Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Ðịnh hướng Chiến lược Quốc gia về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

Tổng quan

Quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh trên cả nước kể từ thời kỳ đổi mới, đi kèm với việc hiện đại hóa đô thị, đã đem lại nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng đồng thời đang tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại sâu sắc đến các giá trị bản sắc văn hóa lịch sử đô thị, đặc biệt là về quy hoạch, kiến trúc, và môi trường.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại Hội nghị bảo tồn và phát triển đô thị di sản Huế, tổ chức tại Dinh Độc Lập

Đất nước Việt Nam có vài nghìn năm văn hiến. Nhiều đô thị Việt Nam có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có Huế và Hội An là đã khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, kèm theo các hướng dẫn, quy hoạch, và chính sách bảo tồn di sản hiệu quả!

Trong bối cảnh đó, bài viết phân tích những ngộ nhận còn tồn tại trong công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đề xuất sáu (06) Định hướng Chiến lược Quốc gia về Bảo tồn Di sản Quy hoạch Kiến trúc để Chính quyền Trung ương tạo điều kiện, giúp các tỉnh thành giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa lịch sử đô thị một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Di sản cố đô Huế

Những ngộ nhận còn tồn tại về bảo tồn di sản

(1) Luật Di sản Văn hóa được xem là nền tảng pháp lý hoàn chỉnh đầy đủ cho việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

Đây là một ngộ nhận lớn, dẫn đến hai xu hướng cực đoan, hoặc là “bảo tàng hóa đô thị” – ứng xử với mọi thể loại di sản như là di tích cần bảo tồn nguyên trạng; hoặc để xảy ra tình trạng nhiều công trình di sản không được đưa vào danh sách chính thức di sản cần được pháp luật bảo vệ, do “chưa đạt các tiêu chí” nêu trong Luật Di sản Văn hóa!

Luật Di sản Văn hóa cho đến nay vẫn chỉ mới tập trung chính vào một bộ phận nhỏ của tổng thể các di sản văn hóa, là “Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”, vốn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các công trình di sản nói chung tại các địa phương.

Nhiều công trình di sản có giá trị đến nay vẫn “không đủ tiêu chuẩn” được liệt kê vào danh mục chính thức công trình di sản cần bảo tồn, vì “chưa đạt tiêu chí” theo Luật Di sản Văn hóa. Ví dụ như tại TP HCM, có Bưu điện trung tâm (mới đây được Tạp chí Architectural Digest của Mỹ xếp thứ hai trong số các bưu điện đẹp nhất trên thế giới), Thư Viện Khoa học Tổng hợp TP HCM (được xem là công trình kiến trúc hiện đại Việt Nam tiêu biểu trong thế kỷ 20), Chợ Bến Thành, … đến nay vẫn không nằm trong danh mục chính thức, gồm 185 công trình di sản.

Luật Di sản Văn hóa cần phải được tiếp tục bổ sung bởi những Nghị quyết, Nghị định, Quyết định,… có tính đến nhu cầu và đặc trưng các công trình di sản của từng địa phương, để tạo nên cơ sở pháp lý cần thiết còn rất thiếu cho việc quản lý, hướng dẫn, và đưa ra các chính sách cụ thể cho toàn bộ các thể loại công trình di sản cần được bảo vệ, trong đó di tích chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ.

Chợ Bến Thành

(2) Đơn vị sở hữu hoặc chủ quản cần được giao trách nhiệm đứng đơn hồ sơ xin công nhận là công trình di sản

Việc giao đơn vị sở hữu hoặc chủ quản chịu trách nhiệm đứng đơn hồ sơ xin công nhận là công trình di sản, là cách làm phổ biến dựa trên cơ sở Luật Di sản Văn hóa. Cách làm này dựa trên ngộ nhận về việc cho rằng đơn vị sở hữu hoặc chủ quản thường mong muốn được xếp hạng di sản, nhưng trên thực tế, họ thường không mong muốn công trình của mình “được công nhận là di sản”, vì sợ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch cải tạo và mở rộng công trình trong tương lai, hoặc bị hạn chế trong việc quản lý sử dụng công trình.

Ở một thái cực khác, việc xếp hạng công trình di sản theo cách duy ý chí, quyết định theo bầu chọn của một “hội đồng phân loại di sản” chỉ với khoảng chục thành viên, là cách làm phi khoa học, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của người dân. Cụ thể, khi xem xét và xác định công trình biệt thự cần phải bảo tồn, việc xếp một số biệt thự vào loại 1, đồng nghĩa với việc bắt buộc chủ sở hữu phải bảo tồn như di tích, phải giữ nguyên mật độ xây dựng và chiều cao, chứ không được thay đổi cấu trúc nâng tầng hoặc mở rộng, cho dù diện tích khuôn viên còn khá lớn đi nữa, lại được quyết định theo cách bầu chọn duy ý chí trong hội đồng, mà không hề hỏi ý kiến chủ sở hữu, và cũng không cho họ cơ hội được mời chuyên gia để phản biện.

(3) Chỉ cần tập trung bảo vệ công trình di sản, còn việc xác định và bảo vệ Khu Trung tâm lịch sử, các Vùng di sản, và Vùng ảnh hưởng của công trình di sản chỉ đóng vai trò thứ yếu

Đây là một ngộ nhận nghiêm trọng, dẫn đến tình huống nhiều công trình di sản lọt thỏm trong rừng nhà cao tầng bao quanh, và khu trung tâm lịch sử có giá trị cao đang dần bị xâm lấn và bị phá hỏng cảnh quan lịch sử đáng giá trong đô thị.

Hầu hết các đô thị di sản quan trọng có lịch sử lâu đời trên thế giới đều xác định rõ sự cần thiết bảo tồn khu vực trung tâm lịch sử của đô thị, đối trọng với việc phát triển trung tâm mới và các khu vực đô thị mới hiện đại:

  • TP Paris (Pháp) quy hoạch toàn bộ khu vực các quận trung tâm nội thành theo hướng ưu tiên cho việc bảo tồn các giá trị quy hoạch kiến trúc và hạn chế nhà cao tầng, trong khi phần lớn các công trình cao tầng và hiện đại được bố trí chủ yếu tại khu trung tâm mới La Défense và khu vực ngoại vi (Issy les Moulineaux, Ivry Sur Seine,…);
  • TP Thượng Hải (Trung Quốc) quy hoạch khu trung tâm bờ Tây theo hướng ưu tiên bảo tồn và chỉnh trang, đối trọng với khu trung tâm Phố Đông hiện đại cao tầng;
  • TP Montreal (Canada) giữ lại khu phố cổ Vieux Montreal để quy hoạch theo hướng bảo tồn thành khu trung tâm di sản, trong khi phát triển khu trung tâm mới cao tầng hiện đại cách đó vài km.

Nhưng tại Việt Nam, cho đến nay mới chỉ có Huế và Hội An đưa ra được quy hoạch chiến lược bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững, xác định rõ ranh giới khu trung tâm lịch sử cần được bảo tồn kèm theo quy hoạch và hướng dẫn cụ thể, có tham khảo kinh nghiệm tương tự của các nước tiên tiến.

Quy hoạch Paris

(4) Công tác quản lý bảo tồn di sản là trách nhiệm chính cần giao phó cho Sở Văn hóa Thông tin

Đây là một quan điểm có tầm nhìn hẹp, bởi vì vai trò chính của Sở Văn hóa Thông tin và các chuyên gia văn hóa chỉ là nhận biết giá trị di sản mà thôi, trong khi nếu không có những biện pháp bảo tồn từ góc độ hợp tác phối hợp đa ngành, công cuộc bảo vệ di sản khó mà có thể thực hiện được tốt, ví dụ như khi:

  • Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng cấp phép cho việc xây dựng các công trình cao tầng ngay sát công trình di sản, phá hỏng vai trò điểm nhấn khu vực của công trình và giá trị không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh. Ví dụ như công trình khách sạn Caravelle cao tầng “đè lên” không gian của Nhà hát TP và Khách sạn Continental (TP HCM);
  • Sở Giao thông Vận tải chặt hết hàng cây cổ thụ đường Tôn Đức Thắng để mở rộng hạ tầng đường kết nối với cầu Ba Son, làm cho các công trình di sản ở hai bên đường mất đi giá trị cảnh quan đường phố xanh Sài Gòn xưa;
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cấp phép kinh doanh mới tại các khu vực đang bị nguy cơ gia tăng kẹt xe ngập lụt cho những cơ sở nhà hàng, dịch vụ thương mại, trường dạy Anh ngữ, … trong khi các cơ sở này không đảm bảo được diện tích bãi xe và khoảng lùi cần thiết để không gây tác động giao thông và tác động môi trường, làm xấu đi bộ mặt không gian xanh yên bình vốn có của khu trung tâm lịch sử;

Có một nghịch lý là công tác bảo tồn và chỉnh trang đô thị hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ, ít quan trọng trong các đồ án quy hoạch đô thị trình duyệt, trong khi thực tế diện tích các khu đô thị cần được chỉnh trang hiện đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đô thị, trong bối cảnh đô thị ngày càng kẹt xe, ngập nước, mất đi nhiều di sản quy hoạch kiến trúc quý giá!

(5) Bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc là một công tác rất phức tạp và khó khăn nên chỉ có thể làm từ từ

Đây có thể là một ngộ nhận do chưa tham khảo kinh nghiệm quốc tế hoặc chỉ là một cách nói tránh né trách nhiệm, dẫn đến việc công tác bảo tồn tại Việt Nam vẫn mãi loay hoay “từ từ” trong việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn trước áp lực của làn sóng phát triển, mỗi ngày đều có một vài công trình di sản bị xâm hại để dành chỗ cho công trình mới mọc lên, trong khi nhiều giải pháp đơn giản mà hiệu quả hơn nhiều lại bị xem nhẹ:

  • Cách bảo tồn di sản đơn giản mà hiệu quả nhất là thông qua quy hoạch sử dụng đất đô thị, trong đó, quy hoạch phân khu và nhất là quy hoạch chi tiết cần khống chế phong cách kiến trúc, mật độ xây dựng, và tầng cao của các công trình di sản nói riêng, và của các khu trung tâm lịch sử nói chung. Bởi, không có nhà đầu tư thông minh nào lại muốn phá bỏ một cụm biệt thự di sản hai tầng, để chỉ được xây lại mới với cùng mật độ, chiều cao, và phong cách kiến trúc.
  • Trong câu chuyện bảo tồn Nhà thờ Bùi Chu, sau tất cả những kiến nghị, thảo luận, đề xuất, đơn vị chủ quản nhà thờ vẫn quyết định phá bỏ nhà thờ hiện hữu, để xây lại một nhà thờ mới, với thiết kế và phong cách tương tự, có lẽ không phải vì họ không đồng tình với sự cần thiết nên bảo tồn di sản đó, mà vì họ không thể có lựa chọn khác. Việc xây nhà thờ mới nhằm ưu tiên đảm bảo không gian tâm linh cần thiết cho giáo dân một cách an toàn.
  • Giải pháp bảo tồn nhà thờ để chuyển đổi sang một chức năng khác không phải tập trung đông người, như bảo tàng, phòng đọc sách, và xây một nhà thờ mới với phong cách hiện đại thế kỷ 21 tuy là một đề xuất phù hợp hơn, nhưng lại không thể nào thực hiện được. khi chỉ tiêu quy mô diện tích đất tôn giáo không thể được cấp phép tăng lên cho giáo hội địa phương.

(6) Bảo tồn di sản không đem lại hiệu quả cao về kinh tế, do đó, các khu vực lịch sử xuống cấp cần được xây dựng mới, để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho địa phương

Đây là một lập luận rất sai lầm, thường được dùng khi bào chữa cho các dự án xâm hại di sản. Nhiều nhà quản lý đô thị tại địa phương chưa thấy được giá trị kinh tế của việc bảo tồn di sản, cao hơn nhiều so với việc phá bỏ để phát triển công trình cao tầng và hiện đại.

Jane Jacobs, trong cuốn sách nổi tiếng thế giới “Cái chết và sự sống của các TP lớn của Mỹ” (1961) đã đã mô tả bốn yếu tố trong việc bảo tồn và chỉnh trang có thể tạo ra việc sử dụng kinh tế hiệu quả: Chức năng sử dụng hỗn hợp, đem lại sinh khí cho hoạt động đường phố vào các thời điểm khác nhau trong ngày; các ô phố quy mô vừa phải, thân thiện với người đi bộ; duy trì các tòa nhà cũ mới thuộc nhiều giai đoạn phát triển khác nhau; mật độ dân số phù hợp.

Nhìn rộng ra theo góc nhìn quốc tế, có nhiều điển cứu thế giới cho thấy việc bảo tồn di sản vẫn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong đó có: (1) Các điển cứu về việc chính quyền lắng nghe dân, giữ lại và chỉnh trang khu phố lịch sử với suất đầu tư thấp, bỏ qua dự án phá bỏ để xây dựng nhà cao tầng và hạ tầng hiện đại, về sau trở thành các khu phố di sản quốc gia nổi tiếng về du lịch, giá trị cao, đóng góp nhiều cho ngân sách TP: Khu làng nghệ sĩ Greenwich (Manhattan, TP New York, Mỹ), Khu phố cổ Montreal (Canada)…; (2) Các điển cứu về việc chỉnh trang khu phố lịch sử với suất đầu tư thấp, sau trở thành các khu phố di sản nổi tiếng về du lịch, giá trị cao, đóng góp nhiều cho ngân sách TP: Khu phố cổ Quebec (Canada), Khu phố chợ Pike Place Market (Seattle, Mỹ)…

Khi những kinh nghiệm đó được áp dụng thiết thực vào các chương trình bảo tồn và chỉnh trang khu Hòa Bình (Đà Lạt), tương tự cách làm của Quebec và Seattle, sẽ góp phần giúp người dân địa phương giàu có hơn lên, trong khi chính quyền vẫn tăng được nguồn thu ngân sách cao hơn từ hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn của người dân địa phương, mà không phải tốn kinh phí nâng cấp hạ tầng, và các không gian dịch vụ văn hóa cộng đồng vẫn được giữ lại thuộc sở hữu công chứ không bị nhà đầu tư chiếm mất.

Định hướng Chiến lược Quốc gia về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc hiệu quả hơn trước áp lực phát triển mới, Chính quyền Trung ương cần bổ sung những định hướng chủ đạo như sau:

  • Thứ nhất, về mặt pháp lý, tiếp tục kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết cho nhu cầu bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và mở rộng công trình di sản trên cả nước, bao gồm đủ bốn thể loại công trình di sản: (1) Công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng; (2) Công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản; (3) Công trình di sản có thể được phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương; (4) Công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu, hoặc có thể bổ sung thêm một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này;
  • Thứ hai, về mặt trách nhiệm bảo vệ di sản, cần quy định lãnh đạo của mỗi tỉnh thành phải chịu trách nhiệm lập ra danh sách đầy đủ các công trình di sản cần được bảo vệ gồm bốn thể loại công trình di sản nói trên, cập nhật thường xuyên tình trạng hiện hữu, và đề ra phương thức bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và phát triển tương ứng với từng loại, có sự phối hợp đồng hành với các cá nhân hoặc đơn vị chủ quản của công trình di sản thông qua các chính sách hướng dẫn và khuyến khích hợp tình hợp lý;
  • Thứ ba, về mặt định hướng cho việc bảo vệ di sản, đối với các đô thị có lịch sử lâu đời trên 100 năm, cần yêu cầu mỗi tỉnh thành phải xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử và các di sản nằm trong đó, làm rõ việc đáp ứng nhu cầu ưu tiên bảo tồn khu trung tâm lịch sử kèm theo việc quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang, và đưa ra các hướng dẫn cần thiết và chính sách khuyến khích bảo tồn di sản, tách biệt với việc đáp ứng nhu cầu phát triển các khu trung tâm đô thị mới;
  • Thứ tư, về mặt thực hiện, trong mỗi tỉnh thành cần đề ra quy trình và trách nhiệm hợp tác đa ngành trong việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc, như Sở Văn hóa Thông tin (quản lý tình trạng các công trình di sản), Sở Quy hoạch Kiến trúc & Sở Xây dựng (quản lý việc cấp phép các công trình xây dựng trong khu vực cần bảo tồn), Sở Giao thông Vận tải (quản lý hạ tầng kỹ thuật phù hợp), Sở Kế hoạch và đầu tư (cấp phép cho doanh nghiệp có loại hình phù hợp), … dưới sự phối hợp chung của UBND của tỉnh thành đó;
  • Thứ năm, về mặt quản lý bảo vệ di sản, lãnh đạo các tỉnh thành cần chịu trách nhiệm cung cấp các công cụ quy hoạch hiệu quả (khống chế mật độ tối đa, chiều cao tối đa, …) và các công cụ pháp lý (danh sách công trình di sản, hướng dẫn phương pháp bảo tồn, chính sách khuyến khích,…) để thuận thiện cho việc quản lý bảo vệ các công trình di sản, không gian kiến trúc cảnh quan bao quanh, và không gian chuyển tiếp lân cận, một cách khoa học và hiệu quả;
  • Thứ sáu, về mặt hiệu quả kinh tế xã hội, cần có những chính sách ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư, giúp cho người dân và doanh nghiệp địa phương phát triển gắn với không gian quy hoạch kiến trúc di sản, tạo nên bản sắc độc đáo và giá trị bền vững thu hút khách du lịch, giúp cải thiện nâng cao đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)

Chú thích

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là KTS với trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, ông tham gia nghiên cứu & giảng dạy tại các nước Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia, …

Ngoài văn bằng Tiến sĩ Khoa học về Quy hoạch và Kiến trúc, ông còn lấy thêm Chứng chỉ Bảo tồn Lịch sử, tại Đại Học Washington. Một bài viết của ông về bảo tồn Khu 36 Phố Phường Hà Nội được tặng Giải thưởng về nghiên cứu bảo tồn của ĐH Washington.

Ông rất quan tâm đến vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị, thông qua nhiều bài viết và bài phát biểu tại các Hội nghị đại học (ĐH Berkeley, ĐH Washington,…), Hội nghị các đô thị lịch sử tại Montreal, tư vấn thiết kế các dự án phát triển quốc tế gắn với bảo tồn lịch sử (Quy hoạch Kyoto trong thế ký 21; Quy hoạch Khu Tân Thiên Địa – Thượng Hải), và tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa Kiến trúc Cảnh quan Á Châu ACLA.


Tài liệu Tham khảo

  • Chính phủ. 2018. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, ngày 21/9/2010, v/v Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.
  • Jane Jacobs. 1993. The Death and Life of Great American Cities. New York: Random House. [ 1st Edition: 1961].
  • Lynch, Kevin. 1960. The Image of the City. The MIT Press.
  • Ngo Viet Nam Son. 1996. A new approach to protecting the environment and preserving the urban identity of downtown Ho Chi Minh City. Center for Southeast Asia Studies (CSEAS) Conference Proceedings. University of California at Berkeley.
  • Ngo Viet Nam Son. 1999. Redevelopment Strategy of Hanoi’s Ba-Muoi-Sau Pho-Phuong – a Ten-Century Housing Quarter in Vietnam. In “Preservation of the Vernacular Environment” (Editors: Gail Dubrow and Neil Graham). University of Washington.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2015. Bốn định hướng chiến lược bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội. Tạp chí kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Số 08-2015.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2020. Những vấn đề hành nghề KTS tại Việt Nam hiện nay: Nhìn từ điển cứu dự án địa ốc khu Hòa Bình (Đà Lạt). Tạp chí kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Số 09-2020.
  • Quốc hội. 2013. Luật Di sản Văn hóa. Theo Văn bản Số: 10/VBHN-VPQH , ngày 23/7/2013, hợp nhất lại: (1) Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2002, được sửa đổi, bổ sung bởi: (2) Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010.

The post Ðịnh hướng Chiến lược Quốc gia về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/TzUQLqt
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét