Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Bản sắc kiến trúc cảnh quan cho cộng đồng độc đáo hay hài hòa? – phần 1

Trong thời đại ngày nay, sự toàn cầu hóa và đô thị hóa đã đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở phạm vi rộng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình phát triển đó cũng đặt ra thách thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa nói chung và cụ thể hơn là bản sắc kiến trúc cảnh quan (KTCQ). Cơn lốc toàn cầu hóa kéo theo hiện tượng quốc tế hóa trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc dẫn đến hệ lụy là hình thành những TP và khu vực nông thôn có cảnh quan giống nhau, dẫn đến sự phai nhạt đặc trưng nơi chốn. Bài viết đi tìm câu trả lời cho việc phát huy giá trị bản sắc kiến trúc cảnh quan để kiến tạo nơi chốn bền vững cho cộng đồng. Lựa chọn hướng đi nào giữa độc đáo hay hài hòa? Đó là những suy tư cụ thể từ các thực hành thực tiễn kiến trúc cảnh quan của các tác giả.

Lịch sử kiến trúc cảnh quan bắt đầu từ những đánh dấu (landmark)

Vì sao cần có bản sắc nơi chốn?

Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng chứa đựng không ít thách thức, trong đó có thách thức về việc đảm bảo tính có bản sắc riêng của mỗi đô thị, nơi chốn vốn đã tồn tại và phát triển trong một khoảng thời gian lâu dài tích tụ dân cư, văn hóa, kinh tế, biểu thị thông qua một khối lượng vật chất đang kể trên diện mạo trái đất. Quá trình đô thị hóa đi kèm với hiện đại hóa, mà nay bằng một ngôn từ thời thượng hơn, là “công nghệ hóa các đô thị”, góp phần thúc đẩy sự biến đổi môi trường sống của con người với tốc độ chưa từng thấy. Tốc độ của sự biến đổi đã và đang vượt quá khả năng hấp thụ của các nền văn hóa đô thị, vốn diễn tiến chậm rãi trong hàng trăm, hàng nghìn năm trước.

Trong cơn lốc toàn cầu hóa và đô thị hóa vội vã, Việt Nam cũng đang hàng ngày chứng kiến sự suy giảm cảnh quan thiên nhiên tích tụ nghìn triệu năm của nơi chốn ta sống để xây dựng mới và mở rộng các đô thị cũ. Những khu đô thị mới có thể hiện đại nhưng chưa phát triển bền vững, chưa hài hòa với tự nhiên và chưa hài hòa với con người đô thị. Bởi lẽ, quá trình thay đổi không gian đô thị đang nhanh hơn, mạnh hơn thông qua thao tác sao chép, bắt chước, nhân rộng… được “nhân danh” công nghệ, tài trợ bởi chia sẻ thông tin đã làm cho việc thiết kế, tạo dựng một nét riêng có nào đó cho một TP trở thành khó hơn bao giờ hết. Rõ ràng, nguy cơ đô thị này ngày càng giống nơi nào đó khác, có thể trở thành không có bản sắc là có thực.

Vì sao đô thị cần có bản sắc? Bản sắc của một nơi chốn có từ thời điểm nào, do đâu mà sinh ra và chúng được biểu thị ra bên ngoài như thế nào?… Tất cả đều là những câu hỏi cần phải trả lời một cách thấu đáo để có một nhận thức đúng đắn cho hành động.

Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “bản sắc” dùng để chỉ tính chất, màu sắc riêng tạo thành phẩm chất đặc biệt của một sự vật – Nói tới sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng của sự vật đó. Trong thực tế, khi nói “bản sắc” thường là nói tới cái riêng, cái rất riêng của một sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác trong thế giới khách quan. Khái niệm này cũng gần với một phương pháp định nghĩa trong lôgic học: “Qua sự giống, gần gũi để chỉ ra sự khác biệt về loài”. Cách định nghĩa này có phần nhấn mạnh cái riêng, cái đặc thù, cái biểu hiện ra bên ngoài của bản chất sự vật.

“Bản sắc” là một từ ghép có gốc Hán – Việt nên có một cách tiếp cận khác, dựa trên sự phân tích ngữ nghĩa của hai từ “bản” và “sắc”. Theo đó, “bản” gốc / của mình / là nội dung, là cái chung, đóng vai trò định tính, ở bên trong, chỉ cái gốc, cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của sự vật; “sắc” có / diện mạo / màu – là yếu tố hình thức, đóng vai trò định hình, chỉ mức độ biểu hiện ra bên ngoài của nội dung, là sự biểu hiện cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân đó ra ngoài. Cách tiếp cận thứ hai này có tính hợp lý hơn bởi khái niệm “bản sắc” được nhận thức trên cả 2 mặt: Mặt bản chất bên trong cùng mặt biểu hiện bên ngoài, giữa hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mặt bên trong phản ánh tính đồng nhất, bản chất của một đối tượng sự vật nhất định và mặt bên ngoài phản ánh những dấu hiệu, những sắc thái riêng của sự vật để làm cơ sở phân biệt giữa sự vật này với sự vật khác. Như vậy, “bản sắc” là một khái niệm phức tạp, liên quan đến cả cái chung và cái riêng, cả nội dung và hình thức.

Cũng từ tiếp cận khái niệm bản sắc, sự phân biệt giữa vùng đồng bằng với vùng biển hay vùng rừng núi được gọi là “bản sắc nơi chốn”. Như vậy, “bản sắc nơi chốn” mang ý nghĩa riêng biệt của nơi chốn ấy, đó là sự tổng hòa của mối quan hệ được hình thành từ nhiều thuộc tính của yếu tố vật thể (địa hình, khí hậu, cảnh quan) và yếu tố phi vật thể (phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội) tạo nên những đặc trưng riêng của nơi chốn. Bản sắc nơi chốn được thể hiện thông qua các yếu tố sau:

  • Yếu tố địa điểm: Gắn với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội địa phương;
  • Yếu tố tổ chức không gian: Không gian vật chất và không gian xã hội;
  • Yếu tố kiến trúc: Hình thức công trình kiến trúc và phong cảnh;
  • Yếu tố cộng đồng: Sự tham dự của người dân trong môi trường của nơi chốn ấy.

Tại sao cần có bản sắc kiến trúc cảnh quan?

Bản sắc kiến trúc cảnh quan là một phần của bản sắc nơi chốn, cũng có thể nói: Bản sắc nơi chốn được kiến tạo từ kiến trúc cảnh quan. Trước nay giới KTS chúng ta thường bàn về bản sắc kiến trúc truyền thống và đã có không ít giấy mực bàn luận về chủ đề này – Vậy sao lại bàn thêm về lĩnh vực kiến trúc cảnh quan? Kiến trúc cảnh quan có cần có bản sắc hay không? Vì sao ngày nay bàn về bản sắc nơi chốn trong phát triển bền vững, chúng ta cần bàn về bản sắc kiến trúc cảnh quan?

Lịch sử kiến trúc cảnh quan gắn liền với lịch sử xã hội loài người. Đã từng có nhận định: “Lịch sử của loài người được viết trên cảnh quan” (History of mankind is written on landscape). Khi loài người còn là một loài linh trưởng sống giữa thiên nhiên mênh mông, để tồn tại, họ đã tìm ra cho mình những nơi trú ẩn (shelter) khác nhau. Khi có một nơi trú ẩn, người chia sẻ với nhau, ở gần nhau, để cùng liên kết, hợp tác săn bắt, hái lượm, cùng chia sẻ thành quả lao động cùng với nhau, và các điểm định cư (human settlement) đã hình thành. Giữa thiên nhiên, một đốm lửa sưởi ấm, nướng thực phẩm, đuổi thú dữ đã là một bước tiến lớn trong lịch sử, một sự khẳng định tồn tại giống loài thống lĩnh tự nhiên. Cũng như các loài sinh vật khác, người tiền sử cũng có nhu cầu khẳng định lãnh thổ (territory) bằng các dấu mốc (landmark). Hơn thế nữa, là một sinh vật bậc cao, có tính cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại, loài người có nhu cầu khẳng định sự tồn tại và diễn đạt nhân sinh quan của mình trong những dấu mốc họ để lại trên bề mặt địa cầu. Những dấu mốc ấy là nền móng đầu tiên cho cái gọi là cảnh quan (landscape) trong lịch sử.

Khoảng 8.000 năm trước, các hệ thống xã hội phức tạp đã bắt đầu nở rộ cùng lúc ở Nam và Trung Mỹ, ở Ai Cập và Trung Đông, ở Ấn Độ và châu Á. Các nền văn mình thời sơ khai đã cố gắng tái hiện hoặc diễn đạt ý nghĩa thiêng liêng cũng như tầm quan trọng về tinh thần của những nơi chốn và hiện tượng trong tự nhiên bằng các cảnh quan nhân tạo. Người ta thay đổi bề mặt trái đất, đánh mốc trên đó các cảnh quan để cố gắng hiểu và/hoặc vinh danh những điều bí ẩn của tự nhiên. “Kiến trúc cảnh quan” thuở sơ khai đã thể hiện rất rõ mong muốn theo cảm tính của loài người là được đào xới, được xây, được đắp, nói tóm lại là để lại dấu vết về sự từng tồn tại, sinh sống, vinh quang của mình. Tổ tiên của chúng ta đã tạo ra các công trình đắp đất, dựng bằng đá, và ghi dấu trên mặt đất, lưu lại những vết tích của các hình thù, sắp đặt theo quy luật nào đó. Mục đích và chức năng của rất nhiều những không gian này thậm chí đến hiện nay vẫn chỉ là phỏng đoán.

Có thể kể ra một số ví dụ về những cấu trúc xây dựng cổ xưa bậc nhất như vòng tròn đá Stonehenge ở Anh hay các hình vẽ Nazca ở Peru. Rõ ràng, những cấu trúc này đến hiện nay vẫn còn giữ một bức màn bí ẩn đầy tranh cãi về chức năng của nó, song hầu hết đều có thể thống nhất ở điểm: Những cấu trúc kiến trúc cảnh quan được tạo ra nhằm chuyển tải nhân sinh quan của con người thời đó, qua đó khẳng định sự tồn tại của họ.

Con người cần kiến trúc giữa thiên nhiên bao la, nhưng cũng cần thiên nhiên giữa “sa mạc” công trình

Khi các nền văn minh phát triển và con người ngày càng kiểm soát thế giới tự nhiên tốt hơn, họ đã tổ chức lại môi trường xung quanh mình nhằm mang lại sự thoải mái cả về thể chất và tinh thần, từ đó tiếp tục chuyển tại những giá trị văn hóa độc đáo riêng của mỗi nơi chốn. Song song đó, giá trị văn hóa tiến triển qua các thời kỳ, cùng với sự xuất hiện của các hệ thống triết học dựa trên khả năng tiếp thu lý luận, diễn dịch quy luật tự nhiên của con người đã đặt ra những cơ sở mới liên tục tạo tác những cảnh quan và kiến trúc độc đáo.

Từ các khu vực săn bắn khép kín đơn giản thời cổ đại, con người đã phát triển ý tưởng về một khu vườn là nơi giải trí có tổ chức, có sự quản lý của con người, cũng là để nói lên nhận thức và trình độ phát triển của họ. Các khu vườn, hay rộng hơn là kiến trúc cảnh quan qua các thời kỳ đều là những công trình mang tính ẩn dụ, đại diện cho những nhận thức dễ thay đổi về tự nhiên của một nền văn hóa. Nhìn vào một tác phẩm kiến trúc cảnh quan, người ta có thể nhận biết nó là ở thời kỳ nào, ở đâu, hay nói cách khác: Kiến trúc cảnh quan chính là cơ chế vật thể mang nghĩa, chuyển tải thông điệp khái quát nên bản sắc của một nơi chốn nào đó cả về mặt không gian và thời gian.

Nói đến lịch sử kiến trúc cảnh quan đại diện cho bản sắc nơi chốn nơi nào đó thay vì chỉ là lịch sử kiến trúc hay lịch sử đô thị – Chính là vì muốn gắn chặt mối liên hệ giữa những tạo tác của con người với thiên nhiên, nơi xã hội của con người đó tồn tại, từ đó sinh ra bản sắc của mỗi nơi chốn. Thêm nữa, phạm trù kiến trúc cảnh quan rất chú trọng đến mối tương tác không gian – thời gian chặt chẽ trong mỗi môi trường cư trú của con người trên bề mặt trái đất. Từ đó, mỗi kiến trúc cảnh quan hiện diện trong lịch sử sẽ cô đọng cả tính thời gian, vị trí địa lý, bối cảnh thiên nhiên và sự đặc sắc về kiến tạo không gian mà văn hóa ở một nơi chốn nhất định đã sản sinh ra.

Tiếp nối các giai đoạn sau đó, xã hội loài người tiếp tục tiến hóa, các đô thị, điểm dân cư nối nhau ra đời, mở rộng phạm vi, quy mô và chiều sâu văn hóa của các công trình kiến trúc cảnh quan, tạo dựng diện mạo đặc trưng riêng có của mỗi nơi chốn. Sau thời gian dài đấu tranh để tồn tại trong thế giới tự nhiên, con người ngày càng bày tỏ tư thế chủ nhân của thế giới với tham vọng chinh phục tự nhiên, kiến lập những tạo tác không gian mới.

Những tiến bộ vĩ đại trong khoa học và công nghệ điển hình của thời kỳ Khai sáng đã thay đổi cách con người nhìn nhận vị trí của mình trong thế giới. Tiếp theo đó, các cuộc Cách mạng Công nghiệp đã gây tổn thất cho xã hội nông nghiệp, tách rời con người ngày càng xa khỏi thiên nhiên, nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên. Sản xuất công nghiệp định hình trật tự xã hội, kinh tế và chính trị của thế giới. Mọi người chuyển đến TP để đáp ứng lực lượng lao động trong các nhà máy. Dân số thành thị tăng nhanh, gây ra những vấn đề về phúc lợi chung. Niềm tin tuyệt đối vào công nghệ đã gây ra một phản ứng dữ dội: Chủ nghĩa lãng mạn trở thành “thuốc” trị những căn bệnh của xã hội cơ khí hóa. Chính các cuộc Cách mạng Công nghiệp mang đến sự thay đổi trên diện rộng về xã hội, dẫn đến sự biến đổi về kiến trúc cảnh quan môi trường cư trú con người. Việc chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp đã tạo ra tầng lớp công nhân với tiền công thấp ở các TP của Mỹ và châu Âu. Những nhà cải cách xã hội cố gắng cải thiện điều kiện sống của người nghèo ở đô thị bằng cách xây dựng các công viên. Phong cách mỹ học của vườn cảnh quan Anh thế kỷ 15, 16 được ứng dụng vào mô hình công viên, và tồn tại trong trí tưởng tượng của người phương Tây như là một biểu tượng của tự nhiên.

Văn minh thế giới đạt đến những đỉnh cao phức tạp mới trong thế kỷ 20. Trong suốt thế kỷ này, thế giới đã trải qua những cuộc chiến lớn nhất từ trước đến nay, những mốc tốc độ cao nhất từng đạt được, sự gia tăng dân số và các cuộc di dân khổng lồ, cuộc cách mạng trong sản xuất, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất và sự phục hồi mạnh mẽ, sự hình thành các “siêu cường”, sự tàn phá trái đất khủng khiếp thể hiện ở sự tuyệt chủng của nhiều loài và biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan liên tục diễn ra.

Các thể chế và nền tảng cấu thành, hỗ trợ cho cuộc sống con người đã tiến bộ hơn nhưng kèm theo đó là các hậu quả – Các nguồn lực, công nghệ, phương tiện vận chuyển, hệ thống giao tiếp mới dường như khiến thế giới trở nên nhỏ bé, nhưng ngược lại cũng làm cho khoảng cách giữa các xã hội công nghiệp hóa và các quốc gia đang phát triển dần xa hơn về mặt kinh tế, và có khuynh hướng đồng nhất hóa về mặt văn hóa; chúng đã hoàn toàn thay đổi cách con người tương tác với nhau và với thế giới tự nhiên.

Xét từ lịch sử, cái “cảnh quan” sinh ra cùng lúc với lịch sử định cư của nhân loại, thậm chí có trước cả cái “kiến trúc”. Thế nhưng, vì sự khẳng định vị thế thống trị của mình trên địa cầu, vì sự an toàn, tiện nghi và tham vọng không có điểm dừng của mình, con người dường như đã quá đắm chìm với “kiến trúc” vượt xa mục tiêu “nơi trú ẩn” ban đầu, lấn át cái gốc rễ, nền tảng khi xưa, để bây giờ phải đối mặt với những thách thức của đô thị hóa vết dầu loang, cạn kiệt năng lượng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, ô nhiễm tài nguyên nước, không khí,… Khi ấy, sự đời thiếu gì cần nấy, trở về với thiên nhiên đang dần quay trở lại thành “mốt”, thành xu thế và đang trên đà trở thành điểm định hướng phát triển cho định cư con người.

Các trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, … thực chất cũng là những nỗ lực đem thiên nhiên về lại với con người, thông qua phương tiện là kiến trúc. Có thể nói, xu hướng “sang trọng” hiện nay trên thế giới là “xanh”. Tính bền vững trở thành thuật ngữ thông dụng. Những người theo Chủ nghĩa Công nghệ hiện đại đang rất lạc quan về tiềm năng của các vật liệu và phương pháp công nghệ hứa hẹn cho tương lai tốt đẹp hơn. Các nhà thiết kế một lần nữa hy vọng rằng công nghệ có thể giúp tái thiết sự cân bằng hài hòa với tự nhiên.

Song, xét ở một chiều cạnh khác, khi mà công nghệ kéo mọi người trên thế giới lại gần nhau, cũng tức là khuynh hướng nhất thể hóa, đồng hóa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các kiến trúc xanh, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, … đang được tạo tác và suy tôn là xu hướng ở trên thế giới, cũng dường như cũng nhanh chóng được sao chép sang nhiều nơi khác một cách dễ dãi. Có vẻ như là những cái tốt đẹp đang đi đến cùng một kết quả, theo cùng một chuẩn mực, đã xóa nhòa sự khác biệt, hay cái bản sắc, trở thành một kiểu “nhân bản vô tính” trong thế giới hiện đại. Điều đó cũng nguy hiểm không kém so với nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, … vì người ta chưa rõ tương lai sẽ có thể đến đâu, nhưng chắc chắn, cái gì đến nhanh, đến quá dễ thì cũng khó bền lâu; và mối nguy đánh mất bản ngã tự thân của mỗi con người cũng sẽ là mối nguy khi từng địa phương không còn bản sắc nơi chốn vốn đã tích lũy hàng thế kỷ.

Rõ ràng, các đô thị trên thế giới ngày nay, bất kể đó là Paris, London, New York hay Tokyo, Singapore, Mumbai, Doha hay Cairo, với bề dày tích tụ lịch sử, kinh tế, văn hóa song đều vẫn phải liên tục vận động, tìm ra cho mình những giá trị mới, đại diện cho những đặc trưng của thời đại này. Các tạo tác từ kiến trúc đến các cảnh quan công viên cho đến khuynh hướng bảo tồn các mảnh tự nhiên quý giá còn lại ở mỗi nơi chốn đều hướng đến sự đảm bảo “có bản sắc” của mỗi một đô thị, bên cạnh các bài toán kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác. Bởi lẽ, bản sắc không chỉ là các giá trị truyền thống, những cái đã có, những cái bất biến – Bản sắc còn ở thì tương lai, là một cái sáng tạo được, là cái mang đậm chất hợp nhất không gian – thời gian.

Nhìn lại lịch sử, có biết bao nền văn minh huy hoàng, mà nay đã không còn bởi vì không vượt qua được nỗi ám ảnh phải giữ bằng được hào quang của quá khứ mà không hay thời thế đã đổi thay. Giữ cái đặc sắc truyền thống vốn có phải được song hành với kiến tạo cái mới còn đặc sắc hơn thế, vẫn mang trong đó mã “gien” của nơi chốn mà nó sinh ra. Kiến trúc cảnh quan đang mang trên mình cả sứ mệnh kiến tạo và di truyền lại các đặc trưng mới để duy trì liên tục sự “có bản sắc” cho mỗi nơi chốn.

Bản sắc nơi chốn phản ánh trên cấu trúc vật chất là diện mạo kiến trúc cảnh quan của nó. Phương thức diễn đạt bản sắc trên kiến trúc cảnh quan bắt nguồn từ bản chất sự tồn tại của loài người trong suốt chiều dài lịch sử. Và ngày nay, kiến trúc cảnh quan cũng chính một phương thức hữu hiệu cho việc không chỉ lưu truyền bản sắc cũ vốn có mà còn là bộ công cụ để sáng tạo ra những giá trị mới, tạo nên bộ mặt bản sắc của tương lai, của thời đại mới. Câu chuyện lịch sử kiến trúc cảnh quan vẫn còn đang được viết tiếp nên những chương mới, bất kể là khoa học công nghệ, tri thức loài người có phát triển đến đâu, chỉ cần còn nhân loại thì còn sáng tạo, còn có bản sắc riêng cho những nơi chốn họ đặt dấu ấn của mình.

Kỳ sau: Bản sắc kiến trúc cảnh quan – Cái gì và như thế nào?

KTS. Phạm Thị Ái Thủy
KTS Vũ Việt Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2023)

The post Bản sắc kiến trúc cảnh quan cho cộng đồng độc đáo hay hài hòa? – phần 1 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/YzExA46
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét