Cách Hội An 15km, Triêm Tây là một làng quê nông thôn ven sông Thu Bồn. Hướng về phía mặt trời lặn, nơi này đẹp như trong mơ nhưng cũng có lúc dữ dội như cơn bão. Đó là một làng Triêm Tây đã rơi xuống sông, đã biến mất 2/3. Đó cũng là một lời nhắc nhở đối với chúng ta về những bài học với thiên nhiên – Và đối với KTS Bùi Kiến Quốc, đó thực sự là một “mối duyên” để ông dừng chân, gắn bó với ngôi làng và níu giữ vẻ đẹp của Triêm Tây trong mối tương quan hài hòa giữa Kiến trúc – Con người và Tự nhiên.
Triêm Tây – Dự án sinh thái chống sạt lở 2009-2011: “Phải đàm phán và lịch sự với môi trường”
Năm 2009, Triêm Tây được biết đến với cái tên “Làng lở – Làng chết” – 2/3 ngôi làng đã rơi xuống sông, dân làng tứ tán khắp nơi. Một buổi chiều, KTS Bùi Kiến Quốc lạc bước đến Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam), một ngôi làng nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, ông lặng người trước vẻ đẹp của ngôi làng, cho đến khi một người làng đi ngang qua, bảo: Ngôi làng đang biến mất, chúng tôi phải bỏ làng mà đi – “Đó cũng chính là thời khắc tôi quyết tâm ở lại để giải quyết vấn đề sạt lở cho Triêm Tây” – KTS Bùi Kiến Quốc chia sẻ.
Phóng viên (P/v): Được biết vào thời điểm đó, ông có nhiều dự án, nhiều công việc còn dang dở bên Pháp, ông có thể chia sẻ thêm với độc giả TCKT về “mối duyên” với Triêm Tây?
KTS Bùi Kiến Quốc: Triêm Tây không phải là nơi có cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng đó là nơi có vẻ đẹp của làng quê, vẻ đẹp của sự lao động nông thôn, của người làm vườn và tinh thần cộng đồng. Khi được biết về sự biến mất của ngôi làng tôi đã rất hụt hẫng. Và suy nghĩ thôi thúc đơn giản lắm: Cái đẹp sắp biến mất thì bằng cách nào đó mình phải rang giữ nó lại. Và tôi thực sự không có lựa chọn khác ngoài việc gắn bó với làng Triêm Tây trong việc níu giữ vẻ đẹp đó.
PV: Và ông đã thực hiện việc níu giữ vẻ đẹp của Triêm Tây như thế nào?
KTS Bùi Kiến Quốc: Tôi vẫn luôn cho rằng: Đối phó với thiên nhiên là sai lầm. Cần phải thương lượng, tôn trọng, lịch sự với môi trường tự nhiên. Chính vì thế, phương án sinh thái không phải phương án lựa chọn mà là phương án duy nhất cho Triêm Tây
Nông dân Triêm Tây có kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức về kỹ thuật và tài chính. Tôi giúp họ bổ sung hai điều thiếu đó. Một hệ thống “thuận theo dòng nước” được hình thành gồm 3 lớp cỏ. Lớp đầu tiên là cỏ rùi, loại cỏ có thể sống được trong nước. Lớp thứ hai là bậc cỏ voi cao hơn, mạnh hơn, dài hơn, phát triển nhanh. Và bậc cỏ thứ ba là loại cỏ hương bài (vetiver) có khả năng cắm rễ sâu 2, 3m trong lòng đất, giúp giữ đất bền chặt. Sau một, hai năm thực hiện, các loại cỏ có đủ thời gian để phát triển, sinh trưởng và mạnh lên, thuận theo thiên nhiên khi nước dâng lên. Đây là cách đối phó với dòng nước rất thông minh và khả thi, bởi xây kè bê tông, tường, lên dọc bờ nước để cản nước là sai lầm, không có gì phá mạnh bằng nước, nước chảy đá mòn. Cách thiết kế các lớp cỏ theo hình bậc thang đã giúp cho vùng đất Triêm Tây tồn tại.
Và sau 5 năm thực hiện chống sạt lở Triêm Tây không sạt lở nữa, dân làng đã trở lại, xây lại nhà, và tiếp tục lối sống xưa của tổ tiên.
PV: Dự án đã thành công, và Triêm Tây đã trở thành một hình mẫu cho những địa điểm du lịch văn hóa khác. Ông có thể cho biết những yếu tố cốt lõi, tinh thần của dự án?
KTS Bùi Kiến Quốc: Cuộc sống ở nông thôn, cốt lõi là tìm cách sống trong sự hài hòa với thiên nhiên. Nhiều thế hệ dân làng đã có tích lũy nhiều kiến thức quý báu về cách sống và tồn tại theo mùa, theo tâm trạng của thiên nhiên. Vì vậy, ở nhiều làng quê, nếu chúng ta sử dụng giải pháp công nghệ và cơ khí để đối phó với sự xói mòn, sạt lở, hậu quả của biến đổi khí hậu thì sẽ không phù hợp với quy luật của thiên nhiên. Ý tưởng về việc giữ làng của tôi dựa trên ba yếu tố quan trọng là sinh thái, nông thôn và cộng đồng. Yếu tố cộng đồng là vô cùng quan trọng bởi không có một hợp đồng nào có thể triển khai thi công được khi việc bảo vệ làng là việc làm hằng ngày.
Điều mà chúng tôi muốn nhắm đến trên hết đó là Triêm Tây có thể trở thành một hình mẫu cho những địa điểm du lịch văn hóa khác. Xây dựng nhưng không làm biến dạng cảnh quan, phát triển nhưng không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống là hoàn toàn khả thi, và làng Triêm Tây là một minh chứng. Như tôi hiểu rằng khách du lịch đến với Việt Nam không phải là để ngắm cáp treo, khu vui chơi hay đi tàu lượn, họ đến Việt Nam với một mục đích trước hết là để ngắm nhìn vẻ đẹp làng quê, ruộng lúa, và làm bạn với một văn hóa giàu tính chất cổ truyền. Vì đây là những điều mà chúng ta gần như không còn được thấy nữa ở Châu Âu hay Châu Mỹ. Việt Nam là một trong số ít những địa điểm còn lưu giữ được những vẻ đẹp này, và chúng cần phải được gìn giữ.
Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện được điều này, thì du lịch Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững thật sự, vì mỗi người khách du lịch đến với nơi đây đều sẽ cảm nhận được tình yêu như tôi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.
“Tôi tự hào mình là người Việt Nam!”
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09013-14.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09013-13.jpg)
PV: Nhiều năm sinh sống và làm việc ở Pháp, ông tham gia nhiều chương trình phát triển mô hình nông thôn mới. Trở về Việt Nam, ông cũng rất gắn bó với làng quê Việt Nam. Vậy ông nghĩ thế nào về quá trình đô thị hóa và sự thay đổi của nông thôn Việt Nam hiên nay?
KTS Bùi Kiến Quốc: Việt Nam là một đất nước nông thôn, tôi là một Viện sĩ – KTS ở Paris. Và tôi rất tự hào ông nội tôi là một người làm ruộng ở Trung Phước.
Quá trình đô thị hóa nông thôn Việt Nam hiện nay đã tạo ra sự thay đổi của các giá trị truyền thống, đã khiến nếp sống của nhiều người bị thay đổi dẫn đến khủng hoảng xã hội. Tôi cho rằng muốn nông thôn bền vững thì cần thêm một điều kiện cơ bản là phải giữ lại văn hóa và giá trị nông thôn, là sinh hoạt cộng đồng và hài hòa với thiên nhiên.
PV: Vậy theo ông, những “tiêu chí mềm” nào để cân bằng nông thôn và đô thị, tạo công ăn việc làm tại chỗ giữ chân người lao động?
KTS Bùi Kiến Quốc: Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập vào kinh tế thị trường, chúng ta là người Việt Nam, trước hết phải giữ lại bản sắc và tâm hồn của chính mình. Cần phải khơi dậy sự tự hào của người dân về làng quê của mình, về đất nước mình.
Chúng ta phải đưa những giá trị nông thôn lên bục cao cấp, tôn vinh chúng thành những biểu tượng được xã hội công nhận và tôn trọng.
Tại Pháp, những sản phẩm vùng nông thôn là những sản phẩm cao cấp nhất của thị trường, chẳng hạn như những vùng nông thôn làm rượu vang như: Cognac, Champagne, Bordeaux… Ngay cả người Nhật, họ cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mong muốn được chuyển nhượng lại thương hiệu vùng rượu vang này. Tôi cho rằng đây là giai đoạn cuối cùng của “Nông thôn mới” mà chúng ta đang muốn hướng đến.
Tôi rất mong khi nhắc đến nông thôn thì người ta không nghĩ ngay đến đó là cánh đồng hoang, cánh đồng chăn bò, mà nghĩ đến những sản phẩm nổi tiếng truyền thống, cao cấp và “sạch”, mang đậm văn hóa vùng miền. Tôi nhớ ngày xưa người ta rất ngại hai tiếng “nhà quê” nhưng nay thì ngược lại. Cũng như bên Châu Âu, số đông những người giàu có họ về quê để tìm lại một không gian sống không ồn ào, không ô nhiễm. Tôi tin rằng, họ cũng muốn “học lại” những bài học về sinh thái, về hài hòa thiên nhiên.
“Trách nhiệm của KTS là tạo một không gian sinh hoạt hài hòa cho cộng đồng”
KTS Bùi Kiến Quốc: Mô hình làng Triêm Tây thành công sau 5 năm và vườn Triêm Tây đón nhiều người khách yêu vẻ đẹp của nông thôn Việt, đã giúp nhiều người tin vào giá trị của việc sống hài hòa với thiên nhiên và giữ lại văn hóa làng trước sự lớn lên và phức tạp của đô thị hóa. Vẻ đẹp của vườn Triêm Tây là vẻ đẹp của một công trình kiến trúc biết nương tựa thiên nhiên, thiết lập bền vững trong sự hài hòa của sông cỏ, nước, mái nhà tranh, rặng tre… Và ở đây chúng ta có thể thấy rõ ràng sự đóng góp của chất lượng kiến trúc và của KTS vào chất lượng cuộc sống của một cộng đồng.
PV: Như vậy, theo ông, Kiến trúc là sự can thiệp hiệu quả của con người vào thiên nhiên?
KTS Bùi Kiến Quốc: Trước hết, về mặt khái niệm “Kiến trúc” có tính đa nghĩa và gây rất nhiều ngộ nhận. Tôi cho rằng: Kiến trúc không phải là sự xây dựng, cũng không phải là việc trang trí. Kiến trúc không phải là một khoa học, không phải một kỹ thuật, nó hơn cả sự hiểu biết – Kiến trúc là một nghệ thuật. Và dút khoát kiến trúc không phải là sĩ diện, nổi bật, thể hiện giàu có.
Vậy thì trách nhiệm của KTS là tạo một không gian sinh hoạt hài hòa cho cộng đồng.
Từ thời Le Corbusier, từ khi Bauhaus ra đời ở Châu Âu cách đây gần một thế kỷ, không có định nghĩa nào hay hơn về kiến trúc: “Kiến trúc, đó là sự tổ chức hiểu biết, chính xác và tuyệt vời của những hình khối sắp đặt dưới ánh sáng”. Đến với vườn Triêm Tây bây giờ, mọi người sẽ hiểu một cách rõ ràng: Kiến trúc không phải là sự xây dựng, không phải là việc trang trí, không phải là thiết kế ” hay”, sáng tạo “ đẹp”, mà đó là sự sắp xếp, tổ chức, thiết lập sự hài hòa của những không gian.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09013-2-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09013-7-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09013-9-380x247.jpg)
KTS Bùi Kiến Quốc sinh 1945, đang sống ở Hội An.
Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Quốc gia Paris năm 1967.
Năm 1991, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Kiến trúc Quốc gia Pháp (Viện Kiến Trúc Pháp chỉ có 150 viện sỹ và họ đồng thời có nhiệm vụ tư vấn chính phủ về phương án bảo đảm chất lượng kiến trúc những công trình xây dựng và đặc biệt là về chương trình bảo vệ môi trường và cân bằng nông thôn – đô thị). Năm 2016, ông tham gia Chương trình hợp tác Unesco – Viện Kiến trúc Pháp nghiên cứu Thí điểm bảo về môi trường và phát triển mô hình nông thôn mới.
Bích Vượng (thưc hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)
The post KTS Bùi Kiến Quốc: Triêm Tây – Gợi mở cách ứng xử “lịch sự” với môi trường appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/O7HQELX
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét