Trong vài năm gần đây, các đô thị tại Việt Nam đang hình thành một số xu hướng và tư duy mới trong quy hoạch kiến trúc. Trong số đó, đáng chú ý có các xu hướng quy hoạch kiến trúc đô thị sân bay, xu hướng phát triển phức hợp công trình y tế kết hợp với các công trình đa chức năng, giúp tạo tiền đề cho việc hình thành các khu đô thị sức khỏe, và xu hướng xây dựng dự án các khu phố đi bộ lớn trong nội thành…
Từ Quy hoạch sân bay đến Quy hoạch kiến trúc đô thị Sân bay
Yêu cầu phối hợp tốt hơn giữa quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị là một vấn đề nóng, được thảo luận trong nhiều hội thảo trong hai năm vừa qua tại các tỉnh thành, tổ chức bởi Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và Bộ Xây dựng. Trong đó, đô thị sân bay là vấn đề được quan tâm nhiều nhất của giới KTS và các nhà lãnh đạo địa phương.
Đô thị sân bay (Airport City) đang là một xu hướng phát triển mới trong thế kỷ 21, rất được quan tâm và phát triển tại nhiều đô thị trên thế giới như Singapore, Amsterdam, London, Paris,… Tuy không phải sân bay của đô thị nào cũng có thể phát triển thành đô thị sân bay, nhiều sân bay quốc tế của các đô thị lớn tại Việt Nam như Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Long Thành (Đồng Nai) hoàn toàn có tiềm năng lớn về chỉnh trang hoặc phát triển các dự án đô thị sân bay.
Trong kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2045 và tầm nhìn 2050, TP đã chủ trương nghiên cứu quy hoạch lại sân bay Đà Nẵng và khu đô thị lân cận theo định hướng đô thị sân bay.
Trước sự lo ngại về đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng đến nơi khác (xa trên 100 km), để lấy đất phát triển dự án khu đô thị có thể làm mất vị thế trung tâm vùng của Đà Nẵng, trong nhiều hội thảo tại Đà Nẵng, một số chuyên gia trong nước và nước ngoài (Hòa Lan, Mỹ, Singapore…) đã đề xuất nên giữ lại và phát triển thành Đô thị Sân bay. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7451 ký ngày 21/8/2019 về việc Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu vấn đề Quy hoạch Đô thị Sân bay Đà Nẵng. Tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải và UBND TP Đà Nẵng tiếp thu ý kiến các bộ, tổ chức triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tích hợp vào trong điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đà Nẵng có thể sẽ là một điển cứu nổi bật để nhân rộng về sau, vì đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển xây dựng đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở chỉnh trang sân bay quốc tế hiện hữu và chỉnh trang khu đô thị lân cận trong tương quan kết nối với các khu trung tâm đô thị khác của Đà Nẵng.
Để có thể phát triển đô thị sân bay, cần có tư duy mới, đột phá, khơi thông các ngộ nhận theo cách tư duy cũ, đơn ngành, bảo thủ về cách nhìn đối với phát triển cảng hàng không quốc tế và phát triển đô thị xung quanh, phải thay đổi tư duy “đô thị đến đâu dời sân bay đến đó”, đặc biệt là cần thay đổi yêu cầu việc nghiên cứu và trình duyệt quy hoạch đô thị phải tích hợp cùng lúc với việc quy hoạch sân bay, thay vì tiếp tục cách làm cũ từ nhiều thập niên qua là tách rời việc quản lý và phê duyệt quy hoạch sân bay với việc quản lý và phê duyệt quy hoạch các khu đô thị lân cận.
Từ phức hợp Công trình Y tế đến Khu Đô thị Sức khỏe
Trong bối cảnh dịch Covid lan rộng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống kinh tế xã hội trên toàn cầu, Hội KTS Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc đã đồng hành tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện, và hoạt động thể hiện các nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn trong việc ứng phó với dịch bệnh, nhìn từ góc độ quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý đô thị, … Trong số đó, đáng chú ý có Hội thảo “Giải pháp thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại” và Lễ trao giải “Cuộc thi ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến” tại Hà Nội vào tháng 7/2020.
Đứng về mặt nhu cầu cấp bách ngắn hạn, phải nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến chỉ trong thời gian ngắn, tính bằng đơn vị tuần, để kịp thời phục vụ cho việc khám chữa bệnh hoặc cách ly cho hàng ngàn bệnh nhân trong thời kỳ dịch bệnh, như tình huống đã và đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, nhiều phương án của các tác giả trẻ đã đưa ra nhiều giải pháp đơn giản, tiết kiệm, mà lại hiệu quả, tận dụng các cơ sở vật chất tạm thời đóng cửa trong thời gian dịch bệnh như sân vận động, ký túc xá, trường học, các khu đất trống,…
Nhìn về tương lai dài hạn, nhiều bài tham luận hội thảo đã giới thiệu nhiều hình thái và cách tiếp cận mới trong việc tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc và cảnh quan của các công trình bệnh viện.
Theo quan niệm truyền thống, hệ thống công trình y tế đô thị thường bao gồm những cụm công trình độc lập, thường được bố trí phân tán theo phân cấp như: Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa, Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa khu vực, Trạm y tế, Nhà hộ sinh, Nhà điều dưỡng, Trung tâm phục hồi chức năng, chỉnh hình, Nhà dưỡng lão, Trung tâm phòng chống dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm sức khỏe sinh sản, Trung tâm bệnh xã hội, Trung tâm kiểm nghiệm dược, vắc xin, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, Khu chăn nuôi động vật thí nghiệm; và các cơ sở y tế khác…
Theo quan niệm mới, công trình y tế, đặc biệt là bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, không chỉ đơn giản là cơ sở khám chữa bệnh, mà còn là thành phần không thể tách rời cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, và cung cấp thông tin sức khỏe cho cộng đồng.
Trong đó, điều đáng chú ý là quan niệm thiết kế công trình y tế nói chung, và bệnh viện nói riêng, đang được thay đổi với bộ mặt mới thân thiện hơn, không còn được xem một thể loại công trình tách rời, mà ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với những chức năng khác của đô thị, góp phần cho sự hình thành và phát triển những Khu Đô thị Sức khỏe (Health City), là loại hình đô thị chưa từng có trước đây.
Khu Đô thị Sức khỏe là nơi mà các bệnh viện lớn nhỏ và các cơ sở nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe đóng vai trò trung tâm, kết nối mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau với những khu chức năng đô thị khác có liên quan, để tạo nên những khu sinh hoạt cộng đồng đa dạng đan xen với nhau, phục vụ cho các mục tiêu khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên khoa y tế, thông tin phòng chữa bệnh, và các hoạt động giúp nâng cao sức khỏe người dân.
Mô hình tổ chức Khu Đô thị Y tế (Bệnh viện Trung tâm – Trường Đại học – Dịch vụ Thương mại – Khu Dân cư Sức khỏe…) với hạ tầng kết nối thông minh có sẵn, không những tạo bên bản sắc khu đô thị sức khỏe tương lai, phục vụ cho nhu cầu đặc thù của một số nhóm cộng đồng, mà có thể là tiền đề quan trọng cho việc có thể tổ chức thành một mạng lưới các trung tâm y tế dài hạn, và cũng có thể mở rộng nhanh và tạm thời với quy mô lớn vài chục lần (tạm chuyển đổi chức năng từ ký túc xá, lớp học, cơ sở thể dục thể thao,… thành cụm các khu bệnh viện dã chiến trong vùng đô thị), toàn bộ được liên kết mạng để chia sẻ thông tin và hội chẩn với nhau qua hệ thống tele-health toàn cầu, để có thể đáp ứng nhanh và chi phí xây dựng thấp cho nhu cầu khẩn cấp lên đến hàng chục ngàn giường bệnh, trong những tình huống ứng phó dịch bệnh nguy hiểm, tương tự như Đại dịch Coronavirus vừa qua.
Từ phố đi bộ đến Khu Trung tâm thân thiện cho người đi bộ
Vài năm gần đây, đang có một trào lưu phát triển các phố đi bộ tại các đô thị lớn. Bên cạnh các phố đi bộ cổ xưa đang được quan tâm chỉnh trang nâng cấp như Phố cổ Hội An, 36-Phố phường (Hà Nội), thì có các chương trình phát triển phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố đi bộ Bùi Viện, và Phố sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM), Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và Phố sách 19/12 (Hà Nội), Phố đi bộ Khu Hòa Bình (Đà Lạt), …
Việc phát triển phố đi bộ đem lại nhiều giá trị tích cực phục vụ cho cộng đồng như giúp gia tăng diện tích không gian công cộng và không gian xanh, khuyến khích phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ, thương mại, du lịch, và giao lưu kết nối cộng đồng,… Mặt khác, đây cũng là cách tổ chức lại nền kinh tế vỉa hè một cách có quy hoạch bài bản hơn, trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng khắp nơi, làm cho người đi bộ thường phải đi xuống lòng đường vì lề đường đã bị chiếm dụng hết.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn về cách làm phố đi bộ của các tỉnh thành, có thể nói thẳng thắn là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tạo được các mô hình tổ chức đủ tốt và hiệu quả trước khi có thể nghĩ đến việc nhân rộng, và do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh trang, điều chỉnh cách tổ chức quy hoạch, kiến trúc, hoạt động, …
Cụ thể, trong bối cảnh các khu phố đi bộ tại TP HCM đang chưa được hoàn hảo và cần được chỉnh trang tốt hơn (Khu phố đi bộ Nguyễn Huệ thiếu cây xanh, quá nóng ban ngày do diện tích bê tông hóa quá cao, thiếu kết nối phối hợp tốt với không gian trước và bên trong các công trình đa chức năng hai bên; Khu phố đi bộ Bùi Viện ngày càng có nhiều vấn đề về an ninh trật tự và vệ sinh, đang chuyển hướng thành phố ăn nhậu…) thì TP đang có dự tính phát triển siêu phố đi bộ tại khu vực trung tâm.
Trước hết, cần phân biệt tách rời rõ rệt hai phương thức: (1) “Phố đi bộ” (Pedestrian Street) là phố tổ chức không cho đường cắt ngang theo cách làm của phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Hội An; (2) “Phố Thân thiện cho người đi bộ” (Pedestrian Friendly Street) thì ưu tiên cho người đi bộ, nhưng vẫn có thể cho phép giao thông cắt ngang có lối qua đường với đèn đỏ. Cách tổ chức đô thị truyền thống thường đã tổ chức theo cách này, nhưng ngày nay có thể nâng cấp với cách tổ chức cảnh quan và tiện ích khác cho ngưới đi bộ (áp dụng cho cả hai khái niệm trên) như cây xanh và mái nhẹ che mưa nắng, ghế ngồi, các điểm dịch vụ thương mại, bán báo, trụ điện thoại hoặc thông tin mạng, …
Như vậy, nếu TP HCM tổ chức một siêu phố đi bộ như phương thức (1) với diện tích quá lớn thì sẽ có thể gây nhiều nguy cơ ách tắc giao thông, và nhiều vấn đề về bãi xe và cách tiếp cận tiện lợi cho cư dân trong vùng.
Thay vào đó, nếu chỉnh trang toàn bộ các tuyến đường chính trong Khu Trung tâm (có thể bắt đầu từ giai đoạn đầu với toàn bộ Quận 1, sau đó mở rộng ra toàn bộ khu trung tâm hiện hữu bờ Tây, đặc biệt là trong khu vực bán kính 1 km tính từ vị trí UBND TP HCM) theo phương thức (2), trở thành “Phố Thân thiện cho người đi bộ”, tức là vẫn cho xe lưu thông, nhưng phải đảm bảo toàn bộ vỉa hè đều có thể đi bộ được, có lối băng qua đường an toàn, riêng vỉa hè nào đủ rộng thì có thể chỉnh trang để bố trí buôn bán lề đường hoặc đậu xe,… Kinh phí chỉnh trang sẽ không cao, vì chỉ cần tạo các vạch sơn phân vùng (màu xanh lá dành cho người đi bộ, màu vàng cho phép kinh doanh dịch vụ, màu đỏ là cấm xâm phạm), trong khi các hạng mục chỉnh trang khác có thể thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp được lợi ích hai bên phố.
TP HCM chỉ nên làm Phố đi bộ phương thức (1) với quy mô vừa phải. Thay vì làm “siêu phố đi bộ”, TP nên có chính sách trả vỉa hè lại cho người đi bộ cho ít ra là toàn bộ khu trung tâm và chỉnh trang theo phương thức (2), nếu chưa thể làm cho toàn TP, vì không gian vỉa hè là của công, nhưng đa số hiện nay đều bị lấn chiếm cho lợi ích riêng, do đó người đi bộ hiện nay không thể sử dụng. Việc trả vỉa hè lại cho người đi bộ còn là một bước quan trọng hàng đầu cho việc thực hiện dự án phủ kín bán kính phục vụ giao thông công cộng cho khu nội thành, để người dân có thể dễ dàng đi bộ từ trạm này sang trạm kia để chuyển tiếp.
Ngoài ra, quy hoạch phố đi bộ phải phối hợp giữa Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch Kiến trúc, vì nếu không gắn kết với quy hoạch thiết kế đô thị thì vẫn không đổi mới thật sự bộ mặt đô thị, ví dụ như quy hoạch tuyến phố cần phải gắn với quy hoạch mặt đứng công trình (mái che, arcade, cây che bóng mát … ) sao cho có thể đảm bảo cho người đi bộ được che mưa nắng suốt tuyến, và quy hoạch chức năng sử dụng và không gian nội ngoại thất của công trình liên thông tốt hơn với phố đi bộ.
Quảng trường Thủ Thiêm do chưa được xây dựng, nên cần được xem xét lại việc chuyển sang vị trí đối diện với Phố Đi bộ Thủ Thiêm, để không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu trung tâm cũ và mới được kết nối hoàn mỹ hơn, tạo được một không gian thống nhất với bản sắc quy hoạch kiến trúc tiếp nối và liên thông từ không gian trung tâm lịch sử (Quảng trường – Phố đi bộ Nguyễn Huệ với điểm nhấn chính là UBND TP HCM và các công trình di sản lân cận) sang không gian trung tâm mới hiện đại (Quảng trường Thủ Thiêm với điểm nhấn chính là các công trình hiện đại về kinh tế tài chính và văn hóa), kết nối trực tiếp bởi cầu đi bộ kết hợp với trục xe điện nhẹ, để hình thành một không gian công cộng xanh, hoành tráng, hấp dẫn, xứng tầm với vị thế tương lai của TP HCM trong vai trò trung tâm của một Vùng Đô thị hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020 )
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Bảo Uyên, 2020 – Phỏng vấn KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thay vì “siêu phố đi bộ”, nên trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Báo Phụ nữ 7/10/2020.
– Ngô Viết Nam Sơn. 2017 – Tầm nhìn tương lai cho sân bay Tân Sơn Nhất – Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Vietnamese). N. 26-2017. 29/6/2017. Pp 12-14.
– Ngô Viết Nam Sơn, 2020. Những Yếu tố quan trọng tác động đến thay đổi Quan niệm Quy hoạch Kiến trúc Công trình Y tế Đầu Thế kỷ 21. Pp. 10-13. Kỷ yếu Hội thảo “giải pháp thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại”. Bộ Y tế và Hội KTS Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc – Hà Nội 07/2020.
– Văn phòng Chính phủ, 2019. Công văn số 7451/VPCP-CN, ký ngày 21/8/2019, về Ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng.
The post Một số xu hướng và tư duy mới trong quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3rg3wYi
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét