Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Tạo lập bản sắc đô thị cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng

Người Hy Lạp cổ đại cho rằng: Mỗi thành phố (TP) đều có những đặc tính và giá trị riêng giúp xác định thể chế, hệ thống chính trị và cuộc sống của người dân. Các TP có bản sắc hấp dẫn sẽ tạo danh tiếng và thu hút đầu tư, du lịch, tăng khả năng cạnh tranh… Việc giữ gìn và tạo lập bản sắc đô thị luôn là vấn đề được đăt ra trong hai thế kỷ qua kể từ khi thuật ngữ toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950 cho tới nay. Đặc biệt là thế giới hiện nay đang trong thời đại cộng nghệ số 4.0, vấn đề bản sắc đô thị sẽ còn được bàn tới nhiều hơn.

“Venice'”ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc, Trung Quốc | Ảnh: HAP / Quirky China News / Rex

Tính đến năm 2050, hơn 2/3 dân số sẽ sống trong các đô thị. Các quốc gia, đô thị xích lại gần nhau hơn khi khoảng cách địa lý và chính trị đang dần bị xóa bỏ thông qua cuộc cách mạng công nghệ. Quá trình toàn cầu hóa cũng thúc đẩy sự tương tác hoặc hội nhập của các hệ thống kinh tế quốc gia thông qua sự tăng trưởng về thương mại quốc tế, đầu tư và dòng vốn, cũng như lan tỏa các công nghệ hiện đại. Các nền kinh tế, xã hội và văn hóa trên thế giới trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Trong một thời gian dài, các nền văn minh phương Tây đang ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc thế giới thứ ba về nhiều mặt như văn hóa, ngôn ngữ, kiến trúc,…Nhiều TP mới ở châu Á được xây dựng theo phong cách phương Tây, mà không hề quan tâm tới nguyện vọng của cộng đồng. Thực tế đã chứng minh rằng điều này đã ảnh hưởng đến yếu tố truyền thống địa phương và tác động lớn đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người dân. Ngày nay, nhiều người có cảm giác lạc lõng, xa lạ với TP của mình. Họ không biết làm cách nào để tìm lại cảm giác quen thuộc và gắn bó với nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Nhiều người sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng phổ thông như một ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Theo thời gian, ngôn ngữ gốc (tiếng mẹ đẻ) bị ảnh hưởng bởi các thuật ngữ nước ngoài, cuối cùng bị méo mó, pha trộn, rồi dần dần bị bỏ quên cho tới khi nó biến mất hoàn toàn.

Bản sắc đô thị là gì?

Một TP có bản sắc là nơi lưu giữ ký ức, giúp kết nối người dân với nơi chốn. Bản sắc đô thị là tính độc đáo không bao giờ bị trùng lặp hoặc có được trải nghiệm tương tự, vì chúng là sản phẩm đặc biệt trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Bản sắc giúp cho việc phân biệt một TP với những TP khác bằng cách tạo ra một hình ảnh khác biệt. Bản sắc chính là “DNA” của TP đó – Là một bộ sưu tập về tài sản, lịch sử, các đặc điểm địa lý, trình độ văn hóa, đặc điểm kiến trúc, truyền thống và phong tục tập quán, lối sống. Tuy nhiên, bản sắc thay đổi theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Sự thay đổi liên tục này cũng là một quá trình tất yếu của lịch sử nhưng lại thách thức việc bảo tồn tính nguyên bản. Ngoài ra, TP có bản sắc hấp dẫn sẽ tạo sự tư tin và tăng khả năng phục hồi sau suy thoái kinh tế do các yếu tố khách quan như đại dịch, thiên tai, chiến tranh…

Trong một thời gian dài, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, việc phát triển TP không theo kế hoạch, vô tổ chức làm phá hủy cảnh quan, kết cấu không gian đô thị… và làm tổn hại đến bản sắc của đô thị. Đối với các đô thị có bề dày lịch sử, thì vấn đề lớn nhất chính là làm sao để giữ gìn bản sắc vốn có. Việc bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, những nét độc đáo của địa phương ngày càng trở nên khó khăn hơn. Còn các TP mới, các TP “trẻ” thì vẫn đang loay hoay trong việc tạo lập bản sắc riêng, độc đáo. Ngày nay, các TP ngày càng trở nên giống nhau. Vấn đề khủng hoảng bản sắc đô thị đang được đề cập đến ngày càng nhiều hơn.

Câu chuyện này đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 20, khi công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa nhanh chóng cùng với những tiến bộ công nghệ đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều tiêu chuẩn hóa về môi trường xây dựng, làm môi trường sống của con người mất đi bản sắc văn hóa, ở cấp khu vực và quốc gia. Toffler (1980), đã đề cập đến nguyên tắc tiêu chuẩn hóa ban đầu được sử dụng trong chủ nghĩa công nghiệp đã tạo nên hiệu quả cao nhờ sản xuất hàng loạt. Ông cho rằng, việc áp dụng bừa bãi nguyên tắc này cho tất cả các lĩnh vực của cuộc sống bao gồm cả việc tiêu chuẩn hóa việc sử dụng đất ở đô thị đã dẫn đến các cấu trúc đô thị khá giống nhau và xuất hiện các công trình đơn điệu. Cùng quan điểm đó, Steele (1981) nói rằng: “Xu hướng tiêu chuẩn hóa đang trở thành một vấn đề quốc tế khi áp dụng các phương pháp xây dựng, vật liệu và phong cách tương tự”. Ví dụ là nhiều khu vực ngoại ô đang phát triển nhanh chóng của Hoa Kỳ, nơi không có bất kỳ bản sắc địa lý hoặc khu vực nào, trở nên đồng nhất và nhạt nhẽo, và do đó không tạo được ấn tượng về mặt cảm xúc đối với người dân hoặc du khách. Việc chú trọng đến bản sắc có thể giúp tạo ra nhiều kiểu mẫu đô thị thú vị hơn.

Ngày nay, vấn đề này vẫn đang tiếp diễn và ngày càng trở nên cấp bách hơn khi việc áp dụng các công nghệ xây dựng hiện đại, cùng phong cách, cùng một cách thức tư duy, xử lí vấn đề đối với các TP trở nên phổ biến. Tính nguyên bản của mỗi địa phương đang dần dần bị loại bỏ. Singapore là một ví dụ điển hình khi các tòa nhà chọc trời được tiêu chuẩn hóa xuất hiện nhanh chóng. Trong quá trình quy hoạch đô thị rập khuôn theo phương Tây, Singapore đã vội vã phá hủy các khu phố cổ sinh động của Hoa kiều, cư dân Mã Lai, di dân Ấn Độ. Mặc dù hiện nay Singapore đã trở thành một quốc đảo giàu có, và là trung tâm thương mại tài chính quốc tế của khu vực, nhưng xét về mặt văn hóa và bản sắc, Singapore vẫn là quốc gia mang nét đẹp của một TP hiện đại nhưng vô hồn.

Một TP không có bản sắc rõ rệt sẽ giống như sản phẩm công nghiệp, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Tính địa phương bị loại bỏ, nhiều khu vực độc đáo biến mất và ký ức gắn liền với nơi chốn cũng biến mất. Ở một quy mô lớn hơn, TP đó trở nên mất trí nhớ. Rebecca Solnit đã nhắc đến sự mở rộng của miền Tây nước Mỹ và sự suy tàn của đô thị New York trong cuốn “A field guide to getting lost”(2006), tạm dịch “Hướng dẫn cách để bị lạc trong đô thị”. Các khu đô thị của Hoa Kỳ vào nửa sau của thế kỷ thứ 20, được hưởng lợi từ tốc độ phát triển và đổi mới nhanh chóng của ngành công nghiệp, thu hút những người di cư dám nghĩ dám làm. Nước Mỹ đã bị chinh phục nhưng không được khám phá, sự khai phá đang đồng nghĩa với sự tàn phá. Solnit đã đưa ra các ví dụ về ngôn ngữ bị mất, lịch sử bị mất và nơi chốn bị mất. Những người Mỹ da đỏ bản địa – chủ nhân thực sự của vùng đất này, không có tiếng nói và không có sự lựa chọn, dần dần bị dồn ép sinh sống trong các khu đất chật chội hơn.

Joseph Rykwert viết trong cuốn The Seduction of Place (2000), tạm dịch “Sự quyến rũ của nơi chốn” rằng : “Bởi vì có sự tương tác liên tục giữa xã hội và cấu trúc đô thị, chúng ta không thể chỉnh sửa các TP của mình mà không thực hiện một số điều chỉnh đối với xã hội hoặc ngược lại.”. Ông còn viết rằng : “Bất kỳ mô tả nào về cấu trúc của một TP có thể thu thập được từ nhận xét của người dân, thể hiện một phép biện chứng liên tục và mật thiết giữa người dân và các môi trường vật chất mà họ sinh sống; điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của TP cũng giống như đời sống kinh tế hoặc chính trị của nó.”

Ngày càng có nhiều cư dân thể hiện sự ao ước được đấu tranh để giữ gìn bản sắc cộng đồng của họ. Chadirji (1984) đã xác định sự mong mỏi này xuất phát từ: Nhu cầu về cảm giác thân thuộc với nơi chốn; nhu cầu về sự đa dạng văn hóa trong một thế giới mà văn hóa ngày càng đồng nhất; sự tự hào về bản sắc dân tộc, chủng tộc, dân tộc hoặc các bản sắc xã hội khác. Steele (1981) đã chỉ ra những nỗ lực của các nhà bảo tồn lịch sử trong việc lưu giữ các khu vực đô thị độc đáo. Các nhà bảo tồn đã không thành công ở khắp mọi nơi do nhiều yếu tố. Trên thực tế, có nhiều thất bại hơn là thành công. Ví dụ: Ở Ả Rập Saudi, một số khu định cư truyền thống đã bị phá hủy do áp lực lớn từ việc phát triển đô thị và sự sùng bái chủ nghĩa hiện đại. Vì vậy, bất kỳ cuộc thảo luận nào về bản sắc đều cần phải dựa trên nền tảng văn hóa và lịch sử.

Việt Nam may mắn có cái nôi lịch sử văn hóa lâu dài cùng với các làng nghề truyền thống lâu đời. Nhờ nền văn minh nông nghiệp kéo dài đã hình thành các cộng đồng có lối sống đặc trưng vùng miền ít bị mai một. Sự phát triển kinh tế khá chậm và hội nhập kinh tế muộn làm cho đa số các di tích lịch sử tương đối được bảo tồn toàn vẹn. Những TP lịch sử như Hà Nội, Hội An, Huế đang có chính sách bảo tồn tương đối hợp lý nhưng cũng không tránh khỏi tác động của cách mạng công nghiệp và sự du nhập văn hóa nước ngoài, quá trình đô thị hóa làm cho nhiều đô thị mới có bản sắc ngày càng mờ nhạt, và giống nhau nhiều hơn. Các khu phố hiện đại với đủ loại phong cách kiến trúc xuất hiện, các góc phố trở nên giống nhau với các cửa hàng café, ăn uống nhượng quyền thương mại như Starbuck, Lotteria, KFC, ….. Tuy nhiên, giữa nhiều sự lựa chọn đó, người dân và du khách vẫn cảm thấy thú vị hơn với những quán café trà đá vỉa hè, café đường tàu ồn ào, chật chội… để thực sự được sống và cảm nhận cái hồn của đô thị.

Tạo lập bản sắc đô thị: Cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng!

Dự án khôi phục và tái tạo Diriyah, một TP truyền thống rộng lớn xây dựng từ thế kỷ 18, từng là thủ đô và thành trì của nhà nước Ả Rập Xê Út đầu tiên. Ảnh: internet

Để giữ gìn và tạo lập bản sắc đô thị trong thời đại công nghệ mới, điều quan trọng là phải đảm bảo các yếu tố bản sắc thực sự được nhận diện và tất cả tiếng nói của cộng đồng đều được lắng nghe. Đầu tiên, chúng ta cần phải xây dựng tầm nhìn phát triển trong tương lai của TP dựa trên những đánh giá sâu sắc về tình hình hiện tại. Những đánh giá như vậy cần bao gồm tất cả các bên liên quan tham gia: Chính quyền, các nhà chuyên môn: KTS, nhà quy hoạch, nhà bảo tồn di tích, những người làm trong lĩnh vực văn hóa – lịch sử, hạ tầng kĩ thuật,… cho tới tất cả người dân sinh sống tại các quận, huyện và các khu vực lân cận. Sự tham gia của cộng đồng vào việc lập kế hoạch và ra quyết định, sẽ giúp đưa ra những dự án hợp lý, tăng cường các hoạt động xã hội, phù hợp với mọi đối tượng trong xã hội, và cuối cùng, tất nhiên là sẽ giúp bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị theo hướng tốt nhất. Cũng cần nhận thức được rằng bản sắc đô thị đóng vai trò quan trọng để tạo ra kết nối với thế giới và tăng tiềm năng phát triển kinh tế của TP. Các chiến lược thực tiễn để quản lý thành phố cũng cần xem xét đến tính độc đáo của đô thị. Đồng thời cũng cần nghiên cứu đến tất cả các mối đe dọa có thể tác động đến bản sắc đô thị.

Trong các thập kỷ vừa qua, nhiều TP đã thành công trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị. Ngược lại với Singapore, các TP châu Á khác, từ Thượng Hải đến Tokyo, Mumbai, Bangkok, Hồng Kông vẫn có thể duy trì được sự hấp dẫn, sinh lực và tính năng động của mình. Nhờ biết lắng nghe và quan tâm tới cộng đồng, họ đã dùng chính cái trật tự hỗn loạn đặc trưng của các đô thị Châu Á để phát triển mạnh mẽ, thu hút và hấp dẫn hơn. Các trung tâm thương mại náo nhiệt Hồng Kông, các khu phố chằng chịt mà hấp dẫn ở Bangkok hoặc Tokyo, dải phố bờ kè ven sông Hoàng Phố, các khu phố cổ “Longtang” (Lộng đường) ở Thượng Hải là điển hình của việc gìn giữ tính bản địa sinh động của đô thị.

Café đường tàu, Hà Nội. Ảnh: Internet

Những năm gần đây, nhiều nước châu Á cũng đã thay đổi quan điểm thiết kế và quy hoạch đô thị, không hoàn toàn mô phỏng theo mô hình đô thị hiện đại Châu Âu mà tìm ra hướng phát triển của riêng mình. Các nhà quy hoạch đô thị Châu Âu cũng đã nghiêm túc xem xét lại định hướng phát triển, tìm ra hướng đi mới đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Nhiều lối quy hoạch mang tính hiện đại, bảo tồn và duy trì ký ức, giữ gìn và phát huy bản sắc đã được nghiên cứu và áp dụng đem lại hạnh phúc và công bằng cho cộng đồng.

Tạm kết: Câu chuyện tạo lập bản sắc đô thị tuy cũ nhưng luôn mới. Đây cũng là giải pháp tạo bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa – xã hội gắn liền với phát triển bền vững đô thị. Và cũng là cơ sở để đất nước phát triển nhanh chóng và tạo dấu ấn trên toàn cầu. Vì sự thay đổi liên tục là tính tất yếu của lịch sử, đề tài này vẫn là vấn đề đa ngành cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa trong tương lai, nên tác giả rất mong nhận được góp ý và trao đổi thêm.

Khu dân cư Longtang chật chội ở Thượng Hải. Ảnh: internet

ThS. Lê Thị Hoàng Nhi – ThS. Lê Thị Thu Hà
Đại học Duy Tân – Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)


Tài liệu tham khảo
1. Landscape and Urban Planning, SalehAl-HathloulaMuhammadAslam Mughalb, 1999
2. The global identity of cities: Seven steps to build reputation and visibility for competitiveness and resilience,Greg Clark, Marek Gootman, Max Bouchet, and Tim Moonen, 2020
3. Transformation of the city identity: Causes and Effects, Mohsen Aboutorabi, Bushra Zalloom, 2017

The post Tạo lập bản sắc đô thị cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/nIXkEsN
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét