Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Lộ trình nào cho TP không carbon: Góc nhìn từ quan điểm quốc tế

Bối cảnh đô thị

Tất cả các kịch bản phát thải đều chứng minh: Nhiệt độ bề mặt trái đất đang và sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là cho tới giữa thế kỷ 21. Ngưỡng giới hạn 1,5oC và 2oC như đã cam kết trong thỏa thuận Paris sẽ bị phá vỡ nếu không có nỗ lực cắt giảm sâu khí CO2 và các loại khí nhà kính khác trong những thập kỷ tới (1). Trong khuôn khổ ngân sách carbon toàn cầu hiện tại, lượng khí thải CO2 cần đạt mức phát thải ròng bằng 0, hay nói cách khác là đạt được sự cân bằng giữa lượng phát thải do con người tạo ra, và lượng khí thải được hấp thụ và lưu giữ thông qua các bể chứa, để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Việt Nam hiện là một trong số 80 quốc gia đã cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 thông qua và đưa mục tiêu này vào các chính sách và văn bản pháp luật (2). Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản tươi sáng nhất, khi tất cả các chính sách hiện có và cam kết do Quốc gia tự quyết định (NDC) có điều kiện được thực hiện, Việt Nam cũng chỉ hoàn thành được một nửa chặng đường tới phát thải carbon ròng bằng 0 (3). Chúng ta cần một lộ trình rõ ràng để thu hẹp khoảng cách còn lại, và chúng ta cần hành động càng sớm càng tốt.

Trên thế giới, các đô thị hiện nay chiếm hơn hai phần ba (2/3) mức năng lượng tiêu thụ, và là nguồn phát thải tới hơn 70% CO2. Theo UN-Habitat ước tính, đến năm 2050, cứ hai trên ba người trên tổng dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố (TP) hoặc các trung tâm đô thị, tập trung phần lớn ở Châu Á và Châu Phi. Theo đà tăng trưởng dân số, mô hình đô thị phát triển vượt trội (primate city) được dự báo sẽ giảm (4). Điều này tương đương với sự mở rộng của các khu vực đô thị gắn liền với các tác động xã hội, kinh tế và môi trường tiêu cực, thường kèm theo phát thải và sự phụ thuộc carbon trong tương lai (5). Do vậy, quy hoạch tăng trưởng đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai phát thải ròng bằng 0, hay nói cách khác, “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành hay bại sẽ ở các TP”.

Xây dựng khái niệm: “Tp không carbon”

Tính đến thời điểm tháng 6/2023, có hơn 1.100 TP trên thế giới đã cụ thể hóa cam kết giảm phát thải quốc gia bằng cách tham gia chiến dịch “Race to Zero” do UNFCCC khởi xướng. Thông qua chiến dịch này, các TP, bao gồm cả Hà Nội và TP HCM, cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào những năm 2040 hoặc sớm hơn, muộn nhất vào năm 2050, cùng chung tay với nỗ lực tòan cầu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5oC (6). Các khái niệm TP phát thải ròng bằng 0 (net-zero), trung hòa khí hậu (climate neutral), trung hòa carbon (carbon-neutral), không carbon (carbon free hoặc zero-carbon) đều có chung một nguyên tắc: Giảm thiểu đáng kể phát thải carbon hoặc các loại khí nhà kính khác phát sinh từ hoạt động đô thị và bù đắp lượng khí thải còn lại, vì mục tiêu phát thải ròng đô thị bằng không, hoặc trung hòa dấu chân carbon đô thị (7).

Nguồn và ranh giới phát thải khí nhà kính cấp TP (8)

Tuy nhiên, sự vận hành và phát triển của các TP về mặt bản chất, thường vượt ra ngoài ranh giới hành chính hoặc chính trị. Với phạm vi tiếp cận toàn khu vực hoặc toàn cầu của chuỗi cung ứng đô thị, các TP chỉ có thể đạt được mức phát thải ròng bằng không nếu khí thải được cắt giảm cả bên trong và ngoài địa giới hành chính của các TP (5). Vì vậy, chuyển dịch vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ở khu vực đô thị cần có sự phối hợp các cấp và đa ngành. Kết quả phân tích kế hoạch hành động biến đổi khí hậu của 296 TP chỉ ra rằng: Tùy vào bối cảnh chính trị và điều kiện phát triển kinh tế, mỗi TP lại có một cách tiếp cận riêng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các TP ở các quốc gia thu nhập thấp thường tập trung vào hành động khí hậu cấp địa phương và cộng đồng, cùng với kế hoạch thích ứng và giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, các TP ở các quốc gia có thu nhập cao hơn thường tập trung và tiên phong trong việc cải thiện hiệu quả giao thông, vận hành các tòa nhà và hệ thống chiếu sáng. Tất cả các hành động này cần nhận được hướng dẫn từ các cấp cao hơn và hỗ trợ của chính quyền Trung ương (4).

Tất nhiên, cách đo đếm lượng khí thải, và cách lựa chọn các ngành để kiểm kê, có ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi cần giảm thải, lộ trình, thời hạn và chiến lược cụ thể để một TP đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Khung chính sách khử carbon sâu cho khu vực đô thị, tổng hợp từ

“Kiểm kê” khí nhà kính khu vực đô thị

Để lập kế hoạch cho một tương lai không carbon, việc hiểu và nắm rõ danh mục khí nhà kính của mỗi TP là điều kiện tiên quyết. Kiểm kê khí nhà kính khu vực đô thị là phương pháp kiểm đếm khí thải nhà kính của một TP. Lựa chọn phương pháp kiểm kê phù hợp là một bước quan trọng giúp TP kiểm soát, theo dõi được tiến độ của mình trọng việc thực hiện các mục tiêu khí hậu, xác định cơ hội giảm thải, và so sánh hiệu quả giảm thải của các TP.

Trong vòng 15 năm qua, bốn khung phương pháp chung về kiểm kê khí nhà kính đô thị đã được hình thành: (i) Kiểm kê theo lãnh thổ (TA) – Phạm vi 1, (ii) kiểm kê dấu chân carbon chuỗi cung ứng hạ tầng tòan cộng đồng (CIF) – Phạm vi 2, và kiểm kê dấu chân carbon dựa trên tiêu dùng (CBCF) – Phạm vi 3, trong đó có thể chia cụ thể hơn thành (iii) kiểm kê dấu chân carbon cá nhân (PCF) tập trung vào tiêu dùng cá nhân hoặc hộ gia đình và (iv) dấu chân carbon khu vực (ACF) bao gồm tiêu dùng trên tòan khu vực của tất cả người tiêu dùng (5).

Khung phương pháp TA bao gồm tất cả các nguồn phát thải trong một khu vực địa lý nhất định. Tại cấp TP, ranh giới này có thể trùng với địa giới hành chính, và TP cần duy trì kiểm kê trên phạm vi để đảm bảo sự nhất quán qua thời gian. Theo đó, lượng khí thải phát sinh trực tiếp (hoặc được hấp thụ và lưu giữ) trong phạm vi một TP hoặc khu vực đô thị được định nghĩa là khí thải Phạm vi 1 (8). TA là phương pháp duy nhất cho phép kiểm tra sự chính xác của kết quả kiểm kê bằng cách đo trực tiếp lượng khí nhà kính trong khí quyển, và có thể xác minh được một cách độc lập. Do yêu cầu ít dữ liệu hơn, TA nói chung là phương pháp đơn giản hơn cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị. Tuy nhiên, phương pháp này không bao gồm lượng khí thải từ việc tiêu dùng điện nhập từ khu vực khác hoặc khí thải gắn với vòng đời sản phẩm dịch vụ được tiêu dùng trong TP. (5).

Một TP không carbon từ góc độ lãnh thổ đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn phát thải carbon gắn với nguồn phát thải trong phạm vi địa giới hành chính của TP. Chúng ta có thể dễ dàng đạt được mục tiêu này bằng cách di dời nguồn phát thải ra khỏi phạm vi TP (nhưng phương pháp này không được khuyến khích vì không thực sự góp phần giảm thải), hoặc tăng số lượng hoặc diện tích các bể chứa carbon (ví dụ: trồng cây). Chưa kể đa phần các TP không có quyền kiểm soát rất nhiều nguồn phát thải trong phạm vi địa giới hành chính, như khí thải từ hoạt động sân bay, cảng hoặc các khu công nghiệp (7).

Khung phương pháp CIF bổ sung phạm vi kiểm kê cho khung TA bằng cách tính đến tiêu dùng điện nhập hoặc truyền tải từ khu vực khác, và khí thải từ vòng đời sản phẩm dịch vụ gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu và cung cấp thực phẩm cho một cộng đồng. Phương pháp này bao gồm cả lượng khí thải từ việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng như đường phố, cầu, các tòa nhà và và cơ sở tiện ích. Thông qua kết nối nhu cầu về cơ sở hạ tầng và thực phẩm toàn cộng đồng với quy trình sản xuất ngoài ranh giới kiểm kê, các TP có thể lập kế hoạch phát thải ròng bằng 0 một cách chiến lược cho phù hợp, đồng bộ với các nỗ lực giảm thải ở quy mô lớn hơn (5).

Một TP không carbon từ quan điểm chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng tòan cộng đồng hàm ý đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ở một vài hoặc cả 7 hệ thống cung cấp chính, vì phát thải từ các hệ thống này chiếm tới hơn 90% lượng khí thải nhà kính tòan cầu: Năng lượng, kết nối giao thông, vận hành tòa nhà, quản lý chất thải/ nước thải, cơ sở hạ tầng xanh và hệ thống thực phẩm (9).

Khung phương pháp CBCF chuyển từ cách tiếp cận ngành sang cách tiếp cận dựa trên tiêu dùng, tập trung và việc tiêu thụ hàng hóa dịch vụ của người dân trong một TP. Theo đó, khí thải nhà kính được kiểm kê theo danh mục tiêu dùng thay vì danh mục nguồn phát thải (10). Phương pháp PCF chỉ tập trung và khí thải nhà kính gắn với tiêu dùng hàng hóa dịch vụ của hộ gia đình, và không bao gồm khí thải nhà kính gắn với chính quyền, hình thành vốn và xuất khẩu. Điều này cũng có nghĩa là tiêu thụ năng lượng tại địa phương của các doanh nghiệp phục vụ du lịch (Ví dự: Nhà hàng, khách sạn, công nghiệp…) hoặc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ không được tính trong phương pháp này. Mặc khác, phương pháp ACF mở rộng phạm vi kiểm kê một cách đáng kể bằng cách bao gồm tòan bộ phạm vi của phương pháp TA và lượng phát thải từ chuỗi cung ứng của tất cả người tiêu dùng trong TP, nhưng không bao gồm khí thải liên quan đến xuất khẩu (5).

Một TP không carbon, từ quan điểm dựa trên tiêu dùng, hàm ý rằng mọi hộ gia đình và chi tiêu chính quyền phải đạt phát thải ròng bằng 0. Phương pháp này vượt ra ngoài địa giới hành chính của TP và do đó đòi hỏi sự quản trị đáng kể đối với tất cả hàng hóa dịch vụ, bên cạnh thực phẩm và cơ sở hạ tầng do hộ gia đình và chính quyền địa phương nhập khẩu, sử dụng (7).

Lộ trình phát thải ròng bằng 0 cho đô thị

Là một mục tiêu tham vọng, các TP chỉ có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon thông qua quá trình khử carbon sâu và chuyển đổi có hệ thống. Ba chiến lược giảm thải được chứng minh là có hiệu quả để khử carbon sâu bao gồm: (i) Giảm thiểu hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng năng lượng và vật liệu của TP; (ii) điện khí hóa hoặc đổi nguồn cung sang các nguồn phát thải ròng bằng 0; (iii) tăng cường hấp thụ và lưu trữ carbon trong môi trường đô thị. Bên cạnh đó, khía cạnh xã hội và hành vi được coi là kết quả quá trình thực hiện các chiến lược này, có thể thay đổi nhu cầu sử dụng năng lượng và góp phần giảm thải sâu hơn (5).

1. Giảm thiểu hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng năng lượng và vật liệu của TP

a. Tránh phụ thuộc carbon

Phụ thuộc carbon, hay còn là tình trạng khí nhà kính ngày càng khó giảm qua thời gian do hệ thống vận hành phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch. Đây là kết quả quá trình tương tác giữa các quy mô địa lý và hành chính khác nhau (phụ thuộc carbon về mặt thể chế), và giữa các ngành (phụ thuộc carbon trong công nghệ và hạ tầng). Những tương tác này là tiền đề cho sự phụ thuộc về mặt hành vi, bao gồm cả hành vi cá nhân và cấu trúc xã hội. Các TP thường dễ bị phụ thuộc carbon vì rất nhiều lí do, từ vòng đời lâu dài của hệ thống cơ sở hạ tầng, đến chi phí đầu tư chìm, phụ thuộc về mặt công nghệ, và đương nhiên bao gồm cả lựa chọn và mối quan tâm của các bên liên quan.

Để TP có thể thoát ra khỏi vòng lặp phụ thuộc carbon này, cần có sự chuyển đổi mang tính hệ thống và quy hoạch hệ thống có lồng ghép chiến lược giảm thải giữa các ngành cũng như quy mô địa chính trị. Trong quyền hạn của mình, phần lớn chính quyền đô thị trên thế giới có thể xây dựng quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn và vật liệu xây dựng cho các công trình, bao gồm cả công nghệ làm mát, sưởi ấm và lựa chọn thiết bị chính. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình, quy hoạch sử dụng đất, quy định về mật độ cũng như lồng ghép quy hoạch năng lượng trong quy chuẩn xây dựng của TP và các công trình công cộng, như đường phố, công viên và các không gian mở, cũng có thể góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc carbon trong TP (5).

b. Quy hoạch không gian, hình thái đô thị và cơ sở hạ tầng

Báo cáo Đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã kết luận rằng nguồn tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính tại các TP phần lớn là do hệ thống cơ sở hạ tầng và bốn chiều của hình thái đô thị: Mật độ, mục đích sử dụng đất, khả năng kết nối và tiếp cận. Do vậy, các chiến lược giảm thải hiệu quả phải bao gồm những đặc trưng sau, được gọi chung là “hình thái đô thị nén và thân thiện với người đi bộ”: (i) Khu nhà ở, việc làm và thương mại tập trung với mật độ trung bình đến cao; (ii) sử dụng đất đa mục đích; (iii) các tuyến đường có tính kết nối cao; và (iv) khả năng tiếp cận cao, với quãng đường và thời gian di chuyển ngắn hơn (5).

Quy hoạch không gian lồng ghép hoặc kết hợp các khu vực có mật độ dân cư và việc làm cao hơn, thường liên quan đến phát triển định hướng giao thông, đặc trưng bởi mật độ, sự đa dạng, thiết kế, tiếp cận điểm đến và khoảng cách di chuyển (5D – density, diversity, design, destination accessibility, and distance to transit). Không chỉ được chứng minh hiệu quả giảm thiểu khí thải nhà kính liên quan đến giao thông, mật độ cao hơn cùng với các lựa chọn phương tiện giao thông tối ưu cũng ảnh hưởng tới xu hướng và hành vi giao thông trong dài hạn, và từ đó góp phần ổn định hoặc thậm chỉ giảm số lượng phương tiện cá nhân trong TP. Nhìn chung, mật độ dân số là yếu tố quyết định lượng khí thải trên đầu người trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và tại các tòa nhà, như được khẳng định trong báo cáo AR5.

Ngoài ra, điều chỉnh cấu trúc của các đô thị mới, hình thành theo xu hướng “nén” và thân thiện với người đi bộ hơn, bên cạnh việc sử dụng đất đa mục đích mang lại rất nhiều lợi ích, từ việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, đến giảm nhu cầu tài nguyên, tiết kiệm quỹ đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác.

c. Lồng ghép liên ngành và kết nối đô thị – nông thôn

Các chiến lược xuyên suốt về bản chất có thể đem lại cơ hội giảm thải và đẩy nhanh quá trình giảm khí thải nhà kính tại khu vực đô thị. Lồng ghép liên ngành nhằm mục đích vượt ra khỏi giới hạn của cấu trúc “silo” riêng lẻ, theo cả chiều ngang (các cơ quan, phòng ban trong cùng một bộ máy hành chính) và chiều dọc (giữa các cơ quan, phòng ban của các cấp quản lý hành chính khác nhau, hoặc giữa cơ quan chính quyền với các tác nhân bên ngoài/ khu vực tư nhân) (11).

Như vậy, lồng ghép liên ngành đòi hỏi sự nhất quán và đồng bộ trong nguyên tắc hoạch định chính sách, mục tiêu, ưu tiên và khung thời gian giữa các ngành và các cấp, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan, phòng ban và các cấp khác nhau. Ví dụ, các chiến lược liên ngành về tối ưu hiệu quả nguyên vật liệu được chứng minh có tác động lớn hơn so với các chiến lược một chiều chỉ tập trung vào 1 ngành duy nhất: Thiết kế các công trình dân dụng và phương tiện chở khách nhẹ hơn có thể giảm khoảng 20% lượng khí thải nhà kính gắn với vòng đời của vật liệu (5).

TP là các hệ thống mở vận hành dựa vào tài nguyên và dịch vụ của các khu vực xung quanh. Dòng lưu chuyển tài nguyên và dịch vụ, đặc biệt thông qua thực phẩm, nguồn nước và chất thải đặc biệt quan trọng với khu vực đô thị. Ngoài khí thải trong phạm vi ranh giới, các TP có thể tác động đến một lượng lớn khí nhà kính phát sinh bên ngoài địa giới hành chính của mình, thông qua chuỗi cung ứng và các hoạt động sử dụng tài nguyên bên ngoài phạm vi TP, Ví dụ: Quản lý chất thải, sản xuất và phân phối thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp đô thị và cận đô thị, phân bổ nguồn nước (5).

2. Điện khí hóa và đổi nguồn cung cấp sang các nguồn phát thải ròng bằng 0

a. Điện khí hóa và khử carbon hệ thống năng lượng đô thị

Cơ sở hạ tầng năng lượng đô thị thường thuộc một hệ thống năng lượng lớn hơn có thể điện khí hóa, khử carbon và được tận dụng để tạo sự linh hoạt cho hệ thống đô thị thông qua việc cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau tùy theo nhu cầu. Với các lĩnh vực có nhiều người sử dụng cuối cùng (Ví dự: Giao thông, tòa nhà), tăng cường điện khí hóa là thiết yếu để khử carbon nhanh và sâu, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhu cầu linh hoạt hơn. Tại cấp TP, hình thức điện khí hóa cơ bản nhất là thông qua thay thế và chuyển đổi từ công nghệ dựa vào năng lượng hóa thạch sang công nghệ đổi mới sáng tạo như xe điện (EV), bơm nhiệt, vật liệu quang điện (PV), bếp điện và các công nghệ khác (5). Điện khí hóa quy mô đô thị bao gồm kết hợp tải điện để đáp ứng nhu cầu trong các công trình xây dựng. Điều này có thể giúp giảm tình trạng gián đoạn sản xuất của loại năng lượng tái tạo biến đổi và tác động tới thời gian sử dụng dựa trên công nghệ sạc nhanh và tái phân phối nhu cầu về năng lượng.

Bên cạnh lợi ích “kép” về cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm tiếng ồn tại các TP, công nghệ điện khí hóa cũng có những đánh đổi nhất định. Chẳng hạn, chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng điện đòi hỏi gấp đôi lượng điện sản xuất, tương đương với lượng carbon phải giảm để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trừ khi nhu cầu về điện giảm mạnh (7). Nguyên liệu điện khí hóa, khi đạt đến hết tiềm năng giảm thải, nếu không được xử lý đúng cách, có thể trở thành nguy cơ về mặt xã hội và môi trường. Tuy nhiên, các TP có thể giảm thiểu vấn đề này thông qua các chiến lược quản trị, công nghệ lưới điện thông minh, thực hành kinh tế tuần hoàn và hợp tác quốc tế (5).

Ngoài ra, điện khí hóa cũng còn nhiều thách thức, điển hình là việc đòi hỏi một hệ thống thể chế chính sách đồng bộ ở cấp trung ương, vùng và địa phương. Quy hoạch đô thị cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc xây dựng mạng lưới điện, và phương thức tích hợp các phương tiện giao thông vận tải điện vào hệ thống này. Việc tham gia của các bên liên quan trong quá trình quy hoạch, thiết kế và vận hành các dự án năng lượng đô thị là chìa khóa để khử carbon trong nhu cầu về năng lượng. Phối hợp các cấp, ngành giữa các cơ quan và tổ chức là vô cùng quan trọng để hình thành mạng lưới điện thông minh.

b. Chuyển đổi sang chuỗi cung ứng và nguyên vật liệu phát thải ròng bằng 0

Chuỗi cung ứng phát thải ròng bằng 0 của một TP đồng nghĩa với việc khử carbon của tất cả các hệ thống cung ứng và cơ sở hạ tầng trọng yếu, như đã đề cập ở trên. Để phục vụ dân số ngày càng tăng, các TP cần phải mở rộng cả về quy mô và mật độ, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu về các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, và quá trình sản xuất dựa vào nguyên liệu khóang sản.

Ngay cả những tòa nhà bền vững cũng có những khoản “nợ” carbon, có thể mất tới hàng thập kỷ đề bù đắp thông qua tối ưu hiệu quả năng lượng vận hành nói riêng. Nguyên nhân là do quá trình sản xuất nguyên vật liệu xây dựng như bê-tông và thép phần lớn dựa vào khóang sản. Quá trình này tốn rất nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính đến mức kể cả khi tòan ngành công nghiệp được khử carbon, CO2 vẫn tồn đọng trong khí quyển. Quá trình carbonat hóa qua vòng đời của xi măng, tuy có đóng góp, nhưng chỉ bù đắp được một phần nhỏ của lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, khai thác tài nguyên phục vụ cho nhu cầu xây dựng hiện nay (Ví dự: Khai thác cát và khóang sản) cũng làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái xung quanh và làm suy giảm khả năng hấp thụ carbon của các hệ thống này, hoặc thậm chí biến các bể chứa thành nguồn phát thải.

Trong bối cảnh này, vật liệu xây dựng dựa vào sinh khối, hoặc cụ thể hơn là hệ thống gỗ kỹ thuật nguyên khối, được coi là vật liệu thay thế bê tông và thép tòan diện hơn được sử dụng trong các công trình xây dựng tầm trung (từ 4-12 tầng). Sự thay đổi cơ bản này đem lại cơ hội chuyển đổi các TP từ nguồn phát thải khí nhà kính ròng thành các bể chứa carbon nhân tạo với quy mô lớn. Theo ước tính, việc xây dựng các công trình sử dụng gỗ kỹ thuật để phục vụ lượng dân số gia tăng từ năm 2020-2050 có khả năng trữ 0.01 đến 0.68 GtCO2 mỗi năm tùy theo từng kịch bản và mật độ trung bình theo mặt sàn.

Chuyển đổi sang việc sử dụng rộng rãi vật liệu xây dựng dựa trên sinh khối đòi hỏi nhu cầu về gỗ cao hơn, có thể dẫn đến tranh chấp về mục đích sử dụng đất. Lộ trình này chỉ có thể thành công nếu rừng được khai thác và quản lý một cách bền vững thông qua phân tích chi tiết và có hệ thống về nguồn cung, mua bán trao đổi gỗ, và khả năng cạnh tranh với đất nông nghiệp tại các vùng khác nhau. Các chính sách quản lý, quản trị rừng và đô thị tổng thể, cũng như phương pháp kiểm kê carbon tiêu chuẩn là cần thiết để định giá chính xác và khuyến khích phục hồi rừng, trồng rừng và lâm sinh bền vững (5).

3. Tăng cường nguồn hấp thụ và lưu giữ carbon trong môi trường đô thị

Cơ sở hạ tầng xanh – lam đô thị (GBI)

Là một giải pháp dựa vào thiên nhiên, đặc trưng của cơ sở hạ tầng xanh – lam đô thị (GBI) là bảo vệ, quản lý bền vững và phục hệ sinh thái tự nhiên hoặc biến đổi đồng thời cung cấp lợi ích cho an sinh của con người và đa dạng sinh học. Đây là một trong những giải pháp phục vụ cả mục đích giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Giải pháp này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự nóng lên tại khu vực đô thị nhờ hiệu ứng làm mát cục bộ.

Cơ sở hạ tầng xanh – lam đô thị bao gồm rất nhiều các biện pháp cụ thể, từ cây xanh đô thị, đến các công viên, hệ thống thóat nước bền vững đô thị, đến các công trình với mái hoặc mặt tiền xanh, bao gồm cả tường xanh và các khu rừng thẳng đứng.

Lộ trình phát thải ròng bằng 0 dài hạn cho các loại hình đô thị khác nhau

Hiện nay, các mô hình phát triển đô thị thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng không thường được thiết kế cho các khu vực đô thị phát triển, với khả năng tài chính và sở hữu công nghệ cao như Singapore, Stockholm hoặc Vancouver, cùng nhiều TP khác. Chiến lược phát thải ròng bằng 0 cho các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, hoặc các khu vực ngoại vi đô thị đang phát triển chưa được xác định rõ ràng, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ La-tinh, Ca-ri-bê, châu Âu, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á (4).

Cách các TP được thiết kế và xây dựng sẽ định hình điểm khởi đầu để chuyển đổi hình thái đô thị một cách có hệ thống thông qua cơ sở hạ tầng, năng lượng và chuỗi cung ứng. Tăng trưởng đô thị nói chung, có thể chia thành 3 loại: Đô thị mới nổi, đô thị phát triển nhanh, và đô thị phát triển. Các loại hình này không đặc hữu và có thể cùng tồn tại trong một hệ thống đô thị. Bằng cách hiểu rõ hình thái đô thị và loại hình tăng trưởng, chính quyền đô thị có thể xây dựng chiến lược và lộ trình dài hạn với mục đích tối đa hóa tiềm năng khử carbon của TP mình.

Trường hợp điển hình tốt

Qua chiến dịch hành động vì khí hậu cho các TP #ClimateAction4cities, UN-Habitat đã và đang tăng cường hành động khí hậu cho các TP và cộng đồng trong thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, cũng như hình thành một liên minh tòan cầu vị mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Chiến dịch tập trung vào nhu cầu trước mắt của các TP và chính quyền Trung ương nhằm giảm thiểu phát thải carbon khu vực đô thị, xây dựng năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cho người nghèo đô thị và phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19.

Nỗ lực hướng tới mục tiêu TP hiệu quả và trung hòa carbon vì một tương lai bền vững, chiến dịch ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên phát thải thấp thông qua 3 nhóm giải pháp chính:

Loại hình phát triển đô thị và tiềm năng giảm thải

1. Thúc đẩy thay đổi mang tính chuyển đổi vì giao thông đô thị bền vững tại Hà Nội, Việt Nam (SOLUTIONSplus)

SOLUTIONSplus kết nối các TP, lĩnh vực, tổ chức nghiên cứu, tổ chức thực hiện và các đối tác tài chính có cùng mối quan tâm và cam kết mạnh mẽ nhằm thiết lập một nền tảng các giải pháp giao thông điện, thương mại, công cộng và chia sẻ để khởi động quá trình chuyển đổi sang mô hình giao thông đô thị phát thải thấp. Dự án thử nghiệm thí điểm các giải pháp giao thông điện sáng tạo và tích hợp khác nhau ở cấp TP thông qua hợp tác công tư giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và chính quyền địa phương. Các mô hình thí điểm này được bổ trợ bằng một bộ công cụ tòan diện nhằm nâng cao năng lực và nhân rộng các hoạt động cho các bên liên quan thuộc khu vực công và tư ở các TP đối tác. Tính đến thời điểm hiện tại, giải pháp sáng tạo đã được thí điểm tại Hà Nội (Việt Nam), Pasig (Philippines), Lalitpur/ Kathmandu (Nepal), Kigali (Rwanda), Dar es Salaam (Tanzania), Quito (Ecuador), Montevideo (Uruguay), Madrid (Tây Ban Nha), Nam Kinh (Trung Quốc) and Hamburg (Đức).

Dự án SOLUTIONSplus tạo điều kiện cho những thay đổi mang tính chuyển đổi sang mô hình giao thông đô thị bền vững thông qua các giải pháp giao thông điện và tích hợp. Để đạt được mục tiêu này, dự án thúc đẩy phát triển và triển khai các loại xe điện, khuyến khích hiệu quả và tái thiết kế quy trình vận hành, và hỗ trợ tích hợp các giải pháp giao thông điện khác nhau tại các khu vực đô thị lớn. Cụ thể hơn, dự án xây dựng nền tảng toàn cầu cho các giải pháp giao thông điện thương mại, công cộng và chia sẻ. Thông qua mạng lưới đối tác, các dự án tương tự và năng lực kỹ thuật tốt, dự án tạo điều kiện trao đổi và đối thoại, khuyến khích các chính sách thành công, cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị cụ thể cho cán bộ TP, và thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu sáng tạo và phát triển trong tương lai.

Dự án do Đại học Công nghệ giao thông vận tải thực hiện và được UBND TP Hà Nội hỗ trợ, dự án thí điểm tại Hà Nội tập trung cải thiện hiệu quả và gia tăng lượng hành khách của hệ thống BRT hiện tại và hệ thống đường sắt cao tốc trong tương lai bằng mô hình chia sẻ xe điện 2 bánh E-2 sẽ kết nối tới các điểm đầu, cuối.

Hệ thống chia sẻ xe đạp/xe máy điện sẽ được trang bị các trạm sạc kiêm bãi đỗ hiện đại và thanh toán không dùng tiền mặt, hy vọng đem đến trải nghiệm giao thông điện tiện lợi hơn, kết hợp với các chặng di chuyển dài hơn bằng phương tiện công cộng. Thông qua việc loại bỏ dần các loại xe 2 bánh thông thường sử dụng động cơ đốt trong, dự án sẽ hỗ trợ kế hoạch của TP Hà Nội về việc cấm sử dụng xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2030 nhằm giảm thải từ các phương tiện giao thông.

Dự án cũng hỗ trợ các hoạt động quảng bá nâng cao nhận thức về xe điện (EV), nâng cao năng lực địa phương trong việc sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh phù hợp và tăng cường tích hợp các loại xe điện. Mô hình thí điểm của dự án, không chỉ biến giao thông điện trở nên hấp dẫn hơn, mà còn có tiềm năng giảm khí thải nhà kính trực tiếp từ giao thông, ước tính khoảng 48 tCO2/năm, và tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

2. Áp dụng mô hình Fukuoka tại 3 bãi chôn lấp rác ở Ethiopia

Do Đại học Fukuoka và TP Fukuoka đồng phát triển, phương pháp này nhằm mục tiêu giảm khí thải nhà kính từ các bãi chôn lấp và đảm bảo an toàn cho những người làm việc tại đây. Công nghệ sử dụng giúp cải thiện điều kiện các bãi chôn lấp một cách đơn giản với chi phí thấp thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu (như tre, lốp xe cũ) và nhân lực địa phương có sẵn tại các quốc gia đang phát triển, để lắp đặt đường ống thóat nước rỉ rác và thoát khí thải, từ đó mở rộng phạm vi hiếu khí trong các lớp chất thải tại bãi chôn lấp. Phương pháp cũng đẩy nhanh tốc độc phân hủy rác, ổn định bãi chôn lấp và dẫn nước rỉ rác một cách nhanh chóng nhằm giảm thiểu tác động môi trường lên các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, lượng khí methan phát sinh từ bãi chôn lấp cũng được giảm thiểu, góp phần hạn chế sự nóng lên tòan cầu. Hiện đang được áp dụng tại hơn 21 quốc gia trên toàn thế giới, phương pháp Fukuoka là một trong các công nghệ xử lý rác thải có thể được sử dụng ở rất nhiều khu vực đa dạng. Khác với các bãi chôn lấp kỵ khí thu khí sinh học, cấu trúc bên trong bãi chôn lấp được duy trì ở trạng thái hiếu khí nhất có thể, đặc biệt đẩy nhanh quá trình ổn định của bãi chôn lấp và bảo vệ môi trường.

Tại Ethiopia, bắt đầu là một hoạt động nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp khi bãi chôn lấp rác duy nhất Koshe của TP Addis Abba bất ngờ đổ sập và tước đi sinh mạng của hơn 130 người, dự án cải tạo các bãi chôn lấp của UN-Habitat hiện đang được đón nhận và nhân rộng, thậm chí nhận được tài trợ từ chính các TP. Bằng cách áp dụng phương pháp này, phát thải khí methan ước tính giảm tới 47%, thể hiện rõ nhất qua sự phục hồi của thảm thực vật tự nhiên.

Các rủi ro liên quan đến methan cũng theo đó được giảm thiểu, quy trình phân hủy rác thải hữu cơ được đẩy nhanh và cấu trúc của bãi chôn lấp được ổn định.
Tại Việt Nam, phương pháp Fukuoka được triển khai tại bãi rác Đình Vũ, Hải Phòng từ năm 2010-2012 với quy mô nhỏ hơn. Dự án được chính quyền TP Fukuoka trực tiếp hỗ trợ, thí điểm trên diện tích 3.000m2. Kết quả bước đầu cho thấy khí thải nhà kính giảm rõ rệt, từ 30.4% xuống 8% với khí CO2 và 67% xuống 6% với khí CH4. Các chỉ số COD và BOD5 từ nước rỉ rác cũng giảm, từ 80% xuống 20%.

3. Tái thiết đô thị: Công viên xanh ở Berbera, Somalimand

Dự án phát triển đô thị nhiều giai đoạn này hỗ trợ phát triển bền vững và bao trùm cho TP ven biển Berbera ở Somaliland, thông qua nâng cao năng lực chính quyền đô thị trong quy hoạch, cải thiện hệ thống quản lý chất thải, tạo việc làm và khuyến khích cộng đồng đô thị làm kinh doanh.

Bên cạnh mục đích thiết kế phát triển bờ biển, TP hướng tới gia tăng kết nối và tiếp cận của mạng lưới đường phố hiện tại tới trung tâm TP, xây dựng hệ thống không gian công cộng lấy con người làm trung tâm và hỗ trợ sự phát triển của TP trong tương lai.

Giai đoạn đầu của dự án đã hoàn tất, với việc xây dựng khu vực tái chế, khu vực đón trả khách/bãi đỗ, một khu chợ và đường dành cho người đi bộ, tất cả được UN-Habitat đồng hành thiết kế cùng với chính quyền TP Berbera. Vỉa hè được thiết kế đặc biệt đảm bảo tiếp cận công bằng và hòa nhập xã hội cho mọi đối tượng, cụ thể là cho người sử dụng xe lăn hoặc xe đẩy tới bãi biển.

Các cấu trúc được xây dựng khác gồm một điểm chờ xe buýt tại khu vực đón trả khách, mái che nắng, được lợp bằng một loại cỏ địa phương để đảm bảo hiệu ứng làm mát trong điều kiện thời tiết nóng và khô ở Berbera. Các tháp bảo vệ cũng được dựng để đảm bảo an ninh khu vực bờ biển. Tại các khu vực tạm thời cho người bán hàng rong, vỉa hè được vẽ trang trí làm không gian sống động hơn, đảm bảo giãn cách xã hội và phân bổ không gian một cách hợp lý.

Giai đoạn hai của dự án đã được triển khai bằng việc lắp đặt 203 đèn đường năng lượng mặt trời, đảm bảo an ninh đô thị và gia tăng tiếp cận cho người dân. Các hoạt động còn lại bao gồm việc xây dựng một con phố cho người đi bộ, khu vực thể thao và cho giới trẻ, khu vực cho gia đình, và khu vực chỉ dành cho phụ nữ và trẻ em gái (Her space).

Khi dự án hoàn thành, chính quyền Berbera hy vọng đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự Đô thị mới và Mục tiêu Phát triển Bền vững số 11, biến TP và các khu định cư trở nên an tòan, chống chịu, bao trùm và bền vững hơn, đồng thời cung cấp tiếp cận phổ cập đến các không gian xanh và không gian công cộng an tòan, bao trùm cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Đề xuất cho Việt Nam

Mục tiêu phát thải ròng bằng không đã được lồng ghép trong các văn bản chính sách tại Việt Nam, ở cả cấp trung ương, địa phương và ngành, với các biện pháp và mục tiêu giảm khí nhà kính lượng hóa cụ thể. Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia mới được ban hành trong thời gian gần đây đã đặt mục tiêu giảm 43.5% vào năm 2030. Mặc dù tham vọng, các mục tiêu này khó có thể đẩy nhanh nỗ lực đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Trong kịch bản thuận lợi nhất khi tất cả các chính sách hiện tại được triển khai thành công và thay đổi về mặt công nghệ và kinh tế được áp dụng, chúng ta vẫn không thể đạt được lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Là lĩnh vực phát thải chính, ngành điện đang được trang bị tốt nhất về mặt kỹ thuật và cả thể chế. Đặc biệt với Quy hoạch điện 8 (PDP8) vừa được phê duyệt, ngành điện nên được ưu tiên khử carbon đầu tiên, tiếp theo là ngành công nghiệp, nông nghiệp, và giao thông. Để đạt được mục tiêu giảm thải một cách toàn diện, Việt Nam cũng nên tập trung khử carbon trong thương mại và đầu tư vào công nghệ mới.

Mục tiêu khử carbon tham vọng đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể. Theo tính toán, Việt Nam cần tới tổng 368 tỷ đô la Mỹ cho tới năm 2040, tương đương với khoảng đầu tư 6.8% GDP/năm để theo đuổi lộ trình phát triển chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Trong đó hai phần ba khoản đầu tư này sẽ dành cho mục tiêu chống chịu, và phần còn lại để khử carbon. Tuy vẫn còn nhiều sự bất định trong dự báo khí hậu, tiến bộ công nghệ, chính sách quản lý và hành vi của người dùng cuối, có một điều chắc chắn là chúng ta phải huy động nguồn tài chính cho các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tối ưu không chỉ từ ngân sách Nhà nước mà còn cả từ khu vực tư nhân, và đóng góp từ bên ngoài. Như vậy, các hành động sau cần được ưu tiên: “xanh hóa” ngành tài chính (tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh) và áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro (bảo hiểm) để khuyến khích đầu tư tư nhân; (ii) tăng thu ngân sách nhà nước qua thuế carbon và/hoặc vay mượn ở thị trường trong và ngoài nước trong giới hạn có thể kiểm soát được; và (iii) huy động các nguồn tài chính quốc tế (tổ chức, các nhà đầu tư, nhà tài trợ song phương và đa phương, FDI và kiều hối) (13).

Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, cùng các chương trình xã hội cần đi kèm với hệ thống quản trị có cấu trúc, khung chính sách và quy hoạch rõ ràng, với các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp xanh, cùng hệ thống bảo trợ xã hội được củng cố để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0.

Tỉnh Quảng Nam, cùng với các chính quyền địa phương khác, đã và đang tham gia vào cuộc đua phát thải ròng bằng 0. Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu về dự án bể chứa và tín dụng carbon ở Việt Nam, thông qua các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên (12), và gần đây đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Những nỗ lực này rất đáng biểu dương, tuy nhiên Quảng Nam vẫn cần một lộ trình dài hạn cụ thể và rõ ràng để đẩy nhanh tiến độ vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dựa trên khung lộ trình đã được đề cập ở các phần trước, tỉnh nên tập trung thực hiện các hoạt động sau:

Lộ trình dự báo giảm phát thải ròng 100%, megaton CO2 tương đương (CO2e)

(i) Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp tỉnh: Thực hiện kiểm đếm chi tiết các loại khí thải nhà kính phát sinh tòan tỉnh cho tất cả các lĩnh vực quy định thuộc phạm vi của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Năng lượng; giao thông; xây dựng; công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải;

(ii) Thông qua việc xác định các nguồn phát thải chính và lĩnh vực hành động ưu tiên, tỉnh cần đặt ra những mục tiêu giảm thải tham vọng, theo hướng dẫn của chính sách Nhà nước và đồng bộ với quy trình quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng của chính quyền Trung ương;

(iii) Thiết kế một lộ trình dài hạn và lựa chọn chiến lược/ lộ trình giảm thải phù hợp với mục tiêu cụ thể và có thể đo đếm được, hỗ trợ bằng các chính sách và chương trình: Với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/ năm từ năm 2015-2021 (14), có thể coi tỉnh Quảng Nam là loại hình đô thị tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tỉnh gồm các TP và thị trấn có quy mô hệ thống đô thị và ưu tiên phát triển khác nhau, đòi hỏi phải có các giải pháp và chiến lược khác nhau. Trên cơ sở tôn trọng đặc trưng và chức năng của từng loại đô thị, các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách có thể lồng ghép mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào trong quy hoạch của từng khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tích hợp, là một trong các phương pháp tiếp cận và công cụ thiết yếu các TP cần tập trung đầu tư xây dựng;

(iv) Thành lập mạng lưới đối tác và các bên liên quan ở các cấp để đẩy mạnh quy trình có sự tham gia: Việc triển khai hành động khí hậu mang tính chuyển đổi đòi hỏi nỗ lực cộng hưởng của tất cả các bên, bao gồm các cơ quan chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp và giới học thuật để khử carbon một cách sâu rộng vượt ngoài ranh giới vận hành của TP;

(v) Tham gia mạng lưới/ sáng kiến khí hậu xuyên quốc gia hoặc quốc tế: Tỉnh có cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết nhờ sự hỗ trợ của mạng lưới điều phối vùng để xây các chiến lược khí hậu chung, tính toán năm cơ sở và kiểm kê khí nhà kính.

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của người dân ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM

Vũ Minh Hằng
Chuyên gia Biến đổi khí hậu – UN – Habitat
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Arias, P.A., et al. Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. s.l. : Cambridge University Press, 2021;
2. John Lang, Camilla Hyslop, Natasha Lutz, Natalie Short, Richard Black, Peter Chalkley, Thomas Hale, Frederic Hans, Nick Hay, Niklas Höhne, Angel Hsu, Takeshi Kuramochi, Silke Mooldijk, Steve Smith. Net Zero Tracker. s.l. : Energy and Climate Intelligence Unit, Data-Driven EnviroLab, NewClimate Institute, Oxford Net Zero, 2023;
3. Vishal Agarwal, Jonathan Deffarges, Bruce Delteil, Matthieu Francois, Kunal Tara. McKinsey Sustainability. Charting a path for Vietnam to achieve its net-zero goals. [Online] 14 10 2022. https://ift.tt/egDSMCx;
4. UN-Habitat. World Cities Report 2022: Envisaging the Future of Cities. s.l. : UN-Habitat, 2022;
5. P.R. Shukla, J. Skea, R. Slade, A. Al Khourdajie, R. van Diemen, D. McCollum, M. Pathak, S. Some, P. Vyas, R. Fradera, M. Belkacemi, A. Hasija, G. Lisboa, S. Luz, J. Malley, (eds.). Climate Change 2022: Mitigation of Climate Change. Contribution of Working Group III to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. IPCC. Cambridge, UK and New York, NY, USA : Cambridge University Press, 2022;
6. C40. C40 Knowledge Hub. Cities Race to Zero. [Online] 27 June 2023; https://ift.tt/2Ryutdh.
7. From Low- to Net-Zero Carbon Cities: The Next Global Agenda. Karen C. Seto, Galina Churkina, Angel Hsu, Meredith Keller, Peter W.G. Newman, Bo Qin, Anu Ramaswami. 2021, Annual Review of Environment and Resources, pp. 377-415;
8. Wee, Kean Fong, et al. Global Protocol for Community-Scale Greenhouse Gas Inventories 1.1. s.l. : World Resources Institute, C40 Cities, ICLEI, 2021;
9. Carbon analytics for net-zero emissions sustainable cities. Ramaswami, A., et al. 2021, Nature Sustainability, pp. 460-463;
10. C40. C40 Cities Climate Leadership Group. Consumption-based GHG emissions. [Online] 28 June 2023. https://ift.tt/lk8qoDW;
11. Fioretti, C., Pertoldi, M., Busti, M. and Van Heerden, S. (eds). Handbook of Sustainable Urban Development Strategies. Luxembourg : Office of the European Union, 2020;
12. McKinsey & Company. Charting a path for Vietnam to achieve its net-zero goals. Sustainability Practice. 14 October 2022;
13. World Bank. Vietnam Country Climate and Development Report. Washington DC : World Bank Group, 2022;
14. GSO. Socio-Economic Statistical Data of 63 provinces and cities. s.l. : Statistical Publishing House, 2022.

The post Lộ trình nào cho TP không carbon: Góc nhìn từ quan điểm quốc tế appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/hyWBmrz
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét