2019 là năm đánh dấu việc thủ đô Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Do đó, Hà Nội đã và đang dần chuyển mình, tạo ra nhiều không gian văn hóa, sáng tạo hơn, điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian bích hoạ Phùng Hưng và không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân,… Hãy cùng PV TCKT gặp gỡ Hoạ sĩ, Nhiếp ảnh gia HS Nguyễn Thế Sơn – người đã góp phần tạo nên hai trong số nhiều tác phẩm vì cộng đồng đó và lắng nghe chia sẻ của anh về bước phát triển trong các không gian cộng đồng tại Hà Nội những năm qua.
Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành Trung – Anh nhưng HS Nguyễn Thế Sơn lại bén duyên với mỹ thuật. Năm 2002, anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chuyên ngành Hội họa và được giữ lại làm giảng viên của trường. Năm 2008, HS Nguyễn Thế Sơn sang Bắc Kinh học Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA) qua các khoa Bích họa, Nghệ thuật thực nghiệm. Năm 2012 anh nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật của ngôi trường danh giá này. Có thể gọi anh là họa sĩ, nhiếp ảnh gia, học giả tiếng Trung Quốc hay một nghệ sĩ thị giác năng động đều đúng cả.
Anh sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, bén duyên với những công trình vì cộng đồng tại thành phố Hà Nội có lẽ cũng chính bởi tình yêu đối với nơi mình sinh sống.
Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý tưởng về những công trình sáng tạo dành cho cộng đồng của mình?
HS Nguyễn Thế Sơn: Trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình suốt nhiều năm nay, ngoài những dự án cá nhân trưng bày trong các không gian Bảo tàng, gallery hay phòng triển lãm chuyên biệt, tôi còn thực hiện một số dự án nghệ thuật công cộng và nghệ thuật cộng đồng dưới vai trò vừa là giám tuyển vừa là nghệ sỹ tham gia trực tiếp. Những dự án này muốn hướng tới đông đảo quần chúng và dễ tiếp cận hơn, thường là diễn ra ngoài trời ở những không gian công cộng. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng vào năm 2017- 2018 và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân diễn ra vào năm 2019 -2020. Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng đã khơi dậy sức sống mới cho một đoạn phố rất ô nhiễm và nhếch nhác trước đó, biến nơi đây trở thành một con phố nghệ thuật có thể đi bộ và trải nghiệm thăm quan các tác phẩm nghệ thuật, chụp ảnh và tương tác, biến người xem trở thành một thành tố trong tác phẩm sắp đặt. Dự án đã tạo một sức hút lớn cho người dân thủ đô và du khách. Gần 4 năm dự án đi vào đời sống của khu phố, thu hút được hàng triệu lượt khách thăm quan và tương tác, đã tạo nên một sức sống hoàn toàn khác cho khu phố thay đổi cả sinh kế của những hộ dân xung quanh khu vực. Không những thế nó trở thành một hình mẫu để nhân rộng phát triển khu phố cổ trở thành một không gian đi bộ trải nghiệm văn hoá di sản và văn hoá đương đại của TP sáng tạo trong tương lai gần.
Phát triển tiếp ý tưởng về việc đưa nghệ thuật công cộng thành một phương tiện mở lối và tiếp cận với những cộng đồng khu vực thiệt thòi, hè 2019, tôi cùng nhóm nghệ sỹ tình nguyện đã nhận lời mời của UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Trong khoảng thời gian khá ngắn chỉ vài tháng, với một ý tưởng tổng thể thắp sáng khu vực xóm tối Phúc Tân bằng các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đa chất liệu, lấy cảm hứng từ chính ngữ cảnh lịch sử và đời sống cư dân Phúc Tân. 16 nghệ sỹ với 16 tác phẩm sắp đặt chủ yếu từ vật liệu tái chế được hỗ trợ từ phong trào phát động của chính cộng đồng người dân phường Phúc Tân đã phủ kín gần 500 mét dải bờ tường chống lấn chiếm của chính quyền xây dựng từ 30 năm trước. Các tác phẩm từ khi xuất hiện ở đó hơn nửa năm nay đã trở thành một phần cuộc sống của bà con Phúc Tân, môi trường cảnh quan vì thế cũng được mọi người chung tay thu dọn sạch sẽ thường xuyên tạo nên một bầu không khí thoáng đãng sạch sẽ đầy tính nghệ thuật. Điều này đã tạo cảm hứng cho chính người dân và chính quyền về địa chỉ văn hóa, du lịch sinh thái ngay giữa lòng Hà Nội đã bị bỏ quên bao nhiêu năm qua.
PV: Các không gian sáng tạo ở Hà Nội được xem là các không gian lý tưởng để tăng cường vai trò của cộng đồng, Anh có thể chia sẻ thêm về trách nhiệm của những người trẻ trong việc tạo ra không gian kết nối cộng đồng?
HS Nguyễn Thế Sơn: Các không gian sáng tạo là một khái niệm khá mới mẻ trong những năm gần đây với sự nổi lên và cũng biến mất nhanh chóng của khu nghệ thuật tự phát “Zone 9” trên nền một khu nhà máy Dược ở ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm. Sau sự tan rã của Zone 9, các xưởng sáng tạo nhỏ từ thiết kế tới kiến trúc, không gian nghệ thuật… đã “dạt” ra khắp nơi ở Hà Nội và cố gắng vật lộn để dần khẳng định sự cần thiết và nhu cầu thiết yếu của việc tạo dựng và vận hành những không gian sáng tạo. Mô hình này thực sự không mới, bài học từ các nước phát triển trên thế giới từ Đông sang Tây đều chứng minh nhu cầu cấp thiết của những không gian sáng tạo trong giới trẻ chính là một nguồn năng lượng tươi mới của TP, đồng thời giải quyết nhu cầu kết nối trực tiếp với cộng đồng. Hà Nội trong hướng đi tiếp theo cũng cần hướng tới mục tiêu sớm trở thành TP thông minh, nơi thúc đẩy các không gian sáng tạo để phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới. Chính vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, vấn đề nằm ở chính sách phát triển kinh tế văn hoá xã hội cụ thể của chính quyền, cần phải có những cam kết thay đổi ủng hộ và đồng hành cùng với việc thúc đẩy nguồn lực sáng tạo trẻ. Tôi tin giới trẻ sẽ luôn đủ nhậy bén để nắm bắt thời cơ và phát triển. Bên trong các không gian sáng tạo nên có một tỉ lệ nhất định dành cho những sáng tạo mang tính kết nối cộng đồng, cụ thể là những tác phẩm nghệ thuật công cộng, nhằm tạo điểm nhấn sức hút và là nguồn năng lượng kích thích sự sáng tạo tự do. Đó là sẽ là những điểm nhấn then chốt tạo nên những thay đổi căn bản cho mục tiêu trở thành TP thông minh, thành phố sáng tạo như cam kết của Hà Nội phát triển bền vững trong tương lai không xa.
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân
“Phúc Tân Giang” gồm 16 tác phẩm dàn hàng ngang án ngữ độ 200m tường ngăn cách giữa khu dân cư và bãi sông. Nơi trưng bày tác phẩm trông ra một vùng đất rộng, chính là bãi sông phủ đầy cây mọc tự nhiên nằm giữa hai cây cầu Long Biên và Chương Dương, vốn đang bỏ hoang, tập kết rác ô nhiễm. Quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ, họa sĩ đã thay đổi diện mạo nơi đây bằng những tác phẩm tái chế sáng tạo, đánh thức giá trị tiềm ẩn Phúc Tân.
PV: Hà Nội đã lựa chọn tối đa hóa tiềm năng của lĩnh vực thiết kế cho sự phát triển bền vững của đô thị – Theo anh, điều này có tác động như thế nào đến các không gian hiện hữu chứa đựng nhiều giá trị lịch sử của thủ đô?
HS Nguyễn Thế Sơn: Đầu tư vào lĩnh vực thiết kế là một hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững của đô thị. Thiết kế ở đây chính là tối ưu hoá lại các nguồn lực sẵn có. Hà Nội là một TP giàu truyền thống văn hoá lịch sử với các lớp trầm tích thời gian, một lợi thế mà không nhiều TP có được. Cần mở rộng khái niệm di sản văn hoá để có thể khơi thông và mở rộng các nguồn lực. di sản cây xanh, mặt nước và kiến trúc chính là những không gian hiện hữu mà các dự án thiết kế cần nhắm tới. Theo tôi, Hà Nội còn bỏ qua và lãng phí quá nhiều không gian hiện hữu chứa đựng các giá trị lịch sử. Theo tôi, thiết kế theo quan điểm hiện đại là một khái niệm rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực và yếu tố cần được xem xét một cách thấu đáo và cần phải có một cái nhìn tổng thể để có thể huy động và phát huy khả năng hợp tác liên ngành, thúc đẩy được khả năng sáng tạo của các cá nhân và tổ chức sáng tạo.
Dự án bích họa phố Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ 3-1-2017 và khai trương vào tối 2-2-2018
Có tổng cộng 17 vòm cầu được các nghệ sĩ Việt – Hàn thực hiện các tác phẩm hội họa, tạo ra một không gian kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng.
Những bức tranh bích họa về bách hóa tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ cho chữ…trên các vòm cầu gợi nhớ về những ký ức đẹp của Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh và các cộng sự tiếp tục thành công với những dự án sáng tạo mới!
Bích Thuỷ (Thực hiện)
Ảnh trong bài: HS Nguyễn Thế Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)
The post Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Bén duyên với những dự án nghệ thuật cộng đồng vì tình yêu với Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2NNafKA
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét