Quan điểm đồng nhất các khu di sản với các di tích lịch sử, khảo cổ hoặc kiến trúc, nghệ thuật đã trở thành một tiêu chuẩn phổ biến trong thời gian dài. Từ đó, dẫn tới giải pháp bảo tồn chủ yếu là khoanh vùng bảo vệ “cứng” để bảo quản, tu bổ, phục hồi, “đóng băng” di sản trong trạng thái hiện hữu, ngăn chặn sự biến đổi do yếu tố thời gian hoặc con người. Mặc dù giúp bảo vệ di sản khỏi sự xuống cấp và mất mát, nhưng cách tiếp cận này có thể khiến di sản không được nhận diện một cách toàn vẹn, trở nên xa rời với bản sắc và đời sống của cộng đồng, thậm chí khiến di sản bị coi thành trở ngại cho sự phát triển kinh tế – xã hội hiện đại. Việc bảo tồn di sản trở thành đặc quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, các cấp chính quyền và các chuyên gia; dân cư và công chúng hoàn toàn đứng ngoài, thậm chí trở thành chướng ngại.
Vì những hạn chế đó, tập quán này đang trở nên lỗi thời và dần được thay thế bằng quan điểm nhìn nhận di sản trong một bối cảnh tổng thể, đưa di sản trở về với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng, như tinh thần của UNESCO: “Các cộng đồng chủ nhân và dân cư bản địa phải được tham gia lập quy hoạch cho bảo tồn và du lịch” và “Hoạt động du lịch và bảo tồn phải có lợi cho cộng đồng chủ nhân” (Công ước quốc tế về du lịch văn hoá ICOMOS, 1999). Trước đó, UNESCO đã đưa ra các khái niệm Cảnh quan Văn hóa vào năm 1992, cũng như điều chỉnh và sửa đổi các tiêu chí về Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới theo hướng ngày càng hướng đến các truyền thống văn hoá và các di sản “sống” (living heritage).
Đồng thời với đó, quan điểm hiện nay của UNESCO là “có thể tạo nhiều hơn một vùng đệm cho một di sản để tăng cường tính toàn vẹn và quản lý. Ví dụ, ranh giới của một khu vực để bảo tồn các điểm nhìn và bối cảnh quan trọng của khu vực đô thị có thể khác với ranh giới cần thiết để quản lý các tác động giao thông hoặc áp lực của du khách” và kiến nghị về sự hữu ích của “một khu vực ảnh hưởng (an area of influence) nằm bên ngoài vùng lõi di sản và bất kỳ vùng đệm nào”/ Trích từ Báo cáo 25 – Di sản thế giới và vùng đệm (Hội nghị Chuyên gia UNESCO, Davos, Thụy Sĩ 2008).
Theo những tôn chỉ đó, đối với những di sản có tầm ảnh hưởng lớn và các đô thị di sản, quy hoạch cần đề xuất những giải pháp có thể tạo ra và đưa những tài nguyên sản nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, tác động tích cực trực tiếp và gián tiếp đến các ngành khác, tạo ra thu nhập để đảm bảo kết dư, đồng thời phải mở rộng khu vực nghiên cứu, những khu vực ảnh hưởng và những khu vực tương tác phát triển để đưa ra những định hướng về thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan để bảo tồn cảnh quan văn hóa của di tích, tạo ra nguồn sinh kế cho người dân địa phương, giải phóng những nguồn lực xã hội và tạo ra tâm lý tích cực để cộng đồng tự giác bảo tồn di tích và các giá trị di sản vật thể và phi vật thể.
Sự cần thiết này đến từ việc các di sản mang trong mình giá trị đặc biệt, không chỉ về mặt văn hóa, lịch sử mà còn ở góc độ kinh tế, xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và khu vực.
Các mô hình ứng xử/bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam và trên thế giới
Thực tế có thể xác định 3 mô hình ứng xử với di sản cơ bản thường thấy tại Việt Nam và trên thế giới gồm 1) Mô hình thôn tính di sản; 2) Mô hình cạnh tranh di sản; và 3) Mô hình cộng sinh di sản.
Mô hình A: Thôn tính di sản
Mô hình này xuất phát từ việc phát triển và xây dựng các dự án cùng vị trí hoặc tranh đoạt không gian với di sản. Tình huống này xuất hiện khi địa điểm đó quá đắc địa, hoặc là nhu cầu phát triển bành trướng đến mức không thỏa hiệp được với bảo tồn, hoặc là ý thức và luật lệ quy định về bảo tồn còn kém. Kết quả là di sản bị phá hủy hoàn toàn hoặc mất đi yếu tố nguyên gốc cốt lõi1. Tuy mô hình này đem lại lợi ích ngắn hạn cho sự phát triển kinh tế và hạ tầng, nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng đến di sản và mất mát những yếu tố vô cùng quý giá về lịch sử và văn hóa.
Những thay đổi về các tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới-trường hợp quần thể di tích cố đo Huế
Theo Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, để được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mỗi di sản cần đạt được một trong 10 tiêu chí được quy định cụ thể. Vào thời điểm được ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới năm 1993, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Cố đô Huế được xác định theo tiêu chí (iii) và (iv) như sau:
- Tiêu chí (iii): Quần thể di tích Cố đô Huế thể hiện một bằng chứng nổi bật về quyền lực của đế chế phong kiến đã qua ở Việt Nam vào đỉnh cao của nó đầu thế kỷ 19.
- Tiêu chí (iv): Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật về kinh đô phong kiến phương Đông.
Vào tháng 6/2014, tiêu chí (iii) của Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị xóa bỏ trong Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu (OUV) hồi tưởng quá khứ được Ủy ban Di sản Thế giới thông qua trong phiên họp thứ 38 tại Doha.
Việc loại bỏ tiêu chí (iii) của Quần thể di tích Cố đô Huế diễn ra trong xu thế UNESCO đang chuyển trọng tâm sang cách tiếp cận tổng thể về bảo tồn di sản. Cách tiếp cận này không chỉ công nhận sự xuất sắc về kiến trúc và quy hoạch đô thị mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các tập tục văn hóa, cảnh quan văn hoá và bối cảnh rộng lớn góp phần vào OUV của di sản, điều mà các ranh giới theo hồ sơ đề cử của Quần thể di tích Cố đô Huế chưa thoả mãn.
Tại các phiên bản Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới từ năm 1980 đến trước năm 1994, tiêu chí (iii) “Là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho một nền văn minh đã mất”. Sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung diễn ra vào các năm 1994, 1995, 1996, tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới mới nhất năm 2023, tiêu chí (iii) hiện nay trở thành “Là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hoặc đã mất”.
Vào thời điểm đề cử Quần thể di tích Cố đô Huế, khái niệm Cảnh quanVăn hóa vẫn còn rất mới mẻ. Cũng do vậy mà việc ghi danh Quần thể di tích Cố đô Huế năm 1993 chỉ bao gồm các công trình xây dựng và khung cảnh liền kề, mà không bao gồm nhiều thành tố quan trọng khác. UNESCO làm rõ vai trò và những hạn chế của các ranh giới này tại mục Tính toàn vẹn (Integrity) được mô tả trên hồ sơ di sản của Quần thể di tích Cố đô Huế: “Tất cả các yếu tố chính của nghệ thuật hoành tráng và quy hoạch đô thị mà cần thiết để thể hiện giá trị di sản được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới đều đã bao gồm trong ranh giới được bảo vệ tốt của di sản và vùng đệm. Tuy nhiên, bối cảnh cảnh quan rộng hơn của di sản, mối quan hệ của nó với cảnh quan thiên nhiên và các đền chùa, lăng mộ khác dọc sông Hương gắn liền với các di tích trong di sản, chưa được bao gồm trong cả hai ranh giới”.
Như vậy, hội nhập với thế giới, muốn đưa trở lại tiêu chí (iii) và bổ sung các tiêu chí khác khi tái đề cử di sản Quần thể di tích Cố đô Huế, cần nhìn nhận, xác định lại các giá trị di sản Cố đô gắn với Cảnh quan văn hoá sông Hương và có các giải pháp quy hoạch tương xứng.
Tình trạng này thường xảy ra khi nhu cầu phát triển được coi là ưu tiên số một và việc bảo tồn di sản chỉ được thực hiện từ lòng hảo tâm của một bộ phận trong cộng đồng. Mô hình này xuất hiện rõ ràng ở các nước đang phát triển, đề cao sự cạnh tranh về kinh tế xã hội và phát triển hiện đại như các trường hợp Đập Tam Hiệp (Trung Quốc); Suối Cheonggyechen (Hàn Quốc); Nhà ga Pennsylvania (Hoa Kỳ).
Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Con đập đã làm ngập hơn 100 thị trấn, hàng nghìn địa điểm khảo cổ và khiến hơn 1,3 triệu người phải di dời. Tháng 6/2000, Ủy ban Xây dựng Dự án Tam Hiệp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn (khoảng 125 triệu USD) để tài trợ cho Chương trình Cứu hộ Di tích Tam Hiệp. Những khám phá khảo cổ học đã lần đầu tiên cho thấy rằng khu vực Tam Hiệp nên được công nhận là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc.
Bất chấp các nỗ lực, vô số dữ liệu cũng như bối cảnh khảo cổ đã bị mất. Sun Hua, một nhà khảo cổ học của Đại học Bắc Kinh nói: “Phải mất 500 năm để tìm được hết bảo vật khảo cổ ở Tam Hiệp”. Cướp bóc cũng là một vấn đề lớn, nhiều cổ vật từ khu vực Tam Hiệp đã được rao bán lén lút. Năm 2020, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở cả trên và dưới đập Tam Hiệp, bao gồm cả Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở thượng nguồn.
Suối Cheonggyechen là một dòng suối cổ ở Hàn Quốc từ thời Joseon (1392 – 1897). Suối bị lấp để xây đường cao tốc dài 5,6km vào năm 1968. Năm 2003, thị trưởng Seoul Lee Myung-bak (tổng thống Hàn Quốc 2008 – 2013) đề xuất một dự án 281 triệu đô la nhằm phá bỏ đường cao tốc và hồi sinh con suối. Dự án này vào thời điểm đó đã bị chỉ trích rất nhiều bởi các nhà đầu tư bất động sản và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này đã đem lại thành công toàn diện cho kinh tế và xã hội Seoul. Số lượng doanh nghiệp ở khu Cheonggyecheon tăng 3,5% trong giai đoạn 2002-2003, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng ở trung tâm TP Seoul; số việc làm ở khu Cheonggyecheon có tốc độ tăng trưởng 0,8%, so với mức giảm ở trung tâm TP Seoul là -2,6%. Việc di dời đường cao tốc giảm ô nhiễm và tăng lượng người đi phương tiện công cộng lên 15%. Bản thân dòng suối thu hút trung bình 64.000 lượt khách mỗi ngày, với 1.400 khách nước ngoài, đem lại 2 triệu đô la cho thu nhập du lịch thường niên.
Nhà ga Pennsylvania lịch sử ở TP New York bị phá hủy vào năm 1963 để nhường chỗ cho Madison Square Garden mới. Nhà ga mang phong cách Beaux-Arts mang tính biểu tượng, một kiệt tác kiến trúc cổ điển và là một biểu tượng giao thông đã bị phá bỏ một cách đầy tranh cãi, bất chấp các nỗ lực biểu tình của người New York, trong đó có sự tham gia của Ray Rubinow, Jane Jacobs, và Philip Johnson. Là một bước ngoặt trong lịch sử bảo tồn di sản của nước Mỹ, sự mất mát của Penn Station đã kích hoạt một làn sóng phản đối mạnh mẽ đối với việc phá hủy các công trình có giá trị lịch sử khác. Nó thúc đẩy việc thông qua các luật lệ bảo tồn nghiêm ngặt hơn.
Mô hình B: Cạnh tranh di sản
Trong mô hình này, di sản và các khu vực phát triển cùng “chen chúc” trong một không gian hữu hạn, di sản phải cạnh tranh với sự phát triển kinh tế và đô thị, dẫn đến tình trạng bất an và bất ổn. Các dự án phát triển thường xuyên chiếm dụng không gian của di sản, khiến cho di sản phải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, nhiều khi di sản chiếm hữu các không gian vốn phù hợp để phát triển gây cản trở cho đầu tư. Mô hình này thể hiện khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển cùng lúc, và đặt ra vấn đề nan giải về va chạm lợi ích của các phía.
Đây là mô hình phổ biến nhất tại các nước trên thế giới. Mô hình này có thể dẫn đến sự xâm phạm không gian và va chạm giữa các nhóm lợi ích, như tại Khu bến cảng Yenikapı Theodosius (Istanbul); khu phố lịch sử Al Fahidi (Dubai); các di tích thời Mughal (Delhi).
Đường hầm đường sắt Marmaray dưới eo biển Bosphorus ở Istanbul liên quan đến việc xây dựng một nhà ga ở khu vực giàu khảo cổ học của TP. Khu vực được bảo vệ quanh Khu bến cảng Yenikapı Theodosius vào khoảng thế kỷ thứ 4 đã bị thu hẹp để phù hợp với nhà ga.
Khu phố lịch sử Al Fahidi (tiếng Ả Rập: حي الفهيدي التاريخي; còn được gọi là Al Bastakiya) là một khu lịch sử ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được xây dựng bắt đầu từ những năm 1890.
Vào những năm 1980, một nửa ngôi làng thuộc Khu dân cư Lịch sử Al Fahidi đã bị phá hủy để nhường chỗ cho sự phát triển của một khu phức hợp văn phòng mới.
Năm 1989, TP Dubai thông báo rằng các phần còn lại của Khu phố lịch sử Al Fahidi sẽ bị phá hủy. Rayner Otter, một KTS người Anh, bắt đầu chiến dịch bảo tồn khu vực này và viết một lá thư cho Hoàng tử Charles, người dự kiến đến thăm Dubai vào năm đó. Trong chuyến thăm của mình, Hoàng tử đã đề xuất rằng Khu phố lịch sử Al Fahidi nên được bảo tồn và do đó, việc phá dỡ đã bị hủy bỏ.
Mô hình C: Cộng sinh di sản
Mô hình này tập trung vào việc xây dựng quan hệ cộng sinh giữa di sản và phát triển đô thị; bao gồm: Phát triển ba khu vực chính: Khu thương mại trung tâm (CBD), Khu du lịch trung tâm (CTD) và Khu lịch sử trung tâm (CHD). CBD tập trung vào phát triển kinh tế và thương mại (không gian sáng tạo mới); CTD tập trung vào thu hút khách du lịch và phát triển dịch vụ (không gian tiếp biến văn hóa), trong khi CHD tập trung vào bảo tồn và tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa (không gian lưu giữ). Việc thiết lập các không gian riêng biệt này nhằm đảm bảo cả ba yếu tố này có thể tồn tại và phát triển một cách hài hòa và bền vững. Mô hình C đề cao việc đồng hành giữa xây dựng đô thị hiện đại và bảo tồn di sản, từ đó tạo ra sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ giá trị lịch sử và văn hóa.
Đây là một hình mẫu tiêu chuẩn của dung hợp bảo tồn và phát triển trên thế giới. Mô hình này xuất hiện rõ ràng hơn trong các TP cựu thuộc địa hoặc ủy trị như Mexico City (Tây Ban Nha), George Town (Anh) hay Jerusalem (Anh), cũng như có thể quan sát được tại các đô thị di sản như Saint Petersburg, Thượng Hải, Barcelona hay thậm chí là vùng kinh tế lớn như Kansai.
Jerusalem có thể coi là ví dụ tiêu biểu nhất trong áp dụng mô hình C lên một đô thị di sản lâu đời. Trong thời kỳ từ 1918 đến 1948, Jerusalem vẫn được coi là một thánh địa quan trọng và linh thiêng đối với ba tôn giáo. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, TP không phát triển mạnh về ngành du lịch như các TP lịch sử khác. Thời Ủy trị Anh đã đánh dấu sự thay đổi trong mô hình đô thị của Jerusalem, khi TP lịch sử được tách ra thành nhiều trung tâm.
Về tính nhất quán của mô hình bảo tồn bền vững di sản
Từ kinh nghiệm thế giới về các mô hình ứng xử với di sản nêu trên, có thể thấy cách thức bảo tồn bền vững và lâu dài các khu vực di sản truyền thống là Mô hình Cộng sinh di sản, tạo ra các trung tâm mới đảm bảo các nhu cầu về phát triển và việc làm, giảm áp lực lên các khu vực di sản. Mô hình cộng sinh di sản cũng đồng thời chính là tiền đề để tạo ra các di sản mới.
Dù là cấp độ di sản rất lớn (đô thị di sản có phạm vi ảnh hưởng toàn vùng) cho đến di sản tương đối nhỏ (các di sản tại địa phương), mô hình Cộng sinh di sản, bảo tồn bền vững di sản đều có thể được áp dụng bao gồm:
- CHD/CH/H: Khu vực bảo tồn toàn vẹn giá trị, sự vô nhiễm cho khu vực di sản/ Khu vực có sức tải/ việc làm giới hạn;
- CTD/CT/T: Khu vực du lịch tạo thu nhập, việc làm, sinh kế thụ động/ Khu vực chuyển tiếp, khai thác thương hiệu di sản, có sức tải, việc làm thích ứng;
- CBD/CB/B: Khu vực động lực, nhu cầu, việc làm, sinh kế, thu nhập chủ động/ Khu vực sáng tạo di sản mới, tạo hấp lực thay đổi, làm tăng giá trị di sản, có sức tải, việc làm không giới hạn.
Các mô thức tổ chức không gian di sản và cộng đồng dân cư
Ở một số nước phát triển, nhiều nơi tư duy bảo tồn và phát huy giá trị di sản có tính kế thừa và tự nhiên nằm trong ý thức của mỗi người dân. Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị không gian di sản ngoài các biện pháp bảo tồn bản thân di sản như đã và đang thực hiện, cần chú trọng quy hoạch cụ thể các không gian ngoại vi bao gồm quần cư di sản và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Nước ta hoàn toàn có khả năng học hỏi và phát triển theo con đường phù hợp. Từ tiền đề lấy không gian di sản làm trọng tâm phát triển, có thể đề xuất các mô thức tổ chức không gian theo các hình thái: Cộng đồng khu biệt, cộng đồng ngoài lề, cộng đồng thứ yếu, cộng đồng chủ nhân, cộng đồng chung sống.
Cộng đồng khu biệt là tình trạng thường thấy trước khi có phương án bảo tồn, khi môi trường sống của cộng đồng nằm xen kẽ và thiếu kiểm soát trong phạm vi di sản. Di tích và cộng đồng tồn tại cùng nhau trong một không gian song tương đối khu biệt, người dân không hưởng lợi ích từ di sản và cũng không tham gia vào việc bảo tồn hay khai thác di sản.
Cộng đồng ngoài lề là phương án nhiều nơi tại Việt Nam đang thực hiện – Đó là đẩy cộng đồng ra khỏi khu vực di sản ra các điểm tái định cư xa cách và không còn liên quan tới di sản.
Cộng đồng thứ yếu là không gian phụ tùy của di sản, nơi cộng đồng hưởng những lợi ích nhỏ từ du lịch di sản nhưng không thực sự đóng góp vai trò gì cho bảo tồn hay phát huy giá trị.
Cộng đồng chủ nhân là hình thức được duy trì tại nhiều nước phát triển mang di sản lâu đời, khi vai trò của người dân sở tại được đề cao và tạo điều kiện cho họ tự bảo tồn di sản của chính mình và đưa ra các quyết định về sở hữu.
Ở Quần thể di tích Cố đô Huế, một số lăng như Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng được các nhà vua lựa chọn địa điểm tại các quần cư lâu đời đã tồn tại từ trước đó, chung sống hài hoà với người dân xung quanh. Thuỷ hệ của các lăng gắn liền với cấp thoát nước nông nghiệp của người dân. Người dân xung quanh có ý thức tự giác rất cao về bảo vệ lăng trước những biến cố như hoả hoạn. Đây là một truyền thống cần duy trì.
Liên quan đến cách thức tiếp cận cộng đồng chủ nhân, Nhật Bản có cách thức tiếp cận quy hoạch đô thị được gọi là Machizukuri gắn liền với cách quy hoạch mềm mại, với quy trình dựa vào cộng đồng nhằm cải thiện môi trường địa phương, người dân địa phương và chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ cùng nhau để biến nơi cộng đồng sống và làm việc trở nên đáng sống hơn.
Cộng đồng chung sống có lẽ là phương án phù hợp nhất với các không gian di sản Việt Nam, áp dụng tất cả các phương án trên linh hoạt và hợp lý tùy vào tính chất của di sản và không gian gắn liền với di sản. Mô thức này (gọi tắt là hình thái cộng sinh) áp dụng cho các quần thể di sản, trong đó có nhiều hợp phần thích ứng với nhiều hình thái khác nhau.
Đối với các di sản tồn tại độc lập không có sự gắn kết không gian với các khu vực dân cư, cộng đồng cả trong lịch sử và hiện hữu hoàn toàn có thể áp dụng hình thái Cộng đồng ngoài lề. Đối với các di sản được xác lập trong bối cảnh không có các di sản quần cư tồn tại như một thực thể hữu cơ gắn với di sản có thể áp dụng hình thái Cộng đồng thứ yếu. Đối với di sản mà các di sản quần cư là một thành tố lịch sử, là một phần hoặc tất cả lý do xuất hiện di sản cần áp dụng hình thái Cộng đồng chủ nhân.Tuy nhiên, đối với phương án này (hình thái cộng sinh) trên bình diện toàn thể, hình thái cộng đồng chủ nhân luôn đóng vai trò chủ đạo nhằm đảm bảo cho sự thành công trong công cuộc bảo tồn bền vững và phát triển kinh tế di sản có hiệu quả theo xu hướng mới.
Về đô thị di sản
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những đặc trưng của các “đô thị di sản” đều không chỉ dừng lại một danh xưng mà còn là một thực thể sống động và hấp dẫn. Theo đó, “đô thị di sản” tựu trung cấu thành bởi 05 thuộc tính sau:
- Là di sản (lấy di sản làm chủ đạo);
- Của di sản (thương hiệu, lịch sử thuộc về di sản);
- Do di sản (di sản là hạt nhân tạo thị, tạo quần cư/ nông thôn, tạo dự án/ chức năng đặc thù);
- Vì di sản (có trách nhiệm bảo vệ di sản, không lấn át di sản);
- Bằng di sản (động lực phát triển sinh kế/ việc làm/ thu nhập từ di sản).
Những đặc trưng này có thể sử dụng như những điều kiện tham chiếu hay những khuyến nghị trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển các đô thị di sản, đồng thời với việc hình thành cấu trúc vùng đệm của di sản theo phạm vi ảnh hưởng thực tế.
Về giải pháp bảo tổn bền vững dành cho các đô thị di sản
TP Hà Tiên, đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế, đô thị tỉnh Ninh Bình… là những địa phương đầu tiên được ghi nhận đang hoặc sẽ là đô thị di sản theo văn bản chính thức của chính quyền cấp trung ương.
Hiện nay, Quy hoạch chung TP và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 (đã được phê duyệt tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 22/02/2024); Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đều đang trong quá trình lập hồ sơ trình thẩm định), các đồ án mà Liên danh MQL và các đối tác là đơn vị tư vấn, đang được lập trên nguyên tắc của các mô hình và mô thức được lựa chọn nêu trên.
Mô hình cộng sinh di sản được áp dụng giúp bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa một cách hiệu quả, điều chỉnh cơ sở hạ tầng tùy theo nhu cầu, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và nâng cao tính thẩm mỹ và bản sắc đô thị. Bằng cách tạo ra các khu vực được chỉ định cho các chức năng khác nhau, việc bảo tồn và phát triển kinh tế trở nên độc lập và không chèn ép nhau, thậm chí có thể năng động tương hỗ lẫn nhau.
Mô hình này cung cấp các khuôn khổ để tổ chức, quy định và nâng cao các không gian chức năng của TP, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách trong khi bảo tồn di sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư với khu vực thương mại thịnh vượng; Cấu trúc bao gồm trung tâm đô thị lịch sử (CHD), trung tâm đô thị du lịch (CTD), trung tâm văn hóa, thương mại và di sản mới (CBD), Công viên Lịch sử (NHP) và Khu đô thị mới và tái định cư (HO), trong đó di sản được gắn kết với cộng đồng dân cư theo mô thức cộng đồng chung sống (cộng sinh) cùng tham gia bảo vệ, vận hành, hoạt động và thụ hưởng thành quả.
Quy hoạch đề xuất giải pháp sao cho các khu di tích gắn kết với khu vực dân cư, tái định cư (có thể tổ chức quần cư di sản mới, trở thành một phần không tách rời của quần thể di sản), tái hiện di sản quần cư, thực hành các khu phố đi bộ, chế tác sản phẩm – đồ thủ công, cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, tổ chức lễ hội dân gian, thu hút khách du lịch, tạo việc làm, đẩy mạnh công cuộc bảo tồn di sản văn hoá song song với việc tạo nên những cơ hội bình đẳng, cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực có di sản (bao gồm các khu vực bảo vệ, vùng đệm, vùng tương tác phát triển), lấy đảm bảo đời sống dân sinh như một phương cách căn cơ làm cơ sở bảo tồn bền vững di sản.
Những giải pháp này không những tạo ra cơ hội để du khách có thể giao tiếp với cư dân địa phương, đáp ứng yêu cầu đa dạng hoá sản phẩm du lịch hiện đại, giữ chân du khách, tăng chi tiêu, thời lượng lưu trú của du khách mà còn triệt tiêu các mâu thuẫn không đáng có giữa bảo tồn và phát triển.
ThS. Lê Nguyên Phương
ThS Quy hoạch Cộng đồng, DAAP; MBA/ Đại học Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ
Lê Nguyên Phương
Sinh viên năm cuối Khoa Quy hoạch Đô thị/ DAAP University of Cincinnati, USA
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)
Ghi chú:
(1) Ở trường hợp ngược lại, việc khoanh vùng “cứng” để bảo tồn các di sản cũng có thể chiếm hữu không gian dẫn đến bóp nghẹt phát triển.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/Zmpuegb
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét