Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Kiến trúc phố phường

Kiến trúc như một hoạt động tạo tác của con người từ những buổi bình minh của nhân loại nhằm kiến tạo những không gian thiết yếu phục vụ cho đời sống, hoạt động của chính con người. Đô thị là một trong những sản phẩm bậc cao của sự kiến tạo đặc biệt ấy, phát triển và gắn liền phương thức hoạt động tập trung ở mật độ cao của con người thành thị.

Ngôi nhà, con đường, khối phố cho đến những khu dân cư… với các quy mô lớn nhỏ tiếp tục phát triển quay vòng trong hoạt động kiến tạo của con người trong đô thị: Từ cải tạo, cơi nới đến chuyển đổi mục đích, đập đi xây mới… và tạo dựng lên hẳn những đô thị trong lòng đô thị. Sự phát triển vốn được mặc định phải tuân thủ một sự kiểm soát chặt chẽ mang tính hệ thống, tuy nhiên trong cuộc sống đô thị muôn hình vạn trạng, đâu đó, dường như đã mất đi sự kiểm soát. Cái sự mất kiểm soát đó cũng không hẳn là những ví dụ tồi, hệ lụy từ “lỗi hệ thống”, mà còn có những điểm sáng, lách ra từ khe cửa hẹp. Các nhà xã hội học đô thị vẫn còn trong cuộc tranh luận không có hồi kết về mối quan hệ tương tác giữa con người và đô thị. Và, trên các con phố của đô thị cũ, mới hôm nay lại vẫn tiếp tục cung cấp những gia vị cho những màn đối thoại ấy thêm đậm đà, nó có thể được gọi là những ví dụ kiến trúc phố phường.

1.

Năm học 2016 – 2017, Trường Tiểu học Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội được chuyển về cơ sở mới ở 260 Thụy Khuê trên diện tích 3.400m2 với 44 lớp học và các phòng chức năng như tin học, âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật. Ngôi trường có bố cục chặt chẽ gồm 3 khối nhà học 5 tầng (phần lớn tầng 1 được để trống) và một khối nhà đa năng khẩu độ lớn. Kiến trúc đơn giản, hiện đại và sạch sẽ, bắt mắt bởi cách sử dụng màu sắc và chi tiết mặt đứng. Có thể nói, cơ sở mới của một ngôi trường có bề dày truyền thống như Trường Tiểu học Chu Văn An là một niềm tự hào và kết quả của sự cố gắng vượt bậc của quận Tây Hồ, thể hiện sự ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục. Nó cũng đồng thời giải tỏa cho sự quá tải nhiều năm của Trường trước đây, lại tiện lợi về mặt địa điểm không xa cơ sở cũ. Tuy nhiên, hệ lụy tất yếu của một cơ sở trường học mới đối với giao thông đường phố xảy ra gần như ngay lập tức. Sự gia tăng về lượng người và xe đã gây áp lực lớn cho tuyến phố Thụy Khuê nói chung và đoạn đường từ dốc Tam Đa đến ngã tư Văn Cao nói riêng. Từ cuối năm 2016, vào giờ cao điểm, cũng là giờ đưa đón học sinh, đường Thụy Khuê chính thức có thêm một điểm thường xuyên tắc nghẽn giao thông ngoài các điểm tồn tại nhiều năm như trước cửa Trường THCS Chu Văn An, Trường Mầm non Chu Văn An và trường THPT Chu Văn An. Điều đáng chú ý là về nguyên tắc, lượng phụ huynh đưa đón ở các Trường Mầm non, Trường Tiểu học đều là 100% so với sĩ số học sinh. Khảo sát thực tế cho thấy, trong 4 năm đầu, khi Thụy Khuê chưa tiến hành thi công nút giao Thụy Khuê – Văn Cao, một lượng lớn phụ huynh đã tận dụng được một khoảng diện tích lưu không khá lớn làm nơi tập kết nhưng vẫn gây sự ùn tắc nghiêm trọng tại đây. Trong khoảng mấy tháng cuối năm nay, diện mạo khu vực ngã tư này đã dần hình thành, khúc mở ở góc đường Thụy Khuê trước cổng Trường Tiểu học đã được phân định ranh giới bời vỉa hè và lối vào được hoàn thiện. Ngôi trường đã được ra mặt tiền, tham gia vào cảnh quan nút giao như một điểm nhấn kiến trúc. Nhưng nỗi lo âu lại ập đến, đường mở rộng tới sát cổng trường có giải quyết được sự ùn tắc giao thông chưa hay lại phát sinh thêm nỗi lo khi nguyên tắc tổ chức an toàn giao thông ngoài trường học lại bị vi phạm. Lại một lần nữa phải dóng lên tín hiệu SOS về việc cần thiết phải đưa những quy định bắt buộc vào tiêu chuẩn thiết kế trường học về khu vực đưa đón học sinh trong và ngoài phạm vi nhà trường.

Hoa Ban ven Hồ Tây
Hoa Ban ven Hồ Tây

Ngoài ra, còn một điều khó hiểu về cách tiếp cận với quy hoạch giải phóng mặt bằng trong trường hợp này. Đó là việc khi mở đường xong, ngoài hàng rào của ngôi trường khang trang còn tồn tại mấy căn nhà siêu mỏng án ngữ rất phản cảm, chưa kể một cục biến thế dạng cây cũng góp phần – Được biết nó nằm giữa 2 dự án, dự án xây dựng trường và dự án mở rộng đường, nên cũng không thuộc diện giải tỏa đền bù của dự án nào. Kết quả là một bức tranh thiếu mỹ quan đặt đúng ở vị trí một công trình khang trang, trên một tuyến phố khang trang. Phải chăng khái niệm thiết kế cảnh quan tuyến phố bị bỏ quên ở đây? Và giá như, có một khoảng không để đem lại nhiều cái có ở đây.

2.

Cách đây tròn 10 năm, người viết những dòng này có đăng trên Tạp chí Kiến trúc bài “Hồ Tây, nhìn từ độ cao 45m”. Hôm nay nhìn lại, những biến động của thời gian quả không ít, tạo nên một bức tranh sinh động về sự phát triển của một góc Hà Nội. Tầm nhìn dần khép lại ở phía Tây Bắc hồ bởi những khu cao ốc đa dạng cho thấy tốc độ xây dựng rất cao theo hướng này, và dường như khoảng cách đến ven hồ cho thấy có sự tôn trọng nhất định trong ứng xử với không gian Hồ Tây thông qua việc khống chế chiều cao theo điểm lùi. Mười năm tới có lẽ sẽ chứng kiến sự phát triển của hướng Đông Bắc, nơi mà tầm nhìn hôm nay vẫn còn thấy rõ cầu Đông Trù, cũng như mới vài năm trước còn được chiêm ngưỡng 5 nhịp dây văng của cầu Nhật Tân từ phía bờ Nam Hồ Tây ở độ cao 45m. Một phần cư dân Hà Nội, cho dù có dịch chuyển lên những khu cao tầng, dần dần sẽ không còn được nhìn thấy những dãy núi Ba Vì hay Tam Đảo nữa, nhưng lại được chứng kiến sự cao dần của đô thị Hà Nội trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quay lại Hồ Tây, lại rõ ra một điều có phần nuối tiếc, đó vẫn là sự mất dần đi những mảng xanh, thậm chí cả những vệt xanh, viền xanh ven hồ, mười năm không rõ hơn, đậm hơn. Nhất là bên bán đảo Nghi Tàm, ảo mộng cuối cùng về một ốc đảo còn xót lại của Tây Hồ, với những đầm sen và đàn chim sâm cầm cuối cùng, cũng dần tan biến. Con đường ven hồ, vốn đóng một vai trò quyết định trong việc chống xâm lấn ra mặt nước Hồ Tây, dần trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những người Hà Nội ham thích đạp xe. “Đi bộ quanh Bờ Hồ, đạp xe một vòng Hồ Tây” trở thành câu trả lời quen thuộc về chỉ số sức khỏe của những người cao tuổi không chỉ ở quanh 2 cái hồ có ý nghĩa nhất Thủ đô. Quả thật, khi gần chục năm nay trải nghiệm đạp xe quanh hồ sáng sáng theo trào lưu sống chậm, cảm nhận về giá trị của khoảng lặng trong đô thị ngày một sâu sắc hơn. Tuy nhiên, con đường dạo ven hồ (có thể trong ý tưởng ban đầu) đã dần biến thành con phố quanh hồ. Mà đã là phố thì đương nhiên các loại shop, dịch vụ tiện ích và hàng quán quy mô lớn nhỏ đua nhau phát triển. Rồi các mô hình lưu trú từ nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn mini…cho đến các condotel thời thượng. Và tất nhiên là lại vấn nạn kẹt xe, khi mặt cắt con đường chỉ trù tính cho cả hai làn xe xuôi ngược. Vì vậy cho nên chỉ trong buổi sáng, thật sớm, chức năng trong mơ của một con đường chỉ dành cho giao thông không khói, thân thiện với môi trường dài nhất Hà Nội mới tồn tại. Tất nhiên, để thực hiện được cái chức năng mà nó vốn phải có và cần có ấy, ngay từ bước quy hoạch đã phải giải quyết được các bài toán liên quan, trong đó đặc biệt là bài toán giao thông cơ giới tiếp cận. Đạp xe và ngẫm nghĩ về tính khả thi của việc quay lại thời điểm xuất phát của con đường quy hoạch. Phải chăng đã quá muộn để đi tìm cái đã mất? Hay phải chăng chỉ có thể tổ chức cho từng khúc, theo thời vụ giới thiệu sản vật và văn hóa Tây Hồ? Hay dịp cuối tuần, theo mô hình Hồ Gươm, mở rộng khu đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn? Rồi thế là lại điệp khúc quen thuộc “giá như” và “vẫn biết” rồi đưa vào các đề tài cho luận văn, luận án chuyên ngành kiến trúc cảnh quan.

Góc phố Trần Hưng Đạo - Nam Định (Cạnh nhà thờ chính toà Nam Định) Kt: 39 x 54 KTS Chu Quốc Bình
Góc phố Trần Hưng Đạo – Nam Định (Cạnh nhà thờ chính toà Nam Định) (Kt: 39 x 54) – Ảnh: KTS Chu Quốc Bình

3.

Trong các con phố cũ ở Hà Nội, có lẽ là không quá khi nói Bà Triệu là một trong những nơi chuyển mình sớm nhất, nhiều nhất và cũng thay đổi theo hướng ra sát mặt tiền nhất, đua nhau vươn cao nhất. Trong đó không ít những ngôi nhà đặc trưng hình ống xuất phát từ những ngôi nhà lô phố đặc trưng của khu phố cũ ở đây. Còn nhớ hơn 30 năm trước, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ kiến trúc tại Trường Đại học Kiến trúc Max-cơ-va về đề tài nhà ống ở khu phố cổ, phố cũ Hà Nội, Anh Trịnh Hồng Đoàn cứ trăn trở mãi về một câu hỏi trong Hội đồng “Liệu có biến thể nào cho không gian nhà ống ở Hà Nội trong tương lai?”. Chợt có một tòa nhà mới hoàn thành năm 2020, số 342 phố Bà Triệu làm tôi nhớ lại câu nói đó. Tòa nhà VUUV cao 8 tầng này có kích thước mặt bằng của một dạng nhà ống – lô phố khá phổ biến là 4x25m. Nó gây ấn tượng gần như ngay lập tức đối với ai đi xuôi suốt con phố Bà Triệu rất dài này, bởi sự khác lạ có phần thách thức của kiến trúc hình khối mặt đứng, không chỉ bởi chiều cao. Thoạt nhìn, cũng khó đoán ngay ra công năng sử dụng của tòa nhà bởi các khoang cửa kính đồng điệu nhưng độc đáo, mở rộng, phẳng và không lồi lõm cầu kỳ, từ tầng 2 đến tầng 7, rất có thể cho thấy tín hiệu của một tòa nhà dạng văn phòng hay condotel thậm chí là cửa hàng đồ hiệu hay cà phê hiện đại…Quay lại vào buổi tối, ánh đèn đa dạng từ các khoang cửa đã làm sự đồng điệu nói trên của tòa-nhà-một-công năng biến mất và làm ta mường tượng ra tất cả những công năng nói trên đều có thể có tiếng nói của mình ở đây. Cũng thật tình cờ, sau sự bất chợt nhìn thấy, người viết bài này có dịp được nghe chính tác giả của công trình độc đáo trên, hai anh em KTS Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà, chia sẻ về ý tưởng thiết kế VUUV Building trong một Talk Kiến trúc rất thú vị ở AGOhub. Một cách tiếp cận rất đáng ghi nhận về giải pháp tổ chức không gian linh hoạt thích hợp với các công năng truyền thống, ngõ hầu khai thác tối đa giá trị sử dụng nhà ống phố cũ trong đời sống đương đại. Phải chăng đó chính là một trong những câu trả lời hôm nay cho câu hỏi hôm qua của những người nghiên cứu đi trước trăn trở đặt ra?

Tòa nhà VUUV 342 Bà Triệu. Hà Nội
Tòa nhà VUUV 342 Bà Triệu. Hà Nội

Năm 2020 đã khép lại với những biến động lớn toàn cầu chưa từng có bới hệ lụy do đại dịch Covid 19 đem lại. Kiến trúc không phải là một ngoại lệ, chịu tác động toàn diện. Bên cạnh những câu chuyện thời sự như kiến trúc bệnh viện dã chiến hay kiến trúc ứng phó với thiên tai lũ lụt. Bên cạnh những ý tưởng cho tương lai như kiến trúc không gian sáng tạo cho thành phố sáng tạo và bên cạnh những suy tư về hôm qua như kiến trúc di sản…Kiến trúc như cuộc sống, vẫn tiếp diễn với những câu chuyện thường ngày, hiển hiện trong từng góc phố, con đường…đưa ra những ý tưởng kiến trúc, có thể là những câu hỏi và cả câu trả lời. Đơn giản là một cách ĐI, NHÌN, VIẾT, CHIA SẺ và CÙNG SUY NGẪM về KIẾN TRÚC.

Góc phố Lý Thường Kiệt - Bà Triệu - Hà Nội Kt: 39 x 54 KTS Chu Quốc Bình
Góc phố Lý Thường Kiệt – Bà Triệu – Hà Nội (Kt: 39 x 54) – Ảnh: KTS Chu Quốc Bình

TS.KTS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)

The post Kiến trúc phố phường appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2MtWwIh
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét