Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Giải thưởng Loa thành lần thứ 32: Khuyến khích các giải pháp cân bằng tính nhân văn

Lễ Trao Giải Thưởng Loa Thành lần thứ 32, dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của các trường Đại học có đào tạo chuyên ngành về xây dựng, kiến trúc trên cả nước đã được trang trọng tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vào cuối tháng 12/2020.

Giải thưởng Loa Thành do Bộ Xây dựng, Tổng Hội xây dựng Việt Nam, Hội KTS Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cùng phối hợp tổ chức luân lưu theo các năm. Năm nay, Giải thưởng Loa thành lần thứ 32 đã có 18 trường trong toàn quốc tham gia. Số lượng dự thi theo chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch nhiều nhất, 104 đồ án, trong đó, có 35 đồ án nhận được giải thưởng với 2 giải Nhất, 7 giải Nhì, 12 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.

Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch 2020, hầu hết các đồ án đã không lấy đề tài giả định và thiên về hình thức mà đều là đề tài có địa chỉ cụ thể với quy mô phù hợp với đồ án của SV, nhất là đối với các đồ án Công trình công cộng và quy hoạch; Thể loại công trình văn hóa đa dạng và thể hiện năng lực sáng tạo độc đáo của sinh viên. Sự kết hợp hài hòa với điều kiện tự nhiên của địa điểm xây dựng cũng như khai thác các đặc điểm và giá trị văn hóa địa phương theo hướng kiến trúc xanh được trú trọng trong xây dựng ý tưởng và thiết kế công trình. Về quy hoạch, khác với mọi năm, quy mô của các đồ án quy hoạch không lớn nhưng đã hội tụ khá nhiều ưu điểm rất cần được khuyến khích. Đồ án sinh viên mà dường như đạt được tính nhân văn và hiện thực.


Chia sẻ thêm về các đồ án đạt giải cao, GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Kiến trúc Quy hoạch cho biết: “Điểm mạnh cần được khuyến khích năm nay là: SV chú trọng đề xuất giải pháp sáng tạo, hướng tới sự cân bằng giữa Con người – Tự nhiên – Kiến trúc. Đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” đoạt giải Nhất là minh chứng. Ở đó tác giả kể câu chuyện bảo tồn làng nghề truyền thống đậm chất Nam Bộ bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, nhẹ nhàng và đầy lãng mạn. Hay đồ án “Hải Vân quan” đạt giải Nhì cho thấy rõ sự tôn trọng cảnh quan thiên nhiên và di sản kiến trúc trong một tổng thể kiến trúc mới, để thiên nhiên và di sản sống cùng với cuộc sống đương đại. Đồ án “Những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh” đoạt giải Nhất, làm sống lại các không gian ở bên song phía “sau” nhà bị lãng quên – một không gian sống mang bản sắc của chính cộng đồng nơi chốn ấy. Đồ án sinh viên mà dường như đạt được tính nhân văn và hiện thực.”

Riêng đối với kiến trúc nhà ở, vốn là đề tài khó, thường ít được sinh viên quan tâm. Năm nay, số lượng các đồ án về nhà ở nhiều hơn hẳn và có chất lượng khá đồng đều. Bài đọat giải nhì cho thấy tư duy tổ hợp khối và tổ chức căn hộ đa dạng, có tính đột phá và tiệm cận với xu hướng thiết kế nhà ở tiên tiến ở khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, kiến trúc cho đồng bào ở những vùng còn khó khăn hay những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc vấn đề nhà ở xã hội ở đô thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng đồ án đoạt giải cao năm nay được phân bố khá đều ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trong số 2 giải nhất Loa Thành 2020, ngoài giải thuộc về Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thì trường Đại học Khoa học Huế đoạt giải nhất Loa Thành cho thấy sự vươn lên tích cực của các trường khu vực miền trung, là điểm mới rất đáng trân trọng.

Giới thiệu các đồ án nhận Bằng
“Sáng tạo Kiến trúc” của Hội KTS Việt Nam (2 Giải Nhất và 7 Giải Nhì Giải thưởng Loa Thành 2020)

Giải Nhất:

Đồ án Bảo tàng Lãnh Mỹ A – CC17 – Phạm Duy Tân – ĐH Kiến trúc TP. HCM

Nhận xét của Hội đồng: Đồ án giải quyết tốt bài toán quy hoạch với mục tiêu kết nối các điểm du lịch khu vực Tân Châu, An Giang bằng các giải pháp tổ chức giao thông, gắn các trục bố cục công trình theo địa hình cảnh quan tự nhiên cũng như tổ chức lối vào – điểm hút; Xử lý hài hòa các trục dọc tiếp nối các không gian chức năng chính; Trưng bày, trình diễn, trải nghiệm, nghiên cứu cùng các không gian phụ trợ, công cộng khác. Đặc biệt, đồ án sử dụng thành công màu sắc, không gian trống, đục – rỗng, mặt nước, cây xanh… trong các giải pháp mặt đúng, mặt bằng, mặt cắt phục vụ cho một ý tưởng xuyên suốt mô phỏng hình tượng hóa tấm lụa Tân Châu – Lãnh Mỹ A; Hình khối và ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, vật liệu và kết cấu có tính khả thi cao, tiếp cận xu hướng bền vững; Khả năng thể hiện, trình bày đồ án rất tốt, ấn tượng, có sức thuyết phục cao đối với một đồ án SV.

Đồ án Góc sân sau – Những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh – QH16 – Lê Quốc – ĐH Khoa học Huế

Nhận xét của Hội đồng: Sinh viên đã sử dụng các phương pháp tiếp cận từ tổng thể đến các giải pháp chi tiết nhằm giải quyết các tương tác giữa Con người – Tự nhiên – Kiến trúc. Không chỉ là các giải pháp kiến trúc, tác giả còn xác lập các chỉ giới để làm cơ sở quản lý kiểm soát cho cộng đồng cũng như cơ quan quản lý chuyên trách. Các giải pháp được đề xuất để cải thiện, đem lại những giá trị mới, sức sống mới cho những khoảng lặng nơi sân sau của từng ngôi nhà, từng khoảng đất trống ven mặt nước trở thành không gian kết nối tương tác con người với cộng đồng, kết nối con người với tự nhiên, và quan trọng hơn ý thức trách nhiệm của con người với cộng đồng và môi trường sống được nâng cao; có tính khả thi cao.

Giải Nhì:

Trung tâm trưng bày và nghiên cứu sinh học Savana Đồng Tháp Mười – CC16 – Nguyễn Tiền Phong – ĐH Kiến trúc TP. HCM

Nhận xét của Hội đồng: Từ ý tưởng “Dấu gạch nối giữa rừng và đô thị” đồ án thiết lập một không gian công cộng với chức năng trưng bày và nghiên cứu nằm giữa Thị trấn Tràm Chim và Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng chính là tiền đề cho giải pháp quy hoạch. Đồ án đã có cách tiếp cận khá tốt với các gạch nối: hình thức kiến trúc, cảnh quan, sinh học, ứng xử với tự nhiên, hình học và không gian; Bố cục, hình khối đơn giản nhưng phóng khoáng mang chất miền Tây; Công năng sạch sẽ, giải quyết tốt bài toán về kiến trúc cảnh quan để đưa công trình hòa nhập với thiên nhiên; Nghiên cứu để sử dụng hiệu quả vật liệu địa phương; Trình bày tốt, có tính thuyết phục.

Hải Vân Quan – CC43 – Nguyễn Hải Ninh – ĐH Xây dựng

Nhận xét của Hội đồng: “Đồ án tạo lập hai không gian cũ và mới trên quần thể Di tích Quốc gia Hải Vân Quan như một thể thống nhất với ý tưởng rõ ràng: Giao thoa và Kết nối, trên cơ sở cái Mới “nép mình” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để tôn vinh cái Cũ. Theo đó, khối công trình mới bao gồm: khu vực dừng chân (Nhà hàng, lưu niệm…); triển lãm Hải Vân Quan và triển lãm về lịch sử hình thành Huế, Đà Nẵng được thực hiện bằng một giải pháp khá táo bạo, nương vào sườn núi và địa hình – đường đồng mức để không lộ ra một khối công trình 4 tầng cao.

Đường và Đạo – Dụng của cái Không – QH01 – Nguyễn Thị Thúy Ngân, Nguyễn Thị Ngọc – ĐH Kiến trúc Hà Nội

Nhận xét của Hội đồng: Không gian và kiến trúc liên quan đến các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung. Đề tài đã lựa chọn chủ đề hết sức cần thiết cho khu vực thuộc Vành đai 3 của Thủ đô, với cách tiếp cận tối ưu hóa việc sử dụng không gian trống: Cân bằng năng lượng: Liên kết – Sinh thái học đô thị – Thích ứng. Đồng thời, phương án đem lại hơi thở và các giá trị mới, sáng tạo cho cộng đồng, gia tăng tiện ích đô thị và khu vực, tăng giá trị văn hóa, cảnh quan, kiến trúc và giá trị Bất động sản cho các khu vực mà lâu nay ít được quan tâm thiết kế khai thác.

QH chi tiết khu dân cư kết nối xanh khuyến khích giao thông không động cơ thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp. HCM – QH06 – Trần Mộng Diễm Mi – ĐH Tôn Đức Thắng

Nhận xét của Hội đồng: Nhóm tác giả hướng đến giảm thiểu giao thông động cơ trong khu dân cư với các giải pháp đảm bảo: Khai thác được các giá trị cảnh quan mặt nước kênh rạch, tận dụng hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên xung quanh; Dựa vào điều kiện cơ hội tạo lập các trục/ tuyến/ mảng xanh để hình thành cấu trúc dựa trên không gian xanh, theo đó là cơ sở tạo ra các liên hệ sử dụng phương tiện không cơ giới như đi bộ , đi xe đạp …; Tổ chức không gian các khu chức năng dựa trên cấu trúc xanh ( mảng xanh / hệ thống tuyến hành lang Xanh, lõi xanh ); Hệ thống cây xanh gắn với các không gian tuyến đi bộ đến tới từng đơn vị ở, nhóm nhà ở; Đảm bảo khả năng tiếp cận hiệu quả nhất cho người sử dụng đến với các dịch vụ hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng…

Khu nhà ở Thụy Khuê – NƠ09 – Nguyễn Thị Thùy – ĐH Kiến trúc Hà Nội

Nhận xét của Hội đồng: Mục đích đồ án là đưa ra giải pháp “Sống Cộng sinh” với thiên nhiên, nhằm mang lại chất lượng sống tốt cho con người sinh sống nơi đây. SV đã biến một bố cục thông thường, cơ bản thành một tổ hợp năng động, tạo lập những khoảng không biến đổi cho cả khu nhà, tăng khả năng thông thoáng tự nhiên và diện tích cho cây xanh phát triển; hình thức căn hộ đa dạng, từ đó tạo nên một mặt đứng kiến trúc đẹp và hấp dẫn; cấu trúc căn hộ mỏng, nhiều khoảng trống xung quanh nên giải pháp tối đa hóa thiết kế thụ động là rất tối ưu. Tuy có những hạn chế nhỏ về bố cục không gian bên trong của từng căn nhưng SV đã chứng tỏ là một nhân tố triển vọng, có phương pháp phân tích và nghiên cứu bài bản, khoa học và logic; Đồ án thể hiện đẹp, nghiêm túc.

Nhà hàng Tây Ban Nha – NT03 – Đinh Xuân Quỳnh – ĐH Kiến trúc TP. HCM

Nhận xét của Hội đồng: Sinh viên đã rất biết cách tìm đề tài cho đồ án nội thất để phô diễn hết kỹ năng mà mình đang có, thể hiện rất tốt về ý tưởng và cân nhắc lựa chọn một cách sáng tạo, vừa đủ để tạo ra một nhà hàng đậm chất Văn hóa Tây Ban Nha sống động; Ngoài ra, đồ án thiết kế cũng được thể hiện rất rõ ràng, mạch lạc, cách trình bày đẹp, đã thể hiện được bản vẽ kỹ thuật, cấu tạo, giải pháp sử dụng vật liệu, lựa chọn màu sắc cho nội thất.

Trang trí công trình Khách sạn “Hội An” – NT05 – Đỗ Thị Ly Nin – ĐH Hoa Sen

Nhận xét của Hội đồng: Với đồ án thiết kế này, sinh viên đã làm được rất tốt về mặt ý tưởng trên cơ sở dày công nghiên cứu, tìm tòi, chắt lọc các tài liệu tham khảo, minh họa từ các công trình hiện hữu; Sinh viên đã biết chọn lựa những nét đẹp trong văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của TP Hội An, đan xen kiến trúc Nhật Bản, Châu Âu, từ đó đề xuất một phong cách nội thất ấn tượng, xuyên suốt trong tất cả không gian chung và riêng của khách sạn này.

Hạnh Ngân (Thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)

The post Giải thưởng Loa thành lần thứ 32: Khuyến khích các giải pháp cân bằng tính nhân văn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3tddnQl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét