Các loại ngói lợp mái và hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên
2. Các loại ngói lợp mái và hình thái bộ mái cung điện
Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích chứng thực rằng, các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ và trên mái lợp ngói. Điều này phản ánh nét tương đồng của kiến trúc cung điện Hoàng cung Thăng Long với đặc điểm chung của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. Trong các công trình kiến trúc gỗ này, ngói là vật liệu quan trọng trong tính năng chống cháy, chống thấm và thoát nước của các tòa cung điện. Do cấu trúc chính của các kiến trúc này đều được làm bằng gỗ, vì thế chức năng chính của ngói và bộ mái là để bảo vệ bộ khung gỗ bên trong và tòan bộ ngôi nhà. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, ở mỗi quốc gia, có những loại ngói khác nhau, mang những nét đặc trưng văn hóa khác nhau.
Ở Trung Quốc, việc xây dựng các công trình kiến trúc cung điện trong hoàng cung đều được triều đình quy định rất nghiêm ngặt, mang tính chuẩn mực về kiểu thức, kỹ thuật và nghệ thuật. Những quy tắc, quy định về kiểu thức kiến trúc hay cách thức sử dụng các loại ngói trên mái công trình được ghi chép lại khá rõ ràng trong các bộ sách sử còn lưu lại đến ngày nay. Theo Lương Tư Thành, trong hơn 2000 năm lịch sử Trung Quốc (từ nhà Tần đến nhà Thanh), đã từng tồn tại một bộ quy định cấp quốc gia về hệ thống ngói cung điện được gọi chung là Chế độ ngõa tác. Đây là bộ quy tắc quy định 5 hạng mục liên quan đến hệ thống ngói lợp mái kiến trúc, gồm: (1) kết ngói (quy cách lắp ghép), (2) dùng ngói, (3) bờ nóc, (4) Si vĩ hay Chính vẫn và (5) linh thú. Trong mỗi hạng mục này, lại phân ra các quy định rõ ràng cho 8 cấp bậc công trình kiến trúc khác nhau, đó là (1) điện, (2) các, (3) sảnh, (4) đường, (5) nhà hiệp, (6) nhà lang, (7) nhà phụ và (8) đình (Lương Tư Thành, 2001).
Ở Việt Nam, dường như không có các sử liệu ghi chép về các quy định liên quan đến việc xây dựng kiến trúc cung điện hay việc sử dụng các loại ngói lợp trên mái các công trình. Vì vậy, nguồn tư liệu quan trọng và tin cậy nhất để nghiên cứu về hình thái bộ mái hay cách thức sử dụng các loại ngói lợp mái kiến trúc chủ yếu là tư liệu khảo cổ học.
Phát hiện khảo cổ học tại khu vực điện Kính Thiên xác nhận rằng, thời Lê sơ đã có những thay đổi rất cơ bản về quy hoạch không gian, về quy mô và kết cấu kiến trúc, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều loại ngói men (ngói lưu ly) màu vàng và xanh lục bên cạnh ngói đất nung (màu xám, màu đỏ) mang phong cách đặc trưng, khác biệt hoàn tòan so với ngói thời Lý, Trần trước đó. Ngói thời kỳ này phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái (hay ngói hiên) là ngói câu đầu (ngói dương) và ngói trích thủy (ngói âm) giống như loại ngói lợp trên mái hiên của các cung điện cổ ở Trung Quốc hay Hàn Quốc (xem Hình 16).
Nghiên cứu so sánh hệ thống các loại ngói lợp mái đào được tại di tích cho thấy, mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ và kiến trúc cung điện Trung Quốc thời Minh có những đặc điểm khá tương đồng. Ngói lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lê sơ gồm có các loại ngói ống, ngói cong, ngói đương câu, ngói hộp, ngói thanh, các loại tượng rồng, tượng thú trang trí đầu bờ nóc hay bờ dải… tương tự như các loại ngói thời Minh sơ. Nghiên cứu về loại hình và kỹ thuật, đặc biệt là quy cách lắp ghép ngói ống và cấu trúc các bộ phận trên bộ mái (diềm mái, thân mái, bờ nóc, bờ dải) cho thấy nó có những đặc điểm khá gần gũi. Tuy nhiên, xem xét chi tiết về hình dáng, chất liệu và nghệ thuật thì giữa chúng lại có nhiều điểm rất khác biệt. Đặc biệt, khi nghiên cứu so sánh, ta nhận thấy một điều rất thú vị rằng: Thời Lê sơ có loại ngói lợp mái rất đặc sắc, đó là loại ngói rồng. Đây là loại ngói duy nhất có trong lịch sử kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ và loại ngói này không thấy có trên mái các cung điện ở Trung Quốc (xem Hình 16-17).
Ngói rồng là loại ngói ống rất đặc biệt, được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng: Đầu, thân, đuôi. Ngói tạo hình đầu rồng là viên lợp ở diềm mái hiên, nó có đầu tròn tạo vát chéo góc 45 độ, bên trong trang trí hình rồng cuộn khá tinh xảo, trên thân gắn phần đầu con rồng to đang vươn lên phía trước, trên đỉnh đầu có lỗ cắm 2 sừng và phía sau có bờm tóc dài bám vào thân ngói khá mềm mại; các viên ngói lợp thân mái ở trên lưng được tạo nổi hình vây rồng uốn khúc, bên dưới khắc chìm vẩy rồng; viên ngói cuối cùng thì tạo hình đuôi rồng. Nếu ghép các viên ngói theo thứ tự dọc thân mái từ dưới hiên lên trên bờ nóc thì sẽ tạo thành một con rồng hoàn chỉnh, đưa lại một hình ảnh rất khác biệt và độc đáo cho bộ mái của công trình. Loại ngói này có kích thước: Ngói đầu rồng: Dài 40cm, đầu có đường kính 14cm; ngói thân rồng: Dài 30cm, thân có chiều rộng 15cm và cao 7,5cm; ngói đuôi rồng: Dài 24cm, thân có chiều rộng 15cm và cao 7,3cm. Lợp cùng loại ngói rồng ở diềm mái là loại ngói yếm hay ngói trích thủy, đầu hình bán nguyệt, gắn vát chéo góc 38 độ, mặt trang trí hình rồng và văn mây, thân uốn cong lòng máng hình chữ nhật. Loại ngói này có chiều dài 25cm, rộng 17cm (xem Hình 17-20). Đáng lưu ý là ở đầu ngói ống và đầu ngói yếm đều trang trí khuôn in nổi hình rồng chân có 5 móng, biểu trưng quyền lực tối cao của nhà vua (Bùi Minh Trí, 2022).
Cùng với ngói lợp thân mái, ngói lợp bờ dải hay bờ nóc, tại khu di tích còn tìm thấy nhiều tượng rồng trang trí trên bờ dải và đầu hồi/góc mái. Trong đó có một số tượng được phủ men vàng óng, còn lại nhiều và phổ biến là tượng đất nung không phủ men. Chất liệu, màu sắc và phong cách nghệ thuật của các tượng đầu rồng rất tương đồng với loại ngói lợp diềm mái nêu trên cho thấy chúng được chế tác theo một quy định khá nghiêm ngặt (xem Hình 18-19).
Tượng rồng trang trí đầu hồi và bờ dải của Thăng Long có nhiều nét tương đồng về nghệ thuật, kỹ thuật và kiểu thức trang trí so với kiến trúc cung điện Cố cung Bắc Kinh, tuy nhiên nó có kích thước nhỏ hơn, trung bình cao khoảng từ 160-180cm. Ở Cố cung Bắc Kinh, đầu rồng trang trí ở đầu hồi có kích thước rất to lớn, có loại cao 340cm, gọi là “Chính tích vẫn” hay “Chính vẫn” (正脊吻), còn loại rồng nhỏ hơn thường gắn trên đầu góc bờ dải hay đứng sau hàng linh thú ở bờ dải góc mái hiên gọi là “Thùy tích vẫn” hay “Thùy vẫn” (垂脊吻) (xem Hình 21a). Đây là những con linh thú linh thiêng, gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí, tạo nên vẻ đẹp đặc sắc riêng có cho kiến trúc Hoàng gia của Trung Quốc thời cổ đại. Tại các cung điện Changdeokgung (Hàn Quốc) cũng có loại linh thú đặc trưng đặt hai bên đầu hồi kiến trúc như Trung Quốc gọi là “Chidu”, đồng thời cũng có các loại đầu rồng nhỏ gắn đầu bờ dải hay đứng sau hàng linh thú gắn trên bờ dải góc mái gọi là “Yongdu” (Hình 21b). Ở Việt Nam không tìm thấy các loại linh thú nhỏ gắn trên bờ dải góc mái như Trung Quốc và Hàn Quốc mà chỉ tìm thấy loại đầu rồng lớn trang trí ở đầu hồi và loại rồng nhỏ hơn gắn trên bờ dải (Hình 21c). Chúng tôi tạm gọi là Rồng đầu hồi hay Ngói rồng đầu hồi và Rồng bờ dải hay Ngói rồng bờ dải để nói về loại ngói đặc biệt này.
Nghiên cứu các loại ngói đào được tại di tích và qua nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á cho thấy, bộ mái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ vốn được trang trí rất cầu kỳ và tráng lệ. Trong đó đặc sắc và khác biệt nhất là loại ngói rồng men vàng và men xanh lục. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ (xem Hình 20-21) (Bùi Minh Trí, 2016).
Một vấn đề đặt ra ở đây là, vai trò và chức năng của loại ngói rồng men vàng và men xanh lục trong quy hoạch tổng thể của hoàng cung Thăng Long như thế nào? Nó được lợp trên mái cung điện nào và hình thái bộ mái của nó ra sao? Sẽ còn hàng loạt những câu hỏi tương tự như vậy được đặt ra và chắc chắc không dễ có câu trả lời nếu không có những nghiên cứu chuyên sâu và chuyên nghiệp về từng vấn đề. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi thử tiếp cận phương pháp nghiên cứu so sánh về màu sắc của các loại ngói men của Trung Quốc thời Minh – Thanh, từ đó hy vọng rằng sẽ góp phần giải mã về loại ngói lợp trên mái tòa điện Kính Thiên thời Lê sơ.
Trong các kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, chúng ta thấy bộ mái của Nhật Bản phổ biến là ngói đất nung màu xám hay xám đen, không có ngói men (Hình 28e). Các kinh đô cổ ở Hàn Quốc cũng rất ưa chuộng ngói đất nung màu xám đen, nhưng trong không gian của Kinh đô Changdeokgung (Seoul) chúng tôi thấy duy nhất có Tuyên Chính điện (宣 政 殿) được lợp ngói màu xanh lam giống như loại ngói ở Thiên Đàn (Bắc Kinh – Trung Quốc), còn lại đều lợp ngói đất nung màu xám (xem Hình 28c). Các loại ngói lợp mái cung điện ở Trung Quốc thời Minh – Thanh thì cực kỳ phong phú, đa dạng, trong đó đặc sắc nhất là các loại ngói men, gọi là ngói lưu ly, gồm men vàng, men xanh lục và xanh lam (xem Hình 28b).
Tham khảo tư liệu của Lý Tây Hưng: “Giải thích mới về Thảm Lâm Lang” trên tạp chí Khảo cổ và Văn vật năm 1984, ngói lưu ly của Trung Quốc thường được sử dụng nhiều nhất với ba màu: Vàng, xanh lá (xanh lục) và xanh lam (Lý Tây Hưng, 1984). Các loại ngói men này có những chức năng khác nhau và được sử dụng ở nhiều không gian khác nhau, trong đó ngói men vàng là loại ngói cao cấp nhất. Loại ngói này chỉ được sử dụng trong các công trình kiến trúc cung điện trong hoàng cung hay dùng trong đàn Xã Tắc, lăng mộ hoàng đế, chùa Phật và đạo quán của triều đình. Trong các thời kỳ Bắc Triều, Tùy và Đường, do hạn chế về kỹ thuật, ngói lưu ly chủ yếu được sử dụng là ngói xanh lục. Từ thời nhà Tống, ngói men vàng đã được quy định sử dụng cho hoàng cung. Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, chỉ có các cung điện, vườn viên, lăng tẩm của hoàng đế và các công trình đền miếu chùa quán được hoàng đế sắc phong mới được sử dụng ngói men vàng.
Ngói men xanh lá cây là màu cấp thứ hai, dùng vào các dinh thự của các hoàng tử, thân vương, quận vương, các tòa nhà phụ trong các vườn viên, lăng mộ, đền thờ của hoàng gia, đôi khi cũng được dùng trong các công trình chùa quán. Loại ngói này được sử dụng trên các mái nhà của đàn Tiên Nông (đàn tế lễ nông nghiệp), đàn Nhật và đàn Nguyệt (đàn tế lễ thời tiết). Ngoài ra còn có cung Trai (chay tịnh) cũng dùng ngói xanh lá. Mặc dù là kiến trúc cung (cung điện), quy mô cấp cao, nhưng nó được sử dụng để hoàng đế thực hành lễ chay tịnh trước khi cúng tế Trời một ngày. Khi đó, hoàng đế sưng Thần với Trời nên phải hạ xuống sống trong một kiến trúc thấp cấp hơn màu vàng một bậc.
Ngói men màu xanh lam là một trường hợp đặc biệt, nổi tiếng nhất là kiến trúc ở Thiên Đàn. Tòan bộ các công trình kiến trúc ở di tích linh thiêng này, từ tường bao đến các cung điện của triều đình đều lợp ngói men xanh lam với sắc tím da trời, tượng trưng cho bầu trời. Tuy nhiên, trong không gian này cũng có thể nhìn thấy những công trình được lợp ngói men xanh lá cây hay xanh lục. Đây được xem là một sắc thái đặc sắc riêng có của kiến trúc nghi lễ hoàng gia của Trung Hoa thời Minh – Thanh.
Các loại ngói đất nung màu xám ta chỉ nhìn thấy ở các công trình kiến trúc nhà quý tộc, nhà quan hay các kiến trúc đền, chùa. Đây là loại thấp cấp nhất và phổ biến nhất. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như các Văn Uyên (tòa nhà thư viện) trong Tử Cấm Thành sử dụng mái ngói màu xám đen thay vì màu vàng. Điều này là do thuyết Ngũ hành cho rằng màu đen tượng trưng cho thủy (nước) và vì thư viện dễ bắt lửa, luôn cần có thủy để “áp chế lửa”.
Như vậy, ngói men Trung Quốc thời Minh – Thanh chủ yếu có 3 màu cơ bản và thứ bậc được xếp theo thứ tự màu men: Vàng – xanh lục – xanh lam. Trong đó, men vàng là loại ngói cao cấp nhất, là màu biểu trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua, được sử dụng trong hoàng cung. Các cung điện trong Tử Cấm Thành – Cố cung Bắc Kinh tất cả đều được lợp ngói men vàng (Hình 28b). Điều này cho thấy ở Trung Quốc thời Minh – Thanh, triều đình đã có những quy định rất rõ ràng và nghiêm ngặt về màu sắc của các loại ngói và phân định chức năng của từng loại ngói dựa trên việc phân cấp bậc và chức năng của các công trình trong từng khu vực hay trong các không gian khác nhau (Lý Tây Hưng, 1984).
Đối với trường hợp Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi nghĩ rằng thời Lê sơ cũng có thể có những quy định về màu sắc của các loại ngói men, song rất tiếc là không có sử liệu nào nói đến. Những nghiên cứu từ đồ gốm ngự dụng và các ghi chép của thư tịch về quy định triều phục trong cung có thể thấy rằng, màu vàng là màu cao cấp nhất, là màu mang tính biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế như trường hợp điện Thái Hòa (Cố cung Bắc Kinh) hay điện Thái Hòa (Đại Nội Huế). Do đó, chúng ta có thể tin rằng, ngói men vàng thời Lê sơ cũng là loại ngói cao cấp nhất và nó được sử dụng để lợp trên mái cung điện quan trọng nhất của hoàng cung. Theo đó, loại ngói rồng men vàng là loại ngói cao cấp nhất, nó được sử dụng để lợp trên mái kiến trúc cung điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long. Từ cơ sở này chúng tôi cho rằng, ngói rồng men vàng là loại ngói đặc biệt, được sản xuất riêng để lợp trên bộ mái của tòa điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất của Cấm thành Thăng Long thời bấy giờ.
Kết quả nghiên cứu này cũng đồng nghĩa lý giải rằng, loại ngói men xanh lục và ngói đất nung màu xám hay màu đỏ trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ chắc chắn có phẩm cấp thấp hơn ngói men vàng và nó được sử dụng ở nhiều công trình có những chức năng khác nhau và ở những không gian khác nhau.
Bên cạnh nghiên cứu về các loại ngói lợp thân mái và diềm mái, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu so sánh về các loại ngói lợp trên bờ nóc, bờ dải của công trình. Từ đó, chúng tôi đã từng bước giải mã chức năng của từng loại ngói và thiết lập thuật ngữ/tên gọi cho từng loại ngói. Trong đó, thành tựu nghiên cứu quan trọng nhất là đã xác định được chức năng của các loại ngói linh thú (ngói rồng lợp đầu hồi, lợp bờ dải như đã nêu trên), các loại ngói hộp và ngói thanh lợp trên bờ nóc, bờ dải của các công trình, bao gồm kiến trúc cung điện và kiến trúc cổng ra vào công trình. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần làm thay đổi khá nhiều nhận thức về thuật ngữ/tên gọi và chức năng đối với một số loại hình di vật đã từng được gọi tên như “Gạch hộp”, “Gạch thông gió” hay “Gạch thẻ”… Kết quả nghiên cứu khẳng định chắc chắn rằng: Đây không phải là các loại gạch thông thường hay loại gạch ốp trên các bức tường như nhận thức trước đây, mà đó là các loại ngói chuyên dụng để lợp trang trí trên bờ nóc hay bờ dải của công trình (xem Hình 18-19).
Từ kết quả phân loại chỉnh lý vật liệu kiến trúc thời Lê sơ và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc điện Lam Kinh (Thanh Hóa), kiến trúc cung điện thời Minh – Thanh tại Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc), kiến trúc cung điện Changdeokgung (Seoul – Hàn Quốc) và Nara (Heijo – Nhật Bản), chúng tôi đã từng bước nghiên cứu giải mã, phục dựng hình thái bộ mái cung điện thời Lê sơ và chương trình này được mở đầu từ việc nghiên cứu phục dựng 3D bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên với các loại ngói rồng men vàng (Bùi Minh Trí, 2021).
Một vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, đó là cần phải nghiên cứu xác định kiểu thiết kế bộ mái của tòa điện thiết triều này thuộc loại đơn diêm (một mái) hay trùng diêm (hai mái). Đây là vấn đề quan trọng trong việc xác định hình thái bộ mái và đẳng cấp của công trình.
Kết quả nghiên cứu về bộ khung giá đỡ mái của điện Kính Thiên nêu ở phần đầu bài viết gợi ý rằng: Kiến trúc tòa chính điện này có kết cấu 2 tầng mái chồng lên nhau (trùng diêm), thuộc loại kiến trúc cao cấp, và hình dáng bộ mái được thiết kế theo kiểu mái hông có hai đầu hồi giống như hình vẽ trên đồ gốm sứ xuất khẩu thời Lê sơ. Đây là kiểu mái đặc trưng của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.
Trong kiến trúc cổ Trung Quốc, kiểu thiết kế mái là sự phản ánh địa vị xã hội của chủ nhân, được xây dựng theo những quy định về thứ bậc và thể chế rất nghiêm ngặt, mang nghi thức cung đình. Do đó, đẳng cấp của kiến trúc cung điện thời Minh được phân định rất rõ ràng qua hình thái bộ mái, thứ tự đẳng cấp đó được quy định cụ thể như sau: (1) Trùng diêm Vô điện đỉnh; (2) Trùng diêm Yết sơn đỉnh; (3) Đơn diêm Vô điện đỉnh; (4) Đơn diêm Yết sơn đỉnh; và (5) Các loại hình mái nhà kiến trúc khác (xem Hình 22a). Như vậy, các loại mái trùng diêm là loại mái cao cấp nhất, thường là những cung điện của nhà vua. Ví dụ, Trùng diêm Vô điện đỉnh, Trùng diêm Yết sơn đỉnh đại diện cho thân phận hoàng đế, Đơn diêm Yết sơn đỉnh đại diện cho thân phận hoàng thân quốc thích. Các bộ luật về lễ chế của các triều đại Trung Quốc ghi chép rõ ràng về điều này. Tại Cố cung Bắc Kinh, các kiến trúc cung điện sử dụng loại hình mái nhà Trùng diêm Yết sơn đỉnh bao gồm: Thái Hòa Môn – Cổng vào sân Triều Nghi, Điện Bảo Hòa – Hoàng đế sắc phong Hoàng hậu, Hoàng thái tử, Cung Từ Ninh – nơi ở của Hoàng Thái Hậu (Vu Trác Vân và Chu Tô Cầm, 2003).
Trùng diêm Yết sơn đỉnh là loại mái hông có hai đầu hồi , giống như kiến trúc trùng diêm hay chồng diêm của Việt Nam. Đây là loại mái rất phổ biến ở Việt Nam và các nước đồng văn Đông Á. Các cung điện quan trọng của các kinh đô cổ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc đều xây dựng theo mô hình kiểu mái kiến trúc này, gọi là mái đầu hồi Đông Á hay Xie Shan (tiếng Trung), Irimoya (tiếng Nhật) và Paljakjibung (tiếng Hàn), tiếng Anh là Double gable (xem Hình 22b). Tổng hợp theo dẫn lối của tư liệu Lương Tư Thành (2001), kết hợp kiểm nghiệm nghiên cứu trên 116 công trình kiến trúc hiện hữu của Cố cung Bắc Kinh chúng ta có thể biết rằng, trừ các trường hợp kiến trúc môn lầu, các cung điện sử dụng mái Trùng diêm Vô điện đỉnh có số đo chiều sâu từ 21m đến 38m, các cung điện sử dụng mái Trùng diêm Yết sơn đỉnh có số đo chiều sâu từ 20m đến 25m, các cung điện sử dụng mái Đơn diêm vô điện đỉnh có số đo chiều sâu từ 15m đến 20m (Lương Tư Thành, 2001: 405- 426). Điều này cũng có nghĩa rằng, đẳng cấp của kiến trúc càng cao thì quy mô, diện tích của nó càng lớn và ngược lại.
Nghiên cứu so sánh thức kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, chúng ta đều nhận thấy rõ ràng rằng, tòa chính điện trong hoàng cung của các kinh đô cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là kiến trúc một tầng nhưng có hai mái (trùng diêm), nhô cao hơn các kiến trúc ở xung quanh. Riêng điện Thái Hòa trong Tử Cấm thành Bắc Kinh thì sử dụng mái Trùng diêm Vô điện đỉnh, các cung điện chính ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều sử dụng kiểu mái Trùng diêm Yết sơn đỉnh (xem Hình 22cd). Nghiên cứu mô hình, đặc biệt là hình vẽ kiến trúc thời Lê sơ trên đồ gốm cao cấp xuất khẩu và khám thờ thời Mạc ở chùa Bà Tấm, chúng ta có thể thấy rõ hình ảnh kiến trúc thời Lê sơ phổ biến có bộ mái kiểu Trùng diêm Yết sơn đỉnh. Đáng lưu ý khi nghiên cứu qui định về đẳng cấp kiến trúc cung điện của Trung Quốc nêu trên, chúng ta thấy mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên, theo tính toán của chúng tôi về cấu trúc mặt bằng của nền điện nêu ở phần cuối bài viết này, thì nó có thể có chiều sâu khoảng 27m, đạt tiêu chuẩn quy định cho kiến trúc có bộ mái kiểu Trùng diêm Yết sơn đỉnh. Từ cơ sở này có thể suy đoán rằng, kiến trúc điện Kính Thiên có hai tầng mái hay là kiến trúc trùng diêm, thuộc loại mái Trùng diêm Yết sơn đỉnh như cách gọi của Trung Quốc.
Dựa vào kết quả nghiên cứu nêu trên, chúng tôi đã tiến hành phục dựng bộ mái điện Kính Thiên. Kết quả phục dựng cho thấy, bộ mái điện Kính Thiên rất nguy nga và tráng lệ. Hình ảnh bộ mái này đưa lại nhiều cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp rực rỡ của công trình, cùng với những cảm phục về tài năng và trí tưởng tượng tuyệt vời của các kiến trúc sư đương thời. Từ đây có thể nói không quá rằng, bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là một công trình “nghệ thuật mái nhà” đặc sắc theo quan điểm thị giác và cảm quan. Các loại ngói rồng men vàng trên bộ mái bừng sáng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời, nó chứa đựng và lan tỏa những triết lý văn hóa nội tại của công trình, tạo nên những cảm xúc trực quan mạnh mẽ nhất cho người xem. Và khi nhìn ngắm và suy ngẫm về thiết kế của bộ mái này ta có thể nhận thấy nó chứa đựng một trí tuệ nghệ thuật rất sâu sắc, phản ánh sự kết hợp tinh tế và nhuần nhị giữa vẻ đẹp hình dáng và vẻ đẹp ý tưởng, đưa lại một sắc thái hay diện mạo văn hóa tươi mới cho nghệ thuật kiến trúc cung điện Việt Nam (xem Hình 24a).
Có thể nói rằng, giá trị lớn nhất của công trình kiến trúc điện Kính Thiên trước tiên cho ta thấy đó là bộ mái. Nó được thể hiện qua vẻ đẹp hàm ý của loại ngói rồng và các loại ngói linh thú trang trí trên mái. Tuy mang tính siêu hình và ẩn chứa nhiều quan điểm về triết học và về Nho giáo, nhưng ẩn sâu trong ý nghĩa đó là sự thể hiện quyền lực tối cao của nhà vua, thể hiện đẳng cấp và sự thịnh vượng của vương triều. Vì thế, nghiên cứu giải mã về các loại ngói lợp mái và hình thái bộ mái có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp cho chúng ta có thể cảm nhận sâu hơn về nghệ thuật kiến trúc và tư duy thiết kế kiến trúc, đồng thời cho chúng ta thấy được vẻ đẹp đặc sắc riêng có của kiến trúc điện Kính Thiên so với bộ mái của kiến trúc cung điện cổ Đông Á đương thời.
3. Nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên
Từ kết quả nghiên cứu giải mã hình thái bộ mái và bộ khung giá đỡ mái, chúng tôi đã hướng tới một tham vọng lớn hơn, đó là nghiên cứu giải tích về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Nhưng có một khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu phục dựng tòa điện quan trọng này, đó là vấn đề diện mạo, quy mô của mặt bằng nền móng của công trình. Tại khu vực điện Kính Thiên hiện nay không thể tiến hành khai quật khảo cổ học vì bên trên nền điện có một công trình kiến trúc lớn do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1886. Vì chưa có điều kiện khai quật, nên chưa thể có tư liệu mặt bằng của công trình do đang nằm sâu dưới lòng đất.
Trong các hố khai quật tại khu vực phía trước và xung quanh điện Kính Thiên (năm 2011-2021), các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy mặt bằng nền móng hoàn chỉnh của một cung điện thời Lê sơ, vì thế chưa có cơ sở dữ liệu để giải đoán về kích thước bước gian, bước cột cũng như kết cấu chuẩn mực của một kiến trúc cung điện thời Lê sơ. Mặc dù vậy, dựa vào những manh mối từ các cuộc khai quật tại khu vực phía sau điện Kính Thiên, PGS.TS. Tống Trung Tín đã đưa ra bản vẽ mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên (Tống Trung Tín (ed) 2020:337). Theo bản vẽ này thì điện Kính Thiên có quy mô rất to lớn, có mặt bằng hình chữ Công (工), điện trước, điện sau bằng nhau và đều có 7 gian 2 chái, lòng điện có 10 hàng cột gỗ, mỗi hàng 6 cột. Kết cấu mặt bằng này có lẽ tác giả đã phỏng dựng dựa trên ý tưởng mặt bằng của kiến trúc chính điện thời Lê sơ ở Lam Kinh (Thanh Hóa).
Trong bối cảnh còn thiếu tư liệu, để có cơ sở khoa học trong việc phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên, chúng tôi cũng đã tiếp cận nghiên cứu mặt bằng chính điện Lam Kinh dựa trên các kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện từ những năm 1996-2000.
Chúng ta biết rằng, Lam Kinh không chỉ là nơi xây dựng các lăng mộ của các vua nhà Lê sơ mà nơi đây còn được triều đình xây dựng như một hành cung với quy mô rất rộng lớn, trong đó có khu lăng mộ, khu miếu thờ và khu cung điện để phục vụ các vua đương triều khi về đây bái yết tổ tiên. Theo sử cũ và tư liệu khảo cổ học, từ năm 1433, triều đình đã cho xây dựng một số cung điện quan trọng tại Lam Kinh, trong đó có điện Lam Kinh. Đây là tòa điện chính hay còn gọi là chính điện, gồm 3 tòa điện lớn Quang Đức – Sùng Hiếu – Diên Khánh xây liền nhau trên nền đất rộng và có cấu trúc mặt bằng hình chữ Công (工), nền cao 1,8m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m (xem Hình 23) (Nguyễn Văn Đoàn, 2021). Dựa trên kết quả khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chúng ta có nhiều manh mối khá quan trọng để nghiên cứu về điện Kính Thiên. Nghiên cứu so sánh bản vẽ mặt bằng chính điện Lam Kinh và khoảng cách của thềm bậc đá chạm rồng giữa hai điện, chúng tôi thấy bước gian ở điện Kính Thiên khá tương đồng với chính điện Lam Kinh. Gian chính giữa điện Kính Thiên có kích thước nhỏ hơn một chút (khoảng 20cm) so với chính điện Lam Kinh.
Từ cơ sở tư liệu Lam Kinh và dựa vào dấu tích thềm bậc đá chạm rồng tại điện Kính Thiên, chúng tôi thử giải đoán mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên có 9 gian tương đương với kiến trúc điện Lam Kinh. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu bước gian/bước cột dựa trên khoảng cách của thềm bậc đá điện Kính Thiên, mặt bằng chính điện Lam Kinh và kết quả nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện quan trọng nhất ở Cố cung Bắc Kinh (điện Thái Hòa) hay điện Cần Chính (Geunjeongjeon) ở Gyeongbokgung (Hàn Quốc), Đại Cực điện (Daigoku-den – Heijo) ở Nara (Nhật Bản) (xem Hình 24), chúng tôi cũng đã tính toán được chiều cao của công trình và đưa ra 2 phương án về kết cấu mặt bằng nền móng điện Kính Thiên như sau:
Phương án 1: Kiến trúc điện Kính Thiên có mặt bằng hình chữ Công (工), giống như chính điện Lam Kinh, có tổ hợp gồm 3 đơn nguyên kiến trúc.
Theo phương án này, thì mặt bằng điện Kính Thiên có quy mô rất to lớn, có tổng diện tích là 1.556,8m2 gồm 2 điện chính, mỗi điện có 7 gian, 2 chái; chiều ngang có 10 cột, và chiều dọc (hay chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 138 cột gỗ (xem Hình 25).
Phương án 2: Kiến trúc điện Kính Thiên có mặt bằng hình chữ nhật, có một đơn nguyên kiến trúc.
Theo phương án này, thì điện Kính Thiên có quy mô nhỏ hơn, mặt bằng có diện tích khoảng 1.188m2 (dài 44m x rộng 27m), gồm 7 gian 2 chái, trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc (hay chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ (xem Hình 26).
Dựa vào kích thước chiều rộng của thềm bậc đá chạm rồng, chúng ta có thể biết được gian chính của điện Kính Thiên có lòng rộng 480cm, gian hai bên rộng 420cm. Từ số liệu này và nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh ta có thể xác định được số gian chiều ngang là 9 gian, chiều sâu của lòng là 6 gian, kích thước của các gian ở hai bên chính gian cơ bản rộng đều nhau là 4,20m, gian chái hay đầu hồi ở hai bên có kích thước 280cm (Bùi Minh Trí, Nguyễn Quang Ngọc, 2021).
Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai phương án nêu trên đều có khả năng xảy ra đối với trường hợp điện Kính Thiên. Theo đó, để làm cơ sở đối sánh và đánh giá, chúng tôi đã tiến hành phục dựng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên gồm cả hai phương án. Tuy nhiên, nghiên cứu mô hình kiến trúc điện thiết triều ở các nước Đông Á như Thái Hòa điện (Cố cung Bắc Kinh), Cần Chính điện (Gyeongbokgung) và Đại Cực điện (Heijo – Nara), chúng tôi nghiêng về Phương án 2. Lý do là vì tòa chính điện quan trọng này ở trong kinh đô các nước Đông Á đương thời thường phổ biến được xây dựng theo quy tắc chuẩn mực chung là chỉ có một đơn nguyên kiến trúc.
Đáng lưu ý là trong quá trình nghiên cứu phục dựng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết “dựng lan can đá trên bệ của điện Kính Thiên” ghi trong Đại Việt sử ký tòan thư. Đây là chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng trong việc nghiên cứu phục dựng hình thái tổng thể của tòa điện Kính Thiên.
Đại Việt sử ký tòan thư chép: Năm 1467, tháng 8, “Ngày 15, dựng lan can bằng đá trên bệ của điện Kính Thiên , xây thêm một điện nhỏ ở trong sân Giảng Võ” (Đại Việt sử ký tòan thư, 2011: 424). Từ thông tin này chúng ta có thể biết rằng, trên nền điện Kính Thiên từng có hệ thống lan can bằng đá bao quanh công trình được xây dựng vào năm 1467. Tuy nhiên, trong khá nhiều công trình nghiên cứu trước, một số nhà nghiên cứu cho rằng, ghi chép này là nói đến việc xây dựng thềm bậc đá chạm rồng còn lại ở điện Kính Thiên ngày nay. Theo đó, thềm bậc đá này từng được giới thiệu là “lan can thành bậc chạm rồng” có niên đại xây dựng vào năm 1467 (Tống Trung Tín, 2022:28).
Xem xét kỹ về nội dung ghi chép trong Đại Việt sử ký tòan thư và khảo cứu khái niệm lan can từ Tạo tác đá (石作制) trong Giải nghĩa Doanh tạo pháp thức theo trình tự (Lương Tư Thành, 2001: 62), chúng tôi nhận thấy ở đây có sự hiểu nhầm hay hiểu sai về khái niệm “lan can”. Theo khái niệm từ tư liệu này, thì lan can gọi là “câu lan” (鉤欄) và thềm bậc gọi là “đạp đạo” (踏道). Điều này có nghĩa, đây là hai khái niệm hoàn tòan khác nhau về tên gọi và chức năng.
Đạp đạo được quy tắc và chuẩn hóa trong nội dung thứ hai của chương Tạo tác đá, chỉ lối đi lên thềm bệ điện được tạo tác từ vật liệu đá. Theo đó chiều rộng của các bậc đá đạp đạo bằng với chiều rộng của các gian điện mà nó dẫn vào. Chiều cao của mỗi bậc đá đạp đạo được quy định rất rõ ràng: Cứ lên cao 1 thước (32cm) thì phải xây 2 bậc đá, mỗi bậc có chiều dày là 5 thốn (16cm) và chiều rộng mặt bậc là 1 thước (32cm). Tại mỗi bên của các bậc đá đạp đạo có hai cấu kiện đá lớn hình tam giác, được gọi là “phó tử” với công năng là đóng khuôn các bậc đá, để chúng không bị xô lệch theo thời gian. Thời Minh – Thanh, gọi phó tử là bờ dải đá đạp đạo.
Lan can hay câu lan được quy tắc và chuẩn hóa trong nội dung thứ ba của chương Tạo tác đá. Đây là loại lan can đá có tay vịn xây dựng bao quanh thềm của kiến trúc điện (hiên hay ban công), gồm chân tảng, cột đá, song đá, bản đục hoa lá, lục bình củng đá, và tay vịn đá được gắn kết chặt chẽ bằng hệ thống ngàm mộng đá thành một chỉnh thể bao quanh công trình.
Lan can ghi trong Đại Việt sử ký tòan thư nói đến ở đây là “lan thạch” (石欄), nghĩa là lan can đá (“câu lan” 鉤欄). Điều này cũng có nghĩa rằng, lan can không phải là thềm bậc (“đạp đạo” 踏道) và càng không phải là thềm bậc đá chạm rồng còn lại ngày nay. Ghi chép này cho ta biết một điều chắc chắn rằng, vào ngày 15 tháng 8 năm 1467, nghĩa là 2 năm sau khi xây dựng xong điện Kính Thiên, triều đình đã cho xây dựng thêm hệ thống lan can đá bao quanh nền điện. Thềm bậc đá chạm rồng có lẽ đã được xây dựng xong cùng năm với điện Kính Thiên trước đó, có thể vào năm 1428 hoặc năm 1465 khi triều đình cho sửa chữa hoặc xây dựng lại tòa điện này (Đại Việt sử ký tòan thư, 2011: 299, 407).
Thật thú vị là tại khu di tích 18 Hoàng Diệu (phía Tây điện Kính Thiên) và hố khai quật năm 2021 ở phía Đông điện Kính Thiên đã tìm thấy một số mảnh vỡ của lan can đá, trong đó có bản đục hoa lá, lục bình củng, tay vịn và cột trụ chạm khắc hình rồng (xem Hình 27). Phát hiện này là một trong những minh chứng xác nhận về ghi chép trong sử cũ, đồng thời là cứ liệu khoa học khá tin cậy cho nghiên cứu phục dựng lan can đá điện Kính Thiên.
Như vậy, qua tư liệu khảo cổ học và tư liệu lịch sử, chúng ta có thể phác dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên một cách khá rõ ràng và có độ tin cậy khoa học. Đây là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao (228cm), phía trước có thềm bậc đá chạm rồng có quy mô to lớn gồm 11 bậc, được phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son thếp màu đỏ sặc sỡ. Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều (xem Hình 26-29).
Kết luận
Điện Kính Thiên tòa chính điện trong Cấm thành Thăng Long được xem là biểu trưng quyền lực cao nhất của triều đình Lê sơ, biểu trưng sáng giá nhất của khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trong nhiều năm qua tại xung quanh khu vực điện Kính Thiên đã đưa ra ánh sáng nhiều phát hiện mới rất có giá trị trong nghiên cứu về không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt là cung cấp những bằng chứng khoa học tin cậy, xác thực cho việc nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ và tòa chính điện Kính Thiên.
Dựa trên manh mối tư liệu hình vẽ kiến trúc, mô hình kiến trúc và những phát hiện khảo cổ học về các loại cấu kiện gỗ trong các cụm đấu củng tại phía Đông và phía Tây điện Kính Thiên, cùng kết quả nghiên cứu so sánh với các kiến trúc đấu củng còn tồn tại ở Bắc Việt Nam ngày nay, nhất là nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, chúng tôi chỉ ra rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ nói chung, kiến trúc điện Kính Thiên nói riêng là kiến trúc đấu củng. Nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ Đông Á, ta có thể nhận thấy điện Kính Thiên có những nét khá tương đồng về hình thái kiến trúc và kết cấu đấu củng, mặc dù về hình dáng và chi tiết của nó mang những đặc điểm rất riêng biệt của kiến trúc cung điện Việt Nam. Đặc biệt, hình thái bộ mái với loại ngói rồng lợp trên mái là một minh chứng điển hình về tính sáng tạo và sự khác biệt độc đáo của kiến trúc điện Kính Thiên so với kiến trúc cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á đương thời.
Dựa vào kết quả nghiên cứu các loại ngói lợp mái, chúng tôi cũng xác định rằng, loại ngói rồng men vàng là loại ngói đặc sắc nhất, cao cấp nhất trong tất cả các loại ngói thời Lê sơ đào được tại khu di tích. Loại ngói này tìm thấy khá nhiều ở di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực phía Đông điện Kính Thiên. Đây là loại ngói đặc biệt, được sản xuất để lợp trên công trình kiến trúc điện Kính Thiên, tòa điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long. Từ đây, chúng ta có thể hình dung về vẻ đẹp đặc sắc riêng có của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ với sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp hình dáng và vẻ đẹp ý tưởng, phản ánh một trí tuệ nghệ thuật rất sâu sắc, đưa lại một sắc thái tươi mới cho nghệ thuật kiến trúc cung điện Việt Nam.
Kiến trúc cung điện cổ Đông Á nói chung được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và lan rộng từ đó, tuy nhiên Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều có phong cách bản địa riêng, được tạo nên bởi các yếu tố văn hóa truyền thống. Nghiên cứu cung điện của ba quốc gia, một trong những điều đầu tiên ta có thể nhận thấy tính tương đồng rõ nét nhất là loại hình kiến trúc đấu củng, hình thái bộ mái (mái hông đầu hồi), ngói lợp mái (ngói câu đầu trích thủy) và màu sắc trang trí bộ khung kiến trúc. Trong hầu hết các cung điện của Trung Quốc, màu đỏ được sử dụng áp đảo cho các tòa nhà, tất cả bộ mái đều được trang trí bằng ngói men vàng và tượng linh thú. Cung điện chính của triều đại Joseon, Gyeongbokgung, và một số cung điện phụ, sử dụng cách sơn màu và trang trí hoa văn sặc sỡ trên hệ đấu củng và nội thất kiến trúc giống như các cung điện Trung Quốc, nhưng bộ mái chủ yếu là ngói đất nung màu xám. Các cung điện ở Nhật Bản lại ưa chuộng màu gỗ tự nhiên, thay vì sơn, và mái ngói không tráng men giống như Hàn Quốc. Đặc biệt, các tòa chính điện của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường sử dụng kiểu mái trùng diêm để nâng độ cao, tạo vẻ bề ngoài của công trình có nhiều tầng.
Cho dù có những điểm chung hay có những điểm khác biệt về phong cách kiến trúc giữa các nước bởi do yếu tố địa lý, môi trường và đặc điểm văn hóa, nhưng ở đó chúng ta có thể nhận thấy một điểm chung nhất, mang tính tương đồng nhất, đó là sự liên kết của phong cách nghệ thuật kiến trúc với quyền lực của nhà vua và triều đình. Đây là một phần của diễn ngôn nghệ thuật kiến trúc cung điện cổ ở các nước đồng văn Đông Á trong thời đại quân chủ.
Có thể nói ngắn gọn lại rằng, hình thái kiến trúc điện Kính Thiên giới thiệu trong bài viết này là thành tựu nghiên cứu giải mã của chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm dựa trên các nguồn tư liệu (khảo cổ học, sử học), kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc đấu củng ở Việt Nam và kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. Tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu và có phần mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc hay vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng trong tương lai, nhưng hình ảnh phục dựng này được dựa trên rất nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp cho chúng ta có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ vốn đã bị biến mất cùng với những phân tích tổng quan về nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. Những nỗ lực của chúng tôi là mong muốn mang lại những đóng góp khoa học mới trong nghiên cứu học thuật về kiến trúc và lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Việt Nam trong bối cảnh kiến trúc cung điện cổ ở khu vực Đông Á.
PGS.TS. Bùi Minh Trí
KTS. Nguyễn Quang Ngọc
Viện Nghiên cứu Kinh thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)
Tài liệu tham khảo
1. A. de Rhodes, 1908: Historie du Royame de Tonquin (1627-1646), Revue Indochinoise, p.179.
2. Bùi Minh Trí – Tống Trung Tín, 2012: Giá trị nổi bật tòan cầu, tính chân thực và tòan vẹn khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội từ phân tích đánh giá di tích khảo cổ học, Nhật – Việt Tuyển tập bài viết nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Tokyo, Japan, tr.135 – 150.
3. Bùi Minh Trí, 2015: Kiến trúc thời Lý ở khu A-B, khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Những thành tựu sau 10 năm nghiên cứu, Thông báo Khoa học – Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Hà Nội, tr. 19-63.
4. Bùi Minh Trí – Nguyễn Thị Anh Đào, 2015: Bảo tồn đồ gỗ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra, Thông báo Khoa học – Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Hà Nội, tr. 127-141.
5. Bùi Minh Trí, 2016: Hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý dưới ánh sáng khảo cổ học, Thông báo Khoa học 2015, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.13-44.
6. Bùi Minh Trí, 2016: Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Bui Minh Tri, 2018: Vietnam Palatial Architecture in the Ly period similarities and distinctive defferences in architectural history of East Asia. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế tại Hàn Quốc, tháng 10/2018: Ngói lợp mái, tr. 213-236.
8. Bùi Minh Trí, 2019: Kinh thành Thăng Long thời Lý – Dấu tích thành xưa điện cũ, Khảo cổ học, số 3, tr. 46-72.
9. Bùi Minh Trí, 2021: Viện Nghiên cứu Kinh thành – Chặng đường và Dấu ấn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc, 2021: Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ dựa trên tư liệu khảo cổ học và nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ châu Á. Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ” do Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2021, tr. 4-17.
11. Bùi Minh Trí, 2022: Đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ, Kinh thành cổ Việt Nam, IICS-05, tr. 10-41, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Bùi Hữu Ngọc, 2017: Chân tảng đá khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Loại hình, đặc trưng và niên đại, Thông báo Khoa học 2016, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2017, tr.89-117.
13. Dương Hồng Huân, 2001: Cung điện khảo cổ thông luận, Nxb. Tử Cấm thành, Bắc Kinh, Trung Quốc.
14. Đại Việt sử ký tòan thư, Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
15. Đại Việt sử ký tòan thư, Tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
16. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, 2013: Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
17. Kazuo Nishi and Kazuo Hozumi, 1996: What is Japanese Architecture? A survey of Traditional Japanese Achitecture, Kodansha International, Tokyo 112-8652.
18. Khoa Kiến trúc, 2000: Lương Tư Thành tòan tập 07: Giải thích Doanh tạo pháp thức theo trình tự. Bắc Kinh: Nxb. Công nghiệp kiến trúc, tr. 161.
19. Lương Tư Thành, 2001: Lương Tư Thành tòan tập, quyển 07. Bắc Kinh: Nxb Công nghiệp kiến trúc Trung Quốc.
梁思成 (2001)梁思成全集,第七卷. 北京:中国建筑工业出版社.
20. Lương Tư Thành, 2006: Thanh thức doanh tạo tắc lệ. Bắc Kinh: Nxb. Đại học Thanh Hoa.
梁思成 (2006) 清式营造则例. 北京:清华大学出版社.
21. Lương Tư Thành, 2006: Giải thích bản vẽ trong ‘Thanh thức doanh tạo tắc lệ’ của Bộ công nhà Thanh. Bắc Kinh: Nxb. Đại học Thanh Hoa.
梁思成 (2006) 清工部《工程做法则例》图解. 北京:清华大学出版社.
22. Lưu Sướng, 2009: Bắc Kinh – Tử Cấm thành, Nxb. Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc.
23. Lý Tây Hưng, 1984: Giải thích mới về Thảm Lâm Lang, Khảo cổ và văn vật, 1984, Kỷ yếu hội hảo thường niên kỳ thứ nhất.
《毯琳琅讦新解》(1984), 考古与文物,第一届年会论文集.
24. Nguyễn Văn Đoàn, 2021: Đôi nét về kiến trúc thời Lê qua nghiên cứu, khai quật di tích Lam Kinh (Thanh Hóa). Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ” do Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2021, tr. 26-46.
25. Phan Cốc Tây và Hà Kiến Trung, 2005: Doanh tạo pháp thức – Giải độc, Nxb. Đại học Đông Nam, Nam Kinh, Trung Quốc.
潘谷西, 何建中 (2005).《营造法式》解读, 南京: 东南大学出版社.
26. Tomoda Masahiko, 2017: Thể hiện kiến trúc trên các mô hình thời Lý – Trần, Thông báo khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.63-87.
27. Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí, 2007: Về một số dấu tích kiến trúc trong Cấm thành Thăng Long thời Lý – Trần qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2005 – 2006, Khảo cổ học, số 1, tr. 58-70.
28. Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí, 2008: Những phát hiện khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long, Việt Nam học, Nxb. ĐHQGHN, tr. 548-560.
29. Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí, 2010: Thăng Long – Hà Nội, Lịch sử ngàn năm từ lòng đất, Nxb. KHXH, Hà Nội.
30. Tống Trung Tín (Chủ biên), 2020: Văn hiến Thăng Long – Bằng chứng khảo cổ học, Nxb. Hà Nội.
31. Tống Trung Tín, 2021: Một số cấu kiện kiến trúc gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện Kính Thiên. Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ” do Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2021, tr. 18-25.
32. Trần Việt Anh và nhóm cộng sự Phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: Nghiên cứu về Chính điện Kính Thiên và phục dựng trên nền tảng 3D, Kỷ yếu Tọa đàm khoa học: Kinh đô Thăng Long – Hà Nội từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới, Hà Nội, tháng 12/2021, tr.163-170.
33. Trần Việt Anh, 2022: Kiến trúc điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long, Tạp chí Kiến trúc, số 2/2022.
34. Trịnh Cao Tưởng, 1978: Kiến trúc nhà cửa thời Trần, Khảo cổ học, số 4.
35. Trịnh Cao Tưởng, 2007: Một chặng đường tìm về quá khứ, Nxb.KHXH, Hà Nội.
36. Vu Trác Vân và Chu Tô Cầm, 2003: Kĩ thuật kiến trúc Trung Quốc tòan tập: Kiến trúc Cung điện Bắc Kinh, Nxb. Công nghiệp kiến trúc, Bắc Kinh.
[于倬雲 – 周苏琴] (2003) [中国建筑技术全集:宫殿建筑(一)北京].
37. Vũ Tam Lang, 2010: Kiến trúc cổ Việt Nam (Tái bản), Nxb. Xây dựng, Hà Nội.
38. Viện Kiến trúc Nhật Bản, 2007: Nhật Bản kiến trúc sử đồ tập, Akirakunisha, Nhật Bản.
39. Viện Bảo tồn di tích, 2017: Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, Tập 12, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
40. Viện Bảo tồn di tích, 2018: Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, Tập 2, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
41. Việt sử lược, Bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
The post Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê Sơ (phần II) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/NsE7bcM
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét