Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

Không gian sáng tạo và di sản văn hóa – kiến trúc

Không gian sáng tạo tồn tại gắn với các không gian công cộng. Những KGST tận dụng không gian với các loại hình di sản

Các không gian sáng tạo (KGST) đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam trong 2-3 thập kỷ vừa qua. Trong giai đoạn đầu, những KGST đều là những không gian nhỏ. Các KGST nhỏ thường tận dụng những không gian (KG) cũ, những di sản cũ để làm KG cho những hoạt động của mình. Từ những ngôi nhà kiến trúc thời Pháp thuộc của các KG Manzi, 60’s square, TPD, AGOHub, Tách Spaces,… đến những nhà xưởng cũ, những cơ sở sản xuất cũ của các KG Zone 9, Complex 1, và cả những ngôi nhà nhỏ trong các ngõ nhỏ, và trong các khu tập thể cũ của các KG DocLab, Ơ kìa, Nhà sàn, Tổ chim xanh…

Zone 9

Từ những di sản kiến trúc cũ, có nhiều hình thức đa dạng để biến đổi thành KGST.

“Ví dụ trong tương lai về những nhà tập thể. Nhà tập thể trong tiến trình sắp tới cũng đập bỏ kha khá, gần như tất cả các dãy nhà tập thể. Chẳng hạn những khu nhà tập thể, trong đấy được giữ lại thành ngôi nhà cộng đồng, và trở thành những KG có thể trưng bày cho sự sáng tạo, cho cộng đồng tiếp cận thì nó lại ra đời một hình thức của một KGST mới. Ngay cả một khu tập thể cũ, một nhà máy cũ mà bây giờ được tích hợp hoặc là được thay đổi công năng trở thành một KGST. Ví dụ nhà Hội quán Quảng Đông, trường mẫu giáo cũ trước đây bây giờ trở thành KGST thuộc loại “khủng” nhất ở Hà Nội với 2000m2. Từ một công trình tôn giáo cũng có thể trở thành KGST, ví dụ như đình Nam Hương. KG nghệ thuật công cộng Phúc Tân có rất nhiều nhóm nhảy hip hop, hip pi cũng đến đó để tương tác. Thậm chí như nhóm tuồng, nhóm biểu diễn hip hop đương đại cũng lấy đó làm sân khấu để biểu diễn.”  (Nguyễn Thế Sơn – Nghệ sỹ)

Vai trò to lớn và ý nghĩa của các KGST

Các KGST hỗ trợ nghệ sỹ về mặt KG và hơn thế.

“Thực tế những KG như Manzi rất quan trọng trong cộng đồng những người làm nghệ thuật sáng tạo thị giác, nghệ thuật thử nghiệm về âm thanh, trong gần chục năm gần đây. Các KG như ở Manzi hay Ago hub, phần lớn đều hỗ trợ về mặt chi phí cho những nhóm nghệ sỹ trẻ. Đó là những hỗ trợ tuy không nhiều nhưng cũng rất đáng quý cho nghệ sĩ khi có thể có thêm chi phí, hoàn thiện thêm tác phẩm trưng bày.” Bên cạnh đó, còn hỗ trợ nhiều yếu tố khác rất quan trọng cho các nghệ sỹ, như: Kết nối với cộng đồng khán giả, kết nối với các chuyên gia, giám tuyển, và tổ chức truyền thông, sự kiện cho các nghệ sỹ,… “Với những KG như Manzi, Ago hub, Chula, thường xuyên sau những buổi trưng bày, triển lãm, tạo điều kiện để có những buổi talk để gặp gỡ cộng đồng, chia sẻ trong giới sáng tạo cũng như những công chúng quan tâm. Manzi trước đây có thêm hoạt động về hỗ trợ về giám tuyển, trưng bày, tổ chức, truyền thông, kết hợp có rất nhiều hoạt động bên lề của một sự kiện triển lãm, hay là sự kiện ra mắt sách, hay một sự kiện biểu diễn âm nhạc. Tôi thấy những hoạt động như vậy có giá trị rất mạnh trong cộng đồng. Ở đó, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà văn, nhạc sĩ luôn được chào đón, được hỗ trợ rất nhiều kể cả chi phí để hoàn thiện khung tác phẩm, hay các nghệ sĩ khi đến đó, đặc biệt là các nghệ sĩ biểu diễn nhạc, thường được ủng hộ về chi phí cho việc tập luyện hoặc biểu diễn. Những KG như vậy của tư nhân đã bổ sung thêm đời sống văn hóa, đời sống tinh thần rất quí cho cộng đồng những người làm sáng tạo, những người nghệ sĩ. Những người đứng ra tổ chức KG đó luôn tìm mọi cách để hỗ trợ về mặt tài chính, truyền thông cho những người làm sáng tạo, đồng thời luôn cố gắng kết nối, gắn kết với mạng lưới của họ để có thể kết nối những tổ chức từ nước ngoài cho đến trong nước, cá nhân để bổ sung thêm những đường link cũng như tăng thêm khả năng mở rộng những hoạt động, những thực hành của những người nghệ sĩ, mang tới sự giàu có phong phú thêm cho đời sống tinh thần của cộng đồng trong đô thị.” (Nguyễn Thế Sơn – Nghệ sỹ)

“Mục tiêu 1 [của Manzi] là hỗ trợ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Mục tiêu 2 là xây dựng khán giả cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Và cà phê cũng là cách được dùng như một kênh để kéo công chúng đến nhiều hơn. Ví dụ ở cà phê thì mọi người đến xem tác phẩm không có cảm giác bị khó chịu, e dè mà người ta thoải mái hơn, xem nó cũng dễ dàng hơn.” (Vũ Ngọc Trâm – Manzi)

60’s square

Bên cạnh việc hỗ trợ cho các nghệ sỹ, những KGST còn giúp tôn vinh di sản

Những KGST tận dụng KG cũ, làm giảm bớt những khó khăn về KG, kinh phí. Những KG kiến trúc cũ là những cơ sở quan trọng giúp đỡ rất nhiều cho những KGST nhỏ. Những di sản kiến trúc là một lựa chọn phù hợp, đặc biệt với các KGST nhỏ.

Những KGST tôn vinh di sản, làm cho di sản có đời sống mới. Khi đi vào hoạt động, những KGST đã làm sống lại những di sản kiến trúc cũ. Nhiều nơi đã xuống cấp, và bị bỏ hoang nhưng các KGST đã đem lại giá trị mới cho các di sản này. KGST đã tạo nên đời sống mới cho di sản cũ, không còn là nơi sản xuất, kinh doanh, hoặc nơi ở, mà đã trở thành một địa điểm về văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thư giãn, giao lưu…

Những KGST giúp cho di sản đến gần hơn với người dân và giới trẻ. KGST là nơi để người dân, đặc biệt là giới trẻ đến để giao lưu, thư giãn, giải trí. Bằng cách này, di sản kiến trúc đã sống lại, đến gần hơn với người dân, cộng đồng và giới trẻ.

Manzi Art cafe
Heritage space

Những khó khăn của các KGST nhỏ

Để tồn tại và phát triển trong 2-3 thập kỷ qua, các KGST, đặc biệt là những KGST nhỏ, đã gặp nhiều khó khăn trong đó có khó khăn lên quan đến KG. Trước hết đó là khó khăn về tính không ổn định của địa điểm, khiến KGST hay phải chuyển đi nơi khác.

“Sau khi Zone 9 giải tỏa thì chúng tôi cũng đi lại nhiều KG khác của Hà Nội. Lúc đầu chúng tôi chuyển về KG nghệ thuật tên là Laca ở Lý Quốc Sư, có một KG nhỏ khoảng 40m2. Hoạt động ở đó 1 năm thì chúng tôi lại chuyển đến KG khác to hơn, hơn 200m2 ở Hanoi Creative City. Mình cứ di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác. Thời điểm lúc đấy mình vẫn cảm thấy khó chịu khi mình cứ bị mất KG liên tục. Mỗi lần mất KG như thế, khi mình xây dựng KG thì mất rất nhiều công sức, hệ thống ánh sáng rồi hệ thống kho rồi lưu trữ tác phẩm…” (Phương Linh – Nhà Sàn Collective)

“Sau khi Doclab hoạt động trong viện Goethe được 8 năm thì chương trình hoạt động cùng viện Goethe đóng lại. Trong lúc đó chúng tôi cũng phải nghĩ đến sự lựa chọn – Nếu không có KG mình sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào. Vì nguyên việc kiếm và thuê một KG ở Hà Nội nó cũng là một việc lớn. Lúc đấy thì Nha san collective cũng bị mất KG. Khi mình không có KG thì nó rất khác – Lúc đó tôi nhận ra việc rất quan trọng của việc có KG. (Nguyễn Trinh Thi – DocLab)

DocLab

Khi đó, chúng tôi đầu tư và nâng cấp cả hai Ơ kìa Hà Nội, Ơ kìa Hà Nội 1 và Ơ kìa Hà Nội 2. Nhưng đến năm 2020, ngoài khó khăn của covid, thì chủ của hai khu đất họ đều lấy lại mảnh đất của mình mà chúng tôi không có cách gì để thay đổi quyết định đó. Tất nhiên là chúng tôi mất rất nhiều tiền vốn đầu tư, vì chúng tôi đầu tư nó rất dài hạn. Sau đó chúng tôi chuyển về KG ở một căn nhà tập thể cũ trên tầng 5. Vì đây là tài sản cá nhân của gia đình nên chúng tôi không có lo lắng về chuyện chủ khu đất có lấy lại. Nhưng nó cũng hạn chế rất nhiều. Vì chúng tôi cần KG lớn để có hoạt động đông đảo công chúng.” (Nguyễn Hoàng Điệp – Ơ Kìa Hà Nội)

Để đáp ứng nhu cầu về KG cho các KGST, có thể có những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà nước, các hội nghề nghiệp, và cả tư nhân

“Có thể có cách mà nhà nước có thể để cho các hội, thường bây giờ ở Việt Nam các hội về văn hóa vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng và có nhiều thành viên, và đặc biệt họ luôn có nhiều KG, nhưng việc sử dụng lại không có hiệu quả. Nếu những nơi như thế họ mở rộng ra được và kết hợp được với những người độc lập mà họ có thể vận hành KG đấy hiệu quả hơn thì cũng là một cách tốt để tạo ra được những KGST.” (Nguyễn Trinh Thi – DocLab)

Theo thời gian, những KGST ngày càng nhiều lên, có nhiều địa điểm để lựa chọn. Tuy nhiên, với KGST nhỏ thì KG vẫn không phải chuyện dễ dàng.

“Cái khó khăn về KG thì tôi cảm giác cũng không phải là trở ngại lớn lắm, mình có thể có rất nhiều lựa chọn, có thể là bảo tàng, Viện Goethe, quĩ Nhật hoặc là mình thuê một địa điểm nào đó cũng được luôn. Nên về KG thì cũng không quá quan trọng về việc trưng bày”. (Phương Linh – Nhà Sàn Collective)

“Nếu so với hồi Doclab mới lập ra hoặc là trước đó, cuối những năm 2000, thì bây giờ các bạn trẻ có khả năng và sẵn sàng, việc các bạn tạo lập ra những KG hoặc là những nhóm của mình, trở nên bình thường hơn rất nhiều rồi. Và các bạn ấy tự tin hơn hồi xưa. Thời khoảng 15-20 năm trước thì về tâm lý mình vẫn giống như thời của nhà nước thời bao cấp ấy, thì mọi người không có sự tự tin đó. Bây giờ các bạn trẻ nhiều tự tin hơn rất nhiều. Và đã quen việc nhìn thấy các nhóm khác tồn tại rồi. Đấy cũng là việc mà các nhóm đi trước, giống Doclab chẳng hạn, đã tạo ra một tiền lệ, tạo ra được một ví dụ, một chủ đề để các bạn tham gia vào hoặc để mọi người trong cộng đồng cảm thấy nó có thể hoạt động được.” (Nguyễn Trinh Thi – DocLab)

Tổ chim xanh

Những quy định về quản lý kinh doanh khiến cho các KGST khó khăn trong việc duy trì các hoạt động của mình, đặc biệt tại những KG di sản.

“Con đường đó là con đường đi mà có sự đồng hành của rất nhiều các nguồn lực, các trụ cột của xã hội. Đó là hệ thống nhà nước, bên phía đơn vị quản lý về văn hóa, tạo ra được những KG cởi mở để đối thoại, có sự thấu hiểu giữa những người thực hành về văn hóa, những người làm về sáng tạo. Rồi đến từ công chúng, tất nhiên là sẽ có đồng hành từ truyền thông. Tiếp theo nữa đó là sự đồng hành của các nguồn lực xã hội, như các doanh nghiệp có thể có hành lang về pháp lý, có chính sách để có thể đầu tư cho văn hóa nghệ thuật trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia. Trong thời gian không lâu nữa, với tất cả chính sách, cũng như chiến lược của nhà nước vào năm ngoái đã đề ra về ngành công nghiệp sáng tạo và ngành công nghiệp văn hóa, thì chỉ khoảng 2-3 năm nếu chúng ta thực hiện tất cả những điều mà chúng ta đang nói với nhau ngày hôm nay, thì một hình dung về Việt Nam mới đã có sự cởi mở đó, sự bao dung trong lĩnh vực liên quan đến văn hóa nghệ thuật… sẽ đem lại hình ảnh một Việt Nam rất mới mẻ và có một tiếng nói rất quan trọng trong khu vực, trong tương lai.” (Nguyễn Quốc Hoàng Anh- Lên Ngàn)

Kiến nghị

  • TP giữ lại những di sản kiến trúc cũ và dành một phần KG của di sản cho các hoạt động sáng tạo.
  • TP dành những KG để các KGST có thể sử dụng cho những hoạt động của mình. Đó là cách hỗ trợ rất hiệu quả, đặc biệt với những KGST nhỏ.

TS Phạm Quỳnh Hương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)

The post Không gian sáng tạo và di sản văn hóa – kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/bMO6XKc
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét