Khái quát chung về chợ tại TP HCM
Qua khảo sát, có thể thấy sự phân bố công trình chợ truyền thống còn hiện hữu trên địa bàn TP HCM là khá đồng đều.
Quá trình biến đổi cùng một số đặc điểm nổi bật của quá trình phát triển chợ truyền thống tại Sài Gòn – TP HCM có thể nhận định tóm tắt như sau:
- Hình thành theo nhu cầu trao đổi hàng hoá, nơi định cư của cư dân, lúc đầu tự phát, nhóm nhỏ, sau có quy hoạch rõ ràng. Phần lớn chợ truyền thống còn tồn tại đến ngày nay là sản phẩm kiến trúc của giai đoạn Pháp thuộc trở lại đây. Không gian chợ trước đó, tiếc là đã không còn. Công tác khảo cổ học cũng chưa phát lộ những vết tích của các khu vực Chợ xưa.
- Vị trí chợ được chọn dựa vào ưu thế thuận tiện giao thông, ban đầu là đường thủy nên gần yếu tố sông rạch, sau là giáp các trục đường bộ huyết mạch, ngã giao các con lộ. Chợ là yếu tố quan trọng trong tổng thể khu dân cư, quan hệ mật thiết với các loại hình kiến trúc khác phục vụ nhu cầu ở, sản xuất, và giao tiếp xã hội; một khi các yếu tố này biến đổi, vị trí, quy mô, vai trò, tính chất và hình thức Chợ cũng thay đổi tương ứng;
- Hình thức Chợ biến đổi từ không gian ngoài trời, có mái che tạm, đến các kiến trúc nhà lồng chợ kiên cố, quy mô. Với bất cứ hình thức nào, Chợ đều là điểm nhấn về cảnh quan cho khu vực do quy mô công trình và hoạt động sầm uất;
- Trong giai đoạn hiện nay, ở các đô thị lớn, chợ dường như thiếu tính cạnh tranh trong thị trường bán lẻ so với siêu thị và các cửa hàng tiện ích. Một số khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (hơn 700ha và 50,000 dân), khu đô thị mới Thủ Thiêm, các dự án khu dân cư,… không còn chú trọng quy hoạch xây dựng “chợ”. Mô hình ở chung cư với khối đế thương mại ngày càng trở nên phổ biến. Sự phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại phức hợp, đáp ứng nhu cầu mua bán và vui chơi giải trí đồng thời, hiện đại thì “chợ” càng mất đi vị trí quan trọng như ban đầu. Theo thống kê, năm 2017 toàn Việt Nam có hơn 1000 siêu thị, tăng lên 4000 vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu mua sắm và giải trí của người dân tầng lớp trung lưu ngày một tăng (16). Chợ truyền thống, trong xu thế cạnh tranh cũng đang nỗ lực thay đổi bằng nhiều hình thức tích cực: Giá cả ổn định, cạnh tranh, hàng hóa tươi sống, trưng bày đẹp mắt, vệ sinh, thái độ tiếp khách niềm nở, lịch sự… Tiểu thương tại một số chợ cũng sử dụng công nghệ trực tuyến để quảng cáo, bán hàng.
- Tại các đô thị lớn, nhìn chung, chợ sỉ vẫn giữ vai trò đầu mối giao thương quan trọng. Ngoài ra, một số Chợ truyền thống có tuổi đời lớn, nổi tiếng tọa lạc tại các lõi lịch sử đô thị, với kiến trúc có giá trị như Bến Thành, Bình Tây… trở thành nét sinh hoạt văn hóa đời sống đặc sắc địa phương, điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đặc trưng không gian kiến trúc cảnh quan Chợ tại Sài Gòn – TP HCM
Qua phân tích sơ bộ chợ truyền thống tại Sài Gòn – TP HCM qua các giai đoạn phát triển có thể thấy:
- Hình thái chợ và không gian xung quanh chợ có mối quan hệ mật thiết với niên đại, hay nói cách khác thời kỳ hoặc giai đoạn xây dựng;
- Tiếp cận vào khu vực chợ và phần mở rộng (dãy phố chợ và dãy phố lân cận trong vòng bán kính 400-500m) của chợ bằng đường thủy do đặc thù địa phương có mạng lưới kênh rạch chằng chịt; sau đó là đường bộ (các trục huyết mạch);
- Đối với các chợ truyền thống xưa, đặc điểm hình thái không gian chợ và các khu vực xung quanh có nhiều biến động: Sự thu hẹp hoặc biến mất của yếu tố nước (Bình Tây, Bến Thành cũ, Bà Chiểu), yếu tố quảng trường (giao thông, ví dụ Chợ Bến Thành), dãy phố chợ…;
Do vậy, việc phân tích hình thái chợ trong bài viết này tập trung vào giai đoạn hiện tại; các thay đổi nếu có quan trọng sẽ được bình luận tương ứng.
Có 03 yếu tố hình thái chính được xem xét phân tích và phân loại (tại thời điểm hiện nay) như sau:
- Yếu tố nước: Sông, hồ, kênh, rạch;
- Kiến trúc: Nhà lồng Chợ, khu phố chợ xung quanh;
- Không gian tiếp cận trực tiếp và gián tiếp đến chợ: Quảng trường chợ, mạng lưới đường phố, trạm/bến xe.
Ngoài ra, các yếu tố nổi bật khác (hình thức, chi tiết trang trí, ý nghĩa văn hóa, lịch sử,…) cũng được tìm kiếm và phân tích nhằm xây dựng bức tranh tương đối hoàn chỉnh cho từng nhóm “chợ”.
Trên cơ sở phân tích đó, chợ truyền thống được xác định có 5 loại/ kiểu chia thành 02 nhóm như sau (đã bao gồm cả các hình thức sửa chữa, xây mới, cơi nới):
Nhóm A: Chợ gắn liền với yếu tố nước (sông, hồ, kênh, rạch):
- Dạng A1: Có yếu tố nước, đường bao xung quanh, có quảng trường phía trước và sau chợ – Nhà lồng chợ có 3 mặt giáp đường, một mặt giáp sông; nhóm này hình thường hình thành trước và trong giai đoạn Pháp thuộc;
- Dạng A2: Quảng trường chia cắt thành hai không gian chợ và nằm cạnh kênh. Quảng trường chợ ở giữa phân chia khu khô (nhà lồng chợ) và khu ướt (không gian thoáng, mở, chỉ có mái che, mua bán thực phẩm, hàng hóa tươi sống). Loại hình thái này phổ biến giai đoạn cuối thuộc địa và thời kỳ VNCH (1930s-1970s);
Tùy vào hình khối nhà lồng chợ mà bố cục mặt bằng có thêm giếng trời, sân trong, và hình thức mặt đứng có cửa sổ mái (bố cục công trình vuông như Bình Tây), cửa sổ lấy sáng 2 bên (bố cục công trình dài như chợ Kim Biên)
Do hình thành và phát triển lâu đời, 02 nhóm chợ này có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lối sống của người dân. Hình thái kiến trúc gắn liền với giai đoạn lịch sử có giá trị nghệ thuật, có nhiều ảnh hưởng tới không gian cảnh quan và hoạt động đô thị xung quanh. Chúng có tiềm năng chuyển đổi thành không gian cho những hoạt động tổ chức biểu diễn, phát triển du lịch chợ đêm tại các quảng trường và không gian ven kênh rạch, đồng nghĩa với việc cải tạo môi trường nước và không gian ven kênh đang bị lấn chiếm và ô nhiễm.
Nhóm B: Chợ ở khu vực trung tâm không (còn) gắn liền với kênh, rạch:
- Dạng B1: Nhà lồng chợ tiếp giáp với 4 con đường, có quảng trường trước và/hoặc sau (Thời kỳ VNCH 1954-1975), có hoặc không tách biệt 02 khu thực phẩm tươi sống và khu khô (Chợ Bà Chiểu ( Q Bình Thạnh) An Đông (Q10);
- Dạng B2: Nhà lồng chợ tiếp giáp với 4 con đường, không có quảng trường; phổ biến ở 02 giai đoạn VNCH – và Độc Lập sau 1975 (Chợ Tân Định, Thủ Đức, Gò Vấp);
- Dạng B3: Không có nhà lồng chợ, bãi đất trống hoặc trong con hẻm hai đầu là đường lớn (Thời kỳ độc lập) Chợ Bàn Cờ, Tôn Thất Đạm, Chợ 200, chợ Cầu Cống (Q4).
Mô hình chợ nào cho TP HCM?
Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước (Nel Arianty, 2017), bên cạnh yếu tố mặt hàng và giá cả thì vị trí và chất lượng phục vụ/dịch vụ là 2 yếu tố quyết định đối với bất cứ cơ sở bán lẻ nào (Fox và Sethuraman (2006), Djojodipuro (1992), Parasuraman, Zeithaml & Berry (1990). Các yếu tố khác về thẩm mỹ kiến trúc công trình, tiện nghi sử dụng bên trong và bên ngoài công trình, chỗ đậu xe… cũng đóng góp không nhỏ vào khả năng thu hút khách của các cơ sở/công trình phục vụ mua bán lẻ (Engel F và các tác giả khác (2001). Theo Teller và Reutterer (2008), có 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sức hút của một cửa hàng/cơ sở mua bán lẻ/chợ:
- Vị trí, khoảng cách đi lại tới khu dân cư lân cận, bãi đậu xe và khả năng tiếp cận tới chợ;
- Người bán hàng và mặt hàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng;
- Môi trường sạch sẽ tiện nghi;
- Sức cạnh tranh của chợ, đó chính là giá cả, sự đa dạng và đầy đủ của các mặt hàng (so với các cơ sở mua bán khác) (Fox và Sethuraman (2006), Thang và Tan (2003). Nói về giá cả, người mua có thể trả giá trực tiếp, và nhiều người bán khác có thể có nhiều giá khác nhau cho cùng một mặt hàng. Do giá cả cạnh tranh trong cùng một “chợ” nên thường giá bán lẻ ở chợ rẻ hơn 20-30% trong siêu thị.
Yếu tố bất lợi nhất của chợ chính là môi trường, được nhìn nhận là chưa sạch sẽ và chưa tiện nghi. Như vậy, dưới góc độ kiến trúc, các giải pháp về tổ chức và quản lý vận hành không gian trong và ngoài chợ là cực kỳ quan trọng.
Với hiện trạng phân bố chợ (quy mô vừa và lớn) như khảo sát khá đồng đều trên toàn bộ các quận huyện tại TP HCM. Hơn nữa, do thực tế có nhu cầu mua bán nhỏ lẻ nên thực trạng bán hàng rong, xe chở rau củ quả, các điểm tụ tập mua bán hàng tự phát khó kiểm soát… Việc quy hoạch khu đất cho ngôi chợ mới tại TP HCM là không thật sự cần thiết; thay vào đó nên tìm giải pháp căn cơ hơn cho các ngôi chợ hiện hữu tên địa bàn, bao gồm cả phương án xây mới thay thế chợ cũ.
1. Quy tắc định hướng bảo tồn, cải tạo và xây mới loại hình kiến trúc chợ- Không có mô hình Chợ nào đóng khung cho bất cứ địa điểm nào. Mỗi vị trí được chọn xây cất chợ truyền thống đều có những câu chuyện thú vị và đầy tính văn hóa, nhân văn. Cần phải được phân tích, làm rõ và xây dựng đề xuất trên cơ sở gìn giữ các giá trị này trong bối cảnh mới, liên kết mới với xung quanh;
- Chợ truyền thống có nhà lồng chợ với không gian nhịp lớn, không gian mở ra xung quanh, tăng khả năng lan tỏa hoạt động và phạm vi ảnh hưởng, phát triển. Điều này khác hoàn toàn với Mô hình chợ mới sau này hay siêu thị đóng kín. Do vậy, dù hoạt động buôn bán trong và ngoài chợ thay đổi, dưới nhiều tác động, không gian chợ chỉ nên thích ứng, không thể cứng nhắc đóng khung. Không gian chợ cần linh hoạt cho nhiều hoạt động như: Ẩm thực, trưng bày bán hàng thủ công mỹ nghệ, biểu diễn giới thiệu sản vật địa phương, bao gồm cả các chương trình loại hình nghệ thuật…
- Không quy hoạch và xây thêm chợ, chỉ sắp xếp và cho phép tổ chức “chợ trời” tại các bãi đất trống, công viên vào thời điểm nhất định; đảm bảo dọn dẹp vệ sinh cho các hoạt động khác diễn ra vào các thời điểm khác nhau trong ngày/tuần/tháng/năm.
2. Giải pháp đề xuất cho từng loại hình thái chợ
Qua việc phân tích các đặc điểm hình thái không gian qua các thời kỳ, quan sát đánh giá hoạt động… bài viết có một số đề xuất như sau:
- Loại A1, A2: Chợ có giá trị lịch sử, khuôn viên, quảng trường rộng, công trình có giá trị kiến trúc và thường ở vị trí trung tâm. Yếu tố nước (sông, rạch, kênh đào) đã xuống cấp, bị lấn chiếm hoặc thậm chí mất đi.
+ Do vậy, để có cơ sở đề xuất giải pháp cần khảo sát hiện trạng kiến trúc kỹ lưỡng, đánh giá kết cấu… để có giải pháp bảo tồn, thay đổi công năng, nâng cấp không gian và sắp xếp, tổ chức hoạt động trong bối cảnh mới, vừa phục vụ cộng đồng địa phương (cả người bán người mua) vừa khách du lịch (Chợ Bình Tây, Bến Thành). Việc quảng bá hình ảnh Chợ truyền thống thông qua các sản phẩm du lịch là cần thiết. Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh Chợ của các đối tượng liên quan: Tiểu thương, dân địa phương và khách vãng lai);
+ Giải pháp kiến trúc bên trong, bên ngoài chợ và dãy phố chợ phải có sự đồng nhất, tôn trọng nhau, đồng nhất (tương đối) giữa các hình thức kiến trúc xung quanh.
- Loại B1: Khuôn viên rộng, có quảng trường, phù hợp nhiều hoạt động tập trung đông người. Do vậy, tùy giá trị kiến trúc (phần lớn phong cách hiện đại – modernism) để có giải pháp cải tạo hình thức, sắp xếp công năng và thêm chức năng mới, đảm bảo chợ và khu vực khuôn viên hoạt động hiệu quả;
- Loại B2: Do vị trí công trình tiếp giáp đường phố, không có khoảng lùi, gây cản trở lưu thông. Ngoài một số chợ có giá trị kiến trúc cao, đại diện cho một thành tựu thiết kế và xây dựng, kết cấu, vật liệu, công nghệ xây dựng, hay yếu tố văn hóa bản địa, gắn liền tên tuổi các vị danh nhân… cần gìn giữ và bố trí sắp xếp công năng phù hợp; Còn lại nên phá dỡ, thiết kế theo mô hình mới phù hợp hơn, thậm chí chuyển đổi sang chức năng công viên, quảng trường mở phục vụ các hoạt động công cộng. Hoạt động thương mại tổ chức theo phiên cuối tuần hoặc chợ đêm.
- Loại B3: Là sản phẩm mang tính “tự phát”, không nên khuyến khích. Loại này gần với mô hình shophouse, tuyến phố thương mại nhưng hình thức lại tạm bợ, nhếch nhác và bình dân hơn. Cần nghiêm túc rà soát, đánh giá và có giải pháp di dời, giải tỏa đưa mô hình Chợ mới vào phục vụ nhu cầu mua bán và nhiều nhu cầu khác phát sinh trong giai đoạn hiện nay, tăng cạnh tranh với các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện ích nhờ giá cả và nét đặc thù.
3. Về hình thức kiến trúc và các họa tiết trang trí
Khác với mô hình siêu thị, trung tâm thương mại khép kín, chợ cần không gian mở, thông thoáng chiếu sáng tự nhiên, linh hoạt sử dụng nhằm khai thác tối đa công suất phục vụ nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào các thời điểm khác nhau.
Đối với nhóm A, cần tuân thủ đúng nguyên tắc bảo tồn đối với các công trình thuộc nhóm A1, A2; mọi yếu tố thêm vào cần cân nhắc tôn trọng và hài hòa với cái cũ.
Đối với các công trình nhóm B, nhóm sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cần phần tích đánh giá để tôn trọng giá trị hiện có nhưng vẫn mang hơi thở đương đại về hình thức và công nghệ xây dựng, vật liệu, thân thiện môi trường, không khuyến khích nhại cổ, rập khuôn.
Lời kết
Chợ truyền thống TP HCM từ phong cách kiến trúc đến quy mô xây dựng mang những giá trị văn hóa đặc sắc qua nhiều giai đoạn lịch sử: Thế kỷ thứ 18 có hình thức kiến trúc đơn giản mái dốc, mở rộng ra các phía, quảng trường rộng cho các giờ họp chợ, phiên họp chợ đông đúc hình ảnh trên bến dưới thuyền. Sau đó, việc họp chợ gói gọn trong không gian nhỏ hơn có mái che (nhà lồng chợ), được phân chia bởi các lưới cột các sạp hàng chen chúc nhau. Không gian bên trong đóng khung che kín hết chỉ chừa các lối đi nhỏ thông qua các quầy sạp. Hoạt động mua bán trao đổi, tuy vậy, thường vượt ra ngoài không gian nhà lồng chợ. Sang thế kỷ thứ 20, nhà lồng chợ còn đóng kín hơn với sự xuất hiện của các cửa ra vào ở các hướng, có kiểm soát đóng mở. Hiện nay, sự xuất hiện các siêu thị, trung tâm thương mại có tiện nghi, văn minh và hiện đại làm chợ mất dần sức hút và hiệu quả họat động buôn bán lẻ cũng như vai trò sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với hơn 8500 chợ trong cả nước, tỉ trọng hàng hóa lưu thông qua “chợ” chỉ còn chiếm 35%-40% tại các đô thị và 50%-70% tại nông thôn; chợ sỉ, đầu mối chỉ chiếm 4-5% lưu lượng (24).
Tuy vậy, những ngôi chợ truyền thống còn lưu giữ những không gian đặc thù riêng qua từng giai đoạn. Người dân (chủ yếu thu nhập trung bình và thấp) vẫn thích đến chợ không những vì hàng hóa, thực phẩm đa dạng, tươi ngon với giá cả hợp lý mà họ đến chợ vì văn hóa ứng xử, lời mời chào của các tiểu thương, giao tiếp xã hội và các câu chuyện đời thường. Nói đến chợ truyền thống người ta không chỉ nghĩ ngay đến hình thức kiến trúc mang tính biểu tượng, tính nhận diện cao, mà còn nói đến không gian xung quanh chợ, dãy phố chợ đã phần nào tạo nên sự gắn kết cộng đồng bằng các sinh hoạt cộng cộng như là nơi hợp chợ phiên, chợ đêm và các lễ hội truyền thống được tổ chức vào các ngày trong năm. Đó chính là những lý do tại sao chợ đến thời kỳ hiện đại này, không chỉ ở Tp. HCM mà cả những nước rất phát triển vẫn gìn giữ chợ truyền thống, lồng ghép các hoạt động văn hóa đời sống cộng đồng và du lịch.
Trong một số hoàn cảnh, khi thiết kế cải tạo chợ mới, cần xem xét đánh giá có hệ thống các giá trị lịch sử, kiến trúc, và tiềm năng của từng công trình và không gian xung quanh, tùy theo nhóm hình thái mà có những đề xuất phù hợp. Cần chú ý tạo ra những không gian kết nối sân trong và khu vực quảng trường chợ để phục vụ cho chợ phiên và các hoạt động mua bán ngoài trời, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng vốn đã định hình từ trước.
Vũ Thị Hồng Hạnh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Nguyen Phú, (2017) Chợ truyền thống tại Sài gòn HCM, Luận văn Thạc sỹ, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM
2. Ký Họa Về Đông Dương: Nam Kỳ. TP. Hồ Chí Minh : Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, 2015.
3. Lương Minh, Cát Ngọc (2007), Đời chợ, Nhà xuất bản Trẻ.
4. The Hong Kong Institute of Architects (2005), A study on historical and architectural context of Central Market.
5. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, người dịch Lý Việt Dũng, NXB Tổng Hợp Đồng Nai (2004)
6. Đàm Trung Phường (2005), Đô thị Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội
7. Sơn Nam (2000), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nhà xuất bản trẻ TP HCM
8. Nhiều tác giả (2013), Sài Gòn xưa và nay, Nhà xuất bản Hồng Đức;
9. Thúy Hải (2009), Thực trạng chợ tại TP HCM, https://ift.tt/2YKEapc, Ngày 29, tháng 9, 2017
10. Annabel Gallop, 2017, Vietnamese traditional markets, Asian-and-African Studies Blogs, British Library ( https://ift.tt/3pO1q1n)
11. George Finlayson, The Mission to Siam and Hue, the Capital of Cochin China in the years 1821-2. London: John Murray, 1826.
12. Henri Oger, Introduction générale a l’étude de la technique du peuple annamite. Paris: Geuthner Librarie-Éditeur, [1909].
13. Hữu Ngọc, Wandering through Vietnamese Culture. Hanoi: Thế Giới, 2012.
14. Trịnh Khắc Mạnh. Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia. Hà Nội: Khoa học xã hội, 2015.
15. Tomoya Onishi, 2019, Vietnam’s traditional markets fight supermarkets with social media, Vietnam Insider https://ift.tt/3tprMZM)
16. Vietnam News, 2017, Traditional markets needs more funds, Vietnam News (https://ift.tt/3rrh7Mt)
17. https://ift.tt/3tjI5am
18. https://ift.tt/3jjCzQG
19. https://ift.tt/3cFGGoE
20. Nel Arianty.2017, Difference analysis of modern market and traditional market strategy based on layout and quality of service. Int J Recent Sci Res. 8(3), pp. 16082-16088. DOI: https://ift.tt/3cRWQf1 (https://ift.tt/3jh3AUz)
21. Engel, James. Blackwell, Roger. Miniard, Paul. Consumer Behaviour, 9th ed. 2000
22. Sara Gonzalez & Gloria Dawson, 2015, Traditional Markets under Threat: Why it’s happening and what Traders and customers can do
23. Andreea Tron, 2016, The Marketplace: Bringing back the public space inside the market, Graduation project TU Eindhoven, Faculty of Architecture
24. Thiên Ngân, 2020, Chợ truyền thống đuối sức, tạp chí vnexpress (https://ift.tt/356b8mF)
The post Chợ truyền thống tại Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh (Phần 2) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3roIjLs
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét