Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Phát huy thế mạnh của các trường Đại học, Cao đẳng trong xây dựng Thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Năm 2019, Hà Nội chính thức được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố (TP) sáng tạo của UNESCO và chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là hướng đi đúng của Hà Nội để đạt mục tiêu phát triển bền vững và làm phong phú thêm cho cuộc sống của người dân. Rất may mắn, Hà Nội có đủ tiềm năng và thế mạnh để theo hướng đi này, trong đó đặc biệt phải kể đến hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, của người Hà Nội đang được lưu giữ trên mảnh đất Thủ đô và nguồn nhân lực dồi dào cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực.

Đại học VinUni

Thực hiện các nhiệm vụ của một TP sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vốn tưởng là 2 công việc khác nhau, nhưng thực chất chúng lại có quan hệ với nhau một cách mật thiết, bởi nếu tôn chỉ của các TP sáng tạo là hướng tới thúc đẩy “Nguồn lực văn hóa” và “Sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, thì công nghiệp văn hoá là sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa. Hai hoạt động này đều dùng chung một loại nguyên liệu – Văn hóa.

Khác với các loại nguyên liệu khác, các giá trị văn hóa (nguồn lực/vốn văn hóa) trong quá trình khai thác, sử dụng sẽ không dần cạn kiệt mà trái lại, nếu có các biện pháp, cách thức phù hợp, các giá trị này không chỉ được giữ gìn, bảo lưu mà còn tạo ra ra các giá trị văn hóa mới, làm phong phú và đa dạng hơn những giá trị vốn có. Đây là một yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững. Ngoài giá trị văn hóa – nguồn “nguyên liệu” quý cho sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Hà Nội còn “có trong tay” nguồn nhân lực đủ để biến mục tiêu thành hiện thực. Ngoài nguồn nhân lực của mình, Hà Nội còn sở hữu nguồn nhân lực (chất lượng cao) của 124 trường đại học và gần 50 trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, bao gồm cả giảng viên và sinh viên – một số lượng vô cùng lớn, và nếu phát huy tốt, Hà Nội sẽ có thế mạnh mà không địa phương nào có thể so sánh (kể cả TP HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước).

Các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đào tạo hầu hết các ngành hiện đang đào tạo ở Việt Nam, trong đó có đầy đủ các ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Thế mạnh của các trường không chỉ ở đội ngũ thầy trò đông đảo, chất lượng cao (65% nhà khoa học của cả nước sống và làm việc tại Hà Nội và phần lớn trong số đó là ở các trường đại học) mà ở việc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, năng động và khả năng hội nhập quốc tế cao; ở khả năng, kinh nghiệm, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đề xuất và giải quyết các vấn đề khoa học. Họ cũng là người thường xuyên tiếp xúc, thậm chí đưa ra những kiến thức mới trong các ngành, lĩnh vực, biến những kiến thức mới đó thành sản phẩm cụ thể, nên để mục tiêu đặt ra nói trên thành công, không thể thiếu sự hợp tác của đội ngũ này.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, dù Hà Nội đã có những chủ trương, chính sách để thu hút nhân lực song vẫn chưa đủ để thật sự biến được nguồn nhân lực ở Hà Nội thành của Hà Nội trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhiệm vụ nói trên.

Vậy, cần làm thêm những gì để những chính sách của Hà Nội thực sự phát huy hiệu quả trong việc thu hút nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội trong xây dựng TP sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa?

Với Thành phố

  1. Mở rộng hơn khái niệm thiết kế: Lĩnh vực mà Hà Nội lựa chọn khi làm hồ sơ đăng ký gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo là thiết kế và hiện chúng ta đang hiểu thiết kế cơ bản là trong kiến trúc, mỹ thuật (hội họa, nội thất, thời trang) nhưng rõ ràng, các lĩnh vực khác cũng có và cũng cần có sự hiện diện của thiết kế, nhất là văn hóa, bởi để tạo ra những sản phẩm văn hóa từ các giá trị văn hóa, đó chính là quá trình thiết kế, quá trình sáng tạo. Việc mở rộng cách hiểu về khái niệm sẽ giúp Hà Nội có thêm nhân lực của các ngành liên quan (ngoài kiến trúc, mỹ thuật) bằng việc vào cuộc của nhiều trường đại học, cao đẳng khác.
  2. Các sở, ngành của TP thực sự coi các trường có đào tạo các ngành liên quan đến mình là những đối tác thân thiết và chiến lược. Sự phối hợp giữa 2 đối tác này là cần thiết, là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, là việc đưa những tri thức mới, những kết quả nghiên cứu mới vào thực tế, giữa những người có nhu cầu/yêu cầu và những người có khả năng cụ thể hóa để thỏa mãn nhu cầu/yêu cầu đó.
    Dù TP đã có chính sách, văn bản, đề án để tạo sự kết nối với các trường đại học, cao đẳng (gần đây nhất là văn bản mời tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, ngày 18/4/2023) song cơ bản mới dừng ở mức độ nhất định. Nếu các sở, ngành coi việc phối hợp, hợp tác với các trường là nhiệm vụ thường xuyên, khi đó việc thu hút nhân lực chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
  3. Cần có chính sách liên quan trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng (nhất là các trường thuộc Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, 66 trường) để việc phối hợp, hợp tác với các sở, ngành, đơn vị của TP không chỉ là việc nên làm mà là việc cần làm và phải làm (là một tiêu chí để khích lệ, ưu tiên khi đánh giá tổ chức Đảng)
  4. Ngoài những đề án, chương trình, kế hoạch với các sở, ngành, Lãnh đạo TP nên có những đặt hàng theo kiểu giao nhiệm vụ với các trường (trên cơ sở có sự tư vấn của các sở/ ngành liên quan và ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực. Việc làm này không chỉ tạo ra trách nhiệm đối với địa phương của các trường mà còn là sự ghi nhận, động viên của TP với các trường, qua đó các trường có thể khẳng định uy tín của mình.
  5. Từ các nguồn kinh phí phù hợp, TP có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo, với mục đích tài trợ cho những đề án, dự án, sản phẩm phù hợp, có giá trị và đem lại hiệu quả, giúp phát triển thương hiệu, thực hiện nhiệm vụ của TP sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
  6. Tổ chức các cuộc thi và có các giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân khi họ tự thực hiện các dự án, thiết kế các sản phẩm cụ thể.

Với các trường

  1. Thay đổi nhận thức, coi việc mình tham gia các hoạt động, chương trình của TP là nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, buộc phải thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng nhất để các công việc khác được tiếp tục thực thi. Cần loại bỏ tư tưởng: Có thì tốt, không có cũng không sao vốn đang tồn tại khá bền chặt trong tư duy của các trường.
  2. Chủ động trong việc trao đổi về thế mạnh của mình với các đơn vị của TP để tạo ra sự phối hợp, hợp tác thực chất và chặt chẽ.
  3. Tổ chức các hoạt động liên quan để tham gia các cuộc thi hay Quỹ hỗ trợ sáng tạo của TP.
  4. Chủ động phối hợp với các trường bạn để tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh, có khả năng thực hiện các chương trình, đề án, hoạt động của Trường hoặc TP khi được yêu cầu.

Một vài suy nghĩ có thể chưa thật đầy đủ và thấu đáo, nhưng là một người có cơ hội được tiếp xúc với công việc của Hà Nội, mong rằng có thể góp phần thực hiện thành công 2 nhiệm vụ quan trọng mà TP đã xác định: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thực sự trở thành TP sáng tạo theo tinh thần mà UNESCO đã đưa ra.

Phạm Thị Thu Hương
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)

The post Phát huy thế mạnh của các trường Đại học, Cao đẳng trong xây dựng Thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/NlWcQSw
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét