Với chủ đề “Tuổi trẻ với di sản”, trong khuôn khổ Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV, Tạp chí Kiến trúc đã trao đổi về quan điểm và góc nhìn của các sinh viên, giảng viên, kiến trúc sư trẻ về di sản kiến trúc, đồng thời thảo luận những cách ứng xử và định hướng khai thác giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại. Việc gắn kết di sản với phát triển đô thị không chỉ giúp năng cao giá trị lịch sử, mà còn đem lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, phát huy các giá trị văn hóa và giáo dục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
“Số hóa di sản là một phương tiện hiệu quả để lưu trữ và truyền thông về các công trình di sản kiến trúc”
Hiện nay, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đang là vấn đề mà nhiều quốc gia, cộng đồng và địa phương phải đối mặt. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta nên giữ lại các di sản kiến trúc, hay nhường chỗ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Di sản kiến trúc không chỉ là những cột mốc lịch sử của một thành phố mà còn là biểu tượng văn hóa và tinh thần của cộng đồng.
Để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong bối cảnh xã hội đương đại, chúng ta cần tích hợp chúng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Các khu vực giàu di sản cần có chính sách bảo tồn và phát triển phù hợp. Kết nối các điểm di sản và tạo ra câu chuyện về chúng từ góc độ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và cộng đồng là cách để tăng cường nhận thức về giá trị của chúng. Mỗi di sản cần được xác định với vai trò và chức năng đặc thù của chúng trong xã hội hiện đại.
Số hóa di sản là một phương tiện hiệu quả để lưu trữ và truyền thông thông tin về chúng. Việc này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu và thế hệ hiện tại hiểu rõ hơn về di sản, mà còn giữ cho kiến thức này được truyền lại cho các thế hệ sau.
Thế hệ trẻ cần được khuyến khích tham gia vào việc giữ gìn và phát triển di sản. Điều này có thể bắt đầu từ việc tăng cường tình yêu quê hương, đất nước và giá trị văn hóa của cộng đồng. Sự kết hợp giữa những nghiên cứu truyền thống và sự sáng tạo của công nghệ hiện đại sẽ giúp thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển di sản một cách hiệu quả.
“Người trẻ cần có trách nhiệm với những gì mà các tiền nhân đã dày công tích lũy”
Trong một talkshow có chủ đề về di sản mà tôi hào hứng tham dự, có một diễn giả KTS trẻ đã giới thiệu một công trình kiến trúc hiện đại với quan điểm: “Những gì chúng ta làm ngày hôm nay chính là một thứ di sản để lại cho tương lai, nên chúng ta cần phải có trách nhiệm trong những thiết kế hiện tại”. Điều này đã làm tôi bất ngờ với quan điểm về di sản của giới trẻ.
Kiến trúc cũng như các hoạt động đời sống khác luôn vận động không ngừng cùng với thời gian. Và chính những giá trị mà các công trình kiến trúc mang lại cho xã hội, dù được kiến tạo ở thời đại nào, cũng sẽ trở thành một thứ di sản đóng góp cho lịch sử phát triển văn minh nhân loại. Nếu mong muốn thế hệ tương lai xem những công trình chúng ta thiết kế ngày hôm nay là di sản thì chúng ta cũng cần tôn trọng và có những cách ứng xử phù hợp với những công trình kiến trúc đô thị mà ông cha ta đã dựng xây.
Lịch sử luôn là một sự nối tiếp không ngừng. Những di sản kiến trúc sẽ là những “đôi vai của người khổng lồ” – một nền tảng vững chắc để chúng ta dựa vào đó mà học hỏi kinh nghiệm để kiến tạo những giá trị kiến trúc hiện tại. Do đó, những người trẻ không chỉ có trách nhiệm với những gì họ đang làm ra mà cần có trách nhiệm cả với những gì mà các tiền nhân đã dày công tích lũy – Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản không phải là một công việc chỉ dành cho những “người già”.
“Di sản không chỉ là tài sản vô giá của tiền nhân trao lại cho chúng ta mà còn là những nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và đến tương lai. Trong xã hội hiện tại, khi mà cơn lốc đô thị hóa đang cuốn phăng đi mọi thứ, nhu cầu phát triển thôi thúc khiến người ta quên đi nhiều thứ quan trọng khác thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thời đại công nghệ với sự phát triển thần tốc của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho chúng ta số hóa, lưu trữ, bảo tồn và khai thác các kho tàng di sản vô cùng thuận lợi nhưng cũng dễ khiến nhiều người ít quan tâm, thậm chí xem thường các giá trị thực giàu tính nhân văn mà cha ông chúng ta từng chắt lọc, nâng niu để tạo dựng.
Trong đô thị đương đại, việc bảo tồn các di sản không chỉ tạo nên những điểm nhấn, kết nối với lịch sử, tạo nên giá trị, bản sắc và chiều sâu của đô thị mà còn tạo nên những điểm tựa và sự cân bằng cho cuộc sống của cộng đồng cư dân, tạo nên sức hấp dẫn khó bỏ qua đối với du khách. Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế bởi có một kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú. Duy trì và phát triển sức hấp dẫn này sẽ là một thử thách lớn, trước hết sẽ gắn với trách nhiệm của giới KTS chúng ta”.
“Cần đánh giá di sản kiến trúc thông qua ba nhóm giá trị: Tình cảm, Văn hoá và Sử dụng”
Trong bối cảnh hiện nay, khi tiếp cận di sản kiến trúc, cần tìm hiểu xem di sản đó có những giá trị gì cần được khai thác và nên khai thác như thế nào? Cần đánh giá di sản kiến trúc thông qua ba nhóm giá trị: Tình cảm, văn hoá và sử dụng. Khai thác các giá trị cần chú trọng đến yếu tố nơi chốn (không gian), bối cảnh (thời gian), sử dụng ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng, ứng dụng phương pháp tổ chức không gian chức năng, vật liệu truyền thống,… Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng giúp cho việc tiếp cận nghiên cứu và quản lý di sản được toàn diện, giảm thiểu nhiều rủi ro, thế hệ trẻ cũng dễ dàng tiếp cận kiến thức về di sản thông qua ứng dụng về công nghệ, bước đầu khuyến khích các bạn trẻ quan tâm đến di sản. Tuy nhiên, để định hướng có chiều sâu hơn cần đồng bộ từ quá trình triển khai tại các cơ sở giáo dục (chương trình đào tạo, chuyên đề, hội thảo, cuộc thi…) đến tổ chức những chương trình thực tế kết hợp với cơ sở quản lý di sản tại địa phương, cùng chuyên gia liên ngành để các bạn trải nghiệm văn hoá truyền thống từng khu vực. Kiến thức gắn liền với những trải nghiệm thực tế, kết hợp sử dụng thành tựu của công nghệ sẽ giúp các bạn có nhiều cảm hứng trong việc phát huy tính sáng tạo trên nền tảng di sản văn hoá dân tộc.
“Hãy xem di sản kiến trúc là “Bảo tàng sống”
Bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc vẫn luôn là chủ đề biết bao thế hệ quan tâm và thảo luận. Cá nhân tôi, để bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc một cách bền vững thì cần có những điểm sau:
• Hãy xem di sản kiến trúc là “bảo tàng sống” – Bởi vì di sản không thể tồn tại độc lập mà cần “sống” trong môi trường cộng đồng. Khi đó, giá trị di sản kiến trúc mới được phát huy tối đa, có sức sống, có hồn và có giá trị vượt hơn hẳn giá trị vật lý của bản thân di sản – Đó là giá trị tinh thần. Ví dụ các nhà vườn truyền thống Huế, chủ nhân đều xem ngôi nhà, cỏ cây như là thành viên của ngôi nhà. Khi có người trong gia đình mất, các cây trong vườn cũng buộc khăn tang như để thương tiếc người đã khuất…
• Sử dụng di sản để bảo tồn di sản. Bản thân di sản kiến trúc luôn có giá trị và tiềm năng khai thác, phát huy giá trị đó một cách hợp lý, đúng cách thì mới tạo ra nguồn quỹ để trùng tu di sản một cách bền vững và thích ứng. Ví dụ: Các công trình kiến trúc Pháp thuộc đã và đang được chuyển đổi chức năng sử dụng thành nơi làm việc, tổ chức các sự kiện, nơi khởi nghiệp, sáng tạo…
• Cần có chiến lược dài hạn trong bảo tồn và phát huy các loại hình di sản kiến trúc. Rất nhiều người thường chỉ quan tâm đến những di sản kiến trúc cổ, kiến trúc gỗ truyền thống mà ít quan tâm đến các loại hình kiến trúc khác như kiến trúc Pháp thuộc, kiến trúc hiện đại, kiến trúc thời kỳ bao cấp… Chính vì vậy, nên có một chiến lược quy hoạch bảo tồn toàn diện quỹ di sản kiến trúc và có những giải pháp ứng xử phù hợp của từng loại hình.
“Cần phổ biến rộng rãi cho công chúng về trách nhiệm bảo tồn giá trị văn hóa di sản”
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản là yếu tố quan trọng để hướng đến phát triển thành phố một cách bền vững: Bền vững về mặt tự nhiên xã hội và Bền vững về mặt văn hoá dân tộc. Để di sản được tiếp cận và phát huy được hết giá trị của mình, bảo tồn di sản không nên dừng ở mặt hình ảnh, là một bức tranh để ngắm nhìn từ xa, mà còn là nơi để con cháu trải nghiệm, học tập, tiếp cận một cách gần gũi, qua đó học hỏi được những cái hay, nhìn thấy những hạn chế để khắc phục và định hướng những sự thay đổi trong tương lai. Vấn đề bảo tồn giá trị văn hoá di sản không chỉ dừng lại ở trang sách hay những khẩu hiệu, mà còn phải tiến đến sự phổ quát, phổ biến rộng rãi cho công chúng qua các chuyến đi thực tế, ghi chép, mô hình hoá di sản. Qua đó, di sản sẽ trở nên sống động và hoà nhập với cuộc sống hiện đại. Cùng nhau suy nghĩ về những khoảng tiếp – biến giữa những công trình xưa và cuộc sống hiện đại chính là chìa khoá quan trọng trong việc khai phá những giới hạn mới, nơi con người xưa và nay một lần nữa được hiện diện cùng nhau và giúp nhau phát triển và tồn tại.
“Di sản cũng như “những người cao tuổi trước gió”, càng mong manh, càng phải gìn giữ, bảo vệ cẩn trọng hơn”
Di sản nói chung và di sản kiến trúc nói riêng mang trong mình những đặc trưng khác biệt của từng khu vực địa lý, văn hóa và lối sống của mỗi cộng đồng dân cư trong một hay nhiều giai đoạn lịch sử. Di sản kiến trúc tạo lập mối liên hệ liền mạch không ngưng nghỉ giữa quá khứ và hiện tại. Yêu thích nghiên cứu về di sản, tôi chọn học ngành Kiến trúc Phương Đông chuyên sâu về bảo tồn di sản, trùng tu di tích tại trường đại học Phương Đông. Sau này, tôi có cơ hội tiếp tục học tập tại khoa Kiến trúc, Trường Kiến trúc và thiết kế Eduardo Vittoria, Đại học Camerino, Italia.
Đối với tôi, di sản kiến trúc theo thời gian ngày càng trở thành một cấu trúc “giàu có” hơn, về niên đại, trải nghiệm, cảm xúc,… Tôi mong rằng những kiến thức chuyên môn tôi đã được tiếp nhận sẽ có cơ hội phát huy trong tương lai tại Việt Nam. Với tôi, di sản cũng như “những người cao tuổi trước gió”, càng mong manh, càng phải gìn giữ, bảo vệ cẩn trọng hơn, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng ta.
“Di sản kiến trúc – Sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai”
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, di sản kiến trúc cần được tiếp cận và khai thác một cách khoa học và hiệu quả. Chúng ta cần bảo tồn nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di sản, đồng thời tìm kiếm những giải pháp phù hợp để đưa di sản vào đời sống hiện đại. Di sản kiến trúc có thể được sử dụng cho các mục đích như: Du lịch văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, hay đơn giản là nơi để mọi người thư giãn và tìm hiểu về lịch sử.
Với những tiến bộ công nghệ khoa học, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức như: Sự đô thị hóa, biến đổi khí hậu, và sự thiếu hụt nguồn lực. Để bảo vệ di sản kiến trúc cho thế hệ sau, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc. Cần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị của di sản kiến trúc thông qua giáo dục, đào tạo và các hoạt động truyền thông. Đồng thời, cần tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc.
Di sản kiến trúc là tài sản vô giá của mỗi quốc gia. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Hãy chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu này cho thế hệ hôm nay và mai sau.
“Tính mới trong di sản là không ngừng sáng tạo để đưa ra nhiều phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị của chúng”
Di sản kiến trúc có vai trò rất quan trọng trong cộng đồng và trong cuộc sống của nhân loại. “Đời sống của một công trình” khi được tôn vinh là di sản cũng gắn liền với các cột mốc thời gian để nói về một bối cảnh của xã hội được minh họa bằng công trình kiến trúc.
Với những tiến bộ công nghệ khoa học việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản kiến trúc trở nên dễ dàng hơn, có nhiều cách tiếp cận, đa dạng cách thể hiện nội dung và có nhiều chiều hướng mới để phát triển di sản. Ví dụ: Mô phỏng trình chiếu hình ảnh 3D, cách xây dựng công trình, các cột mốc diễn ra,… Bởi vì có quá nhiều thuận lợi từ tiến bộ công nghệ khoa học nên cũng đem lại những thách thức ảnh hưởng đến di sản kiến trúc nếu không có cách quản lí tốt sẽ ảnh hướng đến bản sắc của di sản. Việc bảo tồn và phát triển di sản là trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tính mới trong di sản là không ngừng sáng tạo để đưa ra nhiều phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.
“Bảo tồn di sản kiến trúc là phương thức hữu hiệu nhất để khuyến khích giới trẻ có nhiều cảm hứng hơn với di sản”
Di sản kiến trúc là những “bản ghi chép” hữu hình của lịch sử, văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho một địa phương. Do đó trong xã hội đương đại, di sản kiến trúc đóng vai trò tiên phong trong việc truyền đạt những giá trị lịch sử tới với đại chúng. Chắc chắn rằng một mái nhà, hay những ô cửa xưa sẽ gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc siêu thực về thời gian tốt hơn là một trang sách lịch sử,…
Bên cạnh việc bảo tồn về mặt vật chất cho di sản kiến trúc thì việc bảo tồn và phục dựng lại những giá trị hữu hình mà di sản kiến trúc phục vụ cũng quan trọng không kém, giá trị vẫn sống mãi và đây là phương thức hữu hiệu nhất để khuyến khích giới trẻ có nhiều cảm hứng hơn với di sản, từ đó tìm hiểu nhiều hơn về những giá trị tinh thần thì ắt hẳn sẽ có nhiều hơn những di sản tương lai được tạo ra trên di sản cũ, và những giá trị cũ sẽ sống mãi.
“Những người trẻ, bằng tài năng và đam mê, đã và đang bảo tồn các giá trị di sản theo cách rất riêng”
Di sản là phương tiện chủ yếu và là một kênh để giới trẻ chúng tôi kết nối quá khứ với tương lai. Thế hệ trẻ chúng tôi có cơ hội được tận hưởng những văn hóa và di sản mà tổ tiên để lại.
Bảo vệ di sản văn hóa chính là để đảm bảo rằng thế hệ giới trẻ chúng tôi được tiếp cận với những giá trị di sản này và những lựa chọn văn hóa sẽ luôn được mở rộng hơn. Anh Đặng Phan Điệp – Phó TGĐ CTCP Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt, một người anh rất trẻ và rất tâm huyết với việc bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số đã chia sẻ về điều này: “…Trong thời đại công nghệ hiện diện ở khắp mọi nơi, các nội dung, tương tác đều qua mạng xã hội, nếu như chúng ta không có cách tiếp cận khoa học, không có định hướng thì giới trẻ sẽ rất dễ dời xa di sản văn hóa của dân tộc”. Anh Nguyễn Đức Lộc- Nhà thiết kế kiêm Giám đốc Ỷ Vân Hiên – đơn vị phỏng dựng cổ phục Việt cho biết: “Những họa tiết thời xưa được dệt rất cầu kỳ, ví dụ như bộ mãng bào, long bào là những triều phục thời Nguyễn thì những hoa văn được dệt rất tinh xảo, bây giờ để làm lại rất khó,…”.
Sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống và hiện đại được giới trẻ sáng tạo trong cuộc sống không chỉ khẳng định cá tính riêng của giới trẻ, mà còn cho mọi người thấy được giới trẻ không hề lãng quên di sản văn hóa dân tộc. Những người trẻ như chúng tôi- bằng tài năng, đam mê của mình đã và đang bảo tồn các giá trị di sản theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể. Bản thân tôi cũng đã dần tiếp cận được nhưng di sản văn hoá và việc tạo ra công nghệ số hiện nay là một công cụ giúp cho tôi có cái nhìn trực quan với những di sản văn hoá từ trước đến nay.
Ánh Dương (Thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2ZFVA6b
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét