Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Vận dụng các nguyên lí sinh thái học thiết lập mạng lưới đô thị ở tỉnh Quảng Nam nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Phát triển bền vững (PTBV) là một khái niệm được sử dụng trên phạm vi toàn cầu, ra đời trong thời kì thế giới phải đối mặt với các vấn đề khủng hoảng môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, bất bình đẳng xã hội… Để hướng đến PTBV trên cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, cần thiết phải kiến tạo nền kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ các mô hình cụ thể như “đô thị zero carbon”. Có thể nói, trước các vấn đề lớn của xã hội, có rất nhiều thuật ngữ, khái niệm ra đời gắn với các thông điệp truyền thông, nhưng xét cho cùng cũng xuất phát từ các nguyên lí căn bản, nền tảng. Bài viết này, sẽ gợi mở về việc ứng dụng các nguyên lí sinh thái để kiến tạo mạng lưới các đô thị ở Quảng Nam nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và PTBV.

Làng chài ven biển ở Quảng Nam (Nguồn Internet)

Kinh tế tuần hoàn

“Kinh tế tuần hoàn” lần đầu được sử dụng vào năm 1990 bởi Pearce và Turner2, dựa trên nguyên lí “Đầu ra của hệ này là đầu vào của hệ kia”. Lí do cần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được xác định là: “(1) Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được; (2) Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu; (3) Tác động đến sự Biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu; (4) Tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo”3.

Ngày nay, kinh tế tuần hoàn được xem là xu hướng phát triển bền vững nhằm đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên từ đầu vào đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Đô thị “zero carbon”

Đô thị hóa cũng được xem là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này luôn đi kèm nhiều thách thức lớn trước mắt lẫn lâu dài nếu không có sự chuẩn bị từ công tác quy hoạch đến công tác xây dựng và quản lí về sau.

Đô thị là hệ sinh thái nhân tạo, ngược lại với các quá trình tự nhiên.

Khái niệm “Đô thị carbon thấp” được hình thành từ sau Công ước Khung của Liên hợp quốc năm 1992 về “Biến đổi khí hậu”, hàm ý là hướng đến phát triển hệ thống đô thị mà ở đó tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất, trong khi đó mục tiêu về kinh tế vẫn duy trì.

“Zero carbon” là mục tiêu cuối cùng của “Đô thị carbon thấp”. Hướng tới “mức phát thải ròng bằng không” có nghĩa là chúng ta vẫn có thể phát thải vào bầu khí quyển một lượng CO2, miễn là có thể bù đắp bằng các quá trình loại bỏ CO2 từ bầu khí quyển.

Như vậy, “kinh tế tuần hoàn” hay “zero carbon” cũng là những khái niệm có tính chất kiến thiết lại nền kinh tế cũng như các hệ sinh thái nhân tạo, tiệm cận với hệ sinh thái tự nhiên, nhằm phát triển bền vững.

Theo I. Kildsgaard, “Thúc đẩy phát triển đô thị carbon thấp thì tất yếu phải tiến hành thiết kế đô thị sinh thái”5.

“Đô thị sinh thái”: Cần tiếp cận đúng từ nguyên lí sinh thái học

Thuật ngữ “Đô thị sinh thái” đến nay không còn là mới mẻ trong xã hội, tuy nhiên, vẫn chưa có một khái niệm thống nhất. Điều đó là rất bình thường trong việc tiếp cận nghiên cứu với những góc nhìn khác nhau. Có nhiều cách để diễn đạt, nhưng qua lí thuyết về Sinh thái học và Triết học về Sinh thái học tầng sâu của phương Tây đến quan điểm về Phong thuỷ của phương Đông, thì đô thị sinh thái có thể khái quát ở một số điểm cơ bản sau:

  • Trước hết, đô thị sinh thái là hệ sinh thái nhân tạo được thiết kế hài hòa giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Cần phân biệt với tiếp cận mang tính hình thức xem đô thị sinh thái là đô thị có nhiều cây xanh. Điều đó có nghĩa là nguyên lí đầu tiên của đô thị sinh thái là hài hòa. “Hài hòa” phải xuất từ tư duy đến hành động. Không gian đô thị được thiết kế hài hòa với thiên nhiên. Tất cả các quan hệ xã hội cũng phải được hài hòa. Hài hòa giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên. Hài hòa thể hiện chính qua sự tôn trọng. Đô thị sinh thái không chỉ là đô thị nhiều cây xanh hay đa dạng sinh học, mà cốt yếu là phải tôn trọng các giá trị đa dạng sinh học và văn hóa. Những hoạt động phát triển cần tôn trọng tự nhiên và tôn trọng cộng đồng. Đó là nền tảng của xã hội hài hòa và phát triển bền vững. Một đô thị sinh thái phải đảm bảo nguyên lí này đầu tiên.
  • Thứ hai, tất cả “vật chất” và “năng lượng” trong “Hệ” phải đảm bảo được lưu thông và tuần hoàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” được ủng hộ mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, suy rộng ra thì không chỉ có ở hệ thống tự nhiên mà ngay trong hệ sinh thái đô thị từ giao thông, thông tin, tiền tệ, trí tuệ,… đến tài nguyên, chất thải phải đảm bảo được lưu thông, tuần hoàn thông suốt.
  • Thứ ba, để đảm bảo tốt nguyên lí 1 và 2 cần phải kiến tạo một hệ thống đảm bảo CÂN BẰNG. Cân bằng về không gian, về ngưỡng chịu tải, cân bằng về lợi ích, quyền lực, cân bằng 3 mục tiêu phát triển bền vững Kinh tế – Xã hội – Môi trường.

Về quy luật vận động tự nhiên, bất kì một “Hệ” nào cũng có quá trình hình thành và phát triển. Một “hệ sinh thái già”, tồn tại qua thời gian dài là một hệ sinh thái có các đặc điểm trên. Qua thời gian, dưới tác động của các yếu tố tác động bên ngoài, trạng thái cân bằng cũ của hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ và thiết lập lại trạng thái cân bằng mới. Nhưng hệ sinh thái càng đa dạng thì càng dễ thiết lập lại cân bằng; hệ sinh thái càng ít đa dạng thì rất dễ bị triệt tiêu. Vận dụng nguyên lí này vào kiến tạo đô thị sinh thái sẽ là vấn đề căn bản chứ không phải là những chỉ tiêu, con số về độ che phủ cây xanh, tỉ lệ nước sạch, tỉ lệ xử lí nước thải,…

Kiến tạo một đô thị sinh thái trên nền một không gian tự nhiên (điều kiện lí tưởng) về lí thuyết là không quá khó, nhưng điều chỉnh 1 đô thị sẵn có với không gian tự nhiên “dự phòng” hạn chế như hiện nay là không dễ dàng. Cần thiết phải có sự dịch chuyển “tư duy quán tính” sang “tư duy đổi mới sáng tạo” dựa trên nền tảng nguyên lí khoa học.

Về nguyên lí tự nhiên, một hệ sinh thái phát triển vượt ra “quán tính” thông thường thì phải vượt qua “cú sốc” để phá vỡ cân bằng cũ, thiết lập cân bằng mới. Tuy nhiên, để vượt qua, để thiết lập cân bằng mới thì hệ sinh thái đó phải đảm bảo đa dạng sinh học.

Chính vì vậy, để kiến tạo một đô thị sinh thái, mang tính bền vững đúng nghĩa phải là hệ sinh thái nhân tạo thông minh, kết nối chặt các thành phần bên trong, nhưng cũng phải cân bằng với các hệ sinh thái khác bên ngoài.

Kiến tạo mạng lưới đô thị sinh thái là hướng đi phù hợp cho Quảng Nam trong bối cảnh mới

Thế giới ngày nay tương đối “phẳng”, biến đổi khí hậu toàn cầu đã hiện hữu và đe dọa đến tất cả mọi quốc gia, mọi địa phương, mọi ngành và mọi lĩnh vực. “Kinh tế tuần hoàn”, “Kinh tế số”, “Net-zero carbon”… là những thuật ngữ mới, được ủng hộ rộng rãi và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học, đa dạng địa hình và cả văn hóa có chiều sâu. Hiện nay, Quảng Nam cũng đa dạng các thành phần kinh tế, và đặc biệt là dư địa phát triển còn nhiều. Mặc dù vậy, vì công tác quy hoạch và kiến thiết sự phát triển chung của tỉnh gần như mất cân đối ở nhiều khía cạnh, đó chính là thách thức khi tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như mô hình phát triển bền vững.

Thánh địa Mỹ Sơn (Nguồn Internet)

Chính vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên 3 khía cạnh (1) kinh tế, (2) xã hội và (3) môi trường ở hiện tại cũng như cho tương lai lâu dài, nhìn từ nguyên lí sinh thái, công tác quy hoạch tổng thể cần xem xét ở 3 “lớp nền” chính, đó là (1) tự nhiên, (2) văn hóa và (3) mối quan hệ với hệ thống bên ngoài.

  • Thứ nhất, Quảng Nam có địa thế tốt, nhưng mất cân đối về phân bố dân cư cũng phân bổ đầu tư phát triển ở hiện tại. Hầu hết các đô thị, dân cư tập trung ở dọc ven biển và ven sông. Quảng Nam không có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh xung quanh, chính vì không nên tập trung đầu tư và mở rộng các đô thị hiện có thành các đô thị quy mô lớn mà nên kiến thiết mạng lưới nhiều đô thị phân tán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phát triển mạng lưới giao thông kết nối, gắn chặt các đô thị đó thông qua dịch vụ du lịch. Đây là lợi thế của Quảng Nam, vì có các dạng tài nguyên tự nhiên và văn hóa – nhân văn rất đa dạng, với bản sắc riêng của từng khu vực.
  • Thứ hai, dựa theo địa hình và nhất là các dòng sông để kiến thiết đô thị theo hướng hài hoà với các quy luật tự nhiên. Trước tiên phải tập trung các nguồn lực để giữ rừng đầu nguồn, hạn chế các công trình “trị thủy” và sử dụng các giải pháp “khai sông” để tăng cường “lưu thông” và “tuần hoàn”. Để các hệ sinh thái đô thị tiệm cận với hệ sinh thái tự nhiên bằng cách thay đổi tư duy quy hoạch. Hệ sinh thái đô thị không thể tách rời với hệ sinh thái nông thôn và hệ sinh thái tự nhiên. “Đô thị zero carbon” không có nghĩa là cắt giảm ngay lập tức phát thải, nhưng cơ bản là cân bằng nhờ vào các hệ thống xung quanh và ngay trong nội tại.
  • Thứ ba, đô thị sinh thái với không gian xanh cần được thiết kế đảm bảo 2 màu “blue” và “green”. Bên cạnh màu xanh từ hệ thống cây xanh được thiết kế trồng đúng quy luật sinh thái và sinh học, thì hồ và sông cũng cần xanh đúng nghĩa6. Muốn vậy cần thiết kế tiêu – thoát nước mưa vào ngay lòng đất7, điều tiết và giảm thoát nước đến mức thấp nhất. Như vậy chúng ta vừa cải thiện được chất lượng môi trường cũng như tận dụng được tài nguyên nước mà không phải tiêu phí cũng như trở thành thách thức với ngập lụt đô thị như các đô thị khác trong cả nước.
  • Thứ tư, thiết kế các công trình trong đô thị cần quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả; hệ thống giao thông trong nội đô cũng như gắn kết với hệ thống đô thị phải hướng đến các phương tiện thân thiện với môi trường. Hình thành ý thức và “đạo đức sinh thái” trong toàn xã hội. Khi “thương hiệu” địa phương được thiết lập, gìn giữ và trở thành văn hóa, thì du lịch cũng sẽ phát triển theo hướng tích cực, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Cảnh đẹp tại Qua ngr NAm (Nguồn Internet)

Cũng sẽ có ý kiến cho rằng những ý tưởng trên là lí tưởng, khó khả thi, nhưng ở một góc nhìn từ “Tư duy sinh thái” thì vấn đề lựa chọn tương lai cho sự PTBV không thể cứ nghĩ một chiều, theo lộ trình tuyến tính, trước sau.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đã nhấn mạnh đến những thách thức của quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa cũng như xác định những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro… Đối với Quảng Nam, nếu tiếp cận đúng từ nguyên lí sinh thái để kiến tạo mạng lưới đô thị trong bối cảnh hiện nay, sẽ góp phần xây dựng một vùng đất Quảng đáng sống, gìn giữ được thiên nhiên và bảo tồn được những nét văn hóa bản sắc cho tương lai.

PGS.TS Võ Văn Minh
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Ghi chú:
1. Trưởng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường và tài nguyên Sinh vật” (DN-EBR) Đại học Đà Nẵng (udn.vn/vvminh)
2. https://ift.tt/5dKjITf
3. https://ift.tt/6dVHAjU
4. Bài tham luận của PGS.TS. Đoàn Cảnh về “Góp phần hình thành hệ thống tiêu chí xây dựng đô thị sinh thái thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại và bền vững” https://ift.tt/TsqB8cO
5. https://ift.tt/biBlWw6
6. cần phải quan tâm đến công nghệ sinh thái để kiểm soát môi trường thuỷ vực
7. Phải sử dụng kĩ thuật thấm-thoát, hạn chế bê tông kín bề mặt

The post Vận dụng các nguyên lí sinh thái học thiết lập mạng lưới đô thị ở tỉnh Quảng Nam nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3kfCtsL
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét