Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Một số đề xuất tổ chức không gian đô thị và nông thôn gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch và đã có những sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch để chỉ đạo, quản lý trong tổ chức không gian đô thị và nông thôn: Trong tương lai nhiều khu vực đô thị và nông thôn được định hướng sẽ tiếp tục mở rộng không gian gắn với phát triển du lịch. Phạm vi bài viết đề xuất một số nội dung liên quan đến tổ chức không gian đô thị và nông thôn Quảng Nam gắn với phát triển du lịch khu vực miền Trung và các địa phương lân cận; không gian phát triển du lịch xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các thương hiệu đô thị gắn với du lịch tỉnh Quảng Nam…

Quy hoạch đô thị Tam Kỳ-TP phong cảnh Châu Á
(Nguồn ảnh: Tác giả)

I. Tiềm năng, thế mạnh và hạn chế, thách thức

1. Tiềm năng, thế mạnh

  • Quảng Nam nằm trong Con đường di sản Miền Trung, có vị trí địa lý thuận lợi để thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là liên kết địa bàn kinh tế trọng điểm miền Trung với trung tâm là Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; liên kết với vùng Tây Nguyên và liên kết với khu vực bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không;
  • Quảng Nam có 02 Di sản văn hóa vật thể thế giới (Hội An, Mỹ Sơn) và 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa thế giới. Du lịch di sản đang là thế mạnh nổi trội về du lịch của tỉnh, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Nam so với các địa phương khác trong cả nước;
  • Quảng Nam có đường bờ biển dài 125km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, có hệ sinh thái phong phú, Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Các làng ven biển lâu đời, có các nghề truyền thống và có các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể đặc trưng;
  • Quảng Nam có nhiều dư địa phát triển du lịch tại khu vực đô thị và nông thôn với quỹ đất chưa xây dựng lớn với cảnh quan đa dạng, phong phú;
  • Được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn.
Mô hình mạng lưới đô thị
(Nguồn: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam) [1]
2. Hạn chế, thách thức
  • Thiên tai và biến đổi khí hậu: Ngập lụt và nước biển dâng, sự suy thoái của hệ sinh thái;
  • Hạ tầng du lịch: Sân bay Chu Lai, các cảng biển, các cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ để phục vụ liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Một số điểm du lịch được xác định có tiềm năng ở phía Nam và phía Tây của tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
  • Sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Nhiều tiềm năng đặc thù về không gian đô thị và nông thôn còn chưa được khai thác, phát huy.
  • Công cụ quy hoạch và quản lý không gian phát triển du lịch còn thiếu và chưa toàn diện. Khu vực ven biển và sát biển thu hút nhiều dự án nghiên cứu, đầu tư dẫn đến nguy cơ không còn quỹ đất cho không gian xanh tự nhiên…

II. Định hướng phát triển không gian du lịch Quảng Nam

Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/07/2021 Hội nghị lần thứ tư, khóa XXII về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 [2] xác định mục tiêu phát triển, là: “Xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước. Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh”

Theo đó, định hướng phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, TP trong vùng liên kết. Về một số định hướng phát triển không gian cụ thể:

  • Phía Bắc: Tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước; gắn với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia. Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An – Đà Nẵng; thu hút đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới;
  • Phía Nam: Là không gian ưu tiên tập trung thu hút đầu tư với định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ (MICE)1; thu hút phát triển dịch vụ cao cấp hướng vào thị trường khách có nhu cầu trải nghiệm di sản văn hóa, thiên nhiên và nghỉ dưỡng dài ngày, chi tiêu cao với việc hình thành những trọng điểm du lịch mới ở dải ven biển phía Nam gồm các khu du lịch, vui chơi giải trí, thể thao đẳng cấp, độc đáo và khác biệt; tập trung thu hút đầu tư, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm, mua sắm, thể thao, giải trí quy mô lớn, hiện đại; thu hút đầu tư vào Cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển tại Núi Thành để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Quảng Nam và đón khách hàng không lẫn tàu biển;
  • Phía Tây: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh; nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc tại các huyện miền núi, phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Liên kết với các nước Lào, Thái Lan để thúc đẩy thu hút khách du lịch thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) – Đắc Tà Ọoc (tỉnh Sê Kông, Lào); liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách từ Tây Nguyên.

III. Một số đề xuất trong tổ chức không gian du lịch tỉnh Quảng Nam

1. Không gian du lịch Quảng Nam gắn với phát triển du lịch khu vực miền Trung và các địa phương lân cận

Gắn với mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước, Quảng Nam cần phát huy lợi thế về vị trí và điều kiện hạ tầng đầu mối, cụ thể hóa bằng những chương trình, dự án cụ thể. Trong đó:

  • Phát huy kết nối theo đường hàng không: Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Chu Lai đã được xác định là 1 trong 14 sân bay quốc tế của cả nước, công suất đến 2030 đạt 10 triệu hành khách/năm, đến 2050 đạt 50 triệu hành khách/năm. Theo đó, có cơ hội hình thành Đô thị sân bay đóng vai trò là trung tâm dịch vụ, du lịch cấp vùng; tổ chức các kết nối từ cảng hàng không đến các đầu mối đường biển, đường sông, đường sắt… Quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối giữa sân bay Chu Lai và sân bay Đà Nẵng, bao gồm cả quỹ đất để hình thành các cụm, các điểm, trung tâm du lịch trên tuyến;
  • Tăng cường kết nối theo đường biển: Đề xuất nghiên cứu hình thành Trung tâm du lịch cảng biển cấp vùng tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, khu vực Kỳ Hà, An Hòa gắn với sân bay Chu Lai, trở thành đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng; trở thành một mắt xích quan trọng trong tuyến du lịch đường biển quốc gia và quốc tế;
  • Tăng cường kết nối theo các hành lang sông: Quy hoạch không gian hai bên bờ các sông Trường Giang, sông Cổ Cò song song với bờ biển, kết nối với sông Thu Bồn về phía Tây và các nhánh sông: Tam Kỳ, Bàn Thạch, Vĩnh Điện… Trong đó, nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang kết hợp không gian hai bên sông đủ lớn để hình thành Công viên du lịch ven sông tầm cỡ thế giới có chiều dài khoảng 100km kéo dài từ Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam) đến sông Hàn (Đà Nẵng), kết nối Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng…;
  • Kết nối theo các hành lang đường bộ:
    • + Tổ chức không gian phát triển du lịch theo hướng Đông – Tây theo các hành lang quốc lộ 14G, 14B ở phía Bắc, quốc lộ 14E ở vùng Trung và quốc lộ 40B ở phía Nam. Định hướng đến 2050 hình thành các tuyến CT21 (cao tốc Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi– Bờ Y, Kon Tum); CT22 (cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi);
    • + Dự trữ quỹ đất đủ lớn để hình thành các trung tâm dịch vụ, TOD dọc tuyến đường sắt đô thị kết nối sân bay Chu Lai với Đà Nẵng…;

2. Không gian phát triển du lịch xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

a) Xác định các vành đai xanh, duy trì đa dạng hệ sinh thái, dành đất cho các không gian tự nhiên

Cần xác định các greenbelt, khoảng đệm, hành lang xanh bao gồm lưu vực các con sông, suối, ao, hồ, mặt nước biển (ven bờ), đồi, núi, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cơ bản… để duy trì, bảo tồn và hạn chế xây dựng. Chính những “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” này sẽ quyết định cấu trúc đô thị và tạo nên nét riêng, bản sắc cho các đô thị.

Thiết lập các hành lang xanh vĩnh viễn gắn với không gian kinh tế nông nghiệp, phòng chống thiên tai, là vùng chứa lũ và thoát lũ. Đảm bảo tính liên hoàn cũng như kích thước đủ lớn của hành lang xanh như: Vùng ven sông Thu Bồn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm gắn với đô thị Hội An và Mỹ Sơn; Dọc ven sông Trường Giang, Cổ Cò; Vùng sinh thái Phú Ninh; vệt nông nghiệp dọc tuyến QL 1A tại Điện Bàn, Thăng Bình….

Vành đai xanh ven sông Trường Giang

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung thêm các nêm xanh, khoảng đệm xanh theo chiều ngang kéo dài từ bờ biển đến Quốc lộ 1 và về phía Tây, góp phần bảo tồn đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên hiện hữu theo lát cắt ngang từ bờ biển – cồn cát – sông Trường Giang – cồn cát – đồng lúa – quốc lộ – dải đồi thấp trung du… Các khu dân cư, làng chài cũng cần được xác định ổn định trong quy hoạch để bảo tồn, chỉnh trang như là một phần của các không gian xanh, gắn liền với các yếu tố văn hóa cộng đồng.

Việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên là cách thức hiệu quả nhất duy trì đa dạng sinh học, giúp cân bằng cán cân sinh thái giữa con người và yếu tố tự nhiên giúp cho các ngành kinh tế nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng phát triển một cách bền vững.

b) Đa dạng không gian cộng đồng

Không gian cộng đồng là nơi diễn ra các hoạt động giao tiếp với nhau, là không gian thực hành văn hóa tạo nên bản sắc của đô thị. Quá trình tổ chức không gian du lịch cần chú trọng các không gian có tính giao lưu giữa người dân và du khách:

  • Tăng khả năng tiếp cận biển công cộng cho người dân và du khách thông qua công viên nối trục giao thông chính đến biển; quy định phải bố trí lối xuống biển kết hợp cây xanh giữa 2 dự án du lịch. Bố trí các quảng trường biển có quy mô đảm bảo khả năng phát triển lâu dài tại mỗi đô thị, khu đô thị. Đảm bảo tiếp cận người dân đối với các bãi tắm công cộng…;
  • Các khu công viên cây xanh gắn với các hành lang xanh, đường dạo ven sông, ven hồ…;
  • Duy trì, thiết lập mới các không gian công cộng trong các khu đô thị, điểm dân cư nông thôn.

3. Xây dựng các thương hiệu đô thị và nông thôn gắn với sản phẩm du lịch đặc thù

Chủ trương về đa dạng hoá sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến cần được cụ thể hóa ngay trong công tác định hướng, quy hoạch không gian phát triển các đô thị và khu vực nông thôn. Bên cạnh các đô thị đã khẳng định được thương hiệu, cần tiếp tục chắt lọc, phát huy các tiềm năng để dần tạo nên các thương hiệu mới.

  • Thương hiệu đô thị Hội An: Là TP có đến 2 di sản thế giới, một Di sản văn hóa – phố cổ và một Di sản thiên nhiên – khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Trải qua chiều dài phát triển kể từ sau, định hướng phát triển Hội An luôn giữ một cách ổn định xuyên suốt là phát triển bền vững trên nền TP sinh thái – văn hóa – du lịch. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong tổ chức không gian: Các giải pháp tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; sự phát triển nóng của du lịch và nguy cơ mất văn hóa địa phương; ngập lụt và nước biển dâng, sự suy thoái của hệ thống rừng ngập mặn…
  • Không gian đặc trưng đô thị Tam Kỳ: Là đô thị được tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng giải thưởng “Phong cảnh TP châu Á năm 2015” nhằm mục đích đề cao và tôn vinh những nỗ lực to lớn của các TP Châu Á đối với sự phát triển và sáng tạo của một TP đẹp, hiền hòa, an toàn và bền vững trong khi vẫn đề cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những ý tưởng này trải qua gần 10 năm vẫn chưa được như kỳ vọng;
  • Không gian đô thị Núi Thành gắn với các yếu tố sông nước của vịnh An Hòa, đảo Tam Hải; định hướng không gian cần tăng cường khai thác giá trị vùng đồi núi phía Tây phục vụ du lịch sinh thái…;
  • Không gian gắn với thiên nhiên, văn hóa các dân tộc miền núi: các huyện miền núi phía Tây của tỉnh là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch chủ yếu gồm: Tham quan di tích lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan các hang động tự nhiên, rừng nguyên sinh. Cấu trúc không gian làng các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng (gồm người Ca Dong, Xơ Teng, Mơ Nâm); Cor; Gié-Triêng (gồm người Ve, Tà Riềng, Bh nong)… cần được nghiên cứu theo hướng thích ứng, đảm bảo bảo tồn được các giá trị truyền thống cốt lõi, đáp ứng với nhu cầu, điều kiện phát triển mới;
  • Không gian gắn với làng xóm, các khu dân cư hiện hữu có giá trị cần được xây dựng quy chế quản lý quy hoạch theo hướng tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, homestay, khách sạn, nhà hàng… đặc biệt là khu vực làng chài ven biển, ven sông, các làng nghề truyền thống. Các mô hình phát triển du lịch tại các làng chài An Bàng (Hội An), bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Hải (Núi Thành) cần được nghiên cứu làm cơ sở đề xuất hệ thống các làng du lịch cộng đồng ven biển, ven sông với các giá trị, sản phẩm riêng.
Du lịch cộng đồng tại huyện Tây Giang
Du lịch cộng đồng tại huyện Bắc Trà My
Nguồn: Internet

Du lịch Quảng Nam có cơ hội và được kỳ vọng cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống; thực sự trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Đòi hỏi cần cụ thể hóa với quy hoạch, định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch phù hợp; gắn với không gian đô thị, nông thôn và các ngành kinh tế khác; đảm bảo quy mô sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí; tập trung đầu tư có trọng điểm các điểm nhấn trong giai đoạn trước mắt; dự trữ được quỹ đất làm cơ sở cho phát triển trong tương lai.

Hội Kiến trúc sư Quảng Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Tài liệu tham khảo:

  1. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  2. Tỉnh Ủy Quảng Nam, 2019, Kế hoạch 299-KH/TU ngày 16/4/2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

The post Một số đề xuất tổ chức không gian đô thị và nông thôn gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/j27ROYF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét