Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Cuộc thi kiến trúc quốc tế ACARA 2020 – Góc nhìn mới từ đồ án kiến trúc thời kỳ hậu COVID 19

Hiệp hội KTS Châu Á tổ chức Cuộc thi thường niên về các đồ án sinh viên (SV) và KTS trẻ lần thứ 9 (9th Asian Contest of Architectural Rookie’s Awards) tại TP. Nam Kinh (Trung Quốc), từ ngày 21 – 23/11/2020. Chủ đề chính của năm 2020 là “Văn hóa – Kết nối khu vực và lịch sử”.

Cuộc thi luân phiên mỗi năm tổ chức tại một nước thuộc châu Á, kêu gọi SV kiến trúc châu Á nêu bật nguồn gốc và sức mạnh từ nền văn hóa khu vực, từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển nền văn hóa khu vực và quốc gia. Đối tượng dự thi là những KTS trẻ và SV kiến trúc đến từ các quốc gia châu Á và mỗi quốc gia được lựa chọn 02 đồ án/ công trình để dự thi. Cuộc thi năm 2020 này có 23 đồ án dự thi đến từ 14 quốc gia, trong đó Việt Nam có 2 đồ án tham dự. Nhóm SV kiến trúc Trường đại học Tôn Đức Thắng tham gia báo cáo tại phiên họp tổng thể với bài trình bày có chủ đề “The Challenges of Mass Tourism on Cultural Heritages – Thách thức của du lịch đối với những di sản văn hóa”.

Chủ đề ACARA2020 “The Challenges of Mass Tourism on Cultural Heritages” (Nguồn: ACARA2020)
Chủ đề ACARA2020 “The Challenges of Mass Tourism on Cultural Heritages” (Nguồn: ACARA2020)

Giới thiệu chung

Hiệp hội KTS Châu Á (Asia United Architecture Association – AUA) bao gồm 17 quốc gia châu Á. Trong bối cảnh quốc tế gặp khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, nên Ban tổ chức cuộc thi ACARA đã phải chọn hình thức thi trực tuyến trên nền tảng công nghệ Zoom. Do đó, AUA mong muốn đây là dịp giao lưu trao đổi giữa các nền văn hóa của châu Á, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với đại dịch và duy trì một trạng thái mới của cuộc sống để vẫn có thể tiếp tục kết nối Con người – Văn hóa – Lịch sử trên phạm vi Châu Á.

Vào ngày đầu tiên của Cuộc thi, một hội thảo thú vị và đậm chất văn hóa bản địa được tổ chức với chủ đề “The Challenges of Mass Tourism on Cultural Heritages – Thách thức của du lịch đối với những di sản văn hóa”. Các trường đại học đến từ 6 quốc gia đã thành lập 6 đội, mỗi đội chọn thuyết trình về một thành phố lịch sử của mình. Các SV kiến trúc từ 6 trường đại học lớn đã tham gia thảo luận cùng với Ban giám khảo cuộc thi. Qua việc tự khảo sát thực địa và đề xuất các ý tưởng thiết kế, các nhóm dự thi được khuyến khích sáng tạo tối đa nhằm có thể chạm tới trái tim con người, sẻ chia những cảm xúc của họ và nêu bật những đặc tính văn hóa của những nơi chốn, thời gian và con người trong bối cảnh thế giới đang có nhiều đổi thay.

Các trường đại học tham gia gồm: Southeast University (China), VIT’s PVP College of Architecture, Pune (India), Petra Christian University (Indonesia), Saga University (Japan), National University of Singapore, và Tôn Đức Thắng University (VietNam). Nhóm TDTU gồm 6 SV kiến trúc năm 3 và 4, được hướng dẫn chuyên môn bởi TS. KTS. Ngô Lê Minh, và ThS. KTS. Nguyễn Hải Bình. Hiệp hội KTS Châu Á đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong những hoạt động chuyên môn gần đây, nên luôn mời một KTS Việt Nam tham gia Hội đồng giám khảo.

Vào ngày thứ hai của Cuộc thi, 24 SV đến từ 14 quốc gia đã tham gia với tư cách là đại diện tại quốc gia của họ và thuyết trình đồ án của mình. Hội đồng giám khảo nghe từng nhóm SV trình bày báo cáo bằng tiếng Anh, rồi qua 3 vòng bỏ phiếu để bầu chọn ra những đồ án tốt nhất của cuộc thi. Chủ đề liên quan đến văn hóa, nối kết khu vực và lịch sử, với rất nhiều câu hỏi khác nhau được Ban giám khảo quốc tế đặt ra. Sau phần trình bày của thí sinh và nhận xét, cuộc bình chọn đồ án xuất sắc nhất bắt đầu theo từng vòng, thu hẹp từ Top 7 rồi đến Top 4. Ở vòng bình chọn cuối cùng, 9 giám khảo, mỗi giám khảo bỏ 3 phiếu cho các thí sinh từ Singapore, Đài Loan và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên 3 thí sinh cùng giành Giải Nhất tại ACARA.

Đồ án của TDTU – Việt Nam

Mục tiêu của đồ án là tạo ra sự kết nối, tương tác giữa các “di sản” tại TP HCM. Đối tượng “di sản” được nhóm thí sinh chia làm 2 loại, đó là: Công trình di sản đã được công nhận, như Dinh Thống Nhất, Nhà hát TP, Bưu điện TP,… Công trình di sản chưa được công nhận là những quán ăn, uống trên vỉa hè, trong hẻm, trong những chung cư cũ, đã và đang thể hiện bản sắc, tính cách đặc trưng của TP qua các giai đoạn lịch sử.

ACARA2020 được tổ chức hình thức thi trực tuyến trên nền tảng công nghệ Zoom (Nguồn: tác giả, 2020)
ACARA2020 được tổ chức hình thức thi trực tuyến trên nền tảng công nghệ Zoom (Nguồn: tác giả, 2020)

Thách thức của đồ án là cần tìm ra vấn đề đang phải đối mặt của du lịch đối với “di sản” tại TP HCM. Từ đó, đề xuất giải pháp để giải quyết những vấn đề đang gặp phải, nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch đối với văn hóa, lịch sử và đặc trưng của TP.HCM.

Khi thành công trong việc kết nối, tương tác “di sản” sẽ định hình các lộ trình trải nghiệm cho khách du lịch, đưa du khách đến các điểm di sản nổi tiếng để tham quan kiến trúc, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa qua các hiện vật được trưng bày. Tiếp đó, trên con đường đến các điểm di sản tiếp theo du khách sẽ được trải nghiệm trong những con hẻm với những quán ăn lâu đời mà chỉ người gốc Sài Gòn sành ăn mới biết, hay dừng chân nghỉ ngơi tại một quán nước vỉa hè, ngắm nhìn dòng chảy có lúc đông đúc, hối hả, vội vàng như anh công nhân đang mong bữa cơm chiều, có lúc lại chậm rãi thơ thẩn như một nghệ sĩ đang suy tư.

Phạm vi nghiên cứu của đồ án được giới hạn tại Quận 1, tại các điểm “di sản” sau: Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Tôn Thất Đạm, chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, cụm công trình Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, đường sách, Nhà hát TP. Và được kết nối bởi các trục đường chính như: Hàm nghi, Lê Duẩn, Đồng Khởi và phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Cách thức thực hiện đồ án được chia làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1, nhóm SV Đại học Tôn Đức Thắng tìm hiểu, xác định thách thức của du lịch đối với công trình “di sản” và chọn hướng tiếp cận thách thức để nghiên cứu, đề xuất giải pháp bằng sản phẩm kiến trúc;
  • Giai đoạn 2, nhóm SV TDTU sẽ kết hợp ngẫu nhiên cùng 3 SV trong 5 quốc gia còn lại (Nhật Bản, Thái Lan, và Trung Quốc) để cùng nhau bàn luận, đề xuất ý tưởng cụ thể nhằm trả lời các thách thức một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

Khảo sát là một giai đoạn quan trọng và đầy thú vị trong quá trình thực hiện đồ án. Nhóm thí sinh có cơ hội được trải nghiệm thực tế nhịp sống của thành phố, lắng nghe câu chuyện quá khứ, quan sát hiện tại và suy ngẫm về tương lai để có được góc những nhìn chân thực, những cảm nhận sâu sắc nhất. Từ đó nhóm thí sinh tự đưa mình vào vai du khách để tìm ra thách thức đang gặp phải đề giải quyết và tìm ra cái đặc sắc để đưa vào hành trình trải nghiệm cho du khách. Tổng hợp tất cả những điều đó giúp nhóm thí sinh định hình được những gì cần phải làm trong những giai đoạn tiếp theo.

Giải pháp thiết kế sau khi làm việc với SV quốc tế đã được định hình một cách rõ ràng, cụ thể không chỉ về mặt ý tưởng và còn đi sâu vào chi tiết kiến trúc và công năng sử dụng. Để kết nối, tương tác “di sản”, nhóm SV đề xuất sử dụng các trạm tại những điểm công trình di “sản”. Chức năng chính của trạm giống như một không gian giới thiệu, đề xuất địa điểm trải nhiệm cho khách du lịch, đồng thời nó cũng là một trạm thuê xe đạp để đáp ứng việc di chuyển cho du khách trong bán kính di chuyển phù hợp bên cạnh đó việc dùng xe đạp trong hành trình trải nghiệm cũng là một hình thức trải nghiệm xanh, bảo vệ môi trường, tạo một hình ảnh văn minh cho thành phố. Không những thế trạm còn có chức năng đóng dấu check in, được thiết kế theo dạng con tem với những hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi check in tại mỗi điểm đến với mỗi con tem khác nhau.

Đặc điểm kiến trúc của trạm cũng được thiết kết một cách linh hoạt với dạng kết cấu lắp ráp theo modul, từ đó không gian có thể thay đổi mở rộng linh hoạt để đáp ứng nhiều chức năng khác nhau và sự thay đổi số lượng du khách sử dụng.


Ngô Nguyễn Minh Huy: Đây là một vinh dự đối với cá nhân mình khi được nhà trường chọn để tham gia Cuộc thi ACARA2020. Tuy thời gian không nhiều, nhưng mình đã có cơ hội làm việc với những SV giỏi nhất Châu Á và còn được các giáo sư nước ngoài nhận xét, đánh giá bài làm của nhóm. Đến với cuộc thi với tinh thần học hỏi, chúng tôi đã được học rất nhiều điều thú vị, từ tìm tòi ý tưởng, các suy nghĩ về mặt chuyên ngành chuyên môn cho đến việc được giao tiếp với các SV nước ngoài. Qua đó, biết được thực lực của SV chúng ta để có thể tiếp tục phấn đấu. Ngoài ra, trải nghiệm workshop online cũng khá mới mẻ, bất ngờ và thú vị.


Lê Văn Hoàng: Xin thay mặt nhóm thí sinh TDTU cảm ơn TS. Ngô Lê Minh đã tạo nhiều điều kiện và cơ hội cho SV tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước. Cá nhân em rất vinh dự và tự hào khi được đồng hành cùng các bạn trong một cuộc thi quốc tế hàng đầu châu Á. Trải qua quá trình làm việc cùng Thầy và các bạn, em học hỏi thêm được rất nhiều điều hay, bổ ích: Được trải nghiệm văn hóa, lối sống của người Sài Gòn, được đồng hành cùng các bạn trên những con đường lịch sử. Trong buổi thuyết trình online được nghe các bạn SV đến từ các nước khác thuyết trình em lại một lần nữa cảm thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc khi được tham dự cuộc thi này. Em sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm này trong quãng đời SV của mình.


Trần Quốc Vĩ: Hai tuần cho một hành trình là trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời SV. Đó là một vinh dự, là một cơ hội quý báu mà nhà trường dành cho mình. Được học tập , trải nghiệm cùng với các bạn SV các nước Châu Á, được gặp gỡ các vị giáo sư và nhận được những lời nhận xét đánh giá cho bài của mình quả thật là một niềm vinh dự lớn lao của mình. Xin cảm ơn các Thầy đã tin tưởng lựa chọn, cho em một cơ hội để học tập, trải nghiệm và va chạm thực tế với các bạn SV Châu Á.


Nguyễn Huỳnh Duyên: Nhờ có Cuộc thi này mà em gặp gỡ được nhiều người bạn vô cùng cởi mở, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc về văn hóa, di sản TP HCM. Nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ khác nhau, đó chính là rào cản lớn nhất trong giao tiếp giữa mọi người với nhau. Nhưng không vì vậy mà chúng em không đạt được mục đích của cuộc thi, những bản vẽ phác thảo bằng tay đưa ra ý tưởng cá nhân, từ đó mà mọi người có thể nhìn tổng quát được vấn đề mình đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết. Những trải nghiệm này giúp em nhận biết mình đang ở đâu và cần làm gì để trưởng thành hơn trong những cơ hội tiếp theo.


Xu hướng đào tạo chất lượng cao từ các Cuộc thi tài năng SV kiến trúc

Được trực tiếp tham gia, theo dõi cuộc thi ACARA 2020 từ vòng loại và cả năm trước đó, có thể nhận thấy chủ đề của mỗi mùa thi mang tính thực tiễn cao, cập nhật những vấn đề thời sự đang diễn ra hàng ngày. Cùng với việc quan sát đào tạo ngành kiến trúc tại châu Âu, các đồ án môn học ngành kiến trúc của họ đều tổ chức thực hiện tại một địa điểm có thật hoặc có thể lấy đề bài của một cuộc thi đang được tổ chức trên toàn thế giới. Thông qua đó, SV có thể thấy trực tiếp khu đất (nơi chốn) mà mình phải xử lý, nơi đó có đủ các yếu tố ngoại cảnh như nắng, gió, con người đang hoạt động với cảm xúc và “tâm hồn”… Ngay cả việc SV phải di chuyển đến nơi chốn đó thông qua các chuyến đi thực tế do Bộ môn hoặc Khoa tổ chức tại Châu Á, Phi, Mỹ… để tận mắt chứng kiến “người thật, việc thật”.

Đồ án của đội Nhật Bản
Đồ án của đội Nhật Bản
Đồ án của đội Trung Quốc
Đồ án của đội Trung Quốc
Đồ án của đội Indonesia
Đồ án của đội Indonesia
Đồ án của đội Singapore
Đồ án của đội Singapore

Các đề tài, chủ đề của các đồ án môn học cũng rất đơn giản, không đòi hỏi xử lý công năng hoặc kỹ thuật quá cao siêu, chẳng hạn đồ án cho SV năm 3 vẫn có thể là ngôi nhà cho một nhạc sỹ, nhà cho mẹ, một nhà nguyện ven đường hoặc có thể rộng hơn cho SV tất cả các khóa có thể làm đồ án mà mình yêu thích trong học kì được Khoa đưa ra khi chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ ngày càng giúp SV linh động trong việc học và rút ngắn thời gian học tập; cụ thể, SV học kì 3 vẫn có thể làm chung đề tài với SV làm tốt nghiệp… Bên cạnh đó, không thể không nói đến việc đào tạo và đánh giá của các giảng viên. Việc học các kiến thức, kĩ năng về đồ họa hoặc các kiến thức về kết cấu, công năng… ngày nay với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông và sự phát triển vũ bão về công nghệ trong thế giới phẳng, SV có thể hoàn toàn tự học được các kiến thức và kĩ năng đó sau khi đã được người thầy giúp đỡ trong những bước đầu tiên. Việc đào tạo người KTS phải được tập trung và nhấn mạnh ở tư duy sáng tạo, buộc SV phải đọc nhiều, có nhiều trải nghiệm thực tế cuộc sống đang diễn ra cũng như các kiến thức về xã hội để từ đó hình thành những ý tưởng độc đáo và sâu sắc.

Tóm lại, quan niệm đào tạo KTS gắn liền với thực tế cuộc sống, gắn liền với những vấn đề thực tiễn đang xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta ngày càng đúng đắn và cần thiết. Quan điểm đó cần được các cơ sở đào tạo KTS của Việt Nam phát huy để định hướng và phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu ngày nay.

Những điều rút ra sau cuộc thi ACARA2020

Bài viết được thực hiện nhằm chia sẻ những cảm xúc của nhóm SV TDTU được vinh dự tham gia Cuộc thi quốc tế ACARA2020, đồng thời chia sẻ góc nhìn là một thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi, từ đó cùng suy ngẫm về chiến lược đào tạo SV kiến trúc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cuộc thi thường niên về các đồ án SV và KTS trẻ ACARA (Asian Contest of Architectural Rookie’s Awards) luôn là cơ hội tốt cho các thí sinh tham gia cuộc thi, để các KTS tương lai được trải nghiệm một cuộc thi thiết kế quốc tế và được khuyến khích thể hiện hết khả năng sáng tạo của mình.
Về tiêu chí đánh giá của cuộc thi, Hội đồng giám khảo đề cao tính sáng tạo trong mỗi đồ án, cần phải thể hiện được nét văn hóa đặc trưng trong công trình kiến trúc, phản ánh bản sắc kiến trúc địa phương, đồng thời đề cao cách thức ứng phó linh hoạt và hiệu quả trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại mỗi quốc gia.

Việc tổ chức thi trực tuyến trên nền tảng công nghệ Zoom trong một cuộc thi kiến trúc chỉ là giải pháp tình thế, không có sự lựa chọn nào khác. Các thí sinh trình bày với nỗ lực nhiều nhất, nhưng cũng không thể nào hiệu quả và biểu đạt cảm xúc như bình thường. Giám khảo cũng bị hạn chế để hiểu hết ý nghĩa gửi gắm trong từng ý tưởng, từng bài thi. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để chúng ta quay trở lại với những cái bắt tay và ánh nhìn trực tiếp để cảm nhận cuộc sống chân thật hơn.

TS.KTS. Ngô Lê Minh
ThS. Nguyễn Hải Bình và nhóm SV TDTU
Trường Đại học Tôn Đức Thắng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)

The post Cuộc thi kiến trúc quốc tế ACARA 2020 – Góc nhìn mới từ đồ án kiến trúc thời kỳ hậu COVID 19 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2NYrIzW
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét