Kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính (01/01/1997), Quảng Nam luôn xác định vị trí, vai trò của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1018/1997 QĐ – TTg. Với mục tiêu tạo khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; là trung tâm dịch vụ, du lịch – công nghiệp sạch – nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh, bền vững, tạo dựng được bản sắc đặc trưng của tỉnh nhà, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với cũng cố quốc phòng, an ninh, góp phần vững chắc chủ
Hiện nay, Quảng Nam có 21 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II: Tam Kỳ; 01 đô thị loại III: Hội An; 02 đô thị loại IV: Điện Bàn, Núi Thành; 17 đô thị loại V: gồm A Tiêng, P’rao Thanh Mỹ, Trà My, Tăk Pỏ, Ái Nghĩa, Đông Phú, Tân An, Phú Thịnh, Nam Phước, Hà Lam, Khâm Đức, Tiên Kỳ, Trung Phước, Hương An, Duy Hải –Duy Nghĩa, Bình Minh. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ là 28 đô thị, trong đó có: 02 đô thị loại II: Tam Kỳ –Hội An; 01 đô thị loại III: Núi Thành; 06 đô thị loại IV: Điện Bàn – Ái Nghĩa, Nam Phước, Hà Lam, Thạnh Mỹ, Khâm Đức. 19 đô thị loại V, gồm: P’rao, Tơ Viêng, Đông Phú, Tân An, Phú Thịnh, Tiên Kỳ, Trà My, Trung Phước, Tăk Pỏ, Hương An, Việt An, Chà Vàl, Sông Vàng, A Xan, Kiểm Lâm, Duy Nghĩa, Bình Minh, Vĩnh Phước –Lâm Tây, Phước Hiệp. Trong đó có 08 đô thị hình thành mới là: Chà Vàl, Sông Vàng, A Xan, Kiểm Lâm, Duy Nghĩa, Bình Minh, Vĩnh Phước – Lâm Tây, Phước Hiệp.
Có thể nhận định quá trình quy hoạch phát triển đô thị Quảng Nam từ khi chia tách tỉnh đến nay đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, cả về định hướng, quy hoạch… Hiện nay, Quảng Nam đang xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển về thương mại, du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đối với lĩnh vực du lịch. Mục tiêu tiến tới là xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước. Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển du lịch; chú trọng phát triển du lịch hơn nữa về phía Nam và phía Tây của tỉnh… Để thực hiện được các mục tiêu đó, Quảng Nam cũng đối mặt một số thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững như: Quản lý môi trường, bảo tồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, chất lượng dịch vụ, kết nối du lịch các địa phương và khai thác tốt hạ tầng kỹ thuật giữa đô thị và nông thôn.
Trong phạm vi bài viết này, sẽ không đi sâu vào những vấn đề quy hoạch hiện nay của Quảng Nam, mà chỉ gợi ý “Định vị giá trị đặc hữu” sẵn có của Quảng Nam để từ đó có định hướng quy hoạch các phân khu chức năng, xây dựng phát triển cho thương mại, du lịch Quảng Nam.
Tiềm năng địa lý Quảng Nam
Quảng Nam có diện tích 10.40 km2, dân số hơn 1,84 triệu người. Dân tộc Kinh chiếm 92.3% tổng số dân cư, còn lại là các dân tộc ít người (Cơ Tu, Xơ Đăng, M’Nông, Cor và Gié Triêng). Phía Bắc giáp TP. Đà Nẵng; phía Nam giáp Quảng Ngãi, Kon Tum; phía Tây giáp Lào, có đường bờ biển dài 125 km. Về mặt địa hình, Quảng Nam có đủ các vùng thượng du trùng điệp núi non, trung du với đồi gò và thung lũng nối tiếp xen kẽ nhau, đồng bằng và vùng cồn bãi cát ven biển. Ở phía Tây, rừng núi và gò đồi chiếm gần ¾ diện tích của tỉnh với nhiều gỗ quý và lâm sản có giá trị. Có những núi rất cao như núi Hòn Chân (1.513m), núi Mang Cao (1.700m), núi Gole – Lang (1.855m), núi Tiên (2.032m), núi Lum Heo (2.045m), núi Gole Dang (2.218m), núi Ngọc Linh (2.598m). Vùng gò đồi cao từ 200 – 400m có sườn thoai thoải và thung lũng rộng, được cấu tạo bằng phù sa cổ và phù sa mới ở các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước được khai phá sớm biến thành những vườn cây công nghiệp, cây ăn quả nối tiếp từ sườn đồi này qua sườn đồi khác, còn ruộng lúa trải dọc theo các thung lũng.
Quảng Nam còn có hệ thống sông ngòi khá dày, tạo nên một mạng lưới giao thông thủy nội địa cả hai chiều Đông – Tây và cả Bắc – Nam. Dòng sông Thu Bồn được coi như động mạch chủ nối liền hai miền xuôi ngược Tây – Đông, đoạn sông Trường Giang ở gần phía cuối dòng là một gạch nối kết liền cả hai chiều vận chuyên Bắc – Nam, tạo nên một bản đồ giao thông thủy nội địa rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các thị xã, thị trấn, thị tứ như Tân An, Trung Phước, Ái Nghĩa, Vĩnh Điện, chợ Được, Tam Kỳ, An Tân, Hội An và thành phố Đà Nẵng. Đó là chưa kể những bến thuyền, bến chợ ven sông đã từng một thời thịnh vượng về buôn bán lâm thổ sản và nông sản mà nay đã đi vào lịch sử như: Bến Đường, Bến Đồn, Bến Đá, Bến Dầu, Bến Ván, Bến Mía, Cồn Dầu, Hội Khách, Vạn Trà Nhiêu, Bến Cồn Chăm, … Và những làng mạc trù phú dọc theo đôi bờ các sông lớn.
Rừng núi Quảng Nam nằm hoàn toàn trong khu vực Trường Sơn Nam, nhưng do vị trí địa lý đều tiếp giáp với Trường Sơn Bắc, cho nên vừa mang nét chung của khu vực, vừa có những đặc điểm riêng như về độ cao, về cấu tạo địa chất và địa hình. Những đỉnh núi cao nhất đều nằm trên biên giới Việt – Lào và đường phân giới giữa các tỉnh kế cận như Kon Tum, Thừa Thiên – Huế. Trấn ngự ở phía Tây Bắc là đỉnh A Tuất cao 2.500m, nằm trên biên giới Việt – Lào, ngang vĩ tuyến với cửa biển Đà Nẵng. Từ đỉnh A Tuất nhìn chếch về hướng Đông Nam với khoảng cách đường chim bay chừng 112km, ta lại nhìn thấy một đỉnh núi cao hơn đó là đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m. Cả hai núi này đều cấu tạo bởi đá hoa cương vươn lên trời cao, quanh năm choàng những dải mây trắng xóa, khí hậu rét buốt. Hai ngọn núi này đứng sừng sững giữa trời xanh, đón tất cả những luồng gió đầy hơi nước từ biển thổi vào theo hướng Đông Bắc vào mùa đông, hướng Đông Nam và Tây Nam vào mùa hè, hình thành nên ở đây một khu vực có lượng mưa từ 4.000 – 5.000mm/năm, thuộc loại cao nhất nước. Ngoài ra cũng còn có những ngọn núi khác cao từ 1.000 đến 2.300m.
Quảng Nam có bờ biển từ Bắc Điện Ngọc đến bờ Nam xã Tam Nghĩa, tiếp giáp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có độ dài 76 km. Chỉ số về tính biển cả khu vực Quảng Nam là 0.013, cao hơn chỉ số chung cả nước, đứng đầu bán đảo Ấn Trung, gần bằng Malaysia thuộc nhóm các nước quần đảo, với nhiều bãi biển thuộc vào loại đẹp nhất, môi trường chưa bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn, độ mặn vừa phải, nước biển xanh. Ngoài ra, còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đã được UNESCO công nhận năm 2009. Quảng Nam đang tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị khu vực ven biển theo hướng đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh, chống chịu được với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Quảng Nam hiện có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Theo sắp xếp của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên của WWF, thì đây là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên quần đảo ở biển Đông cách Cửa Đại – Hội An khoảng 20 km, có tổng diện tích 15km2, trong đó rừng chiếm đến 90%. Ở một số đảo còn giữ được rừng nguyên sinh với hệ thực động vật phong phú. Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là một trong 7 khu bảo tồn thiên nhiên của vùng sinh thái Trung Trường Sơn, thuộc tổ hợp vùng sinh thái thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kong. Theo kết luận (WWF) đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất Đông Dương. Với kiểu rừng ẩm nhiệt đới, lá rộng phủ kín toàn bộ cảnh quan của rừng, là nơi trú ẩn của nhiều loài thú, loài chim và hệ thực vật độc đáo có giá trị đặc hữu. Sông và suối ở đây cũng là những sinh cảnh quan trọng trong nhiều nhóm động thực vật thủy sinh. Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam thuộc thượng nguồn sông Thu Bồn gồm 92.249 ha vùng lõi và 10.838 ha vùng đệm bao trùm diện tích trên 12 xã miền núi.
Tài nguyên du lịch
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam tác giả Phan Huy Chú, người đã từng làm Hiệp trấn Quảng Nam dưới thời Minh Mạng, đã gọi “Quảng Nam là một thắng địa về biển và núi” (Bao gồm Đà Nẵng hiện nay). Quảng Nam là đất đế đô xưa của nhiều triều vua Chiêm Thành, cho nên đây cũng là nơi lưu dấu nhiều di tích, công trình được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15 như: Kinh thành Sư Tử (Trà Kiệu), Phật viện Đông Dương (Thăng Bình), Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và nhiều cụm Tháp Chăm nằm rải rác khắp tỉnh như Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ…
Cách Cửa Đại – Hội An 15 hải lý là quần đảo Cù Lao Chàm, là nơi có đặc sản nổi tiếng yến sào và nhiều loại hải sản tươi ngon. Ở phần biển cuối tỉnh phía Nam giáp với Vịnh Dung Quất (Quảng Ngãi) có Bãi Rạn và hòn Bằng Than, một thắng cảnh nổi tiếng nằm sát mép nước biển cạnh cảng Kỳ Hà, cao khoảng 100m với những hình thù kỳ dị.
Tiếp giáp với vùng ven biển là nơi tập trung những cư dân làm nghề cá và làm muối là vùng đồng bằng của các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, nơi tập trung nhiều làng quê, có nhiều làng nghề truyền thống như: Chạm khắc đá mỹ nghệ, nghề mộc, điêu khắc gỗ, đóng thuyền, gốm, dâu tằm ươm tơ, dệt lụa, đúc đồng, làm trống, dệt chiếu… Về phía Tây là đại ngàn Trường Sơn, nơi có những bản làng của các dân tộc như Cơ Tu. Giẻ Triêng, Xơ đăng, Cor, mang bản sắc văn hóa riêng với những buôn làng, nhà Gươl, nhà mồ cùng các loại tượng gỗ độc đáo, những trường ca, điệu múa, các lễ hội dân gian và nghề dệt thổ cẩm…
Dòng sông Thu Bồn phát nguyên từ phía sườn Đông Ngọc Linh, dãy núi cao nhất của dãy Trường Sơn, đổ nước ra biển Đông với nhiều ghềnh thác như Hòn Kẽm, Cổ Ngựa, thác Dài, thác Đồng Bò, thác Cổ Cò, thác Ông, thác Bà… cùng với những làng quê trù phú, đa dạng trên đôi bờ. Bên cạnh những di sản vật thể và nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, Quảng Nam còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú. Đó là vốn văn nghệ dân gian với nhiều thể loại: Truyện kể, giai thoại, truyện cười, sự tích, truyền thuyết, ca dao cùng những trò diễn xướng dân gian. Nhiều lễ hội còn lưu giữ như: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Nghinh Ông (thờ cá voi) của ngư dân ven biển, Lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng, Lễ hội Long Chu, Lễ hội bà Thu Bồn, Lễ hội Đua ghe và các lễ hội của các dân tộc miền núi như: Lễ hội Dâng trâu, Lễ cúng Máng nước, Lễ hội Ăn cơm mới, Lễ hội Pơ – Ngát… Ẩm thực mang đậm dấu ấn địa phương như bê thui Cầu Mống, ốc vú nàng ở Cù Lao Chàm, tôm hùm Kỳ Hà, rau thơm Trà Quế; Những món ăn dân dã truyền thống như mì Quảng, bánh xèo, bánh vai vạc, thịt heo cuốn bánh tráng, bánh tráng đập, chè bắp Hội An…
Cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực mặc dù chưa đồng bộ nhưng hầu như đều được nâng cấp, hoặc xây mới đã giúp cho việc đi lại thuận lợi và nhanh chóng. Quốc lộ 1A được sửa chữa mở rộng, việc đưa vào sử dụng đường hầm xuyên đèo Hải Vân (5/2000) đã rút ngắn được hành trình tham quan một mạch 4 Di sản Văn hóa Thế giới: Từ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Chăm Pa, Mỹ Sơn (Duy Xuyên) trong một ngày. Quốc lộ 14 D nối tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sê Kông (Lào) qua cửa khẩu Đắc Trà Oóc (Tây huyện Nam Giang) đã được khai thông. Ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng còn là cơ sở thuận lợi để phát triển thương mại, du lịch. Đây là con đường xuyên Á từ Đông sang Tây ngắn nhất nối Đông Bắc Thái Lan với bờ biển miền Trung. Đường cao tốc Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng) đến Dung Quất đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, đường ven biển từ chân đèo Hải Vân qua Bãi Bụt, Sơn Trà đến Điện Dương, Hội An qua cầu Cửa Đại đến Chu Lai, Dung Quất là con đường ven biển đẹp nhất nối liền các bãi tắm, các khu du lịch sinh thái cao cấp từ Đà Nẵng đến Hội An và xa hơn về phía Nam.
Đường Trường Sơn Đông dài 668 km, chạy song song giữa quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh nối liền 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, KonTum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng,…
Nhận định chung
Sau hơn một phần tư thế kỷ tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, Quảng Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Công nghiệp, thương mại, du lịch và xây dựng chiếm 88% GDP, thu ngân sách, chỉ số CPI luôn nằm trong top 10 các tỉnh, thành phố.
Trong quy hoạch phát triển đô thị, có thể thấy rằng hệ thống đô thị Quảng Nam có những bước phát triển rõ nét mối liên kết, hỗ trợ với nhau, đảm bảo liên kết giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng Tây và vùng động lực phía Đông. Hiện Quảng Nam chủ trương, định hướng xây dựng mạng lưới đô thị đối với khu vực vùng Đông ven biển Quảng Nam, gắn với các khu vực chức năng và cơ sở kinh tế cụ thể, làm động lực cho sự hình thành và phát triển lâu dài của đô thị như: Đô thị du lịch và di sản với hạt nhân là Hội An; Đô thị hành chính, dịch vụ với hạt nhân là Tam Kỳ; Đô thị công nghệ với hạt nhân là Núi Thành và các khu đô thị mới trong các khu kinh tế mở; Đô thị sân bay gắn với sân bay Chu Lai; Đô thị giáo dục gắn với khu phức hợp giáo dục quốc tế…Một số đô thị khu vực hình thành được định hướng xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, có bản sắc riêng, đóng vai trò là các trung tâm động lực phát triển của vùng.
Định vị giá trị đặc hữu để quy hoạch phát triển đô thị thương mại, du lịch
Qua những nhận định trên có thể thấy rõ ba luồng giá trị đặc hữu của riêng vùng đất Quảng Nam, gắn bó với các giá trị văn hóa truyền thống, đặc điểm sinh hoạt cộng đồng và những tiềm lực, lợi thế khai thác thương mại, du lịch. Đó là bản sắc văn hóa đậm đà “chất Quảng” thể hiện trong cộng đồng cư dân sở tại, những phong tục, tiết lễ, quan niệm ứng xử, giao tiếp ở con người đất Quảng,…khiến du khách tò mò, bị hấp dẫn và khi hiểu thấu thì thật sự gần gũi, yêu thích. Đó là dấu ấn lịch sử, những địa chỉ lưu giữ, bảo tồn còn lại qua thời gian, của những chặng dài khai phá, xây dựng đời sống cư dân bản địa, tạo nên những di sản văn hóa độc đáo tại các địa phương, gắn liền những mỏm núi, dòng sông mà nơi nào cũng phải có được. Và đó là chất liệu đời sống thể hiện trong sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt, ẩm thực, thông qua các món ăn, vật dụng chế tác… mà người dân đất Quảng từng bước hội tụ, đúc kết thành nét riêng xứ Quảng.
Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong các liên kết và hợp tác kinh tế nội vùng tỉnh, vùng liên tỉnh và quốc gia. Với quá trình đô thị hóa của Quảng Nam vẫn còn khiêm tốn và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi nhiều vấn đề môi trường, tài nguyên và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Song, sự phát triển đô thị, kinh tế – xã hội, văn hóa Quảng Nam vẫn bám sát ba luồng giá trị văn hóa độc đáo này, để thiết lập nên những sản phẩm, điểm đến hấp dẫn, giá trị với du khách và chính người dân địa phương. Đó là không gian sinh hoạt cộng đồng của các thị dân Hội An, là dấu tích văn hóa quá khứ ở Thánh địa Mỹ Sơn, là những món ăn quen thuộc, dân dã nhưng rất “dị biệt” qua tô mì Quảng, bát Cao lầu, miếng phở Sắn, cái bánh tổ, chén chè bắp,…Đó còn là những tiềm năng đầu tư, mở rộng, khai thác về địa danh xứ Quảng, điểm khởi thủy chữ viết tiếng Việt, nghề canh cửi dâu tằm dọc sông Thu Bồn, Vu Gia, những làng chài mặn hương vị mắm, những tấm thổ cẩm sắc màu của rừng núi, những rượu Ba Kích dọc dài Trường Sơn… Các đô thị mới phát triển, có thể “ly nông nhưng bất ly hương”, vẫn giữ được nét sinh hoạt cộng đồng thân thiện và đây cũng là nơi hứa hẹn điểm thu hút du lịch trong tương lai gần, khi công cuộc chuyển đổi số hóa, cập nhật hội nhập được lan tỏa mạnh mẽ và đầu tư xác đáng hơn.
Bởi những đặc tính riêng về địa hình địa lý, thổ nhưỡng vùng miền và nhất là sự đứt gãy nhất định trong dòng chảy kinh tế đầu tư, biến đổi khí hậu. Vì vậy, hướng phát triển bền vững, phù hợp với các cơ hội cũng như thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mang tính toàn cầu trong tương lai, với những đề xuất sau:
- Quảng Nam có nhiều vị trí, khu vực đầy tiềm năng, một xứ sở có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đa dạng, phong phú cần quan tâm định hướng đúng đắn để phát triển bền vững, nhất là các giải pháp bảo tồn di sản, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường,…ở từng vùng miền. Kinh tế là cần cho nhu cầu phát triển nhưng không phải lý do đó để đánh mất những giá trị văn hóa cộng đồng địa phương, gây ra bất bình đẳng lớn cho cư dân bản địa;
- Không nên ồ ạt xây dựng các khu biệt thự cao cấp ven biển, nơi rừng núi, cảnh quan thiên nhiên giá trị hay khai thác hết quỹ đất để hình thành các khu ở, du lịch, thương mại mà nên tích hợp mọi thứ một cách hài hòa trong một cấu trúc quy hoạch có định hướng chức năng, có kiểm soát, có tương hỗ lẫn nhau, liên kết vùng miền;
- Quy hoạch phát triển đô thị thương mại, du lịch. Quảng Nam cần phải xác định mô hình phát triển bền vững dài hạn dựa trên những lợi thế so sánh và tiềm năng phát triển của từng địa phương. Nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và duy trì các di sản thế giới công nhận.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực, cần quan tâm, chú trọng đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh nhà. Chính sách về môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu, văn minh, trật tự đô thị, các giá trị đặc hữu với các biện pháp trọng tâm, trọng điểm để duy trì, bảo vệ môi trường sống, môi trường văn hóa, môi trường sinh thái. Qua đó nâng tầm thương hiệu một tỉnh có nhiều di sản vật thể, phi vật thể, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên,…;
- Các sản phẩm du lịch đặc hữu của Quảng Nam cần quan tâm nghiên cứu để phát huy hết ưu thế dựa trên những dấu ấn di sản, phong cách địa phương, lễ tiết vùng miền và nhất là giá trị văn hóa giao tiếp tại chỗ, điểm thú vị và quan trọng nhất để hấp dẫn du khách từ phương xa đến với vùng đất này.
Nguyễn Cửu Loan
Phó Chủ tịch – Kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)
Tài liệu tham khảo:
- Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng;
- Knolie Ward, xây dựng thương hiệu cho các đô thị;
- Thực trạng và những vấn đề phát triển đô thị ở Quảng Nam – ThS.KTS. Ngô Ngọc Hùng;
- “Quảng Nam trong chuỗi đô thị du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam” – TS.KTS. Trương Văn Quảng
- Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2025
The post Quảng Nam – Ðịnh vị giá trị đặc hữu hướng tới phát triển đô thị thương mại, du lịch bền vững appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/wRg7suB
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét