Quỹ “Di sản đô thị” của Hà Nội
Hà Nội hấp dẫn, sôi động và đáng sống hơn so với nhiều TP (TP) khác, chính là nhờ hệ thống các di sản văn hóa phong phú, trong đó: Hoàng thành Thăng Long là một Di sản văn hóa thế giới; 03 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 01 di sản tư liệu thế giới; 19 di tích quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội sở hữu hàng nghìn “di sản đô thị” là các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc với các khu phố cũ, biệt thự cũ, cơ quan, trường học,… cùng hệ thống các công trình nhà ở, khu tập thể, công viên, công trình công cộng, nhà máy, xí nghiệp,… được xây dựng thời kỳ những năm 1960 – 1990 với phong cách kiến trúc tiêu biểu của Liên Xô cũ. Những “di sản đô thị” này tuy chưa được công nhận chính thức, nhưng theo thời gian đều đã khẳng định được giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tạo nên bản sắc đô thị và góp phần nhận diện Thủ đô Hà Nội. Quỹ di sản phong phú chính là nguồn lực quý giá cho quá trình phát triển TP sáng tạo.
Vào năm 2019, Hà Nội chính thức tham gia vào Mạng lưới TP Sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực Thiết kế. Mục tiêu của Hà Nội trong tương lai là trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, là tiền đề thúc đẩy các TP khác của Việt Nam, như: HCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Hội An, tham gia mạng lưới TP sáng tạo. Thực hiện cam kết, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án sáng tạo, phục vụ đời sống văn hóa của người dân, điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Trung tâm Văn hóa Nghệ Thuật 22 Hàng Buồm;… Cùng với sự góp sức của cộng đồng và các nghệ sĩ đã tạo ra hơn 100 địa điểm hoạt động sáng tạo “con”, ví dụ như: Hanoi Creative City, Complex 01, 282 Workshop, AGOhub, Manzi, Ơ kìa Hà Nội …
Hiện tại, Hà Nội bắt đầu thu hút được nguồn vốn cho nền công nghiệp sáng tạo, quy tụ được đông đảo lực lượng sáng tạo khắp cả nước, đã công nhận nhiều giải thưởng sáng tạo đổi mới, đã trở thành một Hà Nội cởi mở hơn, khoan dung và sôi động hơn. Tuy nhiên, về mặt thể chế chính sách cho các hoạt động sáng tạo vẫn chưa được hoàn thiện, ví dụ như: Chưa có cơ chế bảo hộ “mạng lưới sáng tạo con” (các cá nhân và tập thể hoạt động sáng tạo vẫn đang loay hoay với việc đi tìm thuê mượn địa điểm, trong đó có nhiều địa điểm sáng tạo biến mất do bị đòi mặt bằng); chưa có chính sách, công cụ để đánh giá công nhận, gìn giữ và phát huy các “di sản đô thị” đang đứng trước nguy cơ bị thôn tính và biến mất; cùng với giải pháp linh hoạt sáng tạo cho những vấn đề nan giải khác của TP.
Các Tp sáng tạo theo trào lưu “Hiệu ứng Bilbao”
“Hiệu ứng Bilbao” là một trào lưu đầu tư vào văn hóa và kiến trúc với chi phí đầu tư đắt đỏ, bao gồm những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng được thiết kế bởi các KTS nổi tiếng, hay còn được gọi là “starchitect” (thuật ngữ chỉ những KTS nổi tiếng toàn cầu tham gia thiết kế), với mục đích lợi dụng hiệu ứng hào quang của các ngôi sao kiến trúc, trợ giúp thay đổi diện mạo kinh tế của các TP đang trong tình trạng trì trệ, kém phát triển. Trên thực tế, mỗi công trình kiến trúc theo trào lưu “hiệu ứng Bilbao” với tham vọng quá to lớn của chính quyền, đều phải đứng trước búa rìu dư luận và sự phản đối gay gắt của người dân khu vực.
Sự xuất hiện của Bảo tàng Guggenheim đã hồi sinh cho Bilbao (TP cảng nằm ở phía Bắc Tây Ban Nha) vốn đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái của các ngành công nghiệp nặng trong thập niên 1995. Ngay sau khi bảo tàng mở cửa, TP cảng này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về du lịch, với gần khoảng một triệu du khách mỗi năm sau đó. Công trình Bảo tàng Guggenheim là khởi nguồn trào lưu “hiệu ứng Bilbao” hay còn gọi là “starchitect”.
Nhiều công trình kiến trúc tầm cỡ đã được kiến tạo theo “hiệu ứng Bilbao” như: Cung thể thao dưới nước London của Zaha Hadid; Gherkin (London) của Norman Foster; Bảo tàng Quốc gia Zayed – Saadiyat Island (Abu Dhabi) của Foster & Partners; Trung tâm Hòa nhạc Harpa (Iceland) của Henning Larsen Architects và Batteríið Architects; Bảo tàng Louvre Abu Dhabi của Jean Nouvel; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật và Khoa học kỹ thuật Valencia (Tây Ban Nha) của Santiago Calatrava và Félix Candela; … Phải công nhận một sự thật rằng, tầm ảnh hưởng của các ngôi sao kiến trúc chính là một trong những yếu tố tạo nên sức hút mạnh mẽ cho các công trình kiến trúc này.
Nhà hát Lớn Quốc gia Bắc Kinh (2007, Trung Quốc) do KTS Paul Andreu thiết kế, theo trào lưu “hiệu ứng Bilbao” là một biểu tượng mới của đất nước tỷ dân, vấp phải nhiều tranh cãi: Do kinh phí đầu tư khổng lồ, sự tăng giá chóng mặt của bất động sản khu vực, sự phản đối của cộng đồng dân cư và các chuyên gia; cùng với hình thức kiến trúc lạc lõng, thiếu bản sắc giữa một quần thể kiến trúc của khu vực…
Dongdaemun Design Plaza (2011, Seoul, Hàn Quốc) do KTS Zaha Hadid thiết kế, được tạo ra như một trung tâm văn hóa dành riêng cho thiết kế và các ngành công nghiệp sáng tạo của TP (9,200 tỷ VNĐ). Theo trào lưu “hiệu ứng Bilbao” với tham vọng thúc đẩy Seoul trở thành TP hàng đầu châu Á, có vẻ như không được hiệu quả tích cực như các dự án phục hồi di sản khác của Seoul.
Và còn nhiều TP khác trên thế giới phát triển theo trào lưu “hiệu ứng Bilbao”, hệ quả ngay sau đó mà các TP có thể phải đối mặt như là: Giá bất động sản khu vực tăng đột biến; sự không thích nghi với văn hóa mới; cạn kiệt nguồn vốn, việc làm, lực lượng lao động, thu nhập,… Bên cạnh đó, do việc phát triển theo trào lưu và quản lý lỏng lẻo, đã khiến rất nhiều di tích, “di sản đô thị” bị xóa bỏ, thay thế vào đó là các dự án bất động sản hạng sang. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng thoái trào của “hiệu ứng Bilbao” ở châu Âu, tuy nhiên có vẻ như vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là ở Châu Á. Ví dụ như: Hồng Kông, Mailaysia, UAE, Quatar,… và Việt Nam.
Tp sáng tạo lựa chọn nguồn lực từ “Di sản đô thị”
Trong khi đó, nhiều TP trên thế giới lại lựa chọn cách khác, dựa trên các “di sản đô thị” với các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc sẵn có, để xây dựng nên một địa điểm sáng tạo, với mong muốn truyền cảm hứng và tạo ra bản sắc riêng cho TP của họ.
National Design Centre (NDC) – Trụ sở của Hội đồng Thiết kế Singapore (Design Singapore Council) – Cơ quan quốc gia về lĩnh vực thiết kế của Singapore. Hội đồng chịu trách nhiệm phát triển lĩnh vực thiết kế, và hỗ trợ Singapore sử dụng thiết kế để đổi mới và phát triển. NDC tọa lạc trên khu đất có tuổi đời 130 năm, vốn trước đây là Tu Viện Thánh Anthony.
Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe (2012, Nhật Bản), còn được biết đến với cái tên KIITO (có nghĩa là lụa thô), xuất phát từ một xí nghiệp thử nghiệm lụa thô (1927), được cải tạo chuyển đổi thành một trung tâm sáng tạo. KIITO tổ chức các hội thảo, bài giảng, triển lãm và sự kiện giới thiệu thiết kế và nghệ thuật mới. KIITO cung cấp dịch vụ hội họp, phòng trưng bày, tổ chức sự kiện về cơ sở vật chất cho thuê, không gian văn phòng và xây dựng các dự án phù hợp với chiến lược TP Sáng tạo của Kobe.
Bandung Creative Hub (2017, Indonexia) được thành lập bởi Thị trưởng Bandung M. Ridwan Kamil và Phó Thị trưởng Bandung Oded M. Danial cùng với cộng đồng sáng tạo của TP Bandung, tạo ra 16 tiểu ngành kinh tế sáng tạo. Trung tâm Sáng tạo Bandung cung cấp cơ sở vật chất cho cộng đồng sáng tạo để phát triển, giáo dục và thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp sáng tạo ở Bandung.
Khu phức hợp văn hóa Leipzig (2005, Đức) là Nhà máy kéo sợi lớn nhất Châu Âu được thành lập vào năm 1884, và đóng cửa sản xuất bông vào năm 1993. Là một di sản công nghiệp có diện tích 6 ha, với 70.000m2 diện tích sàn có thể sử dụng trên 23 tòa nhà riêng biệt. Nhà máy Leipzig là một ví dụ điển hình trong việc chuyển đổi các nhà máy công nghiệp không sử dụng, trở thành một không gian văn hóa sáng tạo lớn cung cấp không gian làm việc cho nhiều loại hình kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo cho TP. Mô hình này đã và đang được nhân rộng trên toàn thế giới.
Hà Nội thực sự cần lựa chọn cách để có các địa điểm sáng tạo
Địa điểm sáng tạo, bao hàm cả phần cứng lẫn phần mềm. Phần cứng là địa điểm cụ thể, có thể là một tòa nhà, một tuyến phố, một khu vực hoặc một “di sản đô thị”. Phần mềm bao gồm: Thể chế, chính sách; lực lượng lao động sáng tạo; hệ thống tri thức sáng tạo; hệ thống kết nối tiếp cận; … Việc xây dựng các địa điểm sáng tạo còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực nội tại của TP: Kinh tế, tri thức, lực lượng sáng tạo, … cần phải xem xét kỹ lưỡng để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Lựa chọn theo trào lưu như “hiệu ứng Bilbao”, tập trung xây dựng các siêu dự án gây tranh cãi bất tận về các “nghệ thuật nghìn tỷ” chưa cần thiết như: Nhà hát Đầm Trị của KTS Renzo Piano; Nhà hát Hoa Sen; Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia … Trong khi các địa điểm văn hóa công cộng sẵn có thì đang hoạt động kém hiệu quả, chưa khai thác hết công suất, đang nằm chờ được các tổ chức hoặc cá nhân thuê để tổ chức sự kiện cưới hỏi, họp lớp, team building, hội thảo, …
Hay là lựa chọn sự sáng tạo dựa trên các tài nguyên “di sản đô thị” sẵn có, vừa giảm thiểu chi phí đầu tư, vừa bảo tồn và phát huy được các giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Ví dụ như cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” năm 2021, do TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam đồng hành cùng nhiều đơn vị tổ chức. Trong đó hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng” được các tổ chức cá nhân thiết kế quan tâm và kỳ vọng nhiều nhất. Các địa điểm nhà máy xí nghiệp được đề xuất để kiến tạo trung tâm sáng tạo như: Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy xe lửa Gia Lâm, … Đã có nhiều phương án dự thi có tính khả thi cao, có khả năng hiện thực hóa.
Đứng trước mạng lưới “di sản đô thị” đang có nguy cơ bị thôn tính và biến mất, Hà Nội cần nhanh chóng có những quyết sách sáng suốt, lựa chọn cho phép thử nghiệm các địa điểm sáng tạo, vừa công nhận, vừa bảo vệ và phát huy các giá trị của “di sản đô thị”, vừa là điểm tựa cơ chế – chính sách, vừa làm chỗ dựa tinh thần cho mạng lưới sáng tạo “con”, đồng hành và truyền cảm hứng để phát triển chiến lược TP sáng tạo.
Thiết nghĩ, dù có lựa chọn phát triển TP sáng tạo theo cách nào chăng nữa, thì cũng cần phải theo các giai đoạn phát triển của TP, của quốc gia. Sáng tạo cần phải dựa trên những nguồn lực sẵn có, cần phải khắc phục trước những vấn đề đang nan giải của TP, như: Gìn giữ các “di sản đô thị”, tắc đường, ô nhiễm, thu nhập,… Cho đến khi TP đủ thực lực, đủ hùng mạnh, thực sự sẵn sàng, thì lúc đó hãy xây dựng các công trình “nghệ thuật nghìn tỷ” mang tầm cỡ quốc tế cũng chưa muộn.
ThS.KTS Nghiêm Quốc Cường
Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)
Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí Kiến trúc.
- Tạp chí Quy hoạch đô thị.
- Jane, J. (1961). The Death and Life of Great Americans Cities. New York: Random House.
- Jacobs, J. (1969) The economy of cities. Penguin: London
- Landry, C & Bianchini, F. The creative city. London: Demos Publishing (1995); ‘The Art of City Making’ (2006); “The Creative City: A toolkit for Urban Innovators” (2000); “Riding the Rapids: Urban Life in an Age of Complexity (2004) and with Marc Pachter “Culture @ the Crossroads” (2001).
- Acs, Z. & M. Zegyesi (2009) Creativity and industrial cities: A case study of Baltimore. Entrepreneurship & Regional Development.
- Florida, R. (2014). The rise of the creative class, revisited. New York: New York Basic Books.
- Florida, R. (2005) Cities and the creative class. Routledge: London.
- Florida, R., C. Mellander, et al. (2008). Inside the black box of regional development: Human capital, the creative class and tolerance. Journal of Economic Geography,
- Evans, G. (2009). Creative cities, creative spaces and urban policy. Urban Studies
- DesignSingapore Council. (2020). UNESCO Creative City of Design.
- Askew, M. (2010). The Magic List of Global Status: UNESCO, World Heritage and theagenda of states. In Labadi, S. & Long, C. (Eds), Heritage and Globalisation. London
- DSG. (2020). Design 2025 Masterplan. Base
- UN Habitat. Right to the City and Cities for All [Quyền tiếp cận TP, và TP cho mọi người], 2016 Habitat III Policy Paper [Chương trình hành động – UN Habitat III 2016].
- British Council, Creative england. Creative Hubkit.
- UNESCO Creative Cities Network.
- https://ift.tt/TD2RUMV
- https://ift.tt/Pp1RWNH
- https://ift.tt/4nXyxzA
- https://www.leipzig.de
- https://ift.tt/uIlkzNx
The post Lựa chọn “Di sản đô thị” hay “hiệu ứng Bilbao” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/KqHh1Q5
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét