Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Về vấn đề Hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại Việt Nam Vận trù vào lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc (Phần 1)

Theo quan điểm của C. Mác – Ph. Ăng ghen: Văn hóa là toàn bộ thành quả tạo ra nhờ hoạt động lao động sáng tạo của con người. Văn hóa chính là thiên nhiên thứ 2, thiên nhiên được con người cải biến, được nhân hóa, mang ý nghĩa và nội dung con người. Văn hóa về một phương diện nào đó còn đóng vai trò là cơ sở, là nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội. Chúng ta đều hiểu, trong văn hóa nhân loại thì văn học nghệ thuật là một bộ phận cấu thành chính. Ở mỗi quốc gia, văn học nghệ thuật đều luôn đóng vai trò như vậy.

Về đặc trưng riêng của Văn học nghệ thuật, C. Mác – Ph. Ăng ghen cho rằng: “Văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức của xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, chịu sự chi phối của cơ sở kinh tế, của các thành phần khác trong kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là về chính trị”1. “Con người sáng tác (văn học nghệ thuật) theo những quy luật của cái đẹp. Không được thực dụng với văn học nghệ thuật, văn học nghệ thuật luôn có tính tự chủ”2.

Bác Hồ với phát triển không gian kiến trúc Thủ Đô từ những năm 60 thế kỷ 20

Về nội hàm hệ giá trị (HGT) văn học nghệ thuật (VHNT), qua các quan điểm trên của các lãnh tụ Chủ nghĩa cộng sản, cũng như hun đúc từ truyền thống ngàn đời của nhân loại trong đó có Việt Nam, có thể thấy rằng cốt lõi là xây dựng trên nền tảng “Chân-Thiện-Mỹ”. Với mỗi kiểu chế độ thì “Chân-Thiện-Mỹ” được hiểu dưới giác độ khác nhau, nhưng điểm xuất phát thì cơ bản giống nhau. Thế giới đã chứng minh điều này là đúng. Văn hóa cũng như VHNT xác định giá trị căn bản từ thượng tầng kiến trúc mà chủ yếu là chế độ chính trị. C.Mác đã nói: “Lịch sử tư tưởng chứng minh cái gì? Nếu không phải là chứng minh sản xuất tinh thần cùng biến đổi theo sản xuất vật chất? Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ tư tưởng của giai cấp thống trị. Nhà văn không thể khác là một thành viên của giai cấp, nói tiếng nói của giai cấp”3.

Nền VHNT Việt Nam, đi từ kế thừa di sản giàu bản sắc của dân tộc, trên con đường cách mạng, được soi sáng bằng hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, HGTVHNT truyền thống đã có những gạn lọc sâu sắc về chất. Tất cả các dạng hoạt động của VHNT với nhiều loại hình ngày càng dược phân định rõ rệt, tuy nhiên đúng như quy luật cuộc sống, chuyển đổi này cũng đi theo cả 2 chiều tích cực và tiêu cực. Trong đó tích cực vẫn là cơ bản, vì xuất phát từ 2 lý do chính: Thứ nhất là do bản chất con người Việt Nam vốn thông minh, cần cù, chịu khó, giàu lòng nhân hậu và vị tha, thứ hai là được định hướng đúng từ sự lãnh đạo toàn diện, hợp thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

HGTVHNT Việt Nam với xuất phát nền tảng chính là HGT Văn hóa – Con người Việt Nam. Cốt lõi vẫn bắt đầu từ truyền thống, đây có thể hiểu như là điều kiện cơ sở nền tảng, bất biến. Đó là các đặc tính tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí bất khuất tự lực, tự cường; là tinh thần cộng đồng đoàn kết, ý thức tôn trọng dân chủ; là tính cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo và hào sảng. Tuy nhiên, về mặt trái cũng có những đặc tính như nhiều nhà nghiên cứu đã nêu, mà chúng tôi cho là đến nay vẫn còn biểu hiện gần như nguyên vẹn: “Giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn lý luận”, “Ham học, thích phù hoa hơn thực học”; “Ít sáng tạo, ưa bắt chước”, “Hay bài bác chế nhạo” (Học giả Đào Duy Anh). Học giả Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam” tuy có cách diễn đạt khác, nhưng nội dung cơ bản cũng toát lên các ý như vậy. Hay một nhận xét khác “Ít tinh thần tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học”, “Lo cho con cháu hơn cả linh hồn của mình”, “Ý thức cá nhân về sở hữu không phát triển cao”, “Không thượng võ”, “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo”, “Đối với các dị kỷ, cái mới không dễ dàng hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt”, “Hay tìm sự bình ổn”. (GS Trần Đình Hượu trong “vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”)

Như thế, HGTVHNT Việt Nam ngoài nền tảng hầu như bất biến như đã nói ở trên, cần xác lập một thành tố thứ 2, xem là phần thân xây trên nền móng mà chúng tôi xin gọi tạm gọi là điều kiện đủ để trở thành phổ quát nội hàm. Thành tố thứ 2 này được hình thành từ “thượng tầng kiến trúc về chính trị và kinh tế”, đó chính là sự phát triển của đất nước theo đường lối chủ nghĩa xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngoài ra, sự phát triển khoa học công nghệ của xã hội loài người, với những bước đột phá biểu hiện rõ nét trong các cuộc cách mạng công nghiệp, mà hiện nay đang là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sắp tới sẽ là 5.0, 6.0… Cùng với việc giao thoa hội nhập sẽ có những bổ sung mạch lạc khoa học hơn cho HGTVHNT này.

Nghiên cứu chặng đường VHNT Việt Nam trong giai đoạn Cách mạng, chúng tôi nhận ra rằng, kim chỉ nam hình thành đường lối cho VHNT phát triển được đến như hôm nay, về cơ bản chính là các điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn hướng trong suốt quá trình, từ khi hình thành và phát triển nền VHNT cách mạng. Có thể lấy mốc bắt đầu từ 1943, khi tổ chức Văn nghệ cứu quốc được hình thành, đề cương văn hóa Việt Nam được công bố. Với một trí tuệ siêu phàm đáng kinh ngạc, một tầm nhìn xuyên suốt vào tương lai nhưng lại được trình bày hết sức giản dị, rõ ràng theo phong cách Hồ Chí Minh: Ngắn gọn, trong sáng, súc tích, HGTVHNT được chỉ ra ở đây đã cơ bản đầy đủ, có hệ thống nhưng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ngấm và dễ vận dụng thực hành đến bất ngờ. Những nội dung này, ngoài bài nói chuyện tóm lược các vấn đề mang tính xương sống tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1.12.1962), còn được Người nêu rõ từng giai đoạn trong quá trình lãnh đạo Cách mạng.
Ta hãy bắt đầu từ khái niệm xuất phát trên nền tảng của lý luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của C. Mác và Ph. Ăng ghen, đã khẳng định VHNT ra đời và vận động gắn kết với quá trình phát triển của con người, bằng lao động và thông qua lao động, là hoạt động sáng tạo đặc thù, riêng có của con người. C.Mác đã viết trong Bản thảo kinh tế – Triết học năm 1844: “Con vật chỉ xây dựng theo kích thước và nhu cầu loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo kích thước của bất cứ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng; do đó con người cũng xây dựng theo các quy luật của cái đẹp”4. “Đối với các ngành nghệ thuật, một điều hiển nhiên rằng có những giai đoạn nhất định, sự nở rộ ở những tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn tương ứng với nền tảng vật chất, cấu trúc khung, có thể nói như vậy, của tổ chức xã hội”5 – Hay nói về văn học: “Sách nhân dân có sứ mệnh là phải làm cho nông dân vui khi họ mệt mỏi sau làm việc nặng nề trở về buổi chiều tối, giúp họ giải trí, làm cho họ tươi tỉnh, bắt họ quên lao động nặng nhọc của họ, biến cánh đồng sỏi đá của họ thành vườn cây quả thơm tho; nó có sứ mệnh biến xưởng của người thợ thủ công và căn buồng sát mái thảm hại của anh thợ học việc kiệt sức thành thế giới thi ca, thành cung điện vàng”6.

Đến V.I. Lê nin, từ những luận điểm cơ bản trên, đã tiếp thu vận dụng và phát triển phù hợp hoàn cảnh Cách mạng Xô Viết “Văn học phải trở thành một bánh răng và một cái đinh ốc của cỗ máy dân chủ xã hội vĩ đại duy nhất”7, “Không nghi ngờ gì nữa, chính những hoạt động văn học là cái có thể dung hòa ít nhất với một chủ nghĩa bình quân máy móc, một sự thống trị của thiểu số trước đa số. Không nghi ngờ gì nữa trong phạm vi này, sự bảo đảm cho một lĩnh vực hoạt động khá rộng rãi đối với tư tưởng và trí tưởng tượng, đối với hình thức và nội dung là vô cùng thiết yếu”8.

Hồ Chí Minh, ngay từ thời kỳ đầu cách mạng, bằng sự thấu hiểu, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng ghen và V.I. Lê nin, cùng với nền tảng văn hóa dân tộc thấm đẫm của Người đã đưa ra những luận điểm rất sớm, rất sâu sắc, thực tiễn và xác đáng. Có lẽ đó là một trong những lý do mà Người được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Trước hết Người đã đưa ra định nghĩa về Văn hóa rất rõ ràng và chính xác: “vì lẽ sinh tồn, cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng, toàn bộ những sáng tạo phát minh, đó tức là Văn hóa”9. Một điều thú vị đặc biệt là định nghĩa của Người về văn hóa này về hồn cốt gần như trùng với định nghĩa mà Unesco nêu lên sau này.

Đối với VHNT – bộ phận cốt lõi cấu thành Văn hóa, Hồ Chí Minh đã đưa ra những dẫn hướng rất rõ ràng. Những dẫn hướng này như phần trên đã nêu là cơ sở có thể đúc kết, cô đọng về cốt lõi, tinh thần, nội dung để tạo lập thành HGTVHNT cách mạng toàn diện và đầy đủ. Trong những lời dẫn hướng còn thêm một điều đặc sắc nữa là lời của Người nói về một ngành VHNT nhất định, nhưng có thể vận dụng chuẩn thước cho một ngành VHNT khác. Đó cũng là một mặt thiên tài của Người.

Những dẫn hướng này chúng tôi thấy có thể cơ bản là:

Thứ nhất, lời khẳng định “VHNT cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”10. Lịch sử đã chứng minh, rõ ràng một nền văn học nghệ thuật không thể đứng độc lập dù là vẫn hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Thực tế cho thấy trên thế giới cũng như ở Việt Nam các tác phẩm có giá trị đều không thể lảng tránh vấn đề chính trị, đứng ngoài chính trị. Ở Việt nam vai trò chủ đạo của chính trị thể hiện rõ trong đấu tranh dành lại độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, cùng quá trình xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì việc xây dựng mặt tinh thần, trong đó nền tảng là văn hóa tinh thần là một yếu tố mang tính biện chứng, quyết định. Như vậy có thể đúc kết được một yếu tố của HGTVHNT cách mạng Việt Nam chính là: Mang bản chất chính trị và kinh tế của thời đại.”

Bác Hồ bên ngôi nhà sàn được KTS Nguyễn Văn Linh thiết kế theo hướng Bản sắc

Hồ Chí Minh đã nói: “VHNT cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy, cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân”11, “cần thấu hiểu, liên hệ và đi sâu vào đời sống nhân dân. Như thế mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển, nâng cao tinh thần ấy”12. Điều này là mới, khác so với các quan điểm các chế độ khác không do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cũng khác với cách suy nghĩ truyền thống trước đây ở nước ta, như thời có trường phái sai trái “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nếu thấm nhuần được tư tưởng như vậy, rõ ràng giới văn nghệ sĩ sẽ “nhập cuộc” một cách chủ động và xác định chỗ đứng một cách rõ ràng trong đời sống xã hội và xác định được trách nhiệm cụ thể. Từ đây có thể hình thành yếu tố của Hệ giá trị là: Chiến đấu cho giai cấp, chế độ.

Một lời căn dặn khác của Bác: “Để làm nghệ thuật, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của nhân dân lên trên hết, trước hết”13. “Viết để nêu ra cái hay, cái tốt của dân ta, bộ đội ta, cán bộ ta, Đảng ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà quên cái xấu, nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại”14. Nếu chiến sĩ nghệ thuật không có lập trường vững, tư tưởng đúng sẽ bị hoang mang dao động trước những khó khăn gian khổ, sẽ dễ mơ hồ về chính trị dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” lúc nào không hay. Nếu điều đó xảy ra sẽ nguy hại hơn rất nhiều lần một người bình thường. Vì người chiến sĩ nghệ thuật mang trên mình trọng trách truyền bá, cổ xúy dư luận xã hội và góp phần định hướng phát triển văn hóa tinh thần nhân dân. Rõ ràng với nội dung này ta thấy rõ yếu tố, rất cần cho HGTVHNT: Có lập trường, tư tưởng kiên định.

Một trong những luận điểm của Hồ Chí Minh rõ ràng nữa là: “Dân tộc bị áp bức thì Văn nghệ cũng mất tự do, văn nghệ muốn tự do phải tham gia cách mạng”15. Điều này thì lịch sử loài người đã chứng minh rõ. Ở Việt Nam trước Cách mạng tháng 8, khi dân tộc đang bị xâm chiếm, VHNT có tồn tại không? Có tồn tại. Tuy nhiên do tồn tại ở dạng bị áp bức nên cơ bản nền VHNT giai đoạn này thể hiện rõ 3 khuynh hướng: Thứ nhất là ủng hộ sự đô hộ của thực dân. Loại VHNT này không cần hệ giá trị nhân bản mà chỉ là nhất thời phục vụ giai cấp thống trị, ít có sáng tạo. Loại thứ 2 là VHNT “vị nghệ thuật” tự ru ngủ thoi thóp vô phương hướng, quanh co. Thứ 3 là VHNT bắt mạch được nguyện vọng chân chính của đồng bào đấu tranh đòi độc lập, tự do. Dòng VHNT này đã có sức sống mãnh liệt và có nhiều thành tựu còn nguyên giá trị đến bây giờ. Yếu tố tiếp theo cấu thành của HGTVHNT từ đây có thể thấy là: Xác lập tính cách mạng rõ ràng.

Quần chúng đang chờ đợi “những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật, những người mới, việc mới, chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục con cháu đời sau”16, “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn”17. 2 ý rất giản dị này của Người lại toát lên những hàm ý vô cùng to lớn, đòi hỏi sự vươn tới rất quyết liệt và mạnh mẽ của VHNT. Đạt được sự xứng đáng với tầm vóc thời đại là một mức yêu cầu rất cao. Làm sao để quần chúng chấp nhận được vẻ chân thật – phong phú về nội dung, lại phải trong sáng – vui tươi về hình thức là một bài toán đầy hấp dẫn nhưng không kém phần cam go của người làm văn, thơ, làm tác phẩm nghệ thuật. Từ đó ta có thể nêu ra yếu tố tiếp cần cho HGTVHNT cần mang tính thời đại ở một tầm vóc nhất định; và yếu tố nữa là: Biểu đạt chân thực, điển hình, hấp dẫn, tích cực.

Rất thực tế và dí dỏm, Người nói: “Quần chúng mong muốn, các đồng chí văn nghệ chú ý giùm 2 điều nữa: Một là chớ nói chữ Hán quá nhiều, thậm chí chữ tạc vạc ra thành chữ tộ, hai là khi viết phải cẩn thận hơn, tránh viết những câu kỳ khôi”, “nhà văn, nhà thơ cần viết cho dễ hiểu, đi vào lòng quần chúng, phù hợp với từng đối tượng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh lạm dụng tiếng nước ngoài”18. Nhưng Người lại nói “văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại … lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay trau dồi cho văn hóa Việt nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”19. Một trong những căn bệnh mà các tác giả văn học nghệ thuật hay bị vướng vào đó là du nhập yếu tố ngoại lai vào tác phẩm của mình một cách khiên cưỡng, hay “nói chữ” đánh đố quần chúng, bí hiểm trừu tượng để tỏ ra uyên thâm. Người đã bằng phong cách nhẹ nhàng nhắc nhở để nhằm ngăn chặn điều này. Đồng thời ở đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn thời đại, một mặt chăm lo giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt Người chống nguy cơ bảo thủ khép kín. Từ đó thấy rõ ý sâu xa của Bác, yếu tố nữa mà ta có thể rút ra với HGTVHNT: Tránh ngoại lai khiên cưỡng, có khả năng hội nhập mà không hòa tan.

“Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, phải thật sự hòa mình vào quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghệ thuật, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ”20. Rõ ràng việc thường xuyên rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, luôn có tinh thần vì dân phục vụ là một điều mà càng có tiếng người nghệ sĩ càng dễ giảm. Việc tự rèn hướng kịp thời là vô cùng cần thiết. Sự chủ quan dễ dãi với chính mình cũng là một căn bệnh chung của loài người, trong đó giới VHNT thường mắc phải nhiều hơn. Sự bảo thủ trì trệ và tác phong cũ kỹ lạc hậu theo lối mòn sáo rỗng của tác phẩm là một điều người nghệ sĩ phải thường xuyên tự báo động. Qua lời dạy này có thể rút ra yếu tố nữa của HGTVHNT: Truyền thụ được mục đích chính trị với đối tượng thưởng thức; và yếu tố: Có tính cầu thị, đổi mới, hướng tới thế hệ trẻ.

“Đồng lòng chung sức xây dựng nước ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng với cả dân tộc đang đấu tranh anh dũng và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”21, “không có gì quý hơn độc lập tự do” Độc lập tự do phải gắn với kinh tế phát triển trong nền dân chủ thực sự. Như vậy Hồ Chí Minh đã một lần nữa yêu cầu gắn VHNT với con đường đi lên của dân tộc, tuyệt đối không được mơ hồ xa rời, nhưng cũng không được lệ thuộc, yếu tố tiếp mà Người muốn gửi gắm đó là: Phong phú đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm.

Trường Mầm non và Tiểu học Dạ Hợp – Hòa Bình – KTS Hoàng Thúc Hào, một tiếp biến thú vị về xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam

Trong bài phát biểu tại hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, người căn dặn anh chị em: “cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa. Mà đi như thế phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao được, gần gũi sao cho được với công nông, với bộ đôi. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới hiểu sinh hoạt của quần chúng thế nào, mới biết chí khí của quần chúng thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng ra sao”. Người đòi hỏi “sáng tạo VHNT cần hiểu thấu đáo, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân, như thế mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân dân ta, đồng thời đã giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”22. Một trong những căn bệnh mà người nghệ sĩ thường mắc phải khi sáng tác đó là do ngại đánh mất cái tôi khi dấn thân. Vì vậy, xâm nhập thực tế cũng đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Hoặc giả do quá say sưa miệt mài công việc sáng tạo, cộng với ý niệm cố hữu “biết tuốt” mà ít đi thực tế. Để cảnh tỉnh thói quen có hại này, lời giáo dục trên thực sự đúng và góp phần tạo nên một khía cạnh của HGTVHNT cần có, đó là yếu tố tiếp theo: Xuất phát từ thực tiễn sinh động, phản ánh kịp thời, tránh quan liêu, hời hợt.

Khi làm về văn hóa mới, người nói: “phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình được hưởng”23. Việc văn hóa nói chung, VHNT nói riêng phải góp phần cải tạo nâng cấp đời sống xã hội theo hướng tích cực, điều này dĩ nhiên là không có ở dòng văn hóa, VHNT phi cách mạng. Dòng văn hóa, VHNT cách mạng cũng phải thấm nhuần đồng hành với ý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng để tạo cho người dân cùng trải với văn hóa”. Qua nội dung này ta có thể rút thành yếu tố tiếp theo của HGTVHNT, chính là: Có tính hiện thực phê phán, góp phần định hướng và thúc đẩy xã hội phát triển đúng.

Đề cao tầm quan trọng của công tác văn hóa, người nhấn mạnh “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”24. Người chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”25. Khi thấy biểu hiện lười biếng, cá nhân, người đã nghiêm khắc phê bình: “phải thấy rằng nói chung văn hóa của ta còn loanh quanh trong thành phố, chỗ dễ ăn chứ chưa đến chỗ đồng bào Mèo, đồng bào Mán”26. Tính cục bộ, chọn cái dễ để làm đã xảy ra không ít trong thực tế đời sống nói chung trong đó có VHNT. Yêu cầu “đại đồng, sâu sát” này của Hồ Chí Minh là một sự thức tỉnh đối với không riêng gì giới nghệ thuật. Chính vì vậy chưa bao giờ VHNT của dân tộc Việt Nam nở rộ thành công rộng khắp, toàn diện và sâu sắc như thời kỳ Cách mạng. Điều đó thể hiện tầm nhìn xuyên suốt của Người trong quá trình lãnh đạo Cách mạng đi lên. Yếu tố nữa cho HGTVHNT: Có tính toàn diện, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền.

VHNT cũng chính là điều cốt lõi của văn hóa, Người đã nói khi xem “văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất, xa sản xuất là văn hóa suông”27. Đồng thời, ngay trong di chúc Người cũng căn dặn “Đáng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”28. Làm văn hóa chính là sản xuất ra một dạng của cải đặc biệt cho con người, cho xã hội đó là: của cải tinh thần. Của cải tinh thần tuy vô hình nhưng lại là một mặt thứ hai để góp thành đời sống. Nếu mảng ghép thứ hai này chỉ cần thiếu khuyết một ít thì đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoàn chỉnh, do vậy không thể làm cho xã hội phát triển được. Thậm chí sẽ tạo nên sự hỗn loạn, khó kiểm soát. Lời căn dặn của Người trong di chúc thể hiện một tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề song hành của 2 mặt: Kinh tế và văn hóa. Yếu tố còn lại của HGTVHNT: Đúng tôn chỉ lãnh đạo của Đảng cầm quyền, phát triển đồng bộ với các mặt khác trong xã hội.

Như vậy cùng với yếu tố xuất phát nền tảng là cần thể hiện được đa dạng, tiếp biến bản sắc truyền thống, 14 yếu tố trên được đúc rút từ những lời dẫn hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính cũng là cụ thể hóa từ đường lối lãnh đạo của Đảng có thể hợp thành một hệ giá trị có nội hàm hoàn chỉnh cho VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại.

Chúng tôi tổng hợp lại gồm: 1.Kế tục và tiếp biến bản sắc truyền thống; 2.Mang bản chất chính trị và kinh tế của thời đại; 3.Có tính chiến đấu cho giai cấp, chế độ; 4.Có lập trường, tư tưởng kiên định; 5.Xác lập tính cách mạng rõ ràng; 6.Cần mang tính thời đại ở một tầm vóc; 7.Biểu đạt chân thực, điển hình, hấp dẫn, tích cực; 8.Tránh ngoại lai khiên cưỡng, có khả năng hội nhập mà không hòa tan; 9. Truyền thụ được mục tiêu chính trị với đối tượng thưởng thức; 10.Có tính cầu thị, đổi mới hướng tới thế hệ trẻ; 11. Phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm;12.Xuất phát từ thực tiễn sinh động, phản ánh kịp thời, tránh quan liêu, hời hợt;13.Có tính hiện thực phê phán, góp phần định hướng và thúc đẩy xã hội phát triển đúng; 14.Có tính toàn diện, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền; 15.Đúng tôn chỉ lãnh đạo của Đảng cầm quyền – phát triển đồng bộ với các mặt khác trong xã hội.

Khách sạn JW Marriott Hà Nội hình tượng Rồng Thăng Long do KTS nước ngoài thiết kế, với nghiên cứu trân trọng – rõ nét về hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam

Nếu trong thực tế, HGTVHNT theo định hướng của lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu trên được vận ứng một cách kịp thời linh hoạt và sáng tạo thì sẽ không xảy ra hiện tượng các lệch lạc hiện đang tồn tại khá rõ ở nước ta: Một là, những ngành nghệ thuật truyền thống ít được giới trẻ tán đồng và nhập cuộc, do đó đứng trước nguy cơ bị mai một, teo tóp. Hai là về khía cạnh “toàn cầu hóa”, “mang chuông đi đánh xứ người” các ngành nghệ thuật đậm truyền thống nguyên bản hầu như không thành công đáng kể, vì sự hấp dẫn quốc tế thấp hoặc không có; Ba là sự “chệch hướng”, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” đã bắt đầu trở thành một nguy cơ đáng báo động; Bốn là VHNT vẫn chỉ là “hàng thủ công”, chưa thành “hàng hóa công nghiệp” để có thể tự nuôi sống, tự phát triển.

Việc tranh biện kéo dài vẫn chưa đi đến thống nhất được nội hàm HGTVHNT dân tộc và hiện đại cũng là đóng góp đáng kể cho sự trì trệ đã nêu ở trên.

Quan điểm của chúng tôi là đã đến lúc chúng ta nên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ chủ tịch thiết thực, thống nhất đưa ra được một hệ giá trị có tính cốt lõi với cách thể hiện ngắn gọn, thực tiễn, giản dị và dễ nhớ như Hồ chủ tịch vẫn thường dạy chúng ta. tránh lý luận, phân tích dài dòng, phức tạp hóa vấn đề. Nếu làm hệ giá trị “uyên thâm, sâu sắc” nhưng chỉ những nhà chuyên môn tầm cỡ mới có khả năng hiểu được, vận dụng được, còn những tầng lớp nhân dân – đối tượng phục vụ chính, cảm thụ chính, làm sứ giả lan truyền tích cực hay tiêu cực vào cuộc sống, lại mơ hồ hoặc không hiểu thì hệ giá trị không nhiều tác dụng thực tiễn.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)


Tài liệu tham khảo:

1,2: GS Hà Minh Đức: Bv. Quan niệm của C. Mác-Ph. Ăng Ghen về Văn học nghệ thuật
3. C. Mác-Ph. Ăng – ghen: Tt, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb, Ctqg, HN, 2002, tr 65
4. C. Mác- Ph. Ăng – ghen: Nxb, Ctqg HN, 2000, tr 42, tr 137
5. Terry Eagleton: Chủ nghĩa Mác và phê bình văn học, Sdd, tr 36
6. C. Mác-Ph. Ăng – ghen: Tt, Sdd, tr41, tr23
7,8. Terry Eagleton: Chủ nghĩa Mác và phê bình văn học, Sdd, tr 84,85
9.Hồ Chí Minh:tt, Nxb Ctqg -St, HN,2002, t3, tr431
10. Hồ Chí Minh:tt, Nxb Ctqg -St, HN,2011, t7, tr246
11,12,14,16,17. Hồ Chí Minh : tt, Std, t7, tr246
13.Hồ Chí Minh : Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951(10.12.1951)
15. Hồ Chí Minh : Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Vh, HN,1981, tr136
18, 20 ,21 Hồ Chí Minh : Bài nói chuyện tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3(1.12.2062)
19. Hồ Chí Minh : Về văn hóa, Bảo tàng HCM xuất bản, Hn, 1997, tr350
22. Hồ Chí Minh : tt, Sdd, t7, tr240
23.Dẫn theo báo Văn nghệ, số ra ngày 28/5/2005
24. Hồ Chí Minh : Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Vh, HN,1981, tr34
25. Hồ Chí Minh : Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb St, HN, 1997, tr64
26, 27 Hồ Chí Minh: tt, Nxb Ctqg -St, HN, 2011, t15, tr558
28. Hồ Chí Minh: tt, Nxb Ctqg -St, HN, 2011, t15, tr612

The post Về vấn đề Hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại Việt Nam Vận trù vào lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc (Phần 1) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3bBGapE
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét