Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu): Chắt lọc những giá trị văn hoá miền Tây Nam Bộ

Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu được hoàn thành năm 2014 và từ đó trở thành một công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc, một trong những biểu tượng văn hoá tiêu biểu của miền Tây Nam Bộ.

KTS Vương Hoàng Lê chia sẻ: “Khi nhận lời mời thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đàn ca tài tử là di sản văn hóa thế giới, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất giàu chất văn hóa này, tìm hiểu về bộ môn cải lương đã thấm đẫm trong dòng máu của người dân nơi đây. Với mong muốn thiết kế một công trình nhà hát truyền tải được những giá trị văn hóa lịch sử nhưng đồng thời cũng phải thật quen thuộc gần gũi, hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng của người nông dân trên cánh đồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phương án thiết kế. Bởi lẽ, không gì gần gũi hơn với người dân Việt Nam là chiếc nón lá từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt và cả trong thơ ca …”

“Đặt con người làm trọng tâm, chắt lọc bản sắc cá nhân làm dữ kiện nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm thiết kế độc đáo đặc trưng cho từng công trình” – KTS Vương Hoàng Lê

Công trình Nhà hát Cao Văn Lầu là tổ hợp gồm 3 chiếc nón lá, 2 chiếc nón lá được đặt úp vào nhau, một nón nhỏ thứ 3 tạo ra thế cân bằng – Đó là một tổ hợp mặt bằng được kết nối hài hoà, có khối chính, khối phụ, khối sân khấu, khối triển lãm…. Trong quá trình thiết kế, KTS Vương Hoàng Lê đã cố gắng giữ lại tối đa các yếu tố tự nhiên, phía sau là rặng dừa gần như được giữ nguyên, còn phía trước là hồ nước được mở rộng và cải tạo thành hồ sen nhằm tạo lối đi vào nhà hát chìm xuống mặt nước, đồng thời với việc khai thác hiệu ứng ánh sáng vào ban đêm để hình ảnh của công trình nhà hát được chiếu rọi xuống mặt nước, trở nên lung linh, huyền ảo.

Trong mỗi thiết kế của mình, KTS Vương Hoàng Lê luôn cố gắng tìm tòi, chắt lọc những bản sắc riêng để xác định đúng “ADN” của con người, khai thác nét đặc trưng riêng của mỗi vùng đất. Khi đó công trình sẽ mang được dấu ấn bản địa, đồng thời vẫn mang hơi thở của thời đại. Anh cho biết: “Sẽ khó có một mẫu số chung khi nói về vấn đề bản sắc. Hiểu một cách đơn giản nhất, bản sắc chính là khi công trình phù hợp với người sử dụng, phù hợp với các điều kiện của vùng đất đó. Khi KTS chắt lọc được những gì thuộc về giá trị bên trong, cốt lõi của người sử dụng hay của một vùng đất là khi đó họ đã “chạm” tới bản sắc trong thiết kế kiến trúc.”

KTS Vương Hoàng Lê cũng chia sẻ sẽ tiếp tục cùng các cộng sự theo đuổi quan điểm thiết kế đã xây dựng trong suốt những năm qua. Song song với đó, anh sẽ tìm kiếm các đối tác nghiên cứu phát triển công nghệ, vật liệu mới để thiết kế các công trình mang tính đột phá về kết cấu, không gian, thỏa mãn được sự sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Kim Thúy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)

The post Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu): Chắt lọc những giá trị văn hoá miền Tây Nam Bộ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3r50VR6
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét