Đô thị hóa là sự phát triển tất yếu trong xã hội hiện đại ngày nay. Nhưng sự đô thị hóa diễn ra quá nhanh làm xóa nhòa những nét văn hóa vùng miền. Trong bài bài viết này, người viết muốn chia sẽ bài học thực tiễn từ quá trình phát triển của một làng chài nghèo ven biển. Qua đó muốn đóng góp một hướng tiếp cận và cái nhìn về bảo tồn các giá trị văn hóa – kiến trúc làng quê dựa vào cộng đồng.
Bối cảnh kinh tế xã hội tại An Bàng và Hội An
1. Cơ hội: Hội An đã có một bề dày phát triển du lịch 20 năm từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Vốn dĩ Hội An đã từng là một thương cảng nổi tiếng thế giới ở thế kỷ 16, là nơi giao thương buôn bán sầm uất và cũng là nơi giao lưu văn hóa Đông Tây. Trong mỗi con người Hội An đã luôn có sẵn sự giỏi giang trong buôn bán và khéo léo trong giao tiếp.
Năm 2010, An Bàng là một làng chài hoang sơ, yên bình, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt phụ thuộc vào thời vụ.
Các cấp chính quyền cũng đã đề ra những chính sách mở rộng phát triển du lịch các vùng ven của Hội An theo xu hướng du lịch bền vững.
Đây chính là cơ hội rất lớn cho làng chài An Bàng có thể chuyển mình từ một làng quê nghèo thành một làng quê phát triển du lịch cộng đồng (bắt đầu từ năm 2012).
2. Thách thức: Phần lớn người dân trong làng làm nghề đánh bắt cá quanh năm bám biển với những tập tục và thói quen chưa phù hợp cho phát triển du lịch (thường hay đổ rác ra biển, phóng uế bừa bãi khắp mọi nơi đặt biệt khu vực biển, dễ phát sinh mâu thuẫn và giải quyết xung đột cục bộ, hung dữ…) phần lớn người dân cũng không ý thức được những giá trị văn hóa và tài nguyên mà mình đang có, không nắm bắt tình hình phát triển trong địa phương và trên thế giới.
Người dân địa phương chưa thực sự am hiểu về kiến trúc văn hóa bản địa, lúng túng trong công tác thiết kế các mô hình homestay, villa, farmstay – Nguyên nhân cơ bản là bản thân họ chưa được đào tạo chuyên nghiệp và chưa có cơ hội tham quan học hỏi các mô hình các nước láng giềng như Bali, Thái Lan… Vì vậy, chủ yếu các cơ sở của họ chủ yếu là tự phát, do đó sau thời gian không có sự đổi mới và tiếp biến theo xu hướng thế giớ dẫn đến cơ sở của họ dần dần tự cạnh tranh phá giá lẫn nhau, làm cho du lịch cộng đồng càng ngày thụt lùi.
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid 19, thị trường – thị hiếu thay đổi, cách tiêu dùng thay đổi.. các mô hình dần bị lạc hậu nên không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
Hầu như các mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam không có sự nhất quán, thiếu định hướng, tầm nhìn lâu dài và không mang tính chiến lược về giá trị đặc trưng của địa phương nên các mô hình du lịch cộng đồng không có tính đột phá.
Chưa tìm được mô hình du lịch cộng đồng mẫu chuẩn của Việt Nam về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, làng nghề, nông nghiệp, ẩm thực để học tập và nhân rộng cho phù hợp từng địa phương và vùng miền.
Ý tưởng xây dựng mô hình homestay tại An Bàng
Với tư cách là người hướng dẫn, thúc đẩy và chứng kiến quá trình phát triển của An Bàng để đạt được những thành công như ngày hôm nay, tôi không thể phủ nhận sự đóng góp ý tưởng rất lớn từ những người bạn nước ngoài rất yêu mến và tâm huyết với Hội An nói chung và An Bàng nói riêng. An Bàng thật may mắn khi có những người bạn phương xa – những người luôn có tầm nhìn, sự hiểu biết, nắm bắt xu hướng thế giới. Họ là người đã chia sẻ, đã truyền cảm hứng để tôi nhận thức ra những giá trị to lớn mà quê hương mình đang có. An Bàng chỉ cách phố cổ Hội An 4 km nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ yên bình, có không gian văn hóa tốt, rất phù hợp cho mô hình nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu văn hóa. Chính từ đó ý tưởng xây dựng một mô hình homestay đầu tiên ở An Bàng đã ra đời. Với mô hình này tôi muốn trao cho mình một cơ hội có thể thay đổi cuộc sống của gia đình tốt hơn, đồng thời, nhờ vào sức mạnh của sự lan toả, tôi cũng muốn tạo dựng một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Từ chính cộng đồng, dựa vào cộng đồng, chúng ta sẽ giữ gìn được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của An Bàng một cách liền mạch và bền vững nhất.
Mô hình homestay tại An Bàng
- Cách sử dụng, đào tạo nhân lực địa phương:
- Tận dụng tối đa nguồn lực địa phương, đàn ông làm bảo vệ, phụ nữ làm buồng phòng, nấu ăn, làm lễ tân, hướng dẫn khách đi tham quan…;
- Đào tạo theo phương thức cầm tay chỉ việc và hoàn toàn sát thực tế.
- Cách sử dụng tài nguyên:
- Giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống ven biển: Nhà ba gian cùng mái hiên, khuôn bông trên cửa với chức năng lưu thông không khí và giá trị mỹ thuật;
- Giữ nguyên gần như toàn bộ cây xanh trong vườn nhà;
- Giữ nguyên những con đường cát đi bộ xuống biển;
- Cách sử dụng vật liệu địa phương linh hoạt, rẻ và dễ kiếm nhưng vẫn đảm bảo được những giá trị công năng và giá trị mỹ thuật:
- Mái lá dừa;
- Trụ gỗ;
- Nền nhà xi măng;
- Hàng rào bằng tre hoặc gỗ ghe thuyền cũ;
- Trang thiết bị trong phòng được sáng tạo từ những vật liệu tái chế: Khung gương ghép từ cành cây, vỏ ốc sò, đèn treo làm từ củi thu lượm trên bãi biển, trang trí đầu giường bằng ván thuyền cũ…
Với đặc thù của một vùng duyên hải Miền Trung nắng gió vào mùa hè và ẩm thấp vào mùa đông, đòi hỏi phải có sự hiểu biết rõ về cách sử dụng cá vật liệu (tre non sẽ bị mối mọt, gỗ non sẽ dễ nứt nẻ…) để giảm bớt gánh nặng cho công tác bảo trì, bảo dưỡng và giảm chi phí thấp nhất cho đầu tư và tái đầu tư.
Thành công lớn nhất của làng An Bàng
Đã xây dựng một hệ sinh thái bền vững.
- Mô hình homestay dân giã nhưng đậm chất văn hóa bản địa, chạm tới cảm xúc của du khách. Qua sự truyền miệng và “truyền thông” đã thúc đẩy nguồn khách tăng lên theo cấp số nhân dẫn đến các dịch vụ đi kèm cũng phát triển, số lượng homestay tăng nhanh theo từng năm (hiện đã hơn 100 hộ) với những dịch vụ cụ thể:
-
- Spa, xoa bóp trị liệu;
- Siêu thị nhỏ;
- Dịch vụ tham quan, dịch vụ máy bay, tàu xe;
- Dịch vụ cung ứng thuốc và các sản phẩm y tế;
- Dịch vụ may đo trang phục nhanh;
- Nhà hàng từ bình dân đến cao cấp trên bãi biển. Kèm theo hệ thống câu lạc bộ biển (Beach Club)- thể thao nước (water sport) ra đời…
Chính từ hệ thống sinh thái bền vững này đem tới sự hài lòng và hạnh phúc cho cả cộng đồng – Người dân vẫn được ở tại nơi họ sinh ra lớn lên, được làm công việc mà họ yêu thích đồng thời vẫn được tiếp cận với cuộc sống văn minh. Càng ngày nhận thức của người dân càng được nâng cao, họ hiểu được chính xác những giá trị văn hóa cần gìn giữ và phát huy (kiến trúc nhà ba gian, hàng rào tre thân thiện, lễ hội cầu ngư…).
Những vấn đề tồn đọng và một số kiến nghị
- Những vấn đề tồn đọng: Hệ thống hạ tầng cơ sở (điện, nước, hệ thống thóat nước, vấn đề xử lý rác…) vốn trước đây chỉ phục vụ và phù hợp cho đời sống nông thôn của người dân thì hiện nay đang bị quá tải bởi lượng du khách tăng nhanh.
Ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của một số người dân chưa cao, chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt thể hiện trong việc thiếu tôn trọng cảnh quan, bê tông hóa làng quê, mật độ xây dựng lớn và dày đặc.
Đây cũng là những vấn đề tồn đọng trong các khu vực làng khác tại Hội An nói chung, An Bàng nói riêng. - Một số kiến nghị: Cần có quy hoạch đặc thù dành cho vùng nông thôn để phát triển du lịch và giữ gìn văn hóa một cách bền vững
Trích dẫn lời GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, là ý kiến kiến nghị sâu sắc nhất: “Sự hiện thực hóa một chủ trương xã hội, mọi ý tưởng quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn chỉ xảy ra khi người nông dân bị thuyết phục, đem lòng tin và tự nguyện bắt tay vào thực hiện. Những văn bản, những quy hoạch, những đồ án, hình mẫu chưa đủ sức thuyết phục họ, bởi họ vốn thiếu “tai nghe mắt thấy”. Nhà chủ trương, nhà quản lý, nhà kiến trúc cần tạo ra những mô hình trong thực tế, sát với thực tế của từng vùng miền, với những giải pháp vừa đúng vừa hay vừa để bắt chước. Sự bắt chước bởi một vài làng quê, một vài nông dân sẽ có sức lan tỏa hơn bất cứ cuốn sách hoặc thước phim nào. Lâu nay, nhiều ý tưởng sở dĩ chưa đến được với nông dân chính là ở cách truyền tải”.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09010-4-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/09/23A09010-3-380x247.jpg)
Lê Ngọc Thuận
Chủ tịch Hiệp hội Homestay Quảng Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)
The post Phát triển du lịch cộng đồng, triển vọng và thách thức bài học thực tiễn An Bàng – Hội An appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/yIHrqYP
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét