Bài viết đã phân tích quy hoạch phát triển với bối cảnh và có những nét tương đồng từ Thành phố (TP) Thủ Đức – TP HCM, Phố Đông – TP Thượng Hải và gợi ý áp dụng những bài học kinh nghiệm cho quận Long Biên. Ngoài ra, dựa trên những giá trị tiềm năng sẵn có và thế mạnh của quận Long Biên, nhóm tác giả, đề xuất 4 trụ cột định hướng phát triển bao gồm: “TP tri thức, TP môi trường, TP văn hóa, TP sức khỏe” để quận Long Biên trở thành đô thị đáng sống, xứng tầm thế giới.
Những thành tựu phát triển đạt được của quận Long Biên
Quận Long Biên được thành lập ngày 6/11/2003, được tách ra từ huyện Gia Lâm thông qua Nghị định số 132/2003/NĐ-CP của Chính phủ, với 14 phường bao gồm Bồ Đề, Gia Thụy, Cự Khối, Đức Giang, Giang Biên, Long Biên, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Thạch Bàn, Thượng Thanh và Việt Hưng. Quận Long Biên là quận lớn nhất Hà Nội có diện tích 60,4km2, nằm tại vị thế độc đáo trên tả ngạn sông Hồng, được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống. Long Biên tuy là quận mới, nhưng có lịch sử lâu đời, có nhiều nét văn hóa độc đáo, hội tụ bản sắc của hai tiểu vùng văn hóa Thăng Long và văn hóa Kinh Bắc.
Sau 20 năm quá trình phát triển, quận Long Biên đã ghi dấu ấn phát triển với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ (6). Với sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị bài bản, quận Long Biên đang dần trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội. Điều này không chỉ tạo ra môi trường sống sôi động mà còn kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư sang phía bên kia sông Hồng, giúp giảm tải mật độ dân cư nội đô. Đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống.
Trong những năm qua, quận Long Biên đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng tiềm năng, dư địa để phát triển là còn rất lớn. Để có thể thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, quận Long Biên cần tiếp thu, học hỏi những kinh nghiệm phát triển các TP thành công đi trước, từ đó điều chỉnh chính sách, thực hiện mạnh mẽ những quyết sách sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong tương lai.
Ngày 22/01/2021, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chủ trì buổi làm việc với quận Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị: Quận Long Biên xây dựng và quản lý đô thị hướng đến xanh, thông minh, hiện đại trong thời gian tới và phải phấn đấu thành một quận kiểu mẫu của TP (Báo ĐCS. 2021).
Để thực hiện được điều đó thì cần phải xây dựng chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu với nội dung về hình thái đô thị, định hướng và nội dung chiến lược. Ở một góc cạnh nhỏ, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu học hỏi TP Thủ Đức và Phố Đông – Thượng Hải có những nét tương đồng với quận Long Biên với nhiều kinh nghiệm quý giá, có thể ứng dụng xây dựng phát triển quận Long Biên ngày càng hiện đại và chất lượng sống được nâng cao hơn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo dân và lãnh đạo TP Hà Nội.
Bài học kinh nghiệm quy hoạch phát triển cho quận Long Biên
1. TP Thủ Đức, TP. HCM
TP. Thủ Đức là khu vực dẫn dắt kinh tế TP. HCM và vùng TP. HCM dự kiến đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, có 211,56 km² diện tích tự nhiên (chiếm 10,1% diện tích tự nhiên toàn TP.HCM) và 1.013.795 người, bao gồm 34 phường trực thuộc1, sáp nhập 3 quận cũ là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Ngày 1 tháng 1 năm 2021, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 1111/NQ-UBTVQH14, Thủ Đức trở thành TP đầu tiên của Việt Nam, thuộc loại hình đơn vị hành chính theo mô hình “TP thuộc TP trực thuộc trung ương”.
Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Có điều kiện và tiềm năng thuận lợi phát triển đô thị như: Trục Xa lộ Hà Nội, tuyến metro số 1, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối với các khu chức năng quan trọng: Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, khu Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc, Khu du lịch Suối Tiên, Khu Liên hiệp Thể dục thể thao Rạch Chiếc…; liên kết với các động lực phát triển quan trọng như trung tâm TP, Khu đô thị Thủ Thiêm, kết nối với sân bay Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch….Hành lang phát triển là tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội; phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.
Trước khi được công nhận TP Thủ Đức, thì đất quy hoạch xây dựng đô thị chưa được sử dụng hiệu quả, một phần do tình trạng chậm triển khai thực hiện quy hoạch. Vì vậy, định hướng thay đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng đất phát triển đô thị gắn liền với công nghiệp, thương mại-dịch vụ để phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế.
Ngày 16/9/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1538/QĐ-CP “Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040”, sẽ phát triển theo hướng đô thị thông minh, sáng tạo với 8 khu trung tâm. Cụ thể: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ.
UBND TP.HCM đã trình dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, TP Thủ Đức được đề xuất với năm nội dung nhằm giúp phát triển đúng định hướng là cực tăng trưởng mới của TP.HCM. Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Bao gồm các lĩnh vực như: Quản lý đầu tư, Tài chính, ngân sách nhà nước, Quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM, Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Tổ chức bộ máy của chính quyền TP và TP Thủ Đức…
Sau khi thành lập thành lập TP Thủ Đức với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 thu được đạt gần 10.700 tỷ đồng và năm 2022 gần 20.100 tỷ đồng, cao hơn số thu của 46 tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác; giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm đều trên 93%. TP. Thủ Đức đã xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh IOC, triển khai thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của lãnh đạo TP…
Để TP Thủ Đức được công nhận là đô thị cấp 1, lần đầu tiên mô hình “TP trong lòng TP” được triển khai, chính quyền TP HCM đã trải qua quá trình chuẩn bị nội dung kế hoạch chương trình, cơ sở pháp lý rất chu đáo để được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Hiện nay, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và khi đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức được Thủ tướng Chính phủ thông qua sẽ là tiền đề quan trọng giúp cho TP Thủ Đức cất cánh, phát triển vượt bậc và kỳ vọng sẽ khu vực dẫn dắt kinh tế TP và Vùng TP HCM.
2. Phố Đông, TP Thượng Hải
Phố Đông nằm giữa bờ Đông sông Hoàng Phố, tuyến đường thủy chính của Thượng Hải và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, nó vẫn tương đối kém phát triển mặc dù nằm gần trung tâm TP Thượng Hải, trước đây khu vực này chủ yếu là những mảnh đất nông nghiệp (Macpherson, 1994). Nay Phố Đông được xem là khu vực sầm uất của Thượng Hải, đã trải qua vài thập kỷ phố Đông ngày nay đã là một khu vực hoàn toàn mới, với diện mạo hoàn toàn thay đổi, nỗ lực nhắm đến sự phát triển của một đặc khu kinh tế. Chỉ trong vài chục năm thành lập và phát triển, Phố Đông đã tạo ra một cuộc bùng nổ và trở thành một trong những khu vực sầm uất thịnh vượng nhất ở trên thế giới.
Năm 1990, Chính phủ Trung ương Trung Quốc tuyên bố phát triển và mở cửa Khu vực mới Phố Đông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở Thượng Hải. Hưởng lợi từ lợi thế về vị trí và nền kinh tế của Thượng Hải, chính quyền Khu mới Phố Đông đã liên tiếp xây dựng 7 khu chức năng khác nhau theo chức năng và mục tiêu chiến lược (Zhao et al., 2003).
Hiện nay, Phố Đông chiếm 20% toàn bộ GDP của Thượng Hải và đầu tư nước ngoài chiếm một nửa tổng vốn của TP. Với nhiều chính sách ưu đãi khác nhau được thực hiện tại các khu phát triển. Phố Đông cũng như TP Thượng Hải đã khẳng định mình là TP trung tâm kinh tế, thương mại, đầu tư rất quan trọng đối với Trung Quốc cũng như Châu Á và trên thế giới. Để làm được điều này, yếu tố rất quang trọng đó là TP Thượng Hải đã thành công trong việc mở cửa, kêu gọi đón lấy nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài.
Chính quyền Thượng Hải có được quyền quản lý sử dụng đất, chính vì thế khi kêu gọi đầu tư nước ngoài, chính quyền TP có thể cung cấp bán nguồn sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài một cách tích cực và nhanh chóng. Nhường quyền cho các công ty nước ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng tại Thượng Hải. Không chỉ TP mới Phố Đông, mà toàn bộ TP đã có thể đẩy nhanh được xây dựng phát triển đô thị.Việc có được quyền quản lý sử dụng đất đã giúp cho chính quyền có thể phát triển xây dựng đô thị theo quy hoạch một cách thuận lợi hơn. Kết quả cuối cùng TP đã thành công trong việc đẩy mạnh thương mại hóa phát triển không gian đô thị, đảm bảo nguồn tài chính để phát triển đô thị. Mô hình này là nguồn động lực thúc đẩy phát triển đô thị theo kiểu Trung Quốc nên cần phải tham khảo và nghiên cứu chuyên sâu hơn để áp dụng vận hành đẩy nhanh việc phát triển xây dựng cho các TP lớn Việt Nam.
Bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển Phố Đông – Thượng Hải
- Hưởng lợi từ lợi thế về vị trí và nền kinh tế của Thượng Hải, tận dụng vị trí thuận lợi kết nối với kinh tế cũ, bên cạnh đó hình thành nền kinh tế mới.
- Tập trung phát triển kinh tế cốt lõi: Phát triển ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược, thúc đẩy thực hiện các chiến lược và dự án lớn, đồng thời thúc đẩy phát triển khu vực, mở rộng các chức năng trung tâm cốt lõi.
- Mở rộng mạng lưới kết nối và khu vực trong tương lai, xây dựng khu công viên công nghệ cao Zhangjiang làm trụ cột kinh tế chính của TP. Xây dựng chính sách ưu đãi cho các công ty đa quốc gia, khuyến khích các công ty đặt trụ sở tại Thượng Hải. Và chính sách liên quan đến quyền quản lý sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/10/23A10061-8-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/10/23A10061-9-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/10/23A10061-10-1-380x247.jpg)
Nhận diện, so sánh tiềm năng thế mạnh và điểm bất lợi của quận Long Biên
1. Phân tích so sánh
a. Điểm tương đồng
Các TP mới nổi như TP Thủ Đức hay Phố Đông và kể cả quận Long Biên đều hội tụ đủ 3 yếu tố chính để thành công là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Thiên thời là xu thế phát triển thế giới, chính là nền kinh tế mở, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức với nền tảng phát triển kinh tế xã hội khoa học công nghệ sẵn có như hiện nay, và với một nguồn lực dân số, nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu trung tâm, TP cũ có thể thu hút được là một lợi thế rất lớn, khi mà địa giới hành chính của các khu vực này rất gần với khu trung tâm. Vì vậy, với bối cảnh phát triển cũng như sự hình thành và phát triển với xu thế phát triển tất yếu của các quá trình phát triển, với thời gian này, lúc này, với bối cảnh phát triển như vậy Long Biên sẽ có khả năng rất lớn để phát triển tương đồng như Thủ Đức và Phố Đông.
Địa lợi là với lợi thế chiến lược, có sự tương đồng về vị trí địa lý, xuất phát từ việc cả 3 khu vực đều giáp các con sông lớn, có tính kết nối, và đều nằm ở phía Đông. Đặc biệt hơn cả là đều nằm gần Trung tâm đô thị cũ đã phát triển mạnh mẽ ở quá khứ, dư địa đất đai để phát triển còn ít như quận Hoàn Kiếm Hà Nội, Quận 1 – TP.HCM, Phố Nam Kinh – TP Thượng Hải. Có tiềm năng rất lớn nếu kế thừa và phát huy được những điểm mạnh mà các TP, trung tâm cũ đã phát triển hiện có như dân số, khoa học công nghệ, tài chính, văn hóa, giáo dục, … Và lợi thế sẵn có như quỹ đất, dư địa phát triển, tiềm năng tiếp cận đến các thị trường, dịch vụ cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, hệ sinh thái xanh.
Nhân hòa là nơi mà chính quyền cấp trên luôn ủng hộ đổi mới, thử nghiệm những vấn đề mới, tìm cách đi mới, làm mô hình để nhân rộng, phát triển ra toàn TP. Quận Long Biên cũng như Thủ Đức hay Phố Đông sẽ là nơi chia sẻ, cũng là nơi cạnh tranh, cùng nhau phát triển góp phần tạo nên TP hiện đại hơn, vươn tầm châu lục và thế giới.
b. Điểm khác biệt
Nhìn chung, quận Long Biên có mật độ dân số khá tương đồng với 2 khu vực là Thủ Đức và Phố Đông, tuy nhiên quận Long Biên có diện tích chỉ bằng 1/20 so với Phố Đông, bằng 1/3.56 so với TP.Thủ Đức.
TP Thủ Đức là khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng TP.HCM dự kiến đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM.
Phố Đông chiếm 20% toàn bộ GDP của Thượng Hải và đầu tư nước ngoài chiếm một nửa tổng vốn của TP. Với nhiều chính sách ưu đãi khác nhau được thực hiện tại các khu phát triển trong TP.
Như vậy, có thể nói vai trò của Thủ Đức với TP.HCM và Phố Đông với TP Thượng Hải là rất quan trọng. Tiềm năng và dư địa của Long Biên còn rất lớn, nhưng sự phát triển chưa xứng với nội lực hiện có. Vì vậy, cần nghĩ lớn, thay đổi lớn để cho Long Biên cất cánh, xây dựng phát triển xứng tầm.
Gợi mở định hướng chiến lược phát triển cho quận Long Biên trở thành đô thị đáng sống, xứng tầm thế giới
Như nội dung về hạ tầng kỹ thuật, thế mạnh của quận Long Biên được phân tích ở trên. Ngoài ra, với bối cảnh quá trình phát triển của Long Biên có nhiều nét tương đồng với Thủ Đức và Phố Đông, quận Long Biên có thể học hỏi những kinh nghiệm chi tiết đã nêu ở trên.
Ngoài ra, để TP Thủ Đức với tính chất phát triển đô thị là TP sáng tạo tương tác cao, và đã được Quốc hội thông qua mô hình TP trong lòng TP, được nhiều ưu đãi, được phép thí nghiệm nhiều chính sách, nội dung mới, thì TP.HCM đã chuẩn bị rất kỹ, xây dựng nhiều chuyên đề, được Chính phủ kỳ vọng và rất quan tâm, ủng hộ và xác nhập giữa các khu vực, mở rộng ranh giới tiềm năng phát triển cũng tăng cường đầu tư, chia sẻ nguồn lực kết nối giao thương, sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá, khi muốn thay đổi và phát triển. Vì vậy, quận Long Biên trước hết cũng cần xây dựng chương trình, đề án, chiến lược phát triển để được nhiều ưu đãi mới, được mạnh dạn làm thí điểm trên địa bàn.
Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065, và Luật Thủ đô được điều chỉnh, vì vậy đây là cơ hội mới, thời cơ mới để mạnh dạn đề xuất những nội dung chiến lược phát triển cho quận Long Biên cũng sẽ trở thành đô thị đáng sống, xứng tầm thế giới, áp dụng mô hình “TP trong lòng TP trực thuộc Trung ương”, trở thành TP Long Biên để được nhiều ưu đãi, nhiều chính sách mới được triển khai. Sau đó sẽ tiếp thu thêm phương thức mà Phố Đông đã thực hiện phát triển trong thời gian qua.
Ngoài ra, dựa trên xu thế, tình hình và nhu cầu chung của xã hội, nhóm tác giả, đề xuất cụ thể xây dựng 04 trụ cột chiến lược phát triển bao gồm như sau:
1. TP Long Biên – TP tri thức
- Định hướng phát triển TP với nền kinh tế dựa trên nền tảng trí tuệ, xã hội dân trí cao, trong đó trí tuệ và tư duy sáng tạo là yếu tố chính, được duy trì trên nền tảng của những trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học danh tiếng và cùng với hệ thống giáo dục đào tạo đẳng cấp quốc tế, đồng thời liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu sáng tạo với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, có sự tương tác mạnh mẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các khu chế tạo sản xuất;
- Phát triển TP chuyển hóa từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế sáng tạo, nhấn mạnh các khía cạnh thương mại, dịch vụ, mở rộng tạo ra một số lĩnh vực năng động, tăng cường sự gần gũi và phổ biến tri thức. Luôn luôn thay đổi các ý tưởng về sản phẩm hàng hóa dịch vụ, không ngừng học hỏi tư duy đột phá đổi mới sáng tạo, không ngừng áp dụng những công nghệ tối tân hiện đại, cải thiện các dịch vụ công cộng ít tài nguyên hơn, đồng thời giải quyết những thách thức về môi trường;
- TP là nơi tất cả con người từ các tầng lớp xã hội trong tất cả các lĩnh vực đến với nhau để hợp tác, khám phá, phát minh ra 1 điều kì diệu. Với một thế giới luôn thay đổi, việc nhắc nhở liên tục về mục tiêu cuối cùng và tiếp tục nỗ lực chăm chỉ để cho điều kì diệu có thể xảy ra. Để đạt được mục tiêu cần phải xây dựng một lộ trình và cho phép người sáng tạo có ý tưởng và sau đó hỗ trợ các dự án được tiếp tục thực hiện cho đến khi thành công;
- Sự tăng trưởng kinh tế đô thị nằm trong hoạt động đô thị như từ sản phẩm công nghiệp, nghiên cứu, giáo dục, nông nghiệp chứ không phải tăng trưởng bằng kinh tế dựa vào phát triển bất động sản. Nên TP cần có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cho những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong nước, xây dựng nên hệ thống các cụm kinh tế công nghiệp đa ngành, thu hút giới đầu tư toàn cầu;
- TP nên chấp nhận thay đổi thử nghiệm, cởi mở với các hoạt động tư duy mới từ bên ngoài. Ngoài những cơ sở hạ tầng dành cho công nghiệp, văn phòng và dân cư, cũng cần xây dựng không gian công cộng, không gian xanh đậm chất đô thị tri thức, không gian mà cộng đồng có thể thể hiện được sức sáng tạo, đột phá và đổi mới.
2. TP Long Biên – TP môi trường
- Định hướng xây dựng thành một đô thị giàu tính nhân văn, trong đó con người có đủ thời gian để suy ngẫm và học hỏi từ công việc và cuộc sống. Không gian trở thành nơi gắn kết con người, tạo nguồn cảm hứng cho giới lao động tri thức giao lưu, suy ngẫm và sáng tạo.
- Phát triển không gian xanh, TP xanh bằng cách tận dụng khai thác tối đa các khoảng không gian đóng, không gian dọc sông, và không gian bị bỏ quên như nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang, … để mở ra nhiều hơn nữa cho TP, không gian xanh, không gian nghỉ ngơi giải trí, và không gian sống mới.
- Thiết lập và bảo vệ “vành đai xanh” giữa đô thị và nông thôn, trong vành đai xanh không chỉ dành cho công viên, sân chơi, mà còn có thể được sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Hình thành nên hệ thống vành đai xanh mở rộng theo hướng vòng tròn đồng tâm cho cả khu vực, xanh hóa những đại lộ xanh, vỉa hè và làn đường xe đạp.
- Phân bố điều chỉnh mảng xanh, cải thiện môi trường sinh thái đô thị, xây dựng rừng nhân tạo lớn ở khu vực ngoại ô, hình thành mảng xanh phân bố xen kẽ giữa bên trong và bên ngoài đô thị, nhằm tạo ra sự liên kết thành hệ thống không gian mở và không gian cây xanh luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi.
3. TP Long Biên – TP sức khỏe
Xây dựng phát triển hướng đến TP sức khỏe, hoạt động thể dục thể thao. Tích cực phát triển mạng tuyến xe đạp, tuyến đi bộ, tạo vỉa hè và làn đường dành cho xe đạp, nâng cao số lượng sử dụng phương tiện giao thông ít thải carbon, thân thiện với môi trường, hướng đến thiết kế hạ tầng hỗ trợ phục vụ người thương tật già yếu… và phát triển mạnh mẽ phương tiện carbon thấp như xe điện, giảm thiểu giao thông phát thải carbon trong các khu dân cư.
Kiến tạo không gian đi bộ sẽ khuyến khích và tạo ra văn hóa đi bộ, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng, phương tiện phi cơ giới. Qua đó sẽ làm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phát triển TP với hệ thống y tế chất lượng khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao với trình độ ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu của đa số người dân và hướng tới mục tiêu sức khỏe hạnh phúc .
Khuyến khích khởi nghiệp y tế, nghiên cứu và đổi mới, các xu hướng mới như du lịch y tề. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế để tăng cường sự đa dạng và cạnh tranh trong ngành y tế.
Xây dựng chiến lược quảng bá “TP Y tế Sức khỏe Hà Nội” nhằm mục đích thu hút các công ty liên quan đến dược, y tế, sức khỏe cộng đồng trở thành một ngành tăng trưởng trong thế kỷ mới, thông qua sự hợp tác giữa các ngành y dược, chính phủ, học viện và doanh nghiệp.
4. TP Long Biên – TP văn hóa
TP là nơi mọi công dân được bồi dưỡng tinh thần văn hóa qua nhiều thế hệ. Vì vậy, quận Long Biên cũng như TP Hà Nội là nơi hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam. Tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, làm thế nào để gìn giữ nét thanh lịch không bị phôi phai, giữ được văn hóa mấy nghìn năm chảy trong lòng Hà Nội là bài toán khó.
Tuy nhiên, văn hóa là yếu tố quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm”, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Vì vậy, trên nền tảng văn hóa, tận dụng sức mạnh văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, để cuộc sống của người dân Long Biên và Hà Nội có thể cảm thấy tự hào và giàu có hơn.
Trước hết, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.
Xây dựng kế hoạch chiến lược quảng bá “Văn hóa và nghệ thuật truyền thống TP Long Biên”, song song với thích ứng, cải tiến văn hóa để phù hợp với bối cảnh mới, song vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống.
Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu chia sẻ các giá trị văn hóa nghệ thuật với các TP có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc trên thế giới. Phát triển văn hóa cần dựa trên các quan điểm và góc độ về “Hiểu văn hóa, giáo dục văn hóa, truyền tải văn hóa, sáng tạo văn hóa, phát huy văn hóa, hỗ trợ hoạt động văn hóa”.
TS KTS.Phan Bảo An
TS KTS.Nguyễn Lâm
KS Nguyễn Thúy Hằng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
(1) https://ift.tt/LRanWXp
Tài liệu tham khảo
1. Bộ X. D. (2012). Hà Nội: Duyệt quy hoạch Phân khu đô thị N10 tại quận Long Biên. Gov.vn. https://ift.tt/lQipYjy
2. CGTN’s Yang Jing, L. S. (2018). Shanghai’s Pudong district: A miracle forged in 28 years. Cgtn.com. https://ift.tt/nr8fQOF
3. Đinh V. (2022, January 21). Bản đồ quận Long Biên và thông tin quy hoạch mới nhất. Phú Gia Thịnh Corp. https://ift.tt/fW7vK5n
4. Dũng C. (2013, October 31). Quận Long Biên, đô thị hiện đại đông bắc Thủ đô. Báo Nhân Dân điện tử. https://ift.tt/nsL4Eg5
5. Hùng T. L.-Ảnh: P. (2023, February 9). Bí thư Thành uỷ: Xây dựng quận Long Biên văn minh, hiện đại, đáng sống. Báo Kinh tế đô thị. Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. https://ift.tt/GnqSIOE
6. Lâm H. (2020, August 3). Đảng bộ quận Long Biên: Hoàn thiện hạ tầng đô thị tạo tiền đề phát triển bền vững. Báo Kinh tế đô thị. Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. https://ift.tt/YF8vBpy
7. Macpherson, K. L. (1994). The head of the dragon: The Pudong new area and Shanghai’s urban development. Planning Perspectives: PP, 9(1), 61–85. https://ift.tt/0Pqk287
8. Vov B. Đ. (2019, October 10). Hà Nội: Thay đổi diện mạo, phát triển đô thị văn minh. Báo điện tử VOV. https://ift.tt/AwWVho1
9. Zhao, B., Nakagoshi, N., Chen, J.-K., & Kong, L.-Y. (2003). The impact of urban planning on land use and land cover in Pudong of Shanghai, China. Journal of Environmental Sciences (China), 15(2), 205–214. https://ift.tt/o6WmdSq
10. 浦东发布. (2020). 百度安全验证. Baidu.com. https://ift.tt/WQJTRaD
11. https://ift.tt/CorfAXZ
12. https://ift.tt/fHprZdK.
13. https://ift.tt/1FNaxuE
14. https://ift.tt/IWZYwed
The post Gợi mở chiến lược quy hoạch phát triển quận Long Biên – Thủ đô Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/UwXrOHd
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét