Khu phố cổ (KPC) quận Hoàn Kiếm từ trước tới nay luôn là một địa điểm thu hút du lịch không chỉ riêng của thành phố (TP) Hà Nội mà còn của cả Việt Nam. Những năm gần đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ, bộ mặt các tuyến phố cổ đã có nhiều thay đổi, nhiều công trình đã xuống cấp, cũng có nhiều công trình đã được chỉnh trang, cải tạo lại, thậm chí phá bỏ để xây mới. Để giữ gìn được nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử của khu vực, đồng thời để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là thúc đấy phát triển kinh tế du lịch thì cần thiết giúp cộng đồng nhận diện được các giá trị văn hóa lịch sử của công trình trong không gian của tuyến phố, khu vực. Việc biết và trân trọng các giá trị của các hoạt động kinh doanh truyền thống, giá trị của di sản kiến trúc sẽ là bước cơ sở để xây dựng được những định hướng phát triển du lịch bền vững cho KPC, hướng dẫn du lịch an toàn và thân thiện cho du khách đến thăm.
Bài viết là một nghiên cứu tổng hợp từ những điều tra hiện trạng, phân tích so sánh các tài liệu, văn bản hướng dẫn và kinh nghiệm thiết kế thực tế các dự án trong khu vực phố cổ, để đưa ra các sơ đồ đánh giá, nhận diện giá trị các tuyến phố cổ, công trình trên tuyến, hướng tới sự phát triển bền vững phát huy kinh tế du lịch của TP Hà Nội.
Giới thiệu
Trên thế giới những đô thị cổ đều có những sức hút nhất định đối với du lịch, thậm chí một số quốc gia du lịch chỉ phát triển ở những đô thị cổ đó. Với Việt Nam, du khách mỗi khi đến Hà Nội không thể không ghé thăm KPC quận Hoàn Kiếm với lịch sử hơn 1000 năm hình thành và phát triển.
Năm 1010, Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, bước đầu đặt nền móng cho Thủ đô Hà Nội sau này. Ban đầu, khu vực này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị. Do đó, thời kỳ này người dân kinh thành Thăng Long còn được gọi bằng cái tên dân Kẻ Chợ. Bởi “chợ” là một hình thức kinh doanh, buôn bán gắn với sinh hoạt hàng ngày của người dân, và chợ Đồng Xuân được coi như là chợ hạt nhân của kinh thành, xung quanh chợ có mạng lưới các phố nghề, buôn bán phát triển bao quanh bổ trợ.
Khu vực phố cổ hay còn được gọi là khu 36 phố phường có diện tích khoảng hơn 80 ha được giới hạn bởi 3 tuyến đường:
- Ở phía Bắc là phố Hàng Đậu;
- Ở phía Tây là tuyến đường Phùng Hưng, Lý Nam Đế;
- Ở phía Đông là đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật là đường bờ sông, gắn liền với Chợ đầu mối từ ngoại thành vào;
- Ở phía Nam là một tuyến đường như cạnh đáy của tam giác phố cổ là Hàng Bông – Cầu Gỗ. Đây cũng chính là ranh giới quan trọng giữa KPC và khu phố cũ;
Hiện nay, một số phố vẫn còn tiếp tục kinh doanh các sản phẩm truyền thống như phố Hàng Bạc, Hàng Mã.., một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…
Nhận diện các yếu tố làm nên giá trị của KPC
KPC Hà Nội, trong tâm thức của mọi người dân cũng như du khách thường được nhắc đến là một di sản kiến trúc, văn hóa của Thủ đô, với hình ảnh những con đường nhỏ, mái ngói xô nghiêng được thể hiện trong hội họa, âm nhạc, thơ phú, với nếp sống văn hóa, truyền thống gia đình của nhiều thế hệ.
Về mặt pháp lý, cũng đã có văn bản pháp luật quy định rõ các công trình có giá trị và giá trị đặc biệt cần được bảo tồn và tôn tạo trong KPC (Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 ban hành Quy chế quản lý Quy hoạch – Kiến trúc trong KPC Hà Nội). Tuy nhiên, do không thường xuyên tiếp cận và sử dụng đến những tài liệu, văn bản này, nên đối với người dân sinh sống và hoạt động kinh doanh trong KPC cũng như đối với du khách tới đây, việc nhận biết và hiểu về các giá trị của các công trình trong KPC còn khá chung chung. Nếu người dân được hướng dẫn và có hiểu biết đầy đủ về những yếu tố làm nên giá trị của KPC thì chính họ sẽ có những kế hoạch sử dụng, phát huy tốt các giá trị của công trình bên cạnh nhu cầu phát triển kinh tế của hộ gia đình. Những du khách đến thăm KPC cũng được tiếp cận các thông tin nhanh và thuận tiện hơn.
Vì vậy, vấn đề đặt ra đầu tiên là người dân và du khách cần nhận biết được bản sắc đô thị mà KPC có là những gì.
Bản sắc đô thị: Là các yếu tố tự nhiên và nhân tạo của một TP, các đặc điểm xã hội, văn hóa và lịch sử của nó.
Đô thị giàu bản sắc (culturally rich urban) là một khái niệm mô tả về một TP hoặc khu đô thị có sự phong phú và đa dạng trong văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật và thực phẩm. Đô thị giàu bản sắc thường mang trong mình những đặc trưng văn hóa độc đáo và phản ánh sự đa dạng của cộng đồng cư dân.
Một số đặc điểm của đô thị giàu bản sắc bao gồm: (1) Đa dạng văn hóa; (2) Di sản văn hóa; (3) Sự kiện, lễ hội; (4) Nghệ thuật và thương hiệu địa phương; (5) Thúc đẩy giáo dục văn hóa và tương tác xã hội.
Đô thị giàu bản sắc đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế đô thị. KPC Hà Nội có thể dựa các đặc điểm trên để phát huy đô thị bản sắc và phát triển kinh tế, du lịch.
- Đa dạng văn hóa: Hà Nội tập trung đầy đủ các yếu tố trong cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam, từ các kiến trúc cổ truyền thống, từ các điểm dân cư “thị” của thời phong kiến, đến các di sản đô thị dân gian, cận hiện đại chịu ảnh hưởng của văn hóa Châu Âu, cùng các truyền thuyết, huyền thoại, nếp sống văn hóa truyền thống song luôn phát triển với đặc trưng văn hóa riêng.
- Di sản văn hóa: KPC là một hệ thống gồm 121 di tích với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ, miếu, am… cùng hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt.
KPC Hà Nội chứa đựng các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, từ nếp sống sinh hoạt của người dân, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… Từ những giá trị đó, KPC Hà Nội đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Hình thái các tuyến phố trong KPC: Trải qua thời gian lịch sử hơn 1000 năm, nhưng tới nay, KPC vẫn bảo tồn được cơ cấu không gian đô thị với mạng lưới các phố dọc ngang kiểu bàn cờ. Những ngôi nhà phố được chia với diện tích mặt tiền nhỏ, chủ yếu để trưng bày bán hàng, đất ở được phát triển sâu theo chiều dọc, do đó có những con ngõ nhỏ thông được từ phố này sang các phố khác.
KPC với trục dọc xương sống quan trọng nhất là tuyến Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy. Đây cũng là tuyến có nhiều công trình được xếp loại có giá trị nhiều nhất.
Các tuyến ngang theo hướng Đông Tây, với nhiều phố nghề còn giữ được:
- Hàng Mã – Hàng Chiếu – Ô Quan Chưởng
- Hàng Vải – Lãn Ông – Hàng Buồm – Mã Mây
- Bát Đàn – Hàng Bồ – Hàng Bạc – Hàng Mắm.
Hình thức kiến trúc trong KPC đa dạng và phong phú: Từ hình thức kiến trúc nhà ở truyền thống của Việt Nam với đặc trưng mái chồng diêm; đến các hình thức kiến trúc du nhập của nước ngoài như nhà ở kiểu Trung Hoa; kiến trúc nhà phong cách Châu Âu (kiến trúc nhà ở kiểu Địa Trung Hải; kiểu Anpo; kiểu Art- Deco). Loại hình các công trình có giá trị bao gồm từ nhà ở, đến các công trình đình, đền, chùa, miếu, am… các công trình mang tính cộng đồng như hội quán, nhà thở tổ nghề, nhà thờ dòng họ…
Như vậy, dựa trên quỹ công trình có giá trị trong KPC này nếu quản lý và bảo tồn, cải tạo tốt thì sẽ phát huy được hiệu quả phục vụ tham quan, dịch vụ du lịch cho khu vực.
Trên một tuyến phố có rất nhiều công trình có giá trị, nếu ta định vị được một vài công trình tiêu biểu đưa vào sơ đồ tuyến du lịch cho du khách thì sẽ giúp du khách tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức và cũng thu hút được các dịch vụ, thu lợi nhuận từ các dịch vụ bán vé tham qua, thưởng thức nghệ thuật hoặc mua các sản phẩm, ẩm thực truyền thống…
Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn các công trình kiến trúc giá trị, thì việc quản lý, tổ chức đời sống, kinh doanh cho người dân trong KPC cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Những công trình kiến trúc chỉ có giá trị, có “hồn” nếu còn giữ được những thế hệ chủ nhân sinh sống từ đời này qua đời khác, giữ được nếp sống, phong tục tinh thần, giữ được những nghề truyền thống được truyền từ thời cha ông cho con cháu. Những giá trị về văn hóa ẩm thực, thời trang, nghệ thuật… cũng là một nét hấp dẫn du khách nước ngoài cũng như du khách ở những khu vực khác đến với KPC.
Những thách thức hiện nay:
- Những cửa hàng với diện tích hạn hẹp trên các tuyến phố cổ lại luôn có giá thuê/ bán với mức giá đắt đỏ. Vì vậy, để đạt hiệu quả kinh doanh, ngày nay có nhiều nhà đầu tư mua gom nhiều nhà cạnh nhau để gom thành lô đất có diện tích lớn, rồi xây dựng lại thành công trình mới. Những công trình bê tông, kiểu mới xuất hiện nhiều hơn, đe dọa làm thay đổi đến hình thái của các công trình trên tuyến phố;
- Đối với những công trình nhiều năm không được sửa chữa, tôn tạo đúng phương pháp, người dân tự ý sửa chữa, biến những không gian chung như ngõ, sân giữa, sân chung trở thành các phòng ở, bít kín không gian… làm biến đổi hẳn hình thái và kết cấu của công trình, giảm chất lượng môi trường sống;
- Kiến trúc công trình nhà ở trong KPC cũng biến đổi nhiều và nhanh chóng. Theo xu hướng thời đại, nhiều công trình nhà cổ bị phá bỏ hoặc cải tạo với hình thức mới mà không được chú ý thiết kế để có phân vị và quy mô hài hòa với các công trình xung quanh. Sự khác biệt về chất liệu xây dựng cũng khiến công trình mới lạc lõng trong tổng thể;
- Đối mặt với hiện trạng mật độ dân cư và điều kiện sinh sống giảm sút do cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Vấn đề đặt ra là cần có biện pháp giúp những cư dân sống trong điều kiện thiếu thốn có thể di dân ra khu vực khác, còn những cư dân đang kinh doanh các nghề truyền thống cần được khuyến khích và hỗ trợ để có thể yên tâm sinh sống tại đây với điều kiện, môi trường sống tốt hơn. Từ đó mới có khả năng giữ gìn được các phố nghề, lễ hội truyền thống, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của người Hà Nội cổ.
Phát huy tiềm năng phát triển kinh tế du lịch trong KPC
Bên cạnh việc nhận biết và giữ gìn, bảo vệ các công trình có giá trị thì cộng đồng dân cư cũng cần có những biện pháp nâng cao khả năng phục vụ phát triển các dịch vụ, kinh doanh thương mại để đạt hiệu quả kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến giá trị chung của khu vực.
Một số định hướng và cơ sở để phát huy tiềm năng du lịch của KPC:
Trong quy hoạch của TP Hà Nội, khu vực phố cổ nằm trong phạm vi quy hoạch khu H1-1A là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa, cần phát triển khu vực nội đô lịch sử bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải thiện cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc và phát triển bền vững. Chức năng chủ yếu ở đây là thương mại, dịch vụ kết hợp nhà ở và các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Mục tiêu quy hoạch phân khu đô thị H1-1A:
Mục tiêu chung: Quy hoạch phân khu đô thị hướng tới mục tiêu Bảo tồn và Phát triển đô thị KPC bền vững; gìn giữ những giá trị cốt lõi của đô thị di sản và nâng cao điều kiện sống của người dân trong khu vực bảo tồn; thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch.
Mục tiêu cụ thể: Có một số nội dung chú ý như sau:
- KPC là di sản phố thị duy nhất hình thành và phát triển qua các thời kỳ, có giá trị đồng bộ về văn hóa – kinh tế – xã hội và cấu trúc dân cư. Giá trị KPC bao hàm giá trị vật thể và phi vật thể. Mục tiêu quy hoạch là xác định các giá trị cốt lõi, thông qua công cụ quy hoạch để hỗ trợ công tác bảo tồn, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi;
- Tạo điều kiện để hỗ trợ duy trì mô hình hỗn hợp các chức năng thương mại, khu dân cư, xã hội, văn hóa, hành chính, kinh doanh dịch vụ và củng cố hoạt động của các ngành thủ công truyền thống. Cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các giá trị kinh tế này với phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn truyền thống;
- Cảnh quan truyền thống trong các khu vực bảo tồn tôn tạo được phục hồi bằng việc phối kết hợp chương trình phát triển kinh tế mới trong khu vực như dịch vụ du lịch, thương mại điện tử,… tạo lập không gian đi bộ thân thiện, giữ được nét đặc trưng truyền thống hấp dẫn;
- Mục tiêu đối với quy hoạch giao thông là làm giảm lưu lượng giao thông xuyên qua KPC, tăng cường chức năng và đa dạng loại hình giao thông thông công cộng, hạn chế sự thuận tiện đối với ô tô và xe máy cá nhân, đỗ xe trên vỉa hè và tạo mọi điều kiện để khuyến khích phát triển hoạt động đi bộ, đi xe đạp;
- Hình thành hệ thống khung giao thông gồm đường bao và đường chính theo hướng Đông – Tây, Bắc – Nam. Các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe máy để chuyển tiếp phương tiện sẽ được tổ chức trên hệ thống khung này;
- Thiết lập và mở rộng các tuyến đi bộ (cố định hoặc quy định thời gian), liên kết với các tuyến, điểm tham quan có giá trị đặc trưng, không gian mở, quảng trường, bãi đỗ xe, kết nối với các khu vực ga tàu điện ngầm trong tương lai. Các không gian, vỉa hè đi bộ cần được tuyệt đối tôn trọng, không để lấn chiếm;
- Áp dụng việc quản lý và giám sát phương tiện trong KPC bằng công nghệ thông tin và tự động hóa.
Những điều kiện cần có để phát triển du lịch:
Để một đô thị phát triển du lịch tốt thì cần một số điều kiện chung như sau:
- Đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội;
- Đẩy mạnh các ngành thương mại, dịch vụ, kinh doanh.. trong khu vực phát triển du lịch. Du lịch là ngành dịch vụ, nhận nhiệm vụ “chuyển tải” sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các ngành kinh tế khác để cung cấp cho du khách nhằm tìm kiếm lợi nhuận;
- Đường lối phát triển du lịch: Những biện pháp để thúc đẩy du lịch Việt Nam được Đảng và Nhà nước đề ra: “Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước theo hướng du lịch văn hóa, du lịch môi trường sinh thái. Xây dựng các chương trình và điểm hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Huy động nguồn nhân lực của nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch, tập trung ở những trung tâm lớn. Nâng cao trình độ văn hóa và chất lượng dịch vụ với các loại khách khác nhau.”
- Xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là hạ tầng giao thông. Khuyến khích không gian đi bộ, dùng xe đạp, xe điện, giảm lưu lượng giao thông. Liên kết các điểm, tuyến tham quan – không gian mở – bãi đỗ xe – tuyến đi bộ;
Giữ gìn và phát huy các tài nguyên du lịch, bao gồm:
- Di sản văn hóa vật thể: Là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
Toàn bộ các sản phẩm vật chất hiện hữu dược hình thành do bàn tay sáng tạo của con người, bao gồm: Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, hệ thống danh lam thắng cảnh, hệ thống di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. - Di sản văn hóa phi vật thể: Là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu dữ bằng trí nhớ, chữ viết truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, lễ hội truyền thống, ý thức về y dược học, trang phục truyền thống…;
Tài nguyên du lịch nhân văn: Tiềm năng du lịch nhân văn là đối tượng và hiện tượng văn hóa lịch sử do con người sáng tạo ra trong đời sống. So với tiềm năng du lịch tự nhiên, tiềm năng du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức nhiều hơn, giá trị giải trí là thứ yếu;
- Di tích lịch sử văn hóa: Di tích lịch sử văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, cũng như có giá trị văn hóa khác, hoặc liên quan đến sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hóa xã hội;
- Các bảo tàng, nhà trưng bày: Mục 3, Luật Di sản Văn hóa: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục tham quan”. Chính các bảo tàng cũng là nơi thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước;
- Lễ hội: Lễ hội là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên địa bàn dân cư trong thời gian và không gian xác định nhằm nhắc lại những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử hay một huyền thoại, đồng thời là dịp để hiểu biết cách ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên thần thánh và con người với xã hội;
- Tiềm năng du lịch gắn với dân tộc học: Mỗi dân tộc có những điều kiện sinh sống, những đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang những sắc thái riêng. Và con người khi đi du lịch chính là đi tìm “những xúc cảm mới lạ” mà quê mình không có. Cảm xúc khác lạ đấy chính là những tập tục là về cư trú, thói quen ăn uống sinh hoạt, kiến trúc cổ, trang phục dân tộc…;
- Văn hóa ẩm thực: Người ta nói ăn uống là biểu hiện của văn hóa. Ngày nay, việc đưa văn hóa ẩm thực vào các chương trình du lịch đã trở nên phổ biến. Đó là cách để lấy tiền của du khách một cách lịch sự nhất.
Từ đây, với hệ thống các công trình đã được thống kê theo văn bản pháp luật, ta có thể đánh giá thêm các tiêu chí để phù hợp với khả năng phát triển thương mại, dịch vụ, đề xuất phương hướng cải tạo phù hợp. Những công trình đáp ứng cả hai dạng tiêu chí như trên có thể được đưa vào các sơ đồ hướng dẫn du lịch, định vị trên các bản đồ du lịch.
Một số đề xuất minh họa cho KPC
Sử dụng phương pháp chồng lớp bản đồ để phân tích và xây dựng sơ đồ nhận diện, hướng dẫn du lịch trên tuyến phố Phùng Hưng.
Sơ đồ 1: Đánh dấu các công trình có giá trị đặc biệt (được quy định tại văn bản pháp luật)
Sơ đồ 2: Trong số các nhà có giá trị, xem xét những công trình có kiến trúc kết cấu còn tốt hoặc có thể cải tạo, khôi phục được. Bổ sung thêm các công trình có lợi thế để kinh doanh thương mại/ dịch vụ/ tham quan (nhà ở góc ngã ba, ngã tư, có mặt tiền lớn, có kiến trúc đặc trưng…). Đánh dấu vị trí công trình trên tuyến.
Cải tạo các dãy nhà có kiến trúc đặc trưng trở thành các điểm kinh doanh, tham quan hấp dẫn. Không để tình trạng cải tạo công trình với hình thức lạc lõng, khác biệt so với hình thái chung của tuyến phố. Những cụm công trình này nếu được tu bổ, phục dựng tốt thì sẽ có hiệu quả đầu tư kinh doanh và du lịch tốt như tuyến phố Tạ Hiện, Lãn Ông.
Sơ đồ 3: Bổ sung các thiết kế đô thị để đánh dấu các điểm check in, gắn các logo/ biểu tượng đặc trưng của tuyến phố, gắn mã QR để du khách có thể tìm hiểu thông tin về địa điểm du lịch nhanh chóng và thuận tiện, có các gợi ý liên kết với các điểm du lịch lân cận. Đánh dấu các vị trí công trình hỗ trợ dịch vụ du lịch như ngân hàng, cơ quan chính quyền địa phương, công an để khách du lịch tìm kiếm dễ khi có nhu cầu. Phát triển cơ sở dữ liệu trên mạng hoặc các phần mềm hỗ trợ du khách, những dữ liệu này có thể thay đổi qua các năm và cần được cập nhật.
Việc gắn biểu tượng cho các công trình có giá trị và phục vụ du lịch tốt, tương tự như hình thức gắn sao Michellin cho các nhà hàng nổi tiếng trên thế giới.
Sơ đồ 4: Phát triển các không gian sáng tạo, không gian công cộng, thân thiện
Phát triển các tuyến giao thông thân thiện: Dùng xe điện, xe đạp, đi bộ và thời gian áp dụng. Các điểm đón trả khách, điểm cho thuê xe đạp… đánh dấu các vị trí đầu tuyến xe điện, nơi dừng đỗ cho thuê xe đạp, thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ. Các hộ dân khu vực xung quanh có thể phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp trong ngày; thuê phục trang cổ để chụp ảnh với không gian triển lãm tại đây.
Sơ đồ 5: Một số gợi ý về các tuyến du lịch theo chủ đề có thể phát triển trong tương lai
Ví dụ: Du lịch về đêm thì đề xuất các điểm có dịch vụ về ban đêm (ăn uống, ca nhạc, chiếu sáng nghệ thuật…); chuyên đề du lịch ẩm thực (những địa điểm bán đặc sản,ẩm thực truyền thống, những nhà hàng có chất lượng đảm bảo…)
Kết luận
Việc nhận diện các công trình có giá trị trong KPC giúp mỗi người dân sống trong KPC nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi khi đầu tư tu bổ những ngôi nhà theo những thiết kế phù hợp với không gian vốn có của đô thị cổ.
Việc lập những sơ đồ định vị giúp du khách tiếp cận và có thông tin về các công trình có giá trị đặc biệt dễ dàng hơn. Ngoài ra, trên cơ sở mạng lưới các công trình được định vị, cơ quan quản lý, khai thác du lịch có thể xây dựng các tuyến liên hệ, tương tác giữa các điểm, tuyến phố, không gian sáng tạo thành các chuỗi tham quan theo chuyên đề hoặc hỗ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động kinh doanh theo hình thức truyền thống và hình thức mới.
Để phát huy tiềm năng du lịch trong KPC thì các giải pháp cần sự phối hợp của Nhà quản lý – Người dân Doanh nghiệp, với nguyên tắc giữ gìn di sản văn hóa phải song song với cải thiện điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vai trò của các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo không gian, phát huy các giá trị cổ và tạo dựng những giá trị mới cho khu vực.
THS.KTS Doãn Thanh Bình
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)
Ghi chú:
Bài báo thuộc nội dung NCKH cấp trường do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tài trợ.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định 1361/QÐ-UBND, ngày 19-3-2021 của UBND TP Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A;
2. Quyết định 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc KPC Hà Nội
3. KPC Hà Nội – Wikipedia tiếng Việt;
4. Thực trạng và một vài giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội – Tác giả: TS. KTS Phạm Tuấn Long, Trưởng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội;
5. Tài liệu Cải tạo, xây dựng mới trong phố cổ Hà Nội – Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội
6. Ban Quản lý Phố Cổ Hà Nội (2010), Bản đồ nền KPC Hà Nội;
7. Tài liệu dự án Cải tạo Chợ Đồng Xuân, Chỉnh trang phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm – Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI);
8. Doãn Minh Khôi, Phạm Hồng Việt, Doãn Minh Thu. Nghiên cứu hệ sinh thái nhân văn trong tổ chức KGCC. Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, 6/2021;
9.https://ift.tt/QV5FOuz
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/mywuoRt
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét