Bối cảnh thị trường nội thất và ngành thiết kế nội thất tại Việt Nam
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch Covid cũng như khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường nội thất ở Việt Nam tuy có chững lại đôi chút – Nhưng, có lẽ chính xác hơn là: Ngành Nội thất Việt Nam đang chuẩn bị cho một bước phát triển mới, giai đoạn 2023 tới 2030. Chúng ta có thể nhận thấy hầu hết các thương hiệu nội thất lớn của thế giới từ Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật… đã có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực nội thất trong nước hiện là khoảng 10000 và vẫn tiếp tục gia tăng. Ngày 12/7/2023 vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức quyết định thành lập Hội Nội thất Việt Nam, có thể nói đây là dấu mốc lớn đánh dấu một chặng đường mới của ngành Nội thất Việt Nam còn non trẻ so với thế giới nhưng đầy tiềm năng và cơ hội, tương xứng với sự phát triển ổn định về chính trị và kinh tế của đất nước. Ở mảng đào tạo, ngoài các ngành truyền thống như Kiến trúc và Thiết kế Nội thất, nhiều cơ sở đào tạo đã phát triển ngành Kiến trúc – Nội thất với tổng số cơ sở đào tạo trong nước liên quan tới nội thất đã là trên 30 cơ sở công lập và dân lập. Trong khoảng 5 năm gần đây, số lượng thí sinh có nguyện vọng và dự thi ngành thiết kế nội thất ngày càng gia tăng, chỉ tính riêng tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, con số này mỗi năm tăng trung bình khoảng 20%. Trước sự phát triển như vũ bão của thị trường, các cơ sở đào tạo ngành Nội thất dù đã có những thay đổi tích cực xong vẫn tỏ ra chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế. Các chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đặc biệt là triết lý đào tạo còn khá mờ nhạt. Để việc đào tạo ngành thiết kế Nội thất ở Việt Nam có thể phát triển một cách nhanh chóng và bền vững thì việc xây dựng các quan điểm trong đào tạo của từng cơ sở, từng trường cũng như trên bình diện Quốc gia cần được thực hiện sớm và đổi mới toàn diện để chúng ta kịp thời có thế hệ nhà thiết kế nội thất mới, làm chủ những vận hội mới.
Một số yêu cầu thực tế đối với đào tạo ngành thiết kế nội thất
Đòi hỏi đa dạng vị trí việc làm
Nói một cách hình tượng thì ngành Nội thất Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu của phát triển, tức là ngành này đang “start up”. Trong bối cảnh này chúng ta đang thiếu rất nhiều vị trí của ngành một cách chuyên nghiệp từ lý luận, phê bình cho tới thiết kế, thi công… Ngành thiết kế Nội thất, dù đã có lịch sử đào tạo hàng chục năm … từ trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp nhưng truyền thống “Trang trí nội thất” vẫn vừa là thế mạnh vừa bộc lộ các yếu điểm trong các điều kiện mới. Hiện nay, ta mới dừng ở đào tạo ra “Nhà thiết kế nội thất” là chủ yếu, các vị trí công việc như lý luận, phê bình hay thi công nội thất thị trường đang cần đều trông chờ mà chưa có các chuyên ngành đa dạng như thực tế đòi hỏi.
Vấn đề phong cách và bản sắc
Cũng vẫn do nhiều điều kiện khách quan như sự phát triển kinh tế, xã hội, ngành Nội thất thể hiện đúng với nhu cầu xã hội, nó dường như được tách dần ra từ ngành xây dựng, kiến trúc. Mặt khác, nó cũng chịu ảnh hưởng của Mỹ thuật Việt Nam với cái nôi là trường Mỹ thuật Đông Dương rồi đến ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Ngành thiết kế Nội thất Việt Nam hiện nay đang tìm cách thích ứng để khai thác cả hai thế mạnh của các góc kiến trúc và mỹ thuật. Thêm vào đó trải qua các giai đoạn lịch sử đặc thù từ phong kiến tới thời kỳ bao cấp rồi mở cửa, hội nhập cũng như kiến trúc, ngành Nội thất Việt Nam hiện nay đã bộc lộ sự đứt gãy trong việc phát huy truyền thống. May mắn thay, gần đây chúng ta thấy một phong trào mới đang hình thành trong nhiều thiết kế, cuộc thi, giải thưởng – Đó là phong trào “Tìm lại tính bản địa – Nội thất hướng tới con người” nếu như phải đặt tên cho phong trào đó. Tuy vậy, một phong cách nội thất Việt Nam đúng nghĩa vẫn còn đang ở phía trước, nó phụ thuộc rất nhiều vào cái nôi là các cơ sở đào tạo nội thất ở Việt Nam.
Khả năng thạo việc ngay sau khi ra trường
Theo các kết quả khảo sát gần đây sự phản hồi của các doanh nghiệp sử dụng sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất về khả năng thành thạo công việc (làm việc được luôn, không phải đào tạo lại) còn thấp. Điều này chỉ ra khoảng cách giữa giảng đường và thực tế. Sinh viên học ngành cử nhân nội thất từ 4 năm tới 5 năm được trang bị các kiến thức căn bản của nghề thiết kế nội thất với các điều kiện học tập và cách tiếp cận giải quyết vấn đề còn nặng về lý thuyết và giả định. Khi ra trường, gặp phải các điều kiện thực tế hóc búa, các nhà thiết kế trẻ không khỏi bỡ ngỡ, họ phải làm quen và cần được hướng dẫn lại một thời gian không nhỏ. Tình hình sáng sủa hơn đối với một số sinh viên trong quá trình học tập được tiếp xúc thực tập tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tìm gặp được doanh nghiệp phù hợp để gắn bó tới khi ra trường cũng không nhiều. Vấn đề bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tế để các đồ án sinh viên không chỉ dừng lại ở những “concept” là vấn đề lớn mà các cơ sở đào tạo cần điều chỉnh.
Các yêu cầu về năng khiếu mỹ thuật đối với người học
Cũng giống như ngành Kiến trúc, Thiết kế Nội thất là một ngành vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính nghệ thuật, người học và làm thiết kế nội thất cần có óc thẩm mỹ và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, đòi hỏi này không có nghĩa là sinh viên thiết kế nội thất phải có các kỹ năng của một họa sĩ kiểu truyền thống. Việc thi năng khiếu đối với ngành Thiết kế Nội thất là cần thiết nhưng nhiều trường trong nước và quốc tế đã chuyển qua xét tuyển liên quan tới óc thẩm mỹ và khả năng nhìn nhận về mặt không gian chứ không chỉ dừng lại ở các bài thi về hình họa hay thuần tuý mỹ thuật. Gần đây, chương trình phổ thông trung học đã thay đổi bổ sung hệ thống môn học Mỹ thuật càng cho phép điều chỉnh các yêu cầu đầu vào đối với ngành Thiết kế Nội thất. Bên cạnh đó, ngành Thiết kế Nội thất hiện đã được xếp chung trong nhóm ngành Xây dựng – Kiến trúc nên các yêu cầu về đầu vào và đầu ra cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Các trường vẫn thi tuyển sinh đầu vào ngành Thiết kế Nội thất bằng môn hình họa mỹ thuật (vẽ người) là một đòi hỏi cần xem lại về mức độ phù hợp.
Các quan điểm trong đào tạo ngành thiết kế nội thất tại Việt Nam
Căn cứ trên tình hình thực tế của thị trường nội thất Việt Nam cùng các đòi hỏi, yêu cầu đối với đào tạo ngành Thiết kế Nội thất hiện nay, có thể đề xuất một số quan điểm mang tính định hướng cho các giải pháp cụ thể trong đào tạo ngành thiết kế
1. Quan điểm về phân loại người học để đào tạo
Phân loại và phát triển năng lực cá nhân người học để đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm rất đa dạng của thị trường. Ngoài việc trang bị các kiến thức nền tảng trong một chương trình đào tạo ĐH, cần tiếp tục “hướng nghiệp” người học trong các chuyên ngành hẹp của nghề Thiết kế Nội thất như các mảng nghiên cứu, diễn họa, triển khai kỹ thuật, thậm chí cả các vị trí việc làm đang rất thiếu là lý luận phê bình hay thi công nội thất. Khi đã phân loại được sinh viên theo các sở trường phù hợp với các vị trí việc làm mới có giải pháp trong việc phát triển năng lực của từng nhóm, để sinh viên ra trường được định vị rõ ràng có thể bắt tay được ngay vào các công việc.
2. Quan điểm về tính mở và linh họat của chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo Thiết kế Nội thất cần được thiết kế có tính mở cao – Hướng tới việc rút ngắn chương trình đào tạo cử nhân nội thất về 4 năm và tối đa là 4,5 năm. Các chương trình cần được thiết kế cố định các kiến thức đại cương và cơ sở ngành trong 2 năm đầu còn giai đoạn cuối sẽ gồm nhiều modul để người học sau khi được phân nhóm (như đã nêu ở trên) sẽ chủ động lựa chọn các học phần phù hợp với nguyện vọng và vị trí việc làm sau này. Do đó, việc kết hợp đào tạo với thực tiễn, nhà trường với doanh nghiệp và đào tạo theo địa chỉ đòi hỏi phải có một chương trình đào tạo mở và linh họat.
3. Quan điểm về xây dựng phong cách
Bên cạnh việc tiếp cận xu hướng thiết kế xanh và các tinh hoa nội thất của thế giới, đào tạo Thiết kế Nội thất ở Việt Nam cần phát huy hơn nữa việc xây dựng phong cách cá nhân trong thiết kế hướng tới phát triển phong cách nội thất của Việt Nam tiên tiến và giàu bản sắc. Đó là con đường duy nhất giúp đào tạo của chúng ta có đặc trưng riêng và khẳng định vị trí của nền nội thất Việt Nam trên bản đồ quốc tế và khu vực.
4. Quan điểm về lồng ghép các kỹ năng
Liên tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng vừa tiếp cận các chương trình của các nước phát triển bám sát các yêu cầu thực tế trong nước để cho ra đời thế hệ nhà thiết kế trẻ Việt Nam có khả năng làm việc ngoài nước với bản lĩnh và phong cách riêng có của mã gen Việt. Như vậy, ngoài việc điều chỉnh các tiêu chuẩn của đầu vào đầu ra các chương trình đào tạo cần lồng ghép nhiều kỹ năng thiết thực và mới mẻ. Đặc biệt lưu ý kỹ năng nghiên cứu để xây dựng ý tưởng thiết kế.
Kết luận
Đứng trước vận hội mới của ngành Nội thất Việt Nam, việc đào tạo thiết kế nội thất, kiến trúc nội thất, tạo dáng công nghiệp, thiết kế sản phẩm nội thất… đang có cơ hội phát triển rất mạnh mẽ. Vai trò của đào tạo có tính chất quyết định trong sự phát triển của nền nội thất nước nhà. Chắc chắn nhiều mã chuyên ngành mới liên quan tới nội thất sẽ tiếp tục được mở ra nhưng trước mắt thì đào tạo ngành thiết kế nội thất vẫn là then chốt và tạo tiền đề cho các chuyên ngành mới. Việc xây dựng và hoàn thiện các quan điểm trong đào tạo ngành Thiết kế Nội thất ở Việt Nam có một ý nghĩa vô cùng quan trọng mà trong khuôn khổ của một bài báo có phần thiên về cảm xúc này chưa thể trọn vẹn được. Mong có sự đóng góp chung tay của các nhà giáo dục, các chuyên gia trong và ngoài ngành để chúng ta sớm khẳng định được vị trí của ngành Nội thất Việt xứng đáng với tiềm năng vốn có.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)
The post Quan điểm đào tạo ngành Thiết kế Nội thất ở Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/BN5z2w0
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét