Tháng 06/2020 vừa qua, nhóm sinh viên Khoa Quy hoạch – ĐH Kiến trúc TP.HCM đã vinh dự giành được Giải Nhất Chủ đề 2: Tertiary Category – Biến đổi đường băng (Hạng mục dành cho các sinh viên) tại cuộc thi “Runway for Your Imagination” (tạm dịch là Đường băng cho trí tưởng tượng của bạn), nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo để chuyển đổi khu vực sân bay Paya Lebar thành một khu đô thị mới bền vững và đáng sống hơn trong tương lai dựa trên những di sản hàng không độc đáo của khu vực được tổ chức bởi Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA), hợp tác với Viện Kiến trúc Singapore (SIA) và Viện Quy hoạch Singapore (SIP).
Thông tin đồ án:
- Tên đồ án: Taking off from kampongs, landing at new urban – The duty of a swamp
- Giáo viên hướng dẫn: ThS.KTS. Hoàng Lê Nam
- Sinh viên thực hiện: Lê Tấn Chung (KTCQ16), Phạm Thanh Hoài (KTCQ16), Lê Ngọc Thái Hòa (KTCQ16), Nguyễn Minh Trí (UD15), Nguyễn Thái Vy (KTCQ16), Nguyễn Hoàng Yến (KTCQ15)
- Trường: Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
- Giải thưởng: Giải Nhất Chủ đề 2 cuộc thi Runway for Your Imagination (tạm dịch: Đường băng cho trí tưởng tượng của bạn)
- Kết quả được BTC cuộc thi công bố tại: https://www.ura.gov.sg/Corporate/Get-Involved/Plan-Our-Future-SG/Runway-for-Your-Imagination/Topic-2/The-Duty-of-Swamp
Paya Lebar là sân bay quốc tế thứ hai của Singapore từ năm 1955 đến 1981, rộng khoảng 800ha, hiện nay là sân bay quân sự. Nơi đây lưu giữ nhiều ký ức quan trọng trong quá trình phát triển của Singapore, đặc biệt là sự ra đời của hãng hàng không quốc gia Singapore – Singapore Airlines.
Nhiều công trình trong khu vực như ga hành khách, đài kiểm soát không lưu và xưởng sửa chữa máy bay vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Yếu tố đặc trưng nhất của khu vực là tuyến đường băng dài 3,8km, rộng khoảng 75m. Theo định hướng, từ năm 2030 trở đi, căn cứ không quân và các khu công nghiệp xung quanh sẽ được di dời nhằm hình thành một khu đô thị phát triển theo hướng thông minh, bền vững dựa trên những di sản trước đây.
Cuộc thi gồm hai hạng mục: Hạng mục mở rộng (KTS quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan, kiến trúc công trình…); Hạng mục sinh viên (tất cả các bạn sinh viên của các trường Đại học có chuyên ngành liên quan) theo các chủ đề:
- Chủ đề 1: Concept quy hoạch tổng thể
- Chủ đề 2: Biến đổi (tái phát triển) đường băng
- Chủ đề 3: Trẻ hóa (tái sử dụng) khu Sân bay Paya Lebar
Trong đó, Nhiệm vụ đề ra cho chủ đề 2 là đề xuất các ý tưởng về những đoạn đường băng, rộng khoảng 75m và dài 3,8km, làm không gian cộng đồng đa chức năng cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Các ý tưởng phải minh họa việc hình thành các hoạt động dọc theo đường băng và những hoạt động này liên quan như thế nào đến những phát triển bên cạnh đường băng trong tương lai. Các chiến lược thiết kế để tái định vị đường băng sẽ giúp lưu giữ ký ức về cơ sở hạ tầng quan trọng trong quá khứ và biến nó thành một địa danh cộng đồng chính để phục vụ cư dân tương lai trong khu vực.
Đồ án “Taking off from kampongs, landing at new urban – The duty of a swamp” dựa trên câu chuyện vốn có của sân bay Paya Lebar. Nơi đây ban đầu là một khu đầm lầy với các cộng đồng dân cư truyền thống của Singapore, lưu giữ những ký ức và dấu ấn của một quá trình phát triển của khu vực. Trên mảnh đất này, tùy vào từng giai đoạn phát triển mà các yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân tạo có lúc phát triển song hành, có lúc cạnh tranh phát triển tạo nên một bức tranh ấn tượng hòa quyện giữa tự nhiên và con người.
Tuyến đường băng không chỉ đóng vai trò là trục xương sống của sân bay mà còn thể hiện rõ ràng nhất sự giao thoa giữa con người và tự nhiên. Chính vì thế, quan điểm thiết kế được hình thành dựa trên ba thành tố: Đất, nước và con người.
- Đất – Sự dịch chuyển của đất:
- Xác định các khu vực cần loại bỏ hoàn toàn hoặc cải tạo một phần tuyến đường băng để tránh mất đi dấu ấn lịch sử của khu vực;
- Giải quyết quá trình di chuyển của đất đá trên tuyến đường băng;
- Giúp hình thành các khu vực giàu dưỡng chất có ích cho phát triển hệ sinh thái.
- Nước – Khôi phục các dòng chảy:
- Phục hồi các các tuyến đường nước tự nhiên bị mất đi trong quá trình xây dựng sân bay và ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mặt tự nhiên;
- Cơ sở để hình thành các không gian truyền thống;
- Hạn chế tác động của ngập lụt trong quá trình đô thị hóa.
- Con người – Các đầu mối hoạt động:
- Hình thành các đầu mối giúp liên kết các khu vực bên ngoài sân bay;
- Xác định được các khu vực quan trọng cần phát triển nhằm tránh dàn trải gây tốn kém cơ sở vật chất, cũng như có những tác động tiêu cực đến các khu vực tự nhiên;
- Nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các dấu ấn phát triển của khu vực.
Nhằm tránh những tác động tiêu cực không thể đoán trước về môi trường và cảnh quan, toàn bộ dự án sẽ được phát triển trong 03 giai đoạn (khoảng 10-15 năm). Quá trình sẽ chuyển đổi từ một tuyến đường băng khô khan cho đến một không gian cảnh quan không chỉ hài hòa về tự nhiên và hoạt động con người mà còn lưu giữ lại được những giá trị lịch sử của khu vực: “Kampongs” – Sân bay – Khu đô thị mới.
Nhận xét của Hội đồng giám khảo: “Đồ án của nhóm đã thể hiện những ý tưởng mạnh mẽ về mặt cảnh quan và hình thành các trải nghiệm đa dạng cho người sử dụng dọc theo tuyến đường băng bằng việc kết hợp lịch sử phát triển hàng không tại khu vực với các yếu tố khác nhau dưới nhiều góc nhìn. Trong đồ án, tuyến đường băng đã được cải tạo theo sự tính toán cụ thể thông qua việc can thiệp tinh tế vào lớp bê tông hiện hữu để hình thành nên tuyến dòng chảy tự nhiên và khu vực đầm lầy. Mặt khác BGK cũng rất ấn tượng bởi các bản vẽ chỉn chu và chứa đựng nhiều thông tin của nhóm.”
Thầy Hoàng Lê Nam – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP HCM, hướng dẫn thực hiện, cho biết: “Cuộc thi là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội thú vị để các bạn sinh viên được học tập và giao lưu với các sinh viên quốc tế. Thử thách của cuộc thi đến từ việc nhóm thiết kế phải nghiên cứu và tìm ra được những đặc trưng của một khu vực trong bối cảnh của Singapore. Việc đạt được kết quả cao nhất của cuộc thi đã chứng minh trình độ của sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan nói riêng và kiến trúc của Việt Nam nói chung đã sánh ngang được với sinh viên các trường đại học quốc tế”.
Chia sẻ của nhóm sinh viên: “Không gian luôn biến đổi từng ngày theo sự phát triển, dần dà khiến cho cuộc sống trở nên mất cân bằng. Việc thiết kế cảnh quan làm sao hài hòa được những yếu tố kinh tế – môi trường và xã hội là nhiệm vụ không chỉ của một cá nhân mà là trách nhiệm của những nhà thiết kế. Khắc phục những khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 và những trở ngại vốn có của quá trình làm việc nhóm, có những lúc tranh luận đến nảy lửa và chán nản, tuy nhiên chúng em luôn đặt cao tinh thần tất cả vì mục đích chung của nhóm là mang vinh dự về cho trường”.
Vi An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
The post Nhóm sinh viên Việt Nam đạt giải Nhất tại cuộc thi thiết kế khu vực đường băng sân bay Paya Lebar – Singapore appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3tmnfXV
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét