giản và tuyệt vời đến kinh ngạc” (Alʹtšuller, 2004, p. 4). Sau khi nghiên cứu khoảng chừng 50.000 bằng sáng chế trong lịch sử nhân loại ở thời điểm năm 1946, những người tiên phong của TRIZ đã rút ra được 40 nguyên tắc chung trong các việc giải quyết các xung đột (Cathain, 2001; Haines-Gadd, 2016; Labuda, 2015). Với quan điểm “Đứng trên vai người khổng lồ”, Altshuller cho rằng, cách hiệu quả nhất và thực dụng nhất là tìm cách vận dụng lại những mô hình/nguyên tắc giải quyết vấn đề tiêu chuẩn vào trong những trường hợp cụ thể.

TRIZ sử dụng hai cách tiếp cận căn bản để xác định và giải quyết vấn đề: đó là tư duy hệ thống và tư duy trừu tượng. Với tư duy hệ thống, theo Altschuller, tất cả các vấn đề kỹ thuật đều có hệ cơ cấu và sự tiến hoá tương tự như một cơ thể sống. Vì vậy, luôn có mối liên hệ tương tác qua lại giữa các bộ phận trong hệ thống với nhau. Việc tác động vào một bộ phận bất kì của hệ thống sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lên một bộ phận khác (Alʹtšuller, 2004). Tư duy hệ thống này rất gần với kiến trúc ở nhiều cấp độ. Từ khái niệm “concinnitas” trong lý thuyết kiến trúc thời Phục Hưng của Alberti với công trình như thực thể sống, cho đến kiến trúc Hữu cơ về mối quan hệ chặt chẽ của giữa kiến trúc, không gian và bối cảnh của Frank Lloyd Wright sau này. Với tư duy trừu tượng, trong lý thuyết TRIZ, các vấn đề cụ thể hoặc nhiều giải pháp/ý tưởng khác nhau trong thực tế đều là những biến thể khác nhau của một hoặc một vài những vấn đề chung hoặc giải pháp/khái niệm chung nào đó (Haines-Gadd, 2016). Ví dụ, các ý tưởng “mở cửa sổ trên tường”, “xây tường bằng gạch hoa gió” thậm chí “không xây tường” là những biến thể cụ thể hoặc biểu hiện riêng của vấn đề/khái niệm chung là “Thông gió xuyên mặt phẳng”. Trong khi “làm một bức tường kính trong suốt” là không nằm trong vấn đề chung này. Lối tư duy này cho phép người sáng tạo/thiết kế có cái nhìn linh hoạt và rộng mở, có thể nhìn thấy giải pháp/ý tưởng vượt ra khỏi những tiền lệ thông thường.

Bên cạnh đó, TRIZ có bốn khái niệm trụ cột là Mâu thuẫn, Lý tưởng, Chức năng và Tối ưu nguồn lực. Chính các khái niệm này tạo nên sự khác biệt giữa TRIZ và các phương pháp giải quyết mang tính sáng tạo khác. Mann (2001) nhận xét, bốn khái niệm này đã làm thay đổi hệ hình tư duy (paradigm shift) về sáng tạo của TRIZ.

  • Mâu thuẫn: Đây được coi là khái niệm quan trọng nhất của TRIZ nhằm xác định và giải quyết các vấn đề của một hệ thống. Theo đó, mâu thuẫn là đặc trưng nội tại của một bất kì một hệ thống này, nhưng hiếm khi được nhận ra trong quá trình thiết kế.
  • Lý tưởng: TRIZ nhấn mạnh rằng luôn tồn tại một hệ thống lí tưởng, tốt hơn và hoàn thiện hơn trạng thái hiện trạng của nó. Nói cách khác, một hệ thống luôn tiến hoá thông qua việc xoá bỏ mâu thuẫn hiện trạng.
  • Chức năng: Mỗi hệ thống đều có một chức năng hữu ích chính. TRIZ cho rằng bất kì thành phần nào không góp phần hoàn thiện chức năng này đều được xem là có hại. Nghiên cứu chức năng phép xác định những mâu thuẫn của hệ thống. Quan trọng hơn, đáp ứng một chức năng có thể là mục đích chung của nhiều chuyên ngành/hoạt động khác nhau. Ví dụ như thang máy và đường dốc đều là giải pháp cụ thể để đạt một chức năng chung là “di chuyển theo chiều cao”. Cùng với tư duy trừu tượng, khái niệm “chức năng” của TRIZ sẽ cho phép các vận dụng linh hoạt những giải pháp từ những chuyên ngành khác nhau vào một phạm vi hẹp.
  • Tối ưu tài nguyên: Tài nguyên của hệ thống, trong TRIZ là tất cả những gì chưa được hệ thống đó sử dụng. Từ đó, TRIZ đòi hỏi sử dụng tối đa tất cả những tài nguyên đó để phát huy cao nhất những tiềm năng của hệ thống.
Quy trình và đặc điểm của giải quyết vấn đề trong TRIZ
  • Bước 1: Mỗi khi gặp phải một vấn đề cụ thể cần giải quyết trong thực tế, chúng ta cần nhận diện chính xác các vấn đề xung đột đang diễn ra. Lý thuyết TRIZ đặc biệt nhấn mạnh bước này vì nếu chúng ta nhận diện sai vấn đề cần giải quyết, sẽ dẫn đến đưa ra kết quả sai, cho dù giải pháp đúng. Theo đó, khi có vấn đề cần giải quyết, sẽ có hai dạng xung đột xảy ra (Alʹtšuller, 2004; Haines-Gadd, 2016):

Các mâu thuẫn kĩ thuật khi ta tác động vào một bộ phận thì một bộ phận khác của hệ thống sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực. Nhiệm vụ của người thiết kế/sáng tạo lúc đó sẽ là tối đa tích cực và xoá bỏ tiêu cực để đạt đến trạng thái lí tưởng cao hơn. Ví dụ mở rộng diện tích thông tầng sẽ làm giảm diện tích sử dụng của tầng nhà tương ứng.

Các mâu thuẫn vật lý khi chúng ta muốn các chức năng đối lập ở cùng một đối tượng. Ví dụ một căn phòng vừa to để chứa được nhiều đồ, và vừa nhỏ để không chiếm quá nhiều diện tích.

  • Bước 2: Xác định bản chất chung, phía sau của những xung đột đang gặp phải, bằng việc khái quát hoá những tình huống cụ thể trong thực tế thành những vấn đề tiêu chuẩn đã được TRIZ tổng hợp, được đúc rút từ những cách giải quyết sáng tạo trước đó của nhân loại.

Với mâu thuẫn kỹ thuật, TRIZ sử dụng 39 tham số xung đột có ảnh hưởng tốt lên hoặc xấu đi (Haines-Gadd, 2016). Theo đó với mâu thuẫn kỹ thuật đang cần giải quyết là biểu hiện tích cực/tiêu cực của một hoặc nhiều tham số xung đột. Ví dụ “diện tích thông tầng” là biểu hiện của tích cực tham số “Diện tích của đối tượng tĩnh” trong khi “giảm diện tích sử dụng” sẽ tương ứng tiêu cực với tham số “Năng suất”.

Với mâu thuẫn vật lý, người thiết kế/sáng tạo phải phân tích xem các đòi hỏi mâu thuẫn đó thật sự diễn ra vào những hoàn cảnh nào. Từ đó, TRIZ đề xuất phân tách theo Thời gian (cần lúc nào) / Không gian (cần ở chỗ nào) / Điều kiện (cần yêu cầu gì) / Hệ thống (cần ở cấp độ nào) để đối tượng thiết kế có thể đáp ứng được từng chức năng theo những hoàn cảnh tương ứng (Haines-Gadd, 2016). Ví dụ trong căn phòng chứa đồ có thể không chiếm toàn bộ thời gian trong ngày hoặc không nhất định chứa đồ trong cùng một không gian.

Bảng 2: Danh mục các tham số xung đột tích cực hoặc tiêu cực
  • Bước 3: Sau khi xác định các vấn đề tiêu chuẩn nằm sau các mâu thuẫn cần giải quyết, TRIZ đi đến các giải pháp tiêu chuẩn bằng cách nhìn vào “nhìn” vào 40 nguyên tắc/khái niệm giải quyết tiêu chuẩn trong lịch sử sáng tạo của nhân loại.

Đối với các mâu thuẫn kỹ thuật, TRIZ đưa ra bảng Ma trận mâu thuẫn với mỗi xung đột trong đó được gợi ý một hoặc nhiều nguyên tắc giải quyết tiêu chuẩn. Ví dụ trong trường hợp của giải pháp mở rộng thông tầng, TRIZ gợi ý giải quyết mâu thuẫn giữa tham số 6 (diện tích đối tượng) và tham số 39 (Năng suất) bằng các nguyên tắc 10 (Hành động trước), 15 (Linh hoạt), 7 (Lồng ghép), 17 (Khía cạnh khác).

Đối với các mâu thuẫn vật lý, TRIZ cũng sửa dụng 40 Nguyên tắc/khái niệm sáng tạo tiêu chuẩn trên theo yêu cầu phân tách theo Thời gian/Không gian/Điều kiện hoặc Hệ thống.

  • Bước 4: Đây là bước thể hiện sự hiểu biết và kiến thức của cá nhân người thiết kế/sáng tạo trước các thách thức thực tế. Ở bước này, người thiết kế/sáng tạo chuyển từ thế giới trừu tượng của các khái niệm chung sang thế giới hiện thực với các giải pháp cụ thể . Từ 40 nguyên tắc/khái niệm tiêu chuẩn lý thuyết vốn áp dụng cho tất cả các lĩnh vực khác nhau, người thiết kế cần chuyển hoá thành giải pháp cụ thể trong chuyên ngành/tình huống cá biệt của mình. Ví dụ với nguyên tắc số 15 (linh hoạt: phân chia một đối tượng thành những phần nhỏ có thể chuyển động linh hoạt với nhau) người thiết kế có thể đưa ra hệ lưới để giải quyết để giải quyết mâu thuẫn giữa thông tầng và diện tích sử dụng.
Bảng 3: Ma trận phân tách của mâu thuẫn vật lý

Ứng dụng TRIZ trong kiến trúc

Việc khai triển và ứng dụng các nguyên tắc sáng tạo của TRIZ đã được áp dụng trong kiến trúc từ những năm 1990. Một ví dụ nổi bật của ứng dụng TRIZ trong thực hành là sử dụng tư duy TRIZ đưa ra phương án giao thông cho dự án cải tạo mái vòm nhà quốc hội Đức của Norman Foster (Orloff, 2017).

Phần lớn các nghiên cứu tập trung vào vận dụng sức mạnh của TRIZ để xác định mâu thuẫn ở khía cạnh kĩ thuật của dự án, như công cụ Ma trận mâu thuẫn (Kiatake & Petreche, 2012; D. Mann & Catháin, 2005; Najari et al., 2015) và phát triển 40 nguyên tắc sáng tạo trong kiến trúc (Cathain, 2001; Labuda, 2015). Ở Việt Nam, tác giả Nguyên Hạnh Nguyên cũng nghiên cứu các nguyên tắc sáng tạo của TRIZ dưới tên Phương pháp sáng tạo ứng dụng trong ngành thiết kế và kiến trúc (CADA).

Lưới với thông tầng của King Bill / Austin Maynard Architects. Lưu ý, hình ảnh này chỉ mang tính chất minh hoạ, bài không khẳng định King Bill / Austin Maynard Architects sử dụng tư duy TRIZ để đưa ra giải pháp. Nguồn Archdaily.
Sơ đồ đường dốc đôi của mái vòm nhà quốc hội Đức. Nguồn: ABC-TRIZ

Nhìn chung, khả năng ứng dụng của TRIZ có thể ứng dụng vào kiến trúc ở một số điểm:

  • Tính lý tưởng: Tiêu chí này có thể được áp dụng khi thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, nhằm tối đa hóa chức năng đồng thời giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và tác động đến môi trường.
  • Mâu thuẫn: Giúp người thiết kế tập trung và giải quyết vào những vấn đề cốt lõi của dự án thông qua xác định những mâu thuẫn. Trong đào tạo, theo quan sát cá nhân của tác giả, khi sinh viên chưa đủ các kĩ năng tìm ý và phát triển giải pháp kiến trúc, dễ dẫn đến hiện tượng “lan man” hoặc ngợp trong các ý tưởng. Từ đó việc nhận diện được mâu thuẫn trong đồ án thiết kế sẽ giúp sinh viên tập trung hơn, bình tĩnh hơn trong việc xác định ý tưởng trọng tâm cho đồ án của mình.
  • Các nguyên tắc sáng tạo: Bộ 40 nguyên tắc sáng tạo có thể được sử dụng để kích thích trí tưởng tượng và tạo ra các giải pháp kiến trúc đột phá, giúp kiến trúc sư vượt qua các thách thức và tạo ra các cấu trúc độc đáo, hiệu quả và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, trong đào tạo, việc phân tích các công trình kiến trúc trong lịch sử dưới góc nhìn của TRIZ sẽ cung cấp nguồn dữ liệu sáng tạo và gợi cảm hứng cho các kiến trúc sư tương lai.
  • Tư duy hệ thống: Như đã trình bày ở trên, điều này rất gần với tính toàn thể của kiến trúc. TRIZ khuyến khích cách tiếp cận đổi mới có hệ thống bằng cách phân tích các thành phần của hệ thống và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Điều này cho phép người thiết kế tập trung vào vấn đề trọng tâm, trong lúc vẫn giữ được cái nhìn tổng quát của toàn dự án.
  • Thiết kế hướng chức năng: Thông qua việc đẩy mức độ lý tưởng của công trình, TRIZ cho phép người thiết kế “nhìn” vào vấn đề thực chất, và chức năng cốt lõi của dự án. Từ đó, khuyến khích kiến trúc sư khám phá những giải pháp khác nhau để giải quyết về đó một cách hiệu quả.

Bằng cách tích hợp các nguyên tắc TRIZ vào thực tiễn hành nghề kiến trúc, các KTS có thể nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, kích thích sự sáng tạo và phát triển các thiết kế sáng tạo, bền vững. Các công cụ của TRIZ có thể giúp các KTS vượt qua các thách thức thiết kế, cải thiện hiệu quả và hiệu suất của các công trình, trong khi đảm bảo tính thực dụng và khả năng song hành cùng sự phát triển của công nghệ hiện đại.

Giới hạn của TRIZ trong kiến trúc

Bên cạnh những lợi ích to lớn về phương thức tư duy chiến lược cũng như tính thực dụng và linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề, thì TRIZ không phải là một bộ công cụ vạn năng mà có thể áp dụng để đem lại hiệu quả chắc chắn trong kiến trúc.

TRIZ có thể giúp phát triển sản phẩm kiến trúc, giúp người thiết kế có được tư duy tổng quát, toàn thể cũng như khả năng phát hiện vấn đề xung đột, đặc biệt là bảng Ma trận xung đột, công cụ mạnh mẽ nhất của TRIZ (Kiatake & Petreche, 2012; D. Mann & Catháin, 2005; Najari et al., 2015). Nhưng theo Mann (D. Mann & Catháin, 2005), trong khi bảng dự án kiến trúc này thì có thể chỉ ra rất chính xác vấn đề, các nguyên tắc sáng tạo được gợi ý không hẳn phù hợp với bối cảnh thực tế của dự án. Ông cho rằng sẽ còn phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu để có thể khớp giữa 2 hệ hình tư duy kỹ thuật và tư duy kiến trúc.

Tiêu chí sáng tạo của TRIZ chính là giải quyết xung đột và phức tạp, để đạt đến tính hiệu quả và Lý tưởng của sản phẩm kiến trúc. Đây cũng là những mong ước của kiến trúc Hiện đại đầu thế kỉ 20. Nhưng chúng ta đều biết kiến trúc Hậu hiện đại đã phản ứng mãnh liệt như thế nào với sự rõ ràng, minh bạch và logic của kiến trúc Hiện đại. Như Venturi, một trong những nhà tiên phong của Kiến trúc Hậu hiện đại, người nhiệt thành ủng hộ cho sự Phức tạp và Mâu thuẫn trong kiến trúc – “Tôi cổ vũ sự phong phú của ý nghĩa hơn là sự rõ ràng của ý nghĩa, của những chức năng ẩn ngầm hơn là chức năng minh bạch. Tôi thích từ “cả-và” hơn “hoặc (cái này)-hoặc (cái kia)”, đen và trắng, thậm chí là xám hơn là trắng hoặc đen” (Venturi, 1977, p. 16). Trong khi cách tiếp cận triệt để của TRIZ thường tập trung vào việc tối đa hóa các chức năng riêng lẻ, có thể bỏ qua bản chất tổng thể của thiết kế kiến trúc.

Các khái niệm trụ cột của TRIZ cũng tiềm ẩn những tranh cãi. Trên thực tế, kiến trúc là một dự án hợp tác của nhiều bên, chịu ảnh hưởng từ nhiều tác động bên ngoài. Các vấn đề về tâm lý, văn hoá và xã hội đặt ra những thách thức thực sự cho việc áp dụng TRIZ trong kiến trúc. Các bên liên quan khác nhau có thể có những quan điểm trái ngược nhau về những yếu tố cấu thành chức năng tối ưu, khiến việc áp dụng các nguyên tắc TRIZ sẽ gặp khó khăn. Các đặc thù sáng tạo, yếu tố nghệ thuật, tính hàm nghĩa và biểu nghĩa của kiến trúc khiến cho khái niệm lý tưởng mang ảnh hưởng chủ quan (Nazidizaji et al., 2015). Làm sao chúng ta có thể so sánh cụ thể mức độ lí tưởng giữa 2 giải pháp kiến trúc, khi nó phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận của con người và thời đại xã hội. Trong TRIZ, các bộ phận trong hệ thống có tương tác lẫn nhau hai chiều, thì trong kiến trúc, các bộ phận trong hệ thống lấy con người làm trung tâm và sự tương tác là có phần bất cân xứng và mập mờ. Shen et al (2019) đề xuất mô hình Nghiên cứu Con người (Human-field Analysis) cho kiến trúc thay thế cho mô hình Nghiên cứu thực chất (Su-field analysis) của TRIZ. Tuy nhiên, tác giả cũng thừa nhận điều này không dễ dàng: con người là hệ thống phức tạp nhất trong vũ trụ.

Bên cạnh đó, phương pháp phân tích và đối chiếu giải pháp tiêu chuẩn của TRIZ có thể không thể bao hàm trọng bạn đặc điểm “độc bản” của sản phẩm kiến trúc. Trong khi TRIZ vốn được sáng tạo ra cho các ngành công nghiệp với sản phẩm hàng loạt, thì mỗi giải pháp kiến trúc thực sự cho mỗi một khách hàng là độc nhất, không thể tìm thấy được ở chỗ khác (Kiatake & Petreche, 2012). Kiến trúc bắt nguồn sâu sắc từ văn hóa địa phương, bối cảnh và các yếu tố cụ thể của địa điểm. Áp dụng TRIZ mà không quan tâm đúng mức đến các yếu tố này có thể dẫn đến các thiết kế chung chung hoặc rời rạc, không phù hợp với người sử dụng và môi trường vật chất và tinh thần.

Kết luận

Mặc dù có những hạn chế, nhưng những điều đó không thể trên không phủ nhận những lợi ích to lớn của của TRIZ trong ngành kiến trúc. Chúng ta cần nhận ra được những thách thức và hạn chế có thể phát sinh khi áp dụng các nguyên tắc TRIZ trong một lĩnh vực phức tạp, đa dạng như kiến trúc. Để vượt qua những thách thức này, một cách tiếp cận cân bằng tích hợp các nguyên tắc TRIZ với các phương pháp tư duy thiết kế khác, để có thể phù hợp hơn trong thực hành và đào tạo kiến trúc. Trong kiến trúc, không một phương pháp tư duy hay công thức thiết kế nào là hoàn hảo, toàn diện để có thể chắc chắn đem lại sự SÁNG TẠO cho tác phẩm kiến trúc. Và là kiến trúc sư, hẳn chúng ta cũng không muốn có được phương pháp hay công thức đó, vì nó sẽ tước đi sự vĩ đại và thần diệu của trong thế giới tinh thần của con người.

Nguyễn Mạnh Trí
Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc – Đại học Xây dựng Hà Nội


Tài liệu tham khảo.

  • Altšuller, G. S. (2004). And suddenly the inventor appeared: TRIZ, the theory of inventive problem solving (L. Shulyak, Ed.; 7. print). Technical Innovation Center.
  • Cathain, C. O. (2001). 40 Inventive (Architecture) Principles With Examples.
  • Haines-Gadd, L. (2016). TRIZ for dummies. John Wiley & Sons, Ltd.
  • Kiatake, M., & Petreche, J. R. D. (2012). A case study on the application of the theory of inventive problem solving in architecture. Architectural Engineering and Design – Management, 8(2), 90–102. https://ift.tt/BFymbRa
  • Labuda, I. (2015). Possibilities of Applying TRIZ Methodology Elements (the 40 Inventive Principles) in the Process of Architectural Design. Procedia Engineering, 131, 476–499. https://ift.tt/m9KDQMp
  • Mann, D., & Catháin, C. Ó. (2005). Using TRIZ in Architecture: First Steps. The Triz Journal. https://ift.tt/GPxLpHn
  • Mann, D. L., & Cathain, C. C. (2001). Computer-based TRIZ – Systematic Innovation Methods for Architecture. Computer Aided Architectural Design Futures 2001 Proceedings of the Ninth International Conference, 561–575. https://ift.tt/FC6oaG5
  • Najari, A., Barth, M., & Sonntag, M. (2015). A Novel Approach to Architectural Problem Space Framing Using TRIZ- Based Contradiction Approach. Procedia Engineering, 131, 1002–1010. https://ift.tt/6nwHh1j
  • Nazidizaji, S., Tome, A., & Regateiro, F. (2015). Investigation about the Feasibility and Impediments of TRIZ Application in Architectural Design Process. Procedia Engineering, 131, 651–660. https://ift.tt/bp89Gws
  • Orloff, M. A. (2017). ABC-TRIZ. Springer International Publishing. https://ift.tt/xGHUScE
    Schramm, L. L. (2018). Technological innovation: An introduction. Walter de Gruyter GmbH.
  • Shen, T., Nagai, Y., & Kim, E. (2019). A New Method for Architecture Space Design Based on Substance-Field Analysis. IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, 233, 022027. https://ift.tt/NnoA5H8
  • Venturi, R. (1977). Complexity and contradiction in architecture (2d ed). Museum of Modern Art ; distributed by New York Graphic Society.

 

The post Lý thuyết giải quyết các vấn đề sáng tạo triz và kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/l6JCbxG
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét