Xưởng Thiết kế Mùa hè Xanh 2023 được tổ chức lần thứ 2 từ ngày 30/6 – 08/7/2023, nhằm tiếp tục tạo ra sân chơi mang tính trải nghiệm thiết kế cho SV ngành kiến trúc và KTS trẻ tại TP HCM. Trong một bối cảnh thực tế, 150 SV kiến trúc và gần 30 giảng viên đến từ 5 trường đại học có đào tạo ngành kiến trúc đã say mê khám phá, tìm hiểu đề xuất những ý tưởng mới, sáng tạo cho một công trình kiến trúc nhỏ, theo hướng hiệu quả năng lượng và phát thải carbon thấp (low carbon).
Giới thiệu chung
Năm 2022 là năm đầu tiên Xưởng thiết kế mùa hè Xanh với chủ đề Nhà ở hợp tác (Co-housing) hướng đến tiêu chuẩn Công trình xanh được tổ chức và đã thu hút được đông đảo sự tham gia của gần 200 giảng viên, sinh viên (SV) và khách mời, doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, vật liệu và bất động sản.
Năm nay, Xưởng thiết kế mùa hè Xanh 2023 tiếp tục được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi mang tính trải nghiệm thiết kế cho SV ngành kiến trúc và KTS trẻ, mang đến cơ hội cho tất cả những người tham gia khám phá tương lai của một mô hình thiết kế mới, mang tính triết lý giáo dục, định hướng thiết kế sáng tạo, vận dụng các giải pháp thông minh và bền vững, cùng hợp tác giải quyết trong môi trường xưởng thiết kế. Thông qua một bối cảnh thực tế, SV kiến trúc và các KTS trẻ sẽ vận dụng kiến thức của mình để đề xuất những ý tưởng mới, sáng tạo cho một công trình kiến trúc nhỏ (semi-open space), theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải carbon thấp (low carbon). Đây sẽ là cơ hội cho SV kiến trúc nâng cao khả năng làm việc nhóm, tìm ý nhanh, phát triển tư duy sáng tạo, thuyết trình dự án, và tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp ngành kiến trúc-xây dựng và bất động sản, tạo tiền đề tốt cho việc hành nghề KTS sau này.
Xưởng Thiết kế mùa hè Xanh 2023 được tổ chức bởi Trường Đại học Việt Đức (VGU), cùng với các đơn vị đồng tổ chức là: Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM; Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Văn Lang; Phuc Khang Corporation và Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam. Các bạn trẻ đã được nghe giảng từ các chuyên gia đầu ngành đến từ Chương trình Đào tạo DfGE (Design for Greater Efficiencies), thuộc hệ thống Công trình Xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies), một sáng kiến của Tổ chức Tài chính Quốc tế, hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT); Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC); và Trường ĐH Bắc Carolina tại Charlotte (UNCC, Hoa Kỳ).
Xu hướng đào tạo KTS thông qua xưởng thiết kế
Hướng tới việc đào tạo kiến trúc đạt chất lượng tốt hơn, có tính cạnh tranh hơn với các nước trong khu vực thì các cơ sở đào tạo và bản thân đội ngũ giảng viên cần chủ động cập nhật kiến thức mới, cập nhật tình hình thực tiễn để đưa vào chương trình giảng dạy, cũng như các xưởng thiết kế đồ án cho SV kiến trúc. Cần nhìn nhận đúng và kiên trì đi theo xu hướng đào tạo KTS gắn với thực hành, thông qua những qua xưởng thiết kế, những cuộc thi kiến trúc dành cho người học, qua đó tạo cơ hội giao lưu học hỏi và cọ xát thực tiễn cho SV. Từ đó, giúp chúng ta hiểu thêm về hiệu quả đem lại đối với sự tương tác giữa người dạy và người học và giữa chính người học với nhau.
Quan niệm đào tạo KTS gắn liền với thực tế cuộc sống, gắn liền với những vấn đề thực tiễn đang xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta ngày càng đúng và cần thiết. Quan điểm đó cần được các cơ sở đào tạo chủ động nắm bắt xu thế phát triển và được cụ thể hóa bằng những hoạt động đào tạo gắn liền với thực hành, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Hình thức thực hiện đa dạng và linh hoạt tùy từng hoàn cảnh, tùy điều kiện của từng trường mà tổ chức các xưởng thiết kế, những cuộc thi kiến trúc, đồ án môn học, chuyên đề, seminar và thực tập doanh nghiệp trong và ngoài nước, trở thành cấu trúc bắt buộc trong chương trình đào tạo kiến trúc.
Đây cũng là phương cách đào tạo tiên tiến, năng động và góp phần hình thành giá trị đích thực cho những KTS tương lai, cũng như khẳng định giá trị và uy tín của các cơ sở đào tạo nghề kiến trúc ở nước ta trong thời gian tới.
Ý tưởng thiết kế phát thải carbon thấp trong xưởng thiết kế
Nhiệm vụ đặt ra cho SV tại Xưởng thiết kế mùa hè Xanh 2023 là nghiên cứu đề xuất thiết kế một pavilion trong khuôn viên Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương, đồng thời cũng đề xuất thiết kế cho công viên cảnh quan bền vững thuộc dự án Diamond Lotus Riverside tại Quận 8, TP.HCM. Yêu cầu các phương án đưa ra phải mang tính sáng tạo thông qua công năng, thẩm mỹ và tính linh loạt trong tổ chức không gian, theo hướng hiệu quả năng lượng và phát thải carbon thấp (low-carbon). Đặc biệt, các phương án phải áp dụng hệ thống đánh giá các mức độ tiêu thụ, tiết kiệm năng lượng và phát thải Edge cũng như hệ thống tiêu chí công trình xanh Lotus để đưa ra phương án tối ưu về sử dụng năng lượng và phát thải carbon thấp (low-carbon). Đề tài đã thu hút và kích thích sự sáng tạo của 12 nhóm SV tham gia (được trộn đều giữa SV các trường). Các nhóm đã có các góc nhìn đa chiều về cách thiết kế công trình phát thải carbon thấp. Theo đó, các ý tưởng và giải pháp chính đưa ra gồm:
- Kiến trúc sinh khí hậu (kiến trúc bioclimatic). Phương thức thực hiện là kết hợp nghiên cứu khí hậu, bối cảnh địa phương và khu vực, cụ thể là khuôn viên trường Đại học Việt Đức và không gian công viên cảnh quan bền vững dọc kênh Đôi thuộc dự án Diamond Lotus Riverside. Các phương án hướng tới giảm thiểu và tiết kiệm năng lượng, thông qua sử dụng ánh sáng tự nhiên, kết hợp giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của bức xạ mặt trời, đón các hướng gió mát bằng cách tổ chức hình khối, bố trí phương hướng công trình và các khoảng không gian, mảng xanh hợp lý. Vấn đề tiện nghi sử dụng, thẩm mỹ và tính kế thừa các giải pháp thiết kế dân gian, truyền thống đều được quan tâm, dựa trên cơ sở thích ứng khí hậu. Tóm lại, kiến trúc sinh khí hậu trong các phương án thiết kế của SV là kiến trúc phù hợp với điều kiến khí hậu tại nơi xây dựng, là yếu tố cốt lõi cho những mối quan tâm khác đã được các nhóm thiết kế đề cập trong phương án của mình. Cụ thể là:
- Thông qua việc tận dụng các điều kiện bối cảnh có sẵn trong khuôn viên Đại học Việt Đức, với các cây xanh đang sinh trưởng, các khối nhà ký túc xá và khu giảng đường cao tầng có thể định hướng các luồng gió và tạo bóng đổ cho khu vực xung quanh;
- Giải pháp cách nhiệt cho mái và tường nhà, thông qua vật liệu ETFE đồng thời dùng các lớp pin quang điện được dán vào vỏ bao che để khai thác năng lượng mặt trời;
- Giải pháp che nắng và tạo bóng. Trong đó, để giảm nhiệt truyền vào nhà, giải pháp “mái xanh”, “tường xanh” được dùng hiệu quả.
Sử dụng lớp vỏ bao che xanh và vỏ bao che kép. Với sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của GS Weimin Wang và Kyoung Hee Kim đến từ trường University of North Carolina at Charlotte (UNCC) – Hoa Kỳ, các nhóm SV đã được thực hành vận dụng công nghệ Vi tảo (Micro algae) trong việc tạo dựng vỏ bao che pavilion nhằm tạo dựng mảng xanh trong khuôn viên thư giãn của trường Đại học. - Giải pháp thông gió tự nhiên hay đón không khí tự nhiên nhờ việc bố trí hướng công trình để đón các luồng gió mát. Ví dụ như việc đón gió mát từ kênh Đôi trong giải pháp thiết kế của nhóm mang tên BLISS
Sử dụng tối đa năng lượng tái tạo thông qua sử dụng công nghệ mới như các tấm panel thu năng lượng mặt trời được tích hợp vào mặt dựng và mái tòa nhà. Năng lượng này được sử dụng cho việc chiếu sáng và trang trí công trình vào ban đêm, tạo hiệu quả thẩm mỹ cho không gian công cộng.
- Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, sử dụng vật liệu tái chế và có sẵn tại địa phương
- Phương pháp tiêu chuẩn hóa được sử dụng để định lượng các tác động môi trường của các tòa nhà từ khai thác vật liệu, thi công, vận hành và thải bỏ là phương pháp đánh giá vòng đời môi trường, được các bài dự thi vận dụng và kiểm tra các thiết kế của mình thông qua các ứng dụng của phần mềm Edge trong lượng hóa các số liệu về sử dụng năng lượng và các công cụ đánh giá công trình Xanh Lotus (Việt Nam) để đánh giá mức độ “xanh” của công trình.
Các phương án thiết kế luôn đề cao tính gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; cùng với đó là tính cộng đồng trong các phương án. Giải pháp giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cũng được các nhóm áp dụng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Góc nhìn về tính truyền thống và đa giác quan cũng được các nhóm đề cập nhằm gìn giữ cảnh quan và bản sắc khu vực.
Trải nghiệm của SV tham dự
Xưởng Thiết kế Mùa hè Xanh 2023 đã lựa chọn được 150 SV ưu tú ngành kiến trúc đến từ 5 trường đại học tại khu vực miền Nam. Các SV tham dự sự kiện này đánh giá cao những trải nghiệm thực tế cũng như những lợi ích to lớn do Ban tổ chức đem lại. Thông qua Xưởng thiết kế, SV và giảng viên của các cơ sở đào tạo kiến trúc tại TP.HCM và Bình Dương đã có dịp giao lưu, gắn kết, học hỏi lẫn nhau, và có thêm những người bạn mới. Ngoài ra, đây là một cơ hội hiếm có khi được trực tiếp làm việc và học hỏi phương pháp nghiên cứu và thiết kế mới từ các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Singapore, tổ chức Tài chính thế giới, tổ chức đánh giá công trình Xanh Việt Nam,… để từ đó SV có thể vận dụng kiến thức mới vào việc sáng tạo các ý tưởng thiết kế của mình. Nhiều nhóm SV đã vận dụng ngay được nhiều ý tưởng sáng tạo các công trình phát thải carbon thấp và các công cụ đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng và phát thải. Các kiến thức trên giúp các bạn trong việc kết hợp lý thuyết được học tại nhà trường và thực tiễn trong xây dựng, phát triển bền vững.
Thay lời kết
Với chủ đề mang tính thời sự “Low Carbon Architecture Design – Thiết kế kiến trúc phát thải carbon thấp”, Xưởng Thiết kế Mùa hè Xanh 2023 đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho SV ngành kiến trúc và nhiều KTS trẻ. Những kiến thức thực tế thu được từ Xưởng thiết kế giúp cho SV trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng, nắm vững các phương pháp sáng tạo các công trình phát thải carbon thấp và các công cụ đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng và phát thải; Thông qua Xưởng Thiết kế Mùa hè, các phương án thiết kế của SV đã có dịp được thực hành vận dụng các ứng dụng của phần mềm EDGE trong lượng hóa các số liệu về sử dụng năng lượng và các công cụ đánh giá công trình Xanh Lotus (Việt Nam) để đánh giá mức độ “xanh” của công trình;
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trong nước và trong khu vực, việc đào tạo KTS gắn liền với thực tế cuộc sống, với những vấn đề đang xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta ngày càng cần thiết. Quan điểm này cần được các cơ sở đào tạo chủ động nắm bắt xu thế phát triển và được cụ thể hóa bằng những hoạt động đào tạo gắn liền với thực hành, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội;
Hoạt động đào tạo KTS thông qua xưởng thiết kế nói riêng, và các cuộc thi thiết kế trong và ngoài nước nói chung sẽ giúp chúng ta hướng tới mục tiêu gắn kết đào tạo trong nhà trường với thực tiễn, nâng cao tính thực tiễn hành nghề KTS, và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Dù những xưởng thiết kế, cuộc thi thiết kế được tổ chức bởi các cơ quan, chính quyền thành phố, hay các tổ chức phi chính phủ, hay doanh nghiệp thì tất cả đều có điểm chung là mang tính thực tiễn cao, đòi hỏi các phương án có tính khả thi, khả dụng, đề cao ý tưởng sáng tạo và tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
PGS.TS.KTS. Ngô Lê Minh
NCS. KTS. Nguyễn Hải Bình
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)
The post Từ Xưởng thiết kế mùa hè Xanh 2023 : Nghĩ tới xu hướng đào tạo KTS thông qua xưởng thiết kế appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/csaqTMJ
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét