Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Voronoi – Phân tích quy hoạch đô thị Quảng Nam theo xu hướng Zero Carbon

Mở đầu

Ngoài hạ tầng cơ sở đô thị, các công trình xây dựng đô thị của các đơn vị ở cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tiêu chí phát triển đô thị theo xu hướng Zero Carbon. Có nghĩa là cho dù hạ tầng cơ sở được thiết kế và quản lý theo đúng các tiêu chuẩn bền vững, giảm thiểu khí thải carbon từ các phương tiện giao thông tác động đến môi trường, thì công trình thuộc các đơn vị ở lại là hình thức phát triển đô thị theo khuôn mẫu khác với chức năng tái taọ năng lượng cho đô thị bằng cách lập quy hoạch xây dựng công trình xanh, sử dụng phương tiện giao thông xanh [1].

Khi xét đến việc quản lý và tái tạo năng lượng hiệu quả theo các tiêu chí của Zero Carbon, đơn vị ở được yêu cầu thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo. Mặt khác, bằng cách xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường và khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh, đơn vị ở có thể giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông cá nhân [2].

Bản đồ vị trí các làng nghề du lịch Hội An

Công trình xây dựng theo xu hướng Zero Carbon đóng vai trò quan trọng trong việc: (1) Giảm thiểu tác động đến môi trường: Bằng cách xây dựng công trình theo tiêu chuẩn xanh như sử dụng vật liệu tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, cải thiện cách nhiệt, sử dụng ánh sáng tự nhiên và hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, sử dụng vật liệu hữu cơ và công nghệ xử lý rác thải hiệu quả có thể giảm lượng chất thải tác động đến môi trường. (2) Khuyến khích sử dụng không gian xanh: Công trình công cộng có thể tạo không gian xanh trong các khu vực công cộng hoặc công viên giúp tạo môi trường sống tốt hơn cho cư dân, giảm khí thải carbon. (3) Quản lý xây dựng và vận hành: Quản lý xây dựng và vận hành công trình theo tiêu chuẩn bền vững về tiêu thụ năng lượng, nước và vật liệu, kiểm soát khí thải, quản lý chất thải có thể đảm bảo rằng công trình xây dựng hoạt động một cách hiệu quả và có ít tác động đến môi trường [3].

Đối diện với hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan toàn cầu và các cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội sau các đợt dịch bệnh thế kỷ 21. Và gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19 xuất hiện như hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại về cách thức mà con người đối xử với thiên nhiên và môi trường xung quanh. Nói đến Quảng Nam, đây là vùng đất ven đô, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên biển, núi và rừng ngặp mặn. Hơn nữa, Quảng Nam có bề dày về lịch sử hào hùng, nhiều công trình văn hóa và làng nghề truyền thống trứ danh. Thêm nữa là vị trí địa lý thuận lợi đã giúp Quảng Nam có điều kiện dễ dàng thành công trong việc khai thác du lịch, song hành cùng với Đà Nẵng trở thành đơn vị có nền kinh tế trọng điểm miền Trung theo nghị quyết của chính phủ [4].

Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển kinh tế du lịch, Quảng Nam vẫn có nhiều khó khăn và thách thức do thiên tai hằng năm, thiếu nguồn vốn đầu tư để khai thác điểm đến mới thu hút khách du lịch và đặc biệt là việc khai thác du lịch vùng ven đô theo hướng tăng trưởng kinh tế du lịch không kiểm soát. Có nghĩa là việc thiếu kiểm soát trong tăng trưởng kinh tế du lịch được xem hiện tượng và xu hướng chung đối với các quốc gia, đô thị lấy kinh tế du lịch làm trọng yếu. Việc tăng trưởng kinh tế du lịch đã tác động tiêu cực đến môi trường dẫn dến chất lượng đời sống cư dân bị giảm sút nghiêm trọng, hiện tượng phát thải tăng lên từ việc xây dựng các công trình dân dụng phục vụ cho hạ tầng du lịch, bê tông hóa đô thị trở thành xu hướng khó tránh khỏi [5] .

Từ tất cả các phân tích trên, bằng phương pháp Voronoi nhằm xác định diện ảnh hưởng của các vùng từ trung tâm của các làng truyền thống, làng văn hóa được khai thác du lịch đến vùng liên kết giữa các quận, huyện, tỉnh Quảng Nam; tác giả phân tích và đề xuất khai thác thêm các điểm dịch vụ cũng như hạ tầng cơ sở, nhằm giảm tải về cơ sở hạ tầng giao thông, điểm lưu trú cũng như công trình xây dựng phục vụ khai thác du lịch cho các điểm trung tâm hiện có của các quận, huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.

Các làng truyền thống, văn hóa tại Quảng Nam

Theo báo cáo của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam [6][7], trong đó có nhiều làng dân cư, đơn vị ở được xét vào danh mục khai thác du lịch văn hóa ngoài chức năng sinh sống của người dân, bao gồm các làng nghề truyền thống, làng văn hóa sau đây:

1. Hội An

  • Khu phố cổ Hội An: Gồm nhiều loại hình nhà ở, hội quán, đình, chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, chợ, lăng, mộ, bến cảng kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến kiểu đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung Đại và được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1999;
  • Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh: Làng bích họa đầu tiên của Việt Nam có vị trí đặc biệt, một bên giáp biển, một bên giáp sông với cảnh quan yên bình. Các nghề truyền thống tại làng như sản xuất nước mắm, phơi khô cá, mực… khá hấp dẫn du khách;
  • Làng sinh thái Hương Trà: Được bao bọc bởi sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch, có hàng sưa và vườn cừa cổ thụ gần 300 năm tuổi;
  • Làng nghề Đông Khương: Là nơi trưng bày và sản xuất các sản phẩm truyền thống nghề mộc của gia đình; công trình nghệ thuật và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gốm;
  • Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây: Làng Triêm Tây nằm ở ngã ba sông Thu Bồn đổ về Hội An và Duy Xuyên, nơi đây vẫn còn giữ nguyên các nghề truyền thống: Dệt chiếu, tráng bánh ướt, làm bánh đập, mì Quảng…;
  • Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú: Cẩm Phú là điểm nối giữa hai Di sản văn hóa thế giới – Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn bằng đường bộ và đường sông. Đây là một ngôi làng thuần Việt được bao bọc bởi sông Thu Bồn và sông Trùm Ngô với nhiều nghề truyền thống thu hút khách trải nghiệm như mây tre đan, đánh bắt thủy sản, nghề mộc …
Bản đồ vị trí các làng nghề Núi Thành

2. Núi Thành

  • Làng rau sạch Hưng Mỹ: Có 294 hộ sản xuất rau với tổng diện tích 65 ha;
  • Làng nước mắm Cửa Khe: Được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2014. Với lợi thế gần bãi biển Bình Dương, làng là điểm tiềm năng phát triển du lịch;
  • Cánh đồng sen Trà Lý: Sen Trà lý là đầm sen lớn và đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, cánh đồng này rộng hơn 20ha, có nhiều lối đi chằng chịt khắp cánh đồng nên có nhiều điểm chụp hình với sen lý tưởng;
  • Làng nghề tơ lụa Mã Châu: Đây là làng nghề tơ lụa thủ công truyền thống nổi tiếng, gắn liền với lịch sử phát triển của huyện Duy Xuyên, được những người dân khôi phục và phát triển để trở thành điểm tham quan;
  • Làng Trà Nhiêu: Rừng dừa ngập nước Trà Nhiêu còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài thủy hải sản có giá trị;
  • Làng cổ Lộc Yên: Làng cổ Lộc Yên vẫn còn hơn 10 ngôi nhà cổ từ 100 – 150 năm tuổi và được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2019. Những ngôi nhà cổ mang đậm lối kiến trúc nhà Quảng Nam xưa. Nhà làm bằng gỗ mít, hai gian, ba chái, mái ngói âm dương.
Bản đồ vị trí làng nghề ở Trà My

3. Trà My

  • Bắc Trà My có làng Cao Sơn là nơi định cư của 31 hộ người Cadong. Nơi đây là một thung lũng có đai tự nhiên bằng phẳng đá núi, suối tự nhiên;
  • Nam Trà My có Làng Văn hóa Cộng đồng Mô Chai của người Xê Đăng, với nhà sàn trên sườn núi Ngọc Linh.
  • Làng Văn hóa Tắc Chươm: Là một thung lũng nhỏ, còn lưu giữ nền văn hóa bản địa đa dạng và nhiều nét huyền bí của những lễ hội tâm linh.

4. Nông Sơn

Làng Đại Bình nằm ven sông Thu Bồn, có phong cách đặc trưng của làng quê Việt Nam, đặc biệt là phong cảnh nhà vườn với nhiều loại hoa quả đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

5. Phước Sơn

Làng bảo tồn văn hóa Bhnong: Người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) chiếm 75 % dân số huyện Phước Sơn. UBND huyện Phước Sơn xây dựng Khu du lịch bảo tồn Văn hóa Bhnong.

Bản đồ vị trí làng nghề Nông Sơn – Phước Sơn

6. Đông Giang

  • Làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng: Thôn văn hóa còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu trên vùng núi Đông Giang;
  • Làng du lịch cộng đồng Đhrôồng: Làng có nhà Gươl, kiến trúc đặc trưng văn hóa Cơ Tu, là nơi bảo tồn nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống ở địa phương;
  • Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, Tà Bhing: Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể người Cơ Tu vẫn được bảo tồn như kiến trúc nhà sàn, cồng chiêng, múa tân tung da dá, ẩm thực địa phương…;
  • Làng nghề dệt thổ cẩm Zơ Ra: Sản phẩm được làm từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc Cơ Tu như: Quần, áo, khố, túi xách, ví, trang sức…;
  • Làng Pơ’ning: Luôn được gìn giữ và phát huy tốt như kiến trúc, nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, y dược học, nhạc cụ, trang phục, điệu múa, nghi lễ;
  • Làng Văn hóa cộng đồng Ta Lang: Tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc, các lễ hội, các món ăn mang đậm bản sắc của người Cơ Tu;
  • Làng Ariêu: Ariêu là ngôi làng Cơtu gần lòng hồ thủy điện Tr’hy, còn bảo tồn không gian nhà sàn truyền thống, và các đặc trưng đời sống văn hóa bản địa của người Cơtu

Khi xét về tổng thể, toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có Hội An là TP khai thác du lịch sầm uất và hiệu quả nhất so với các TP, huyện, quận, xã còn lại thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong đó, các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng dệt chiếu Cẩm Nam,… nơi có dân cư sinh sống kết hợp khai thác du lịch. Ngoài việc khai thác các làng nghề truyền thống hiệu quả, TP Hội An còn chủ trương khai thác bãi biển Cửa Đại, khu phố cổ không xe động cơ, điểm tham quan các công trình văn hóa – lịch sử và nhà trưng bày khảo cổ.

Trong khi đó, TP Tam Kỳ không khai thác được các điểm du lịch khoanh vùng trong trung tâm TP mà phải sử dụng các điểm du lịch khác như làng bích hoạ Tam Thanh, khu resort Tam Hải, hồ Phú Ninh, …Núi Thành và Nông Sơn cũng đã khai thác các làng Làng nước mắm Cửa Khe, Làng nghề tơ lụa Mã Châu, rừng dừa ngập mặn Trà Nhiêu, làng trái cây Nam Bộ.

Bởi sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc vùng cao, các huyện Trà My, Phước Sơn và Đông Giang khai thác các vùng du lịch vùng cao hiệu quả như Làng bảo tồn văn hóa Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng), người Cơ Tu trên vùng núi Đông Giang, làng Văn hóa Cộng đồng Mô Chai của người Xê Đăng thuộc Nam Trà My, làng Cao Sơn là nơi định cư của 31 hộ người Cadong thuộc Bắc Trà My hoặc làng Văn hóa Tắc Chươm. Tuy vậy, do giao thông khó khăn và xa trung tâm TP như Tam Kỳ và Hội An, việc tham gia các hoạt động trải nghiệm của du khách, các dịch vụ du lịch cơ bản bị hạn chế, đặc biệt là vào các tháng mưa bão lũ hằng năm của toàn tỉnh Quảng Nam.

Do vậy, việc đánh giá và phân tích diện ảnh hưởng về mức độ tiện nghi trong việc di chuyển và sử dụng dịch vụ công cộng phục vụ cho du lịch của từng vùng so với 2 TP trung tâm bằng phương pháp Voronoi trở nên cần thiết. Phương pháp này phân tích độ ảnh hưởng, từ đó xác định các vị trí xây dựng bổ sung thêm các công trình tiện ích và giao thông trên bản đồ quy hoạch định hướng chung.

Bản đồ vị trí làng nghề Đông Giang
Bản đồ vị trí làng nghề của các TP, huyện thuộc tỉnh Quảng Nam

Đề xuất giải pháp

1. Quan điểm quy hoạch đô thị Zero Carbon, phát triển theo xu hướng bền vững

Quan điểm quy hoạch đô thị theo xu hướng Zero Carbon là hình thức phát triển đô thị bền vững với mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ toàn bộ lượng khí nhà kính được sinh ra từ các hoạt động trong đô thị, trong đó có hoạt động du lịch [8]. Quan điểm quy hoạch đô thị Zero Carbon và phát triển theo xu hướng bền vững không chỉ hướng đến giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra các khu vực sống thân thiện, an toàn và tối ưu cho con người và các hệ sinh thái xung quanh [9]:

  • Sử dụng năng lượng tái tạo: Đô thị Zero Carbon đặt trọng tâm vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, năng lượng từ sinh khối để cung cấp điện và nhiên liệu cho các hoạt động trong đô thị;
  • Xây dựng đô thị tiện ích thông minh: Sử dụng công nghệ thông minh để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và tài nguyên, cũng như quản lý hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, giảm lượng xe cá nhân, giúp giảm khí thải và ùn tắc giao thông;
  • Giao thông xanh: Khuyến khích sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như xe điện, xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo, và ưu tiên đi bộ và xe đạp;
  • Công trình xanh: Chú trọng vào xây dựng các công trình kiến trúc xanh theo xu hướng bền vững, sử dụng vật liệu tái chế và các công nghệ xanh để giảm khí thải trong quá trình xây dựng và sử dụng. Tạo ra nhiều không gian xanh và công viên, giúp hấp thụ CO2 và tạo ra không gian sinh thái lành mạnh cho cư dân;
  • Quản lý rác thải và nước thải hiệu quả, bền vững bằng các kỹ thuật tái chế, sử dụng;
  • Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm phát thải đô thị cho người dân cũng như du khách tham gia các hoạt động du lịch địa phương.

2. Phương pháp bản đồ Voronoi trong việc phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng vùng trong đô thị Quảng Nam [10]

2.1 Mục tiêu chính của phương pháp Voronoi

Phương pháp Voronoi, còn được gọi là diagram Voronoi hoặc tessellation Voronoi, là một phương pháp trong hình học tính toán để chia không gian thành các vùng riêng biệt dựa trên các điểm dữ liệu được gọi là “điểm gốc” hoặc “điểm Voronoi”. Mục tiêu chính của phương pháp Voronoi là tạo ra các vùng tách biệt và liền kề, trong đó mỗi vùng chứa các điểm gần nhất đến một điểm gốc cụ thể. Các ứng dụng của phương pháp Voronoi rất phong phú và đa dạng:

  • Trong khoa học địa lý: Phương pháp Voronoi được sử dụng để xác định mô hình sự phân bố các yếu tố địa chất, như tầng nước dưới đất, tạo ra các vùng phân chia dựa trên các giá trị đo lường;
  • Trong định tuyến mạng: Phương pháp Voronoi có thể được sử dụng để phân chia khu vực thành các vùng dịch vụ của các điểm truy cập, như các trạm giao thông, điểm truy cập Internet, hoặc các điểm dừng trong hệ thống giao thông công cộng;
  • Trong đồ họa: Voronoi được sử dụng để tạo ra hiệu ứng và mô phỏng các biểu đồ, mô hình địa hình, và cảnh quan tự nhiên trong các ứng dụng nghệ thuật số;
  • Trong khoa học dữ liệu: Phương pháp Voronoi được sử dụng để phân tích và phân cụm dữ liệu, như trong phân tích vùng tách biệt dữ liệu, phân cụm không gian và nhận dạng đối tượng.

2.2 Trình bày phương pháp Voronoi

  • Bước 1: Xác định tập hợp các điểm gốc hoặc điểm Voronoi từ các điểm dữ liệu có sẵn hoặc các điểm được tạo ngẫu nhiên trong không gian;
  • Bước 2: Tạo ra các vùng Voronoi từ các điểm gốc để tạo ra các vùng Voronoi. Mỗi điểm gốc đại diện cho một vùng trong không gian và các điểm trong vùng đó gần nhất với điểm gốc đó hơn so với bất kỳ điểm gốc nào khác;
  • Bước 3: Xác định ranh giới giữa các vùng bởi các đường thẳng hoặc đường cong mà chia không gian thành hai vùng, trong đó mỗi vùng thuộc về một điểm gốc cụ thể;
  • Bước 4: Tính toán các cạnh Voronoi bằng các đường ranh giới liên kết hai điểm gốc, các đoạn thẳng hoặc đường cong này để tạo ra các đường biên của các vùng Voronoi. Nối 2 điểm lại rồi lấy trung điểm, từ trung điểm kẻ đường vuông góc với đường thẳng nối 2 điểm Voronoi. Thực hiện lặp lại cho các vùng khác, sau đó điểm giao giữa các đường vuông góc tại trung điểm sẽ tạo thành các Voronoi.
  • Bước 4: Hiển thị kết quả bằng cách vẽ các vùng Voronoi và các cạnh Voronoi trên một bản đồ hoặc không gian hình học tương ứng. Điều này giúp chúng ta thấy được sự phân chia của không gian dựa trên các điểm gốc.
Các bước vẽ phương pháp Voronoi

3. Các bước thực hiện phưong pháp Voronoi trên bản đồ thực từ Google Map

Từ phân tích theo phương pháp Voronoi trên bản đồ thực tế từ Google Map cho thấy rằng dịch vụ tiện ích và giao thông hạ tầng phục vụ cho du lịch của tỉnh Quảng Nam chủ yếu tập trung ở 2 TP như Tam Kỳ và Hội An, các làng dân tộc văn hóa thuộc Đông Giang. Còn lại rải rác các điểm du lịch khám phá thiên nhiên và làng văn hóa vùng cao tự phát thuộc Quế Sơn, Thăng Bình, Trà My, Tây Giang, Nam Giang, …

4. Đề xuất vị trí dịch vụ tiện ích và giao thông phục vụ du lịch cho quy hoạch không gian chung Tỉnh Quảng Nam

Từ hình số 9 cho thấy diện ảnh hưởng của huyện Trà My, Điện Bàn, Đông Giang và Tây Giang rộng, điều này thể hiện bán kính phục vụ du lịch từ trung tâm các huyện đến các vùng lân cận, đến trung tâm 2 TP lớn Tam Kỳ và Hội An là khá lớn. Với khoảng các này, người dân địa phương cũng như du khách sẽ gặp khó khăn đáng kể về việc di chuyển, sinh hoạt hằng ngày, cung cấp lương thực phẩm, hàng hóa cũng như hạ tầng kỹ thuật. Từ những khó khăn này sẽ khiến nảy sinh hiện tượng các công trình xây dựng tiện ích, giao thông đi lại mang tính tự phát, chắp vá không theo kế hoạch phát triển hạ tầng bền vững.

Do vậy, tác giả dựa vào phân tích của phương pháp Voronoi đề xuất thêm 7 điểm dịch vụ công cộng cơ bản bao gồm giao thông cơ bản gần các điểm du lịch, làng du lịch có sẵn của các huyện, TP thuộc Tỉnh Quảng Nam. Từ 7 điểm đề xuất, tác giả kiểm chứng ngược lại diện ảnh hưởng của các điểm dịch vụ thuộc các TP, huyện, quận (bao gồm điểm dịch vụ có sẵn và 7 điểm dịch vụ đề xuất).

Bản đồ đề xuất 7 điểm dịch vụ và kiểm chứng bằng phương pháp Voronoi
Đề xuất bản đồ quy hoạch không gian làng du lịch tỉnh Quảng Nam

Kết luận, kiến nghị

Bên cạnh những tiềm năng, điều kiện thuận lợi của Tỉnh Quảng Nam trong định hướng phát triển kinh tế từ khai thác du lịch văn hóa, ngành du lịch Quảng Nam còn gặp những khó khăn và thách thức hữu hình như đã được phân tích trên. Để đảm bảo ngành du lịch Quảng Nam khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa, đồng thời vẫn đảm bảo xu thế phát triển du lịch bền vững theo xu hướng đô thị Zero Carbon, đáp ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tác giả mạn phép đề xuất các giải pháp định hướng quy hoạch, quản lý và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và du khách thông qua việc sử dụng phương pháp đánh giá Voronoi. Bằng phương pháp phân tích bản đồ Voronoi, có thể sơ đồ hóa hiện trạng và từ đó tìm cách đề xuất giải pháp cái thiện bằng cách đề xuất thêm 7 điểm dịch vụ nhằm thu hẹp diện ảnh hưởng dịch vụ của các TP, huyện, quận so với các vùng lân cận. Từ đề xuất trên, phân bổ các 7 điểm dịch vụ có thể đảm bảo không có khu vực nào bị bỏ sót hay mât cân bằng giữa các khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển, sử dụng dịch vụ tiện ích cho người dân cũng như du khách. Với phương pháp này, việc phân bổ các điểm dịch vụ, giao thông, hạ tầng cơ sở trở nên có cơ sở và hợp lý hơn khi được áp dụng lớp bản đồ thực tế lên bản đồ quy hoạch định hướng chung trong phát triển du lịch toàn tỉnh Quảng Nam.

Lê Thị Kim Anh
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Tài liệu tham khảo
[1]. S Lehmann , Low carbon cities: Transforming urban systems, 2014;
[2]. CS Ho, Y Matsuoka, J Simson, K Gomi , Low carbon urban development strategy in Malaysia–The case of Iskandar Malaysia development corridor, Habitat International, 2013;
[3]. T Peng, H Deng, Environment, Research on the sustainable development process of low-carbon pilot cities: The case study of Guiyang, a low-carbon pilot city in south-west China, Development and Sustainability, 2021;
[4]. Tỉnh ủy Quảng Nam, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, 2016;
[5]. Nguyệt Hà, Du lịch Quảng Nam và thách thức vượt qua chính mình, 2015
https://ift.tt/mKjLev6
[6]. UBND tỉnh Quảng Nam, Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 12/9/2021 “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, 2021;
[7]. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Số:1717/SVHTTDL-QLDL “V/v nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa X”, 12/2021;
[8]. J Cheng, J Yi, S Dai, Y Xion, Can low-carbon city construction facilitate green growth? Evidence from China’s Pilot low-carbon city initiative, Journal of cleaner production, 2019;
[9]. A Gouldson, A Sudmant, H Khreis, E Papargyropoulou , The economic and social benefits of low-carbon cities: A systematic review of the evidence, 2018;
[10]. F Aurenhammer, R Klein, Voronoi Diagrams., Handbook of computational geometry, 2000

The post Voronoi – Phân tích quy hoạch đô thị Quảng Nam theo xu hướng Zero Carbon appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/1XHhu2I
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét