Không gian công cộng (KGCC) là thành phần quan trọng trong kiến trúc không gian đô thị nói chung và khu đô thị mới nói riêng. KGCC tiếp cận từ góc độ tạo dựng “nơi chốn” (place-making) được xem là những không gian được tạo ra để có thể thỏa mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí của các cá nhân trong xã hội. KGCC này có thể được kiến tạo từ nhiều hình thức khác nhau và dựa trên nhu cầu, sở thích, lối sống, phong tục của cộng đồng xung quanh đó.Việc tạo dựng KGCC ở một khu đô thị mới đến từ phía người dân và cả phía nhà quản lý khi họ muốn công trình mình tạo ra trở thành nơi đáng sống để từ đó thu hút khách hàng, nâng cao lợi nhuận
Hiện nay, KGCC là thành phần không thể thiếu và rất quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị cũng như các khu đô thị mới. Nó đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng và cả những hoạt động sinh kế của thị dân, cư dân. Đó là không gian mở cho tất cả mọi người, là nơi được tự do thể hiện mình một cách bình đẳng trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19, có những giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt, các KGCC do đó cũng bị hạn chế, thì người ta càng thấy được giá trị của nó và luôn tưởng tượng, hòai niệm (nostalgia) về nó, cảm thấy nó thân thuộc như cái mình thuộc về, thậm chí còn tìm mọi cách để duy trì nó ở những hình thức khác nhau trong điều kiện có thể cho dù không đúng với các nguyên tắc đề ra. KGCC tiếp cận từ góc độ tạo dựng “nơi chốn” (place-making) được xem là những không gian được tạo ra để có thể thỏa mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí của các cá nhân trong xã hội. KGCC này có thể được kiến tạo từ nhiều hình thức khác nhau và dựa trên nhu cầu, sở thích, lối sống, phong tục của cộng đồng xung quanh đó. Việc tạo dựng KGCC ở một khu đô thị mới đến từ phía người dân và cả phía nhà quản lý khi họ muốn công trình mình tạo ra trở thành nơi đáng sống để từ đó thu hút khách hàng, nâng cao lợi nhuận. Ở trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc tạo dựng nơi chốn trong KGCC tại một số khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội từ các bên tham gia
Các khái niệm liên quan
1. Không gian công cộng
KGCC là một khái niệm rộng và được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. KGCC tiếp cận từ góc độ xã hội được xem là các không gian cho phép thoả mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí, tìm kiếm sự thư giãn thoải mái của các cá thể trong xã hội trong sự hòa mình vào xã hội. Sự tụ tập ở đây là do các cá thể tự nguyện đến và gặp nhau. Với loại KGCC này, yếu tố “xã hội” là điều cốt yếu của không gian: Là môi trường cho các sinh hoạt, tương tác của đời sống xã hội được diễn ra. Những KGCC có tính chất này có thể gọi là các không gian dân sự, hay không gian xã hội, hay các KGCC phi chính quy để phân biệt với các KGCC chính quy theo nghĩa “cơ sở hạ tầng”. Theo PGS Phạm Quỳnh Phương thì: “KGCC” là một khái niệm đa nghĩa, bởi nó “được tạo ra, được sử dụng, được gán nghĩa, được quản lý, và được tái sinh do các nhu cầu chính trị- kinh tế- xã hội của các thể chế xã hội khác nhau, ở các không gian và tại thời gian khác nhau, bị chi phối bởi các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau” (Phạm Quỳnh Phương 2020). Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm KGCC là để chỉ những nơi sinh hoạt chung của cư dân như chợ truyền thống, khu vực tâm linh, công viên, sân chơi, bể bơi, những khoảng không giữa các tòa nhà, hành lang, đường vành đai xung quanh khu đô thị…
2. Kiến tạo nơi chốn (place-making)
Lý thuyết hiện đại về nơi chốn được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ 20 với sự mở màn của triết gia người Đức – Martin Heidegger. Tư tưởng của Heidegger đã ảnh hưởng lớn đến các nhà địa lý nhân văn như Yi-Fu Tuan, Edward Relph… và các KTS như: Christian Norberg-Schulz, Aldo Rossi, Christopher Alexander, Peter Zumthor, Jane Jacobs, Kevin Lynch, Gordon Cullen, Roger Trancik, Gehl Jan… Sự hình thành lý thuyết nơi chốn trong thiết kế đô thị một phần là sự phản kháng lại mô hình đô thị hiện đại của Le Corbusier với cách tiếp cận được cho là mang tính hình thức, duy lý, hệ thống và không thân thiện. Những người xây dựng lý thuyết nơi chốn tập trung vào những giá trị mang tính cảm xúc và tinh thần của đô thị như: Bản sắc, lịch sử, đa dạng, thân thiện, sống tốt. Họ cũng chuyển hướng nghiên cứu, không chú trọng quy hoạch toàn đô thị, mà quan tâm đến những dự án, những địa điểm cụ thể như một KGCC, một góc phố. Họ cho rằng kiến thức về đô thị cần được thu thập thông qua việc quan sát hoạt động và phản ứng của người dân trong các nơi chốn đô thị. Họ đặc biệt nhấn mạnh việc phải hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa những hình thái đô thị và các yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, tự nhiên đã tạo nên chúng. Bằng việc chú tâm vào quy mô nhỏ như khu ở, họ hướng sự quan tâm của các nhà quy hoạch vào những cảm xúc cá nhân của người dân đô thị. Trên cơ sở đó, họ phát triển phương pháp quy hoạch đô thị từ dưới lên (trong khi phương pháp của Le Corbusier được gọi là từ trên xuống). Quan điểm về chất lượng đô thị liên quan đến các hoạt động kiến tạo không gian của người dân được Jacobs khởi xướng năm 1961 nhằm phản đối quy hoạch theo trào lưu hiện đại ở Mỹ trong những năm 1950. Quy hoạch theo trào lưu hiện đại tập trung vào các chức năng của các tòa nhà. Jacobs cho rằng, sự đa dạng chức năng, giao lưu vỉa hè, đa dạng các nhóm xã hội văn hóa… là các yếu tố tạo nên không gian đô thị sống động (Trương Quang Thao 2003, tr. 75).
Như vậy, KGCC có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống con người. Ở dưới góc độ văn hóa, KGCC còn là nơi chốn của mỗi con người sống trong đó, để mỗi khi đi xa lại nhớ về.
Kiến tạo nơi chốn tại các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội từ các bên tham gia
1. Tạo dựng “nơi chốn” trong những KGCC từ cấp độ quản lý, doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà quản lý khi xây dựng khu đô thị mới đều có những mục đích rõ ràng như:
- Ý tưởng về một khu vực đô thị có quy hoạch, có trật tự;
- Không quan tâm đến phát triển dịch vụ công;
- Chú trọng đến hoạt động kinh doanh thương mại, hướng tới lối sống văn minh hiện đại đẳng cấp.
Khu đô thị mới có thể được xem là sản phẩm của các động lực chính quyền và doanh nghiệp, củng cố mục tiêu chung là tạo dựng không gian đô thị trật tự với quy mô lớn phục vụ tầng lớp trung lưu đang ngày đông lên… Các khu đô thị nói chung thường được quy hoạch theo lối “đồng bộ”, nguyên tắc, trật tự. Các khu nhà được bố trí ra sao, vị trí thế nào, tầng trệt dùng để làm gì, các KGCC được phân định rõ ràng. Kèm theo đó là những quy định, nội quy về cách ứng xử nơi đô thị. Các từ ngữ như “ngăn nắp”, “văn minh”, “ý thức”, “giữ gìn vệ sinh”… được sử dụng một cách rộng rãi trong bảng nội quy của các khu đô thị nói chung. Ý thức về trật tự và kiểm soát được củng cố bởi sự hiển diện của đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp trong khu.
Cơ sở để xây dựng một khu ở văn minh hiện đại dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Tân tự do với đặc trưng là Chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ sản sinh ra những TP, khu đô thị tiện ích thông qua việc giảm thiểu bộ máy quản lý của chính phủ đồng thời nâng cao hệ thống quản trị minh bạch từ phía tư nhân. Học thuyết của chủ nghĩa này cũng tập trung vào các khía cạnh vật chất của cuộc sống con người mà những khía cạnh vật chất này chỉ có được tốt nhất thông qua thị trường. mà xem nhẹ tầm quan trọng của các quan hệ xã hội và yếu tố văn hóa trong đời sống đô thị. Việc coi trọng giá trị vật chất trong quy hoạch TP cũng như các khu đô thị mới đã bỏ qua hoặc không coi trọng các KGCC truyền thống như chợ, khu tâm linh, vườn hoa công cộng, hè phố… những không gian mà con người gặp nhau không chỉ để mua bán mà còn trò chuyện, giao lưu.
Theo quy định của chính phủ, các khu đô thị phải cung cấp cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản dưới dạng các công trình công cộng như trường học, mẫu giáo, sân chơi, khu giải trí, trung tâm y tế, bệnh viện, chợ dân sinh… Tuy nhiên, hầu hết các KĐTM trên địa bàn TP Hà Nội nói chung đều không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu trên. Người dân thường hay phàn nàn về việc thiếu sân chơi, trường học, chợ búa…và cho rằng ban quản trị đã dành những khoảng đất dành cho KGCC cần có để cho thuê, bán cho công ty tư nhân, thầu đất làm bãi đỗ xe ô tô, nhà xưởng sản xuất gỗ, quan tâm đến việc “phân lô bán nền”….
Để công trình của mình làm ra thực sự là nơi đáng sống của các cư dân, từ phía nhà quản lý doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng đã nỗ lực hài hòa các nguyện vọng của nhân dân cũng như mục đích của mình. Tuy nhiên, khi “tạo ra nơi chốn” (palace-making) về mặt quan điểm lý thuyết thì các khu đô thị mới nói chung về phía người quản lý, chúng tôi nhận rằng cần quan tâm đến một số vấn đề cụ thể như:
KGCC cần quan tâm tới nhóm đối tượng yếu thế như người bán hàng, người già, trẻ em, người khuyết tật, người lao động thu nhập thấp… Qua thực tế nghiên cứu về sự gắn kết xã hội trong KGCC cho thấy, để tạo ra một KGCC đích thực, những người kiến tạo không gian cần tập trung vào nhu cầu của các nhóm người yếu thế hơn là “cộng đồng” một cách chung chung. Ở những khu đô thị cao cấp như Vinhome Ocean Park, Time City, Royal City, Ecopark… là những ví dụ điển hình cho thấy thách thức đối với KGCC khi chúng là rào cản đối với người thu nhập thấp và các nhóm khác. Khu Vinhome Ocean Park sở hữu một KGCC ngoài trời vô cùng đẳng cấp cùng với bãi biển nhân tạo, khu thể dục thể thao ngoài trời đa chức năng, công viên vui chơi giải trí…
Hiện nay có hai xu hướng về KGCC tại những khu đô thị lớn. Xu hướng thứ nhất biến KGCC thành nơi tổ chức sự kiện, thúc đẩy sự mua sắm và tiêu dùng. Xu hướng thứ hai là tận dụng KGCC để xây dựng những khu vui chơi, giải trí với mục đích tách rời con người khỏi thực tại bằng việc tạo nên cảm giác về một “thế giới khác” (như Disneyland). KGCC khi ấy thay vì khuyến khích sự đa dạng, tự do và mở cửa cho tất cả mọi người, đang dần trở thành không gian giới hạn và bị kiểm soát. Dù đem lại cảm giác tích cực cho người tham gia, nhưng xu thế khuyến khích phát triển các trung tâm giải trí phá bỏ sự liên kết giữa con người với nơi họ đang sống, phủ nhận giá trị được đúc kết trong quá trình phát triển đô thị, và không tạo nên bản sắc thật sự cho TP. Đi kèm theo đó là sự lên ngôi của trung tâm thương mại, một mặt đóng góp cho hình ảnh hiện đại của đô thị, mặt khác đóng vai trò như sự thay thế cho KGCC – như một nơi cộng đồng có thể gặp gỡ và tương tác. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó đơn thuần là logic của việc kiếm lợi nhuận. Tất cả những yếu tố trang trí, việc sắp đặt gian hàng nhiều khi có nét tương đồng với quảng trường xưa kia, nhưng mục đích duy nhất mà nó hướng tới là thúc đẩy khách mua hàng. Những không gian tưởng rằng công cộng đó không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho nhóm cư dân giàu có, họ phải trả chi phí cho tất cả những tiện ích đó. Nếu như không phải cư dân nội bộ, người bên ngoài vào phải chi trả những khoản đi lại, vé vào cửa, tiền ăn, tiền trông trẻ,… để tận hưởng dịch vụ. Hoặc là các KGCC thường thiết kế cho người bình thường có thể tham gia mà ít chú ý đến người khuyết tật với những đặc thù riêng. Trông bối cảnh đại dịch Covid, nhiều KGCC bị hạn chế, ban quản lý có thể tính đến những phương án tạo ra những KGCC có tính an toàn vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo được nhu cầu nâng cao sinh khỏe, luyện tập thể thao của cư dân cũng như trẻ em vì đây là đối tượng cần được vui chơi trong những KGCC nhất. Các KGCC truyền thống như chợ dân sinh, vỉa hè cũng cần được chú ý tạo điều kiện mua sắm người dân cũng như quan tâm đến sinh kế của người tiểu thương. Người già cần những KGCC như sân tập thể dục, vườn nông nghiệp… Tại đó họ có thể giao lưu, trò chuyện, lao động theo sức của mình để thấy rằng họ vẫn là người có ích, để họ sống vui, sống khỏe cùng con cháu…
Bên cạnh đó, kiến tạo KGCC cần có sự quản lý chặt chẽ để có thể duy trì lâu dài. Có rất nhiều yếu tố tác động đến quyết định của mọi người về việc đến chơi hoặc ở lại trong KGCC, bao gồm sự sạch sẽ, an toàn và nhiều hoạt động phong phú, không phải là vấn đề chỉ thiết lập một lần mà còn là vấn đề làm sao để liên tục bảo trì, vận hành, bố trí nhân sự quản lý và chính sách. Để đưa ra quyết định về các hoạt động này, ban quản trị địa điểm thường cần đến sự hợp tác giữa cộng đồng, cư dân và các đơn vị tư nhân. Điều này phụ thuộc vào các bên liên quan, sự phân bổ nhân sự, cam kết và khích lệ, sự hợp tác này có thể đạt hiệu quả cao hơn và công bằng hơn nếu bất kỳ một bên nào giữ trách nhiệm toàn bộ hoặc ngược lại. Dự án phát triển KGCC của nhóm Think Playground (Nghĩ về sân chơi trong TP) đã chứng minh năng lực tổ chức, cấu trúc tài trợ và nhiệm vụ của các thực thể quản trị địa điểm, định hình khả năng của họ để cung cấp chương trình toàn diện lấy cộng đồng làm trung tâm. Cụ thể như nhóm đã kết hợp với các tổ chức xã hội doanh nghiệp, cũng như là nâng cao ý thức cộng đồng trong việc xây dựng, cải tạo KGCC ở Phúc Tân, hay xóm Phao ven bờ sông Hồng. Với KGCC tại các khu đô thị mới, chính quyền cũng như ban quản lý cũng cần quan tâm đến cải tạo, tu bổ, sắp xếp không gian chợ, công viên, không gian tâm linh, không gian vui chơi giải trí… để có khả năng phục vụ cư dân lâu dài. Trên thực tế, ở các không gian vui chơi giải trí chẳng hạn, nhiều vật dụng, dụng cụ luyện tập thể thao, đồ chơi trẻ em như đu quay, bập bênh, cầu trượt… bị hỏng hóc nhưng cũng ít được ban quản lý quan tâm sửa chữa bởi những lí do khác nhau. Điều này cho thấy các quyết định quản trị gắn với việc ai có quyền, ai được làm gì và việc trả tiền như thế nào có tác động đáng kể đến việc kiến tạo không gian.
Mặc dù việc kiến tạo không gian đòi hỏi một khoản ngân sách nhất định nhưng rất nhiều dự án KGCC đã thành công khi sử dụng mạng lưới xã hội, xã hội hóa nó từ các nguồn vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn kinh tế từ các tổ chức, các bên liên quan khác nhau. Mô hình chợ quê hàng tuần ở khu đô thị Ecopark là một ví dụ điển hình trong việc triển khai loại hình KGCC dành cho mọi người đến từ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội, sự tài trợ của những công ty, nhãn hàng uy tín… Chợ đêm phố đi bộ tại khu đô thị Vin home Ocean Park khai trương ngày 25/10/2022 cũng đã tạo dựng được KGCC cho cư dân nội khu và khu vực lân cận đến sinh hoạt, mua sắm. Khu phố đêm có quy mô gần 200 gian hàng lớn, là các gian hàng lưu động, xe food truck lưu động được chia theo các ngành hàng từ đặc sản vùng miền, ẩm thực, cà phê, nhà hàng đến thời trang, phụ kiện, đồ lưu niệm…. Phố đêm Vin home Ocean Park mang đến cho khách hàng, cư dân những trải nghiệm độc đáo và thú vị không kém phố đi bộ Hồ Gươm. Đồng thời, đây cũng là hình thái kinh tế mới về đêm hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội đầu tư – kinh doanh tuyệt vời, thúc đẩy giá trị của các khu shophouse, shop thương mại dịch vụ xung quanh. Sử dụng xã hội hóa trong việc xây dựng KGCC lấy cộng đồng làm trung tâm như vậy đã tiết kiệm được chi phí từ phía ban quản trị, nó giúp cho sự phát triển dòng doanh thu phù hợp với sứ mệnh của một KGCC để có thể duy trì lâu dài hoạt động này.
2. Động thái tạo dựng KGCC trong khu đô thị từ phía người dân
KGCC có thể coi như một dòng chảy, không cố định, nó chịu tác động của nhiều nhóm liên quan, do vậy cần luôn luôn có sự đối thoại liên tục dựa trên nhu cầu của cộng đồng, bởi chính họ là chuyên gia trong chính không gian sống của mình.
Bên cạnh động lực rất quan trọng của chính quyền, doanh nghiệp, những cư dân thông qua các hoạt động sử dụng và xây dựng KGCC trong cuộc sống thường ngày đã góp phần đáng kể vào việc kiến tạo không gian đô thị mới thêm phần sống động, có hồn.
Nhận thức được việc đó, nên nhiều nhóm ban quản trị cũng có những nương nhẹ, nới lỏng, dung hòa, thỏa hiệp giữa các nguyên tắc và nhu cầu của cư dân để cho một số không gian mà người dân tự tạo vẫn đang có thể tồn tại trong chừng nào có thể. Chính sự kiến tạo này tạo nên “nơi chốn” mà người dân muốn sống, gắn bó và mong muốn thuộc về. Ở những khoảng sân nhỏ giữa các tòa chung cư, các cụ già tự kẻ vẽ sân chơi cầu lông, bóng chuyền, tập thể dục dưỡng sinh…với nhau. Lứa tuổi trẻ hơn thì tận dụng sân đó vào buổi tối để tập võ, tập rumba, erobic, khiêu vũ. Trong những KGCC là hành lang, trẻ con vẫn có thể vui chơi trong bối cảnh Covid, nhiều KGCC bị hạn chế. Chính tại khu vui chơi chung này, cư dân quen biết nhau nhiều hơn, tăng cường mối quan hệ giao tiếp, kết nối cộng đồng, tạo nên niềm vui tại nơi ở mới. Ở các tầng trệt, các dãy nhà biệt thự cho thuê làm quán ăn, nhà hàng, quán bia, cà phê cũng kê bàn ghế tràn ra cả vỉa hè, tạo nên một cuộc sống đô thị rất sống động. “Ngồi quán là để nhìn mặt người. Ráo riết kiếm tiền quá, chết cũng đâu có mang theo. Có làm, có chơi mới biết là sống” (Quán nhỏ mùa đi- Nguyễn Ngọc Tư). Vỉa hè qua góc nhìn văn hóa là “Một không gian đa chức năng, đa sở hữu, nơi hàng ngày, hàng giờ diễn ra cuộc sống đời thường sôi động và phức tạp như nó vốn có của một không gian sống công cộng. Trong không gian sống ấy, sự lộn xộn có thể có nếu nhìn từ bên ngoài, còn từ bên trong, luôn có sự ổn định, trật tự theo cách hiểu và cách dàn xếp, thương thỏa riêng của các bên” (Nguyễn Thị Phương Châm 2020, tr: 14). Asef Baya (1997) trong bài viết có tên “Un-civil society: The politics of the “informal people” (Xã hội dân sự: Chính trị của những người “không chính thống”), gọi những hoạt động ở vỉa hè gọi là “chính trị của đường phố” (politics of the street). Ông khẳng định nỗ lực tái lập trật tự KGCC của chính quyền và sự bám víu đường phố vì miếng cơm của các nhóm yếu thế tại các quốc gia đang phát triển tạo nên một đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nơi đó, các hàng quán di động nhận được lòng khoan dung vừa phải từ cộng đồng dân cư; đối mặt với một hệ thống pháp luật có phần hình thức, thiếu chiều sâu; cùng quá trình kiểm soát và tái lập trật tự theo kiểu chương, hồi “chiến dịch” qua loa của các lãnh đạo địa phương. Nhưng bất kỳ tác động thiếu tính toán nào mong muốn thay đổi thực trạng sẽ vấp phải những phản ứng chính trị không thể ngờ tới, kể cả khả năng xung đột bạo lực. Nền kinh tế không chính thức (informal economy) tại Việt Nam nói chung và các đô thị nói riêng có vai trò quan trọng. Thực tế đã chứng minh, những lần “ra quân” với những “chiến dịch” dọn dẹp lòng đường, vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm, hay cả những vườn rau tự phát khi chưa được quy hoạch… từ ngày này qua ngày khác cũng giống như điều trị triệu chứng mà không không điều trị tận gốc của “bệnh”. Sự “lộn xộn” của vỉa hè cũng như các KGCC mang tính truyền thống như đã phân tích quả thực luôn có sự kết nối, chia sẻ, dàn xếp giữa các bên liên quan sao cho lợi ích được đảm bảo hài hòa. Chính vì vậy mà những không gian này vẫn tồn tại, tạo nên sự đặc thù, sống động cho từng kiểu loại khu đô thị.
Kết luận
Các khu đô thị mới là sản phẩm của quá trình kiến tạo không gian đô thị trong thời kì đổi mới của chính quyền, doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân) và cả các động lực kiến tạo không gian tự phát của người dân. Chính các động lực tạo dựng KGCC sao cho phù hợp với cuộc sống của người dân đã tạo nên bản sắc, nơi chốn cho mỗi khu đô thị mới. Để tạo nên một TP, một khu đô thị đáng sống, đô thị “vị nhân sinh” thì không thể không có hoạt động của con người trong những KGCC, đặc biệt là những không gian cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng như nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân.
TS. Lê Việt Liên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)
Tài liệu tham khảo
1. Annette Miae Kim (2015), “Sidewalk City, Remapping Public Space in Ho Chi Minh City” (TP vỉa hè: Lập bản đồ KGCC TP Hồ Chí Minh) – The University of Chicago Press.
2. Asef Baya (1997), “Un-civil society: The politics of the “informal people” (Xã hội dân sự: Chính trị của những người “không chính thống”) – Third World Quarterly, Vol 18, No1, pp 53-72, 1997
3. Nguyễn Thị Phương Châm (2020), “Vỉa hè và sự thương thỏa của các chủ thể văn hóa” – Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, số 1, năm 2020, tr 3-14
4. Hannah Arendt, 1958, “The Human Condition” (Điều kiện tạo nên con người), Second Edition, Introduction by Magaret Canovan – NXB The University of Chicago Press, Chicago & London
5. Vũ Hiệp (2016), “Đô thị Việt Nam góc nhìn từ những nơi chốn” – NXB Xây dựng
6. Lê Ngọc Hùng (2015), “Lịch sử và lý thuyết xã hội học” – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
7. Jan Gehl (2009), “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc: Sử dụng KGCC” – NXB Xây dựng
8. Jan Gehl (2019), “Đô thị vị nhân sinh” – NXB Xây dựng
9. Phạm Thúy Loan (2015), “KGCC trong đô thị – từ lí luận đến thực tiễn” – Tạp chí Kiến trúc, số 11, năm 2011
10. Trịnh Duy Luân (2013), “Sống ở khu đô thị mới – Hướng tới các cộng đồng đô thị bền vững ở Hà Nội” – Tạp chí Xã hội học, số 4 , tr 37-47
11. Phạm Quỳnh Phương, “Khái niệm về KGCC”, https://ift.tt/F6QSKe3
12. Trương Quang Thao (2003), “Đô thị học, những khái niệm mở đầu” – NXB Xây dựng.
The post Tạo dựng “nơi chốn” trong Không gian công cộng của khu đô thị mới – Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/W2TtvCB
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét