Di sản kiến trúc hình thành và tồn tại trong mối tương quan với thời gian. Những phân tích xoay quanh chủ đề “Thời gian và Kiến trúc” thường nỗ lực đào sâu mối liên hệ chặt chẽ giữa Không gian – Thời gian – Con người. Thời gian đóng vai trò ảnh hưởng và dẫn dắt cách con người tạo nên kiến trúc. Trải nghiệm của con người trong không gian kiến trúc gợi nhắc cảm thức về thời gian. Các bàn luận sau đây về ý nghĩa của thời gian trong các đối tượng di sản kiến trúc sẽ làm rõ những giá trị của kiến trúc dưới góc nhìn của chiều kích ẩn tàng này.
Di sản kiến trúc là đối tượng hiện diện trong mối quan hệ muôn thuở giữa bảo tồn và phát triển. Xung đột giữa cái giới hạn của không gian vật chất và sự vô hạn của dòng chảy thời gian luôn đặt ra những thử thách có tính bản chất, yêu cầu phải tìm ra giải pháp có thể thỏa mãn cùng lúc nhiều điều kiện. Về cơ bản, những khó khăn trong xử trí di sản kiến trúc tồn tại một phần dựa trên quan điểm phân tách quá khứ, hiện tại và tương lai, phân biệt giữa “cái cũ” và “cái mới”. Xuyên suốt tiến trình phát triển của nhân loại, chúng ta không phải là thế hệ đầu tiên phải đứng trước những vấn đề do thời gian đặt ra, đặc biệt là trong kiến trúc – Địa hạt mà vòng đời của các kiến tạo đều kéo dài trong nhiều năm tháng. Ở những thời điểm và nơi chốn khác nhau trong lịch sử, nhân loại đã ứng xử với thời gian trong kiến trúc như thế nào? Câu hỏi này sẽ dần được làm rõ thông qua những phân tích cụ thể sau đây.
Chiều thời gian trong kiến trúc
Từ những năm đầu của thế kỷ 18, các nhà khoa học ở các ngành vật lý và triết học đã đề xuất ý tưởng “Chiều thời gian” – Không gian và thời gian không hề tách biệt và thời gian là một chiều kích ẩn tàng, tồn tại không rời với ba chiều kích cơ bản mà con người đã biết. Đối với kiến trúc, không gian không chỉ là không gian vật chất thuần túy, mà còn là nơi chốn của sự sống, trải nghiệm, nhận thức. Đặc biệt, với những di sản kiến trúc mang trong mình một lịch sử tồn tại kéo dài, những thông tin và giá trị chứa đựng trong chiều thời gian lại càng đa dạng và phức tạp. Soi chiếu bằng góc nhìn lấy chiều kích thời gian làm trung tâm là một ngách đào sâu các giá trị phi vật thể của kiến trúc.
Để hiểu được những tác động và mối liên hệ của thời gian và kiến trúc, cần tìm hiểu cách mà con người nhận thức về thời gian trong mỗi nền văn minh và văn hóa khác nhau; cách mà con người đã ứng xử với thời gian trong và bằng kiến tạo kiến trúc. Nhận thức về thời gian của con người chính là chìa khoá quan trọng để kiến giải những câu hỏi kể trên. Trong từng giai đoạn lịch sử, thời gian đóng vai trò và mang những ý nghĩa khác nhau, thúc đẩy và ảnh hưởng đến tư duy lý luận lẫn thực hành kiến trúc.
“Thời gian” trong kiến trúc Tiền Hiện đại
Tại Ai Cập cổ đại, người ta tin rằng cái chết chỉ là dấu mốc kết thúc kiếp sống ở “cõi tạm”; rằng cuộc sống ở bên kia cái chết mới chính là sự vĩnh hằng thực thụ. Di sản kiến trúc lăng mộ – Kim tự tháp – đóng vai trò xóa nhòa giới hạn về thời gian của con người. Ngoài việc biểu dương sức mạnh và uy quyền của tầng lớp thống trị, kiến trúc còn tạo nên những tác động liên thời gian: Không gian sống và “lối sinh hoạt” của những linh hồn trong lăng mộ được tin rằng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng đời sống trong hiện tại và tương lai. Nói cách khác, bằng nhận thức về sự hữu hạn của một cơ thể sống, con người đã dùng kiến trúc làm phương tiện để đương đầu và chuẩn bị cho sự vô tận của thời gian.
Ở phương Đông, tại Ấn Độ, Sanchi là một quần thể di tích kiến trúc Phật giáo cổ xưa, nổi bật trong đó là các stupa, lăng mộ hình bát úp. Một tổng thể stupa bao gồm khối khung tâm là một gò đất hình bán cầu được nâng lên bởi một phần đế thấp; bao quanh chu vi của khối trung tâm là một lan can thấp (vedika) với bốn lối mở chính nằm ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Hai trục chính Đông – Tây và Nam – Bắc, kết hợp cùng hướng mở của các lối vào, tạo thành một hình đồ của Không – Thời gian, mà theo hệ thống ký hiệu mandala, chính là hình đồ của chữ “Vạn” (卐). Bốn hướng cơ bản biểu thị cho không gian, còn các lối vào bị bẻ gẫy, được hiểu như chuyển động của các ngôi sao, biểu hiện cho thời gian. Thời gian lúc này trở thành một chiều quan trọng ảnh hưởng đến bố cục và phương vị của kiến trúc. Ngoài niềm tin vào trật tự thế giới Không – Thời gian, con người lúc này đã cụ thể hoá chiều thời gian thành một chiều hướng vật chất thông qua phép biểu tượng được gửi gắm trong yếu tố kiến trúc.
Sang thời Trung thế kỷ, có rất nhiều đô thị tại châu Âu đã được hình thành một cách chậm rãi xuyên qua khoảng thời gian thích ứng kéo dài, và hầu như không được “quy hoạch và thiết kế” với ý nghĩa đầy đủ của động thái này. Vì vậy, mà một đặc điểm rất quan trọng là di sản kiến trúc đô thị tiền công nghiệp thường đã “tiến hoá” qua một quá trình kéo dài hàng thế kỷ. Quá trình ấy cho phép kiến trúc đô thị liên tục được điều chỉnh, làm cho môi trường tự nhiên thích nghi dần với chức năng đô thị. Bản thân kiến trúc đô thị, do vậy đã không chỉ là mục tiêu, mà chính là công cụ được hình thành xuyên qua quá trình sử dụng và trải nghiệm.
Kết quả của quá trình này, dựa trên vô số kinh nghiệm tích luỹ được, là những không gian hài hoà với tầm vóc con người và tràn đầy ý nghĩa. Hình thức phát triển ấy gắn chặt với những chuẩn mực cộng đồng, hoà quyện với văn hoá dân gian và cuộc sống đời thường của đô thị. Vì vậy mà nó là biểu hiện của thế giới quan cộng đồng, là niềm tự hào đối với thành công của sự tự gây dựng, là giấc mơ thành hiện thực của cuộc mưu sinh, là gia tài và thông điệp gửi lại cho các thế hệ tiếp nối. Thời gian và ảnh hưởng từ những quy luật tất yếu mà nó đem lại đã tham gia bồi đắp nên kiến trúc. Tất cả đều được quan niệm sít sao và gắn chặt với đời sống vật chất, đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cộng đồng trước khi có sự xáo trộn lớn từ lúc loài người bước vào thời kỳ văn minh công nghiệp.
“Thời gian” trong kiến trúc Hiện Đại
Giai đoạn Hiện đại nói chung, trong tất cả các ngành khoa học, nghệ thuật đều mang trong nó ý niệm về một viễn cảnh lý tưởng tuyệt đối của nhân loại. Những đứt gãy trong chiều thời gian cũng xảy ra mạnh mẽ và triệt để nhất trong giai đoạn này, chính bởi tinh thần của tư duy duy lý đang phủ trùm lấy thời đại. Tinh thần của thời đại này chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho những bàn luận về thời gian trong kiến trúc vẫn còn bị “mổ xẻ” ở góc độ hình thức và biểu hiện thay vì góc độ trải nghiệm. Đối với riêng kiến trúc, Chủ nghĩa Hiện đại gắn liền với sự đoạn tuyệt triệt để các hình thức và tất cả những biểu hiện ám chỉ quá khứ. Những kiểu thức truyền thống được bài trừ mãnh liệt để đạt tới kiểu hình hoàn mỹ tuyệt đối mà Chủ nghĩa Hiện đại hướng đến.
Không thể phủ nhận, hình thức kiến trúc của giai đoạn này đã tạo ra những mực thước kinh điển về thẩm mỹ chỉ sau hệ thẩm mỹ Hy Lạp cổ đại. Ở quy mô đô thị, những mô hình đô thị cấp tiến kiểu mới, khác xa hoàn toàn với mô hình cũ đã xuất hiện. Nổi bật trong số đó có thể kể những công trình thực hành lẫn nghiên cứu của Le Corbusier và Ludwig Mies van de Rohe, với những giải pháp khiến cho đời sống trong lý tưởng Hiện đại được xây dựng hoàn toàn xa lạ với lối sống cũ. Thay cho tư duy cải tạo và nhìn nhận tiến trình phát triển của thế giới như một cuộc cách mạng trường kỳ với những bước thay đổi đều đặn ở biên độ nhỏ, những đề xuất của kiến trúc Hiện đại được hình thành như các cuộc cải tổ toàn diện, như những phát minh hoàn toàn mới. Các nhà lý luận và thực hành kiến trúc Hiện đại tin rằng, họ có thể xây dựng được một hệ thống triết lý và kiểu thức thẩm mỹ hoàn hảo đến nỗi có thể trường tồn với thời gian, sẽ luôn là “đáp án” chính xác nhất cho các bài toán thiết kế kiến trúc của mọi thời đại.
Để bảo toàn cho sự hoàn hảo đó, mọi nỗ lực chống lại sự hao mòn bởi thời gian được thể hiện trong đời sống của các công trình. Các KTS Hiện đại quan niệm rằng hình hài của công trình vào ngày nó được khánh thành chính là khả thể hoàn mỹ nhất, còn bất kỳ dấu vết nào xuất hiện do quá trình sử dụng của con người hay do thời tiết đều được xem như biểu hiện của sự xuống cấp. Dáng hình hoàn mỹ đó cũng chính là vạch phân chia giữa trạng thái “cũ” và “mới”. Cách nhìn nhận này khiến cho dưới góc nhìn của các nhà kiến trúc Hiện đại, công trình kiến trúc trở nên yếu ớt và dễ dàng bị đe doạ bởi thời gian. Kết quả là bê tông cốt thép, khung thép chịu lực, tường phẳng và những dải khung kính băng ngang – những giải pháp vật liệu tiêu biểu của giai đoạn này – chính là những lựa chọn giúp cho công trình giữ được lâu dài nhất hình hài nguyên vẹn của nó.
“Thời gian” trong kiến trúc Hậu Hiện đại
Vào những năm 1970, các KTS chuyển sự tập trung về phía những vấn đề bối cảnh, lịch sử, truyền thống và hình thức như một cách để làm sống dậy những mục đích và ý nghĩa trong kiến trúc. Sau một giai đoạn Hiện đại của sự đứt gãy trong chiều thời gian, kiến trúc Hậu Hiện đại có xu hướng tìm tòi để cải thiện chất lượng thời gian trong kiến trúc với những cách tiếp cận đa dạng.
Xu hướng thứ nhất khai thác những kiểu thức từ quá khứ để khơi gợi cảm giác lịch sử. Người thiết kế cố gắng đi tìm lại những chất liệu ở dạng vật chất lẫn tinh thần từ trong quá khứ, để tạo được sự kết nối về mặt ký ức trong trải nghiệm của con người. Robert Venturi đề xuất nên tập trung vào mặt đứng của công trình, với các mô típ lịch sử để làm cho công trình trở nên thú vị và thân thuộc hơn trong mắt người thưởng lãm. Yếu tố lịch sử đóng vai trò như những “mã” ký ức, có khả năng tạo kết nối sâu sắc mà không cần người cảm thụ có một nền tảng kiến thức chuyên ngành. Ở Ý, Aldo Rossi chỉ trích những kiến trúc đô thị sau Thế chiến chạy theo Chủ nghĩa Hiện đại mà không quan tâm đến lịch sử, đến nền văn hoá truyền thống của cộng đồng cư dân. Ông nhấn mạnh rằng: Các TP cần được xây dựng với tinh thần bảo tồn cấu trúc trong lịch sử của nó.
Xu hướng thứ hai bộc lộ cảm thức thời gian thông qua các biểu hiện đặc thù của thời đại. Trong khi ở xu hướng thứ nhất, các KTS cố gắng đào sâu vào nguồn cội của bối cảnh lịch sử, bối cảnh không gian nơi đặt để công trình, thì nhóm thực hành ở xu hướng thứ hai tin rằng chất lượng thời gian của kiến trúc được phản ảnh qua những điều mà kiến trúc quá khứ đã không làm được. Peter Eisenman giới thiệu khái niệm “Hồn thời đại” (zeitgeist) với nỗ lực nhấn mạnh những bước tiến của thời điểm mà công trình được sinh ra và hoàn thành. Bằng Chủ nghĩa Giải toả cấu trúc, các KTS chứng minh sự phi thường trong các cơ thể “phi cấu trúc” tưởng chừng như bất ổn định. Sự tồn tại của hình thức kiến trúc này có được là nhờ vào sự phát triển của công nghệ và những tiến bộ vượt bậc của kĩ thuật xây dựng.
Điểm chung và cũng là giới hạn của hai xu hướng khai thác kể trên là: Chỉ dồn sự tập trung vào biểu hiện và hình hài của thời gian. Lịch sử kiến trúc đối với cả hai xu hướng đều được nhìn nhận như chuỗi thay đổi các mô típ, kiểu thức. Tuy nhiên, để kiến trúc thực sự có thể tác động sâu sắc đến nhận thức thời gian của con người, nó cần cung cấp một góc nhìn thoát ly ra khỏi trục thời gian tuyến tính của chính nó.
Sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc Hiện tượng học chính là bước tiến tiếp theo trong giai đoạn Hậu Hiện đại, với tư duy hướng đến sự đa dạng, cởi mở với những góc nhìn mới mẻ, cởi mở với những nhóm thiểu số trong đại chúng, đồng thời tập trung sâu sắc vào giá trị trải nghiệm trong kiến trúc. Thời gian giờ đây trở thành một chiều kích mới mẻ để khai thác, chứ không còn là một mối đe dọa, hay là một chủ đề trừu tượng xa lạ chỉ được nắm bắt qua các hình ảnh, kiểu thức. Thời gian cá nhân, thời gian trải nghiệm được lên ngôi và tạo cơ hội cho rất nhiều xu hướng thực hành với những góc độ khai thác khác nhau được cất tiếng nói. Bằng lăng kính này, con người nhìn thấy và cảm nhận được thời gian thông qua kiến trúc, đồng thời quan sát và thấu hiểu được kiến trúc ở mức độ tổng hòa xuyên suốt trục thời gian.
Kết luận
Để giữ được sự liên tục của quá trình phát triển, cần nhìn nhận thời gian trong kiến trúc bằng nỗ lực cộng gộp chứ không phải loại trừ. Sự biến đổi và biến mất cũng chính là một chương trang trong “cuộc đời” của kiến trúc. Quá trình chuyển hoá liên tục xảy ra và vòng đời của kiến tạo tiếp tục được tái sinh trong một hình hài và chức năng khác. Góc nhìn này cho phép công trình kiến trúc và di sản kiến trúc được quan sát một cách tổng thể ở quy mô xuyên suốt trục thời gian, xuyên qua những thăng trầm và chuyển đổi ở nhiều mặt. Trong khoảnh khắc hiện tại của thế hệ này, tồn tại những “hiện tại” đã qua và chưa đến của các thế hệ trước sau. Kiến trúc nên là phương tiện cho các giao tiếp vượt thời gian của con người, cho phép đời sống con người được xoay quanh, tương tác và thấu hiểu nó.
KTS Lê Nguyễn Gia An – TS.KTS Phạm Phú Cường
Đại học Kiến trúc TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tiếng Việt
1. Phạm Phú Cường. (2010). “Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu TP HCM” – Luận án Tiến sĩ Kiến trúc. Trường Đại học Kiến trúc TP HCM;
2. Doãn Minh Khôi. (2016). “Đọc và hiểu Kiến trúc” – NXB Xây Dựng;
3. Nguyễn Khởi. (2000). “Bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc” – NXB Xây Dựng;
4. Lê Thanh Sơn. (2001). “Một số xu hướng kiến trúc đương đại nước ngoài” – NXB Xây Dựng;
5. Lê Trần Xuân Trang. (2012). “Diễn giải truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại” – Luận án Tiến sĩ Kiến trúc. Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM;
Tài liệu tiếng Anh
1. Brand, Steward. (1994). How buildings learn: What happens after they’re built. Viking Press;
2. Ching, Francis D.K., Jarzombek, Mark, Prakash, Vikramaditya. (2011). A Global History of Architecture (Third Edition). John Wiley & Sons;
3. Field, Luke V. (2009). The Temporal Dimension of Architecture. Thesis of Master’s in Architecture, University of Cincinnati;
4. Giedion, Sigfried. (1959). Space, Time, and Architecture (Third Edition). Harvard University Press;
5. Lynch, Kevin. (1972). What time is this place. The MIT Press;
6. Pallasmaa, Juhani. (2005). The eyes of the skin (Third Edition). John Wiley & Sons.
The post Di sản kiến trúc dưới góc nhìn chiều thời gian appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6Bz17OH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét